Giã từ vũ khí

Chương 4



Sáng ra tiếng đại bác ở vườn bên đánh thức tôi dậy và ánh nắng đã tràn vào phòng qua cửa sổ. Tôi trỗi dậy ra khỏi giường, đến bên cửa sổ đưa mắt nhìn ra ngoài. Những con đường trải sỏi ẩm ướt, cỏ xanh hãy còn đẫm sương đêm. Tiếng đại bác nổ hai lần và mỗi lần như thế khiến không khí chuyển động, lay động cửa sổ và làm vạt áo ngủ của tôi bay phần phật. Tôi không thấy súng nhưng chắc là nó đang nhắm thẳng về hướng chúng tôi. Thật là khó chịu khi ở gần chúng nhưng cũng thật là hạnh phúc vì chúng không nổ to hơn nữa. Khi đưa mắt nhìn ra vườn, tôi nghe có tiếng ô tô rồ to ngoài đường. Tôi mặc quần áo, đi xuống nhà dưới, vào bếp uống tí cà phê rồi đi ra nhà xe.

Mười chiếc xe đậu cạnh nhau dưới mái kho dài. Đó là những xe Hồng thập tự đầu tròn và mui nặng trịch sơn xám, giống như xe vận tải. Những người thợ máy đang làm việc trên một chiếc xe đậu trong sân. Ba chiếc khác được đưa lên trạm cấp cứu trên núi. Tôi hỏi người thợ:

– Này, có bao giờ địch nã trọng pháo vào những khẩu đại bác của ta không?

– Thưa không, vì những khẩu đại bác được ngọn đồi nhỏ che khuất.

– Còn mấy chiếc xe này thì như thế nào?

– Cũng còn dùng tạm được. Chiếc này không được tốt nhưng những chiếc khác đều dùng được – Anh dừng tay và mỉm cười nhìn tôi – Ông đi phép về ạ?

– Phải.

Anh chùi tay vào chiếc áo choàng ngoài rồi cười hỏi tôi:

– Ông nghỉ thoải mái chứ?

Những người thợ khác cũng cười theo.

– Thoải mái lắm – Tôi đáp – Còn chiếc xe này bị hỏng gì vậy?

– Nó chẳng dùng được, bị hỏng hết.

– Lần này làm sao?

– Phải thay séc măng ạ.

Tôi để cho họ làm việc. Chiếc xe trông ảo não và trống rỗng, đầu máy bị tháo ra từng mảnh nằm ngổn ngang trên chiếc ghế. Tôi đi vào để xem xe. Tất cả đều khá sạch sẽ, một vài chiếc vừa được lau chùi cẩn thận, còn những chiếc khác bám đầy bụi. Tôi xem xét kĩ những bánh xe để tìm những vết móp hay nứt. Tất cả đều trông có vẻ khả quan. Dĩ nhiên là dù tôi có đến đây xem chúng hay không thì mọi việc vẫn vậy thôi chứ không có gì khác cả. Tôi đã tưởng tượng và cho rằng tình trạng của những chiếc xe này, việc sơ tán, đều tùy ở tôi. Quả thật chúng tôi được phân công vận chuyển bình an các thương binh và các bệnh nhân ở các trạm cấp cứu, chở họ từ trên núi đến trạm cứu thương địa phương rồi lại đưa họ đi đến các bệnh viện chỉ định sẵn trên thẻ của họ. Nhưng dĩ nhiên sự có mặt của tôi không cần thiết lắm.

Tôi hỏi một trung sĩ cơ khí:

– Trung sĩ có gặp khó khăn gì về phụ tùng xe không?

– Thưa không ạ.

– Hiện kho xăng ở đâu?

– Dạ vẫn ở chỗ cũ.

– Vậy thì tốt lắm.

Nói xong tôi trở vào nhà uống thêm một li cà phê ở bàn ăn chung. Cà phê có màu hơi xám, ngọt lịm sữa đặc. Ngoài cửa sổ, buổi sáng mùa xuân trông rất đẹp. Người ta sẽ có cảm giác khô ở mũi, thế có nghĩa là ngày sẽ nóng. Hôm đó tôi đi xem xét các trạm trên núi và khi trở lại thành phố, trời đã xế chiều.

Mọi việc có vẻ tiến triển khả quan khi tôi vắng mặt. Tôi nghe nói sắp sửa đánh nhau lại. Chúng tôi được phân công tấn công ở thượng nguồn. Thiếu tá giao cho tôi tổ chức các trạm cấp cứu khi tấn công. Chúng tôi sẽ mở cuộc tấn công băng ngang qua sông đi vòng lên đường đèo hẹp rồi chiếm lĩnh các vị trí ở sườn đồi. Những chiếc xe tải thương phải ẩn đỡ càng gần sông càng tốt và sẽ được bảo vệ. Dĩ nhiên việc chọn lựa là do bộ binh nhưng chính chúng tôi thi hành. Đó là một trong những trường hợp gây ra cảm giác sai lầm là đã góp phần vào cuộc chiến đấu.

