Giã từ vũ khí

Chương 11



Cha tuyên úy đến vào lúc trời chập choạng tối. Họ đã mang xúp lên rồi sau đó dọn dẹp chén bát, và tôi đang nằm lặng ngắm từng dãy giường và đưa mắt nhìn ra cửa sổ. Những ngọn cây sẽ lay động theo làn gió chiều. Gió thổi qua cửa sổ và trời về chiều mát mẻ. Ruồi đang bám đầy ở trần nhà, trên bóng đèn rủ xuống, ở đầu dây đèn, người ta chỉ bật đèn lên khi cần mang thương binh tới hay làm việc gì khác. Điều ấy làm cho tôi thích thú mỗi khi đêm đến theo sau hoàng hôn. Cảm giác này giống như thức cảm giác được người ta mang mình vào giường sau buổi ăn tối. Y tá tiến lại những dãy giường rồi ngừng lại. Có ai đi theo sau anh ta. Đó là cha tuyên úy. Ông dừng lại, người nhỏ bé, khuôn mặt sạm nâu, cử chỉ bối rối.

– Anh có mạnh không? – Ông hỏi tôi và để mấy gói đồ xuống cạnh giường.

– Thưa cha, tôi vẫn khỏe.

Ông ngồi xuống chiếc ghế mà khi nãy Rinaldi ngồi rồi đưa mắt bối rối nhìn qua cửa sổ. Tôi nhận thấy khuôn mặt ông có vẻ mệt mỏi chán chường.

– Tôi chỉ ở lại đây được một tí thôi – Ông bảo – Muộn rồi.

– Chưa muộn đâu ạ. Họ vẫn còn trêu cha trong bữa ăn nữa không?

Ông mỉm cười.

– Tôi vẫn là đề tài cho họ đùa cợt. – Giọng nói nghe mệt mỏi làm sao – Nhờ trời họ vẫn khỏe mạnh cả. Thấy anh bình yên tôi mừng lắm. Mong rằng anh không đau đớn nhiều.

Trông ông có vẻ mệt mỏi lạ và từ trước tôi không hề trông thấy thế bao giờ. Tôi nói:

– Không, không, bây giờ tôi không thấy đau ạ.

– Trong bữa ăn, chúng tôi nhớ anh nhiều.

– Tôi mong chóng mạnh lại để còn có thể dự bữa ăn chung. Tôi luôn luôn thích được nghe cha nói chuyện.

– Tôi có mang cho anh vài món lặt vặt – Ông vừa nói vừa xách những gói đồ lên – Đây là cái màn, còn đây là chai rượu Vermouth. Anh thích chứ? Còn đây là báo chí Anh.

– Xin cha mở hộ.

Ông có vẻ rất hài lòng. Ông mở mấy gói đồ ra. Tôi cầm chiếc màn trên tay. Ông giơ chai Vermouth lên cho tôi xem rồi đặt xuống cạnh giường. Tôi cầm lên một tập báo Anh. Tôi có thể đọc tên tờ báo khi quay ra ánh sáng nhờ nhờ ở cửa sổ. Đó là tờ Tin tức thế giới.

– Những tờ kia có hình ảnh – Ông nói.

– Còn gì sung sướng cho bằng được đọc những tờ báo này. Ở đâu mà cha có được?

– Tôi cử người về lấy ở Mestre. Tôi sẽ xin thêm nữa.

– Cha đến thăm, thật quý hóa quá. Xin mời cha một li Vermouth nhé.

– Không, cám ơn anh. Anh nên giữ lấy để mà uống, của anh đấy.

– Không, cha uống với tôi một li.

– Thôi được rồi. Tôi sẽ mang thêm vào cho anh.

Y tá mang li tới và mở chai Vermouth. Anh ta làm gẫy nút chai nửa chừng cho nên phải đẩy phần nút chai còn lại vào trong chai. Tôi thấy vị linh mục không được hài lòng nhưng ông nói:

– Thôi cũng được. Chẳng sao cả.

– Xin uống mừng sức khỏe của cha.

– Cầu cho anh chóng bình phục.

Cha tuyên úy nâng li và chúng tôi nhìn nhau. Chúng tôi đã từng đàm đạo với nhau rất tương đắc nhưng đêm nay nghe chừng khó khăn làm sao.

– Có việc gì thế cha? Trông cha mệt mỏi quá.

– Tôi mệt mỏi, nhưng thực ra tôi không có quyền làm như thế.

