Giã từ vũ khí

Chương 35



Catherine đi dọc theo bờ hồ đến khách sạn nhỏ thăm Ferguson. Tôi đến quán rượu đọc báo. Trong quán có những ghế bành bọc da rất êm và tôi ngồi đọc báo đợi chủ quán đến. Quân đội không còn đóng trên sông Tagliamento nữa. Họ đã rút về Piave. Tôi hãy còn nhớ con sông Piave. Con đường xe lửa dẫn ra mặt trận băng qua sông ở San Doua. Ở địa điểm này sông sâu, chảy lờ đờ trong lòng sông hẹp. Phía trước là ao đầm đầy muỗi độc và kênh đào. Nơi đó có vài ngôi biệt thự xinh xắn. Trước chiến tranh có một lần lên Cortina D’Amezzo, tôi đã đi dọc theo con sông ấy trong nhiều tiếng đồng hồ xuyên qua những ngọn đồi. Đứng trên nhìn xuống nó trông giống như một con suối dùng nuôi cá hương, Dòng sông chảy nhanh với những vực nông nước lặng lờ trong bóng những khối đá to. Con đường từ đó đến Cadore. Tôi tự hỏi tại sao quân đội đang đóng quân trên cao lại có thể rút xuống đóng dưới thấp. Anh chủ quán bước vào.

– Bá tước Greffi vừa nói với tôi về ông đấy?

– Ai?

– Bá tước Greffi, ông không nhớ à? Ông lão đã từng ở đây cùng lúc với ông ấy.

– Ông ta ở đây à?

– Phải, ông ta ở đây với cô cháu gái. Tôi bảo với ông ta có ông vừa đến. Ông ta muốn chơi bi da.

– Hiện ông ta đang ở đâu?

– Ông ấy đang đi dạo.

– Ông ta trông thế nào?

– Trẻ hơn bao giờ hết. Chiều qua, trước lúc ăn, ông ta uống ba li sâm banh.

– Ông ấy chơi bi da có khá không?

– Tuyệt. Ông ấy đã hạ tôi. Khi ông ấy biết ông có mặt tại đây thì ông ta rất hài lòng. Không có ai để chơi cả.

Bá tước Greffi đã chín mươi tư tuổi. Đó là một ông già râu tóc bạc phơ và phong nhã. Trước đây ông đã từng giúp việc trong ngành ngoại giao của hai nước Áo và Ý, và lễ sinh nhật của ông là sự kiện lớn trong giới thượng lưu của thành phố Milan. Ông thừa sức để hưởng thượng thọ và chơi bi da một cách trầm tĩnh, điêu luyện so với tuổi tác của ông. Tôi đã gặp ông khi tôi ở Stresa trong lúc không phải hội hè mà chúng tôi vừa đánh bi da vừa uống sâm banh. Đối với tôi đó là một tục lệ đặc sắc, ông ta chấp tôi mười lăm điểm nhưng rồi tôi vẫn bị hạ.

– Tại sao anh không cho tôi biết là có ông ấy ở đây?

– Tôi quên mất.

– Còn những ai khác ở đây nữa không?

– Ông không biết họ đâu. Chỉ vỏn vẹn có sáu người tất cả.

– Ông có bận gì trong lúc này không?

– Không.

– Đi câu với tôi nhé?

– Vâng, tôi có thể đi trong một tiếng đồng hồ.

– Tốt lắm, nhớ mang theo cần nhé.

Anh chủ quán mặc áo choàng vào và chúng tôi cùng ra đi. Chúng tôi đi xuống bờ hồ và chọn một chiếc thuyền. Tôi bơi trong khi anh chủ quán ngồi ở phía sau lái và thả cần câu xuống nước. Đó là một loại cần câu đặc biệt để câu cá hương ở hồ. Nó có một bộ phận cuốn dây và một hòn chì nặng trĩu. Chúng tôi bơi dọc theo bờ hồ. Anh chủ quán cầm cần câu ở tay và thỉnh thoảng giật một cái. Từ phía hồ trông lên, thành phố Stresa vắng vẻ vô cùng với những hàng cây trụi lá, những đại khách sạn và những ngôi biệt thự cửa đóng kín mít. Chúng tôi bơi qua tới Isola Bella và đi sát vách đá, chỗ nước sâu nhất và trông thấy vách đá chìm sâu dưới làn nước trong xanh. Sau đó chúng tôi lại bơi đến hòn đảo Ngư Ông. Mặt trời đã khuất sau đám mây, mặt hồ tối sầm lại, phẳng lặng và lạnh buốt. Cá hương không cắn câu lần nào dù chúng tôi có thấy những làn sóng khi chúng nổi lên mặt nước.