Người tôi đầy bụi và vấy bẩn, tôi liền lên phòng tắm. Rinaldi dang ngồi trên giường cầm quyển “Văn phạm Anh văn của Hugo”. Anh ăn mặc chững chạc, mang đôi ủng đen, mái tóc chải mượt. Thấy tôi anh bảo:

– Tuyệt quá, anh với tôi đến thăm cô Barkley nhé?

– Tớ không đi đâu.

– Đi, cậu hãy đi cho tớ vui và cô ấy có ấn tượng tốt đẹp.

– Thôi được rồi. Đợi một phút tớ thay quần áo đã.

– Cứ tắm rửa đàng hoàng rồi hãy ra.

Tôi đi tắm, chải đầu rồi chúng tôi đi.

– Này, khoan đã – Rinaldi bảo – Có lẽ chúng ta nên uống tí gì đi đã – Anh mở rương lấy ra chai rượu.

– Tôi không uống Strega đâu.

– Không phải Strega, Grappa mà.

– Thế thì được.

Anh rót ra hai li, chúng tôi chạm cốc, ngón tay trỏ đưa lên. Rượu Grappa rất mạnh.

– Li nữa nhé?

– Ừ thì nữa.

Chúng tôi cạn li thứ hai, Rinaldi cất chai rượu, chúng tôi bước xuống cầu thang. Ở thành phố, đi bộ nóng nhưng mặt trời bắt đầu lặn nên thấy dễ chịu. Bệnh viện Anh đặt ở một biệt thự to lớn do người Đức xây cất trước chiến tranh. Cô Barkley đang ở trong vườn với một cô y tá khác. Chúng tôi thấy bộ đồng phục trắng của họ qua cành cây kẽ lá, bèn tiến về phía họ. Rinaldi đưa tay chào. Tôi cũng chào nhưng vừa phải thôi.

Cô Barkley hỏi tôi.

– Chào ông, ông không phải là người Ý chứ?

– Ồ không ạ.

Rinaldi nói chuyện với hai cô y tá kia. Họ đang cười đùa vui vẻ.

– Không phải người Ý mà lại ở trong quân đội Ý, thật là một chuyện kì.

– Đó không hẳn là quân đội, mà chẳng qua chỉ là đội cứu thương thôi.

– Dù sao việc ấy cũng kì lạ. Sao ông lại làm thế?

– Không biết nữa – Tôi đáp – Bao giờ cũng có những việc không giải thích được.

– Ồ, thế ư? Thuở bé người ta đã giáo dục tôi với ý tưởng trái ngược như thế.

– Vậy thì quý lắm.

– Bộ chúng ta định tiếp tục nói chuyện theo lối này sao?

– Không.

– Thế dễ chịu hơn, ông nhỉ?

– Cây gậy gì thế? – Tôi hỏi.

Cô Barkley người dong dỏng cao. Nàng mặc bộ quần áo theo tôi nghĩ là đồng phục y tá. Tóc nàng màu hung hung, da nâu và mắt màu tro. Tôi thấy nàng rất đẹp.

Nàng đang cầm cây gậy mây giống như cán roi ngựa bọc bằng da. Nghe tôi hỏi, nàng đáp:

– Chiếc gậy này của một thanh niên bị giết chết năm ngoái.

– Xin lỗi.

– Anh ấy rất dễ thương, sắp cưới tôi thì bị tử thương trong trận Somme.

– Khủng khiếp quá.

– Ông có dự trận đó không?

– Không.

– Tôi có được nghe kể lại. Thật ra ở dưới này không có trận nào như thế cả. Họ gởi cho tôi chiếc gậy nhỏ này. Mẹ chàng trao lại cho tôi. Họ gởi chiếc gậy cùng đồ đạc khác nữa…

– Cô và anh ấy hứa hôn với nhau lâu chưa?

– Tám năm. Chúng tôi cùng sống trong một gia đình.

– Nhưng sao lại không tổ chức cưới?

– Cũng chẳng biết làm sao nữa – Nàng đáp – Chính tại tôi quá ngốc. Tôi cũng có thể để chàng tổ chức. Nhưng tôi nghĩ như thế không hay cho anh ấy.

– Tôi hiểu.

– Ông đã từng yêu ai chưa?

– Chưa – Tôi đáp.

Chúng tôi cùng ngồi xuống chiếc ghế dài. Tôi nhìn nàng, nói:

– Cô có mái tóc đẹp quá!

– Ông thích ư?

– Thích lắm!

– Tôi đã có ý định cắt hết tóc khi anh ấy chết.

– Đừng, không nên.

