Giáo sư và công thức toán

Chương 02 phần 1



Tối, tôi trở về nhà, sau khi cho con trai ngủ tôi bỗng nảy ra ý định tự mình đi tìm cặp số tình bạn. Phần vì muốn kiểm tra xem cặp số ấy có đúng hi hữu như lời giáo sư hay không, phần vì cho rằng nếu chỉ là liệt kê các ước số và cộng chúng lại với nhau thì một kẻ học chưa hết cấp ba như tôi cũng làm được.

Tuy nhiên, tôi nhận ra ngay rằng mình đang đương đầu với một cuộc thử sức mù quáng nhường nào. Tôi ỷ vào cái trực giác mà giáo sư khen ngợi và lựa lấy những con số bất kỳ, nhưng lần nào cũng thất bại.

Ban đầu, chắc mẩm rằng số chẵn có nhiều khả năng hơn, vả lại ước số cũng dễ tìm hơn nên tôi chỉ thử với toàn các số chẵn có hai chữ số. Một lát sau, gần như bế tắc, tôi mở rộng đối tượng sang cả số lẻ và cố gắng tìm kiếm với những con số có ba chữ số nhưng cũng không đạt được tiến triển gì. Các con số cứ lạnh nhạt quay lưng lại với nhau, chẳng có vẻ gì là muốn gắn bó với nhau, dù chỉ là trên đầu ngón tay.

Như vậy những lời giáo sư nói là sự thật. Ngày sinh nhật của tôi và con số trên chiếc đồng hồ đeo tay của giáo sư đã phải khó khăn lắm để gặp được nhau giữa cái thế giới mênh mông con số ấy, chúng vừa bao bọc lấy nhau vừa dung dưỡng một tình bạn.

Không biết tự khi nào, những con số tôi ngẫu nhiên viết ra đã lấp đầy trang giấy trong tay tôi, không chừa lại một chỗ trống. Mặc dù phương pháp có phần sơ đẳng nhưng tôi tin là mình đã tiến hành một cách khá logic, vậy mà kết cục lại là những con số rối tinh rối mù.

Duy chỉ có một phát hiện nhỏ. ấy là tổng các ước số của 28 chính bằng 28.

28: 1 + 2 + 4 + 7 + 14 = 28

Tất nhiên là tôi không định kết luận gì ở đây cả. Ngoài 28, tôi không tìm thấy số nào khác có tổng các ước số bằng chính nó qua những gì mà tôi đã thử, nhưng tôi ngờ rằng những con số như thế không ít. Tôi biết sẽ thật khôi hài và có vẻ khoa trương nếu nói rằng mình đã phát hiện ra nó. Nhưng đành phải vậy thôi. Vì tôi đã phát hiện ra nó mà.

Giữa sự hỗn loạn của những con số không rõ nghĩa, dãy số ấy căng lên như thể được xâu chuỗi bởi ý chí của ai đó. Nó đầy ắp một thứ sức mạnh đến độ làm tôi thấy đau khi chạm vào.

Tôi lên giường và nhìn đồng hồ, đã hơn tám mươi phút trôi qua kể từ lúc vui chuyện với giáo sư về cặp số tình bạn. Cặp số tình bạn hẳn là một thứ cực kì sơ đẳng đối với ông, vậy mà ông tỏ ra sửng sốt cứ như thể ông chưa từng nhận ra vẻ đẹp ấy trước đó. Trông ông hệt như kẻ bề tôi quỳ gối trước đức vua.

Nhưng rất có thể giáo sư đã quên mất bí mật về cặp số tình bạn kết nối giữa hai chúng tôi rồi. Rất có thể giáo sư không còn nhớ nguồn gốc của con số 220 nữa. Nghĩ thế tôi không sao chợp mắt được.

