HAI VẠN DẶM DƯỚI BIỂN
Chương 38: Nam Cực
Tôi chạy lên boong. Đúng là biển rồi! Chỉ có mấy khối băng trôi rải rác đây đó. Xung quanh là biển nước mênh mông. Hàng ngàn chim bay lượn trên trời, hằng ức triệu cá bơi dưới nước. Tùy tính chất đáy biển nước chuyển từ màu xanh thẫm sang màu xanh lá cây. Nhiệt kế chỉ -3o. Sau khi vượt qua biển băng, dường như chúng tôi vừa gặp một mùa xuân tươi mát!
-Đây là Nam cực ạ? -Tôi hỏi Nê-mô, lòng bồi hồi xúc động.
-Tôi không rõ. Đến giữa trưa tôi sẽ xác định tọa độ.
-Nhưng liệu có thấy được mặt trời qua lớp sương mù dày đặc không?
-Chỉ cần ló ra một tí là đủ.
Cách tàu Nau-ti-lúx mười hải lý về phía nam, chúng tôi thấy một hòn đảo đơn độc, cao hơn mặt biển hai trăm mét. Tàu từ từ tiến vào gần đảo, có lẽ quanh đảo có những mỏm đá ngầm. Một tiếng đồng hồ sau, tàu đến sát đảo. Hai giờ sau thì đi quanh đảo được một vòng. Chu vi đảo khoảng bốn, năm hải lý. Một eo biển hẹp ngăn đảo với đất liền, có thể là một lục địa. Sở dĩ khó xác định là vì dải đất chạy khuất sau chân trời. Sợ mắc cạn, tàu Nau-ti-lúx dừng lại cách bờ hơn năm trăm mét. Một chiếc xuồng được hạ xuống nước. Thuyền trưởng, hai thủy thủ mang theo các máy đo, Công-xây và tôi ngồi vào xuồng. Lúc đó là chín giờ sáng. Hôm nay tôi chẳng thấy Nét đâu. Có lẽ anh ta khăng khăng giữ ý kiến của mình, mặc dù đã gần tới Nam cực. Chỉ mấy mái chèo là xuồng đã tới bờ cát. Công-xây định nhảy lên bờ nhưng tôi ngăn lại.
-Thưa thuyền trưởng, -Tôi nói, -ngài có vinh dự là người đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này.
-Vâng, thưa giáo sư. Tôi không do dự gì khi bước lên mảnh đất Nam cực, nơi chưa có dấu chân người đặt tới! Nói đoạn, Nê-mô nhẹ nhàng nhảy lên bờ. Tôi thấy ông ta rất xúc động. Sau khi leo lên một vách đá dựng lên ở ngoài cùng, Nê-mô dừng lại, tay khoanh trước ngực. ông ta đứng trong tư thế trầm lặng và trang trọng ấy, tựa như đang tiếp nhận quyền sở hữu đối với vùng đất đai này. Năm phút trôi qua, Nê-mô bảo tôi:
-Xin mời ngài! Tôi liền nhảy ra khỏi xuồng, theo sau là Công-xây. Hai thủy thủ ở lại xuồng. Dải đất mênh mông này đỏ như màu gạch. Xỉ than, những vết tích dung nham chứng tỏ đất ở đây có nguồn gốc núi lửa. ở đôi chỗ từ lòng đất bốc lên những làn khói có mùi lưu huỳnh. Rõ ràng là hoạt động bên trong của núi lửa chưa chấm dứt. Nhưng khi lên tới mỏm đá cao, tôi chẳng thấy một quả núi lửa nào trong khoảng mấy hải lý… Thực vật trên hòn đảo hoang vắng này rất nghèo nàn. Bờ biển đầy nhuyễn thể, ngoài ra còn có một số san hô hình cây. Nhưng cuộc sống trên bầu trời mới thật nhộn nhịp! Hàng ngàn chim thuộc nhiều loại khác nhau vừa bay lượn vừa kêu nhức óc. Hàng ngàn con đậu trên các mỏm đá lơ láo nhìn chúng tôi và đàng hoàng dạo chơi ngay cạnh chỗ chúng tôi đứng. Đó là những con chim panh-goanh rất nhanh nhẹn dưới nước nhưng rất nặng nề vụng dại trên cạn. Chúng tụ tập từng đàn lớn, ít hoạt động nhưng hay kêu la ầm ĩ. Vào cách bờ nửa hải lý nữa, chúng tôi thấy mặt đất đầy tổ chim panh-goanh. Thuyền trưởng Nê-mô tổ chức săn bắt được mấy trăm con chim này. Thịt panh-goanh màu thẫm nhưng rất ngon. Tiếng nó kêu giống tiếng lừa hí. Chim panh-goanh to bằng con ngỗng, ngực trắng. Chúng không thèm lẩn trốn nên bị trúng đá là lăn quay ra! Sương mù chưa tan. Đã mười một giờ trưa mà chẳng thấy mặt trời. Tôi rất sốt ruột. Nếu không có mặt trời thì còn quan sát được gì nữa? Và làm thế nào để xác định được rằng đã tới Nam cực hay chưa? Tôi bước đến chỗ Nê-mô. ông ta đứng tì tay vào mỏm đá và nhìn lên trời. Hình như Nê-mô cũng bồn chồn, lo lắng. Nhưng biết làm thế nào? Con người quả cảm và cương nghị ấy không đủ quyền lực để điều khiển được mặt trời như đã chế ngự biển cả! Đến trưa, mặt trời vẫn biệt tăm. Sương mù vẫn không cho phép xác định độ cao của mặt trời. Một lát sau sương mù chuyển thành bão tuyết.
