Giọt Lệ Quỷ

CHƯƠNG 14



Trông cô không khỏe lắm. Đặc vụ Lukas.”
“Hôm nay là cả một ngày dài mà.”
Gary Moss đang ở cuối độ tuổi bốn mươi, cơ thể nặng nề với mái tóc xoăn cắt ngắn vừa chớm bạc. Da của ông ta rất đen. Ông ta đang ngồi trên giường ở phòng số Hai, căn hộ nhỏ trên tầng một trụ sở. Ở đây có vài căn như thế, chủ yếu dùng cho lãnh đạo các cơ quan hành pháp đến thăm hay là chốn nghỉ đêm của giám đốc và phó giám đốc nếu họ cần lưu lại trong các chiến dịch lớn. Ông ta ở đây là vì có lẽ ông sẽ chẳng sống được quá hai giờ nếu nằm trong tay của Đặc khu, căn cứ vào những điều ông ta biết và người ông ta sẽ chống lại trước tòa.
Nơi này không đến nỗi tệ. Kiểu của Chính phủ nhưng có một chiếc giường đôi thoải mái, bàn, ghế tựa, bàn ăn, bếp, ti vi với các kênh cáp cơ bản.
“Cậu thanh tra trẻ đâu rồi? Tôi thích cậu ta.”
“Hardy ấy à? Anh ta ở trong phòng Chiến tranh.”
“Cậu ta đang bực mình với cô đấy.”
“Tại sao? Vì tôi không để anh ta chơi trò cảnh sát à?”
“Đúng.”
“Anh ta có phải bên điều tra đâu.”
“Chắc rồi, cậu ta có kể cho tôi nghe. Cậu ta là kẻ ngồi bàn giấy giống hệt tôi. Nhưng cậu ta muốn được tham gia một chút. Cô đang cố bắt tên sát nhân ấy, phải không nào? Tôi có xem trên ti vi. Đó là lý do các cô hoàn toàn quên mất tôi.”
“Chằng có ai quên ông cả, ông Moss.”
Người đàn ông mỉm cười nhưng trông rất khổ sở, cô thấy tội nghiệp ông ta. Song Lukas không đến đây để an ủi. Các nhân chứng có cảm giác bất hạnh hay không được an toàn đôi khi quên đi những điều họ đã nghe hoặc trông thấy. Công tố viên Hoa Kỳ phụ trách vụ án tham nhũng này muốn đảm bảo rằng Gary Moss là một nhân chứng may mắn.
“Ông thế nào?”
“Nhớ nhà. Nhớ các con. Như thế này không đúng chút nào, trong lúc chúng sợ hãi nhường ấy, tôi lại chẳng thể có mặt bên chúng. Vợ tôi đang làm rất tốt. Nhưng một người đàn ông vẫn nên ở bên gia đình anh ta vào những lúc như thế này.”
Lukas nhớ lại hai đứa bé, song sinh và mới năm tuổi. Những món đồ chơi nhựa nhỏ xíu được bện vào tóc chúng. Vợ của Moss là một phụ nữ nhỏ nhắn, với đôi mắt cảnh giác bạn sẽ thấy ở người vừa chứng kiến ngôi nhà của mình bị đốt trụi.
“Ông đang tổ chức mừng năm mới à?” Cô hất đầu vào chiếc mũ chóp nhọn có in hàng chữ “Chúc mừng năm mới”. Bên cạnh đó là vài cái kèn.
Moss nhặt cái mũ lên. “Có người mang nó đến cho tôi. Tôi đã kể những chuyện mình làm được với một nửa áo ngực của Madonna chưa nhỉ?”
Lukas cười phá lên. Rồi cô nghiêm túc trở lại. “Tôi vừa gọi vào đường dây an toàn. Gia đình ông ổn cả. Có khá nhiều người đang trông chừng họ.”
“Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ có người hại tôi hay gia đình tôi. Ý tôi là, khi quyết định đến gặp FBI để nói về những điều tôi phát hiện ra ở công ty ấy. Tôi nghĩ mình sẽ bị sa thải nhưng không bao giờ nghĩ người ta sẽ hãm hại chúng tôi.”
