Hải Trình Kon-Tiki​

CHƯƠNG 4 – TRÊN THÁI BÌNH DƯƠNG



Ngày chiếc Công Ti-ki được kéo ra khơi làm cảng Ca-lao trở nên náo nhiệt khác thường. Bộ trưởng Ni-ê-tô đã ra lệnh cho một tàu kéo hải quân, tàu Gác-đi-an Ri-ốt đưa chiếc Công Ti-ki ra khỏi vịnh đến vùng giao thông duyên hải, ở nơi mà xưa kia những người da đỏ thường dùng bè đến đó để đánh cá. Các báo chí đã đưa tin này trên trang đầu bằng những dòng tít lớn màu đỏ và đen. Sáng sớm ngày hai mươi tám tháng tư, mọi người đã tập trung rất đông trên bến cảng. Sáu người chúng tôi, đến phút cuối cùng còn phải chạy đi mua bán một số thứ cần thiết nên khi tôi ở bến xuống chỉ thấy có một mình Héc-man đang ngồi gác bè. Tôi đã cố ý dừng xe giữa đường để đi rảo bước trên đập cho đôi chân được thoải mái lần cuối cùng. Bước chân lên bè, một cảnh bề bộn đang bày ra: những hòm chuối, những giỏ hoa quả, những túi vứt lăn lóc vào những phút cuối cùng, tất cả đều phải đem xếp đặt chằng buộc lại cho ngăn nắp chắc chắn. Héc-man đang ngồi giữa cảnh bề bộn đó vẻ kiên nhẫn, tay cầm một cái lồng có con vẹt xanh, món quà tặng đặc biệt của một người bạn thân nào đó ở Li-ma. Héc-man bảo tôi:
– Trông hộ tôi con vẹt một lúc. Tôi lên bờ uống một chầu cuối cùng.
Độ một vài giờ nữa tàu kéo mới đến đây. Héc-man vừa biến khỏi sau đám đông đang đứng đầy trên bến, thì chiếc tàu kéo Gác-đi-an Ri-ốt vòng qua mỏm chạy vào. Nó thả neo giữa đám thuyền buồm ở cảng, ngay giữa lối đi ra của chiếc Công Ti-ki và cho một xuồng máy để dắt chúng tôi ra khỏi khu vực thuyền buồm. Trên xuồng máy chở đầy những thủy thủ, sĩ quan hải quân và cả các nhà quay phim. Trong lúc những mệnh lệnh được phát ra, xen lẫn tiếng máy quay phim, một sợi dây cáp đã được buộc vào mũi bè để chuẩn bị kéo đi. Đang ngồi giữ lồng vẹt, tôi hoảng hốt kêu lên:
– Khoan đã nào! Hãy còn sớm và còn phải chờ mọi người đã, những bạn đồng hành của chúng tôi.
Tôi vừa nói vừa ra hiệu chỉ tay về thành phố. Nhưng không một người nào hiểu cả. Những viên sĩ quan chỉ biết mỉm cười lễ phép và dây cáp vẫn được buộc rất đúng kiểu ở mũi bè. Tôi tháo ra vứt trả lại và làm đủ mọi cách ra hiệu cho họ hiểu. Lợi dụng lúc lộn xộn con vẹt dùng mỏ mở được cửa lồng nhảy ra ngoài.
Khi tôi quay lại thì nó đang đi dạo rất khoái chí trên mặt sàn bè. Tôi cố bắt thì nó lại bay lên đậu trên các buồng chuối, miệng nói líu ríu những tiếng Tây Ban Nha thô lỗ. Tôi không rời mắt trông chừng những người thủy thủ đang định neo mũi bè, và vất vả đuổi theo con vẹt. Nó vừa bay vừa kêu trong ca-bin. Tôi dồn nó vào một góc, tóm được chân mà nó vẫn cứ cố giãy giụa để thoát ra. Khi tôi mang con vật ương ngạnh này nhốt vào lồng, thì các thủy thủ ở trên bờ đã thả dây neo bè và chúng tôi bị chao đảo trên bè vì các lớp sóng dồn dập. Trong sự bực bội và thất vọng, tôi cầm bơi chèo để chống đỡ cho bè khỏi va vào những cọc ở bến. Thế rồi chiếc xuồng mở máy làm cho bè chồm lên chạy theo.
Người bạn đồng hành duy nhất của tôi hiện giờ là con vẹt biết nói tiếng Tây Ban Nha, đang ở trong lồng nhìn tôi với vẻ hờn dỗi. Những người ở trên bờ lấy khăn tay vẫy hoan hô rầm rĩ. Trên chiếc xuồng máy, các nhà điện ảnh địa phương đã suýt ngã xuống nước trong khi vội vàng cố thu vào ống kính những chi tiết của cuộc khởi hành đầy xúc động này. Đầy thất vọng, ngồi một mình tôi nóng lòng mong đợi các bạn đồng hành trở về nhưng chẳng thấy một ai. Chiếc bè được kéo tới tàu Gác-đi-an Ri-ốt đã sẵn sàng và chuẩn bị kéo neo. Tôi leo vội chiếc thang dây lên tàu, làm ầm ĩ để cuộc khởi hành phải hoãn lại và một chiếc xuồng máy đã được chạy trở lại bến. Một lúc khá lâu sau, chiếc xuồng trở về mang theo rất nhiều thiếu nữ xinh đẹp mà không thấy một người nào trong bọn chúng tôi. Giải pháp này cũng không giúp tôi thoát ra khỏi cơn bối rối. Trong khi trên bè đầy những nàng thiếu nữ xinh đẹp thì chiếc xuồng máy lại quay trở lại bến để tìm các bạn “đồng hành Na Uy” của tôi.
Trong khi đó E-rích và Ben đang thản nhiên xuống bến, hai tay mang đầy sách và các vật dụng khác. Họ gặp làn sóng người đang quay trở về và cuối cùng các nhân viên cảnh sát đã nhã nhặn ngăn lại không cho đi tiếp và giải thích rằng bây giờ chẳng còn gì để xem nữa. Để được đi qua, Ben đã nói rằng anh và E-rích không đến đây để xem mà là thành viên của đoàn trong cuộc hành trình, nhưng nhân viên cảnh sát vẫn từ tốn:
– Cũng không giải quáết được gì cả! Chiếc bè Công Ti-ki đã khởi hành cách đây một giờ rồi…
– Không thể như thế được.
E-rích kêu lên, đưa ra một bọc
– Đèn báo còn đây kia mà.
– Đây là người hoa tiêu, còn tôi là người phục vụ
Ben nói tiếp. Họ đã rẽ được một lối đi nhưng chiếc bè không còn ở bến nữa. Hai người thất vọng chạy dọc theo con đập và gặp số bạn khác cũng đang sốt ruột chạy đi tìm chiếc bè. Chiếc xuồng máy đã tìm thấy họ, thế là sáu người chúng tôi gặp lại nhau quây quần trên bè trong khi chiếc tàu kéo Gác-đi-an Ri-ốt kéo chúng tôi ra biển.
