Hải Trình Kon-Tiki​

CHƯƠNG 6 – XUYÊN QUA THÁI BÌNH DƯƠNG



Ngắm nhìn bầu khung cảnh bao quanh chiếc bè đơn độc, chúng tôi có thể hình dung trong tưởng tượng là xưa kia cả một đoàn các bè mảng tương tự đã mất hút ở chân trời. Các bè mảng này đã tỏa ra như các nan của cái quạt để hy vọng tìm thấy một vùng đất mới, khi những con người đầu tiên vượt đại dương. Người Anh-ca, Tu-pác Y-u-păng-ki, người đã đô hộ đồng thời cả hai nước Pê-ru và E-cu-a-đo đã ra đi với một đoàn bè mảng bằng gỗ ban xa cùng với hàng nghìn người, trước khi người Tây Ban Nha đến đây. Công Ti-ki và đoàn tùy tùng của mình chắc chắn đã ra đi trong những điều kiện tương tự hàng trăm năm trước đó nhưng có điều khác là, sau khi đã khám phá ra quần đảo Pô-li-nê-di, ông cùng các tùy tùng không cần tổ chức một cuộc vượt biển để trở lại quê hương.
Trở về bè, chúng tôi lại quây quần quanh ngọn đèn dầu để cùng nhau nói về những người đi biển ở Pê-ru mà một nghìn năm trăm năm trước đây họ đã làm một chuyến đi thử nghiệm, như chúng tôi. Ánh đèn dầu hắt lên cánh buồm hình những người rậm râu to lớn làm cho chúng tôi nghĩ đến những người da trắng có râu mà nền kiến trúc cũng như huyền thoại đã dẫn dắt chúng tôi đi từ Mê-hi-cô qua Trung Mỹ và các miền tây bắc Nam Mỹ để đến Pê-ru. Ở đó, nền văn minh huy hoàng đã mất đi như một diễn biến lạ lùng trước kia người Anh-ca tới đây để rồi lại xuất hiện đột ngột như vậy trên các hòn đảo lẻ loi mà hiện nay chúng tôi đang tiến gần đến đó. Liệu những người thầy lang thang đó có phải thuộc giống người văn minh ở phía bên kia Đại Tây Dương, mà từ thời xa xưa, đã đến đây cũng bằng những phương tiện đơn giản như trên, nhờ những dòng hải lưu và gió thổi từ đông bắc xuống tây nam, đã đưa họ từ quần đảo Ca-na-ri đến vịnh Mê-hi-cô? Nói cho cùng, đoạn đường này ngắn hơn nhiều so với đoạn đường mà chúng tôi đi, và chúng tôi không còn coi đại dương là một trở ngại không thể nào vượt qua được. Với những lập luận mạnh mẽ nhiều nhà bác học đã bảo vệ ý kiến cho rằng nền văn minh lớn của người Anh-điêng từ những dân A-dơ-téc ở Mê-hi-cô đến dân Anh-ca ở Pê-ru, được nảy sinh là do những thúc đẩy, phát huy đột ngột từ phương đông tới, vượt qua biển cả; trái lại những dân da đỏ ở châu Mỹ, nói chung là thuộc các dòng giống người châu Phi làm nghề săn bắn và chài lưới, đã từ Xi-bê-ri đến châu Mỹ, trong khoảng thời gian hai vạn năm hay hơn nữa.
Thật lạ là không có dấu vết nào chứng tỏ có sự tiến triển dần dần của những nền văn minh cao ở một thời kỳ nào đó trước đây, từ Mê-hi-cô đến Pê-ru. Các nhà khảo cổ càng đào sâu dưới đất để khảo sát, thì thấy di tích chứng tỏ nền văn minh càng cao và đến một điểm xác định là nền văn minh đó có vẻ đã xuất phát từ những bộ lạc cổ xưa, nhưng không có cơ sở. Và những nền văn minh cao đó đã xuất hiện ở những nơi mà hải lưu của Đại Tây Dương chảy đến đó, tại những vùng sa mạc và vùng cỏ gianh của Trung và Nam Mỹ, mà đáng lẽ ra nền văn minh đó phải nảy nở ở những vùng ôn đới, mà ở đó, xưa kia cũng như hiện nay, đều rất thuận lợi cho nền văn minh đó phát triển. Tại các hòn đảo ở Thái Bình Dương, ta cũng nhận thấy sự kiện đó. Đảo gần nhất Pê-ru là đảo Pa-cơ hãy còn những vết tích sâu đậm nhất của nền văn minh, mặc dù ở đây đất đai nhỏ bé, khô cằn nhất và đảo này ở xa châu Phi nhất trong các đảo ở Pô-li-nê-di. Hòn đảo tiếng tăm này ở khoảng giữa đoạn đường đi của chúng tôi. Để xuống bè ra khơi, chúng tôi đã chọn một vị trí ở khoảng giữa của bờ biển Pê-ru mà từ đó những bè mảng trước kia đã xuất phát. Giả sử nếu chúng tôi rời đất liền quay về phía nam, gần dấu vết của thị trấn xưa kia của Công Ti-ki, Ti-a-huy-a-na-cô, thì có thể chúng tôi cũng có những hướng gió thổi như vậy nhưng với dòng hải lưu yếu hơn và dòng hải lưu này có thể đưa chúng tôi theo hướng đến đảo Pa-cơ.
Sau khi đi qua 110 kinh độ tây, chúng tôi đã đến vùng biển của Pô-li-nê-di, thậm chí hòn đảo Pa-cơ đã ở gần chúng tôi hơn là Pê-ru. Nơi đây là địa cầu của những hòn đảo tiền tiêu Thái Bình Dương, trung tâm của một nền văn hóa cổ nhất của vùng đảo này. Khi ánh nắng chiều đã tắt, mặt trời đã khuất hẳn về phía tây, phía sau biển chỉ còn lại một vầng sắc huyền ảo, ngọn gió tây hiu hiu thổi như làm sống lại những truyền thuyết về hòn đảo Pa-cơ huyền bí. Trong khi màn đêm buông xuống như xóa mất ý niệm về thời gian thì những bóng đầu bờm xờm to lớn của chúng tôi lại in hình lên cánh buồm. Và ở ngay phía nam kia, trên hòn đảo Pa-cơ có những chiếc đầu khổng lồ hơn, gọt đẽo trên đá với những chòm râu nhọn mang đường nét người da trắng như đang suy ngẫm về một điều bí ẩn từ hàng thế kỷ nay.
Năm 1722, những người châu Âu đầu tiên tìm ra hòn đảo này đã thấy những bức tượng khổng lồ và nó đã có từ lâu trước đó hai mươi hai thế hệ người dân Pô-li-nê-di; thời kỳ mà những tổ tiên của thổ dân hiện nay, từ những con thuyền độc bản, đổ bộ lên đảo và tiêu diệt tất cả những người lớn trong số dân rất văn minh đang sống ở đây. Những chiếc đầu khổng lồ còn là những biểu tượng đầu tiên của những điều huyền bí không sao giải thích được của quá khứ. Trên những triền dốc của hòn đảo trơ trụi, đây đó, những hình dáng to lớn của những pho tượng khổng lồ, sừng sững giữa trời, được gọt đẽo công phu khéo léo vào những phiến đá nguyên khối, cao như ngôi nhà ba, bốn tầng. Vậy bằng cách nào những con người ở thời kỳ xa xưa lại có thể đẽo gọt, vận chuyển và dựng lên được những pho tượng to lớn, nặng nề như thế? Cho dù vấn đề lúc đó chưa phải có quy mô khá lớn, họ đã thành công trong việc đặt rất thăng bằng, thay cho mũ lên mỗi chỏm đầu của phiến đá màu đỏ trông như bộ tóc cách mặt đất mười hai mét. Tất cả những cái đó có ý nghĩa như thế nào và những kiến thức cơ học nào đã làm cho những nhà kiến trúc cổ xưa đó có thể nắm được các tính toán khá hóc búa đối với các kỹ sư giỏi nhất ngày nay. Nếu ta tập hợp lại mọi thứ vụn vặt, thì bí mật của đảo Pa-cơ có thể không phải là điều mà ta không giải đáp được, với điều kiện là nghiên cứu toàn bộ cái nền, tức là với cả những người đã dùng bè từ Pê-ru tới. Nền văn hóa cổ đại đã để lại trên hòn đảo này những dấu vết mà thời gian không thể hủy hoại.
Đảo Pa-cơ là đỉnh một núi lửa đã tắt. Những con đường lát đá do những người dân cổ xưa xây dựng, dẫn đến những bến còn nguyên vẹn, chứng tỏ mực nước quanh hòn đảo từ xưa đến nay không thay đổi. Không có một dấu vết gì của một lục địa bị chìm đắm, chỉ là một hòn đảo hoang nhỏ bé và cách biệt như ở thời kỳ nó còn là trung tâm của nền văn hóa Pô-li-nê-di. Ở giữa hòn đảo hình chóp nón là miệng ngọn núi lửa đã tắt và chính ở trong miệng núi lửa này là nơi khai thác và xưởng làm việc kỳ lạ của những thợ điêu khắc. Tất cả đều còn nguyên vẹn như đã cách đây hàng trăm năm nay, mà những nghệ nhân và nhà kiến trúc cổ xưa đã bỏ lại, khi họ vội vàng trốn chạy đến mỏm phía đông của hòn đảo, nơi mà theo tục lệ những người lớn đều bị những kẻ mới đến tiêu diệt.