Không ư? Một âm mưu hối lộ liên quan đến mười triệu đô la và có thể kết thúc bằng bản cáo trạng cho hàng chục nhân viên công ty cũng như các quan chức thành phố. Lukas ngạc nhiên vì Moss đã sống sót đến lúc nhận được sự bảo vệ của liên bang.
“Đêm nay, ông và gia đình đáng lẽ”, cô hỏi, “sẽ làm gì?”.
“Đến công viên Mall và xem pháo hoa. Để bọn trẻ thức khuya. Chúng thích thế còn hơn cả xem pháo hoa ấy chứ. Còn cô, đặc vụ Lukas? Cô có kế hoạch gì chưa?”
Không có gì. Cô hoàn toàn chẳng có kế hoạch nào. Cô đã không kể với ai chuyện này. Lukas nghĩ đến vài người bạn của mình: Một nữ cảnh sát ở Farifax, một lính cứu hỏa ở Burke, vài người hàng xóm, một người đàn ông cô gặp ở tiệc thử rượu, ai đó cô gặp ở lớp huấn luyện chó trong lúc cố gắng một cách không thành công để dạy dỗ con Jean Luc. Cô phần nào cũng khá gắn bó với họ và vài người khác nữa. Đôi khi cô tán gẫu cùng họ, đôi khi chia sẻ rượu với họ. Thi thoảng, cô cũng ngủ với một anh chàng. Tất cả đều mời cô đến dự tiệc mừng năm mới; cô nói với họ rằng mình sẽ tới một bữa tiệc lớn ở Maryland. Nhưng chỉ là nói dối. Cô muốn dành đêm cuối năm này cho riêng mình. Và cô chẳng muốn ai biết chuyện đó, chủ yếu là bởi không thế giải thích được tại sao. Nhưng vì vài lý do, cô nhìn Gary Moss, người đàn ông dũng cảm bị mắc kẹt trong cơn bão lửa của chính trường Washington D.c. này, và rồi kể cho ông sự thật, “Tôi định dành đêm nay với con chó của mình và xem một bộ phim”.
Ông ta không hề nói lời cảm thông giả tạo mà liền vui hẳn lên “Ồ, cô nuôi chó à?”.
“Có chứ. Giống Black Lab. Nàng ta ra dáng người mẫu thời trang lắm, nhưng ngu nhất hạng luôn.”
“Cô nuôi nó bao lâu rồi?”
“Hai năm. Từ dịp Lễ tạ ơn.”
Moss nói, “Năm ngoái tôi mua cho bọn trẻ một con chó lai. Bé xíu. Chúng tôi tưởng đã mất nó trong vụ gài bom nhưng cuối cùng nó thoát được. Nó đủ thông minh để bỏ lại chúng tôi và tự đào thoát khỏi đám cháy. Cô định xem phim gì đấy?”.
“Chưa biết chắc. Có thể là phim dành cho nữ giới. Cái gì đó hay ho và tràn đầy nhựa sống, làm cho tôi phải khóc.”
“Tôi không nghĩ các đặc vụ FBI được phép khóc đâu.”
“Chỉ khi nào hết nhiệm vụ thôi. Việc chúng tôi định làm là giữ ông ở đây đến thứ Hai, ông Moss ạ, rồi ông sẽ được chuyển đến nhà an toàn của Cục Cảnh sát Hoa Kỳ.”
“Ha. Tommy Lee Jones. Kẻ đào tẩu. Chẳng phải phim ấy rất hay sao?”
“Tôi chưa xem.”
“Lúc nào đấy thuê xem đi.”
“Có thể. Ông sẽ ổn cả, Gary. Ông đang ở nơi an toàn nhất có thể rồi. Không ai tấn công ông ở đây được đâu.”
“Chừng nào mấy tay lao công kia thôi làm tôi sợ chết khiếp.” Moss cười phá lên.
Ông ta đang cố phấn chấn. Nhưng Lukas có thể thấy nỗi sợ của người đàn ông này: Nó như nhịp đập trên những mạch máu lộ ra nơi cái trán xương xẩu. Sợ cho ông, sợ cho gia đình ông.
“Chúng tôi sẽ mang bữa tối cho ông.”
“Một cốc bia nhé?”, ông ta hỏi.
“Một lốc luôn thì sao?”
“Ồ, thế chứ.”
