Giã từ vũ khí

Chương 34



Tôi có ý cải trang khi mặc bộ thường phục.

Khoác bộ thường phục vào người tôi cảm thấy mình là một kẻ giả trang. Vì đã mặc quân phục quá lâu nên tôi mất cảm giác của người được mặc thường phục. Chiếc quần dài đối với tôi quá rộng. Tôi đã mua vé đi từ Milan đến Stresa. Tôi cũng mua một chiếc mũ mới vì tôi không thể đội mũ của Sim được, nhưng quần áo của anh thì rất vừa vặn, chúng có mùi thuốc lá. Tôi ngồi trong toa xe nhìn ra cửa sổ. Cái mũ của tôi trông rất mới, còn bộ đồ thì lại trông quá cũ. Riêng tôi thì cảm thấy buồn thấm thía không khác chi miền Lombardie ướt át mà tôi thấy đang dàn ra ngoài cửa sổ. Trong toa có vài viên phi công. Họ bình phẩm không hay về tôi. Họ tránh nhìn tôi và có vẻ rất coi thường một người ở tuổi tôi mà mặc thường phục. Tôi không thấy bực bội gì cả. Trước đây nếu như thế có lẽ tôi đã mắng họ và đánh nhau với họ. Đến Gallarate thì họ xuống. Tôi khoan khoái được ngồi một mình trong toa. Tôi có mang theo báo nhưng tôi không đọc vì tôi không thích nghe nói về chiến tranh. Tôi muốn quên chiến tranh. Tôi đã tạo nên cho mình một hòa bình riêng rẽ. Tôi cảm thấy rất cô độc và khi xe lửa đến Stresa tôi thấy hạnh phúc vô cùng.

Đến nhà ga, tôi mong tìm được phu khuân vác của khách sạn nhưng không có người nào cả. Mùa du lịch đã qua lâu rồi và không có ai đến tận ga để rước khách nữa. Tôi xuống xe lửa với cái va li. Chiếc va li nhẹ nhàng dễ mang của Sim vì nó chỉ có hai chiếc áo sơ mi. Tôi đứng dưới mái hiên nhà ga tránh mưa trong lúc con tàu từ từ chuyển bánh. Tôi gặp một người ở sân ga và hỏi thăm xem khách sạn nào còn mở cửa. Khách sạn Grand Hotel và Iles Borromées và nhiều khách sạn nhỏ khác vẫn mở cửa suốt năm. Tôi xách va li đi dưới mưa đến khách sạn Iles Borromées. Một xe ngựa chạy tới, tôi ra hiệu cho người xà ích. Đi bằng xe ngựa đến đó tốt hơn. Xe dừng trước cổng dành cho xe cộ và người gác cổng lễ phép mang áo mưa ra đón.

Tôi chọn lấy một phòng tốt, phòng rộng rãi sáng sủa và nhìn ra hồ. Mây bay sà xuống thấp nhưng khi có ánh mặt trời quang cảnh trông đẹp hơn. Tôi tự bảo mình đang chờ vợ mình đấy. Trong phòng có một cái giường lớn trên có trải sa tanh. Khách sạn trông rất sang trọng. Tôi đến quán rượu, theo hành lang, theo cầu thang rộng đi qua nhiều phòng. Tôi có quen biết anh chủ quán. Tôi ngồi trên chiếc ghế cao nhấm nháp đậu phụng rang và khoai chiên mỏng. Rượu Martini thanh và trong ngần.

– Ông làm gì ở đây mà mặc thường phục thế? – Anh chủ quán hỏi tôi sau khi đã pha xong một li Martini nữa.

– Tôi được nghỉ phép. Nghỉ để dưỡng bệnh.

– Ở đây không có ai cả. Tôi không biết tại sao người ta lại mở cửa khách sạn.

– Anh có thường câu cá không?

– Tôi có câu được vài con cá lớn. Câu cá vào độ này thế nào cũng được cá lớn.

– Thế thuốc lá tôi gởi cho anh, anh có nhận được không?

– Có ạ, thế ông không nhận được danh thiếp của tôi sao?

Tôi cười to lên. Tôi không kiếm đâu ra thuốc lá, anh thích loại thuốc lá tẩu của Mỹ nhưng gia đình tôi không gởi cho tôi hoặc thuốc đã có thể bị tịch thu đâu đó. Dù sao, tôi không còn nhận được thứ thuốc ấy nữa.