Nhà nhỏ, không có khách tới chơi, điện thoại cũng chưa từng reo lấy một tiếng, cơm thì chỉ phải nấu một suất nhỏ cho một người đàn ông chẳng màng gì tới chuyện ăn uống, nếu xét trên định mức lao động của một người giúp việc thì trường hợp của giáo sư thuộc loại nhàn hạ. Tôi rất hài lòng vì so với những công việc đòi hỏi phải tranh thủ thời gian tối đa trước đó, ở đây, ngay cả việc quét dọn, giặt giũ và nấu ăn tôi cũng có thể là một cách thong thả và tỉ mỉ. Lâu dần tôi cũng đã nắm bắt được quy luật của giáo sư để tránh quấy rầy ông những lúc ông bắt tay vào giải đề toán mới. Tôi dùng véc ni chuyên dụng đánh lại cái bàn ăn cho thật ưng ý, vá lại tấm đệm trên giường bằng những mảnh vải màu và cố vắt óc tìm cách dụ giáo sư ăn cà rốt.

Nhưng khó khăn nhất vẫn là việc nắm bắt cơ chế ghi nhớ của giáo sư. Theo lời bà quả phụ thì trí nhớ của giáo sư đã dừng lại ở năm 1975, thế nhưng có nhiều điều tôi không hiểu, chẳng hạn như đối với giáo sư ngày hôm qua là bao giờ, giáo sư có đoán trước được ngày mai không và khuyết tật ấy gây ra cho giáo sư những đau khổ nhường nào?

Dường như có một điều chắc chắn đó là dù nhiều ngày đã trôi qua nhưng giáo sư vẫn không nhớ được sự tồn tại của tôi. Mảnh giấy vẽ khuôn mặt tôi cài trên tay áo giáo sư chỉ nhắc giáo sư về một sự thật rằng tôi không phải là người mới gặp chứ chẳng giúp được ông nhớ lại khoảng thời gian tôi ở bên ông.

Những lúc đi mua đồ, tôi phải cố gắng thu xếp để có thể quay về trong vòng một giờ hai mươi phút. Cái thiết bị hẹn giờ dài tám mươi phút cài đặt trong óc giáo sư, thật hợp với một nhà toán học, còn chính xác hơn cả đồng hồ. Nếu tôi trở về sau một tiếng mười tám phút kể từ lúc chào giáo sư và bước ra khỏi cửa nhà, giáo sư sẽ đón tôi với câu nói: “Cô đã về rồi à. Vất vả quá.” Còn nếu tôi đi mất một tiếng hai mươi hai phút, câu đầu tiên giáo sư dành cho tôi sẽ lại là: “Cô đi cỡ giày số mấy?”

Tránh nói đến những chuyện giáo sư không biết đã dần dà trở thành một thói quen. Tôi thường cảm thấy áy náy mỗi lần sơ ý buộc ra những câu như: “Trên báo ra sáng nay, thủ tướng Miyazawa…” (trong khi vị thủ tướng cuối cùng mà giáo sư biết là Miki Takeo), hoặc là “Sắp đến Thế vận hội Barcelona rồi, hay là ta mua một chiếc vô tuyến thưa giáo sư?” (trong khi kỳ Olympic cuối cùng mà giáo sư biết là Thế vận hội Munchen).

Bề ngoài, giáo sư có vẻ không bận tâm về điều đó. Khi không bắt kịp câu chuyện, giáo sư nhẫn nại chờ cho tới lúc mình có thể tiếp tục phát ngôn chứ không hề nổi nóng hay tỏ ra sốt ruột. Chỉ có điều, ông tuyệt nhiên không bao giờ hỏi tôi về gia cảnh, rằng tôi làm công việc này bao lâu rồi, tôi xuất thân từ đâu, có gia đình hay chưa. Có lẽ ông sợ sẽ làm tôi khó chịu nếu cứ hỏi đi hỏi lại nhiều lần.

