Già Quá Sớm, Khôn Quá Muộn

CHƯƠNG 19



Năm bốn mươi ba tuổi, tôi đang phải theo một khoá huấn luyện về tâm lý học liệu pháp. Một ngày nọ, bác sĩ phân tích bảo tôi rằng tôi là con nuôi. Lúc đó, tôi đang nằm trên giường và trước đó ít ngày, tôi đã tham gia vào một hội nghị nơi có khá nhiều người trưởng thành nói chuyện về tìm kiếm những người đã sinh ra mình. Bác sĩ tâm lý hỏi tôi sẽ làm gì nếu tôi ở vào vị trí của họ, tôi đáp lại rằng chắc chắn là tôi sẽ đi tìm cha mẹ đẻ của mình và ông ta khuyên: «Hãy bắt đầu tìm kiếm đi! ».
– Ông nói gì? Tôi là con nuôi sao?
– Phải!
– Làm sao mà ông biết được?
Ông ta biết là vì trong một khoá học tư về liệu pháp điều khiển hơi thở để thư giãn, bác sĩ tâm lý của vợ tôi đã tiến lại gần và hỏi ông ta rằng: «Tiến sĩ Livingston có biết ông ấy là con nuôi hay không? ». Ông này trả lời: «Tôi không thấy ông ấy đề cập đến vấn đề đó».
Hoá ra là vợ tôi đã biết về vấn đề này nhiều năm trước đó qua câu chuyện của những bạn bè trong gia đình nhưng cô ấy cho rằng đó là quyền lựa chọn của cha mẹ tôi để bảo cho tôi biết hay là không. Cô ấy thảo luận việc ấy với họ và họ đã từ chối. Cho nên cô ấy kể cho bác sĩ tâm lý của cô ấy nghe, ông này kể cho bác sĩ của tôi và ông ấy tìm ra một cách là đưa sự thật ra theo cách đối thoại một chiều của khoá học tâm lý. Tôi luôn luôn biết ơn ông về việc có đủ can đảm để làm như vậy.
Vào lúc đó tôi cảm thấy tin này làm tôi khó xử. Cha mẹ tôi không bao giờ đề cập đến vấn đề này. Đôi khi tôi tự hỏi là tại sao cha tôi, một nghệ sĩ nhiếp ảnh mà lại không bao giờ chụp ảnh cho tôi trước một tuổi. Tôi cũng hơi băn khoăn về việc tại sao tôi sinh ra ở Memphis mà cha mẹ tôi lúc đó lại sống Ở Chicago. Cha tôi làm việc cho nhà nước và ông giải thích cho tôi rằng có đôi khi cha mẹ tôi đến Tennessee theo những nhiệm kỳ tạm thời. Giấy khai sinh của tôi, trong đó viết rằng tôi là con của họ, do đó rõ ràng là một lời nói dối.
Mẹ tôi chết trước khi tôi tìm ra nhân thân thực của mình một thời gian ngắn. Cuộc trò chuyện với cha tôi quả thực là khá khó khăn. Tôi phải lựa chọn giữa một bên là sự giận dữ vì bị lừa và lòng thông cảm với nỗi sợ của cha tôi rằng nếu tôi biết, tôi sẽ không còn giữ được tình cảm của tôi đối với cha như một đứa con đẻ thực thụ. Thật ra, tôi rất háo hức để tìm ra ai là bố mẹ đẻ của mình và cảm thấy dễ chịu hơn khi nghĩ rằng tôi sẽ hơi khác cha tôi vì không cùng dòng giống. Tôi cảm thấy mình tự do và tò mò, một chút nhẹ lòng nữa. Cha tôi chỉ có thể nhớ một vài chi tiết về việc nhận con nuôi và thề rằng ông không biết tên thật của tôi. Lời tuyên bố này về sau hoá ra là một lời nói dối.
Tôi tới Memphis và tiếp xúc với một luật sư, người này thông qua sự hiểu biết về địa phương và những mối quan hệ cá nhân đã lấy được hồ sơ về việc nhận tôi làm con nuôi. Giấy tờ được toà án địa phương đóng dấu nhiều năm trước đây. Trên giấy tờ có tên tôi, David Alfred Faulk và tên mẹ đẻ ra tôi là Ruth. Hoá ra là người ta đã bỏ rơi tôi ở trại trẻ tại Tennessee, nơi có đường đây thực hiện việc mua bán trẻ em khét tiếng thông qua một viên chánh án xấu xa, ông ta cung cấp lệnh – nhiều khi là bất hợp pháp của toà án để cho phép đứa trẻ ra khỏi trại. Hãng này cung cấp trẻ em cho các bậc phụ huynh tiềm năng giàu có ở khắp đất nước. Tôi đã gọi điện cho cha tôi và hỏi xem ông đã trả bao nhiêu để được nhận tôi. Nhiều người băn khoăn là lũ trẻ đáng giá bao nhiêu? Nay tôi đã biết: 500$.