“Ông thích loại nào?”
“À, Sam Adams.” Rồi ông ngần ngại, “Cái đó cũng nằm trong ngân sách à?”.
“Miễn là tôi kiếm được.”
“Tôi sẽ để phần cho cô một lon mát lạnh. Hãy trở lại đây sau khi tóm được tên điên nhé!”
Ông ta nghịch cái mũ. Trong một giây, cô đã tưởng ông ta sẽ đội nó lên đầu nhưng chắc Gary cũng nhận ra cử chỉ ấy thật thảm hại. Ông ném nó lên giường.
“Tôi sẽ quay lại sau”, cô nói với ông ta.
“Cô đi đâu đấy?”
“Xem bản đồ.”
“Bản đồ à. Chúc cô may mắn, đặc vụ Lukas.”
Cô bước qua cánh cửa. Cả hai không ai chúc người còn lại một năm mới hạnh phúc.
Bên ngoài, trong không khí mát lạnh, Parker, Cage và Lukas đi dọc vỉa hè sáng lờ mờ trên đường đến Cục lưu trữ đo đạc địa hình cách trụ sở Cục điều tra sáu dãy nhà.
Washington D.c. cũng có những địa điểm xinh đẹp và kiến trúc tuyệt vời của riêng mình. Nhưng vào lúc hoàng hôn một chiều mùa đông như thế này, nó trông thật âm u. Khoản ngân sách trang trí Giáng sinh hạn hẹp cũng không thắp sáng được các con phố ảm đạm. Parker Kincaid nhìn lên trời. Một màu u ám. Anh nhớ người ta đã dự báo rằng sẽ có tuyết và ngày mai, bọn Who sẽ muốn ra ngoài chạy xe trượt.
Họ sẽ tỉa bụi cây ở sân sau như anh đã hứa với Robby, rồi cả ba bốn con sẽ hướng về phía tây tới núi Massanutten bằng những chiếc xe trượt tuyết cùng bình ủ chocolate nóng.
Lukas chen ngang những suy nghĩ của anh bằng câu hỏi, “Sao anh lại theo ngành Tài liệu?”.
“Thomas Jefferson”, Parker trả lời.
“Là sao?”
“Đáng lẽ tôi sẽ theo ngành Sử. Tôi muốn trở thành chuyên gia về lịch sử thời Jefferson. Đó là lý do tôi đi học ở Đại học Virginia.”
“Ông ấy đã thiết kế trường đại học ấy, phải không?”
“Cơ sở đầu tiên thôi. Hàng ngày, tôi đến phòng lưu trữ ở đó và Thư viện Quốc hội ở Đặc khu. Một hôm, tôi đang ngồi trong thư viện ở Charlottesville, xem xét lá thư Jefferson viết cho con gái là Martha. Bức thư nói về tình trạng nô lệ. Jefferson cũng có nô lệ nhưng ông không tin vào chế độ ấy. Song lá thư được viết ngay trước khi ông qua đời này lại quyết liệt tán thành chủ nghĩa nô lệ và công khai thừa nhận quan điểm sai lầm của mình trước đó. Ông nói rằng chế độ nô lệ là nền tảng kinh tế của đất nước và cần phải được duy trì. Với tôi, việc này có vẻ quái lạ, và càng lạ hơn vì ông ấy lại viết về vấn đề đó với con gái của mình. Ông ấy rất yêu con nhưng thư từ qua lại của họ chủ yếu là về việc nhà. Càng đọc tôi lại càng nghĩ rằng kiểu chữ này có gì đó không đúng lắm. Tôi đã mua một cái kính lúp rẻ tiền và so sánh nó với những văn bản đã biết.”
“Và nó là giả à?”
“Phải. Tôi mang nó đến cho một nhà giám định tài liệu gần đấy để ông ta phân tích nó. Và gây ra một vụ rùm beng tương đối về chuyện ai đó tuồn tài liệu giả vào khu vực lưu trữ về Jefferson, đặc biệt lại là một tài liệu như vậy. Tôi đã được nêu tên trên tờ Post.”
“Ai đã làm việc đó?”, Lukas hỏi.