Đúng là họ đã phải bỏ đi trong khi đang làm việc bình thường trong ngày. Những chiếc rìu để gọt đẽo bằng đá cứng như đá lửa, còn vương vãi ở nơi làm việc, chứng minh rằng họ chưa biết dùng đến sắt thép. Cũng như các thợ điêu khắc ở thời kỳ Công Ti-ki khi bị đuổi khỏi Pê-ru, họ cũng đã để lại trên thung lũng Ang-đơ những pho tượng khổng lồ. Ở hai địa điểm cách xa nhau như vậy, người ta thấy một xưởng làm việc thiên nhiên, mà ở đó những người da trắng có râu, theo truyền thuyết, đục đẽo vách núi bằng những chiếc rìu bằng đá rất cứng, lấy ra những khối đá lớn dài từ ba mươi đến bốn mươi pi-ê. Và cũng ở hai địa điểm này, những khối đá khổng lồ cân nặng hàng tấn được chuyên chở đi hàng ki-lô-mét trên những địa hình gập ghềnh và đặt thẳng đứng những tượng mặt người khổng lồ hoặc chồng những khối đá lớn đó lên nhau làm thành những mặt nền hay những bức tường và mặt phẳng đầy bí ẩn. Khá nhiều tượng đá lớn, làm dở dang hãy còn vương vãi ở nơi họ bắt đầu làm trong những hang đào dọc theo vách miệng núi lửa ở đảo Pa-cơ, làm cho chúng tôi hiểu thêm những giai đoạn khác nhau công việc họ làm. Một tượng to nhất, dài hai mươi hai mét, sắp hoàn thành, thì những người làm ra nó đã phải trốn đi. Nếu pho tượng này làm xong, được dựng lên, thì đầu của nó ở độ cao bằng ngôi nhà tám tầng. Mỗi bức tượng đều được gọt đẽo vào nguyên một khối đá. Những hốc ở xung quanh pho tượng đặt nằm, dùng cho người thợ đá làm việc, chứng tỏ mỗi pho tượng không phải do nhiều người làm cùng một lúc. Tượng được đặt nằm dài, cánh tay gập và hai bàn tay đặt lên ngực, hoàn toàn giống những tượng khổng lồ bằng đá ở Pê-ru; các bức tượng ở đảo Pa-cơ khi hoàn thành kể cả các chi tiết nhỏ được đưa ra khỏi xưởng để chở đến nơi đặt tượng.
Ở trong lòng miệng núi lửa, vào giai đoạn cuối cùng của công việc, bức tượng chỉ còn gắn vào núi bằng một mép nhỏ, người ta dùng rìu bạt mép đó đi sau khi đã chèn chống bằng những viên đá cuội. Đa số các bức tượng đều được đục đẽo cho đến tận đáy miệng núi lửa và dựng đứng theo triền vách. Một số những pho lớn hơn được kéo lên bờ miệng núi, được đẩy ra phía ngoài và chuyên chở đi hàng dặm đường qua những địa hình quanh co, và đem dựng lên trên một bệ bằng đá sau khi đã đội lên pho tượng một khối nham thạch đỏ. Vận chuyển thế nào còn là điều bí ẩn, nhưng người ta không thể không xác nhận việc đó đã xảy ra.
Những nhà kiến trúc cổ xưa của Pê-ru cũng đã để lại ở dãy núi Ang-đơ những pho tượng khổng lồ cùng kích thước như vậy, chứng tỏ sự thông thạo tuyệt đối của họ về nghệ thuật. Mặc dù ở đảo Pa-cơ, các khối tượng đá to và nhiều hơn, và các nhà điêu khắc đã thể hiện một phong cách riêng, chính cũng vẫn là nền văn hóa đã mất đi ấy đã dựng lên những pho tượng người khổng lồ tương tự, trên nhiều hòn đảo khác ở Thái Bình Dương gần châu Mỹ và ở mọi nơi có khối tượng đá đều được chở từ các mỏ đá xa xôi đến địa điểm của ngôi đền.
Ở đảo Mác-ki-dơ, tôi đã được nghe kể lại những truyền thuyết về cách chuyên chở những khối đá khổng lồ, nó đúng như những câu chuyện mà dân địa phương kể về việc vận chuyển những cột bằng đá đem đến tận cửa lớn chính của ngôi đền ở Tông-ga-ta-bu: như vậy người ta có thể khẳng định vẫn dân tộc đó đã cùng sử dụng một phương pháp trong việc vận chuyển những pho tượng khổng lồ ở đảo Pa-cơ. Công việc chạm đục của thợ điêu khắc đòi hỏi rất nhiều thời gian và chỉ cần một vài người có tay nghề. Việc chuyên chở làm khá mạnh, nhưng cần rất nhiều sức lao động. Đảo Pa-cơ rất nhiều cá, đất đai trên đảo đều được cày cấy, cùng với những khu vực rộng lớn trồng khoai lang giống của Pê-ru. Vào những ngày thu hoạch, người ta tính có thể đủ nuôi sống số dân cư từ bảy đến tám nghìn người. Phải có khoảng một nghìn người mới kéo nổi pho tượng khổng lồ ra khỏi miệng núi lửa và năm trăm người để kéo đến nơi xa hơn ở đảo. Những sợi dây bện không mòn được làm bằng sợi ra-phi-a và những sợi của cây tết lại với nhau. Bằng những bệ gỗ, rất đông người kéo những pho tượng khổng lồ lăn trên những cây gỗ tròn và những phiến đá cuội đã được bào nhẵn bằng rễ cây liên vu. Đây là một việc có thực được xác nhận vì những dân tộc văn minh của những đảo ở Thái Bình Dương đều rất giỏi trong nghệ thuật tết các dây thừng và dây bện.
Ở Pê-ru còn hơn thế vì những người Âu đầu tiên đã thấy những cầu treo dài hàng trăm mét vắt qua những thác nước, khe vực, làm bằng những dây bện dày to bằng khổ một người bình thường. Khi pho tượng khổng lồ đưa đến nơi đã được chọn, và việc dựng tượng đứng lên là một khó khăn mới xuất hiện. Họ đã tạo một mặt phẳng nghiêng tạm thời bằng đá và cát, và đẩy chân pho tượng lên trước trên mặt bằng. Một khi pho tượng được đẩy lên tới đỉnh, nó sẽ tự trôi xuống dưới, chân của pho tượng rơi ngay vào một cái hố đã được đào sẵn. Khi còn ở trên mặt bằng, ngay sát đầu pho tượng đã đặt một trục bằng đá, họ dựng pho tượng lên bằng cách lăn trục đá theo độ dốc của mặt phẳng. Một số nơi ở trên đảo còn lại những mặt phẳng này để đợi những pho tượng chẳng bao giờ đến nữa. Kỹ thuật đáng khâm phục mà chẳng có gì là bí hiểm cả, nếu như người ta không đánh giá thấp sự thông minh của những người xưa cũng như tất cả thời gian và lao động mà họ đã bỏ ra. Vậy tại sao người ta lại tạc những pho tượng đó? Và tại sao lại phải đi đến nơi khác xa hàng dặm đường để kiếm loại đá có màu đỏ đặc biệt, đặt lên đầu các pho tượng? Ở Nam Mỹ và ở những đảo Mác-ki-dơ, pho tượng hoàn toàn bằng đá đỏ, phải đi khá xa mới thấy. Ở Pê-ru cũng như ở Pô-li-nê-di, vật đội lên đầu màu đỏ là dấu hiệu phân biệt mà những nhân vật cao cấp rất quan tâm. Trước hết, chúng ta tìm hiểu những pho tượng đó là ai? Từ khi những người Âu đổ bộ lên đảo, họ trông thấy trên bờ biển và lấy làm kỳ lạ trong số dân ở đây có những “người da trắng” huyền bí với chòm râu dài óng ả, họ là dòng dõi của những đàn bà và trẻ em của giống người đầu tiên đã bị lưu lạc tới đây và không bị tàn sát. Những thổ dân ở đây cũng cho biết rằng một số ít tổ tiên của họ cũng là người da trắng, còn những người khác da nâu. Họ nhẩm tính rằng những tổ tiên đó đã di cư đến Pô-li-nê-di trước đây hai mươi hai thế hệ và những người đầu tiên đã từ phía đông đến trên những con thuyền lớn cũng đã hai mươi bảy thế hệ (nghĩa là từ bốn đến năm trăm năm sau công nguyên). Giống người đến từ phía đông được gọi là những dân “tai dài” vì họ làm tai dài ra bằng cách đeo vào tai những mảnh nặng để kéo tai dài đến tận vai. Chính những người “tai dài” này đã bị giống người “tai ngắn” kéo đến đảo này tàn sát, và tất cả những pho tượng bằng đá đều có những tai dài chạm vai giống tai những người tạc tượng.
Thế nhưng truyền thuyết của người Anh-ca ở Pê-ru lại cho rằng vua Mặt trời Công Ti-ki đã thống trị những người da trắng mà người Anh-ca gọi là những “tai dài” vì họ đã kéo tai dài đến tận vai. Người Anh-ca còn nhấn mạnh rằng chính những người “tai to” của vua Mặt trời đã dựng lên những pho tượng khổng lồ còn bỏ lại ở dãy ng-đơ, trước khi họ bị tiêu diệt hoặc bỏ chạy sau cuộc chiến đấu ở hồ Ti-ti-ca-ca. Tóm lại: những người “tai dài” da trắng của Công Ti-ki đã biến khỏi Pê-ru mang theo những kinh nghiệm phong phú trong nghệ thuật điêu khắc những pho tượng khổng lồ bằng đá. Định cư tại đảo Pa-cơ, họ tiếp tục nghệ thuật và nhanh chóng nâng lên sự hoàn mỹ. Vì vậy trên hòn đảo nhỏ này không còn dấu vết chứng tỏ có sự tiến triển dẫn đến những tác phẩm tuyệt diệu.
