Hải Trình Kon-Tiki​

CHƯƠNG 2 – ĐOÀN THÁM HIỂM RA ĐỜI



Vào một buổi tối, trên một hòn đảo ở Thái Bình Dương, bên ngọn lửa ở ngoài trời, một cụ già địa phương đã kể cho chúng tôi nghe những dã sử và chuyện bộ lạc của ông. Nhiều năm sau, tôi lại được gặp một ông già khác, lần này tại một văn phòng làm việc hơi tối trên tầng thượng một viện bảo tàng ở Niu-oóc. Quanh chúng tôi là những tủ kính được sắp xếp cẩn thận. Tủ trưng bày những mảnh đồ gốm, vết tích của một quá khứ xa xưa. Trên tường xếp những dãy dài sách, trong số đó có những cuốn là tác phẩm do một người viết. Các cuốn này gần như không có nổi mười người đọc. Ông già đã đọc tất cả các cuốn sách đó và có viết một vài cuốn, đang ngồi ở bàn, nét mặt vui vẻ dưới làn tóc bạc trắng. Chắc chắn là thấy tôi đã đi vào lĩnh vực mà ông đang theo đuổi, tôi thấy hai tay ông bám lấy ghế với nét mặt lo lắng nhìn tôi như một kẻ đến phá ngang khi ông đang thắng lợi, ông thốt lên:
– Không! Không bao giờ. Ông già Nô-en cũng sẽ có thái độ bực dọc như thế nếu người ta dám khẳng định ngày Chúa giáng sinh năm tới sẽ rơi đúng vào ngày thánh Giăng.
Ông già nói tiếp:
– Anh nhầm, hoàn toàn nhầm.
Vừa nói ông vừa lắc đầu một cách bực bội như muốn xua đuổi ý mà tôi vừa gợi cho ông.
– Nhưng ông đã đọc những dẫn chứng của tôi đâu!
Tôi nhấn mạnh và đưa bản thảo của tôi để ở trên bàn cho ông.
– Những dẫn chứng! – Ông nói – Không thể coi những vấn đề thuộc về nhân chủng học như một bí ẩn trong tiểu thuyết trinh thám được.
Tôi nói:
– Tại sao lại không được? Những kết luận của tôi căn cứ vào những quan sát của chính bản thân tôi và vào các sự kiện đã được khoa học xác nhận.
Ông ôn tồn nhận xét:
– Mục đích của khoa học là sự nghiên cứu thuần túy chứ không phải là mong muốn chứng minh rằng cái này hoặc cái kia là đúng.
Ông cẩn thận để bản thảo của tôi mà ông chưa đọc sang một bên, nghiêng mình xuống bàn và nói:
– Nam Mỹ là cái nôi của một vài nền văn minh kỳ lạ nhất của quá khứ. Điều đó hoàn toàn đúng, nhưng chúng ta chưa biết rõ những nền văn minh khi đó như thế nào và nó đã mai một ở đâu, khi người Anh-ca nắm quyền cai quản. Nhưng dù sao, có một điều mà chúng ta có thể khẳng định là không có một dân tộc nào ở Nam Mỹ đã đi tới những đảo ở Thái Bình Dương.
Ông nhìn tôi dò xét và tiếp:
– Anh có biết tại sao không? Câu trả lời thật đơn giản, bởi vì họ làm gì có tàu bè để đi tới đó.
Tôi ngập ngừng cãi lại:
– Họ có thể dùng bè mảng để đi được lắm chứ. Những bè mảng bằng gỗ ban-xa như ông biết đấy.
Ông mỉm cười bình thản đáp lại:
– Được, anh có thể thử đi bằng bè mảng từ Pê-ru đến những đảo ở Thái Bình Dương xem.
Trời đã muộn.
Tôi bị đột ngột vì câu hỏi bất ngờ đó. Hai chúng tôi đứng dậy, nhà bác học già thân mật vỗ vai tôi, tiễn ra cửa và nói rằng nếu cần sự giúp đỡ thì cứ lại gặp ông và khuyên tôi từ nay trở đi nên đi chuyên vào một vấn đề Pô-li-nê-di hay châu Mỹ và không nên gộp hai lĩnh vực khác nhau lại. Ông quay lại văn phòng và gọi tôi để trao trả tập bản thảo mang tiêu đề: “Những mối quan hệ tiền sử giữa Pô-li-nê-di và châu Mỹ”. Cầm bản thảo trong tay, tôi lặng lẽ xuống thang ra về giữa cảnh ồn ào của thành phố.
Tối hôm đó, tôi đến gõ cửa một ngôi nhà cũ tại một nơi hẻo lánh của xóm Grin-uýt. Tôi đến đây sẵn sàng đem theo những vấn đề nhỏ và cảm thấy nó trở nên quá phức tạp cho công cuộc nghiên cứu của mình. Một người nhỏ bé, mảnh dẻ, với chiếc mũ dài, hé mở cửa, nhìn thấy tôi đã tươi cười mở rộng cửa đón tôi vào. Ông đưa thẳng tôi vào nhà bếp xinh xắn và giao nhiệm vụ cho tôi chuẩn bị bát, đĩa. Trong khi đó, ông vừa tăng thêm thức ăn, vừa làm công việc nấu nướng muôn thuở nhưng rất ngon lành. Ông nói:
– Anh đến đây thật là hay. Thế nào, ổn cả chứ?
Tôi nói:
– Thật đáng buồn! Chẳng ai muốn đọc bản thảo của tôi.
Ông dọn thức ăn ra và chúng tôi bắt đầu ngồi ăn. Ông nói:
– Việc đáng tiếc chính là ở chỗ tất cả những người mà anh đến gặp, họ đều cho rằng anh muốn lao vào một việc kỳ cục không tưởng. Anh nên biết rằng ở đây là nước Mỹ. Không thiếu gì người có ý nghĩ lạ lùng như thế đâu.
– Thế còn những vấn đề khác nữa chứ!
– Đúng! Lại còn cách đề cập vấn đề của anh. Họ là những nhà chuyên môn. Họ không tin một phương pháp làm việc, mà phương pháp đó lại liên quan đến đủ mọi ngành, từ ngành thực vật đến ngành khảo cổ học. Họ đều tự giới hạn trong lĩnh vực chuyên môn của họ để có thể đào sâu hơn và tập trung vào các chi tiết. Khoa học hiện nay đòi hỏi đi sâu về chuyên ngành. Người ta không quen với việc lấy rải rác ở mỗi ngành một số dữ kiện để tổng hợp lại thành một tập hợp, một đề tài.
Ông đứng dậy, mang lại một bản viết tay dày cộp và nói:
– Anh hãy nhìn xem. Đó là tác phẩm cuối cùng của tôi về hình mẫu chim trong các bức thêu dân gian ở Trung Quốc. Tôi đã mất bảy năm trời để làm công trình này và một nhà xuất bản đã nhận ngay. Bây giờ người ta thích những khảo cứu chuyên đề.
Ông Các-lơ nói có lý. Nhưng đối với tôi muốn giải đáp các vấn đề về Thái Bình Dương mà lại không làm sáng tỏ nhiều khía cạnh cần thiết thì khác gì chơi trò chắp hình bằng những mảnh cùng một màu sắc. Chúng tôi thu dọn bàn ăn và tôi giúp ông rửa bát đĩa.
– Thế nào, có gì mới ở trường đại học Si-ca-gô không?
– Chẳng có gì mới lạ cả.
– Thế còn ông bạn cũ của anh ở viện bảo tàng, hôm nay đã nói thế nào?
Tôi dè dặt trả lời:
– Ông ta cũng không quan tâm đến vấn đề này lắm. Theo ý ông ta thì dù người Anh-điêng có dùng bè mảng đi chăng nữa, cũng không thể đưa ra giả thuyết rằng họ đã phát hiện ra những đảo ở Thái Bình Dương.