-Ta chờ đến mai, -Nê-mô nói.
Chúng tôi quay về tàu Nau-ti-lúx. Trong khi chúng tôi vắng mặt, thủy thủ trên tàu buông lưới. Về đến tàu, tôi rất hứng thú bắt tay vào nghiên cứu những con cá vừa bắt được. Vùng biển Nam cực là nơi di cư quy mô của các loài cá trốn bão ở các độ vĩ thấp hơn. Cơn bão tuyết hoành hành đến sáng. Không ai đứng nổi trên boong. Từ phòng khách, nơi tôi ghi chép tất cả những biến cố của cuộc thám hiểm châu Nam cực, tôi nghe tiếng kêu của chim báo bão vẫn bay lượn không kể gì bão tuyết. Tàu Nau-ti-lúx chạy thêm mười hải lý nữa dọc bờ biển về phía nam. Xung quanh tranh tối tranh sáng. Hôm sau, 20 tháng 3, cơn bão tuyết chấm dứt. Trời hơi lạnh hơn. Nhiệt kế chỉ -2o. Sương mù bốc lên cao làm tôi hy vọng hôm nay có thể xác định được tọa độ. Thuyền trưởng Nê-mô chưa lên boong, nhưng chiếc xuồng đã sẵn sàng cho chúng tôi sử dụng. Tôi và Công-xây chèo xuồng lên bờ. Đất ở đây có nguồn gốc núi lửa. Nhưng nhìn mãi tôi cũng không phát hiện được miệng núi. ở đây cũng như trên đảo, ngàn vạn chim chóc làm cho cảnh thiên nhiên khắc khổ của Nam cực tươi vui lên. ở đây còn có hàng ngàn động vật có vú nhìn chúng tôi bằng những cặp mắt hiền lành. Có đủ loại hải cẩu, một số nằm trên bờ, một số nằm trên những tảng băng. Số khác thì ngụp lặn dưới nước rồi lại ngoi lên. Chúng chẳng sợ gì chúng tôi. Rõ ràng là chúng chưa gặp người bao giờ. Chúng sống thành bầy: hải cẩu đực trông nom săn sóc gia đình, hải cẩu cái cho con bú. Những chú choai choai thì đùa giỡn ở phía xa. Hải cẩu di chuyển trên mặt đất một cách khó nhọc. Chúng nhảy từng bước ngắn rất vụng về. Nhưng ở môi trường nước thân thuộc thì chúng lại bơi rất cừ. Trên mặt nước và khi bò lên cạn để nghỉ, hải cẩu có tư thế rất đẹp. Tôi lưu ý Công-xây về sự phát triển bán cầu não của loài động vật thông minh này. Ngoài con người, không động vật có vú nào có bộ não phát triển như vậy. Vì vậy, hải cẩu dễ dạy, dễ thuần dưỡng. Tôi đồng ý với các nhà tự nhiên học cho rằng, nếu thuần dưỡng tốt thì hải cẩu có thể rất có ích trong việc đánh cá biển, giống như chó săn vậy. Trong đám hải cẩu thỉnh thoảng lẫn vào một số voi biển giống như hải cẩu, nhưng có vòi ngắn và linh hoạt, thân hình đồ sộ cao tới sáu mét, dài tới mười mét. Thấy chúng tôi xuất hiện, chúng cũng chẳng thèm động đậy.