– Có lẽ tại trời nóng.

– Không, bây giờ mới mùa xuân. Tôi thấy buồn chán quá.

– Cha buồn vô cớ?

– Không mà, tôi ghét chiến tranh.

– Tôi cũng chẳng ưa gì – Tôi nói.

Ông lắc đầu nhìn ra cửa sổ.

– Anh đừng để ý đến chuyện đó. Anh không thấy rõ nó. Chết, xin lỗi, tôi biết là anh bị thương.

– Chẳng qua đó chỉ là một tai nạn.

– Dù cho có bị thương anh cũng không thấy rõ chiến tranh. Tôi đoán chắc thôi. Chính tôi cũng không thấy cái tai hại của nó. Nhưng tôi thấy được… đôi điều.

– Lúc trước khi tôi bị thương, chúng tôi có đề cập đến vấn đề đó. Passini có nói đến điều ấy.

Cha tuyên úy đặt li xuống. Ông nghĩ ngợi sang chuyện khác.

– Tôi hiểu bọn họ vì tôi cũng giống như họ – Ông nói.

– Dù sao cha cũng khác họ chứ.

– Nhưng thật ra tôi cũng giống như họ mà thôi.

– Bọn sĩ quan không hiểu gì cả.

– Có một vài người thấy được. Có vài người tế nhị và cảm thấy khốn khổ hơn cả chúng ta nữa.

– Đa số không giống thế.

– Đó không phải là do giáo dục hoặc tiền bạc nhưng vì một cái gì đó khác hơn. Dù rằng họ có giáo dục và tiền bạc đi nữa thì những người như Passini đâu có ao ước trở thành một sĩ quan. Tôi cũng thế.

– Nhưng cha cũng được coi là một sĩ quan. Tôi cũng là một sĩ quan.

– Thật ra tôi không phải thế. Anh cũng không phải là một người Ý chính cống nữa. Anh là một người ngoại quốc. Nhưng tâm hồn anh gần sĩ quan hơn gần con người.

– Khác nhau ở chỗ nào?

– Tôi cũng khó diễn tả được. Có nhiều người là du kích. Trong nước này có rất nhiều người như thế. Nhiều người khác lại giống họ.

– Những người du kích sẽ bước những người khia chiến đấu.

– Đúng thế.

– Và tôi sẽ giúp họ.

– Anh là người ngoại quốc. Anh là người yêu nước.

– Còn những người chống chiến tranh? Liệu họ có thể làm cho chiến tranh ngưng lại được không?

– Tôi cũng không hiểu được.

Ông lại nhìn ra cửa sổ. Tôi ngắm khuôn mặt ông.

– Có khi nào họ đầy đủ khả năng để chận đứng chiến tranh không?

– Họ không được tổ chức ngăn chặn mọi việc, nhưng khi họ được tổ chức rồi thì những người lãnh đạo lại phản bội họ.

– Vậy thì không có hi vọng à?

– Không bao giờ lại vô hi vọng. Nhưng có nhiều khi tôi không đủ sức để hi vọng. Tôi luôn cố gắng hi vọng nhưng lại chịu thua.

– Có thể chiến tranh sẽ chấm dứt?

– Tôi hi vọng như thế.

– Vậy cha sẽ làm gì khi ấy?

– Nếu tiện thì tôi sẽ trở lại Abruzzi.

Gương mặt sạm nâu của ông bỗng trở nên rạng rỡ.

– Cha yêu vùng Abruzzi đến thế cơ à?

– Vâng, rất yêu.

– Vậy khi ấy cha nên về đó.

– Tôi sẽ hạnh phúc lắm. Tôi sẽ sống mãi ở đó để yêu kính Chúa và phụng sự Ngài.

– Và người ta sẽ kính trọng cha – Tôi nói.

– Vâng, tôi sẽ được kính nể. Tại sao không chứ?

– Không có lí do gì mà không kính nể cha cả. Cha sẽ được mọi người kính nể.

– Điều đó không thành vấn đề. Nhưng ở quê hương tôi người ta nhìn nhận rằng con người phải yêu mến Chúa. Đó không phải là một chuyện đùa.

– Tôi hiểu.

Ông nhìn tôi mỉm cười.

– Anh hiểu mà lại không yêu Chúa.

– Không.

– Anh không yêu Ngài tí nào sao? – Ông hỏi.

– Đôi khi về đêm tôi còn sợ Ngài nữa là khác.

