Gối Đầu Lên Cỏ

Chương 13 (Hết)



Chúng tôi tiễn Kyuichi đến ga Yoshida theo đường sông. Trên thuyền, ngoài người được tiễn là Kyuichi, có những người đi tiễn là ông cụ, cô Nami, anh trai cô, anh Genbei giúp mang hành lý và cuối cùng là tôi. Tất nhiên tôi chỉ là người được mời đi theo cùng.

Tuy chỉ là đi theo nhưng khi được mời thì tôi rất sẵn lòng. Ði mà không cần biết là đi để làm gì. Trong lúc đi tìm sự thanh thản như thế này thì không có gì phải dè dặt cả. Chiếc thuyền của chúng tôi thuộc loại đáy phẳng, giống như một chiếc bè được gắn thêm thanh vịn ở hai bên. Ông cụ ngồi ở giữa. Tôi và cô Nami ngồi ở phía đuôi thuyền. Kyuichi và ông anh họ ngồi đằng mũi. Anh Genbei thì ngồi tách riêng, bên cạnh mớ hành lý.

– Kyuichi, cậu thích ra trận hay là không thích? Nami hỏi.

– Chưa ra thì chưa biết. Chắc hẳn là vất vả, nhưng biết đâu cũng có niềm vui – Kyuichi trả lời. Cậu vẫn chưa biết gì về chiến trận.

– Dù vất vả đến đâu thì cũng phải hết lòng vì nước – Ông cụ bảo.

– Khi nhận được thanh đoản kiếm này, hẳn là cậu cũng muốn ra trận để biết thế nào là chiến tranh chứ nhỉ?

Cô Nami lại hỏi một câu hỏi lạ lùng. Kyuichi khẽ gật đầu:

– Vâng ạ!

Ông cụ vuốt râu, cười. Còn ông anh họ vẫn làm mặt tỉnh khô.

– Cứ thản nhiên như thế này thì ra trận làm sao được!

Cô Nami táo tợn ghé sát gương mặt trắng xanh vào trước mặt Kyuichi. Kyuichi và ông anh họ khẽ đưa mắt nhìn nhau.

– Nami mà làm lính thì mới là dũng cảm!

Ðó là câu đầu tiên mà ông anh cả nói với cô em gái Nami. Nghe giọng nói thì có thể biết đó không phải là kiểu nói đùa.

– Em á? Em mà làm lính á? Nếu mà được vào lính thì em đã vào từ lâu rồi! Mà cũng đã chết từ lâu rồi! Kyuichi, cậu cũng nên chết ngoài chiến trường đi. Nếu mà còn sống trở về thì sẽ gặp khối chuyện rườm tai đấy!

– Nói năng kiểu gì thế hả?… Này, này! Cháu phải chiến thắng mà trở về trong khúc khải hoàn ca đấy nhé! Không phải cứ chết ngoài chiến trận là hết lòng vì đất nước đâu! Bác vẫn còn sống hai, ba mươi năm nữa. Bác cháu ta sẽ còn gặp lại!

Ông cụ nói mấy tiếng cuối cùng với giọng nghẹn ngào, đứt quãng, rồi chìm trong nước mắt. Chỉ có anh con trai cả là không bị xúc động. Kyuichi không nói gì, chỉ quay nghiêng đầu nhìn về phía bờ sông.

Bờ sông có một cây liễu già. Dưới gốc liễu buộc một chiếc thuyền câu nho nhỏ. Một người đàn ông đang chăm chú nhìn vào sợi dây câu trước mặt. Khi thuyền chúng tôi rẽ sóng chầm chậm lướt qua, người đàn ông bất chợt ngước lên, bắt gặp ánh mắt Kyuichi. Ánh mắt hai người gặp nhau mà chẳng có biểu hiện gì. Người đàn ông đang mải nghĩ về chuyện câu cá. Còn Kyuichi lúc này chẳng có bụng dạ nào nghĩ đến chuyện cá tôm. Thuyền chúng tôi cứ lặng lẽ lướt qua người đàn ông trên chiếc xuồng câu ấy.