Ông bạn nhỏ của tôi đột nhiên lau nhanh tay chiếc đĩa vẻ nôn nóng và nói:
– Đúng vậy. Nói cho đúng ra, ngay tôi đây cũng thấy có những lý lẽ vững chắc để chống lại thuyết của anh.
Tôi buồn rầu nhìn nhà nhân chủng học vóc người nhỏ bé mà xưa nay tôi vẫn coi như một bạn đồng minh trong mọi thử thách. Như thông cảm với tôi, ông vội vã nói tiếp:
– Bạn hãy hiểu tôi cho đúng. Một mặt tôi thấy anh cũng có lý nhưng mặt khác tôi thấy trong vấn đề này có điều gì đó không thể chấp nhận được. Tác phẩm của tôi về những hình mẫu chim cũng ủng hộ cho luận thuyết của anh.
Tôi nói:
– Anh Các-lơ, tôi hoàn toàn tin chắc rằng người Anh-điêng đã vượt qua Thái Bình Dương và tôi cũng muốn đóng một cái bè tương tự tiến hành một cuộc hành trình, để chứng minh đó là một điều có thể làm được.
– Anh thật là điên rồ!
Cho đó là chuyện tếu, ông bạn tôi cười khẩy về ý kiến ấy nhưng dù sao ông ta cũng có vẻ lo ngại.
– Anh không tin là điều đó có thể làm được ư?
– Bằng một cái bè! Anh điên rồi chắc?
Không biết nói gì hơn, ông nhìn tôi đầy lo lắng và chờ đợi ở tôi một nụ cười chứng tỏ là tôi vừa bông đùa cho vui thôi. Nhưng vô ích. Tôi thấy rằng không ai muốn chấp nhận luận thuyết của tôi, bởi vì tôi cố tìm cách nối hai xứ sở với nhau như Pê-ru và Pô-li-nê-di cách nhau chỉ là biển cả mênh mông, ngoài cách dùng bè mảng thời tiền sử ra không còn cách nào hơn nữa. Các-lơ nhìn tôi với vẻ hoang mang và bảo:
– Thôi, ta đi uống tí chút đã. Và chúng tôi đã cùng nhau uống cạn bốn ly rượu.
 
o O o
 
Tuần đó là kỳ hạn mà tôi phải trả nợ. Cùng lúc đó tôi nhận được giấy của ngân hàng Na Uy thông cáo là tôi không còn đô-la trong tài khoản. Vấn đề bây giờ là hạn chế chi tiêu và lo sao cho có ngoại tệ. Tôi chuẩn bị hành lý và đáp xe điện ngầm đi Brô-clin. Tôi được chấp nhận vào câu lạc bộ thủy thủ Na Uy, ở đó việc ăn uống tương đối khá và giá cả hợp với túi tiền của tôi lúc này. Tôi có một phòng nhỏ ở tầng hai, nhưng đến bữa ăn, tôi ăn cùng mọi người tại phòng ăn lớn ở tầng dưới cùng. Ở đây có nhiều thủy thủ, kẻ đi, người đến. Họ gồm đủ hạng người, tầm vóc, tính tình khác nhau, nhưng họ đều có một nét chung: khi nói về biển cả, họ biết nên nói về điều gì. Tôi đã học được một điều là sóng biển trở nên dữ dội, không phải do độ sâu của biển cả hoặc là do xa đất liền mà trái lại ở gần bờ biển thường có nhiều đợt sóng hung hãn nhất. Những chỗ biển nông, những đợt sóng trào vỗ bờ hay những luồng nước chảy có thể gây nên cho đất liền những đợt sóng dồi dữ dội hơn là ở giữa biển cả. Một chiếc thuyền nhỏ đi giữa đại dương còn dễ dàng hơn đi dọc theo bờ biển. Tôi còn được biết thêm rằng một con tàu lớn gặp bão, biển nổi sóng dữ dội, dễ có nguy cơ bị sóng nhận chúi mũi hoặc đuôi tàu xuống nước, làm cho rất nhiều tấn nước biển tràn đập lên khoang tàu, làm xoắn cong những ống thép một cách dễ dàng. Nhưng một chiếc tàu nhỏ biết nổi trên lưng sóng thì tàu đó chỉ dập dình lên xuống trên ngọn sóng và hầu như bao giờ cũng thoát khỏi tai nạn. Biết bao người đã được cứu thoát chỉ bằng những chiếc xuồng cấp cứu nhỏ trong khi tàu lớn của họ lại bị sóng nhận chìm xuống biển. Nhưng các thủy thủ không hiểu biết gì về bè mảng cả. Một chiếc bè không phải là một cái thuyền, chẳng có cạp mà cũng chẳng có sống thuyền. Nó chỉ là một vật nổi mà người ta dùng trong khi chờ đợi một con tàu nào đó đến cứu.
Tuy nhiên cũng có một thủy thủ đã có những hiểu biết và đánh giá đúng mức về bè mảng. Anh ta đã bơi đi trên một miếng ván suốt ba tuần lễ sau khi tàu chiến của anh bị bọn Đức phóng ngư lôi bắn chìm ở giữa Đại Tây Dương. Anh ta nói:
– Một cái bè thì không tự trôi được; gặp gió nó thường quay ngược trở lại. Tôi tìm thấy ở thư viện những chuyện về người châu Âu đầu tiên đã tới bờ biển phía tây của Nam Mỹ. Những phác họa và miêu tả về những chiếc bè lớn bằng gỗ ban-xa của người Anh-điêng đều có trong đó. Những bè này có buồm vuông, một mảnh gỗ đáy để chống giạt và một mái chèo dài ở đuôi dùng làm bánh lái. Như thế là có thể điều khiển được bè.
Nhiều tuần đã trôi qua tại câu lạc bộ thủ thủ. Tôi không nhận được trả lời của Si-ca-gô hoặc của những thành phố mà tôi đã gửi các tờ sao bản thảo trình bày thuyết của tôi. Thế rồi vào một ngày thứ bảy, tôi đi đến một quyết định quan trọng. Tôi đến một nhà cung tiêu cho ngành hàng hải ở phố Va-te để mua một bản đồ Thái Bình Dương. Ở đây người ta đã trịnh trọng tôn tôi lên địa vị “thuyền trưởng”.
Có bản đồ trong tay, tôi đáp tàu đi ngoại ô Ốt-xai-ninh, nơi mà cuối tuần nào tôi cũng thường đến chơi nhà một cặp vợ chồng trẻ người Na Uy. Họ có một trang trại thật là tuyệt. Anh chồng nguyên là cựu đại úy hải quân, hiện nay là trưởng phòng một công tá hàng hải ở Niu-oóc, công tá Phrết On-xân Lai-nơ.
Sau khi vùng vẫy thoải mái trong bể bơi, tâm hồn khoan khoái làm tôi quên hết cuộc sống ở thành phố một tuần qua. Chị Am-giớc mang rượu ra, chúng tôi ngồi ngay trên bãi cỏ dưới ánh nắng và cùng nhau thưởng thức. Không thể im lặng lâu hơn nữa, tôi trải tấm bản đồ ra bãi cỏ và hỏi Vin-hem rằng liệu một chiếc bè có thể chở được người từ Pê-ru đến tận các đảo ở Thái Bình Dương được không? Vin-hem hơi kinh ngạc. Anh không nhìn vào bản đồ mà nhìn thẳng vào tôi và trả lời ngay là điều này có thể được. Sự khẳng định của Vin-hem làm cho tôi cảm thấy như trút được gánh nặng. Tôi biết rằng vấn đề nào thuộc về hàng hải hay biển cả, đối với Vin-hem vừa là nghề nghiệp, vừa là điều tâm đắc nhất của anh. Tôi bắt đầu tiết lộ cho Vin-hem biết dự định của tôi. Anh tuyên bố ngay đó là sự điên rồ, làm cho tôi sững sờ và ngắt lời anh:
– Nhưng anh vừa nói là có thể được mà!