Tôi bơi thuyền đến trước hòn đảo Ngư Ông nơi có những chiếc thuyền được kéo lên bờ và nhiều người đang vá lưới.

– Chúng ta nên uống gì chứ?

– Vâng, được.

Tôi cho thuyền cập vào bến đá và anh chủ quán rút dây câu lên. Anh cuốn lại bỏ vào khoang thuyền và móc bộ phận cuốn dây vào mạn thuyền. Tôi bước lên bờ và cột thuyền lại. Chúng tôi đi vào một quán giải khát nhỏ, ngồi vào một cái bàn gỗ thô và gọi hai li Vermouth.

– Ông bơi có mệt lắm không?

– Ồ, không.

– Lúc trở về tôi sẽ chèo.

– Tôi thích chèo thuyền hơn.

– Có lẽ ông giữ dây câu sẽ may mắn hơn.

– Được rồi.

– Chiến tranh diễn biến như thế nào?

– Tồi.

– Tôi không phải ra mặt trận nữa. Tôi có tuổi rồi, giống như bá tước Greffi vậy.

– Có lẽ ông sẽ phải đi một ngày nào đó.

– Năm tới họ gọi đến lứa tuổi của tôi nhập ngũ, nhưng tôi sẽ không đi.

– Rồi ông sẽ làm gì?

– Xuất ngoại. Tôi không muốn ra trận. Tôi đã có lần ở mặt trận Abissi rồi. Thật chán ngấy. Tại sao ông đi ra trận?

– Tôi cũng không biết. Tôi là một thằng ngốc.

– Thêm một li vermouth nữa nhé?

– Vâng.

Anh chủ quán chèo lượt về. Chúng tôi câu phía bên kia thành phố Stresa rồi xuống phía dưới không xa bờ hồ mấy. Tôi giữ thẳng dây câu và thấy bộ phận cuốn dây rung và quay nhẹ trong khi tôi nhìn mặt nước tối sầm của tháng mười một và bờ hồ vắng vẻ. Anh chủ quán bơi những nhát chèo mạnh và mỗi lần con thuyền lướt tới thì dây câu rung động nhịp nhàng. Có một lần tôi trông thấy cá cắn câu. Dây câu thình lình căng thẳng và bị kéo đi. Tôi giật mạnh và thấy dây nằng nặng nhưng rồi dây câu trùng lại. Tôi đã câu trượt.

– Nó có vẻ to không?

– Khá to.

– Có một lần tôi đi câu một mình. Tôi cắn chặt cần câu trong miệng, giữa hai hàm răng. Có một con rắn cắn câu, thiếu chút nữa nó cuốn cả mồm tôi đi.

– Giữ dây câu bằng chân là tốt hơn hết – Tôi nói – Như thế anh thấy động ngay và anh khỏi sợ bị mất răng.

Tôi nhúng tay xuống nước, nước lạnh vô cùng. Chúng tôi ở gần trước khách sạn.

– Đã đến giờ tôi phải về – Anh chủ quán nói – Mười một giờ tôi phải có mặt tại đó.

– Được rồi.

Tôi kéo dây câu và quấn vào một cái gậy có khấc ở hai đầu. Anh chủ quán dẫn thuyền vào một vách đá trong hầm tàu rồi dùng dây xích có khóa neo lại.

– Lúc nào ông muốn dùng thuyền, tôi sẽ trao chìa khóa cho ông – Anh nói.

– Cám ơn.