Lúc này trời đã xế chiều. Tàu kéo Gác-đi-an Ri-ốt không muốn bỏ chúng tôi trước khi đưa chúng tôi an toàn vào vùng mà tàu bè qua lại vào sáng sớm hôm sau. Chúng tôi đi đã khá xa con đập và bắt đầu cảm thấy tròng trành. Những chiếc tàu nhỏ đi theo đã lần lượt quay lại, chỉ còn một vài chiếc tàu buồm lớn đi tiếp với chúng tôi ra cửa vịnh để muốn xem sự thể ra sao. Chiếc bè Công Ti-ki được tàu kéo dắt đi chẳng khác gì một con dê hung hãn đang bị dắt, mũi bè chúc xuống rẽ sóng làm cho nước tung lên mạn. Chẳng có gì hào hứng cho lắm, vì trời yên biển lặng, không như chúng tôi chờ đợi. Đến giữa vịnh, dây cáp bị đứt, đầu dây phía chúng tôi từ từ chìm xuống trong khi tàu kéo chưa biết gì vẫn cứ chạy. Chúng tôi vội nhảy bổ ra mép bè để vớt đầu dây cáp lên trong khi các thuyền buồm đi theo cố đuổi theo chiếc tàu kéo để cáo ngừng lại. Sóng vỗ tràn theo mạn bè, có những con sứa to bằng cái chậu, bơi lên xuống, nhả chất nhớt phủ đầy vào các sợi dây thừng. Lợi dụng khi mũi bè chúc xuống chúng tôi nhoài người ra sát mặt nước, giơ tay ra với dây cáp trơn như mỡ. Khi mũi bè chúc xuống lần thứ hai, đầu chúng tôi bị ngập vào trong nước; nước biển mặn và những con sứa khổng lồ táp lên lưng chúng tôi. Chúng tôi vừa khạc nhổ, vừa nguyền rủa, và gỡ các râu con sứa bám vào đầu, tóc. Khi tàu Gác-đi-an Ri-ốt quay lại, thì dây cáp đã được vớt lên và chỉ còn có việc nối lại. Đúng lúc chúng tôi định ném dây cáp lên tàu kéo thì chiếc bè bị trôi ngay vào phía dưới phần nhô ra của đuôi tàu, bị nước đẩy vào chúng tôi tưởng như có thể bị ép nát. Vội vàng bỏ hết tất cả, chúng tôi lao ngay ra để may ra còn kịp cứu thoát bè, dùng những sào tre và bơi chèo để đẩy bè ra. Những con sóng cuộn lên làm cho chúng tôi không thể nhìn thấy được vòm tàu trên đầu và không tìm ra được điểm tựa để đẩy bè thoát ra. Sóng lại dâng lên làm đuôi con tàu dìm xuống như muốn đè bẹp và đưa chúng tôi xuống dưới đáy tàu. Phía cao, trên boong tàu mọi người nhốn nháo gọi nhau ầm ĩ, cuối cùng cánh quạt nước của tàu hoạt động và đã giúp chúng tôi thoát khỏi chỗ nước xoáy. Mũi bè một vài chỗ bị va chạm mạnh, chỗ neo bè bị bẹp một chút, cũng chẳng sao, sau này nó sẽ dần trở lại như cũ. Héc-man nói:
– Khởi đầu mà đã gay go thế này, sau này chắc cũng chưa hết đâu. Liệu có nên để kéo đi như thế này nữa không vì bè bị lay động nhiều quá rồi đến hỏng mất thôi.
Chiếc bè vẫn tiếp tục được kéo suốt đêm, có điều là chậm hơn trước và chỉ xảy ra những trục trặc không đáng kể. Những chiếc thuyền buồm đi theo cũng đã trở về từ lâu, phía sau chúng tôi tia sáng cuối cùng ở bờ biển đã mất hẳn. Trong bóng đêm, chúng tôi đi qua một vài cây đèn báo thưa thớt. Để chúng tôi liên tục có người ngồi trông giữ dây cáp, chúng tôi đã chia ca, làm như vậy mỗi người còn được ngủ đôi chút.
Sáng sớm hôm sau, bờ biển Pê-ru chỉ còn là một lớp sương mù dày đặc, đằng trước là hướng tây thì trời lại rực sáng một màu xanh. Biển trải ra trước mắt chúng tôi, cuồn cuộn những lớp sóng nhỏ tung bọt trắng xóa, yên lặng và hiền hòa. Quần áo và các hòm gỗ sờ vào đâu cũng đều thấy ẩm ướt vì sương. Trời rất mát. Nhiệt độ nước biển ở 12 vĩ độ nam như vậy là rất thấp. Đây là luồng Hâm-bon, mang theo những tảng băng từ Nam Băng Dương đẩy trôi theo lên hướng bắc, dọc bờ biển Pê-ru, trước khi đổ xuống dưới đường xích đạo. Chính ở nơi đây Pi-da-rô, Da-rát cùng những tiền bối khác của người Tây Ban Nha lần đầu tiên đã gặp những chiếc bè lớn có buồm của người Anh-ca đi lại trên luồng này, cách xa bờ biển từ năm mươi đến sáu mươi hải lý để đánh cá thu và cá hồng. Suốt cả ngày chỉ có gió từ đất liền thổi ra biển nhưng đến chiều thì gió từ biển thổi vào đất liền nên rất thuận lợi cho những thuyền bè trở lại đất liền. Lúc này chiếc tàu kéo đã neo lại. Chúng tôi cẩn thận cắm bè ở xa tàu và dùng một chiếc xuồng cao su bơm căng để tôi cùng E-rích và Ben đi đến tàu kéo. Chiếc xuồng như nhảy trên sóng đưa chúng tôi đến chiếc thang dây của tàu Gác-đi-an Ri-ốt. Chúng tôi leo lên boong, Ben làm phiên dịch để chúng tôi tìm hiểu và xác định vị trí chính xác của chúng tôi trên hải đồ. Chúng tôi đã ở cách đất liền năm mươi hải lý về phía tây-bắc cảng Ca-lao. Vì ở vị trí này có nhiều tàu bè qua lại nên trong những đêm đầu tiên cần phải có đèn báo nếu không sẽ có thể bị các tàu chạy ven biển đâm phải. Xa hơn nữa chúng tôi sẽ không gặp một con tàu nào vì không có đường hàng hải nào đi qua vùng này của Thái Bình Dương. Chúng tôi trịnh trọng chào từ biệt tất cả mọi người trên tàu. Bao nhiêu cặp mắt ngỡ ngàng nhìn theo chúng tôi đi xuống chiếc xuồng để trở về chiếc Công Ti-ki. Sau đó chiếc tàu kéo rời chúng tôi, lúc này chỉ còn chiếc bè lênh đênh cô độc. Ba mươi lăm người trên chiếc Gác-đi-an Ri-ốt đứng trên lan can tàu vẫy chào chúng tôi, cho đến khi không còn nhìn thấy hình bóng họ. Còn sáu người chúng tôi ngồi trên những hòm ở mạn bè phóng tầm mắt nhìn theo chiếc tàu kéo đang xa dần cho đến lúc cột khói đen ngòm tan biến trên chân trời.
– Tạm biệt! Tạm biệt!
Toóc-xten nói.
– Nào bây giờ ta mở máy chứ các bạn?
Chúng tôi bắt đầu chèo và thăm dò luồng gió. Gió rất nhẹ thổi từ hướng nam đến đông-nam. Chúng tôi dựng trục buồm bằng tre lên và kéo buồm. Chiếc buồm vuông chưa được no gió nên khuôn mặt Công Ti-ki trở nên răn reo và có vẻ không vui. E-rích bảo:
– Ông già không thích thế này. Thời trai trẻ của ông, gió chắc mạnh hơn nhiều.
– Chúng ta mất tốc độ thì phải!
Vừa nói Héc-man vừa vứt một mẩu gỗ ra phía trước.
– Một, hai, ba… ba mươi chín, bốn mươi, bốn mươi mốt.
Mẩu gỗ vẫn đứng nguyên trên mặt nước dọc theo bè và chưa trôi được đến nửa bè. Toóc-xten nói với giọng lạc quan:
– Rồi chúng ta sẽ bỏ nó lại đây.
Ben nói tiếp:
– Mong rằng cơn gió chiều sẽ không đẩy lùi chúng ta lộn lại.
Thật là buồn cười khi nói tạm biệt Ca-lao mà tôi lại muốn bỏ qua cuộc tiếp đón lúc trở về. Cuối cùng, mẩu gỗ đã trôi xuống đầu bè. Chúng tôi reo lên vui sướng bắt tay ngay vào sắp xếp các vật dụng đã được vứt lên bè vào phút chót. Ben đang đun bếp dầu trong một cái hòm gỗ trống và một lúc sau chúng tôi đã có nước ca-cao nóng, bánh bích quy và bổ ngay một quả dừa đầu tiên vì chuối chưa thật chín. E-rích tỏ vẻ vênh vang mang một chiếc quần đùi bằng da cừu, đội một chiếc mũ rộng vành Anh-điêng cùng với một con vẹt đậu trên vai, đã nhỏ nhẹ cười và nói:
– Bây giờ thì thuận buồm xuôi gió rồi,
Và nói tiếp
– Chỉ có một điều làm cho tôi băn khoăn đó là những dòng nước nhỏ ngược chiều ít được biết đến, có thể sẽ đẩy chúng ta lao vào vách đá ở bờ nếu chúng ta không tiến lên được.
Chúng tôi xem xét đến cả khả năng dùng chèo nhưng không ổn, đành phải chờ gió lên. Và gió đã từ phía đông-nam thổi tới nhẹ nhàng và đều đặn. Cánh buồm căng phồng vươn lên phía trước như một bộ ngực nở nang, hình vẽ đầu Công Ti-ki như tỏa ra đầy khí thế chiến đấu. Chiếc Công Ti-ki đã bắt đầu nhúc nhích. Chúng tôi cùng ra sức kéo dây lèo vừa hò:
– Tiến về phía tây nào! Hô dô!