Vin-hem xác nhận:
– Thực ra đúng như vậy, nhưng sự thành công thì rất mong manh. Anh chưa bao giờ vượt biển trên một chiếc bè bằng gỗ ban-xa nên anh tưởng tượng có thể bất cứ lúc nào muốn dùng nó vượt qua Thái Bình Dương là được ngay. Có thể thông đồng bén giọt và cũng có thể bị thất bại. Người Anh-điêng cổ xưa đã dựa vào những kinh nghiệm tích luỹ đã từ bao đời rồi. Một chiếc bè đi được tới đích rất có thể đã có đến sáu chiếc bè bị chìm, thậm chí có tới hàng trăm chiếc trong những thế kỷ qua. Như anh vừa nói, người Anh-ca họ đi thành từng đoàn bè trên biển, nếu có sự cố, họ có thể ứng cứu lẫn nhau. Còn anh, anh trông chờ vào ai vớt anh giữa biển cả mênh mông? Cho rằng anh mang theo cả máy thu phát vô tuyến điện để sử dụng trong trường hợp gặp nạn, anh tưởng rằng có thể dễ dàng tìm thấy chiếc bè của anh giữa muôn trùng sóng biển và cách xa đất liền hàng ngàn hải lý hay sao? Bão tố có thể hất anh ra khỏi bè và người ta cũng không thể đến cứu anh kịp và anh có đủ thời gian để chết đuối nhiều lần. Thôi! Tốt hơn hết là hãy bình tĩnh chờ đợi ở đây để người ta có thời gian đọc bản thảo của anh. Hãy viết thêm thư và thúc giục họ nhiều hơn nữa, nếu không anh sẽ chẳng thu được kết quả gì đâu.
– Tôi không thể chờ đợi lâu hơn nữa vì tôi sắp hết tiền rồi.
– Vậy anh hãy đến ở với chúng tôi. Vả chăng làm sao anh có thể thực hiện cuộc thám hiểm này mà túi tiền rỗng tuếch?
– Một cuộc thám hiểm dễ hấp dẫn người ta hơn là một bản thảo chưa được ai đọc đến.
– Nhưng liệu anh sẽ được lợi gì ở bản thảo ấy?
– Tôi sẽ bẻ gãy một lập luận có trọng lượng chống lại luận thuyết của tôi. Đấy là chưa nói đến khoa học sẽ ít nhiều quan tâm đến công việc này.
– Nhưng nếu thất bại?
– Nếu vậy tức là tôi sẽ chả có gì để chứng minh cả!
– Như thế là anh định phơi bày cho mọi người thấy sự phá sản luận thuyết của anh?
– Có lẽ, nhưng như anh đã nói dù sao cũng có thể có một phần mười đã đến đích trong cuộc hành trình này trước chúng ta.
Đến đây các cháu trong nhà chạy ra nô đùa đánh cầu và chúng tôi gác lại không tranh luận nữa trong cả ngày hôm đó.
Ngày nghỉ cuối tuần tiếp theo, tôi lại đến Ốt-xai-ninh mang theo cả tấm bản đồ. Lần này khi ra về, trên tấm bản đồ của tôi đã có một đường bút chì kẻ dài từ bờ biển Pê-ru đến tận những đảo Tu-a-mô-tu ở Thái Bình Dương. Anh bạn đại úy hải quân của tôi đành chịu không thể làm tôi thay đổi ý kiến và chúng tôi đã để hàng giờ cùng nhau dự tính về tốc độ chiếc bè. Sau khi tính toán, Vin-hem thốt lên:
– Chín mươi bảy ngày, nhưng anh nên nhớ đó là tính toán về mặt lý thuyết trong điều kiện thuận lợi một cách lý tưởng, nghĩa là lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, và với một chiếc bè có thể hoạt động tùy theo dự cáo thời tiết. Nói tóm lại là phải mất ít nhất bốn tháng cho chuyến đi này và thời gian chuẩn bị thì còn lâu hơn nhiều.
Gian buồng nhỏ ở câu lạc bộ thủy thủ tối hôm đó đối với tôi như thân thiết hơn, khi trở về ngồi bên giường với tấm bản đồ. Tôi ngắm nhìn gian buồng rồi đứng lên đo và tính diện tích của phòng hoàn toàn đúng như khi đo đạc chiếc giường và tủ áo nhỏ của tôi.
À đúng rồi! Chiếc bè phải lớn hơn nữa mới đúng. Nghiêng mình qua cửa sổ, tôi nhìn thấy một góc trời xa xa đầy sao của thành phố mà chỉ ở nơi cao mới nhìn thấy được. Có thể chiếc bè đối với chúng tôi chật chội nhưng không gian vẫn còn đủ chỗ cho mặt trời và các vì sao. Ở phố 72, gần công viên trung tâm có một câu lạc bộ khá kín đáo của Niu-oóc.
Một tấm biển nhỏ bằng đồng bóng loáng ghi dòng chữ: “Câu lạc bộ những nhà thám hiểm” như gợi cho khách qua đường có điều gì khác thường ở sau những bức tường ngôi nhà ấy. Nhưng một khi đã đặt chân vào trong ngôi nhà, người ta có cảm giác như lạc vào một thế giới xa lạ ở cách Niu-oóc hàng nghìn cây số. Không còn thấy những dòng xe ô tô ngược xuôi và những ngôi nhà chọc trời sừng sững. Khi cánh cửa thông ra thành phố được khép lại, ta như rơi vào trong một bầu không khí gợi lên một cuộc đi săn sư tử, cảnh núi non hay như đang sống ở miền cực Bắc, đồng thời còn xen lẫn cảm giác như đang ngồi xa-lông của một du thuyền đầy đủ tiện nghi đang đi vòng quanh thế giới. Những chiến lợi phẩm thu được trong các cuộc săn lùng, tìm kiếm như hà mã, hươu nai, những súng săn các loài muông thú, những bộ ngà voi, những trống trận cùng những mũi lao, những tấm thảm Anh-điêng, tượng thần, mô hình tàu bè, lá cờ và ảnh cùng những bản đồ được bố trí bao quanh gian phòng, nơi mà các hội viên họp nhau để ăn trưa hoặc nghe cáo cáo của các thuyết trình viên từ những nước xa xôi trở về. Sau chuyến đi đến quần đảo Mác-ki-dơ, tôi được kết nạp là hội viên hoạt động của hội.
Là một trong những hội viên trẻ, ít có trường hợp vắng mặt trong các cuộc họp khi tôi có mặt ở thành phố, vì vậy vào một buổi tối trời mưa của tháng 11, tôi đến sinh hoạt ở đây và ngạc nhiên thấy trụ sở không như mọi lần. Ở giữa phòng được đặt một chiếc bè cao su bơm căng cùng những khẩu phần và các trang thiết bị cần thiết cho một chiếc xuồng cấp cứu, còn trên tường và bàn là những cái dù, áo mưa và tất cả những trang bị cần cho vùng Bắc Cực. Tôi lại còn thấy cả những nồi dùng chưng cất nước biển để lấy nước ngọt cùng nhiều thiết bị kỳ lạ khác nữa.