Chúng tôi lên khách sạn và vào quán rượu. Tôi chưa muốn uống khi trời còn sớm như thế nên tôi trở về phòng riêng. Cô bồi phòng vừa dọn dẹp xong và Catherine vẫn chưa trở lại. Tôi nằm xuống giường và cố gắng không nghĩ ngợi gì cả.

Khi Catherine trở về, tôi mới cảm thấy đỡ chán.

– Chị Ferguson ở dưới nhà – Nàng nói – Chị ấy đến ăn trưa với chúng mình. Em biết anh sẽ không thích.

– Không phải như thế đâu.

– Có chuyện gì hả anh yêu?

– Có chuyện gì đâu?

– Em biết mà. Anh thì rỗi rảnh và anh chỉ có mỗi mình em, nhưng em lại bỏ anh mà đi mất chứ gì.

– Đúng thế.

– Em xin lỗi nhé anh yêu. Em biết đó là một cảm giác kinh hoàng khi mình cảm thấy trống rỗng vô vị.

– Đời anh luôn luôn đầy đủ – Tôi nói – Và bây giờ nếu không có em bên cạnh thì anh không còn thấy gì trên thế gian này nữa.

– Nhưng em sẽ luôn luôn ở cạnh anh kia mà, em chỉ xa anh có hai tiếng đồng hồ thôi. Anh không làm gì trong lúc vắng mặt em sao?

– Anh đi câu với ông chủ quán.

– Việc đó không làm cho anh vui sao?

– Không.

– Đừng nghĩ đến em khi em vắng mặt.

– Đó là điều anh làm ở mặt trận, nhưng hồi đó anh còn có việc khác để làm.

– Othello thất nghiệp – Nàng trêu tôi.

– Othello là một chàng da đen, hơn nữa, anh không ghen đâu. Anh chỉ yêu em quá thôi khiến cho tất cả những gì còn lại đều thôi không tồn tại.

– Anh có muốn là một thanh niên tốt và tử tế đối với chị Ferguson không?

– Anh luôn luôn tốt và tử tế đối với chị Ferguson trừ lúc chị ấy nguyền rủa anh.

– Nên tử tế với chị ấy. Hãy nghĩ rằng chúng mình có tất cả mà chị ấy thì chẳng có gì.

– Anh không nghĩ rằng chị ấy mong muốn những gì mà chúng ta đang có.

– Một thanh niên thông minh như anh, anh yêu, em nghĩ rằng anh có vẻ không biết gì hết.

– Anh sẽ tử tế với chị ấy.

– Em tin chắc thế. Anh đáng yêu lắm.

– Chị ấy sẽ không ở lại sau bữa ăn chứ?

– Không, em sẽ để chị ấy ra về.

– Rồi sau đó chúng mình trở lại đây?

– Dĩ nhiên. Đố anh nghĩ ra em muốn làm gì nào?

Chúng tôi cùng đi xuống ăn trưa với Ferguson. Nàng thán phục khách sạn và phòng ăn tráng lệ. Chúng tôi dùng một bữa trưa thật ngon với một chai Capri trắng. Bá tước Greffi bước vào phòng ăn và chào chúng tôi. Cô cháu gái dẫn ông trông hao hao giống bà nội tôi. Tôi kể chuyện ông cho Catherine và Ferguson nghe, và Ferguson có vẻ rất phục. Khách sạn đồ sộ và lộng lẫy, vắng khách nhưng thức ăn thật ngon và rượu thật tuyệt. Và sau cùng là nhờ có rượu chúng tôi cảm thấy vui vẻ. Catherine không cần thế. Nàng rất hạnh phúc. Ferguson đã gần vui lại. Còn tôi, tôi rất phấn chấn. Sau bữa ăn, Ferguson trở về khách sạn của nàng. Nàng bảo rằng nàng cần phải nằm nghỉ một tí sau bữa ăn.

Đến chiều thì có người đến gõ cửa phòng chúng tôi.

– Ai đấy?

– Bá tước Greffi hỏi xem ông có thể đến chơi bi da với ông ấy được không?

Tôi nhìn chiếc đồng hồ tôi đã cởi ra và để dưới gối.

– Anh phải đi à anh yêu? – Catherine thì thầm.