Mái chèo bánh lái được dầm xuống nước, hoạt động của các ca bắt đầu tiến hành. Chúng tôi ném ra phía trước những viên giấy vê nhỏ và những vỏ bào gỗ, với đồng hồ trên Pizarro và Zarate: hai nhà thám hiểm Tây Ban Nha chinh phục đất nước Pê-ru, thế kỷ XV. Tay chúng tôi quan sát ở phía sau
“… Một, hai, ba… mười tám, mười chín, ổn rồi!”
Những viên giấy và vỏ bào theo triền sóng bập bềnh trôi ở sau chúng tôi trông như một dây hạt ngọc. Chúng tôi tiến lên từng thước một. Chiếc Công Ti-ki không thể nào rẽ sóng lướt đi như những chiếc tàu có mũi nhọn, nhưng dù nó rộng, nặng nề và chắc chắn, mũi không nhọn mà vẫn lướt đi vững chãi trên các ngọn sóng. Nó lướt đi không vội vàng nhưng một khi đã lên đường, nó sẽ đi với một nghị lực phi thường. Trong lúc này, việc lắp đặt bộ phận lái là một vấn đề lớn nhất đặt ra cho chúng tôi. Chiếc bè được thiết kế đúng y như sự mô tả của người Tây Ban Nha, nhưng trong thời đại hiện nay không có một người nào có thể hướng dẫn thực hành cách điều khiển theo kiểu người Anh-điêng cho chúng tôi. Vấn đề này trước kia đã được các nhà chuyên môn bàn cãi thảo luận đến cùng nhưng kết quả lại quá nghèo nàn. Họ cũng không hơn gì chúng tôi trong vấn đề này.
Gió đông-nam thổi mạnh dần lên. Cần phải giữ cho bè ở vào vị trí thuận theo chiều cánh buồm đang được gió thổi căng lên từ phía sau. Chỉ cần chiếc bè đi chếch chiều gió quá nhiều nó sẽ bị đẩy lui lại, buồm sẽ xoay tròn và đập vào hàng hóa, vào người và chiếc ca-bin bằng tre. Cuộc chiến đấu thật gian khổ. Ba người đánh vật với chiếc buồm, còn ba người chèo chống với bánh lái, cố hướng mũi bè thuận theo chiều gió. Tình huống đã được khắc phục, người cầm lái lúc này phải hết sức cẩn thận, nếu không tình trạng xấu lại xảy ra ngay tức khắc. Chèo lái dài tới sáu mét, đặt ở giữa hai cọc chèo mà không buộc, trên một bệ gỗ ở phía sau, hoàn toàn giống như những người thổ dân đã làm để thả gỗ xuống sông Pa-lăng ở E-cu-a-đo. Bơi chèo dài này làm bằng gỗ muỗm, sức chịu đựng không kém gì sắt thép, nhưng rất nặng, nếu rơi, nó sẽ chìm ngay xuống tận đáy biển. Một đầu bơi chèo được táp một miếng gỗ rộng, gỗ cây tùng bách, vạt cạnh và được buộc chặt vào bơi chèo bằng dây thừng. Mỗi khi có những vạt sóng lớn, chúng tôi phải vất vả lắm mới giữ vững nổi bơi chèo, giữ cho cạnh bơi chèo xiên thẳng trong nước, các ngón tay đều rã rời. Chúng tôi đã khắc phục khó khăn này bằng cách buộc ngang lên cán chèo một cái gậy làm như một cái đòn bẩy. Gió vẫn mỗi lúc một mạnh dần lên. Xế chiều, gió tây đã nổi lên rất mạnh. Biển động mạnh. Các ngọn sóng sủi bọt bốc cao như dâng cả mặt biển lên, như đẩy chúng tôi từ phía sau.
Lần đầu tiên, chúng tôi đã thấy rõ sức mạnh của đại dương. Tình hình lúc này rất nghiêm trọng, mọi liên lạc đều bị cắt đứt. Sự thành công hoàn toàn trông vào sức chịu đựng của chiếc bè gỗ ban-xa ở giữa biển cả mênh mông. Chúng tôi biết rằng từ nay sẽ không bao giờ có được luồng gió thổi từ ngoài khơi nữa và cũng không thể quay trở lại phía sau được. Chúng tôi đã đi vào luồng gió tây và ngày càng mang chúng tôi đi xa hơn nữa. Chỉ còn có một cách là giương buồm mà thẳng tiến, nếu muốn đi về bờ biển Pê-ru, chúng tôi chỉ còn cách là đi giật lùi. Chúng tôi hướng mũi bè về phía mặt trời lặn và lướt đi xuôi gió. Thật ra rất đúng với dự tính của chúng tôi là: đi theo hướng đi của mặt trời như xưa kia Công Ti-ki và những người thờ mặt trời đã làm như vậy, khi họ bị đuổi khỏi Pê-ru.
Chúng tôi nhận xét với một cảm giác chiến thắng và hào hứng khi chiếc bè đã vượt qua những ngọn sóng hung hãn đầu tiên đe dọa chúng tôi. Rất khó có thể giữ vững tay lái vì những ngọn sóng ầm ầm trào lên có thể làm bật tay lái ra khỏi cọc chèo hoặc đẩy bắn sang một bên làm cho người cầm lái bị xoay tròn như diễn viên nhào lộn không biết xoay xở ra sao. Dù cho cả hai người cùng giữ, cũng không chịu nổi sức mạnh các ngọn sóng. Chúng tôi nảy ra sáng kiến, lấy dây thừng buộc giằng bơi chèo ra hai bên bè, còn các dây khác thì ghìm chặt tay chèo vào hai cọc, làm như thế tạo cho hoạt động được thoải mái và có thể đương đầu với các ngọn sóng dữ, ít nhất chúng tôi cũng còn đủ sức và không chịu bỏ cuộc.
Sóng lại nổi lên nhiều hơn, rất rõ ràng là chúng tôi đang ở vào vùng nước xiết nhất của luồng Hâm-bon. Sóng dậy lên như vậy là do luồng nước chứ không phải chỉ vì gió. Nước biển quanh chúng tôi xanh ngắt và lạnh buốt. Những dãy núi nhấp nhô của Pê-ru ở phía sau đã mất hẳn sau những đám mây dày đặc.
Khi bóng đêm phủ xuống đại dương, cuộc chiến đấu với mọi bất trắc bắt đầu. Chúng tôi chưa đủ tin ở biển cả. Trong quan hệ mới giữa chúng tôi và biển cả, chúng tôi tự hỏi liệu biển cả sẽ tỏ ra là bạn hay thù địch. Giữa bóng đêm dày đặc đang bao phủ, mỗi lần tiếng gầm rít của con sóng kề bên đột nhiên làm át cả tiếng sóng chung của biển cả và chúng tôi trông thấy đầu ngọn sóng trắng xóa cao bằng nóc ca-bin lừng lững tiến đến là chúng tôi nằm bám chặt lấy bè để chờ đợi con sóng cao như núi đổ xuống tưởng chừng như muốn nghiền nát chúng tôi. Nhưng lần nào cũng vậy, sau mỗi lần hoảng hốt bất ngờ như thế chúng tôi lại cảm thấy như trút được nỗi lo âu. Chiếc Công Ti-ki vẫn bình tĩnh lướt đi, phía sau bè bị sóng đẩy cao lên như đứng giữa trời làm cho những mảng nước hung hãn xối xả trút xuống bè. Cứ thế chúng tôi lao thẳng vào lòng sóng đón chờ những ngọn sóng lớn tiếp theo. Cứ sau một đợt dài sóng nhỏ lại tiếp hai, ba con sóng lớn. Khi hai vạt sóng lớn tiếp nhau quá gần, vạt sóng thứ hai đã đập vào phía sau bè đúng vào lúc mà phía sau bè đang bị vạt sóng thứ nhất nhồi lên. Như vậy người đứng trực phải lấy dây cuốn quanh mình, đầu dây cột vào bè, xung quanh bè không có lan can. Nhiệm vụ chính lúc này là phải giữ cho buồm luôn luôn được gió thổi căng, mũi bè phải hướng vào sóng và theo chiều gió thổi để đẩy bè đi.
Chúng tôi đã lắp một chiếc la bàn hàng hải cũ đặt trong một cái hòm ở phía sau để cho E-rích điều chỉnh hướng đi và tính toán vị trí hay tốc độ. Lúc này, chúng tôi cũng chưa biết rõ đang ở vị trí nào vì trời đầy mây. Không có chân trời nào khác ngoài tiếng sóng vỗ ì ầm.
