Giá ở đâu đó có người đợi tôi

Chương 09 phần 2



Đêm đó cô không tài nào chợp mắt được nhưng cô đã quen thức trắng đêm như vậy. Cô hầu như không ngủ nữa. Có tình trạng ấy là vì những hoạt động thể chất ban ngày chưa đủ khiến cô mệt mỏi. Đó là cách lý giải của bác sĩ. Các con trai cô đã sang ở cùng cha chúng và cô chỉ còn biết khóc.

Khóc. Khóc mãi. Khóc hoài.

Cô suy sụp, cô thôi không cố gắng cứu vãn tình thế nữa, cô buông xuôi mọi chuyện, mặc cho muốn đến đâu thì đến. Cô bất cần, cô nghĩ như bây giờ là tốt rồi, phải chuyển sang việc khác và tìm tòi theo một hướng khác bởi vị bác sĩ kia có phán cô không mệt mỏi gì cũng vô ích, dẫu có khoác lên người chiếc áo blouse sạch sẽ tinh tươm và tuôn ra những lời lẽ phức tạp thì cũng hoài công, ông ta cũng chẳng thể hiểu được chuyện này. Sự thật là cô đang kiệt sức. Hoàn toàn kiệt sức.

Cô khóc bởi rốt cuộc cô đã gọi cho Pierre. Cô đã luôn biết cách xoay sở để có được số điện thoại của anh, đã nhiều lần cô ấn mười con số ngăn cách cô với anh, nghe giọng anh rồi vội vã gác máy. Thậm chí có lần, cô đã bám theo anh cả một ngày trời bởi vì cô muốn biết anh sống ở đâu, lái xe hiệu gì, làm việc ở đâu, ăn mặc ra sao và có vẻ lo lắng hay không. Cô cũng đã bám theo vợ của anh. Cô buộc phải công nhận rằng người phụ nữ xinh đẹp và vui tươi rạng ngời và người ấy đã sinh được cho anh những đứa con.

Cô khóc vì hôm nay, tim cô đã đập trở lại trong khi đã từ lâu nay cô không tin vào điều ấy nữa. Cô đã có một cuộc sống còn nghiệt ngã hơn những gì trước đây cô từng hình dung. Nhất là cô đã biết đến nỗi cô đơn. Cô ngỡ lúc này đã là quá muộn để cảm nhận điều gì đó, rằng cô đã phung phí hết vận may của mình rồi. Nhất là từ khi Họ tỏ ra quan tâm đến việc lấy mẫu máu đều đặn mỗi ngày, một cuộc kiểm tra ngẫu nhiên cũ rích bởi vì cô cảm thấy cơ thể rệu rã. Tất cả bọn họ, từ những tay bác sĩ làng nhàng đến những bậc đại giáo sư đều đưa ra cùng một kết luận về những triệu chứng này nhưng không nói được gì nhiều khi đề cập đến phương pháp chữa trị.

Cô khóc vì biết bao nhiêu là lý do, nhiều đến mức cô không muốn nghĩ đến chúng nữa. Đã đến lúc cô phải gánh chịu hậu quả của những việc mình làm từ trước đến nay. Thế nên, để tự vệ chút đỉnh, cô tự nhủ mình khóc là để hưởng niềm vui được khóc và tất cả chỉ có thế.

*

* *

Khi tôi đến, cô ấy đã đợi sẵn ở đó và mỉm cười với tôi. Cô ấy còn bảo chắc chắn đây là lần đầu tiên em không bắt anh phải đợi, anh thấy đấy, không nên vội thất vọng và tôi, tôi bảo cô ấy rằng tôi chưa từng thất vọng.

Chúng tôi không ôm hôn nhau. Tôi bảo cô ấy em chẳng thay đổi gì cả. Nhận xét như thế quả là ngu xuẩn nhưng đó chính là điều tôi nghĩ, chưa kể tôi thấy cô ấy còn xinh đẹp hơn trước. Cô ấy trông rất xanh xao và những mạch máu li ti màu xanh hiện lên rõ mồn một quanh hai mắt, trên hai mí mắt và hai bên thái dương. Cô ấy gầy rộc đi và nét mặt còn hốc hác hơ. Cô ấy có vẻ cam chịu hơn nhiều trong khi tôi vẫn còn nhớ rất rõ ấn tượng hoạt bát linh lợi toát ra ở cô ấy trước kia. Cô ấy nhìn tôi chăm chú không rời mắt. Cô ấy muốn tôi nói chuyện với cô ấy, cô ấy muốn tôi im miệng. Cô ấy luôn mỉm cười với tôi. Cô ấy muốn gặp lại tôi và tôi thì không biết mình phải cử động chân tay như thế nào, không biết liệu tôi có thể hút thuốc hay chạm vào tay cô ấy được không.