– Anh nghĩ anh cũng nên đi một tí.

Đồng hồ chỉ bốn giờ mười lăm. Tôi nói vọng ra cửa.

– Anh nói giùm với bá tước là tôi sẽ đến phòng bi da lúc năm giờ.

Đến năm giờ kém mười lăm tôi hôn Catherine và đi thay quần áo ở phòng tắm. Khi đứng thắt cà vạt trước gương, tôi thấy buồn cười với bộ thường phục. Tôi phải mua thêm vài chiếc sơ mi và mấy đôi vớ khác nữa.

– Anh có đi lâu lắm không? – Catherine hỏi. Nàng thật đáng yêu khi nằm trên giường – Anh đưa hộ em cái bàn chải tóc.

Tôi ngắm nàng chải tóc, đầu hơi nghiêng để cho cả suối tóc chảy về một bên. Bên ngoài trời đã tối. Ánh sáng ở đầu giường chiếu ngời trên mái tóc, trên cổ và đôi vai của nàng. Tôi tiến lại gần và ôm hôn nàng, và tôi nắm lấy bàn tay đang cầm chải tóc và nàng nằm ngả đầu trên gối. Tôi hôn lên cổ, lên vai nàng. Tôi ngây ngất trong hương tình bên cạnh nàng.

– Anh không còn thích đi đâu nữa.

– Em không muốn anh đi tí nào cả.

– Thôi thì anh không đi vậy.

– Có, đi đi, chỉ một lát thôi, rồi anh trở về ngay nhé.

– Chúng ta sẽ ăn tại đây.

– Anh đi đi và về gấp anh nhé.

Tôi gặp bá tước Greffi ở phòng bi da. Ông đang tập, người mảnh mai dưới ánh sáng tràn ngập trên thảm. Trên một bàn khuất trong bóng tối một chút có một cái xô bằng bạc đựng nước đá. Cổ và nút của chai sâm banh nhô lên trên đá. Khi tôi lại gần bàn bi da, bá tước Greffi thẳng người lên và tiến lại phía tôi. Ông bắt tay tôi và nói:

– Thật là hân hạnh cho tôi được gặp anh tại đây. Anh đến chơi với tôi thật quý hóa quá.

– Chính ông thật đáng mến khi mời tôi đến.

– Anh hoàn toàn bình phục rồi phải không? Tôi nghe người ta bảo rằng anh đã bị thương ở Isonzo. Tôi mong rằng anh đã hồi phục.

– Tôi rất khỏe, còn ông?

– Ỗ tôi ấy à? Tôi luôn luôn khỏe mạnh. Nhưng tuổi tôi đã về chiều rồi. Tôi đã bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu của tuổi già.

– Tôi không tin thế.

– Thật mà. Anh cần một ví dụ không? Đối với tôi giờ đây nói tiếng Ý dễ dàng hơn. Tôi phản ứng lại nhưng khi mệt mỏi tôi thấy nói tiếng Ý dễ dàng hơn. Điều đó chứng tỏ là tôi đã già.

– Chúng ta có thể nói tiếng Ý. Chính tôi cũng thấy hơi mệt một tí.

– Ồ, anh thì phải khác. Khi mệt, anh phải thấy nói tiếng Anh dễ dàng hơn chứ?

– Tiếng Mỹ cơ.

– Phải, xin mời, chúng ta nói tiếng Mỹ vậy. Đó là một ngôn ngữ thú vị.

– Tôi gần như không được gặp một người Mỹ nào cả.

– Chắc anh thấy thiếu lắm. Người ta luôn thấy nhớ những người đồng hương của mình, nhất là phụ nữ đồng hương. Tôi có kinh nghiệm điều đó mà. Chúng ta chơi hay là anh đã mệt rồi?

– Tôi có mệt đâu. Tôi nói đùa vậy mà. Ông chấp trước tôi bao nhiêu đỉểm đây?

– Anh đã chơi nhiều rồi chứ?

– Chưa ạ.

– Anh đánh khá lắm mà. Mười phần trên một trăm nhé?

– Ông đùa tôi đấy à?