Một hội viên mới được kết nạp là đại tá Hát-xkin ở Viện nghiên cứu trang bị của không quân sẽ thuyết trình có kèm thao tác, để giới thiệu tính năng về một loạt những trang bị quân sự mới, mà theo ông ta có thể đem sử dụng trong tương lai vào các cuộc thám hiểm khoa học ở vùng biển Nam cũng như ở vùng biển Bắc. Sau buổi thuyết trình là một cuộc tranh luận sôi nổi và hào hứng. Với dáng người cao lớn, vạm vỡ, nhà thám hiểm Đan Mạch mà mọi người đều biết tiếng, ông Pi-tơ Phrin-xin đứng dậy, bộ râu cằm rất rậm của ông lắc lư với vẻ hoài nghi. Ông hoàn toàn không tin vào những chứng nhận phát minh mới. Có lần đáng lẽ phải dùng xuồng Ca-i-ắc vào hang tuyết của người Et-xki-mô thì ông ta lại dùng một chiếc xuồng bằng cao su và một cái lều gấp. Ông đã suýt mất mạng vì sự thể nghiệm này. Trước tiên ông gần chết cóng trong một cơn bão tuyết vì khóa kéo cửa lều bị băng đóng, dính chặt không mở ra được. Sau đó, vào một ngày ông đi câu, lưỡi câu đã móc vào xuồng làm cho chiếc xuồng xì hơi bẹp gí và chìm xuống. Ông ta và một người bạn là dân Et-xki-mô phải cố gắng lắm mới vào tới bờ và người ta đã dùng chính loại xuồng Ca-i-ắc để cứu ông. Ông thừa nhận rằng một phát minh hiện đại chỉ ngồi trong phòng thí nghiệm, dù rằng có tài ba đến mấy đi chăng nữa, cũng không thể nào tưởng tượng hay hơn những kinh nghiệm từ hàng ngàn năm mà dân Et-xki-mô đã áp dụng trong xứ sở của họ. Cuộc tranh luận chấm dứt bằng một đề nghị đặc biệt của đại tá Hát-xkin. Những hội viên hoạt động của Hội, trong các cuộc thám hiểm sắp tới, có thể tùy ý lựa chọn để sử dụng trong cuộc hành trình, những dụng cụ mới phát minh mà ông vừa giới thiệu với điều kiện là sau khi trở về phải thông cáo lại với Viện thí nghiệm của ông những nhận xét của họ về các dụng cụ đó.
Tối hôm đó, tôi là người cuối cùng rời khỏi câu lạc bộ để ra về. Tôi muốn xem xét lại từng chi tiết của trang bị mới tinh mà tôi được tiếp xúc một cách ngẫu nhiên và tôi sẽ toàn quyền sử dụng nó nếu tôi muốn. Thật là đúng lúc vì tôi đang cần: một trang bị để cứu người nếu chẳng may chiếc bè gỗ của chúng tôi bị vỡ trong lúc không có chiếc nào gần đó. Sáng hôm sau, trong lúc đang ăn sáng tại Câu lạc bộ thủy thủ, đầu óc tôi vẫn đang bị thu hút về trang bị này thì một chàng trai ăn mặc chững chạc, có dáng dấp một nhà thể thao, mang khẩu phần đến ngồi ăn cùng bàn với tôi.
Chúng tôi bắt chuyện và biết rằng anh ta cũng không phải là thủy thủ đi biển mà là một kỹ sư tốt nghiệp Trường đại học bách khoa ở Tơ-rông-ken. Anh đến Mỹ để mua một vài phụ tùng máy, đồng thời trau dồi thêm kinh nghiệm về kỹ thuật các máy làm đông lạnh. Anh ở gần đây nên thường ghé đến ăn nơi này vì món ăn ở đây nấu theo kiểu Na Uy rất ngon. Anh hỏi tôi làm gì, và tôi trình bày sơ lược với anh về dự định của tôi. Tôi còn cho anh biết, nếu hết tuần này mà tôi không nhận được trả lời chấp nhận về bản thảo của tôi, tôi sẽ bắt đầu tiến hành công việc để chuẩn bị việc thám hiểm bằng bè. Anh ta không nói gì nhưng rất chăm chú nghe.
Một vài ngày sau, chúng tôi gặp lại nhau tại phòng ăn. Gặp tôi, anh hỏi ngay:
– Anh đã quyết định về chuyến đi chưa?
– Nhất định tôi sẽ đi.
– Bao giờ?
– Càng sớm càng tốt. Nếu kéo dài lâu thêm nữa thì bão tố từ Nam Cực sẽ đổ đến và cũng là mùa bão ở quanh các đảo. Trong ít tháng nữa thế nào tôi cũng cần rời Pê-ru, nhưng trước hết tôi phải lo sao cho có tiền để dàn xếp ổn thỏa mọi công việc.
– Các anh có bao nhiêu người cùng đi?
– Tôi có ý định mang theo sáu người, như vậy cuộc sinh hoạt tập thể trên bè sẽ đỡ tẻ nhạt đơn điệu và như vậy mỗi ngày mỗi người phải điều khiển tay lái của bè trong bốn giờ.
Anh có vẻ nghiền ngẫm ý kiến này của tôi và mạnh dạn nói:
– Tôi cũng muốn đi cùng. Tôi có thể phụ trách về mặt kỹ thuật, tất nhiên cũng nên kiểm chứng lại cho chính xác tốc độ gió, hải lưu và sóng biển để củng cố cho kinh nghiệm. Anh nên nhớ rằng sẽ phải băng qua những vùng biển cả mênh mông không phải là đường tàu bè qua lại nên không ai rõ là như thế nào. Một cuộc hành trình như vậy tạo điều kiện cho việc khảo sát về khí tượng thủy văn rất bổ ích và tôi có dịp áp dụng những kiến thức của tôi về nhiệt động học.
Nhìn nét mặt cởi mở của anh, tôi hiểu con người đó sẽ còn mang lại nhiều điều tốt lành và tôi nói:
– Thật tuyệt, thế là chúng ta sẽ cùng đi với nhau.
Anh ta tên là Héc-man Vát-din-gơ, cũng là thủy thủ đường sông như tôi. Vài ngày sau, tôi mời Héc-man đến Hội những nhà thám hiểm. Chúng tôi gặp ngay nhà thám hiểm Bắc Cực Pi-tơ Phrin-xin. Ông này có đặc điểm dễ nhận ra trong đám đông với vóc người to lớn, râu rậm, trông ông ta như sứ giả của tun-đra. Một không khí khác thường bao quanh ông chẳng khác gì khi ông cầm dây để dắt gấu đi chơi. Chúng tôi dẫn ông đến trước tấm bản đồ lớn treo trên tường và thổ lộ với ông về dự định của chúng tôi: vượt Thái Bình Dương bằng một chiếc bè Anh-điêng.
Vừa nghe chúng tôi nói, ông vừa vuốt râu và đôi mắt xanh vẻ trẻ trung mở to để lắng nghe. Nghe xong ông giậm mạnh chiếc chân gỗ xuống sàn, xốc lại thắt lưng và nói:
– Hay lắm, các bạn trẻ! Tôi rất muốn đi theo các anh.
Nhà du hành già miền Grô-en-lân rót đầy bia vào cốc vại mời chúng tôi và tỏ vẻ rất tin tưởng vào phương tiện đi lại cổ xưa của bộ tộc tiền sử cũng như sự khéo léo của họ trong việc tìm ra phương tiện đi sao cho phù hợp với thiên nhiên, trên biển cả cũng như trên đất liền. Ông đã từng dùng bè xuôi trên các dòng sông lớn của miền Xi-bia và đã từng kéo theo tàu của ông những bè của thổ dân dọc theo bờ biển Bắc cực. Thỉnh thoảng ông lại đưa tay vuốt chòm râu và cuối cùng ông nói là một thời đại huy hoàng đang mở ra trước chúng tôi. Nhờ sự nhiệt tình ủng hộ của ông Phrin-xin đối với dự định của chúng tôi, nên công việc được tiến hành rất khẩn trương làm cho cáo chí ở Xcăng-đi-na-vơ phải quan tâm đăng nhiều bài về vấn đề này.
Ngay sáng hôm sau, có người gõ cửa phòng tôi ở Câu lạc bộ thủy thủ, báo có người cần gặp tôi ở điện thoại. Sau cuộc nói chuyện qua điện thoại, ngay chiều hôm đó, Héc-man và tôi cùng đến mấy ngôi nhà ở trong một khu sang trọng của thành phố. Một người đàn ông trẻ, ăn mặc chải chuốt, giày láng bóng, mặc bộ đồ màu xanh lơ phủ ngoài bằng một chiếc KAYAK: một loại xuồng làm bằng da hải cẩu mà thổ dân Grô-en-lân một đảo ở Bắc Mỹ thường dùng. Dân Et-xki-mô ở Bắc cực thường đào hốc trong những tảng băng để trú ngụ khi đi săn. Áo ngủ bằng lụa, ông tiếp chúng tôi. Chúng tôi có cảm giác đang đứng trước một con người mềm yếu. Một chiếc khăn tay thơm nức để chùi mũi, ông ta xin lỗi chúng tôi vì đang bị nhức đầu sổ mũi. Tuy vậy chúng tôi cũng biết rằng trong chiến tranh, người phi công trẻ này đã nổi tiếng ở Mỹ vì đã lập được nhiều chiến công. Vẻ điềm đạm, ông ngồi giữa hai nhà cáo trẻ vẻ cương quyết sôi nổi và hoạt bát. Chúng tôi có biết một trong hai người đó về khả năng viết phóng sự của anh ta.