Một ca trực phải bố trí hai người một lúc, họ phải đem hết sức mình để vật lộn với tay chèo lái luôn luôn nhảy nhót, trong khi đó, những người khác phải cố tìm cách chợp mắt một lúc ở trong ca-bin bằng tre. Khi gặp một vạt sóng quá to, người cầm lái đành bỏ tay chèo cho những dây buộc và chỉ một bước nhảy bám ngay lấy xà tre ở mái ca-bin để mặc cho những tảng nước trút xuống như thác đổ ở phía sau trôi theo mạn bè xuống biển. Ngay sau đó, người cầm lái lại phải chạy ngay đến chỗ chèo lái nếu không bè sẽ chệch hướng và buồm sẽ quay ngả nghiêng. Nếu có những vạt sóng ở phía bên thì những vạt sóng lớn nhất mới đánh thẳng vào ca-bin; còn những vạt sóng từ phía sau trào tới thường bị cản bởi các thân gỗ nhô ra và ít khi đánh đến sát ca-bin. Những phiến gỗ tròn ở đuôi bè làm cho nước thoát qua dễ dàng tựa như qua những răng của một cái dĩa.
Ưu điểm của bè là có những khe hở, không những thế, những khe ở mặt sàn của chúng tôi, nước chỉ thoát ra mà không bao giờ tràn vào cả.
Đến nửa đêm, chúng tôi trông thấy đèn báo của một chiếc tàu đang đi về hướng bắc. Đến ba giờ, lại thấy một chiếc khác cũng đi về hướng ấy. Chúng tôi đã cầm chiếc đèn dầu nhỏ để vẫy và dùng chiếc đèn điện bỏ túi bật những tín hiệu cho những hành khách không quen biết, nhưng họ không nhìn thấy chúng tôi. Ánh sáng của chiếc tàu từ từ đi về hướng bắc và chìm dần trong đêm tối. Những người ở trên tàu chắc cũng không thể ngờ rằng có một chiếc bè Anh-ca thực sự đang lênh đênh trên mặt sóng, ở rất gần họ. Đến ngay chúng tôi ở trên bè cũng không dám nghĩ rằng đây là chiếc tàu, cũng như là dấu vết của con người cuối cùng mà chúng tôi trông thấy trước khi vượt sang bờ bên kia đại dương. Chẳng khác gì những con ruồi, chúng tôi cứ hai người một bám chặt lấy mái chèo lái. Nước biển lạnh toát chảy từ trên tóc xuống, còn mái chèo lại không ngừng quật hết đằng trước đến sau lưng làm cho thân thể chúng tôi đau nhừ, hai bàn tay tê cứng vì phải bám lấy cọc chèo. Thật là một trường hợp đầy gian khổ.
Những ngày và đêm đầu tiên này đã làm cho chúng tôi, những người sống ở đất liền, đã trở thành những con sói biển thực sự. Trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ, mỗi người phải cầm lái liên tục hai tiếng và được nghỉ ba tiếng. Chúng tôi tự thu xếp trong tất cả các giờ có một người khỏe hơn cả sẽ đến thay thế cho một trong hai người cầm lái đã ngồi lái đủ hai tiếng. Các bắp thịt trong người phải căng ra hết sức mới điều khiển được tay lái. Khi nào không thể đẩy được nữa, chúng tôi chuyển sang phía bên kia để kéo, cho đến khi những cánh tay và ngực đã rã rời, thì đành quay lưng lại về phía bơi chèo để mặc nó quăng quật, khắp người chúng tôi đều bầm tím. Khi được người thay thế, chúng tôi chúi ngay vào ca-bin, lấy dây thừng cuốn vào chân và lăn ra ngủ, quần áo còn ướt đẫm nước biển và không còn đủ sức để chui vào túi ngủ nữa. Gần như vừa mới nằm xuống đã thấy có người nào kéo mạnh chiếc dây thừng, thì ra đã qua ba tiếng đồng hồ lại phải ra để thay thế cho một trong hai người cầm lái.
Đêm hôm sau, cũng chẳng khá hơn chút nào. Sóng không giảm đi, mà còn mạnh hơn. Hai giờ vật lộn với tay lái sao mà dài thế. Nửa phiên trực sau, để một người thì chẳng giải quyết được gì, sóng vẫn nổi lên tứ phía như trút nước xuống bè, vì vậy, chúng tôi quyết định chỉ ngồi lái một giờ và nghỉ ngơi một tiếng rưỡi.
Sáu mươi giờ đầu tiên đã trôi qua như vậy trong cuộc vật lộn không ngừng với các vạt sóng lớn cứ tới tấp vùi dập, thôi thì đủ cả sóng to, sóng nhỏ, sóng sắc như dao, sóng xiên chéo và những sóng chồng lên nhau. Trong chúng tôi, người yếu hơn cả là Nút, nên chúng tôi miễn cho anh phải ngồi cầm lái. Nút như giận dỗi và ngồi ở trong ca-bin như người chịu nhục hình. Ở trong lồng, con vẹt như có vẻ khó chịu, mỏ thõng xuống. Mỗi khi bè tròng trành bất ngờ, sóng từ phía sau tràn lên bắn tung tóe nước, nó lại vỗ cánh phành phạch. Chiếc Công Ti-ki đi cũng không lắc nhiều lắm. Nó lướt đi trên sóng một cách vững chãi mà không một thuyền bè nào như nó có thể đi hơn được, nhưng không thể dự đoán trước được nó sẽ chao về phía nào, hơn nữa chúng tôi chưa bao giờ được học cách điều khiển cho dễ dàng chiếc bè như thế này, vì nó luôn luôn chao đảo lên xuống cũng như triền qua triền lại hai bên.
Đêm thứ ba, biển lặng đi được một chút nhưng gió vẫn thổi mạnh. Vào bốn giờ sáng, một cơn sóng muộn từ trong đêm tối bất ngờ tràn đến táp dữ dội làm cho bè xoay tròn trước khi những người lái kịp giữ lấy cây chèo. Thiếu chút nữa chiếc buồm bị xé nát, đập vào ca-bin phá tan thành từng mảnh. Mọi người vội vàng lao ra mặt bè để cứu hàng, kéo dây lèo và dây giằng cột buồm để buồm căng theo chiều gió đưa chiếc bè đi cho đúng hướng.
Nhưng chiếc Công Ti-ki không chiều theo ý chúng tôi, nó như muốn đi giật lùi, và cứ như vậy chúng tôi đã cố hết sức, nào kéo, nào đẩy, nào chèo, bao nhiêu công sức mà kết quả là chỉ thiếu chút nữa chiếc buồm đã quật ngã hai người xuống biển. Biển lúc này đã lặng hơn. Khắp người mình mẩy đau đớn và ê ẩm, mu bàn tay tróc hết da, mắt thiếu ngủ, chúng tôi chẳng làm thế nào hơn được nữa. Tốt hơn cả là nên để dành sức cho những cuộc đọ sức gay go hơn sau này, mà cũng không biết bao giờ sẽ xảy đến. Thế rồi chúng tôi cuốn buồm quấn vào trụ và để cho chiếc bè lênh đênh trên mặt sóng, nổi bập bềnh như một cái nút chai. Sau khi đã buộc chặt các vật dụng, sáu người chúng tôi bò vào chiếc ca-bin nhỏ bé, chen chúc nhau nằm lăn ra ngủ li bì. Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng tôi đã trải qua những giờ phút giữ chèo lái gay go nhất của cuộc hành trình. Chỉ có ở giữa đại dương chúng tôi mới khám phá ra cách điều khiển chiếc bè đơn giản và thông minh mà người Anh-ca đã từng làm.
Sáng đã lâu, chúng tôi mới tỉnh dậy, khi con vẹt kêu, hót, nhảy nhót trong lồng. Biển vẫn nổi sóng nhưng sóng đã dài và đều đặn, không còn hung hãn điên cuồng như trước nữa. Điều đầu tiên mà chúng tôi nhận thấy là mặt trời đã tỏa ánh nắng vàng trên mặt sàn tre và làm cho biển cả đang bao quanh như tỏ ra hữu nghị và vui vẻ. Nếu như những vạt sóng lớn lại nổi lên? Không có gì đáng ngại, miễn là chúng để chúng tôi yên, dù cho sóng có dâng cao ngay trước chúng tôi thì chỉ một giây sau chiếc bè sẽ vượt qua ngọn sóng và như một con lăn sẽ đè bẹp chúng xuống. Những người thầy xa xưa của đất nước Pê-ru thừa hiểu điều họ làm, một khi họ không muốn vỏ thuyền rỗng dễ bị ngập nước hay một con thuyền quá dài để không thể lướt nổi từng con sóng một. Vậy chỉ có một thứ con lăn làm bằng gỗ li-e mà xét cho cùng chính là một chiếc bè.