– Tôi sẽ kiếm ra được thôi. Mà này anh, anh có thấy hai cô gái người Anh trong thành phố không? Họ đến đây ngày hôm kia.

– Họ không ở trong khách sạn này.

– Họ là nữ y tá.

– Tôi có thấy hai cô y tá. Ông đợi tôi nhé, tôi sẽ mách ông họ ở đâu.

– Một cô là vợ tôi, tôi đến đây để gặp nàng – Tôi nói.

– Còn cô kia là vợ tôi.

– Tôi không đùa đâu.

– Xin ông tha lỗi cho câu nói đùa. Tôi không hiểu.

Hắn đi và tôi ngồi một mình một lát. Tôi ăn trái ô liu, đậu phụng rang, khoai chiên mỏng và nhìn bóng mình mặc thường phục trong chiếc gương phía sau quầy rượu. Anh chủ quán trở lại bảo:

– Họ đang ở trong một khách sạn nhỏ cạnh nhà ga – Anh nói.

– Anh có bánh sandwich không?

– Để tôi gọi lấy vài cái cho ông. Ông hiểu giùm là ở đây không có gì cả vì lúc này đang vắng khách.

– Thật không có ai cả à?

– Vâng, chỉ có một ít người thôi.

Bánh được mang tới. Tôi ăn một lúc ba cái và uống hai li Martini nữa. Tôi chưa hề được nếm một thứ rượu nào thanh ngon như thế cả; uống rượu này tôi cảm thấy mình văn minh hẳn lên. Trước tôi chỉ dùng toàn rượu chát đỏ, bánh mì không có pho mát, cà phê hạng bét và rượu nho. Tôi ngồi trên chiếc ghế đẩu cao cạnh bàn gỗ trắc đẹp và trước những tấm gương ánh đồng. Tôi không nghĩ ngợi gì cả. Anh chủ quán hỏi tôi.

– Đừng nói đến chuyện chiến tranh – Tôi bảo – Chiến tranh rất xa vời. Thực ra có một cuộc chiến tranh không? Ở đây không có chiến tranh. Tôi đinh ninh rằng chiến tranh đối với tôi đã chấm dứt rồi. Nhưng tôi không có cảm giác là chiến tranh đã chấm dứt hẳn. Tôi có cảm giác mình như là một đứa bé đang nghĩ đến những gì xảy ra ở trường học vào một giờ nào đó khi nó trốn học.

* * * * *

Catherine và Helen Ferguson đang ăn tối khi tôi đến khách sạn. Đứng ngoài hành lang tôi nhìn thấy họ đang ngồi ở bàn. Mặt của Catherine không nghiêng về phía tôi nên tôi thấy đường ngôi tóc, má, chiếc cổ và đôi vai tròn của nàng. Ferguson đang nói chuyện bỗng ngưng lại khi tôi bước vào.

– Chúa ơi! – Cô ta thốt lên.

– Chào chị – Tôi nói.

– Ô kìa, anh đấy à? – Catherine reo lên. Nét mặt nàng sáng hẳn lên. Trông nàng vô cùng sung sướng trong sự bất ngờ. Tôi hôn nàng. Catherine đỏ mặt. Tôi ngồi xuống với họ.

– Anh này giỏi nhỉ. Anh làm gì ở đây? Anh đã ăn uống gì chưa? – Ferguson hỏi.

– Chưa.

Người hầu gái vào và tôi bảo cô ta mang cho tôi một đĩa. Catherine nhìn tôi suốt, mắt tràn đầy hạnh phúc.

– Anh làm gì ở đây với bộ thường phục này? – Ferguson hỏi.

– Tôi là công chức trong một công sở mà.

– Anh đã làm điều gì bậy bạ chứ gì.

– Vui lên nào, Fergy. Hãy vui lên trong giây lát đi.

– Thấy anh tôi không vui được. Tôi biết anh đã giày vò cô gái khốn khổ này như thế nào rồi. Nhìn anh tôi đâu thể vui được.

Catherine nhìn tôi mỉm cười và lấy chân ra hiệu cho tôi dưới gầm bàn.

– Không ai giày vò em cả, chị Fergy ạ. Chính em tự muốn như thế.

– Tôi không thể chịu nổi anh ta nữa. Anh ta chẳng đã làm cho cô mất danh dự bằng những mưu mẹo của người Ý. Những người Mỹ còn xấu hơn người Ý.

– Người Tô Cách Lan thì quá đạo đức – Catherine nói.

– Ý tôi không muốn nói như thế. Tôi chỉ muốn nói đến mưu mô theo kiểu Ý của anh ấy thôi.