Chai rượu Uýt-ki hảo hạng được mở ra, ông chủ nhà tuyên bố rất quan tâm đến cuộc hành trình của chúng tôi và đề nghị cung cấp kinh phí cần thiết với điều kiện chúng tôi sẽ viết những bài cáo và đi các nơi để cáo cáo sau khi trở về. Tất cả đều được thỏa thuận và chúng tôi cạn chén để bày tỏ niềm hân hoan về sự hợp tác may mắn giữa hai bên, một bên là những người ủng hộ về mặt tài chính cho cuộc hành trình và bên kia là những người tham gia vào cuộc hành trình đó. Thế là từ nay, mọi vấn đề kinh tế đều được giải quyết và chúng tôi thoát khỏi mọi sự quấy rầy của các chủ nợ. Héc-man và tôi lúc này chỉ còn lo việc thành lập đoàn và mua sắm trang thiết bị, đóng xong chiếc bè để có thể khởi hành trước mùa dông bão. Ngay ngày hôm sau, Héc-man xin thôi công việc kỹ sư ở cơ quan anh và chúng tôi bắt tay vào việc một cách nghiêm túc. Những nhân viên phòng thí nghiệm của không quân hứa chuyển cho chúng tôi những thứ đã yêu cầu và Câu lạc bộ những nhà thám hiểm còn gửi nhiều hơn, vì cuộc hành trình của chúng tôi là một cơ hội để họ đem ra thử nghiệm trang thiết bị của họ.
Sự khởi đầu thật tốt lành. Giờ đây trước hết là tìm ngay được bốn người sao cho phù hợp và sẵn sàng cùng đi, và sau đó còn chuẩn bị thực phẩm cần thiết cho cuộc hành trình. Nhóm người cùng đi với nhau trên một chiếc bè phải được lựa chọn kỹ càng, nếu không chỉ sau một vài tuần xa đất liền, lênh đênh một mình trên biển cả, rất có thể xảy ra những vụ lộn xộn hoặc nổi loạn. Tôi không muốn sử dụng những thủy thủ chuyên nghiệp vì thực ra sự hiểu biết của họ về việc đi bè không hơn gì chúng tôi. Hơn nữa, nếu sau này thành công, người ta sẽ cho rằng được như vậy vì chúng tôi là thủy thủ lành nghề nhất chứ đâu phải người đóng bè cổ xưa của Pê-ru. Dù sao chúng tôi cũng đang cần một người ít nhất biết sử dụng thước lục phân và ghi lại đường đi trên bản đồ để làm cơ sở cho các báo cáo khoa học sau này. Tôi nói với Héc-man:
– Tôi biết một họa sĩ tính tình rất sôi nổi, lại biết chơi cả đàn ghi-ta nữa. Trước kia, anh ta học ở trường hàng hải và đã nhiều lần tham gia các cuộc hành trình vòng quanh thế giới, trước kia rời bỏ nghề này để trở về nhà với chiếc bút lông và giá vẽ. Tôi biết anh ta hồi còn nhỏ và chúng tôi thường cắm trại ở trên núi với nhau ngay ở quê hương. Tôi sẽ viết thư cho anh ấy và chắc chắn anh ấy sẽ đến với chúng ta.
Héc-man bảo:
– Thôi cũng tạm được, nhưng chúng ta cũng cần có một người biết sử dụng điện đài nữa chứ!
– Sao, điện đài ư!
Tôi kêu lên sợ hãi.
– Thật là chuyện lạ đời! Một chiếc máy vô tuyến điện trên một chiếc bè thời kỳ tiền sử? Thật là lạc lõng.
– Không hẳn thế. Đó là một biện pháp phòng xa. Chúng ta có thể chưa cần dùng đến nhưng mang đi cũng không ảnh hưởng gì đến luận thuyết của anh cơ mà. Hơn nữa chúng ta cũng cần có máy phát để truyền đi các thông tin về khí tượng và các điều khác nữa chứ. Trái lại, chúng ta mất gì khi nhận được những tin báo trước về mưa bão vì châu Đại Dương này đã có một bản tin thời tiết nào đâu, mà dù có chăng nữa liệu nó có phục vụ gì cho chúng ta ở trên chiếc bè này.
Lập luận của Héc-man dần dà đã làm tiêu tan sự phản đối của tôi vì tôi vốn ác cảm với các thiết bị điện, nào là ổ cắm, nào núm vặn. Tôi phải thú nhận:
– Thật là một sự ngẫu nhiên kỳ lạ! Tôi lại khá thành thạo trong việc sử dụng những máy thu phát nhỏ liên lạc bằng vô tuyến điện giữa các nơi có khoảng cách xa, vì trong chiến tranh họ đã nhét tôi vào một đơn vị thông tin vô tuyến. Anh biết đấy, quân đội họ cũng lịch sự không dùng đến khả năng chuyên môn của anh. Thôi được, tôi sẽ viết thư cho Nút Hô-glan và cho cả To-xtên Ra-cá nữa!
– Anh biết họ à?
– Tôi gặp Nút lần đầu tiên ở nước Anh vào năm 1944. Nút đã được người Anh tặng thưởng huân chương vì anh đã tham gia trong cuộc hành quân nhảy dù để ngăn chặn bọn Đức sản xuất bom nguyên tử. Trong vụ phá hoại nơi chứa nước nặng ở Ri-u-can, anh ta phụ trách điện đài. Tôi đã quen anh ta khi anh ta vừa từ Na Uy trở về cuộc hành quân tại đó. Lần này thì bọn mật thám Đức Giét-ta-pô đã bắt được anh đang sử dụng điện đài giấu trong lò sưởi một bệnh viện sản khoa ở s-xlô. Tụi Đức đã dò tìm thấy địa điểm và ngôi nhà đã bị lính Đức vây kín. Các lối ra vào đều có súng đại liên bịt chặt. Tên Phen-me chỉ huy Giét-ta-pô đích thân đứng chờ ở giữa sân để bắt tụi lính lên bắt Nút xuống. Nhưng Nút đã trốn thoát. Với khẩu súng ngắn, Nút đã mở một đường thoát từ nhà kho đến hầm chứa trên trần nhà, rồi từ sân sau, anh băng qua tường thoát ra ngoài, dưới làn mưa đạn bọn Đức bắn theo. Tôi lại gặp Nút tại một địa điểm bí mật trong một tòa lâu đài cổ ở nước Anh. Nút ở Na Uy về, sau khi tổ chức liên lạc bằng vô tuyến điện dưới lòng đất cho hơn một trăm máy thu phát ngay trong lòng Na Uy bị chiếm đóng. Tôi cũng đã kết thúc lớp huấn luyện nhảy dù và chúng tôi có ý định nhảy dù gần s-xlô. Nhưng thời kỳ đó, quân đội Nga đã tiến vào vùng Kiêc Kên và một sư đoàn nhỏ quân đội Na Uy được điều từ E-cốt đến Phần Lan để tham gia dẫn đường cho quân đội Liên Xô mở các cuộc hành quân. Tôi tham gia vào đơn vị ấy và gặp lại Toóc-xten.