Buổi trưa, E-rích đã xác định được tọa độ và nhận thấy rằng chặng đi vừa qua chạy bằng buồm, chúng tôi đã đi lệch quá nhiều về hướng bắc dọc theo bờ biển, và hiện đang còn ở trên dòng Hâm-bon, cách đất liền một trăm hải lý. Vấn đề lớn đặt ra là làm thế nào có thể biết được rằng liệu chúng tôi có gặp phải những vùng nước xoáy nguy hiểm ở phía nam quần đảo Ga-la-pa-gốt, mà hậu quả sẽ rất tai hại bởi vì chúng tôi sẽ bị đánh giạt đi mọi hướng do sức mạnh của những luồng nước chảy xiết, chảy về bờ biển Trung Mỹ. Nhưng nếu sự tính toán của chúng tôi chính xác thì luồng chính sẽ đưa về phía tây trước khi chúng tôi đi tới phía bắc dãy Ga-la-pa-gốt.
Gió đông-nam vẫn tiếp tục thổi. Chúng tôi kéo buồm lên quay phía sau bè vào hướng gió và lại tiếp tục thay phiên nhau ngồi cầm lái. Nút lúc này đã hết say sóng. Toóc-xten và anh thay nhau lần lượt trèo lên ngọn cột buồm rung rinh để áp dụng những kinh nghiệm với những dây ăng-ten vô tuyến đưa lên trên không bằng bóng kinh khí hoặc bằng diều. Đột nhiên, từ trong góc ca-bin dành cho bộ phận vô tuyến điện, một trong hai người reo lên rằng đã nghe thấy đài của thủy quân ở Li-ma đang gọi chúng tôi. Người ta cáo cho biết rằng máy bay của đại sứ Hoa Kỳ đang trên đường bay đến chỗ chúng tôi để gửi lời chào lần cuối cùng và quan sát tình hình chúng tôi trên biển. Một lúc sau, chúng tôi bắt được liên lạc trực tiếp với máy điện đài máy bay và rất bất ngờ lại được trao đổi với Giéc Vôn cũng đang ở trên chiếc máy bay đó. Chúng tôi đã thông cáo tọa độ một cách chính xác theo khả năng của chúng tôi và hàng giờ liền gửi những tín hiệu chỉ rõ hướng đi của chúng tôi. Tiếng nói qua không trung lúc mạnh lúc yếu tùy thuộc vào vòng lượn của máy bay, khi lượn lại gần hoặc bay xa chúng tôi.
Nhưng rồi cũng không nghe thấy tiếng động cơ và chẳng bao giờ chúng tôi nhìn thấy máy bay nữa. Phát hiện ra được chiếc bè đang nằm dán mình trong lòng những vạt sóng đúng là rất khó khăn mà tầm nhìn chúng tôi lại bị hạn chế. Cuối cùng máy bay đành bỏ, để quay về phía bờ biển và cũng là lần cuối cùng mà người ta định tìm gặp chúng tôi. Những ngày tiếp theo, biển vẫn động. Các vạt sóng như đã chán gầm thét lúc này xô đều đặn từ hướng đông nam tới làm cho việc cầm lái càng thêm dễ dàng. Để cho người cầm lái khỏi bị ướt khi nước táp lên và chiếc bè không bị trở buồm và ổn định hơn, chúng tôi hướng bè về phía trái, xuôi theo gió và hướng sóng. Nhưng chúng tôi lo lắng nhận thấy ngọn gió tây thổi từ phía đông-nam và luồng Hâm-bon ngày càng đưa thẳng vào phía những luồng ngược chạy quanh những hòn đảo Ga-la-pa-gốt, với một tốc độ khá nhanh về phía tây-bắc, bình quân một ngày từ năm mươi nhăm đến sáu mươi hải lý, cao nhất là bảy mươi mốt hải lý một ngày.
Một hôm, Nút nhìn trên tấm bản đồ có một đường gồm những vòng tròn nhỏ chỉ những tọa độ liên tiếp của chúng tôi như một ngón tay tinh nghịch đang vươn tới những hòn đảo đáng nguyền rủa của dãy Ga-la-pa-gốt, thận trọng hỏi:
– Trên những hòn đảo Ga-la-pa-gốt, có sinh sống được không anh?
Tôi nói:
– Không tốt lắm đâu. Hình như xưa kia Tu-pắc U-păng-ki, người Anh-ca đã từ xích đạo đến đó vào thời kỳ trước cả Cri-xtốp Cô-lông, nhưng không một ai ở đấy cả, kể cả ông ta và những thổ dân, vì ở đó không có nước.
– Được thôi! Tôi mong rằng chúng ta sẽ không đến đó.
Chúng tôi đã quá quen thuộc với biển động xung quanh nên cũng không chú ý đến nữa. Đang ở trên mặt biển với độ sâu hàng nghìn sải tay nếu có bị quay cuồng một chút cũng chả sao. Điều duy nhất cần biết là bị như vậy lâu hay chóng mà thôi. Rất dễ dàng nhận thấy ngay là các cây gỗ đã bị thấm nước. Cây gỗ đặt ngang ở phía sau là tệ hại hơn cả. Chỉ cần bấm tay vào là nó đã chảy nước ra. Tôi bẻ một mẩu gỗ thấm nước và vứt xuống biển, mẩu gỗ từ từ chìm sâu xuống.
Sau này tôi đã nhìn thấy một, hai bạn đồng hành cũng đã làm như vậy và họ tưởng như không ai nhìn thấy. Với vẻ đăm chiêu suy nghĩ, họ đã nhìn mẩu gỗ chìm dần xuống làn nước biển xanh. Trước lúc lên đường, chúng tôi đã đánh dấu đường ngấn nước lên bè, nhưng với biển động mạnh rất khó có thể xem đường ngấn tới đâu vì các cây gỗ lúc thì bốc lên cao, lúc lại dìm xuống. Cắm lưỡi dao vào cây gỗ ngang chúng tôi rất mừng khi thấy cách bề mặt một đốt ngón tay, gỗ hãy còn khô. Chúng tôi đã tính toán với đà ngấm nước cứ tiếp tục như thế này thì chiếc bè sẽ nổi ở dưới mặt nước đúng vào lúc mà chúng tôi đến đất liền. Hơn nữa chúng tôi mong rằng nhựa trong cây gỗ sẽ ngăn chặn không cho nước ngấm vào nhiều.
Lại một đe dọa nữa làm cho chúng tôi lo ngại trong những tuần lễ đầu tiên: đó là dây thừng. Ban ngày thường bận rộn nên không một ai nghĩ tới vấn đề này, nhưng đêm đến, chúng tôi nằm trên mặt sàn ca-bin là lúc có nhiều thời giờ để suy nghĩ, hít thở và lắng nghe. Trong khi đang nằm nghỉ, mỗi người một đệm rơm riêng, chúng tôi nhận thấy mặt chiếu cói cứ nhô lên hạ xuống theo nhịp chuyển động của thân cây gỗ mỗi khi chiếc bè chao đảo. Cây này nhô lên, cây kia tụt xuống, chuyển động không nhiều, nhưng cũng làm cho chúng tôi có cảm giác như nằm ở trên lưng một con vật lớn đang thở. Chúng tôi xoay người để nằm theo chiều dọc. Nhất là hai đêm đầu tiên, chúng tôi lo ngại nhưng sau vì quá mệt nên quên cả lo lắng. Những dây thừng bị ngấm nước, nở ra nên đã giữ cho các cây gỗ không cọ sát như trước. Tuy nhiên trên mặt bè không bao giờ có một mặt phẳng hoàn toàn ổn định đối với các vật xung quanh nó. Khi phần dưới của bè bị chao đảo hoặc triền qua lại hai bên, chẳng có cái gì có thể đứng yên được.
Mặt sàn bè bằng tre, hai cột buồm, bốn bức tường bằng tre đan của ca-bin, cùng chiếc mái lợp lá, tất cả đều được chằng buộc, thể mà vẫn bị vặn và bị đẩy lên theo các chiều đối nhau. Mà dây thừng chằng buộc phải chịu đựng tất cả lực đó. Suốt đêm chúng tôi nghe thấy những tiếng cọ xát, như rên la, trao đổi. Xung quanh chúng tôi như một bản hợp xướng bi ai mà mỗi một dây thừng tùy theo cỡ to, nhỏ và bị căng nhiều ít phát ra âm thanh riêng hòa vào bản hợp xướng đó. Sáng nào cũng vậy, chúng tôi kiểm tra các dây thừng. Có lúc cần kiểm tra dưới đáy bè, chúng tôi phải nằm xuống cúi đầu qua thành bè trong khi đó phải có người giữ chặt hai cổ chân để khỏi ngã xuống nước. Các dây thừng đều chịu đựng tốt cả.