Những pho tượng khổng lồ bằng đá ở Pê-ru cũng như ở một số đảo ở Thái Bình Dương mang dáng dấp vô cùng giống nhau và ngay cả những khối tượng đá ở những đảo khác cũng vậy. ở những hòn đảo Mác-ki-dơ và Ta-hi-ti, những pho tượng đều tượng trưng tổ tiên được tôn sùng trong lịch sử của đảo, và sau khi họ mất đi đều hóa thần. Có thể ở đây tìm được lời giải thích về vật kỳ lạ màu đỏ đặt lên đầu. Như chúng tôi đã nói, trên tất cả hòn đảo ở Pô-li-nê-di, sống rải rác những người da trắng, tóc hung, có khi là cả một gia đình, theo như thổ dân ở đảo, họ đích thực là dòng dõi dân tộc da trắng đầu tiên ở những đảo này. Một số nơi, người ta tổ chức các ngày hội tôn giáo, những người tham gia đều phải bôi da thành màu trắng, nhuộm tóc đỏ để cho giống những tổ tiên của họ. Vào những ngày lễ hàng năm ở đảo Pa-cơ, người chủ lễ còn phải gọt đầu và quét sơn đỏ lên. Còn chiếc mũ chỏm bằng đá đỏ ở những pho tượng đồ sộ của đảo này mang hình dáng như những chiếc mũ của địa phương, với một nắm tròn ở phía trên làm ta liên tưởng đến búi tóc cổ truyền của đàn ông. Đến ngay những pho tượng đều mang những chiếc tai dài, vì người chạm khắc nó cũng có những tai như vậy, mớ tóc dài màu đỏ vì người chạm khắc cũng có tóc hung, chiếc cằm nhọn chìa ra phía trước vì người chạm khắc có râu. Các pho tượng có những nét đặc trưng của giống người da trắng, chiếc mũi thẳng và thanh, đôi môi rõ nét vì người điêu khắc không phải thuộc giống người Ma-lai-xi-a và nếu như pho tượng có chiếc đầu to, đôi chân nhỏ bé, hai bàn tay để chéo trên bụng, cái đó là do người ta có thói quen biểu hiện như vậy ở Pê-ru. Ở đảo Pa-cơ, vật trang trí duy nhất là chiếc thắt lưng trạm trổ, mang tính tượng trưng, mà ta thấy ở mọi pho tượng trong các di tích xa xưa về Công Ti-ki bên hồ Ti-ti-ca-ca. Đó là biểu tượng thần Mặt trời, là dây đai của cầu vồng. Theo truyền thuyết quen thuộc ở đảo Măng-ga-rê-va, thần Mặt trời đã dùng chiếc dây lưng thần kỳ tức cầu vồng, để từ trên trời đi xuống đảo Măng-ga-rê-va và cho xuống ở đó những đứa trẻ màu da trắng. Như vậy, Mặt trời là thủy tổ của Pô-li-nê-di cũng như của Pê-ru.
Dưới bầu trời đầy sao, ngồi trên sàn bè, chúng tôi hào hứng kể lại cho nhau nghe những chuyện lạ của đảo Pa-cơ cho dù bè của chúng tôi đang ở giữa vùng Pô-li-nê-di, chúng tôi chỉ có thể nhìn thấy đảo này trên hải đồ. Tuy nhiên đảo này còn có nhiều vết tích của miền đông đến nỗi chỉ tên gọi thôi cũng có thể cho ta điều chỉ dẫn. Đọc trên hải đồ tên “Đảo Pa-cơ” chính là do những người Hà Lan tình cờ đã phát hiện đảo này vào ngày chủ nhật Phục sinh. Tiếp đó, chúng tôi đã quên rằng những thổ dân, sinh sống ở đó, đã gọi xứ sở của họ bằng những tên bổ ích và gợi cảm. Với một đứa trẻ yêu, họ đặt cho nó rất nhiều tên, cũng vậy, hòn đảo nào ít nhất cũng có ba tên gọi bằng tiếng Pô-li-nê-di. Một trong những tên gọi là Tê Pi-tô-tê Hê-nu-a, có nghĩa là “rốn của các đảo”. Ẩn ý của tên gọi đã chỉ rõ hòn đảo này chiếm một vị trí đặc biệt đối với những hòn đảo khác ở quá về phía tây. Người dân Pô-li-nê-di cho đó là tên gọi cũ nhất. Trên bờ biển phía đông gần nơi diễn ra cuộc đổ bộ truyền thống lên đảo của những người “tai dài” đầu tiên, một phiến đá hình cầu được đục, đẽo công phu được gọi là “Rốn vàng” và được coi như rốn của chính hòn đảo.
Những ai biết được tính thích thơ ca của dân Pô-li-nê-di đều hiểu tên gọi đó liên quan đến việc tìm ra đảo này, nó mang ý nghĩa như một sự ra đời. Đảo Pa-cơ là biểu tượng của sự ra đời các hòn đảo, đồng thời cũng là biểu tượng của mỗi liên hệ với nơi mẫu quốc. Tên gọi thứ hai là Ra-pa Nui, có nghĩa là “Ra-pa lớn” trong khi Ra-pa I-ti hoặc “Ra-pa nhỏ” là tên một hòn đảo khác, cùng lớn như nhau, cách đảo Pa-cơ rất xa về phía tây. Những người dân đảo ở đây có thói quen gọi nơi đất tổ thứ nhất là “Ra-pa lớn”, nơi tiếp theo là “Ra-pa mới” hoặc “Ra-pa nhỏ”, tuy rằng hai nơi này đều có tầm quan trọng như nhau. Theo truyền thuyết những thổ dân ở “Ra-pa nhỏ” đều từ “Ra-pa lớn” đảo Pa-cơ đến, là hòn đảo gần châu Mỹ nhất, điều đó chỉ rõ một cuộc di dân từ phương đông đến. Tên gọi thứ ba là Na-ta Ki-tô Ra-ni có nghĩa là “Con mắt nhìn trời”. Thoạt nhìn người ta còn phân vân, vì đảo Pa-cơ tương đối thấp. Khoảng trời nhìn thấy không được rộng như các đảo khác có những núi cao như Ta-hi-ti, dãy đảo Mác-ki-dơ hoặc Ha-oai. Nhưng chữ Ra-ni, nghĩa là Trời, đối với dân Pô-li-nê-di có hai ý nghĩa. Ra-ni còn có nghĩa là nơi chôn rau cắt rốn của tổ tiên, mảnh đất thiêng liêng của thần Mặt trời, vương quốc đầy núi non mà Ti-ki đã phải rời bỏ. Họ gọi hòn đảo Pa-cơ như vậy thật đầy ý nghĩa, thực sự, là tiền tiêu của hàng ngàn hòn đảo ở Thái Bình Dương. Và rõ ràng hơn nữa, một tên gọi tương tự như Pa-ta Ra-ni nghĩa là “Mặt trời” là tên một địa điểm ở bờ biển Pê-ru, phía trước mặt đảo pa-cơ ở dưới chân một thành phố cổ đổ nát của Công Ti-ki trong dãy núi Ang-đơ.
Chỉ riêng hòn đảo Pa-cơ đã đem lại cho chúng tôi khá nhiều vấn đề để trao đổi khi cùng nhau ngồi quây quần trên bè trong một đêm đầy sao, với cảm nghĩ như đã góp phần vào cuộc phiêu lưu thời tiền sử. Chúng tôi tưởng như từ thời đại Công Ti-ki, chúng tôi không làm gì khác ngoài việc đi lênh đênh dưới ánh mặt trời và những vì sao để tìm những vùng đất chưa ai biết. Con vẹt rất hân hoan khi chúng tôi bắt được cá mập lên bè. Nó rời khỏi ca-bin, leo thoăn thoắt dọc theo bức tường; lên mái, tìm một chỗ kín đáo, ít nguy hiểm để xem. Đậu ở đấy, nó hết lắc lắc cái đầu lại nhảy từ đầu mái này sang đầu mái kia, kêu lên vẻ thích thú. Nó đã nhanh chóng trở thành thủy thủ giỏi lúc nào cũng tràn ngập vui nhộn. Chúng tôi coi nó là người thứ bảy trên bè.
Còn con cua Giô-han, một động vật máu lạnh, phải tự coi mình là một nhân vật phụ. Ban đêm con vật chui vào lồng treo ở trần ca-bin, ban ngày nó lang thang trên sàn-bè, đậu trên dây buồm hoặc trên các cột chống, nhào lộn rất yêu đời.
Lúc đầu chúng tôi đặt các miếng néo trên các trụ chống cột buồm, nhưng thấy nó làm mòn dây thừng, chúng tôi thay thế bằng những nút thòng lọng, thông thường. Dưới tác động của gió và ánh sáng mặt trời, những trụ chống bị lỏng lẻo, làm tất cả chúng tôi phải đem hết sức mới giữ được cột buồm. Cột buồm làm bằng gỗ quéo cứng như thép, cọ xát làm đứt khá nhiều dây chằng. Vào những lúc gay go, trong khi chúng tôi đang trần lực ra kéo, níu cột buồm, con vẹt cất lên giọng khàn khàn: “Hò, hò dô hò!” làm cho chúng tôi phải buồn cười và nó cũng cất tiếng, nhảy quay cuồng trên trụ chống.
Lúc đầu, nó là tai họa cho hiệu thính viên vô tuyến điện. Đúng lúc người hiệu thính viên ngồi vào góc làm việc đầy tin tưởng vào thiết bị thông tin, sắp bắt liên lạc với Es-cla-hô-ma thì tai nghe không thấy tín hiệu. Xoay các nút vẫn không có tiếng. Thì ra con vẹt đã dùng mỏ cắn đứt dây ăng-ten. Đó là một trong những trò nghịch ngợm mà nó thích vào những thời kỳ đầu, mà dây trời lại buộc vào một quả bóng thả lên không.
Một hôm, con vẹt ốm nặng. Ở trong lồng, nó ủ rũ không chịu ăn gì suốt bốn mươi tám tiếng đồng hồ. Phân nó toàn những mẩu ăng-ten vàng óng. Các hiệu thính viên ân hận vì đã mắng mỏ nó và con vẹt cũng ân hận về lầm lỡ của mình. Từ ngày hôm đó Toóc-xten, Nút trở thành những người bạn nó ưa thích và nó không ngủ chỗ nào khác, ngoài góc để máy vô tuyến điện.
Từ khi lên bè, con vẹt chỉ nói được tiếng Tây Ban Nha, nhưng Ben cho rằng giờ đây nó nói với âm sắc Na Uy và trước khi nó bắt đầu bắt chước những câu nói hay của Toóc-xten, nó cũng đã nói với giọng Bắc Âu. Vẻ vui nhộn và màu sắc bóng bẩy, sặc sỡ của con vẹt là niềm vui của chúng tôi được hai tháng, thì một hôm, một ngọn sóng lớn từ phía sau đánh tới đã cuốn nó đi mất, trong khi nó đang từ cột buồm xuống. Khi chúng tôi biết người bạn thân mến rơi xuống biển thì đã muộn.
Con vẹt mất đi làm cho chúng tôi buồn nhớ cả tối hôm đó và sự việc tương tự có thể đến với chúng tôi nếu có ai ngã xuống biển vào một đêm trực ca cô quạnh. Chúng tôi tăng cường chặt chẽ hơn những biện pháp an toàn. Khi đến lượt trực đêm, chúng tôi dùng những thừng cấp cứu mới và nhắc nhở lẫn nhau không nên chủ quan cho rằng hai tháng đi qua được an toàn là do mọi thứ đều tốt cả. Một bước không cẩn thận, một hành động thiếu suy nghĩ, có thể dẫn chúng tôi đi theo con vẹt dù là giữa ban ngày.