Ở vùng này, mùa khô như ở vùng Bắc Cực. Bình minh cực Bắc chỉ hửng lên trên bầu trời đầy sao, ngày cũng như đêm chỉ là một màu đen bao trùm lên chúng tôi. Rét đến tím cả người trong những bộ quần áo bằng lông thú. Chúng tôi đến một vùng thuộc đất nước Phần Lan, nơi đây chỉ là một đống tro tàn vì bị cháy thiêu trụi. Một chàng trai với đôi mắt xanh ánh lên nét vui nhộn, láu lỉnh cùng với bộ tóc hung bù xù, từ một cái chòi ở trong núi, bước ra. Đó là Toóc-xten Ra-cá. Toóc-xten đã được cứu thoát ở nước Anh, và sau khi theo học một lớp huấn luyện quân sự, anh được bí mật phái đến một vùng lân cận của Tờ-rom-xoe ở Na Uy. Toóc-xten ẩn náu để hoạt động cùng với một điện đài nhỏ ở gần nơi bỏ neo của chiến hạm Tiếc-pít. Suốt mười tháng liền, anh liên tục gửi về nước báo cáo hàng ngày về mọi hoạt động trên chiếc chiến hạm này. Ban đêm, anh lợi dụng dây trời của một tên sĩ quan Đức để phát đi và nhờ vào các báo cáo đều đặn của Toóc-xten mà người Anh đã oanh kích đắm chiến hạm Tiếc-pít. Toóc-xten đi qua Thụy Điển để về nước và một lần nữa anh lại nhảy dù mang theo điện đài, xuống những ngọn đồi hoang vắng ở Phần Lan, vùng hậu tuyến của quân Đức. Đến khi quân Đức rút lui, Toóc-xten đã từ chỗ ẩn nấp, lúc này đã là hậu tuyến của chúng tôi, mang máy và đề nghị chúng tôi sử dụng điện đài của anh để thay thế cho trạm thu phát chính của chúng tôi đã bị mìn phá hủy. Tôi sẵn sàng đánh cuộc với anh là Nút và Toóc-xten không muốn ở nhà và vui lòng cùng nhập bọn với chúng ta.
Héc-man gợi ý:
– Anh thử hỏi họ xem.
Tôi viết ngay cho E-rích, Nút và Toóc-xten một lá thư ngắn, chẳng cần màu mè thuyết phục, nội dung như sau: “Mình sẽ làm bè gỗ vượt Thái Bình Dương để bảo vệ lập luận cho rằng những người ở Pê-ru đã di dân đến những đảo ở Pô-li-nê-di. Các bạn có muốn cùng tham gia không? Mình không đảm bảo gì hơn với các bạn ngoài chuyến hành trình đi và về không mất tiền này, các bạn còn có dịp để thực hành khả năng kỹ thuật của bản thân nữa. Trả lời mình ngay!”
Ngày hôm sau, bức điện đầu tiên báo rằng Toóc-xten sẽ đến. Sau đó E-rích và Nút cũng nhận lời.
Còn người thứ sáu cho nhóm, chúng tôi cũng có chủ định với một vài người, nhưng rồi lại gặp những trở ngại, Héc-man và tôi lại phải lao vào vấn đề lương thực và thực phẩm. Trong chuyến đi này, chúng tôi không có ý định dùng thịt hà mã hay khoai phơi khô làm thức ăn, chẳng phải vì chúng tôi muốn tỏ ra là người da đỏ thực thụ như công việc chúng tôi đang thực hiện, mà ý định của chúng tôi là để kiểm tra thực chất chiếc bè Anh-điêng, khả năng di động cũng như tải trọng của nó cùng các yếu tố khác để có thể đưa chiếc bè đến Pô-li-nê-di với toàn bộ nhóm chúng tôi. Các bậc tiền bối của chúng tôi chắc chắn đã sống bằng thịt, cá và khoai phơi khô, vì đó là những thức ăn chính và quen thuộc của họ. Chúng tôi cũng thử làm để xem có đúng như họ, có thể kiếm được cá tươi và nước mưa để dùng trong lúc đi đường. Về phần cung cấp, tôi thực hiện chế độ khẩu phần trong quân đội như chúng tôi đã quen làm trong thời kỳ chiến tranh.
Đúng lúc đó, một phụ tá mới của tùy viên quân sự Na Uy ở Oa-sinh-tơn được bổ nhiệm đến. Tôi đã từng là phó cho ông khi ông chỉ huy một đại đội ở Phần Lan và biết ông Bơ-giơn Rô-hôn này là một tay sừng sỏ, hăng hái, cứng đầu cứng cổ và rất bảo thủ. Tôi viết thư cho ông Bơ-giơn trình bày hoàn cảnh và đề nghị ông qua sự nhạy cảm trong giao dịch, phát hiện cho chúng tôi một người nào đó có quan hệ với tổ chức hậu cần và quân đội Hoa Kỳ. Thật là may mắn nếu như phòng thí nghiệm về thực phẩm cung cấp lại cho chúng tôi các loại khẩu phần dã chiến mới, như chúng tôi đã thực nghiệm về những trang bị cho không quân. Hai ngày sau ông Bơ-giơn từ Oa-sinh-tơn đã điện cho chúng tôi rằng ông đã tiếp xúc với bộ phận liên lạc đối ngoại của Bộ chiến tranh Mỹ và ở đây người ta muốn biết cụ thể về việc này. Tôi và Héc-man vội đi ngay Oa-sinh-tơn. Tại văn phòng tùy viên quân sự, ông Bơ-giơn cho chúng tôi biết:
– Tôi tin rằng mọi việc đều ổn thỏa. Ngày mai, chúng ta sẽ được bộ phận liên lạc đối ngoại tiếp và ít nhất chúng ta cũng được một lời hứa hẹn nào đó của đại tá.
Đại tá đây là ông Ốt-tơ Mun-tơ Cát, tùy viên quân sự Na Uy. Ông tỏ ra rất nhã nhặn và sẵn sàng viết cho chúng tôi một thư giới thiệu.
Sáng hôm sau, chúng tôi đến gặp ông Ốt-tơ, ông rất nhiệt tình lấy xe riêng đưa chúng tôi đến Lầu Năm Góc, trụ sở của Bộ chiến tranh. Đại tá và ông Bơ-giơn mặc quân phục trang trọng ngồi phía trước, còn tôi và Héc-man ngồi phía sau, nhìn qua cửa xe, Lầu Năm Góc, tòa nhà rộng nhất thế giới, nơi đặt các công sở của Bộ chiến tranh. Bộ chiến tranh khổng lồ này với hai mươi nhăm cây số đường hành lang và ba mươi nghìn nhân viên làm việc, được tăng thêm vẻ trang trọng với sự có mặt của các nhân viên cao cấp trong giới quân sự, lại sẽ trở thành nơi mà chúng tôi sắp trình bày về chiếc bè Anh-điêng của chúng tôi. Chưa bao giờ, trước kia và sau này nữa, chuyện chiếc bè được đem ra bàn bạc đối với chúng tôi sao lại nhỏ bé đến thế, đối với cả Héc-man và tôi.
Sau khi đi qua không biết bao nhiêu hành lang và lối đi, chúng tôi mới tới văn phòng liên lạc đối ngoại. Xung quanh một chiếc bàn lớn bằng gỗ bồ đào, những sĩ quan mang quân phục mới cứng cùng ngồi với chúng tôi. Tại đây, thủ trưởng của văn phòng sẽ chủ trì cuộc họp. Đó là một sĩ quan của Trường võ bị Oét-poăng, dáng nghiêm nghị, vạm vỡ, ngồi choán cả một đầu bàn. Thoạt tiên ông lúng túng vì chưa hình dung được mối liên hệ giữa chiếc bè gỗ của chúng tôi với Bộ chiến tranh Mỹ, nhưng qua những lời khéo léo mà đại tá Mun-tơ Cát trình bày và qua các câu hỏi của sĩ quan ngồi quanh bàn đã làm cho họ dần dần chú ý nhiều đến vấn đề của chúng tôi. Bức thư của phòng thí nghiệm về trang bị của không quân được ông chăm chú xem rất kỹ và sau đó, ông ra lệnh vắn tắt và rõ ràng cho ban tham mưu là phải giúp chúng tôi đi đến kết quả bằng mọi cách cần thiết. Ông chúc chúng tôi mọi sự may mắn và rời phòng họp. Sau khi ông đi khỏi, một đại úy trẻ đã nói nhỏ với tôi:
– Tôi cuộc rằng anh sẽ có đủ mọi thứ cần thiết. Câu chuyện của anh đã có tác dụng như một cuộc hành quân nhỏ và đem lại một sự đổi mới trong cách làm việc quan liêu của thời bình. Dù sao cũng là một dịp tốt để các trang bị của chúng tôi được đem ra thử nghiệm.