Đó là một thành phố thảm thê. Chúng tôi đã đi bộ đến công viên, xa hơn một chút.

Chúng tôi kể cho nhau về cuộc sống hiện tại. Cuộc trò chuyện khá rời rạc. Chúng tôi đều giữ lại cho riêng mình những bí mật. Cô ấy lựa chọn câu chữ. Có một lúc, cô ấy đã hỏi tôi về sự khác biệt giữa sự rối loạn tinh thần và tình trạng vô công rồi nghề. Tôi cũng không biết nữa. Cô ấy ra hiệu cho tôi biết rằng dẫu sao đi nữa, chuyện đó cũng không quan trọng. Cô ấy bảo rằng tất cả những chuyện này đã khiến cô ấy trở nên quá cay đắng hay quá nghiệt ngã, dù thế nào chăng nữa cũng quá khác với bản tính thật sự của cô ấy.

Chúng tôi hầu như không đề cập đến căn bệnh của cô ấy, trừ có lúc cô ấy nhắc đến những đứa con của mình, nói rằng đối với chúng đó không còn là cuộc sống nữa rồi. Cách đây ít lâu, cô ấy muốn nấu mì cho chúng và cô ấy thậm chí không thể thực hiện ý định đó vì cái nồi nước quá nặng để cô ấy có thể nhấc nó lên và rằng không, thực sự đó không còn là cuộc sống nữa rồi. Thời gian sống cùng với cô, chúng đã phải đau buồn nhiều hơn là hiện tại.

Cô ấy bắt tôi kể về vợ và các con tôi, về công việc tôi đang làm. Thậm chí cả về Marcheron. Cô ấy muốn biết tất cả mọi chuyện nhưng tôi thấy rõ rằng phần lớn thời gian, cô ấy đâu có để ý nghe tôi nói.

Chúng tôi ngồi xuống một băng ghế trang trí hình vảy cá đối diện với một đài phun nước khô ron, có lẽ là từ ngày cắt băng khánh thành đến giờ. Mọi thứ đều xấu xí. U ám và xấu xí. Sương bắt đầu rơi và chúng tôi ngồi xích lại gần hơn một chút để sưởi ấm cho nhau.

Cuối cùng, cô ấy đứng dậy, đã đến lúc cô ấy phải về.

Cô ấy nói em muốn cầu xin anh một đặc ân, chỉ một mà thôi. Em muốn cảm nhận anh. Và vì tôi không trả lời, cô ấy đã trả lời suốt những năm qua, cô ấy đã muốn cảm nhận mùi da thịt tôi. Tôi ghì thật chặt tay mình tận đáy túi áo khoác bởi nếu không làm thế, hẳn tôi sẽ…

Cô ấy đi vòng ra sau lưng tôi và cúi xuống tóc tôi. Cô ấy giữ nguyên tư thế ấy một lúc lâu và tôi cảm thấy khó chịu vô cùng. Rồi sau đó, cô ấy đưa mũi xuống hõm gáy tôi và vòng quanh đầu tôi, cô ấy nhẩn nha một chút vội vàng, thế rồi cô ấy ngửi dọc theo cổ tôi xuống đến cổ áo sơ mi. Cô ấy hít hà và cũng để nguyên hai tay chắp sau lưng. Rồi cô ấy nới nỏng cà vạt của tôi và mở hai nút đầu tiên trên sơ mi và tôi cảm thấy chóp mũi lạnh toát của cô ấy sát vào phần đầu xương đòn của mình, tôi… tôi…

Tôi đã có một động tác hơi có phần đột ngột. Cô ấy ngước lên và đặt cả hai bàn tay xương xương lên vai tôi. Cô ấy bảo rằng em đi đây. Em muốn anh đừng nhúc nhích và đừng quay đầu lại nhìn. Em van anh. Em van anh đấy.

Tôi không nhúc nhích. Dẫu sao chăng nữa tôi cũng không muốn làm thế bởi tôi không muốn cô ấy nhìn thấy cặp mắt sưng mọng và vẻ mặt nhăn nhúm.

Tôi đã chờ đủ lâu rồi tôi trở ra xe.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.