Nhiều lần, chúng tôi thấy vỏ trứng bạch tuộc nổi lềnh bềnh như trứng chim đà điểu hay như những sọ người nổi lên các lớp sóng màu xanh lơ. Có một lần chúng tôi đã thấy con bạch tuộc xoắn mình ở dưới. Khi thấy những khối tròn, trắng như tuyết đó ở gần bè chúng tôi nghĩ rằng dùng xuồng cao su ra vớt chắc là dễ. Chúng tôi buộc xuồng vào bè để trở lại bè dễ dàng hơn. Nhưng chúng tôi rất ngạc nhiên nhận thấy là sóng và gió đẩy xuồng ra xa chiếc bè Công Ti-ki và cả dây buộc thả xuống nước đã bị kìm rất mạnh, đến nỗi không thể nào có thể trở lại đúng điểm xuất phát được. Khi chúng tôi đến gần vật mà mình định vớt thì dây chằng nổi lên, rời khỏi mặt nước và chiếc bè Công Ti-ki lôi tuột chúng tôi về hướng tây.
“Lỡ chẳng may mà rớt xuống nước thì hết hy vọng”, điều này đã trở thành bài học in sâu dần dần vào óc mỗi người chúng tôi. Con vẹt mất đi, góc để máy vô tuyến điện như trống rỗng hẳn đi. Cho đến sáng hôm sau khi mặt trời chiếu sáng lấp lánh trên Thái Bình Dương, nỗi buồn của chúng tôi phần nào được giảm bớt. Những ngày sau đó, chúng tôi bắt được khá nhiều cá mập và thấy trong bụng những con mập này, ngoài những đầu cá thu và những thứ khác, còn có những mỏ đen và cong như mỏ vẹt. Chỉ sau khi xem kỹ, chúng tôi nhận thấy những chiếc mỏ đó đều là những con bạch tuộc đã tiêu hóa. Từ khi bước chân lên bè, hai người phụ trách máy vô tuyến điện rất vất vả vì nhiều công việc. Ngay từ hôm chiếc bè đi vào luồng Hâm-bon, nước biển đã rỉ vào các hộp pin, làm cho họ phải trét vải vào góc để có thể giữ được máy phần nào trên biển khơi. Vấn đề tiếp theo được đặt ra làm thế nào có thể dựng được dây tời khá dài trên chiếc bè nhỏ bé. Đầu tiên họ đưa dây lên một chiếc diều nhưng một cơn gió đã đánh diều xuống biển. Sau đó họ dùng bóng khinh khí, nhưng ánh nắng mặt trời nhiệt đới đã làm nổ bóng rớt xuống biển. Tiếp theo là sự phá phách do con vẹt gây ra.
Thêm vào đó, chúng tôi đã bơi mất mười lăm ngày trên dòng Hâm-bon trước khi ra khỏi “vùng chết” của dãy Ang-đơ, ở đấy các làn sóng ngắn đều câm không thu, phát được như không khí trong hộp kín. Đột nhiên một đêm làn sóng thông, tín hiệu của Toóc-xten đã được nhận bắt tình cờ do một người chơi vô tuyến nghiệp dư ở Lốt Ang-giơ-lét đang thử bắt liên lạc với một đồng nghiệp khác ở Thụy Điển. Người này muốn biết chúng tôi sử dụng loại máy nào. Được trả lời anh ta lại hỏi tiếp Toóc-xten là ai và đang ở đâu. Được biết Toóc-xten đang ở trong một ca-bin bằng tre lênh đênh trên Thái Bình Dương, lúc này máy bị ngắt quãng mấy lần, cho đến lúc Toóc-xten báo cho biết thêm các chi tiết, sau khi liên lạc lại, anh ta cho biết anh là thợ máy ở một rạp chiếu bóng, tên anh là Han, vợ là An-na, người Thụy Điển chính gốc và vợ anh sẽ báo cho gia đình chúng tôi biết là chúng tôi còn sống và mạnh khoẻ. Thật kỳ lạ, khi nghĩ rằng một người không quen biết tên là Han, thợ máy ở một rạp chiếu bóng, sống lọt thỏm trong thành phố Lốt Ang-giơ-lớt đông như kiến cỏ, lại là người duy nhất trên thế giới, ngoài chúng tôi, biết được chúng tôi đang ở đây và mọi việc đều trôi chảy.
Kể từ đó, đêm nào, Han tức Han-rôn Kem-pen và bạn của anh là Phrăng Kiu-ê-vát cũng thay nhau theo dõi tín hiệu của chiếc bè và Héc-man đã nhận được những điện tín hoan nghênh của Viện khí tượng Mỹ, khen ngợi về những tin tức hàng ngày gửi bằng tín hiệu từ một nơi mà người ta rất ít biết đến và chưa được thống kê.
Sau này, hầu như đêm nào cũng vậy, Nút và Toóc-xten bắt được liên lạc với nhiều người chơi vô tuyến điện nghiệp dư để họ có thể chuyển những kỷ niệm của chúng tôi về Na Uy, qua trung gian một người nào đó ở E-gin Bớc ở Nô-tốt-din. Chỉ mấy ngày trên đại dương mà góc để máy đã có nhiều nước mặn, và máy đã hoàn toàn không chạy được nữa. Nút và Toóc-xten suốt ngày đêm loay hoay với dụng cụ, mỏ hàn để sửa chữa. Các nhà vô tuyến điện nghiệp dư đều cho rằng chúng tôi đã mất tích.
Thế rồi một đêm, tín hiệu LI 2B lại xuất hiện trên không trung, ngay lúc đó, máy phát của chúng tôi bắt đầu lại hoạt động. Lúc này, hàng trăm nhà vô tuyến điện nghiệp dư đang vội vã đáp lại tín hiệu. Vào một đêm, lúc đó hơn một giờ sáng, dưới ánh đèn, Nút loay hoay với chiếc máy vô tuyến điện, bỗng anh kéo mạnh chân tôi báo cho biết rằng anh vừa liên lạc với một người nào đó ở vùng Es-xlô, tên Crít-chi-ăng A-mớt-xân. Thật là một kỷ lục của máy nghiệp dư vì chiếc máy phát sóng ngắn của chúng tôi (13.900 ki-lô chu kỳ một giây) công suất không quá sáu oát, bằng chiếc đèn bỏ túi, đã vượt quá sáu mươi độ vòng quanh trái đất để đến một nơi xa lắc ở Es-xlô, hôm đó là ngày 2 tháng tám. Ngày mai vua Ha-công sẽ làm lễ mừng thọ bảy mươi nhăm tuổi; từ bè chúng tôi gửi trực tiếp lời chúc mừng ông ta.
Ngày hôm sau, bắt được liên lạc với Crít-chi-ăng, anh ta đã dịch trả lời của vua Ha-công chúc mừng chúng tôi may mắn, thắng lợi trong đoạn tiếp của hành trình.
Chúng tôi nhớ lại một chuyện trước đây đã làm lại cho cuộc sống trên bè đỡ đơn điệu. Chúng tôi có hai chiếc máy ảnh mà E-rích lại có một gói thuốc hiện hình dùng để làm lại những ảnh bị hỏng. Sau cuộc gặp gỡ loài cá mập voi, anh ta rửa hai phim ảnh và đem hòa bột đó vào nước, đúng như chỉ dẫn. Làm xong, âm bản chỉ thấy những chấm và vệt đen, như là ảnh chụp từ xa. Thế là phim đã bị hỏng. Chúng tôi gửi điện đi hỏi, và một người chơi vô tuyến điện nghiệp dư ở Hô-li-út đã nhận được và hỏi các phòng thí nghiệm, trả lời cho chúng tôi biết rằng thuốc hiện hình của chúng tôi để quá nóng, không nên dùng nước quá 16o, nếu không âm bản sẽ bị nhăn. Chúng tôi cám ơn anh ta và nhận thấy rằng nhiệt độ của luồng nước biển là 27o. Héc-man là kỹ sư về đông lạnh, tôi đùa và nói với anh làm thế nào hạ nhiệt độ xuống 16o. Anh ta đòi một chai a-xít các-bô-ních, là phụ tùng của chiếc xuồng cao su đã bơm căng, và sau một hồi làm trò ảo thuật cùng với chiếc ấm đun nước bọc ngoài bằng túi ngủ và chiếc áo khoác bằng len, tự nhiên thấy râu của Héc-man bỗng bám đầy tuyết lạnh và anh ta mang ra một miếng đá lạnh lớn đựng ở trong chai. E-rích tiếp tục in ảnh và lần này kết quả thật mỹ mãn.
Thời tiết trở nên thất thường với những cơn mưa rào từng hồi, từ khi chúng tôi đến gần những đảo ở Thái Bình Dương. Gió tây đã đổi hướng, thổi từ phía đông-nam, cho đến khi chúng tôi vào giữa dòng xích đạo, lại chuyển dần về phía đông. Ngày 10 tháng 6, chúng tôi đã đến vị trí cao nhất về phía bắc, vĩ độ nam 16 độ, 19 phút. Gần đường xích đạo đến nỗi có thể cho rằng chúng tôi đi qua phía bắc của tất cả các hòn đảo trong dãy Mác-ki-dơ và biến mất hoàn toàn trong đại dương không tìm thấy đất liền. Nhưng ngọn gió tây chuyển từ đông sang đông bắc dẫn chúng tôi theo một đường cong đến cùng vĩ độ của các hòn đảo. Thật không ngờ là theo vị trí của các tinh tú trên trời để điều khiển hướng đi của bè lại dễ dàng đến thế, khi mà ta thấy các tinh tú di chuyển trên bầu trời sau nhiều tuần lễ liên tiếp. Vả lại, trong đêm tối ngoài các vì sao, chẳng có gì khác để quan sát. Từ đêm này qua đêm khác chúng tôi có thể biết khi nào các tinh tú xuất hiện.
Khi chúng tôi tiến dần lên trên về phía xích đạo, sao Bắc Đẩu hiện lên rất rõ về phía chân trời phía bắc và chúng tôi sợ nhất sao Hôm xuất hiện lúc chúng tôi từ phương nam vượt qua xích đạo. Nhưng dần dần gió đông bắc nổi lên thì sao Bắc Đẩu biến dần xuống chân trời.