Văn phòng liên lạc đối ngoại thu xếp cho chúng tôi cuộc gặp gỡ với đại tá Lơ-vít, làm việc ở phòng thí nghiệm của Bộ Tổng chỉ huy. Héc-man và tôi được ô-tô đưa đến đó. Đại tá Lơ-vít là một người cao lớn nhã nhặn, dáng dấp một nhà thể thao, đã cho mời tất cả các sĩ quan phụ trách các bộ phận lại. Tất cả họ đều tỏ vẻ sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi và còn đề nghị đưa ngay một số thứ để chúng tôi đem ra dùng thử. Họ đáp ứng vượt quá các nguyện vọng cao nhất của chúng tôi và liệt kê tất cả những gì mà chúng tôi cần, từ khẩu phần ăn dã chiến cho đến dầu chống nắng và túi ngủ không thấm nước. Sau đó họ dẫn chúng tôi đi tham quan các thứ đồ dùng, nếm thử những khẩu phần đặc biệt được đóng gói rất cẩn thận, thử loại diêm vẫn cháy dù đã bị ngấm nước, được xem cụ thể những loại bếp dầu kiểu mới, những thùng chứa nước, túi bằng cao su, giày, dụng cụ nhà bếp, những con dao nổi được trên mặt nước và tất cả những gì có ích cho một cuộc hành trình như của chúng tôi. Tôi nhìn Héc-man, thấy anh thích thú như một đứa trẻ được bà cô giàu có dẫn vào hiệu kẹo mứt.
Ông đại tá to lớn dẫn đầu đoàn giải thích cho chúng tôi rõ những phát minh huy hoàng đó. Các nhân viên tham mưu đi theo ghi chép tất cả số lượng và loại hàng mà chúng tôi ngỏ ý cần. Tưởng rằng như thế là đã thắng lợi, tôi muốn về ngay khách sạn nghỉ ngơi để thanh thản suy tính thì đột nhiên ông đại tá nói với tôi:
– Thôi bây giờ chúng ta đến gặp thủ trưởng để ông ấy quyết định xem có thể cung cấp cho các anh những thứ này không?
Tôi thấy tim mình như thót lại. Thôi thế là phải làm lại từ đầu, lại phải dùng tài hùng biện để thuyết phục. Có trời mà biết ông thủ trưởng này là người thế nào!
Đó là một sĩ quan có dáng người thấp bé với bộ mặt rất nghiêm nghị, ngồi sau một chiếc bàn, đôi mắt xanh, sắc của ông nhìn chúng tôi một cách dò xét. Thấy chúng tôi vào, ông mời ngồi rồi đột nhiên hỏi đại tá Lơ-vít, mắt vẫn không rời chúng tôi:
– Thế nào, các ông đây muốn gì?
– Ồ! Một vài thứ lặt vặt thôi ạ!
Đại tá Lơ-vít vội trả lời và nói một vài nét lớn về mục đích của việc vận động nhờ cậy này. Trong khi đó, vị thủ trưởng im lặng ngồi nghe không một chút phản ứng và thản nhiên hỏi lại:
– Để có đi có lại, vậy các ông này sẽ cho chúng ta những gì?
Bằng những lời lẽ để cho ai cũng vừa lòng, đại tá Lơ-vít trả lời:
– Thực ra, trong những điều kiện gian khổ, các ông này sử dụng những thứ cung cấp mới của chúng ta cũng như một phần các trang bị, họ sẽ có thể cung cấp cho chúng ta những tài liệu quí báu.
Không rời mắt khỏi chúng tôi, viên sĩ quan khắc nghiệt này ngả người trên ghế bành với một vẻ chậm rãi không chút kênh kiệu làm cho tôi cảm giác như chết lặng đi ở trên ghế da, khi ông cất tiếng lạnh lùng nói:
– Tôi cũng chưa thấy rõ khi trở về, họ sẽ đem lại cho chúng ta được gì.
Im lặng bao trùm mọi người. Đại tá Lơ-vít xốc lại cổ áo và mọi người không ai dám hé răng.
– Nhưng mà,
Đột nhiên ông nói lớn và khóe mắt ông sáng lên.
– Lòng dũng cảm và sáng kiến cũng đáng kể lắm chứ. Đại tá Lơ-vít, ông hãy cung cấp tất cả những thứ này cho họ.
Trên xe trở về khách sạn, lòng tôi tràn ngập vui sướng, bỗng Héc-man phá lên cười. Tôi lo lắng hỏi:
– Anh điên hay sao đấy?
Héc-man vẫn tiếp tục cười không chút tự ái:
– Không đâu! Chẳng là tôi mới tính toán lại thấy trong số thực phẩm của chúng ta có đến 684 hộp dứa là thứ mà tôi thích nhất.
Hàng trăm công nghìn việc phải tiến hành và gần như phải làm cùng một lúc, khi mà sáu người chúng tôi cùng bè gỗ và hàng đem theo phải được tập trung tại một địa điểm trên bờ biển Pê-ru. Ấy vậy mà trước mắt chúng tôi chỉ còn vẻn vẹn có ba tháng mà trong tay lại không có cây đèn thần của A-la-đanh. Chúng tôi đáp máy bay đi Niu-oóc mang theo thư giới thiệu của văn phòng liên lạc, để gặp giáo sư Be-rơ ở Trường đại học Cô-lô-bi-a. Giáo sư là giám đốc ủy ban nghiên cứu về địa lý của Bộ chiến tranh và chính giáo sư qua dây nói đã hạ lệnh đem đến cho Héc-man những dụng cụ quý và máy móc cần thiết cho đo lường khoa học. Chúng tôi lại đi tiếp bằng máy bay đến Oa-sinh-tơn để gặp đô đốc Cla-vơ ở Viện nghiên cứu hàng hải của hải quân Mỹ. Ông già giàu kinh nghiệm về biển và tốt bụng này đã triệu tập các sĩ quan trước tấm bản đồ Thái Bình Dương và giới thiệu chúng tôi:
– Các bạn trẻ này có ý định điều chỉnh lại trên các bản đồ về các hải lưu. Cần phải giúp đỡ họ.
Sau đó mọi việc đều tiến hành trôi chảy. Đại tá Lân-xtên, người Anh, đã họp các tùy viên quân sự của nước Anh ở Oa-sinh-tơn để thảo luận về những khó khăn có thể xảy ra cũng như những khả năng may mắn đi tới thành công của chúng tôi. Chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến giúp đỡ và một số thiết bị đã được chọn lọc gửi từ nước Anh tới để sử dụng thể nghiệm cho cuộc hành trình bằng bè này. Ông cụ phụ trách cơ quan y tế ở Anh đã giới thiệu nồng nhiệt với chúng tôi một loại “bột chống cá mập”. Theo ông, đối với một con cá mập hung hãn chỉ cần vứt một nhúm bột xuống nước là cá mập phải lẩn đi ngay. Tôi lễ phép hỏi:
– Thưa ông, liệu có thể hoàn toàn tin vào tác dụng của bột này không?
Ông mỉm cười trả lời:
– Thực ra đó cũng là điều mà chúng tôi đang cần tìm hiểu.
Khi có việc vội, cần đi lại nhanh chóng đã có máy bay thay cho tàu hỏa, ô-tô thay cho đôi chân và túi tiền cũng lép dần theo.