Tôi không biết trong vòng một phút thì có mấy trăm người đi qua cầu Nihonbashi[1]. Nếu mà ta ra đứng giữa cầu để hỏi thăm từng người một về những ẩn ức trong đời sống cá nhân, hẳn ta sẽ kinh ngạc nhận ra rằng cuộc sống vô thường này là không thể nào chịu nổi! Chính vì chúng ta cứ nhìn nhau như là những người không quen biết nên mới có người tình nguyện đứng phất cờ tín hiệu cho tàu chạy qua cầu. Người đàn ông câu cá nhìn gương mặt Kyuichi chừng như sắp khóc mà không thấy thắc mắc gì, đó mới là điều may mắn. Khi tôi quay nhìn lại thì vẫn thấy ông ta đang điềm nhiên ngồi nhìn chiếc phao. Và có lẽ ông ta vẫn sẽ ngồi nhìn như thế cho đến khi chiến tranh Nhật – Nga chấm dứt.

[1] Tên một chiếc cầu ở khu trung tâm Tokyo.

Dòng sông không rộng lắm. Mà lòng sông cũng không sâu. Nước sông chảy lững lờ. Chúng tôi cứ tựa vào mạn thuyền này, trôi trên mặt nước này đến tận nơi đâu? Có lẽ là cứ trôi mãi qua lúc xuân tàn, trôi đến chỗ ồn ào đông đúc – nơi mà người ta cơ hồ muốn va chạm vào nhau. Chàng thanh niên có vết đỏ giữa chân mày như một thứ dấu hiệu của chiến tranh đẫm máu này đang kéo theo cả đoàn người chúng tôi không thương tiếc. Có lẽ chúng tôi phải đi theo chàng cho đến khi chấm dứt sợi dây duyên nghiệp đã ràng buộc giữa chàng và chúng tôi không biết tự ngày tháng năm nào. Cũng như chàng vì định mệnh mà phải đi đến tận phương Bắc xa xôi, tối tăm và khốc liệt. Khi nhân duyên giữa chúng tôi chấm dứt, giống như một sợi dây đến lúc đứt rời ra, thì chỉ còn một mình chàng thanh niên bị cuốn theo định mệnh của riêng chàng. Còn chúng tôi phải chấp nhận là những người ở lại. Lúc ấy cho dù có van xin, có vật nài đến đâu thì chàng cũng không thể nào kéo chúng tôi theo được nữa.

Cảm giác vui vui khi chiếc thuyền lướt đi rất nhẹ. Cỏ rậm rạp hai bên bờ sông hình như là loại cỏ đuôi chồn. Và nhiều cây liễu mọc phía trên bãi sông. Thỉnh thoảng lại hiện lên vài ngôi nhà mái rạ thấp lè tè, cửa sổ ám đầy muội khói. Những con vịt lông trắng rải rác đó đây. Chúng vừa kêu cạc cạc vừa bơi ra giữa dòng.

Hình như có cả hoa đào trắng lấp ló giữa những cành liễu. Tiếng thoi dệt vải khua lách cách xen lẫn với tiếng hát con gái thấp thoáng vọng ra. Nhưng làn điệu của bài hát thì không nghe rõ được.

– Anh vẽ cho tôi một bức chân dung nhé!

Cô Nami đề nghị. Kyuichi và ông anh họ đang say sưa trò chuyện về quân sự. Còn ông cụ thì đang thiu thiu ngủ.

– Ừ, tôi sẽ vẽ.

Tôi nói và lấy sổ phác họa ra ghi một bài thơ:

Gió xuân lồng lộng

Xổ tung dải thắt lưng

Tên là gì nhỉ?

Tôi đưa cho cô xem bài thơ, cô cười bảo:

– Chỉ vài nét thế này thì chưa được. Anh phải vẽ đàng hoàng để thể hiện rõ hơn khí chất của tôi kia.

– Tôi cũng muốn vẽ như thế lắm. Nhưng gương mặt cô mà vẽ theo kiểu đó thì không thành một bức chân dung được.

– Anh biện luận hay đấy! Vậy thì phải làm sao mới thành một bức chân dung?

– Có gì đâu, ngay bây giờ tôi cũng có thể vẽ được mà. Chỉ có điều bức chân dung sẽ không hoàn hảo. Mà sẽ rất đáng tiếc nếu vẽ ra một bức chân dung còn thiếu sót.

– Anh nói là thiếu sót ư? Gương mặt tôi khi sinh ra đã thế thì biết làm sao được bây giờ?

– Gương mặt bẩm sinh vẫn có thể thay đổi nhiều lắm chứ!

– Ý anh nói là tự tôi làm thay đổi đấy ư?