Người dân Pô-li-nê-di xưa đều là những người đi biển giỏi. Họ lấy mặt trời làm chuẩn ban ngày và ban đêm là những vì sao. Sự hiểu biết của họ về thiên thể làm cho ta kinh ngạc. Họ biết rằng quả đất tròn và đặt tên cho những khái niệm trừu tượng như: đường xích đạo, đường kinh tuyến, bắc chí tuyến và nam chí tuyến. Ở Ha-oai, họ làm hải đồ bằng vỏ quả bầu to, và một số đảo khác họ dựng những hải đồ chi tiết bằng cành đan lại, với những vỏ ốc để chỉ những hòn đảo, những que nhỏ chỉ những luồng đặc biệt. Người Pô-li-nê-di biết cả năm hành tinh mà họ gọi là những ngôi sao di động, để phân biệt với những ngôi sao cố định. Với những ngôi sao này, họ có đến gần hai trăm tên gọi.
Ở Pô-li-nê-di xưa kia, người đi biển giỏi đều biết ở khoảng trời nào có những ngôi sao nào xuất hiện, xuất hiện vào những giờ nào trong đêm và trong từng thời kỳ trong năm. Hoặc còn biết ngôi sao nào chiếu thẳng vào từng hòn đảo và đôi khi lấy đó để đặt tên. Không những thế họ biết rằng vòm trời đầy sao như một la bàn khổng lồ, kim chỉ từ đông sang tây và những vì sao trên đầu chỉ cho ta biết khoảng cách của họ từ phương bắc hay phương nam.
Dân Pô-li-nê-di sau khi khám phá và đặt dưới quyền họ các đảo hiện nay, tức là phần đại dương gần châu Mỹ nhất, họ tổ chức việc giao lưu giữa các đảo này trong nhiều thế hệ. Theo phong tục tập quán, khi các vị tù trưởng ở Ta-hi-ti đến viếng Ha-oai quá hai dặm về phía bắc và cách nhiều kinh tuyến về phía tây, thì người cầm lái các bè hướng bè đi thẳng lên hướng bắc trước đã, theo mặt trời, và các vì sao. Khi mà vị trí các vì sao cho thấy là các bè này đã ở cùng vĩ tuyến với Ha-oai, thì bè sẽ quay vuông góc và đi thẳng về hướng tây cho đến lúc thấy xuất hiện các chim muông và mây cáo hiệu là đã đến gần vùng quần đảo.
Vậy thì từ đâu mà dân Pô-li-nê-di có thể có những kiến thức sâu rộng về thiên văn và vì sao lịch của họ lại được tính toán chính xác một cách kỳ lạ như vậy? Chắc chắn họ không thuộc các dân tộc Mê-la-nê-điêng hay Ma-lai-xi-a ở phía tây, nhưng họ cùng nòi giống với những “người da trắng có râu” là những người mà ở châu Mỹ đã truyền đạt nền văn minh thần kỳ của họ cho những dân tộc: “A-dơ-téc-cơ, Mai-a, Anh-ca” và cũng chính là họ đã có những kiến thức về thiên văn, lập ra lịch giống một cách kỳ lạ như kiến thức và lịch của dân tộc vừa kể trên, vào thời kỳ này ở châu Âu ta chưa thể đạt được trình độ này.
Ở Pô-li-nê-di cũng như ở Pê-ru theo lịch mà họ lập ra, thì ngày đầu năm bắt đầu vào ngày mà chòm sao Tao Đàn (chòm sao Plê-i-át) bắt đầu xuất hiện lần đầu tiên ở chân trời, và đối với cả hai miền thì chòm sao này được coi như thần đỡ đầu cho nông nghiệp. Ở Pê-ru trên những sườn núi của lục địa, hạ thấp dần về phía Thái Bình Dương tại vùng cát của sa mạc hãy còn lại vết tích của một đài thiên văn có từ rất lâu đời do dân tộc văn minh và bí hiểm trên xây dựng. Dân tộc này đã đục đẽo những tượng đá khổng lồ, đắp những kim tự tháp, trồng khoai, rau và quá định ngày đầu năm là ngày xuất hiện của chòm sao Plê-i-át. Công Ti-ki xưa kia cũng hiểu biết về các vì sao, khi vượt Thái Bình Dương bằng bè gỗ ban-xa.
Đêm ngày 2 tháng bảy, người trực ca không còn được thanh thản ngắm nhìn vòm trời đầy sao. Sau bao nhiêu ngày được đón cơn gió nhẹ hiu hiu thổi từ phía đông -bắc, giờ đây gió mạnh nhiều, biển động. Quá khuya mới thấy ánh trăng và gió trở lại êm dịu thuận chiều. Chúng tôi đo tốc độ của bè, bằng cách đếm xem mất bao nhiêu giây đồng hồ mỗi lần vượt qua mấu gỗ mà chúng tôi ném ra phía trước và nhận thấy tốc độ của bè quá chậm. Tốc độ trung bình từ mười hai đến mười tám “mấu gỗ”. Lúc này Toóc-xten đang sửa soạn điện đài, bốn người khác đang ngáy ran trong ca-bin, còn tôi đang ngồi giữ bánh lái. Ngay trước lúc nửa đêm, tôi chợt nhận thấy một dải sóng đang lồng lộn, choán hết cả tầm nhìn, cuồn cuồn hung dữ lao về phía chúng tôi. Phía sau dải sóng này còn có hai dải sóng khác cao hơn dồn tới, bốn bề chỉ thấy những ngọn sóng cao ngất trắng xóa. Nếu chưa trải qua, có thể tôi cho rằng đó là ngọn sóng trào dội từ những dải đá ngầm. Tôi vội kêu lên để báo cho mọi người biết. Khi vạt sóng đầu tiên lừng lững dựng cao như một bức tường dưới ánh trăng, tôi điều khiển bè vào vị trí đón nhận vạt sóng này.
Chiếc Công Ti-ki bị nhấc bổng nghiêng ở phía sau, nâng lên đỉnh ngọn sóng rồi lại bị hạ xuống. Chúng tôi bị cuốn vào một cơn lốc của sóng biển sôi sục. Lần này mũi bè bị hất ngược và trôi trở lên, chúng tôi bị hất mạnh lên không trung và tiếp theo là những khối nước dập xuống mũi bè. Chiếc bè hơi nghiêng trên sóng, không thể nào điều khiển quay ngay được. Vạt sóng tiếp theo dâng lên những dải nước như những bức tường lấp lánh, đập vào chiếc mái ca-bin. Khi bức tường nước đổ xuống, tôi không còn cách nào hơn là ghì chặt người vào chiếc cọc tre ở mái, nín thở, cảm thấy như chúng tôi bị ném lên trời. Xung quanh tôi chỉ thấy những khối nước gầm thét cuốn đi tất cả.
Một giây sau, chúng tôi lại nhẹ nhàng lướt trên sóng, biển trở lại bình thường. Trước mặt chúng tôi ba vạt sóng lừng lững như những bức tường thành đang chạy đi, và ở phía sau là một chuỗi quả dừa bập bềnh trôi dưới ánh trăng vằng vặc. Vạt sóng cuối cùng làm cho Toóc-xten bắn vào trong góc để máy, mọi người khác hốt hoảng bừng tỉnh dậy, hoảng sợ trước tiếng gầm rít dữ dội của các vạt sóng đánh bung ra toang hoác, chiếc giỏ lăn bẹp gí ngoài ra không có một tổn hại nào nữa. Chúng tôi không thể nào giải thích một cách chắc chắn ba vạt sóng này ở đâu đến, ít ra cũng có thể là những vạt sóng ngầm, điều thường thấy ở những vùng này.
Hai ngày sau, chúng tôi lại bị một cơn bão đầu tiên. Gió tây đột nhiên tắt hẳn. Những áng mây trắng lững lờ trôi trên vòm trời xanh biếc đã bị những đám mây đen dày từ phía nam kéo đến phủ kín. Sau đó, gió nổi lên từ mọi phía, người giữ lái không tài nào điều khiển nổi bè. Chúng tôi vội nhanh nhẹn chuyền đuôi bè đi theo hướng gió mới để cho buồm thuận gió và an toàn. Gió lại chuyển nhanh sang hướng khác làm cho buồm quay đập tứ phía có thể nguy hiểm cho người và các thứ trên bè. Từ nơi xuất phát bão, gió bắt đầu đột ngột thổi mạnh dần, cùng những đám mây đen kéo về hướng chúng tôi. Cơn gió nhẹ mới đây còn làm cho chúng tôi dịu mát lúc này thực sự đã biến thành cuồng phong.
Xung quanh chúng tôi, trong phút chốc sóng đã bốc cao đến năm mét, đây đó có những sóng cao đến sáu, bảy mét, thậm chí cao đến tận đỉnh cột buồm khi bè bị lún sâu vào vực sóng. Chúng tôi phải bò lên sàn bè, gập đôi người lại. Gió rít lên làm rung chuyển các bức tường của ca-bin và các thứ trên bè tre. Để bảo vệ nơi để máy vô tuyến điện, chúng tôi căng vải trên bức tường phía sau ở mạn trái ca-bin. Tất cả những vật dụng đều được buộc chặt và xếp lên nhau chắc chắn. Buồm được hạ xuống, cuốn lại quanh trục buồm. Bầu trời phủ đầy mây, mặt biển tối sẫm một cách đáng sợ, từ nơi xa mịt mù đã thấy những chỏm sóng bạc xuất hiện. Những vệt dài sùi bọt như bất động, tạo thành những vệt trên lưng những ngọn sóng cuồn cuộn theo chiều gió.
Ở những nơi sóng đổ xuống, làm sủi ngầu một thời gian lâu những chấm xanh trên mặt nước tím đen, trông như vết thương bị lở loét. Gió thổi tạt những chỏm sóng làm bắn ra những bụi nước như một cơn mưa mặn. Khi những trận mưa rào nhiệt đới, quất gần như ngang đập xuống mặt biển làm cho chúng tôi không thấy phần biển bao quanh, và nước chảy từ râu, tóc xuống có vị lợm. Mình trần, người rét run vì lạnh, chúng tôi bò trên mặt sàn xem xét lại các thứ vật dụng đâu vào đấy để đối phó với dông bão. Mây đen đã choán hết chân trời, cơn bão đã bao vây chúng tôi và chuẩn bị đợt tấn công đầu tiên, vẻ lo âu lộ trên nét mặt mọi người.