“Không ai biết cả. Nó có từ những năm Sáu mươi, chúng tôi có thể nói như vậy nhờ vào độ thẩm thấu của mực. Các chuyên viên lưu trữ cho rằng tác giả là một người cánh hữu muốn nhét lá thư này vào để phá hoại các hoạt động nhân quyền. Dù thế nào thì tôi đã bị cuốn vào từ lúc đó.”
Parker đã đưa cho Lukas xem hồ sơ lý lịch của mình. Anh có bằng thạc sĩ môn biện luận của trường Đại học George Washington. Anh cũng được Hội đồng các nhà giám định tài liệu pháp lý Hoa Kỳ Houston chứng nhận. Anh còn là thành viên của Hiệp hội các nhà giám định tài liệu Mỹ, Hiệp hội các nhà giám định tài liệu quốc gia và Hiệp hội các nhà giám định tài liệu thế giới.
“Tôi làm ngoài một thời gian cho đến khi nghe nói Cục điều tra đang tìm một đặc vụ chuyên giám định tài liệu. Tôi tới Quantico và phần còn lại chỉ là quá khứ.”
Lukas hỏi, “Điều gì ở Jefferon hấp dẫn anh?”.
Parker thậm chí chưa bao giờ cân nhắc vấn đề này. Anh trả lời, “Ông ấy là một anh hùng”.
“Ngày nay, chúng ta không thể tìm được nhiều người như vậy”, Cage nói.
“Ôi, người thời nay với thời xưa chẳng khác nhau mấy đâu”, Parker phản bác. “Trên đời vốn không có nhiều người hùng. Nhưng Jefferson đúng là người như vậy.”
“Bởi vì ông ta là người đa tài à?”, Lukas hỏi.
“Bởi nhân cách của ông thì đúng hơn. Vợ ông chết trong khi sinh nở. Việc ấy suýt thì hủy hoại ông. Nhưng ông đã vượt qua. Ông nhận lãnh trách nhiệm nuôi các con gái. Bao nhiêu nỗ lực ông đặt vào việc hoạch định hệ thống tưới tiêu cho đồng ruộng hay dịch bản Hiến pháp thì cũng nỗ lực bấy nhiêu khi chọn váy áo cho Mary. Tôi đã đọc tất cả các thư từ của ông. Với ông, không có gì là thử thách quá lớn,”
Lukas ngập ngừng, nhìn vào một cửa hiệu trưng bày ít quần áo nữ trẻ trung và một chiếc váy đen. Anh để ý thấy cô không hề ngưỡng mộ nó; đôi mắt cô nhìn nó chẳng khác gì nhìn vào bức thư tống tiền, chỉ thấy sự phân tích đánh giá.
Parker ngạc nhiên vì một thứ như thế lại làm cô phân tâm. Nhưng Cage nói, “Margaret của chúng tôi là một, nói thế nào nhỉ, nhà thiết kế cừ khôi. Tự may quần áo cho mình. Cô ấy giỏi lắm”.
“Cage”, cô lơ đãng rầy la.
“Anh có biết ai làm được như thế không?”
Không, Parker không biết nên anh chẳng nói gì.
Cô quay mặt đi và họ tiếp tục đặt bước trên Đại lộ Pennsylvania, tòa nhà Capitol ở trước mặt.
Lukas hỏi anh, “Thế anh thực sự đã từ chối vị trí trưởng phân cục đấy à?”.
“Phải.”
Một tràng cười khó tin phát ra.
Parker vẫn còn nhớ cái ngày Cage và vị phó giám đốc đương nhiệm lúc đó ghé qua văn phòng để hỏi liệu anh có muốn rời khỏi phòng Tài liệu và phụ trách một văn phòng thực chiến hay không. Đúng như Cage nhận xét trên bậc thềm nhà anh lúc sáng, Parker không chỉ giỏi phân tích tài liệu mà còn rất giỏi việc tóm bọn người xấu.
Một đặc vụ hay trợ lý công tố viên Hoa Kỳ chỉ cần đến gặp anh với một câu hỏi đơn giản về một tài liệu có thể bị nghi là giả mạo hoặc chính là sợi dây liên kết thủ phạm với hiện trường tội ác. Vậy là, Parker sẽ không ngừng cật vấn anh chàng tội nghiệp nọ trong văn phòng đầy cây bonsai của mình ở phòng thí nghiệm, dù anh chàng chỉ muốn có chút thông tin liên quan đến tài liệu. Nhưng đối với Parker, thế là chưa đủ.