– Ừ.

– Ðừng có nghĩ rằng tôi là phụ nữ thì ngu ngơ đấy nhé!

– Chính vì cô là phụ nữ nên mới nói ra một câu ngớ ngẩn như vậy đấy!

– Vậy thì hãy chỉ tôi xem, anh đã làm thay đổi gương mặt anh như thế nào?

– Nó vẫn thay đổi rất nhiều theo từng ngày đấy chứ.

Cô gái im lặng quay mặt đi nơi khác. Bờ sông bây giờ chỉ thấp ngang mực nước, và xa hơn nữa là cánh đồng ngút ngát trải mênh mông. Một biển hoa đỏ thắm trải rộng trong màn sương đến vô cùng, tưởng như một cơn mưa đổ xuống tự lúc nào đã hòa tan một nửa vào trong màu đỏ ấy và loang rộng mãi ra. Ngước mắt lên, tôi nhìn thấy một ngọn núi sừng sững giữa tầng không, với những đám mây mùa xuân lãng đãng giăng ngang sườn núi.

– Ngọn núi mà anh đã vượt qua kia kìa!

Cô gái giơ cánh tay trắng muốt ra ngoài mạn thuyền, chỉ về phía ngọn núi mùa xuân mờ ảo như một giấc mơ.

– Có tảng đá Tengu đâu đấy không nhỉ?

– Cái vệt màu tím bên dưới chỗ có màu xanh đậm kia kìa!

– Chỗ bóng râm đấy à?

– Bóng râm á? Tôi lại nghĩ đó là chỗ sườn núi bị trọc kia.

– Xem nó bị lõm xuống kìa. Nếu là chỗ sườn núi bị trọc thì phải có màu nâu đậm hơn chứ.

– Vậy sao? Nói chung là tảng đá Tengu có lẽ nằm ở phía sau chỗ ấy đấy.

– Nếu thế thì đoạn đường “bảy khúc quanh” nằm hơi dịch về bên trái, đúng không?

– Ðoạn đường “bảy khúc quanh” thì ở xa tít bên kia cơ. Ở tận bên ngọn núi nằm phía sau ngọn núi này nữa chứ.

– À, có lẽ thế thật. Nhưng tôi đoán là nó nằm ở chỗ đám mây mỏng kia kìa.

– Ðúng rồi, ở phía ấy đấy.

Ông cụ đang ngủ gật, khuỷu tay chống vào mạn thuyền bỗng nhiên bị trượt làm ông giật mình tỉnh giấc.

– Vẫn chưa đến nơi à?

Rồi ông duỗi người, ưỡn ngực, tay phải choàng ra phía sau, tay trái vươn thẳng ra đằng trước, rồi bật lên tiếng kêu “hư…ư…” trong lúc làm động tác của một người kéo dây cung chuẩn bị bắn. Cô gái khúc khích cười.

– Tôi quen làm thế này…

– Có lẽ cụ thích môn bắn cung lắm nhỉ? – Tôi cười cười, bắt chuyện.

– Hồi còn trẻ tôi cũng kéo được loại cung to lắm đấy. Bây giờ tay vẫn còn chắc lắm.

Ông cụ vỗ vỗ vào vai trái. Phía đầu thuyền, câu chuyện về chiến tranh vẫn đang giòn giã.

Một lúc sau, thuyền chừng như đã đi vào trong phố. Tôi thấy trên một cửa quán nhậu có biển ghi “Rượu và thức nhắm”. Một quán khác có tấm màn treo cửa cũ kĩ. Rồi một cửa hàng bán gỗ. Và có tiếng xe kéo thấp thoáng vọng sang. Lũ chim én ríu rít nhào liệng trên không. Ðám vịt thì kêu cạc cạc. Ðoàn chúng tôi rời thuyền, đi về phía nhà ga.