Những thủy thủ ở Pê-ru đã có lần nói với chúng tôi rằng sau mười lăm ngày các dây thừng sẽ hỏng và ý kiến này dù rằng được nhiều nhà chuyên môn xác nhận, thế mà đến bây giờ vẫn chưa thấy một dấu hiệu nhỏ nào chứng tỏ là đã hỏng cả. Bây giờ sự việc này đã hiển nhiên được giải thích thì chúng tôi đã ở xa trên biển cả. Ban-xa là một loại gỗ mềm đến nỗi các dây thừng khi nở ra đã lằn sâu vào gỗ nên nó được bảo vệ không bị cọ xát làm hư hại.
Sau một tuần, biển lặng dần và chuyển từ màu xanh lá cây sang màu xanh lơ. Chiếc bè trôi dạt đã đẩy chúng tôi theo hướng tây tây bắc mà lẽ ra là hướng tây bắc, đó là một dấu hiệu nhỏ cho thấy chúng tôi đã thoát ra khỏi luồng nước ven bờ biển và có hy vọng được đẩy ra giữa biển khơi. Ngay ngày đầu tiên, trơ trọi giữa biển cả, quanh chiếc bè có rất nhiều cá, nhưng vì còn mải mê bận rộn điều khiển chiếc bè nên không ai chú ý đến việc câu cá. Ngày thứ hai, chúng tôi gặp một đàn cá trích dày đặc, sau đó là một con cá mập xanh dài gần ba mét đang lăn mình phơi bụng trắng hếu và cọ thân vào phía sau bè, lúc đó Héc-man và Ben đang ngồi giữ lái, chân đang thả xuống nước. Nó đùa giỡn quanh bè nhưng khi chúng tôi cầm xiên lại gần thì nó biến mất. Sáng hôm sau lại gặp những đàn cá thu, cá giác và cá hồng.
Một con cá chuồn khá to rơi đánh bịch xuống mặt bè, chúng tôi lấy dùng làm mồi và bắt được hai con cá hồng to mỗi con cân nặng chừng mười đến mười lăm ki-lô, dùng làm thức ăn cho nhiều ngày sau. Trong những phiên trực, chúng tôi thấy rất nhiều loài cá mà không biết là loài cá gì, nhưng có một hôm chúng tôi thấy ở giữa các đàn cá, một dải rất dài tưởng như không hết, những con cá heo. Những cái lưng đen nhẫy trăn trở, chen chúc, con nọ sát con kia dọc theo bè đến nỗi đứng trên ngọn cột buồm nhìn ra xa còn thấy chúng rải rác khắp mặt biển cả. Càng xa dần bờ biển để đến gần xích đạo, cá chuồn lại càng nhiều hơn. Đến một vùng biển nước xanh biếc, biển lặng, đầy nắng đang trải ra với vẻ hùng vĩ, những luồng gió nhẹ làm mặt biển gợn lên những làn sóng nhỏ, chúng tôi trông thấy những con cá chuồn lấp lánh vọt từ mặt nước như pháo hoa, bay theo đường thẳng cho đến khi hết đà lại rơi xuống, biến vào những con sóng. Đêm đến, nếu mang cây đèn dầu nhỏ ra, bị ánh đèn lôi cuốn, những con cá chuồn đủ các cỡ tới tấp nhảy lên mặt bè. Thường thường chúng bị va vào ca-bin, hay cột buồm, rơi xuống nằm chết giấc. Có một lần chúng tôi nghe thấy nổ ra tiếng la hét rầm rĩ, thì ra một người trong chúng tôi bị một con cá chuồn lạnh toát bất ngờ đập vào mặt. Chúng vọt từ mặt nước lên rất nhanh, mõm đưa ra trước nên khi bị nó va phải, da như bị kim châm đau nhức nhối. Nhưng chúng tôi sẵn sàng quên những cuộc tập kích không chủ định này và những điều tệ hại, bởi vì đó là một nguồn dự trữ giàu có, những món ăn tuyệt diệu đưa đến bằng đường không. Chúng tôi dùng cá thay gà quay. Cá được rán lên để ăn sáng, tôi không rõ có phải là do cá có thịt ngon, hay do tài nấu nướng, hoặc do ngon miệng nên mỗi lần đánh vảy xong, chúng tôi lại nghĩ đến những con cá hương nhỏ.
Việc đầu tiên của người đầu bếp là buổi sáng dậy, đi nhặt những con cá đã rơi đêm qua trên mặt bè. Thường là được năm, sáu con, có lần được tới hai mươi sáu con béo ngậy. Một hôm Nút đang chuẩn bị chảo rán cá, anh gặp chuyện bực mình, một con cá chuồn đã văng vào tay anh mà lẽ ra nó phải nằm vào trong chảo mỡ, còn Toóc-xten cũng phải công nhận rằng biển quả là người láng giềng thân thiết vì một buổi sáng thức dậy anh đã thấy một con cá trích nằm ngay cạnh gối.
Do ca-bin chật hẹp, Toóc-xten đêm nằm phải thò đầu ra cửa nên anh thường cắn vào chân anh nào đi ra vô ý va phải mặt anh; giờ đây bắt được con cá nằm cạnh gối, anh cầm đuôi cá giơ lên nói với giọng kẻ cả là anh rất có cảm tình với con cá trích. Đêm sau, chúng tôi đành chịu khó nằm co quắp nhường chỗ cho Toóc-xten nhưng rồi một chuyện bất ngờ xảy đến khiến Toóc-xten quyết định mang đệm rơm vào nằm trong góc để máy vô tuyến điện, giữa đám dụng cụ nhà bếp. Đó là mấy đêm sau này. Trời đầy mây và tối như bưng. Toóc-xten đặt cây đèn dầu gần đầu để cho mọi người ra, vào thay phiên, khỏi giẫm lên anh mỗi khi bước qua. Khoảng bốn giờ sáng, cây đèn bị đổ làm anh thức giấc và một vật gì lành lạnh, ướt át đập vào tai anh.
“Lại một con cá chuồn”.
Anh tự nghĩ và lấy tay sờ soạng bắt để vứt ra ngoài. Anh nắm phải một vật gì dài và nhầy nhụa đang ngọ nguậy như một con rắn, anh vội rời tay ra như mó phải lửa. “Vị khách lạ” đó quay đi về phía Héc-man, trong khi Toóc-xten vội thắp lại cây đèn. Đến lượt Héc-man giật nảy người lên và tôi vội nghĩ đến con óc-tô-puýt, một loại bạch tuộc khổng lồ vẫn thường quấy nhiễu ban đêm ở vùng biển này. Đèn đã được thắp lên. Với vẻ đắc thắng, Héc-man đang nắm chặt cổ một con cá mình thon, dài, đang ngọ nguậy trong tay như một con lươn. Dài khoảng một mét, thon mình như rắn, con cá này có đôi mắt đen không hồn và một cái mõm dài trông rất tham lam, đầy răng nhọn, sắc.
Bị Héc-man nắm cổ, con vật này đột nhiên ựa ra một con cá trắng có đôi mắt to, dài khoảng hai mươi phân. Một lúc sau, nó lại cho ra một con khác giống như thế. Rõ ràng đây là hai con cá ở dưới độ sâu rất lớn đã bị con cá chình cắn nát. Da cá chình mỏng, lưng màu xanh tím, bụng màu xanh thép, sẽ rơi ra từng mảng nếu ta sờ tay vào. Tiếng ồn ào làm cho Ben thức giấc. Chúng tôi cầm ngọn đèn và con cá dài ngoẵng đưa vào mũi Ben. Hãy còn ngái ngủ, Ben ngồi bật dậy trong túi ngủ trịnh trọng nói:
– Không! Không thể có loại cá nào như thế này cả.
Nói xong, Ben lại xoay mình và ngủ tiếp. Ben nói có lý. Sau khi ngồi quây quần quanh cây đèn ở trong ca-bin, sáu chúng tôi là những người đầu tiên trông thấy con cá này còn sống. Một vài lần rất hiếm người ta thấy bộ xương nó ở bờ biển Nam Mỹ và ở những đảo Ga-la-pa-gốt. Những nhà ngư học gọi nó là Giem-bi-luýt hay là cá chình và cho rằng nó chỉ sống ở dưới độ sâu lớn vì chưa có ai trông thấy con cá này lúc nó còn sống cả. Dưới ánh sáng ban ngày đôi mắt nó bị mặt trời làm mù đi, chỉ những đêm tối đen, nó mới bơi lên mặt nước như chúng tôi đã thấy và chỉ có chúng tôi mà thôi.