Anh tìm thấy lá thư ở đâu? Không, không, ngăn kéo nào cơ? Nghi phạm có vợ không? Cô ta sống ở đâu? Hắn có chó không? Lần bị bắt gần nhất của hắn là trong tình huống nào?
Câu hỏi này dẫn tới câu hỏi nọ, chẳng bao lâu sau, Parker Kincaid sẽ không nói liệu chữ viết tay này có khớp với chữ ký trong tờ khai ở DMV không, mà thay vào đó lại đoán định nơi nghi phạm có thể đang lẩn trốn. Gần như lúc nào anh cũng đúng.
Nhưng anh đã từ chối lời đề nghị. Thời gian làm việc của một trưởng phân cục rất dài, trong khi vào giai đoạn ấy anh cần phải ở nhà. Vì lợi ích của lũ trẻ.
Tất nhiên anh không hề muốn chia sẻ bất kỳ điều gì trong số đó với Lukas.
Anh thắc mắc liệu cô có hỏi thêm không, nhưng cô chẳng nói gì. Cô chỉ lôi điện thoại ra và gọi.
Parker tò mò về Cục lưu trữ đo đạc địa hình mà họ đang đi đến. Anh hỏi, “Chính xác thì..
“Im nào!”, Lukas đột ngột thì thào.
“Sao.. anh định hỏi.
“Im lặng! Tiếp tục bước đi! Và đừng nhìn lại!”
Anh nhận ra cô không hề nói chuyện điện thoại mà chỉ giả vờ.
Cage hỏi, “Cô cũng thấy hắn à? Tôi thấy hắn cách ta khoảng hai mươi mét”.
“Gần ba mươi. Không thấy vũ khí. Hắn có vẻ õng ẹo. Di chuyển không vững vàng.”
Parker nhận ra đó là lý do Lukas quan tâm đến anh nãy giờ và tại sao cô lại dừng chân để ngắm mấy chiếc váy trong cửa hiệu: Cô nghi ngờ có ai đó đang theo dõi họ và muốn kẻ đó tưởng là cô không biết. Anh cũng liếc vào một cửa sổ khi họ bước ngang qua và trông thấy một người đang băng qua đường để sang phía vỉa hè họ đang đi.
Lúc này Parker mới để ý cả Cage và Lukas đều đang cầm vũ khí. Anh không hề biết họ rút ra lúc nào. Họ cầm những khẩu súng tự động màu đen, trên ống ngắm là ba điểm sáng màu xanh lục bé xíu. Khẩu súng công vụ của anh là loại súng lục già cỗi và điều anh nhớ nhất là chuyện ghét cay ghét đắng cái luật buộc anh phải vác theo nó mọi lúc; ý nghĩ mang theo một khẩu súng đầy đạn lởn vởn gần bọn Who làm anh lo lắng mãi không yên.
Lukas lẩm bẩm gì đó với Cage và ông gật đầu. Quay sang Parker, cô nói, “Hãy ra vẻ tự nhiên!”.
Ồ chắc rồi…
“Cô nghĩ có phải Digger không?”, anh hỏi.
“Có thể”, cô nói.
“Kế hoạch?”, Cage thì thầm.
“Hạ hắn”, cô đáp lại một cách bình tĩnh.
Lạy Chúa, Parker nghĩ. Digger đang ở sau lưng họ! Với khẩu súng tự động. Hắn đã theo dõi trụ sở Cục điều tra và biết được họ chính là những người phụ trách vụ án. Họ suýt bắt được hắn ở nhà hát; có lẽ tên đồng phạm đã dặn hắn hạ hết điều tra viên nếu họ có vẻ sắp bắt được hắn.
“Ông lo mặt phố”, Lukas nói với Cage. “Kincaid, anh phụ trách ngõ. Trong trường hợp có đồng phạm.”
“Tôi…”
“Suỵt.”
“Đếm đến ba. Một… hai…
“Nhưng tôi.. ”, Parker định nói.
“Ba.”
Họ tách ra rất nhanh. Cage bước hẳn xuống phố, chặn các xe đang đi.