Điều đó có nghĩa là, chỉ khi nói chuyện về số học chúng tôi mới không phải giữ ý giữ tứ. Hồi còn đến trường, tôi ngán môn số học tới nỗi chỉ nhìn thấy sách giáo khoa là đã toát mồ hôi hột, vậy mà những vấn đề giáo sư đưa ra lại cứ chui tuồn tuột vào đầu tôi. Không phải vì tôi cố gắng chiều theo ý thích của giáo sư giống như cách một người giúp việc cố lấy lòng chủ nhà, mà vì phương pháp truyền đạt của giáo sư quá xuất sắc. Những tiếng thở dài thán phục, những ngôn từ tán tụng, ánh mắt long lanh giáo sư thể hiện ra trước mỗi công thức toán đều mang một ý nghĩa sâu xa.

May thay, giáo sư chẳng bao giờ nhớ những điều đã giảng giải cho tôi trước đó, thành ra tôi có thể hỏi lại nhiều lần mà không ngại mất lòng. Trong khi một học sinh làng nhàng có thể nắm bắt được ngay lập tức, tôi thường phải mất năm, sáu lần giải thích mới vỡ ra được một bài toán.

– Người đầu tiên tìm ra con số tình bạn quả là tuyệt vời giáo sư nhỉ!

– Chứ sao nữa. Chính là Pythagoras đấy. Đó là câu chuyện từ thế kỷ VI trước Công nguyên.

– Các con số đã có từ lâu thế rồi sao?

– Tất nhiên rồi. Cô tưởng chúng mới sinh ra từ cuối thời Edo(4) chắc? Các con số đã tồn tại từ trước khi loài người xuất hiện, à không, từ trước khi thế giới này xuất hiện.

4. Giai đoạn 1600 – 1868.

Câu chuyện của chúng tôi luôn diễn ra trong bếp. Những lúc ấy, hoặc giáo sư đã ngồi vào bàn ăn hoặc đang nghỉ ngơi trên ghế bành. Còn tôi, hoặc đang quấy súp trên bếp ga hoặc đang rửa bát dưới vòi nước.

– Ồ, vậy cơ đấy. Thế mà tôi cứ tưởng các con số là do loài người phát minh ra.

– Không có chuyện đó. Nếu tự mình phát minh ra, con người đã không phải khổ sở đến thế và cũng chẳng cần tới các nhà toán học, không một ai trên thế gian này được chứng kiến sự ra đời của các con số cả. Khi nhận ra thì chúng đã ở sẵn đó rồi.

– Vì thế mà những người thông minh mới cố gắng phát huy trí tuệ của mình để giải mã quy luật của các con số, phải không ạ?

– So với Đấng đã tạo ra các con số, loài người chúng ta quá đỗi ngu si.

Giáo sư lắc đầu, ông ngả hẳn mình trên ghế và mở cuốn tạp chí toán học ra xem.

– Bụng càng đói thì càng ngu si, thế nên chúng ta phải ăn thật nhiều để đưa các chất dinh dưỡng tới mọi ngóc ngách trong não bộ, phải không ạ. Xin giáo sư chờ một chút. Tôi đi chuẩn bị bữa chiều.

Tôi thái cà rốt, trộn với thịt xay và làm món hamburger. Để giáo sư không nhận thấy, tôi kín đáo để chỗ vỏ cà rốt vào thùng rác.

– Dạo này, tối nào tôi cũng thử tìm xem còn có cặp số tình bạn nào khác ngoài 220 và 284 không, nhưng đều thất bại.

– Cặp tiếp theo là 1184 và 1210.

– Những bốn chữ số cơ ạ? Thảo nào, tôi không tìm ra cũng phải. Tôi thậm chí đã nhờ cả con trai tôi hỗ trợ nữa. Tuy chưa biết cách tìm được ước số nhưng tính cộng thì cháu làm được rồi.

– Cô có con trai sao?

Giáo sư nhổm bật dậy, kêu lên sửng sốt. Cuốn tạp chí rớt xuống sàn nhà.