– Tôi mưu mô ư, cô Ferguson?

– Đúng thế. Có khi còn hơn thế nữa kia. Anh chẳng khác gì một con rắn độc dưới bộ quân phục Ý với chiếc khăn choàng quanh cổ.

– Bây giờ tôi đâu còn mặc quân phục Ý nữa.

– Chính đó lại thêm một ví dụ khác về tâm địa nham hiểm của anh. Suốt mùa hè anh chỉ lo chuyện ân ái khiến cho cô gái này có mang rồi bây giờ nếu tôi đoán không lầm thì anh tính sẽ quất ngựa truy phong.

Tôi mỉm cười nhìn Catherine và nàng cũng cười đáp lại.

– Chúng tôi sẽ quất ngựa truy phong cùng với nhau – Catherine bảo.

– Cả hai anh chị đều cùng một phẩm chất – Ferguson nói – Này Catherine Barkley, cô làm tôi xấu hổ. Cô không biết xấu hổ liêm sỉ là gì cả. Cô cũng mưu mẹo như anh ta.

– Đừng chị Fergy – Catherine vừa nói vừa vỗ nhẹ lên tay cô Ferguson – Đừng trách em tội nghiệp, chị biết rằng chúng em yêu nhau chứ.

– Bỏ tay ra – Ferguson nói (Mặt nàng ửng đỏ).

– Nếu cô biết hổ thẹn thì cô không làm thế. Nhưng nào ai biết cô có mang mấy tháng rồi, thế mà cô cứ xem như một trò đùa và vui sướng vì kẻ dụ dỗ cô quay trở lại. Cô không biết xấu hổ, không cảm thấy gì khác cả.

Ferguson òa lên khóc. Catherine đến bên nàng, choàng tay qua người nàng. Khi Catherine đứng an ủi Ferguson, tôi không thấy mặt nàng có sự thay đổi nào.

– Mặc tôi – Ferguson nửc nở rồi nói tiếp – Tôi thấy thật khủng khiếp.

– Thôi nín đi chị Fergy, đừng khóc nữa. Em thấy hổ thẹn lắm rồi chị Fergy yêu mến ạ.

– Tôi không muốn khóc nhưng lại phải khóc vì hoàn cảnh đáng sợ của cô… – Nàng nhìn vào mặt tôi rồi tiếp – Tôi thù ghét anh lắm. Catherine không làm sao cho tôi hết ghét anh được. Đồ nham hiểm xấu xa Mỹ – Ý!

Nàng khóc đỏ cả mắt, mũi.

Catherine nhìn tôi mỉm cười.

– Đừng có choàng tay qua người tôi mà lại cười với hắn như vậy.

– Chị vô lí quá chị Fergy ạ.

– Tôi biết thế – Ferguson lại nức nở – Cả hai người đừng chú ý đến tôi làm gì. Tôi bàng hoàng. Tôi không còn đủ lí trí suy xét, tôi biết lắm. Tôi mong cả hai người đều được hạnh phúc.

– Chúng em hạnh phúc lắm, chị Fergy ạ. Còn chị, chị thật dịu hiền.

Ferguson lại khóc nữa.

– Tôi không muốn hai người hạnh phúc theo cách đó. Tại sao hai người không cưới nhau? Anh chưa có vợ chứ?

– Chưa – Tôi đáp.

Catherine cười to.

– Không có gì đáng cười cả – Ferguson nói – Không thiếu gì ông có hai vợ.

– Chúng em sẽ làm lễ thành hôn để vui lòng chị – Catherine nói.

– Không phải để làm vui lòng tôi. Chính hai người phải có mong muốn được lấy nhau.

– Chúng em bận quá.

– Phải, tôi biết mà. Bận sanh con đẻ cái chứ gì.

Tôi tưởng nàng sẽ khóc nữa nhưng nàng chỉ nhận xét chua chát.

– Chắc hẳn tối nay chị sẽ đi với anh ấy chứ gì?

– Vâng, nếu anh ấy muốn – Catherine nói.

– Thế còn tôi?

– Chị có sợ ở lại lẻ loi một mình không?

– Có chứ.

– Vậy thì em sẽ ở lại với chị.

– Không, hãy đi với anh ta ngay tức khắc đi. Thấy hai người tôi khó chịu quá.

– Nhưng chúng ta hãy ăn cho xong đã chứ?

– Không, đi ngay đi.

– Chị Fergy, chị bình tĩnh lại nào.