Lukas quay lại và lao về hướng họ vừa đi qua. “Đặc vụ liên bang!” cô hét. “Anh kia! Đứng yên, hai tay đặt lên đầu.”
Parker liếc vào trong ngõ và tự hỏi mình phải làm gì nếu trông thấy có tên đồng phạm nào ở đó. Anh rút điện thoại ra, bấm sẵn 911 và đặt tay lên nút Gọi. Anh chỉ nghĩ được có thế.
Nhìn lại đằng sau, anh thấy Lukas. Phía trước cô, một người đàn ông đột ngột dừng lại rồi quay đầu bỏ chạy xuống phố.
“Đứng lại!”
Lukas đang chạy dọc vỉa hè. Người đàn ông rẽ sang phải, biến mất trong dòng xe cộ. Cô cố đuổi theo nhưng một chiếc xe bỗng rẽ ngoặt; người lái xe không trông thấy và suýt tông phải cô. Lukas lăn người lên vỉa hè, chỉ cách lá chắn vài phân.
Lúc cô lại bắt đầu chạy theo thì tên kia đã biến mất. Parker trông thấy cô lôi điện thoại ra và nói gì đó. Một lát sau, ba chiếc xe không biển hiệu, kèm đèn đỏ lóe sáng trên bảng điều khiển phanh kít ở ngã tư. Cô trao đổi với một trong ba tài xế và mấy chiếc xe liền phóng vút đi.
Lukas từ từ đi bộ trở lại chỗ Parker. Cage cũng tiến về phía họ. Lukas giơ hai tay lên một cách bực bội.
Cage nhún vai. “Anh trông thấy hắn không?”
“Không”, Parker trả lời.
“Tôi cũng không thấy”, Lukas lẩm bẩm. Rồi cô liếc vào tay Parker. “Vũ khí của anh đâu?”
“Cái gì của tôi?”
“Anh phụ trách ngõ cơ mà. Chúng ta gặp biến mà anh lại không rút vũ khí ra sao?”
“À, tại vì tôi không có. Đó là chuyện tôi đã cố nói với cô.”
“Anh không mang gì?”, cô hỏi một cách khó tin.
“Tôi là thường dân”, Parker nói. “Sao tôi phải có súng chứ?”
Lukas nhìn Cage một cách khinh thị, ông liền nói, “Cứ tưởng anh ta có”.
Cô cúi xuống và kéo ống quần bò lên. Lôi một khẩu súng nhỏ ra khỏi bao ở cổ chân rồi đưa cho Parker.
Anh lắc đầu. “Không, cảm ơn.”
“Cầm lấy đi!”, cô khăng khăng.
Parker liếc khẩu súng trên tay cô. “Tôi không thoải mái với súng ống. Tôi ở bên Khoa học hình sự, không phải đội tác chiến. Hơn nữa, khẩu công vụ của tôi là súng lục, không phải loại tự động. Lần cuối tôi bắn là ở trường bắn tại Quantico. Sáu bảy năm trước rồi”.
“Tất cả những gì anh phải làm là ngắm bắn và bóp cò”, cô nói, giờ đã cực kỳ giận dữ. “Chốt an toàn giật rồi. Phát đầu tiên là hai viên đạn liên tiếp, phát thứ hai một viên. Vì thế chỉ việc ngắm cho đúng”. Parker tự hỏi cơn giận bất chợt này đến từ đâu.
Anh không cầm khẩu súng.
Cô thở dài, khiến một làn khói mỏng thoát ra từ miệng cô giữa trời đêm lạnh giá. Cô không nói gì mà chỉ đẩy khẩu súng về gần phía anh hơn.
Parker quyết định có đấu tranh cũng chẳng để làm gì. Anh đưa tay ra và cầm lấy khẩu súng. Liếc nó một cái rồi trượt vào trong túi áo. Lukas quay đi, không nói không rằng và họ tiếp tục tiến về phía trước. Cage nhìn anh nghi ngờ, tiếp theo là nhún vai rồi gọi điện thoại.