– Vâng…

– Lên mấy tuổi.

– Mười tuổi? Còn bé quá nhỉ.

Tôi nhận thấy vẻ mặt giáo sư mỗi lúc một đăm chiêu. Tôi thả lỏng bàn tay đang trộn nhân hambuger và chờ đợi cái điều ông sẽ nói về con số 10.

– Thế, con trai cô đang ở đâu và làm gì vào giờ này?

– Chà, xem nào, có lẽ giờ này cháu mới từ trường về, nhưng cháu sẽ không làm bài tập mà chạy thẳng ra công viên chơi bóng chày với chúng bạn.

– Sao lại: chà, xem nào? Cô này, vô tâm quá. Trời sắp tối rồi kia kìa.

Mặc cho tôi chờ đợi, dường như giáo sư không định giải thích về bí mật của con số 10. Có lẽ, số 10 đối với giáo sư trong trường hợp này chẳng có ý nghĩa gì ngoài việc ám chỉ một đứa trẻ.

– Không sao đâu ạ. Ngày nào cũng vậy nên cháu quen rồi.

– Ngày nào cũng vậy? Ngày nào cô cũng bỏ mặc con ở nhà để đến đây nhào nhân hambuger?

– Không phải tôi bỏ mặc cháu đâu. Mà chỉ vì, đây là công việc…

Tôi rắc hồ tiêu và nhục đậu khấu và liễn, trong lúc vẫn băn khoăn không hiểu tại sao giáo sư lại lo lắng cho con trai tôi đến thế.

– Trong lúc cô vắng nhà, ai sẽ trông nom cháu? Chồng cô có về sớm không? À, phải rồi, còn có bà cơ mà.

– Dạ, đáng tiếc là tôi không có chồng và cháu cũng không có bà. Chỉ có hai mẹ con thôi ạ.

– Như vậy là con trai cô đang trông nhà một mình? Chỉ có một mình trong căn phòng tối om, ôm bụng đói và chờ mẹ về? Còn mẹ thì đang chuẩn bị bữa chiều cho một người khác. Bữa chiều ấy lại dành cho tôi. Ôi, chuyện gì đang xảy ra thế này. Không được. Thế này thì không được.

Như không giấu nổi sự bồn chồn, giáo sư đứng bật dậy. Vò đầu bứt tai, đi vòng quanh bàn ăn, để mặc cho những mẩu giấy khắp người kêu lên sột soạt. Gàu từ tóc giáo sư bắn tứ tung, sàn nhà dưới chân kêu cót két. Tôi tắt lửa nồi xúp đã chín tới.

– Giáo sư không cần phải lo lắng đâu ạ.

Tôi nói, bằng thứ giọng ôn hòa nhất có thể.

– Từ hồi cháu bé xíu, hai mẹ con đã như thế này rồi. Lên mười tuổi, cháu có thể tự mình làm được mọi việc. Tôi đã cho cháu số điện thoại ở đây, vả lại, bác chủ nhà sống ở tầng dưới đã hứa là sẽ giúp đỡ cháu nếu có chuyện…

– Không được, không được, không được.

Giáo sư cắt ngang lời tôi, nhịp bước hối hả hơn.

– Để con ở nhà một mình, bất kể hoàn cảnh thế nào, cũng không thể chấp nhận được. Ngộ nhỡ bếp sưởi đổ dẫn đến hoả hoạn thì sao? Ngộ nhỡ thằng bé bị hóc kẹo thì ai tới cứu? Mới tưởng tượng thôi đã hoảng hồn rồi. Tôi không thể nào chịu được chuyện này. Cô về ngày đi. Là một người mẹ, đáng lẽ giờ này cô đang phải nấu cơm cho con trai mình chứ. Thôi nào, cô phải về ngay bây giờ.

Giáo sư nắm lấy cánh tay tôi kéo ra cửa.