Tôi đang bị kéo về thế giới hiện thực. Theo cách nghĩ của tôi thì thế giới hiện thực là nơi ta có thể nhìn thấy những đoàn tàu hỏa. Không có gì đặc trưng cho sự văn minh của thế kỷ hai mươi bằng tàu hỏa. Những chiếc hộp chạy rầm rập nhồi nhét bên trong cả trăm người. Chẳng có chỗ nào dành cho cảm xúc. Những con người bị nhồi nhét ấy phải di chuyển cùng một tốc độ, dừng lại cùng một nơi, và cùng tắm mình trong thứ hơi nước động cơ của đoàn tàu. Người ta bảo là “lên tàu”. Tôi thấy như thế là bị nhồi nhét. Người ta bảo là “đi tàu”. Tôi thấy là “bị áp tải”. Chẳng có cái gì chối bỏ cá tính như là thứ tàu này. Văn minh làm cho con người có thể phát huy cá tính nhờ những phương tiện nhất định, nhưng rồi cũng có những thứ phương tiện hủy hoại cá tính của con người. Kiểu văn minh hiện thời cứ như là cấp cho mỗi người một mảnh đất nhỏ xíu như nhau, rồi bảo người ta cứ tùy ý, thức hay ngủ gì trên mảnh đất ấy cũng được. Ðồng thời lại dựng lên một hàng rào thép xung quanh mảnh đất kia, không cho người ta bước ra ngoài dù chỉ là một bước. Những người sống tự do bên trong hàng rào thì cũng muốn sống tự do ở bên ngoài, đó là chuyện hiển nhiên. Vậy là người dân tội nghiệp của một đất nước văn minh phải ngày đêm rên rỉ bên trong những chấn song lạnh lẽo này. Văn minh mang đến cho con người tự do cá nhân, biến họ thành những kẻ hung dữ như mãnh hổ, rồi ném họ vào bên trong cũi sắt để bảo vệ hòa bình. Ðó không phải là hòa bình thực sự, mà là kiểu yên bình như con hổ nằm trong lồng sắt nơi thảo cầm viên lừ mắt nhìn ra cảnh vật bên ngoài. Chỉ cần một thanh sắt của lồng giam rơi xuống là tất cả sẽ tan nát ngay thôi. Rồi có lẽ chúng ta sẽ phải trải qua cuộc cách mạng lần thứ hai như ở Pháp. Mà thực ra thì cuộc cách mạng ấy đang diễn ra ngày đêm trong mỗi cá nhân. Ibsen, một nhà viết kịch ở Bắc Âu, đã đưa ra những mô tả chi tiết về tình huống xảy ra cuộc cách mạng này. Mỗi khi tôi nhìn thấy một đoàn tàu hỏa rầm rập chạy, với tất cả những con người như một đống hàng hóa bị nhồi nhét lộn xộn, khi thấy sự tương phản giữa những con người cá nhân đang khép mình đến mức co rút lại giữa toa tàu chở khách với đoàn tàu chẳng hề quan tâm đến cá tính của một ai, tôi những muốn hét lên với đám người kia rằng: “Nguy hiểm, nguy hiểm kìa! Hãy cẩn thận đề phòng nguy hiểm đấy!”. Văn minh hiện thời là kiểu văn minh đầy nguy hiểm, đến mức tưởng như thứ mùi nguy hiểm ấy xộc vào tận vào mũi mình! Mà thứ tàu hỏa cứ lao sầm sập vào khoảng không đen ngòm phía trước là một trong những điều đáng sợ!

Tôi ngồi trong quán nước trước nhà ga, vừa ngắm những chiếc bánh dẻo để trước mặt vừa nghĩ về tàu hỏa. Tôi không định viết những suy nghĩ này vào trong sổ phác họa, mà cũng không cần phải nói chuyện với ai, nên chỉ ngồi yên lặng uống trà và ăn bánh ngọt.

Ở bàn đối diện có hai người đang ngồi. Cả hai đều mang dép rơm. Một người mặc áo khoác màu đỏ. Người kia mặc chiếc quần màu xanh nhạt có miếng vá nơi đầu gối, đúng chỗ anh ta đang chống khuỷu tay.

– Chắc là không ổn nhỉ?

– Không ổn rồi.

– Nếu mà có hai cái dạ dày như con bò thì hay biết mấy!

– Còn phải nói! Nếu mà được như thế thì có bị hư một cái cũng chỉ cần cắt bỏ là xong!

Hình như hai nông dân này đang mắc bệnh dạ dày. Họ là những người không hề biết đến những ngọn gió mang mùi tanh tưởi thổi qua vùng Mãn Châu. Mà cũng không hề biết đến những điều tệ hại của cuộc sống hiện đại hóa bây giờ. Lại càng không biết đến những khái niệm như là “cách mạng”. Và họ có thể hồn nhiên nói đến chuyện mình có một hay hai cái dạ dày! Tôi rút sổ ra, phác họa chân dung của hai người đối diện.