– Tôi bảo là đi ngay đi mà, đi đi, cả hai người.

– Vậy thì chúng ta đi thôi – Tôi bảo – Tôi không chịu nổi Fergy nữa.

– Anh muốn đi lắm mà. Thấy không, anh không muốn giữ tôi lại cùng ăn. Tôi vẫn thường muốn đi viếng thăm các hồ ở Ý và đây này, tôi thấy chúng trong điều kiện nào – Nàng khóc nức nở, nhìn Catherine nghẹn ngào tức tưởi.

– Chúng em sẽ ở lại cho đến khi ăn xong – Catherine bảo – Em sẽ không bỏ chị lại một mình nếu chị muốn em ở lại. Em sẽ không bỏ chị một mình đâu, chị Fergy ạ.

– Không, không, tôi muốn cô đi đi – Nàng lau nước mắt – Tôi không còn sáng suốt nữa, xin đừng chú ý đến tôi.

Cô hầu gái phục vụ bữa ăn thấy Fergy khóc lóc, rất lúng túng trước những tiếng khóc ấy. Vì vậy khi bưng món tiếp, cô có vẻ nhẹ nhõm hơn vì mọi việc đều êm đẹp.

* * * * *

Đêm đó nơi khách sạn, phòng của chúng tôi, dãy hàng lang dài trống rỗng, giày của chúng tôi để ở ngoài cửa. Mưa rơi đập vào cửa kính và trong phòng ánh đèn vui tươi dễ chịu và êm dịu. Rồi khi ánh sáng tắt đi là sự thú vị êm ái của giường nệm tiện nghi. Cảm thấy như ở nhà mình, không cảm thấy cô đơn, thức giấc nửa đêm và thấy nàng đang ở cạnh mình. Mọi thứ còn lại như hư ảo. Chúng tôi ngủ thiếp đi khi thấm mệt và nếu một trong hai người thức giấc thì người kia cũng thức theo và vì thế không lúc nào chúng tôi thấy cô độc. Thường thường một người đàn ông mong được sống cô đơn và một người đàn bà cũng thế, nếu họ đã yêu nhau say đắm, họ lại thấy ghen về thứ tình cảm ấy. Nhưng tôi có thể thành thật nói rằng chúng tôi không bao giờ cảm thấy như thế. Khi chúng tôi ở bên cạnh nhau thì cảm giác cô đơn mới đến nhưng mà cô đơn đối với những người khác. Cảm giác đó đến với tôi chỉ có một lần. Tôi thường cảm thấy cô đơn đối với nhiều phụ nữ và cũng chính trong hoàn cảnh ấy mà người ta đang cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Nhưng đối với hai chúng tôi, không bao giờ thấy cô đơn và sợ hãi khi ở bên nhau. Tôi biết rằng đêm không thể nào giống như ngày được, và thời gian ấy mọi sự đều khác. Những sự việc của ban đêm không thể giải thích được vào ban ngày vì chúng không còn nữa. Ban đêm có thể kinh hoàng đối với những ai sống một mình khi họ bắt đầu cảm thấy cô đơn. Nhưng có Catherine bên cạnh, không thể nói rằng có sự khác biệt giữa ban đêm và ban ngày, nếu có chăng thì đó là ban đêm còn tuyệt vời hơn ban ngày nữa. Khi có những can đảm đương đầu với đời thì đời chỉ có thể đánh gục khi giết họ mà thôi. Và tất nhiên nó sẽ giết họ. Đời đánh gục nhiều người và có trường hợp sẹo sẽ hình thành ở chỗ bị đánh. Nhưng những ai không chịu để đánh gục đời lại giết họ. Đời mặc nhiên giết những người rất tốt, rất hiền, rất dũng cảm. Nếu ta không thuộc vào hạng người nào trên đây, rồi đời cũng sẽ giết ta vậy, nhưng không hối hả.

Nhớ lại buổi sáng hôm ấy khi tôi thức dậy thì Catherine hãy còn ngủ. Ánh nắng xuyên qua cửa sổ. Mưa đã tạnh. Tôi bước xuống giường đến bên cửa sổ. Dưới kia vườn cây trơ trụi lá nhưng đẹp bình dị với lối đi trải sỏi, cây cối, bức tường đá dài theo bờ hồ, và mặt hồ phản chiếu ánh mặt trời với ngọn núi xa xa. Đứng bên cửa sổ tôi say sưa ngắm cảnh và lúc quay vào thì nàng đã thức giấc và đang nhìn tôi.