Người luật sư bảo tôi là hãy để công việc tìm kiếm cho ông ta lo. «Tôi không biết là ông sẽ tìm thấy gì. Một vài trong số những đứa trẻ này được sinh ra từ những nhà thương điên của nhà nước đấy». Tôi tìm ra rằng tôi có thể đương đầu với bất cứ cái gì và bất cứ ai mà tôi khám phá ra. Tôi cũng hiểu ra rằng biết thì tốt hơn là không biết.
Những người đầu tiên mà tôi tìm ra là các thành viên của gia đình đã giữ tôi vào năm đầu tiên của cuộc đời. Tôi chỉ có họ cho nên tôi bèn dùng đanh bạ điện thoại của Memphis để tìm ra nơi họ ở. Sau mười cú gọi và tôi luôn phải giải thích rằng tôi là ai, tôi nghe thấy người đàn ông ở đầu đây bên kia quay sang gọi một người nào đó: «Mẹ ơi, bố gọi này», mẹ nuôi tôi là một phụ nữ khoảng tám mươi tuổi, khi tôi đến thăm, bà đã mang ra cho tôi xem một tấm ảnh được chụp ở hiệu ảnh khi tôi khoảng sáu tháng tuổi. Chồng bà điều hành một trạm bán xăng. Không đứa con nào của bà được đi học. Tôi cố tưởng tượng hình ảnh của mình nếu tôi sống ở Tennessee với chiếc mũ đội đầu và bộ đồng phục thợ máy với chữ «Bo» trên ngực áo. Cả gia đình tụ tập lại để chào đón tôi trở về. Họ nói là mẹ đẻ tôi, người đã bỏ tôi lại cho họ là người từ Vicksburg, bang Mississipi tới.
Tôi bắt đầu gọi những người tên là Faulk ở trong danh bạ điện thoại của vùng Vicksburg và nhanh chóng tìm ra bà chị gái của mẹ tôi. Lần này tôi tự giới thiệu rằng tôi là con trai của một người bạn và hỏi xem Ruth đang ở đâu. Chị gái mẹ tôi nói bà hiện đang sống ở Atlanta và làm việc cho một nhà xuất bản. Tôi đi đến đó và gọi cho bà. Tôi nói với bà tôi là ai và tôi muốn gặp bà. Khi cánh cửa căn hộ mở ra. Tôi thấy một người thật quá giống tôi. Câu đầu tiên bà hỏi là «Tại sao con lâu đến với mẹ như vậy? ».
Bà đã từng là cô giáo tiểu học và sinh ra trong một gia đình sùng đạo, có mang vì tình với một người đàn ông không muốn cưới bà mà chỉ cho bà một số tiền để bà có thể nạo thai bất hợp pháp. Bà suy sụp, đi đến Memphis, sinh ra tôi và để tôi lại cho gia đình đó, dự định là quay lại để đón tôi. Khi bà gọi cho hãng thì đã quá muộn. Bà không bao giờ lấy chồng «vì cảm thấy không xứng đáng». Bà dạy tiểu học và trong thực tế đã thay đổi các lớp học để có thể dạy trong những lớp mà bà nghĩ tôi học đến đó. Bà đã không bao giờ tha thứ cho mình vì đã «không đương đầu được với hoàn cảnh» để nuôi tôi. Bà cảm thầy nhẹ lòng khi thấy tôi sống ổn thoả và tôi cũng tỏ lòng biết ơn bà vì bà đã sinh tôi ra đời.
Tất nhiên, tôi cũng tò mò muốn biết về ông bố đẻ của tôi. Ruth đưa tên của ông ta cho tôi, ông ta chết cách đó mấy năm, để lại phía sau một cô con gái. Tôi tìm ra nơi cô này ở và gọi điện cho cô vì nghĩ rằng mình vốn là con một thì nay cuối cùng đã tìm được một người chị cùng cha khác mẹ. Cô ta vui mừng được gặp tôi nhưng hình như cô ấy cũng là con nuôi. Cô ấy đang nghĩ đến việc đi tìm bố mẹ đẻ của mình.
Vậy thì chúng tôi có quan hệ với nhau nhưng chúng tôi có phải có cùng một ông bố hay không thì khó biết. Không biết bố tôi nghĩ gì khi không thể sinh một đứa con với vợ mình mà lại phải mang nặng bí mật về một đứa con trai không biết lưu lạc nơi nào. Con gái ông ta tặng tôi một tấm ảnh của ông. Đó là tất cả những gì tôi có về ông. Tôi biết những đứa trẻ có cha chết trận cảm thấy như thế nào khi chúng nhìn vào những tấm ảnh đã ố vàng hình cha chúng, người mà chúng không bao giờ và không thể gặp được. Tôi tưởng tượng như nhìn thấy nỗi buồn trong mắt cha tôi. Giá mà tôi có thể nói chuyện với ông một lát, để nói với ông rằng cuối cùng thì mọi chuyện cũng ổn, rằng dù sao thì cũng có một điều gì tốt đẹp đã xảy ra từ lỗi lầm của ông. Nếu tôi không thể yêu ông được, tôi ước mình có thể đem lại cho ông sự thanh thản.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.