Sau khi phải để lại chiếc vé trở về Na Uy của tôi, để lấy tiền chi dùng, chúng tôi phải đến gõ cửa bạn bè và những người cho vay vốn để kinh doanh ở Niu-oóc, hy vọng có thể giải quyết được vấn đề tài chính. Nhưng chúng tôi đã vấp phải một số vấn đề, vừa không dự kiến trước, vừa dễ làm cho nản chí.
Ông trông nom về tài chính lại đang bị ốm liệt giường, còn hai người cộng sự của ông ta không đủ thẩm quyền giải quyết, dù rằng họ vẫn tôn trọng giao ước kinh tế đã thỏa thuận, nhưng phải đợi ông phụ trách bình phục chứ không thể làm khác được. Họ đề nghị với chúng tôi tạm hoãn lại, nhưng không thể được vì biết bao nhiêu công việc đang được tiến hành khẩn trương không thể ngừng lại được.
Chỉ còn cách kiên trì giữ nguyên như vậy vì đã quá muộn để đình cả lại. Những người cho vay vốn của chúng tôi đành đi đến thỏa thuận hủy bỏ giao ước để chúng tôi có thể tự lo lấy ở nơi khác nhanh chóng hơn. Lúc này hai chúng tôi lang thang trên đường phố, Héc-man lẩm bẩm:
– Tháng chạp, tháng giêng, tháng hai.
Tôi tiếp lời:
– Và cùng lắm là tháng ba, chúng ta phải lên đường thôi.
Nếu như các việc còn lại có vẻ còn mờ mịt thì sự việc trước mắt chúng tôi là cuộc hành trình này có mục đích rõ ràng, chứ chúng tôi không làm những chuyện giật gân, hiếu kỳ giống như các diễn viên nhào lộn trong chiếc thùng ton-nô lao theo thác nước Ni-a-ga-ra hay giống như những người đã đứng trên ngọn cột cờ suốt trong mười bảy ngày đêm. Héc-man nói:
– Trong cuộc hành trình này, chúng ta chả cần đến kẹo cao-su và nước giải khát Cô-ca-cô-la.
Về điểm này, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với nhau. Chúng tôi có thể xoay xở để có tiền cua-ron Na Uy nhưng không thể dùng nó để giải quyết được những khó khăn của chúng tôi ở phía bờ Đại Tây Dương này.
Rất ít có hy vọng để được khoản trợ cấp nào đó vì luận thuyết chúng tôi đưa ra còn chưa được mọi người nhất trí, còn đang tranh cãi và cuộc hành trình của chúng tôi trên chiếc bè chính là nhằm để bảo vệ và chứng minh tính chất đúng đắn của luận thuyết trên. Chúng tôi nhận thấy rằng từ giới báo chí cho đến các nhà cổ động tư nhân đều không muốn bỏ tiền đầu tư vào công việc này, vì ngay chính bản thân họ và công tá bảo hiểm đều cho đó là một cuộc hành trình tự sát. Nhưng nếu chúng tôi trở về an toàn chắc chắn mọi việc lại sẽ khác hẳn. Hoàn cảnh ngày càng tối tăm và trong nhiều ngày chúng tôi vẫn chưa tìm ra lối thoát. Vừa lúc đó, đại tá Mun-cơ Cát lại xuất hiện:
– Thế nào các bạn trẻ! Các anh đang gặp khó khăn phải không? Đây là một ngân phiếu để giúp các anh bắt tay vào việc. Các anh sẽ hoàn lại cho tôi khi nào các anh từ Pô-li-nê-di trở về.
Tiếp theo, rất nhiều người khác giúp chúng tôi như đại tá Mun-tơ Cát cùng với những khoản vay riêng đã giúp chúng tôi không cần đến sự hỗ trợ của các đại lý và các công ty. Những bè gỗ cổ xưa của dân Pê-ru đều làm bằng gỗ ban-xa. Loại gỗ này ở trạng thái khô có tỷ trọng bé hơn li-e. Cây ban-xa mọc ở Pê-ru nhưng chỉ có ở sau dãy núi Ang-cơ, vì vậy ở thời kỳ người Anh-ca họ đã phải đi ngược bờ biển đến tận E-cu-a-đo bên bờ Thái Bình Dương, để hạ từng cây lớn mang về. Chúng tôi cũng có ý định phải làm như vậy. Những khó khăn về di chuyển hiện nay không giống như ở thời người Anh-ca. Chúng tôi có thể có ô-tô, máy bay và nhờ các phòng nhận tổ chức các cuộc du lịch, tham quan, nhưng đâu có phải là hoàn toàn dễ dàng. Còn một khó khăn nữa là vấn đề nhập cảnh.
Nếu may mắn qua được cửa khẩu thì cũng còn mệt vì phải xin dấu hàng chồng giấy tờ và về thủ tục nhập cảnh. Điều làm cho chúng tôi lo ngại đối với các ông này, các nhân viên mang áo khuy đồng, là chúng tôi không thể đi đến bờ biển Nam Mỹ cùng với các hòm xiểng đầy ắp những vật lạ và sợ rằng với số vốn liếng tiếng Tây Ban Nha quá ít ỏi, chúng tôi không thể nào nói cho họ hiểu để cho phép nhập cảnh vào Pê-ru rồi lại từ đó ra đi trên chiếc bè, mặc dù chúng tôi đã bỏ mũ ra để tỏ vẻ cung kính họ. Không được phép thì rất có thể họ sẽ tống cổ chúng tôi vào nhà giam. Thấy tình hình như vậy, Héc-man bảo:
– Không thể được, cần phải có giấy giới thiệu của nhà cầm quyền.
Một người bạn chúng tôi là phóng viên tại Liên hiệp quốc đã dẫn chúng tôi đến trụ sở Liên hiệp quốc. Tại đây, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng, bước vào một phòng họp lớn có nhiều nhân vật của tất cả các nước đang ngồi sát bên nhau, trên những dãy ghế, để nghe những lời hùng biện của một đại biểu Nga đang trình bày trước một tấm bản đồ thế giới rộng lớn treo trên tường, phía cuối phòng họp.
Tranh thủ lúc phòng yên tĩnh, anh bạn phóng viên đã mời được một đại biểu của Pê-ru và sau đó cả đại diện của E-cu-a-đo, sang phòng bên để chúng tôi được gặp.
Ngồi trên chiếc ghế da lớn, họ hết sức chăm chú nghe chúng tôi trình bày dự kiến chuyến vượt biển nhằm chứng minh luận điểm là những dân tộc văn minh của nước họ xưa kia, đã là những người đầu tiên đặt chân lên những hòn đảo ở Thái Bình Dương. Cả hai đều hứa sẽ báo cáo lên chính phủ và đảm bảo giúp đỡ, khi chúng tôi đến đất nước họ. Tình cờ đi qua phòng, vị Tổng thư ký được biết chúng tôi là người đồng hương, đã đến bên chúng tôi và một người nào đó đã hỏi liệu ông có thích đi cùng chúng tôi trên chuyến bè này không? Ngay ở đất liền ông đã gặp khá nhiều bão tố rồi.
Ben-gia-manh Cô-ben, phó Tổng thư ký Liên hiệp quốc, đồng thời lại là nhà khảo cổ nghiệp dư có tên tuổi, đã gửi tôi một phong thư để giới thiệu cho bạn là tổng thống Pê-ru. Tại đây, chúng tôi gặp cả đại sứ Na Uy Vin-hem Vôn Mun-thơ-đơ Moóc-ghên-xtiếc; từ hôm đó ông đã là chỗ dựa quý giá cho chúng tôi trong cuộc hành trình. Thế rồi, chúng tôi mua hai vé và đáp máy bay đi Nam Mỹ. Khi máy bay bắt đầu cất cánh chúng tôi cảm thấy người mệt nhoài, là người trên ghế nhưng trong lòng cảm thấy nhẹ nhõm với ý nghĩ đã vượt qua được giai đoạn thứ nhất của chương trình và giờ đây chúng tôi chỉ còn việc tiến thẳng vào cuộc phiêu lưu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.