Trong lúc họ đi trên phố, Parker cảm nhận sức nặng của khẩu súng trong túi áo: Một lực kéo khổng lồ, lớn hơn trọng lượng ba bốn trăm gram của nó rất nhiều. Thế nhưng anh chẳng thấy thoải mái hơn chút nào khi có nó bên mình. Anh tự hỏi tại sao. Một phút trôi qua anh mới nhận ra câu trả lời. Không phải vì mẩu kim loại nóng bỏng này nhắc anh nhớ rằng Digger có thể vừa mới ở ngay đằng sau họ ít phút trước, định giết cả anh lẫn Cage và Lukas. Cũng chẳng phải vì nó nhắc anh nhớ đến Người chèo thuyền bốn năm về trước hay về nỗi hoảng loạn của đứa con trai.
Không, thực tế là vì khẩu súng dường như có một quyền năng đen tối nào đó, giống chiếc nhẫn ma thuật trong cuốn sách của J. R. R Tolkien, một quyền năng sẽ khuất phục anh và mỗi phút càng mang anh rời xa lũ trẻ hơn. Thứ quyền năng có thể chia tách anh với các con mãi mãi.
 
o O o
 
Digger đang đứng trong một con hẻm.
Bất động, nhìn quanh.
Quanh đây không có đặc vụ hay tay cảnh sát nào. Cũng chẳng có ai truy đuổi hay săn lùng hắn. Không có ai bắn hắn. Hay bắt hắn quay lại Connecticut, nơi hắn thích các rừng cây, nhưng lại ghét cay ghét đắng những căn phòng có chấn song mà người ta ép hắn phải ngồi trong đó hết giờ này sang giờ khác, chẳng được làm gì, nơi người ta ăn cắp xúp của hắn và chuyển kênh ti vi để hắn không xem được các đoạn quảng cáo ô tô hay chó con nữa, chỉ có kênh thể thao.
Pamela đã bảo hắn, “Anh béo quá rồi. Anh mất hết cơ bắp. Sao anh không đi chạy nhỉ? Đi mua một đôi.. click,”… giày chạy Nike đi. Nhé. Tới trung tâm thương mại ấy. Em có việc phải làm”.
Trong một phút, Digger nghĩ mình đã trông thấy Pamela. Hắn nheo mắt. Không, không, chỉ là một bức tường trống trơn trong hẻm.
Con có hứa sẽ yêu thương, trân trọng, tôn trọng và… click… tuân phục?
Một ngày mùa thu nọ, hắn đi chạy với Pamela qua những tán lá đỏ và vàng. Hắn đã cố bắt kịp, mồ hôi mồ kê và ngực đau như thắt, giống hệt cơn đau đầu sau khi viên đạn bắn lung tung trong não hắn. Pamela chạy trước và rốt cuộc hắn chỉ còn một mình. Rốt cuộc hắn phải lẻ loi đi bộ về nhà.
Digger lo lắng về sai lầm ở nhà hát. Hắn lo ngại về tất cả các cảnh sát và đặc vụ ở đó, lo rằng người chỉ dạy hắn mọi điều sẽ chẳng vui khi hắn không bắn chết được nhiều người như kế hoạch phải thế.
Digger nghe tiếng còi hú từ đằng xa. Rất nhiều tiếng còi.
Hắn bắt đầu đi qua hẻm. Để mặc chiếc túi mua hàng lủng lẳng trên cánh tay. Khẩu Uzi bên trong túi lại nặng trịch vì đã được nạp thêm đạn.
Phía trước mặt, trong con hẻm, hắn nhìn thấy có sự chuyển động. Hắn dừng bước. Có một thằng bé. Da màu và gầy nhẵng. Khoảng mười tuổi. Thằng bé đang nghe ai đó nói chuyện với mình. Ai đó mà Digger không trông thấy.
Đột nhiên, Digger nghe tiếng Pamela, “Có… có… có… con với anh á? Có… có…có… con của anh?”.
Nếu chúng ta có một hay ba hay bốn đứa trẻ, em sẽ biết tôi càng yêu em nhiều hơn.
Rồi ký ức về bài hát tan biến vì có tiếng giấy rách, khẩu súng cùng ống giảm thanh rơi ra khỏi đáy túi. Hắn cúi xuống nhặt chúng và trong lúc ấy cũng nhìn lên.
Hừm.
Không hay chút nào.