– Mười lăm nhé?

– Tốt lắm, nhưng ông sẽ hạ tôi ngay thôi mà.

– Chúng ta đánh ăn cá nhé. Hồi đó anh luôn thích chơi ăn cá mà.

– Tôi thiết tưởng có như thế mới thú vị.

– Rất tốt. Tôi chấp anh mười tám điểm đấy và chúng ta cá một quan ăn một điểm.

Ông có lối chơi thật tuyệt và với số chấp tôi đã có tới năm mươi, tôi chỉ còn dư bốn điểm thôi. Bá tước Greffi bấm nút chuông trên tường gọi chủ quán.

– Làm ơn mở chai rượu – rồi ông quay sang tôi – Chúng ta nên uống rượu để cho hăng lên.

Vang rất cay, nặng và ngon.

– Chúng ta dùng tiếng Ý nhé? Có gì làm phiền ông lắm không? Đó là nhược điểm của tôi lúc này đấy.

Chúng tôi tiếp tục chơi bi da và vừa nhấm nháp rượu. Chúng tôi nói tiếng Ý nhưng vì trò chơi quá hấp dẫn cho nên chúng tôi nói rất ít. Bá tước Greffi đã được một trăm điểm, còn tôi, mặc dù đã được chấp trước mới chỉ được chín mươi tư thôi. Ông mỉm cười và vỗ nhẹ lên vai tôi:

– Bây giờ uống thêm một chai nữa và anh kể cho tôi nghe tình hình chiến sự.

Ông đợi tôi ngồi vào chỗ rồi mới ngồi xuống.

– Nói mọi chuyện đều được nhưng trừ chuyện đó.

– Anh không muốn nói đến chuyện ấy à? Thôi được, tùy anh. Anh đọc gì rồi?

– Không đọc gì cả. Tôi e rằng ít truyện hay.

– Ồ nhưng mà anh phải đọc đi.

– Người ta viết gì trong thời chiến nhỉ?

– Có quyển Le Feu của tác giả người Pháp tên là Barbusse và quyển “Mr. Britsling sees through it”.

– Không, hắn không thấy gì cả.

– Gì chứ?

– Hắn không thấy gì cả. Ở bệnh viện có những cuốn đó.

– Thế thì anh đã đọc quyển ấy rồi chứ?

– Vâng, nhưng không có gì hay ho cả.

– Tôi nhận thấy ông Britling là một sự nghiên cứu kĩ tâm hồn trung giới người Anh.

– Tôi không biết tí gì về tâm hồn cả.

– Tội nghiệp cậu bé thì thôi. Nhưng không ai am tường về tinh thần cả. Anh có tin đạo không?

– Ban đêm.

Bá tước Greffi mỉm cười và ông xoay cái li giữa mấy ngón tay.

– Tôi tưởng rằng tôi trở nên ngoan đạo hơn lúc tôi luống tuổi, nhưng không, tôi không thay đổi gì cả. Thật đáng tiếc.

– Ông có tha thiết được sống sau khi chết không? – Tôi hỏi và kịp nhận thấy mình đã dại dột khi đề cập đến cái chết trong lúc này. Nhưng tiếng đó không làm ông kinh hãi.

– Điều đó còn tùy thuộc theo cuộc sống. Cuộc sống hiện tại lúc này rất tốt đẹp. Nên tôi tha thiết muốn trường sinh (ông mỉm cười) và tôi đã gần đạt đến đó.

Chúng tôi ngồi trong những chiếc ghế đệm bọc da và uống sâm banh đặt trong xô đá và li để trên bàn giữa chúng tôi.

– Nếu bao giờ anh sống đến bằng tuổi tôi, anh sẽ thấy có nhiều chuyện lạ lắm.

– Trông ông không có vẻ gì là già cả.

– Chỉ già về thể xác thôi. Đôi khi tôi sợ tôi sẽ bẻ gãy ngón tay như người ta bẻ một cục phấn. Nhưng trí óc tôi thì không già hơn mà cũng không khôn ngoan hơn.

– Ồ, tôi đoán chắc ông là một nhà hiền triết.