Một tuần lễ sau khi con cá rất hiếm bị mắc cạn trong túi ngủ của Toóc-xten chúng tôi lại có một cuộc viếng thăm khác. Lần này cũng vào khoảng bốn giờ sáng, trăng vừa lặn, trời đầy sao nhưng rất tối. Hết phiên trực cầm lái cũng không lấy gì làm mệt, tôi đi kiểm tra bè để sắp xếp cho việc thay phiên. Như mọi người cầm lái, quanh người tôi vẫn quấn một dây thừng, tay cầm cây đèn, tôi thận trọng đi men theo các cây gỗ phía ngoài để vòng qua cột buồm. Cây gỗ ướt và rất trơn. Tôi bỗng nổi cáu lên khi một người nào đó ở đằng sau tôi cầm lấy dây thừng thình lình kéo mạnh làm cho tôi suýt mất đà. Tôi phẫn nộ quay lại cầm đèn nhìn, không thấy một người nào. Chiếc thừng lại bị kéo lần nữa, lần này tôi trông thấy một vật bóng nhẫy đang bò trên sàn bè. Lại một con Giem-bi-luýt nữa. Chính con vật này đã cắn vào sợi dây thừng quá sâu nên đã gãy cả răng trước khi tôi đến gỡ nó ra. Chắc rằng ánh sáng cây đèn báo chiếu lấp lánh lên sợi dây thừng trắng làm cho vị khách ở dưới sâu này nhảy lên, hy vọng kiếm được một bữa no nê ngon miệng. Nó đã được yên vị trong một bình phoóc-môn.
Biển cả chứa đựng rất nhiều điều bất ngờ chỉ dành cho những ai không làm ồn ào, lặng lẽ đi trên mặt nước. Ở trong rừng người đi săn bẻ cành để mở đường đi, có thể trở về vì không gặp con mồi, ngược lại nếu nhẹ nhàng ngồi vào một gốc cây và chờ đợi, chắc chắn không bao lâu anh ta sẽ nghe thấy tiếng rầm rì và răng rắc cùng những cặp mắt tò mò đang nhìn anh qua các khe đá.
Ở biển cả cũng thế thôi. Chúng ta có thói quen đi như xé nước với tiếng máy gầm rú, tiếng ầm ì của pít-tông làm cho nước sủi bọt ở mũi tàu, và đến lượt chúng ta, cũng nói rằng không có gì để xem ở đại dương cả. Không một ngày nào trôi đi mà chúng tôi không có cuộc viếng thăm của các khách quý do tò mò kích thích đã đến lượn quanh chúng tôi, nhất là những con cá hồng và pí-lốt đã quá quen thuộc, ngày đêm bơi theo bè.
Ban đêm, có những đốm lân tinh trên biển thi nhau lấp lánh cùng các vì sao trên vòm trời sẫm của miền nhiệt đới. Loài phù du này giống như những mẩu than tròn đang cháy, làm cho chúng tôi phải co ngay chân lại, mỗi khi chúng đổ đến quanh chân. Bắt lên xem chúng chỉ là một loài tôm nhỏ phát sáng. Nhiều lần, có những đêm chúng tôi giật nảy mình vì đột nhiên trên biển lặng ngay cạnh bè, hiện ra những cặp mắt tròn, sáng, không một cử động, chiếu thẳng về chúng tôi như muốn thôi miên. Những vị khách này thường là những con bạch tuộc khổng lồ bơi lên mặt nước, với cặp mắt ác hiểm như ma quỉ lấp lánh trong bóng đêm như lân tinh. Nhưng cũng có khi lại là những cặp mắt của giống cá sống sâu dưới đáy biển, chỉ bơi lên ban đêm và bị thu hút bởi ánh sáng ngọn đèn của chúng tôi.
Có nhiều lần, khi bể lặng, đột nhiên giữa làn nước tối đen nổi lên những cái đầu tròn có đường kính từ sáu mươi đến chín mươi cen-ti-mét, không động đậy, nhìn chúng tôi bằng những cặp mắt rực lửa. Có những đêm còn thấy những hình cầu sáng lấp lánh cũng to như thế trông thấy rất rõ ở dưới nước phát ra rất đều đặn những tia sáng như một bóng đèn điện mà ta cứ lần lượt tắt rồi lại bật. Chúng tôi đã dần dần quen với sự xuất hiện của các loài động vật chuyên sống ở những độ sâu của biển, tuy thế nhiều khi chúng tôi cũng bị sửng sốt, mỗi khi một loại động vật mới xuất hiện.
Vào một đêm trời đầy mây, lúc đó vào hai giờ sáng, người lái không thể nào nhận ra đâu là biển, đâu là trời, chợt anh ta nhận thấy ánh sáng lờ mờ ở dưới nước, dần dần xuất hiện một con vật rất to. Khó có thể nói đó là con phù du tự phát ra ánh sáng hay chính con vật đó có lớp da phủ lân tinh lấp lánh trong làn nước tối đen tạo nên những đường viền mờ ảo, chập chờn xung quanh con vật ma quỉ đó. Trông nó lúc hình tròn, lúc hình bầu dục hay tam giác, rồi nó lại như phân ra hai phần riêng rẽ lượn đi lượn lại dưới chiếc bè. Cuối cùng chúng tôi nhận thấy ba con quái đang bơi lượn tròn ở phía dưới chúng tôi. Chúng thực sự là loài ma quái, chỉ riêng phần thân mình nó mà nhìn thấy được cũng đã dài từ sáu đến tám mét. Chúng tôi vội vã tập trung ở trên bè theo dõi chúng đang bơi lượn như nhảy múa một cách kỳ dị suốt hàng giờ liền. Chúng bí ẩn và yên lặng ở cách mặt nước một cự lúc này không đổi và thường ở về mạn phải nơi có cây đèn cáo. Cũng có lúc chúng ở dưới bè hoặc lượn sang mạn trái. ánh sáng lấp lánh ở trên lưng cho thấy tầm vóc chúng còn lớn hơn cá voi nhưng lại không phải là cá voi vì không thấy chúng nổi hẳn lên để hít thở. Phải chăng đó là loài cá đuối khổng lồ mà hình dạng thay đổi khi chúng lượn sang bên? Chúng tôi cầm cây đèn ngang mặt nước để thu hút chúng đồng thời để xem xem là loài động vật gì, chúng cũng không có vẻ gì là hoảng sợ. Trời vừa rạng sáng, chúng đã lặn xuống sâu như những loài ma quỉ thực sự.
Trong khi chúng tôi chưa tìm ra được giải thích thỏa đáng về sự xuất hiện ban đêm của ba con quái vật óng ánh này thì hơn một ngày sau, vào giữa trưa, chúng tôi lại có một cuộc viếng thăm khác. Đó là ngày hai mươi bốn tháng năm, chúng tôi đang đi trên mặt biển, sóng gợn hiền hòa ở khoảng 95 độ kinh tây và 7 vĩ độ nam. Sáng sớm hôm ấy chúng tôi vừa câu được hai con cá hồng lớn, làm cá xong chúng tôi vứt các thứ thừa xuống biển. Tôi ra phía trước bè, lấy dây buộc để thả mình xuống nước tắm cho thoải mái, mắt luôn luôn theo dõi mọi phía. Qua làn nước trong veo, tôi bỗng trông thấy một con cá lớn màu nâu dài khoảng hai mét đang tiến về phía tôi. Tôi nhảy vội lên bè, ngồi dưới ánh nắng, nhìn con cá đang lặng lẽ bơi qua, bỗng nhiên nghe thấy tiếng kêu thất thanh của Nút ở phía sau bè, đằng sau chiếc ca-bin, làm cho tôi giật thót mình. Tiếng Nút la lên lạc cả giọng:
– Cá mập! Cá mập!