– Xin giáo sư chờ một chút. Tôi chỉ còn phải viên chúng lại rồi cho vào chảo rán nữa là xong thôi.

– Quên chúng đi. Cô tính sao nếu thằng bé bị chết cháy trong lúc cô đang rán hambuger? Thế này vậy. Từ ngày mai, cô đưa thằng bé đến đây. Cô cứ bảo thằng bé tới thẳng đây sau khi tan học. Để nó làm bài tập ở đây, nó sẽ được ở suốt bên mẹ, phải thế không nào? Cô đang cười thầm trong bụng rằng đến ngày mai tôi sẽ quên tiệt chứ gì? Tôi rất lấy làm phiền lòng nếu cô coi thường tôi như thế. Tôi không quên đâu. Thất hứa với tôi thì cứ liệu hồn.

Tôi rời khỏi căn nhà ngang, hay nói đúng hơn là bị tống cổ khỏi đó. Tôi còn chưa kịp rửa tay cho đàng hoàng, chứ đừng nói đến chuyện dọn dẹp bếp núc, thành ra mùi tanh của thịt sống vẫn còn nguyên. Lúc đó giáo sư còn đáng sợ hơn cả khi nổi đóa với tôi lúc tôi quấy rầy giây phút suy nghĩ của ông. Trong giáo sư, có một nỗi sợ ẩn mình dưới đáy cùng của cơn giận dữ khiến tôi thấy ớn lạnh. Nếu nhà tôi đang bị cháy thì sao, tôi chạy vội về trong lo lắng.

Kể từ cái giây phút gặp gỡ đầu tiên giữa giáo sư và thằng bé, tôi đã thực sự rũ bỏ được tâm trạng đề phòng và bắt đầu tin tưởng ông.

Tối ngày hôm trước, đúng như đã hứa, tôi đưa cho con bản đồ và bảo nó đến thẳng nhà giáo sư sau khi tan học. Tôi không thích chuyện này vì mang con đến nơi làm việc là vi phạm kỷ luật lao động của nghiệp đoàn, nhưng ai dám trái lệnh vị giáo sư uy quyền ấy.

Khi con trai tôi với chiếc cặp khoác trên lưng xuất hiện nơi ngưỡng cửa, giáo sư tươi cười dang rộng hai tay và ôm nó vào lòng. Nhanh đến mức tôi chưa kịp chỉ vào mẩu giấy có dòng chữ “… và con trai 10 tuổi” hay giải thích gì thêm. Đôi cánh tay ấy tựa như muốn che chở cho kẻ yếu đuối trước mặt bằng yêu thương vô hạn. Thật hạnh phúc khi được chứng kiến hình ảnh một ai đó dang tay ôm đứa con trai của mình vào lòng như thế. Hành động đó thậm chí còn khiến tôi ao ước: ôi, giá mà giáo sư cũng chào đón tôi theo cách ấy.

– Chào người bạn từ xa đến. Cảm ơn cháu, cảm ơn.

Giáo sư nói. Ông thậm chí không hỏi gì về các con số như vẫn thường lặp đi lặp lại hàng sáng với tôi.

Bối rối trước cử chỉ tiếp đón bất ngờ, thằng bé cứng đờ, duy chỉ có khóe môi là hơi mỉm cười, nó cố gắng đáp lại thịnh tình của giáo sư theo cách riêng của mình. Sau đó, giáo sư nhấc chiếc mũ thằng bé đang đội lên (chiếc mũ có biểu tượng của đội bóng Tigers), xoa đầu và đặt cho nó một cái biệt danh tương xứng trước khi kịp biết tên thật của thằng bé.

– Cháu là Căn. Căn là một ký hiệu toán học rất khoan dung, nó sẵn sàng thu nạp mọi con số vào lòng mình không chút đắn đo.

Thế rồi không chần chừ, giáo sư liền viết tiếp cái ký hiệu đó vào mẩu giấy trên măng sét áo.