– Anh nên yêu mến Ngài.

– Tôi không yêu nhiều lắm.

– Thực đấy – Ông nói – Anh nên yêu Chúa. Những gì anh đã kể cho tôi nghe trong những đêm qua rồi, không phải là tình yêu. Đó chỉ là đam mê và dục vọng. Khi yêu, người ta ao ước được làm một cái gì cho người mình yêu. Người ta muốn hi sinh, muốn phục vụ.

– Tôi không có tình yêu.

– Rồi anh sẽ yêu. Tôi biết rồi anh sẽ yêu và khi đó anh sẽ hạnh phúc.

– Tôi hạnh phúc, lúc nào tôi cũng hạnh phúc.

– Đó là chuyện khác. Anh không hề biết tí gì về tình yêu chỉ trừ khi nào anh có yêu.

– Được rồi – Tôi bảo – Hễ khi nào yêu, tôi sẽ báo cho cha hay.

– Tôi đã ngồi lại quá lâu và nói chuyện nhiều rồi – Ông tỏ vẻ ái ngại.

– Khoan đã. Cha đừng đi vội. Cha nghĩ thế nào về tình yêu phụ nữ? Nếu thực tôi có yêu một người đàn bà nào đó thì chuyện có xảy ra như cha nói không?

– Tôi không hề biết được chuyện đó vì tôi chưa từng yêu một người đàn bà nào cả.

– Thế còn mẹ của cha?

– Dĩ nhiên là tôi phải yêu mẹ tôi rồi.

– Có phải lúc nào cha cũng yêu Chúa không?

– Ngay từ lúc tôi còn bé đến giờ.

– Thế à? – Không biết phải nói những gì tiếp nữa, tôi bảo – Cha thật là một thanh niên tốt.

– Tôi còn là một thanh niên, thế mà anh lại gọi tôi bằng cha.

– Đó là vì lễ phép thôi.

Cha mỉm cười.

– Tôi phải đi đây, nói thật đấy. Có đúng là anh không cần gì nữa không? – Ông hỏi, mắt ánh lên chút hi vọng.

– Không, chỉ để nói chuyện thôi.

– Tôi sẽ chuyển lời chào của anh trong bữa ăn chung.

– Cám ơn cha về những tặng phẩm đẹp.

– Có gì đâu.

– Cha nhớ đến thăm tôi nhé?

– Vâng, thôi chào anh – Ông vỗ nhẹ lên tay tôi.

– Chào cha – Tôi nói bằng giọng địa phương.

– Chào anh – Ông đáp lại.

Trong phòng tối om và người y tá ngồi ở chân giường đứng lên, đi ra ngoài với cha tuyên úy. Tôi rất thích ông và mong ông được trở về Abruzzi một ngày nào đó. Ở những buổi ăn chung, người ta trêu cợt ông thế mà ông vẫn tử tế với họ. Tôi nghĩ về cuộc sống ở quê hương ông, ông đã từng kể cho tôi nghe, ở Capracotta cá lội nhởn nhơ như ở hạ lưu, suối lượn qua thành phố. Ở đó người ta cấm chơi sáo ban đêm. Người ta cấm thổi sáo. Tôi hỏi tại sao. Vì ban đêm, tiếng sáo rất nguy hiểm cho các cô thiếu nữ. Nơi đó các bác nông dân đều gọi bạn là Ngài và khi bạn gặp họ, họ kính cẩn giở mũ ra chào. Cha của vị linh mục mỗi ngày đều đi lễ và thường dừng chân tại nhà các bác nông dân dùng cơm. Đó luôn luôn là điều vinh dự đôi với họ. Ở đó đôi với người ngoại quốc, khi muốn đi săn họ phải trình chứng chỉ tỏ rằng họ chưa hề bị bắt lần nào. Ở Gran Sasso D’Italia có cả gấu nữa, nhưng rất xa. Thành phố Aquila rất đẹp. Về mùa hạ, ban đêm trời mát và mùa xuân Abruzziđẹp nhất ở Ý. Nhưng dễ chịu nhất là mùa thu, mùa săn bắn trong rừng dẻ. Chim chóc đều ăn được vì chúng ăn toàn nho. Không bao giờ bạn phải mang bữa trưa vì các bác nông dân luôn luôn lấy làm hãnh diện nếu bạn ở lại ăn ngay ở nhà họ. Nghĩ ngợi một lát, tôi ngủ thiếp đi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.