Chúng tôi đã quá quen thuộc với loài cá mập, gặp hàng ngày, nhưng khi nghe tiếng kêu của Nút, chúng tôi biết ngay có sự gì lạ lắm, vội vàng cùng chạy đến giúp đỡ Nút. Anh bạn chúng tôi đang ngồi xổm trên thành bè để giặt quần. Chợt ngước mắt lên anh nhìn thấy trước mặt một con vật đầu to và xấu xí mà chưa một ai nhìn thấy bao giờ. Đầu con quái vật này to và xấu một cách khủng khiếp, không gì bằng. Đầu quái vật to ngang và dẹt như đầu con ếch với cặp mắt ở hai bên, bộ hàm như của con cóc rộng đến một mét rưỡi, ở mép có những tua dài. Thân hình rất lớn làm cho nó dài thêm ra với chiếc đuôi dài và nhọn cùng với vây đuôi mỏng, dựng đứng lên, chứng tỏ nó không thuộc về một loài cá voi nào. Ở dưới nước, màu da nó hơi nâu nâu mặc dù có những chấm trắng nhỏ đầy mình. Con quái vật bơi từ từ lại gần phía sau bè chúng tôi. Mặt nó nhăn nhó như con chó bun-đô, đuôi ngoe nguẩy ở trên không, chiếc vây lưng tròn to nhô khỏi mặt nước và đôi khi cả vây đuôi nữa. Khi con vật đi vào lõm sóng, xung quanh tấm lưng rộng của nó nước sủi lên như khi va phải đá ngầm dưới biển. Một bầy cá pi-lốt vằn bơi theo hình rẻ quạt trước chiếc mõm dị thường của nó. Trên thân mình đồ sộ của nó bám đầy những con cá ngạnh lớn và các loài ký sinh cùng theo nó vượt qua sóng biển, trông như cả một bộ sưu tập động vật bao quanh một phiến đá nổi. Một con cá hồng nặng mười cân được móc vào sáu chiếc lưỡi câu to nhất treo ở phía sau bè để làm mồi dử cá mập làm cho đám cá pi-lốt lao tới, nhưng chúng không động đến, lại vội vã quay trở lại với vị vua của biển cả.
Như một cái máy tự động, nó khởi động bộ máy, với dáng điệu bình tĩnh lướt tới miếng mồi. Với chiếc mõm của nó, miếng mồi trông thật nhỏ bé thảm hại. Chúng tôi cố giật con cá lại, nó vẫn chậm rãi bám theo sát ngay thành bè. Miếng mồi có lúc đã chạm vào mõm nhưng nó không buồn há miệng ra đớp như có ý chê miếng mồi quá nhỏ chẳng bõ dính răng. Bơi đến sát bè, nó cọ mình vào cây chèo lái mà người cầm lái vừa nhấc khỏi mặt nước, và lúc này chúng tôi được thỏa mãn nghiên cứu con vật ở rất gần. Quái vật đó là con “cá mập-voi”, loại cá mập lớn nhất mà hiện nay ta biết. Loài cá này vô cùng hiếm, người ta chỉ thấy một số con sống rải rác ở vùng biển nhiệt đới. Những con lớn có thể dài tới hai mươi mét. Người ta đã dùng những ngọn lao có ngạnh bắt được một con cá con, vừa mới sinh mà buồng gan của nó đã cân nặng tới ba trăm ki-lô-gam, cùng ba nghìn chiếc răng ở chiếc mõm rộng lớn của nó. Tầm vóc của con này lớn đến nỗi khi nó bơi vòng quanh và ở dưới chiếc bè, đầu nó nhô lên ở phía này bè thì đuôi nó ở phía kia.
Trông nó thô lỗ, uể oải và đần độn không thể tưởng tượng được, làm chúng tôi không thể nào nhịn được cười mặc dù chúng tôi biết rằng, nếu tấn công chúng tôi, thì đuôi của nó cũng thừa đủ sức mạnh để đập nát chiếc bè và dây thừng ra từng mảnh nhỏ. Nó đang bơi lượn thành những vòng tròn nhỏ dần ở dưới chiếc bè, chúng tôi không thể làm gì hơn là chờ đón những biến cố xảy ra. Nó ngoan ngoãn bơi qua, rồi lại nổi lên đưa cả cái lưng dài lướt vào tay lái. Tất cả chúng tôi đều sẵn sàng trong tay các cây lao có ngạnh, đuôi lại nối vào một sợi dây dài. Thực ra đối với một con vật to lớn như vậy, các mũi lao đó chẳng khác gì những chiếc que tăm. Không có gì chứng tỏ con “cá mập-voi” này muốn rời chúng tôi. Nó cứ bơi theo sát chiếc bè như một con chó trung thành chạy theo chủ. Không một ai trong chúng tôi nghĩ tới tình huống này. Cả một cuộc hành trình với một con quái vật bơi theo phía sau là điều không thể có được và chúng tôi không bao giờ nghĩ tới.
Thực tế con “cá mập-voi” chỉ chờn vờn quanh chúng tôi khoảng một tiếng đồng hồ mà chúng tôi cảm thấy lâu như cả một ngày đằng đẵng. Đến khi kết thúc, E-rích đã không nén được bực dọc, tay cầm một cái lao dài tám phít giơ cao lên đứng ở đầu bè. Những tiếng la hét của chúng tôi làm anh kích động. E-rích ngả người dồn cả sức lực mạnh như gấu, ném mũi lao cắm sâu vào giữa sọ con quái vật đúng vào lúc nó đang từ từ lướt tới phía anh, đầu nó sát góc bè anh đứng. Phải một, hai giây sau con cá mập khổng lồ này mới biết việc gì đã xảy ra với nó. Thế rồi nhanh như một ánh chớp, con vật hiền lành đần độn đã trở thành một khối thịt bằng thép. Sợi dây nối vào cây lao cắm vào con vật bị nó kéo rít lên. Con vật khổng lồ nhô đầu chồm lên rồi lại chúi xuống biển sâu làm cho nước bốc cao lên giội xuống như một thác nước. Ba người đứng gần E-rích nhất bị ngã chúi vào nhau, hai người bị sợi dây kéo quá mạnh và nhanh làm cho trợt cả da. Sợi dây đó dày và khá chắc vẫn dùng để kéo xuồng, móc chặt ở mép bè, đã nhanh chóng đứt bung ra như một sợi chỉ. Một vài giây sau, chiếc cán lao gãy nổi lên mặt nước cách đó hai trăm mét. Chúng tôi chờ đợi khá lâu để xem xem con quái vật có trở lại ở phía sau như một chiếc tàu ngầm hung hãn, nhưng không bao giờ thấy nó trở lại nữa. Khi đó, chúng tôi đang ở trong hải lưu Nam xích đạo, đi về hướng tây, cách phía nam dãy Ga-la-pa-gốt một trăm hải lý.
Đi trên dòng đối lưu của dãy đảo này không có gì đáng ngại. Chúng tôi gặp một vài con rùa bể lớn chắc là chúng đang bị lạc khi bơi ra khỏi dãy Ga-la-pa-gốt. Một hôm, chúng tôi bắt gặp một con rất lớn đang giãy giụa trên mặt nước. Đầu và một trong những vây của nó nhô lên, khi một cơn sóng nhồi tới, chúng tôi trông thấy những ánh lóng lánh màu xanh và vàng ở phía bụng con vật đó. Chúng tôi phát hiện nó đang lao vào một cuộc chiến đấu ác liệt chống lại những con cá hồng. Cuộc chiến đấu chỉ do một bên tiến hành. Chừng mười hai hoặc mười lăm con cá hồng, đầu to óng ánh sặc sỡ đang bu vào cắn cổ và vây con rùa để làm cho nó kiệt sức dần, vì con rùa không thể nào cứ thụt đầu và co chân mãi ở trong mai được. Trông thấy chiếc bè, con rùa lao thẳng về phía chúng tôi, theo sau là những con cá hồng lấp lánh. Vừa định leo lên bè, con rùa trông thấy chúng tôi.
Nếu có kinh nghiệm chúng tôi có thể dễ dàng bắt được khi mà chiếc mai to lớn của nó đang bình tĩnh bơi theo dọc chiếc bè. Nhưng vì còn mải nhìn nên khi mang được dây thòng lọng tới, con rùa khổng lồ đã đi qua mũi bè. Chúng tôi vội thả ngay chiếc xuồng cao su xuống nước và Héc-man, Ben cùng Toóc-xten vội vã đuổi theo bằng chiếc xuồng không to gì hơn con rùa đang bơi ở phía trước. Là đầu bếp, Ben đã hình dung ra những món thịt rùa hầm và xúp rùa đầy hấp dẫn.
Họ càng ra sức chèo, con rùa bơi càng nhanh ngay ở dưới mặt nước và cách bè khoảng một trăm mét thì con rùa đã biến mất tăm hơi. Dù sao họ cũng đã làm được một việc tốt vì chiếc xuồng bằng cao su màu vàng quay lại đã kéo theo cả một bầy cá hồng lấp lánh sau nó. Lũ cá này bâu quanh chiếc xuồng mà chúng tưởng là con rùa khác. Có con hung hăng cắn vào cả chèo lái ở dưới nước trông như vây con rùa, trong khi con rùa thực đã thoát khỏi sự hành hạ khốn khổ của lũ cá hồng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.