“Cô giúp việc mới, và con trai 10 tuổi: ”

Đã có lần tôi thử làm hai tấm thẻ tên cho tôi và con trai để giáo sư bớt phụ thuộc vào những mẩu giấy nhớ. Vì tôi nghĩ nếu chúng tôi cũng đeo những tấm thẻ cho biết chúng tôi là ai, thì tôi, con trai tôi và giáo sư sẽ tránh được những tình huống khó xử không cần thiết. Tôi bắt con hễ ra khỏi cổng trường là phải thay thẻ học sinh bằng tấm thẻ có ký hiệu. Đó là một tấm thẻ điệu đàng và dễ nhìn ngay cả khi giáo sư lơ đãng nhất. Tuy nhiên, không có chuyển biến nào như mong đợi của tôi. Đối với giáo sư, tôi vẫn luôn là vị khách mà giáo sư sẽ chìa bàn tay phải – bàn tay của những con số – ra bắt, còn con trai tôi lúc nào cũng là vị khách đáng được ôm vào lòng.

Chẳng mấy chốc, con trai tôi không còn bỡ ngỡ với cách nghênh đón đặc biệt của giáo sư và bắt đầu tỏ ra vui sướng về điều đó. Nó tự mình bỏ chiếc mũ đang đội xuống, kiêu hãnh đưa cái đầu bẹt gí ra hòng chứng tỏ rằng mình xứng đáng thế nào với cái tên Căn. Giáo sư tuyệt đối không bao giờ quên ca tụng sự vĩ đại của căn bậc hai sau những lời chào đón.

Lần đầu tiên giáo sư chắp hai tay mời cơm cũng là lần đầu tiên ba chúng tôi cùng ăn bữa tối do tôi nấu. Theo hợp đồng, sau khi chuẩn bị một suất cơm tối vào lúc sáu giờ chiều và kết thúc việc dọn dẹp, tôi có thể ra về vào lúc bảy giờ, nhưng từ hôm có thêm thằng bé, giáo sư bỗng thắc mắc về cái thời gian biểu ấy.

– Là một người lớn đàng hoàng, tôi làm sao có thể điềm nhiên xì xụp đánh chén một mình trước mặt một cháu bé đang đói meo bụng được chứ. Cô làm xong công việc ở đây, rồi về nhà nấu cơm sớm nhất cũng phải tám giờ Căn mới có thể ngồi vào bàn ăn, như thế thì không được. Vừa bất hợp lý vừa thiếu đạo lý. Tám giờ là giờ trẻ con lên giường. Người lớn không có quyền tước đoạt thời gian ngủ nghê của con trẻ. Cô phải biết rằng trẻ con lớn lên trong lúc ngủ, suốt từ khi xuất hiện loài người, ở thời đại nào cũng vậy.

Một thắc mắc hoàn toàn thiếu căn cứ khoa học nếu xét trên phát ngôn của một cựu giáo sư toán học. Nhưng tôi đành phải vâng lời, tuy nhiên sau đó tôi đã đề nghị với chủ tịch nghiệp đoàn để họ trừ phần tiền ăn của tôi và con trai từ khoản thù lao của mình.

Bên bàn ăn, giáo sư tỏ ra lịch lãm khác thường. Ông ngồi ngay ngắn, không tạo ra những tiếng động khiếm nhã, không đánh vãi một giọt xúp nào lên mặt bàn hay khăn ăn. Tôi hồ nghi tự hỏi, tại sao giáo sư luôn tỏ ra bất lịch sự bên bàn ăn lúc chỉ có tôi ở đó, mặc dù ông có thể xử sự hoàn hảo hơn nhiều – giống như bây giờ.

– Trường cháu tên là gì?

– Cô chủ nhiệm có hiền không?

– Bữa trưa ở trường hôm nay có món gì?

– Sau này cháu muốn làm nghề gì? Cháu nói cho bác nghe được không?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.