– Không, quan niệm rằng những người già cả là hiền triết là một điều lầm lẫn lớn. Không phải càng luống tuổi họ càng hiền triết, mà là thận trọng.

– Có lẽ ở trong đó chứa đựng sự hiền triết.

– Đó là sự hiền triết không có gì hấp dẫn cả. Anh quý những gì nhất trên đời này?

– Người mà tôi hằng yêu mến.

– Đối với tôi cũng thế. Đó không phải là hiền triết. Anh quý trọng cuộc đời lắm à?

– Vâng.

– Tôi cũng thế. Bởi vì đó là tất cả những gì mà tôi có được và để có thể tổ chức những cuộc sinh nhật của tôi – Ông cười to lên – Có lẽ anh là người khôn ngoan hơn tôi vì anh không bao giờ tổ chức những lễ sinh nhật như tôi.

Mỗi người chúng tôi uống một chút rượu.

– Ông nghĩ thật về chiến tranh như thế nào? – Tôi hỏi.

– Tôi nghĩ thật là ngu xuẩn.

– Ai sẽ dành được thắng lợi?

– Nước Ý.

– Tại sao?

– Vì Ý là một quốc gia trẻ nhất.

– Có phải các nước trẻ bao giờ cũng thắng trận chăng?

– Các nước đó có khả năng thắng trận trong một thời hạn nào đó.

– Rồi sau đó sẽ ra sao?

– Họ trở thành những quốc gia già cỗi.

– Vậy mà ông nói ông không phải là một nhà hiền triết.

– Cậu bé thân mến, đó không phải là hiền triết mà là một điều thông tục.

– Đối với tôi, tôi cho điều đó rất có vẻ hiền triết.

– Không hẳn thế, tôi có thể kể cho anh nghe một vài ví dụ trái ngược hẳn lại. Nhưng mà nó không đến nỗi tệ lắm. Chúng ta đã uống cạn phần sâm banh còn lại chưa?

– Gần hết rồi.

– Chúng ta uống thêm một chai nữa chứ? Tôi cần phải thay đổi y phục.

– Giờ thì có lẽ ta nên ngưng là vừa.

– Anh không muốn uống thêm nữa à?

– Không. Cám ơn.

Ông đứng lên.

– Chúc anh gặp nhiều may mắn, nhiều hạnh phúc và sức khỏe thật dồi dào.

– Cám ơn ông, còn tôi, tôi cầu chúc ông sống lâu muôn tuổi.

– Cám ơn. Điều đó tôi đã có rồi. Còn anh, nếu anh có trở nên ngoan đạo thì hãy cầu nguyện cho tôi lúc tôi chết. Tôi đã yêu cầu điều đó với các bạn tôi. Tôi hi vọng mình sẽ trở nên ngoan đạo nhưng điều đó không bao giờ xảy ra.

Tôi tưởng sẽ tìm thấy ở ông một nụ cười héo hắt, nhưng không chắc chắn vì ông già quá nên gương mặt nhăn nheo vì thế một nụ cười thường biến đổi các nếp nhăn và nét mặt không lộ ra.

– Có lẽ tôi sẽ trở nên rất ngoan đạo, trong bất cứ trường hợp nào tôi cũng sẽ cầu nguyện cho ông.

– Tôi luôn luôn mong rằng tôi sẽ trở nên ngoan đạo. Tất cả gia quyến tôi đều chết rất ngoan đạo. Nhưng vì một lí do nào đó tôi lại không như thế được.

– Điều đó quá sớm chăng?

– Có lẽ quá muộn. Có thể tôi đã vượt qua cái tuổi của lòng mộ đạo rồi.

– Lòng mộ đạo của tôi chỉ đến trong lúc ban đêm.

– Vậy thì anh đang yêu rồi. Đừng quên rằng đó cũng là một cảm giác tín ngưỡng đấy.

– Ông tin tưởng như vậy à?

– Dĩ nhiên – Ông đi về phía chiếc bàn và nói tiếp – Anh đến chơi với tôi thật là quý hóa quá.

– Tôi rất vui mừng được đến đây.

– Chúng ta cùng đi thôi


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.