Nhưng khi cơn bão thực sự ập đến tấn công, chiếc Công Ti-ki vẫn dẻo dai vững chắc vượt qua mọi trở ngại, cuộc chống đỡ vật lộn với bão tố lại trở thành một môn thể thao đầy thú vị. Cơn thịnh nộ của dông bão làm cho chúng tôi vui thích, chiếc bè gỗ ban-xa vẫn đàng hoàng đĩnh đạc được sóng nâng cao lên như chiếc nút chai bập bềnh trong nước, để lại dưới nó cả một thác nước đang ập xuống. Thời tiết này biển cả làm gợi nhớ đến núi non. Ta có cảm tưởng đang ở trong cơn bão tố trên những cao nguyên hoang vắng, không cây cối, đầy màu xám. Dù cho chúng tôi đang ở giữa vùng nhiệt đới, chiếc bè gỗ ban-xa được nâng lên, hạ xuống làm cho chúng tôi nghĩ đến cuộc trượt tuyết ở giữa đống tuyết và núi đá.
Người trực lái luôn luôn mở to mắt để quan sát khi những ngọn sóng dựng đứng luồn xuống nửa thước bè, làm cho các cây gỗ phía sau được nâng lên mặt nước, nhưng một giây sau nó lại hạ xuống để rồi lại leo lên đầu ngọn sóng sau. Mỗi lần những vạt sóng kế tiếp nhau nhồi tới quá nhanh, vạt sóng trước vừa hất mũi bè lên, vạt sóng sau đã ập tới, tung những khối nước mạnh như búa bổ lên người trực lái, và chỉ một giây sau, mũi bè lại nhô lên. Chúng tôi đã tính vào những ngày bể không lặng lắm, cứ trung bình bảy giây đồng hồ, giữa những vạt sóng lớn nhất phía sau bè chịu hai trăm tấn nước trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Điều này chẳng có nghĩa lý đối với chúng tôi, chẳng qua nước chỉ táp vào chân người trực lái rồi lại lặng lẽ trôi qua khe các cây gỗ. Nhưng trong cơn bão lớn, cũng khoảng thời gian ấy, hơn mười nghìn tấn nước đã giội xuống. Những khối nước khác nhau, đôi khi đến hai mét khối nước, cứ năm giây đồng hồ lại giội xuống bè, vỡ tan như tiếng sấm.
Nước ngập ngang ngực người trực lái làm cho anh ta có cảm tưởng như đang lội ngược trên một dòng sông chảy xiết. Chiếc bè có lúc rung lên, nhưng khối nước lớn đã ấn mũi bè, và trôi đi như những thác nước đổ. Héc-man thường mang chiếc phong kế ra để đo sức mạnh của cơn bão, kéo dài đôi khi suốt cả hai mươi bốn tiếng đồng hồ, rồi chuyển dần dần thành một cơn gió thổi đều đều cùng với mưa rào không ngớt, đủ để giữ cho biển cả luôn luôn nổi sóng. Trong khi đó, bè của chúng tôi vẫn theo hướng tây mà lướt đi. Muốn đo được chính xác trong khi đang có sóng to, Héc-man phải trèo lên đỉnh cột buồm lắc la lắc lư và anh phải khó nhọc để vừa bám vào đó vừa tiến hành đo sức gió. Khi bão tan, xung quanh chúng tôi không biết bao nhiêu cá lớn đang như điên dại. Mặt biển đầy những cá mập, cá thu, cá hồng, không kể một vài con cá giác cuống quýt, lăng xăng, tất cả chúng đều lúc nhúc dưới bè và ở những vạt sóng gần nhất. Thật là một cuộc tử chiến không ngừng giữa chúng với nhau.
Những con cá lớn, lưng cong đuổi nhau lao nhanh như mũi tên, nước biển quanh chúng tôi thường nổi lên những vũng máu loang lổ. Chiến đấu hung hăng nhất là cá thu và cá hồng; cá hồng từng đàn lớn dày đặc hoạt động linh hoạt và nhanh nhẹn khác hẳn mọi lần. Những con cá thu bao vây chặt lũ cá hồng, luôn luôn lại có một con nặng từ một trăm năm mươi đến hai trăm li-vrơ vọt khỏi mặt nước mồm ngậm đầu con cá hồng đầy máu. Một vài cá hồng xa đàn vội vàng chạy trốn, cá thu đuổi theo ngay nhưng đám cá hồng vẫn không nao núng dù nhiều con, gáy bị thương vỡ toang đang quằn quại. Lũ cá mập đôi khi bị lôi cuốn vào cuộc chiến đấu cuồng dại, cũng lao vào cắn xé những con cá thu làm cho những con này gặp phải địch thủ mạnh hơn. Không thấy bóng dáng một con cá hoa tiêu nào. Có thể chúng đã bị những con cá thu trong cơn hung hãn cắn xé hoặc ẩn nấp vào những khe ở đáy bè hay hơn nữa đã lánh xa khỏi cuộc chiến đấu. Còn chúng tôi cũng không dám đưa đầu xuống nước để xem.
Có lần tôi đã có một cảm xúc đặc biệt, mà sau đó không nhịn cười được, đó là lần tôi đi đại tiện ở phía sau bè. Chúng tôi đã quá quen thuộc với việc bị lắc lư khi ngồi trong nhà xí. Lần này một việc kỳ lạ đã đến với tôi. Tôi chợt thấy một vật gì to, lạnh và rất nặng thúc mạnh vào mông, giống như đầu một con mập, sự việc này chưa bao giờ chúng tôi nghĩ tới. Đầu óc hoang mang, tôi trèo lên thanh chống cột buồm và mặc cảm như con mập đang bám vào người. Héc-man phá lên cười rũ bên tay lái và nói cho tôi biết rằng đó là một con cá thu lớn nặng đến bảy mươi cân, bơi qua vì đã ngửi thấy mùi thịt người.
Sau này trong phiên trực của Héc-man và cả phiên trực của Toóc-xten vẫn con cá thu đó đã theo sóng định nhảy lên bè. Cả hai lần nó đã nhảy lên được đầu cây gỗ, chúng tôi chưa kịp vồ, nó đã nhảy xuống biển. Một ngọn sóng đã ném lên bè con cá giác chạy hoảng loạn. Với con cá này và con cá thu bắt được hôm trước, chúng tôi quyết định câu để dẹp bớt cơn hỗn loạn đẫm máu đang diễn ra ở biển.
Nhật ký của chúng tôi đã ghi lại: “Một con mập dài một mét tám mươi đã xông đến trước tiên và đã bị kéo lên bè. Lần sau vừa thả mồi, một con mập nữa dài hai mét tư, đã nuốt chửng cả lưỡi câu và bị kéo lên bè. Con mập thứ ba dài một mét tám mươi đã xểnh mất khi chúng tôi đang kéo lên. Sau đó, chúng tôi lại bắt được một con dài hai mét bốn mươi, con này quẫy chống lại ghê gớm, đầu nó đã kéo được lên cây gỗ còn cắn đứt bốn sợi dây bằng thép và nhảy xuống biến mất. Tiếp theo lại được một con dài hai mét mười phân. Những thân cây gỗ ở phía sau bè trơn như mỡ, đứng câu rất khó và nguy hiểm. Ba con mập bị kéo lên tưởng chết đã lâu, nhưng giờ lại tiếp tục giãy, đầu ngóc lên, mõm há ra đớp rất nguy hiểm. Chúng tôi kéo đuôi chúng dồn ra phía trước bè. Lại một con cá thu vừa bắt được làm cho chúng tôi vất vả hơn cả lũ cá mập, vì nó béo và nặng đến nỗi không một ai cầm đuôi nhấc nổi lên được. Biển vẫn còn đầy những con cá rất hung hăng. Lại một con mập nữa bị bắt nhưng cuối cùng lại thoát mất. Sau đó, chúng tôi lại kéo được một con dài một mét tám mươi và một con dài một mét năm mươi. Lại một con nữa được kéo lên dài một mét tám mươi và con cuối cùng dài hai mét mười phân”.
Ngổn ngang trên mạn bè đầy những cá mập, đuôi chúng đập ầm ầm lên bè, quật vào ca-bin, mõm há ra đớp lung tung, làm cản trở sự đi lại. Sau mấy đêm dông bão, giờ đây chúng tôi mệt rã người không còn muốn phân biệt con mập nào còn sống, con nào chết, hoặc chúng đang giương cặp mắt rình mò chực cắn, nếu chúng tôi lại gần. Kéo được chín con mập, chúng tôi nghỉ vì đã năm tiếng đồng hồ liền kéo dây, đánh vật với lũ mập, người đã rã rời và mệt mỏi. Ngày hôm sau, số lượng cá thu và cá hồng đã bớt đi nhưng cá mập vẫn còn nhiều. Chúng tôi lại bắt đầu câu sau lại bỏ ngay vì phát hiện thấy máu cá tươi chảy từ bè xuống, lôi kéo ngày càng nhiều cá mập bu đến.
Chúng tôi đem vứt những xác cá xuống biển và cọ rửa bè. Răng của cá mập cùng với lớp da ráp nhám đã làm cho lớp cót trải bè bằng tre đan rách nát. Chúng tôi thay những tấm rách, vấy máu bằng những tấm mới có hàng đống chất ở mạn trước bè. Những đêm đó, nằm ngủ chúng tôi mê thấy những mõm cá mập háu ăn ngoác rộng cùng với máu me chúng. Mùi da cá mập vẫn phảng phất trước mũi chúng tôi. Thịt cá mập ăn được, chỉ cần làm mất mùi a-mô-ni-ác bằng cách đem ướp muối ngâm những miếng cá xuống nước biển trong hai mươi bốn tiếng. Dù sao cá giác và cá thu vẫn ngon nhất.
Ngay tối hôm sau buổi câu cá, lần đầu tiên tôi nghe thấy một bạn phát biểu rằng thật hết sức thú vị thoải mái được nằm dài trên bãi cỏ xanh ở một hòn đảo nhỏ đầy ngút những cây dừa, xem nhiều thứ khác hơn là những con cá lạnh tanh và sóng biển. Thời tiết đã dịu ít nhất cũng ổn định như trước đây. Đôi khi những cơn gió bất ngờ đem theo những cơn mưa rào, làm cho chúng tôi vui mừng vì dự trữ nước ngọt sắp cạn. Những lúc mưa to xối xả, chúng tôi hứng nước chảy ở mái ca-bin xuống, và cùng nhau trần truồng, tắm sạch lớp nước muối đang dính chặt vào người.