– Anh khỏe không anh yêu? – Nàng hỏi – Trời đẹp tuyệt.

– Em cảm thấy thế nào?

– Tuyệt. Chúng ta đã qua một đêm thần tiên.

– Em dùng điểm tâm nhé?

Nàng muốn ăn sáng và tôi cũng thế. Chúng tôi dùng điểm tâm ngay tại giường, khay thức ăn để trên đầu gối, trong ánh sáng của mùa đông xuyên qua cửa sổ.

– Anh không thích đọc báo sao? Ở bệnh viện anh thường hay đọc báo mà.

– Không, anh không thích đọc báo lúc này.

– Thế trận khủng khiếp đến mức ngay cả anh cũng không thiết tha đọc báo nữa sao?

– Anh không muốn nghe đến nó nữa.

– Vì thế em muốn biết để cùng chia sẻ với anh.

– Thong thả anh sẽ kể cho em nghe.

– Nhưng họ có bắt anh không nếu họ tìm thấy anh trong bộ đồ thường phục như thế này?

– Họ có thể sẽ bắn anh không chừng.

– Vậy thì chúng ta không nên ở đây nữa. Chúng ta phải xuất ngoại.

– Anh đã nghĩ đến điều đó.

– Chúng ta sẽ đi, anh yêu. Anh không nên liều lĩnh một cách dại dột. Anh nói cho em nghe, anh đi bằng gì từ Mestre đến Milan?

– Bằng xe lửa. Anh mặc quân phục.

– Anh không gặp gì nguy hiểm chứ?

– Không. Anh dùng một giấy đi đường cũ. Anh sửa lại ngày tháng ở Mestre.

– Anh yêu, nếu ở đây, anh có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Em không muốn thế đâu. Dại gì mà làm như vậy. Rồi chúng ta sẽ ra sao nếu họ bắt mất anh?

– Chúng ta không nên nghĩ đến điều đó. Anh đã quá mệt vì nghĩ đến nó rồi.

– Anh sẽ làm gì nếu họ đến bắt anh?

– Anh sẽ giết họ.

– Anh thấy anh dại dột biết bao. Em sẽ không để cho anh rời khỏi khách sạn cho đến khi nào chúng ta đi.

– Chúng ta sẽ đi đâu bây giờ?

– Em xin anh đừng như thế nữa, anh yêu. Chúng ta sẽ đi đến nơi nào mà anh thích, nhưng xin anh hãy chọn một nơi mà chúng ta có thể đi ngay lập tức.

– Thụy Sĩ ở cuối biển hồ này. Chúng ta có thể đến đó.

– Nếu thế thì tuyệt.

Mây phủ bầu trời và mặt hồ tối sầm lại.

– Anh mong rằng chúng ta không bao giờ phải sống mãi như những tên tội phạm – Tôi nói.

– Anh yêu, đừng nói như thế. Anh sẽ không còn sống như một tội nhân lâu hơn nữa đâu, và chúng ta không bao giờ sống giống như những tên tội phạm. Chúng ta sắp sửa rất hạnh phúc.

– Anh cảm thấy mình là một tên tội phạm. Anh đã đào ngũ.

– Anh thân yêu, em xin anh, anh nên nghĩ lại. Người ta không gọi thế là đào ngũ. Dù sao đó chỉ là quân đội Ý mà thôi.

Tôi bật cười.

– Em tôi ngoan quá. Chúng ta trở lại giường đi thôi. Anh chỉ thấy dễ chịu khi nằm trên giường.

Một lát sau Catherine hỏi tôi:

– Anh không còn cảm thấy mình là tội phạm nữa, phải không anh?

– Phải – Tôi đáp – Nhất là khi có em bên cạnh.

– Anh thật ngốc – Nàng nói – Nhưng em sẽ trông nom săn sóc anh. Có tuyệt không hả anh yêu vì em không có chút buồn nôn nào vào buổi sáng cả.

– Tuyệt vời.

– Anh không biết đánh giá anh có một cô vợ ngoan như thế nào đâu. Nhưng em không cần, em sẽ tìm cho anh một nơi nào đó mà họ không thể bắt anh được và chúng ta sẽ rất hạnh phúc.

– Chúng ta đi ngay lập tức.

– Phải đấy anh yêu. Em sẽ đi đến bất cứ nơi nào và lúc nào mà anh thích.

– Chúng ta không nên nghĩ vơ vẩn nữa.

– Được rồi, anh yêu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.