Chuông reo keng keng. Ðã mua được vé rồi.

– Nào, đi thôi!

Nami nói và đứng dậy.

– Ôi…!

Ông cụ cũng gắng gượng đứng lên. Cả đoàn chúng tôi hàng ngũ chỉnh tề đi qua cổng soát vé, ra khu vực đường tàu. Tiếng chuông vẫn kêu to, giục giã.

Có tiếng rầm rập vọng đến, rồi con rắn khổng lồ của xã hội văn minh oằn mình trườn tới trên đường ray bóng loáng. Miệng rắn nhả ra một cụm khói đen ngòm.

– Ðến lúc phải chia tay rồi đấy – Ông cụ bảo.

– Bác gắng giữ gìn sức khỏe ạ! Kyuichi cúi đầu chào.

– Nhớ là cậu phải hy sinh đấy nhé! Nàng Nami lặp lại.

– Hành lý đầy đủ chưa? Ông anh hỏi.

Con rắn khổng lồ dừng trước mặt chúng tôi. Những cánh cửa dọc bên sườn được mở ra. Người lên, kẻ xuống. Kyuichi cũng đã bước lên rồi. Chỉ còn ông cụ, anh con trưởng, Nami và tôi đứng lại dưới sân ga.

Chỉ cần con tàu lăn bánh là Kyuichi sẽ không còn thuộc về thế giới của chúng tôi. Sẽ đi về một nơi xa, xa lắm. Nơi mà người ta đang sống trong bom đạn. Và trượt ngã trong màu đỏ tươi của máu. Với những tiếng gầm rú bất tận trên trời. Kyuichi, người sắp đi về nơi xa xôi ấy, đang đứng im lặng trong toa xe nhìn về phía chúng tôi. Vậy là mối duyên của chúng tôi với chàng trai kia, người đã đưa chúng tôi từ trong núi ra đây, sắp kết thúc rồi. Cuối cùng thì mối duyên cũng dứt. Chỉ vì những cánh cửa trên tàu còn mở nên chúng tôi vẫn còn được nhìn thấy mặt nhau. Người đi và người ở lại chỉ cách nhau chừng hai mét nhưng mối nhân duyên giữa hai bên thì đã chấm dứt rồi.

Những cánh cửa trên tàu đóng lại, và con tàu bắt đầu lăn bánh về phía chúng tôi. Mỗi lần một cánh cửa khép lại là khoảng cách giữa người đưa tiễn với người ra đi lại xa thêm một chút. Chẳng mấy chốc cánh cửa toa xe có Kyuichi đã đóng sập lại. Bây giờ đã là hai thế giới thật rồi! Ông cụ bất giác chồm lên bên cửa sổ. Chàng thanh niên ở bên trong cũng ló đầu ra.

– Nguy hiểm đấy! Tàu đang chạy!

Có tiếng ai hét lên từ bên dưới. Cả đoàn tàu cứ rầm rập lao đi một cách dửng dưng. Từng ô cửa sổ lướt qua trước mắt chúng tôi. Gương mặt Kyuichi nhỏ dần. Và khi toa hạng ba ở cuối đoàn tàu lướt qua, tôi lại nhìn thấy một gương mặt khác bên trong ô cửa sổ.

Bên dưới chiếc mũ phớt màu nâu nhàu nhĩ, du sĩ có bộ râu rậm đang ngóng nhìn ra bên ngoài với vẻ chán chường. Ngay lúc đó, Nami và anh ta bất chợt nhận ra nhau. Tàu vẫn chạy rầm rập trên đường sắt. Gương mặt du sĩ dần khuất dạng. Nami đứng ngơ ngẩn nhìn theo. Trong khoảnh khắc ngơ ngẩn ấy, bất ngờ trên gương mặt cô thoáng hiện vẻ tiếc nuối pha lẫn nỗi buồn. Ðó chính là cảm xúc aware mà tôi chưa từng thấy cô thể hiện trên nét mặt.

“Ðúng rồi! Ðúng rồi! Chính là cái mà ta đang tìm kiếm cho bức tranh kia!” – tôi vừa vỗ vào vai Nami vừa thốt lên khe khẽ. Và đó là khoảnh khắc mà bức tranh tôi đang vẽ ra trong tưởng tượng trở nên hoàn chỉnh với những đường nét thật rõ ràng.

HẾT


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.