Những cá hoa tiêu lại bơi tung tăng ở những chỗ quen thuộc, nhưng không rõ có phải vẫn là những con cá cũ mà trước đây đã thoát khỏi cuộc tàn sát hay là những con cá mới xuất hiện sau cuộc chiến đấu vừa qua.
Ngày hai mươi mốt tháng bảy, gió đột nhiên đổ xuống. Trong một lúc lâu trời lặng gió và ngột ngạt. Kinh nghiệm cho chúng tôi biết những gì sẽ xảy ra. Sau vài đợt gió mạnh thổi từ phía đông, phía tây và rồi phía nam, gió mát hẳn đi và đột ngột chuyển về phía nam, nơi mây đen đang ùn ùn kéo đến ở chân trời. Bằng máy đo gió, Héc-man đã đo được sức gió mười bốn mét trong một giây cùng lúc chiếc túi ngủ của Toóc-xten bị gió bốc xuống biển.
Héc-man vươn tay để giữ lấy chiếc túi ngủ không may hụt chân ngã xuống biển. Giữa lúc tiếng sóng nổi ầm ầm, chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng kêu yếu ớt và nhìn thấy đầu và tay Héc-man đang vẫy, cùng một vật gì màu xanh rất khó nhận ra đang quây tròn lấy Héc-man. Những ngọn sóng lớn đẩy Héc-man xa dần bè làm anh hết sức vùng vẫy bơi vào. Lúc ấy Toóc-xten đang giữ chèo lái còn tôi thì đang ở phía trước bè. Hai chúng tôi là người trước tiên thấy Héc-man bị ngã, và đều hoảng run lên, cùng kêu thất thanh “Có người ngã xuống biển” và chạy vội tìm phương tiện cấp cứu. Các người khác không ai nghe thấy tiếng kêu cứu của Héc-man, vì tiếng sóng biển, nhưng rồi tất cả đều vội vã và náo động.
Héc-man là người bơi giỏi, biết tính mạng đang bị đe dọa, còn chúng tôi hy vọng rất mỏng manh liệu anh có đủ sức bơi vào nổi không. Toóc-xten vội nhào đến chiếc trục tre đang quấn đầy dây thừng mà chúng tôi vẫn dùng cho xuồng con. Lần duy nhất trong chuyến đi, dây thừng không gỡ ra được. Việc này đã mất mấy giây trong khi Héc-man cách tấm bè phía sau độ vài mét, anh đang cố hy vọng bơi đến chiếc bơi chèo lái để nắm lấy, nhưng nó lại tuột khỏi tay anh. Anh ở đúng vào chỗ mà theo kinh nghiệm chúng tôi thấy không còn phương cách nào khắc phục được. Trong khi tôi và Ben vội hạ chiếc xuồng cao su xuống biển thì Nút và E-rích ném cho Héc-man chiếc phao cấp cứu có một đầu dây buộc vào mái ca-bin. Ném bao nhiêu lần cũng không kết quả.
Héc-man đã bị đẩy xa đang cố hết sức bơi theo kịp chiếc bè, nhưng khoảng cách cứ xa dần. Anh đặt hy vọng cuối cùng vào chiếc xuồng cao su. Chiếc xuồng cao su nhỏ bé, không có cột và dây neo để ghìm tốc độ, rất có thể cứu được Héc-man, nhưng biết đâu chẳng bao giờ quay trở lại về với chiếc Công Ti-ki. Dù sao có ba người trên xuồng còn có nhiều hy vọng giải quyết tốt hơn là một thân một mình giữa biển cả. Đột nhiên chúng tôi thấy Nút nhảy xuống biển cầm theo phao cấp cứu đang cố sức bơi đến Héc-man. Nhìn theo lúc thì thấy đầu Héc-man ở mỏm sóng xa xa thoắt mất đi, lúc đầu Nút nhô lên cứ thế cho đến lúc hai người gặp được nhau cùng buộc phao cấp cứu, còn chúng tôi ra sức kéo sợi dây buộc vào phao nhưng mắt vẫn không rời một vật tối đen vẫn lập lờ phía sau hai người.
Cuối cùng hai bạn chúng tôi trở về an toàn và vật tối đen đó chẳng phải là quái vật nào khác là chiếc túi ngủ của Toóc-xten. Sau khi đã kéo hai người lên, chiếc túi ngủ bập bềnh bị con cá nào đó kéo xuống sâu, nhưng dù sao cũng may vì con cá đó đã lỡ mất mồi ngon nhất. Toóc-xten vừa cầm lấy lái vừa thốt lên: “Thật là hài lòng vì không nằm trong túi ngủ đó”.
Đêm đó, chúng tôi không ai còn trao đổi các câu chuyện hài hước nào khác. Một thời gian dài ai nấy cũng còn sợ đến lạnh gáy, vừa sợ vừa biết ơn vì chúng tôi còn đủ cả sáu người. Héc-man và mọi người đều không ngớt lời ca ngợi Nút. Chúng tôi không kịp nghĩ đến các sự việc xảy ra vì gió càng ngày càng mạnh. Trời tối sầm lại và cơn bão mới đã xuất hiện trước khi trời tối. Chúng tôi để chiếc phao cấp cứu kéo theo sau bè để phòng khi có người bị gió hắt xuống biển còn có chỗ nắm víu. Đêm đến, trời tối đen như mực, chiếc bè vẫn đi như nhảy hỗn loạn trong bóng đêm, chỉ nghe thấy tiếng gió gầm rít qua cột buồm tưởng như nó sắp bốc cả ca-bin bằng tre xuống biển. Nhưng ca-bin được phủ bạt và buộc rất chặt.
Các cây gỗ của chiếc bè Công Ti-ki mà sóng biển đu đưa lên xuống giống như các phím đàn dương cầm. Mỗi lần như vậy, chúng tôi ngạc nhiên nhận thấy các thác nước đổ xuống đáng nhẽ chảy qua các khe của bè, lại giống như một cái bễ lò rèn đẩy không khí ẩm đi qua. Năm ngày liền thời tiết luôn luôn thay đổi lúc thì dông bão dữ dội, khi thì gió nhè nhẹ thổi. Trên biển cả, giữa các vạt sóng là những hõm sâu như những thung lũng rộng và các vạt sóng màu xám xanh được gió thổi làm vạt sóng trải, dải và lưng sóng phẳng lì tỏa lên nhiều đám bụi nước li ti.
Cuối cùng đến ngày thứ năm, cơn bão tan. Trên bầu trời, một vệt màu xanh xuất hiện. Những đám mây đen u ám đã phải nhường chỗ cho bầu trời xanh biếc. Qua cơn bão, cần lái bè bị gãy, buồm rách, các tấm gỗ chống giạt lủng lẳng bên thân các cây gỗ, dây thừng bị cọ mòn, nhưng chúng tôi và mọi thứ chất trên bè đều an toàn. Qua hai cơn bão, chiếc Công Ti-ki đã hơi rệu rạo. Những dây néo bị cọ xát nhiều đã làm hư hại những cây gỗ ban-xa. Chúng tôi cám ơn thượng đế vì may mà chúng tôi đã học tập người Anh-ca, không dùng những dây thép để chằng bè, nếu không chiếc bè đã bị các dây thép buộc cắt đôi và tan tành như các que diêm trong cơn bão. Hơn nữa, nếu như chúng tôi dùng gỗ ban-xa khô để làm bè, tất nhiên bè sẽ nổi hơn nhiều lúc ban đầu, nhưng sau ngấm đầy nước biển, chiếc bè chắc chắn đã chìm từ lâu. Đó là do nhựa ở những cây gỗ tươi đã ngăn cản nước bể thấm qua những cây gỗ xốp.
Nhưng bây giờ, các dây buộc bè không chặt như trước nên rất nguy hiểm nếu ta thò chân vào kẽ hở giữa hai cây gỗ vì khi chúng giập vào nhau có thể nghiến nát chân. Ở phía trước và phía sau, vì không có sàn lát bằng tre nên khi muốn dang hai chân để đứng vào hai cây gỗ chúng tôi phải quỳ gối xuống. Ở phía sau, các cây gỗ trơn như lá chuối vì bị phủ lớp tảo ẩm. Mặc dù chúng tôi đã đi đi, lại lại, in thành vệt trên lớp rêu xanh và người trực lái đứng trên một tấm phản rộng, nhưng dù sao khi có một vạt sóng ập vào bè, một trong số chín cây gỗ đập ầm ầm ngày đêm vào các thanh ngang. Các thừng buộc vào hai cột buồm ở phía đỉnh cũng làm cho chúng cọ xát mạnh vì các cột này đặt trên hai cây gỗ bè khác nhau, nên hai cột đu đưa không giống nhau.
Chúng tôi đã sửa chữa, nối lại cần lái bằng gỗ muỗm rắn như thép cùng với tài khéo léo sửa buồm của E-rích và Ben, chiếc Công Ti-ki chẳng bao lâu đã trở lại vững chãi để tiến thẳng về Pô-li-nê-di, trong khi đó, bánh lái bè đu đưa nhẹ nhàng trong biển gợn sóng yếu ớt. Những miếng gỗ chống giật giữ hướng của chiếc bè không còn giống như trước nữa, vì không còn phải đương đầu với sức ép mạnh của nước đổ vào bè, không gắn chặt dưới bè nên chúng không được vững chắc nữa. Cũng không thể kiểm tra các dây buộc ở phía dưới bè vì bị phủ đầy rêu tảo. Khi nhấc tấm liếp tre lên, chúng tôi thấy chỉ có ba dây buộc chính là bị đứt mà thôi; các dây này buộc ngang bè, bị các đồ đạc cọ vào làm mòn nên bị đứt. Các thân cây ghép làm bè vì bị hút đầy nước trương lên và hàng hóa thực phẩm thì nhẹ dần nên rút cục đâu lại vào đó. Phần lớn số thực phẩm và nước ngọt dự trữ đã được dùng và các nhân viên điện đài đã vứt đi nhiều bộ pin khô đã dùng hết. Mặc dù gặp cơn bão biển vừa qua, chắc chắn chúng tôi vẫn vững vàng đi nốt đoạn đường ngắn cuối cùng đến các đảo ở phía trước mặt chúng tôi.