Thằng bé cùng một người lớn tuổi mặc quần áo bẩn thỉu đang đi vào trong hẻm, ông ta chính là người nói chuyện với nó khi nãy. Người đàn ông đang bẻ quặt tay thằng bé lên trên. Nó khóc và mũi bị chảy máu.
Cả hai nhìn Digger. Có vẻ như thằng bé thấy nhẹ nhõm. Nó giật tay khỏi người đàn ông và xoa vai. Gã ta lại tóm tay nó lần nữa.
Người đàn ông nhìn xuống khẩu Uzi rồi cười mỉa với Digger. Và nói, “Dù mày đang làm gì, không phải việc của tao. Tao chỉ đi đường tao thôi”.
“Thả tay con ra”, thằng bé rên rỉ.
“Câm họng!” Người đàn ông giơ nắm đấm. Thằng bé co rúm.
Digger bắn hai phát vào ngực gã. Người đàn ông liền ngã ra sau. Thằng bé nhảy bật lại trước tiếng động lớn. Ống giảm thanh vẫn nằm trên mặt đất.
Digger nhắm vào thằng bé, lúc này đang nhìn chằm chằm vào thi thể.
“Nếu ai nhìn thấy mặt anh…”
Digger định bóp cò.
“Có…có…có… con với anh?” Những lời ấy lùng bùng trong não hắn.
Thằng bé vẫn cứ nhìn thi thể người đàn ông vừa mới đánh mình. Digger lại định bóp cò. Rồi hắn hạ khẩu súng xuống. Thằng bé quay lại và nhìn Digger. Nó thì thào, “Ông… ông bắn ông ta! Trời ơi, cứ như không, ông bắn ông ta”.
Thằng bé nhìn thẳng vào mặt Digger. Chỉ cách hắn có ba mét.
Lời nói cứ lùng bùng trong đầu hắn. Giết nó, nó thấy mặt anh rồi, giết nó, giết nó… giết nó… giết nó…
Đại loại như thế.
Digger chỉ nói, “Hừm”. Hắn cúi xuống nhặt những vỏ đạn rỗng rồi đến ống giảm thanh, bọc nó cùng khẩu súng trong lớp túi đã rách và bước ra khỏi con hẻm, bỏ mặc thằng bé đứng bên đống rác, nhìn chằm chằm vào một cái xác.
Trở lại nhà trọ và… click… trở lại nhà trọ và chờ.
Hắn sẽ ăn xúp và chờ. Hắn sẽ nghe lời nhắn. Xem người chỉ dạy hắn mọi điều có gọi và bảo hắn dừng lại hay không.
Khi tôi nghe tiếng em bước chân qua cánh cửa… Lúc này được ăn một ít xúp sẽ rất tuyệt. Tôi biết mình càng yêu em nhiều hơn.
Hắn đã nấu xúp cho Pamela. Hắn đang nấu xúp vào cái tối mà nàng… click. Đó là đêm Giáng sinh. Mười hai hai mươi lăm. Một hai hai năm. Một buổi tối như hôm nay. Lạnh lẽo. Đèn màu rực rỡ ở khắp nơi.
Đây là cây Thánh giá bằng vàng cho em, hắn nói. Còn cái hộp này là cho anh à?… Một món quà? Ồ, là áo khoác! Cảm ơn em, cảm ơn em, cảm ơn…
Digger đang đứng chỗ cột đèn giao thông, chờ tín hiệu đèn xanh.
Đột nhiên, hắn cảm nhận thứ gì đó đang chạm vào tay mình.
Digger không hốt hoảng. Digger chẳng bao giờ hốt hoảng.
Hắn tóm chặt khẩu súng trong chiếc túi rách. Từ từ quay lại.
Thằng bé đang đứng cạnh hắn, nắm chặt tay trái của Digger. Nó nhìn thẳng về phía trước.
Yêu em yêu em yêu em…
Đèn đổi màu.
Digger không di chuyển.
Nhiều hơn…
“Đến lượt chúng ta rồi”, thằng bé nói, giờ đang nhìn chằm chằm vào những con chó trên chiếc túi rách. Digger thấy hình người màu xanh trên biển được đi/không được đi.
Hình người màu xanh có vẻ vui.
Dù vui có là gì đi nữa.
Cả hai cùng nắm tay nhau đi bộ qua đường.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.