– Tôi muốn làm một cái gì đó để kỷ niệm cho anh ấy. Ông thấy đó, tôi chẳng quan tâm gì đến mái tóc và muốn tặng nó cho anh ấy. Nếu trước kia tôi biết được anh ấy muốn những gì, tôi sẽ làm cho anh ấy mãn nguyện. Hoặc là tôi lấy anh ấy, hoặc là điều gì khác bất kì. Bây giờ thì tôi đã hiểu tất cả. Nhưng anh ấy muốn ra trận, và lúc ấy tôi không hề biết gì cả.

Tôi im lặng.

– Lúc ấy tôi chẳng hiểu biết gì cả. Tôi cho là không tốt đôi với anh ấy; tôi cho rằng có lẽ anh ấy không thể chịu đựng được cuộc sống đó. Thế rồi anh ấy hi sinh và hết mọi chuyện.

– Làm sao biết được.

– Ồ, biết chứ. Hết thật rồi.

Chúng tôi nhìn Rinaldi đang nói chuyện với cô y tá kia.

– Cô ấy tên gì nhỉ?

– Ferguson, Helen Ferguson. Có phải bạn anh là bác sĩ không?

– Vâng, hắn tốt lắm.

– Thế thì hay quá, khó kiếm được bác sĩ giỏi ở một nơi sát mặt trận như thế này. Vì chúng ta ở sát mặt trận có phải không?

– Vâng, gần lắm.

– Thật là một mặt trận buồn thảm, nhưng ở đây lại rất đẹp. Có phải họ đang mở một cuộc tấn công không?

– Vâng.

– Vậy là chúng ta lại phải làm việc. Bây giờ thì không có việc gì cả.

– Cô làm y tá đã lâu chưa?

– Từ cuối năm 1915. Tôi bắt đầu làm nghề này thì anh ấy cũng nhập ngũ. Hồi tưởng lại, có lần tôi có ý nghĩ rồ dại là có một ngày nào đó anh ấy sẽ vào bệnh viện tôi làm với một vết gươm, một cuộn băng quấn ngang đầu hoặc một viên đạn trên vai, một điều gì đấy đẹp đẽ.

– Mặt trận này đẹp đấy chứ!

– Vâng – Nàng đáp – Người ta không thể tưởng tượng được tình trạng nước Pháp ra sao. Nếu tưởng tượng được, mọi việc không thể nào tiếp tục được. Tôi tưởng thế nhưng thực ra anh ấy không bị một vết gươm nào mà xác anh ấy bị tan tành từng mảnh.

Tôi không biết nói gì.

– Ông cho rằng trận chiến sẽ kéo dài mãi không?

– Không.

– Điều gì sẽ dẫn tới kết thúc?

– Người ta sẽ nhượng bộ.

– Chính chúng ta sẽ nhượng bộ. Chúng ta sẽ thất bại ở Pháp. Họ không thể nào cứ tiếp tục làm những gì như ở trong trận Somme mà không nhượng bộ một ngày nào đó.

– Nhưng họ không thất bại ở đây.

– Ông cho là không à?

– Không, hè năm rồi, họ thu nhiều thắng lợi.

– Họ có thể vẫn thất bại – Nàng đáp – Ai cũng có thể thất bại được cả.

– Cả quân Đức cũng vậy.

– Không – Nàng nói tiếp – Tôi không tin thế.

Chúng tôi đi về phía Rinaldi và cô Ferguson.

Rinaldi hỏi cô Ferguson bằng tiếng Anh:

– Cô thích nước Ý chứ?

– Thích lắm – Cô đáp lại bằng tiếng Anh.

– Không hiểu gì cả – Rinaldi lắc đầu nói.

Tôi dịch ra tiếng Ý cho anh. Anh lắc đầu nói:

– Không hay. Cô có yêu nước Anh không?

– Không thích lắm, vì tôi là người Tô Cách Lan như ông đã biết.

Rinaldi nhìn tôi ngơ ngác không hiểu gì.

Tôi nói lại bằng tiếng Ý cho anh.

– Cô ấy là người Tô Cách Lan cho nên cô yêu nước Tô Cách Lan hơn là yêu nước Anh.

– Nhưng Tô Cách Lan cũng thuộc về Anh quốc cơ mà.

Tôi dịch lại cho cô Ferguson.

– Chưa hẳn thế – Cô đáp.

– Không đúng thế à?

– Không, chúng tôi không thích người Anh.

– Không thích người Anh? Vậy thì cô không thích cô Barkley à?

– Ồ, chuyện đó lại khác. Ông không nên hiểu mọi việc theo từ ngữ như thế được.

Một lúc sau chúng tôi chào nhau rồi chia tay. Trên đường về nhà, Rinaldi bảo tôi:

– Cô Barkley thích anh hơn tôi. Điều đó thấy rõ quá. Nhưng con bé Tô Cách Lan trông rất dễ thương.

– Ừ, dễ thương thật – Tôi đáp – Nhưng thực ra khi nãy tôi chẳng chú ý đến cô ta. Anh thích cô ấy phải không?

– Không – Rinaldi đáp.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.