Bây giờ một câu hỏi khác được đặt ra: cuộc hành trình sẽ kết thúc ra sao? Chiếc bè Công Ti-ki vẫn cương quyết tiếp tục cuộc hành trình về hướng tây cho đến khi mũi bè chạm núi đá hay mảnh đất cố định nào giữ nó lại. Cuộc hành trình sẽ thật sự chưa kết thúc chừng nào tất cả chúng tôi chưa đổ bộ an toàn lên một trong nhiều đảo ở Pô-li-nê-di. Ra khỏi cơn bão cuối cùng, chúng tôi chưa xác định được đến tận đâu. Chúng tôi đang ở cùng một khoảng cách giữa những đảo Mác-ki-dơ và đảo Tu-a-mô-tu. Vị trí hiện nay rất có thể sẽ dẫn chúng tôi đi qua hai dãy đảo mà không nhìn thấy được chúng. Hòn đảo của dãy Mác-ki-dơ gần nhất cách ba trăm hải lý về phía Tây-bắc, còn dãy Tu-a-mô-tu cũng ba trăm hải lý về phía Tây-nam. Gió và luồng nước vẫn có biến động với một hướng chung về phía tây vào khoảng xa nhất cách hai dãy đảo. Không xa lắm về phía tây -bắc là đảo Pha-tuy-hi-va một mảnh đất nhỏ có núi non và rừng rậm là nơi mà tôi đã sống trong một chiếc nhà sàn dựng cọc trên mặt nước và cũng chính ở nơi đây tôi đã được một cụ già kể cho nghe những chuyện lịch sử sống động về người tổ tiên anh hùng Công Ti-ki. Nếu chiếc bè đến được bãi cát ấy, chắc tôi sẽ gặp được nhiều người quen mà có thể không phải chính ông già đã kể chuyện vì ông đã bước sang thế giới khác từ lâu mang theo nguyện vọng được gặp Công Ti-ki thật.
Khi tiến dần về phía các dãy núi thuộc nhóm đảo Mác-ki-dơ mà các đảo ở tách biệt nhau và nơi đây sóng biển vỗ vào các vách đá dựng đứng làm vang lên những tiếng ầm ì như tiếng sấm, chúng tôi phải căng mắt nhìn cho kỹ để tìm lối vào, giữa những khe núi và các khe này bao giờ cũng có những bãi đá sỏi hẹp. Ngược lại trong dãy đảo Tu-a-mô-tu rất nhiều đảo ở gần nhau và giữa các đảo là biển rộng. Nhưng nhóm đảo này còn có tên là “Quần đảo phẳng” hoặc “Quần đảo nguy hiểm”, vì quần đảo này hoàn toàn được cấu tạo bằng san hô, tạo thành những đá ngầm hoặc đảo hình vành khăn (gọi là a-tôn) trên có các cây cọ chỉ cao hơn mặt nước từ hai đến ba mét. Một vòng hình vành khăn đá san hô che chở các đảo a-tôn, điều này rất nguy hiểm cho việc giao thông trên biển. Mặc dù các ốc biển đã tạo nên các đảo san hô trong quần đảo Tu-a-mô-tu và các đảo Mác-ki-dơ là những núi lửa đã tắt, dân tộc Pô-li-nê-di ở trên hai quần đảo này và những gia đình các vua chúa của hai quần đảo đều coi Ti-ki là tổ tiên chính thống của họ. Từ ngày ba tháng bảy, tuy rằng còn cách Pô-li-nê-di một nghìn hải lý, thiên nhiên như đã cáo cho chúng tôi đất liền đang ở phía trước. Trước đây, khi đi qua Pê-ru một nghìn dặm chúng tôi đã thấy những đám chim hạm, cho đến kinh tuyến 100 độ tây, không còn thấy chúng nữa, và chúng tôi chỉ nhìn thấy những con hải âu, lấy biển làm nơi trú ngụ. Ngày ba tháng bảy ở vào kinh tuyến 125 độ tây, chúng tôi lại thấy xuất hiện những con chim hạm bay từng tốp nhỏ.
Chúng bay vút ở trên cao hoặc lao xuống ngọn sóng để bắt những con cá chuồn đang lao lên khỏi mặt nước chạy trốn lũ cá hồng. Giống chim này không từ châu Mỹ đến vì châu Mỹ ở phía sau, chúng phải từ nơi đất liền nào đó ở phía trước bay đến.
Ngày mười sáu tháng bảy, thiên nhiên lại tỏ cho chúng tôi rõ hơn là đã ở gần đất liền: một con cá mập dài hai mét bảy mà chúng tôi bắt được đã nhả ra một con sao biển mà nó chưa ăn hết, có thể nó vừa bắt được con này ở bờ biển.
Sáng hôm sau, chúng tôi có khách từ những đảo Pô-li-nê-di đến thăm. Từ trên bè nhìn về chân trời phía đông, chúng tôi thấy hai con chim lớn bay đến và bay khá thấp trên cột buồm. Sải cánh của chúng đến năm pi-ê. Chúng bay lượn mấy vòng trên đầu chúng tôi, rồi hạ cánh xuống nước dọc theo bè. Những con cá hồng thấy chúng vội lao nhanh đến, bơi quanh với vẻ lạ kỳ trước những con chim biết bơi, nhưng không một con cá hồng nào dám chạm đến chúng. Đó là những sứ giả đầu tiên chào đón chúng tôi đến Pô-li-nê-di. Tối đến chúng vẫn không bay đi, đỗ trên mặt biển cho đến nửa đêm, chúng tôi thấy chúng bay vòng trên cột buồm, kêu lên những tiếng khàn đặc. Những con cá chuồn nhảy lên sàn bè giờ cũng là loại khác, to hơn nhiều. Tôi biết giống cá này vì trước đây tôi đã cùng thổ dân câu được chúng ở đảo Pha-tuy-hi-va.
Suốt ba ngày ba đêm, chúng tôi bơi thẳng đến Pha-tuy-hi-va, nhưng một cơn gió mạnh từ đông -bắc đã đẩy bè chúng tôi về phía những đảo san hô ở Tu-a-mô-tu, đưa bè ra khỏi luồng nam xích đạo, làm cho chúng tôi không còn dựa được vào những hải lưu nữa. Hôm nay chúng còn ở đây, đến mai lại không còn nữa. Chúng chảy như những con sông vô hình đâm nhánh ra cả đại dương. Luồng xiết thường tạo ra nhiều sóng và nhiệt độ nước thấp đi một độ.
Hàng ngày, chúng tôi đều biết hướng và lực chảy của hải lưu, bằng cách tính sự chênh lệch giữa phương vị mà E-rích tính toán với phương vị đo được. Đến cửa ngõ quần đảo Pô-li-nê-di, gió biến đi sau khi nhường chỗ cho một dòng hải lưu yếu, nhưng làm cho chúng tôi rất lo sợ vì dòng hải lưu này chảy về vùng đất hướng Bắc Cực. Trời không phải hoàn toàn lặng gió (trong suốt cuộc hành trình, không bao giờ trời lặng gió) và khi gió thổi yếu như vậy, chúng tôi đem căng tất cả những mảnh vải mà chúng tôi có để cố gắng có được chút ít gió đẩy bè đi. Không một ngày nào bè của chúng tôi phải quay lộn về phía châu Mỹ, và đoạn đường ngắn nhất đi được trong hai mươi bốn giờ là chín dặm. Trong toàn bộ cuộc hành trình, đoạn đường đi được trong cùng khoảng thời gian trên là bốn mươi hai dặm rưỡi. Vả lại, trong những giờ phút cuối cùng của cuộc hành trình, gió đông cũng không nỡ bỏ rơi chúng tôi; gió lại nổi lên và đẩy chiếc bè đã hơi ọp ẹp chuẩn bị tiến vào một phần của thế giới mới mà chưa ai biết đến.
Càng ngày, càng có nhiều đàn chim bay đến quanh quẩn. Vào một chiều khi mặt trời sắp lặn, chúng tôi thấy một sự xáo động trong đàn chim. Chúng vội vã bay về hướng tây, không chú ý gì đến chúng tôi và đàn cá chuồn. Từ trên cột buồm, chúng tôi thấy chúng bay qua và bay cùng về một hướng. Có thể có điều gì đã làm chúng trốn chạy, dù sao chúng đã bay thẳng đến hòn đảo gần nhất là tổ chúng. Chúng tôi bẻ lái đưa mũi bè vào hướng chim bay. Khi màn đêm buông xuống, chúng tôi còn nghe thấy tiếng kêu của những con chim bay sau, vượt qua bè. Thật là một đêm tuyệt đẹp! Đây là đêm thứ ba của chuyến đi, chúng tôi được một đêm trăng tròn. Sáng hôm sau, trên trời càng có nhiều chim hơn. Lần này chẳng phải đợi đến chiều để dõi theo hướng chim bay, mà chúng tôi thấy một đám mây lạ bất động ở chân trời làm mục tiêu. Những đám mây khác trông như những mớ bông trắng ở phía nam theo chiều gió, trôi và khuất dần về phía tây.
Ở Pha-tuy-hi-va, tôi đã thấy những đám mây này được ngọn gió đều đặn thổi tới và từ trên bè Công Ti-ki, chúng tôi thấy chúng trôi qua trên đầu ngày đêm; nhưng còn đám mây đơn độc ở phía tây nam chân trời lại đứng im như một cột khói, trong khi những đám mây trắng vẫn chuyển động. Đám mây này tên khoa học gọi là mây tích. Người Pô-li-nê-di không biết tên này nhưng họ biết rằng dưới đám mây ấy bao giờ cũng là đất liền. Thực ra ánh nắng mặt trời nhiệt đới rọi xuống cát nóng bỏng tạo thành luồng hơi nóng ẩm bốc lên và ngưng tụ ở tầng không khí lạnh trong khí quyển. Chúng tôi hướng bè theo đám mây đó cho đến lúc đám mây tan đi khi trời tối. Gió vẫn ổn định. Lúc này không cần điều khiển chèo lái, cần lái được buộc chặt, chiếc Công Ti-ki lướt đi một mình theo đúng hướng như nó đã từng lướt đi như vậy trên biển vào những ngày đẹp trời. Người trực lúc này có thể ngồi nghỉ thoải mái trên miếng gỗ nhẵn bóng ở đỉnh cột buồm để theo dõi bất kỳ dấu hiệu nào báo là có đất liền. Đêm đó vang động như tiếng chim kêu ríu rít và mặt trăng gần như tròn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.