-Những con vật này có nguy hiểm không ạ?
-Công-xây hỏi tôi.
-Nếu không động vào chúng thì chẳng nguy hiểm gì. Nhưng khi hải cẩu bảo vệ con thì chúng ghê gớm lắm. Đã có lần hải cẩu phá tan một chiếc tàu đánh cá.
-Giống vật có quyền xử sự như vậy, -Công-xây nói.
-Đúng thế. Chúng tôi đi thêm hai hải lý nữa. Đến đây có nhiều mỏm đá lởm chởm chặn ngang đường. Những mỏm đá này nhô lên mặt biển theo chiều thẳng đứng, từng làn sóng bạc xô vào dưới chân. Từ phía bên kia vọng tới tiếng rống ầm ầm, tựa như ở đó có cả một bầy động vật thuộc loài nhai lại. Công-xây nói:
-Chà, nghe như bò đang hòa nhạc!
-Anh lầm rồi! Đó là hải mã.
-Chúng đang đánh nhau ạ?
-Hoặc đang đánh nhau, hoặc đang đùa nghịch.
-Xin giáo sư cho ngó qua một chút.
-Phải ngó qua chứ. Thế là chúng tôi bước lại dọc những mỏm đá ba-dan đen, trên những tảng đá đóng băng trơn tuột. Nhiều lần tôi bị ngã, sườn đau ê ẩm. Công-xây vì thận trọng hơn hay cứng chân hơn nên không vấp ngã, và mỗi lần nâng tôi dậy lại nói:
-Nếu giáo sư chịu khó bước dài ra một chút thì dễ giữ thăng bằng hơn.
Trèo tới đỉnh núi đá, tôi thấy trước mặt trải ra một cánh đồng tuyết bao la trên đó có vô số hải mã thân màu thẫm. Chúng đang đùa nghịch. Tiếng rống biểu hiện sự vui thích chứ không phải sự giận dữ. Hải mã rất giống hải cẩu về hình thể. Nhưng hàm dưới chúng không có răng nanh và răng cửa. ở hàm trên, răng nanh lại là hai cái ngà, mỗi cái dài tám mươi cen-ti-mét, chu vi ba mươi cen-ti-mét. Ngà hải mã rắn chắc hơn ngà voi, vì vậy quý hơn. Vì quý hơn nên hải mã bị săn bắt bừa bãi đến nỗi sắp bị tiêu diệt hoàn toàn. Bọn thợ săn mỗi năm bắn giết cả hải mã cái, cả hải mã con, có tới hơn bốn ngàn con. Khi đi ngang qua những con vật kỳ lạ này, tôi có dịp ngắm chúng một cách thoải mái. Da hải mã dày, nhăn nheo, lông hơi hung đỏ, ngắn và không dày lắm. Một số hải mã dài tới bốn mét. Hải mã ở đây bình thản và bạo dạn hơn hải mã Bắc cực nên không cần có con canh gác cho cả bầy. Ngắm nhìn hải mã hồi lâu, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện quay về tàu. Đã mười một giờ. Nếu thuyền trưởng Nê-mô cho rằng có thể xác định được tọa độ thì tôi cũng muốn có mặt lúc đó. Nhưng tôi ít hy vọng rằng mặt trời sẽ ló ra, vì mây đang phủ kín cả bầu trời. Dù sao tôi cũng quyết định quay về tàu Nau-ti-lúx. Đến mười một giờ rưỡi chúng tôi về tới chỗ đổ bộ. Tôi thấy ngay thuyền trưởng Nê-mô. ông ta đang đứng trên một tảng đá ba-dan, cạnh đó là những máy móc thiên văn. Nê-mô phóng mắt nhìn chân trời phía bắc.
Tôi lặng lẽ đứng cạnh Nê-mô. Đã đến mười hai giờ nhưng mặt trời vẫn chưa ló ra. Thế là chúng tôi lại thất bại, không sao xác định được tọa độ. Nếu trưa mai vẫn không thấy mặt trời thì đành phải bỏ ý định này. Hôm nay là 20 tháng 3. Mai là ngày xuân phân, mặt trời sẽ khuất sau chân trời, sẽ bắt đầu đêm Nam cực dài dằng dặc… Tôi tỏ ý lo ngại với thuyền trưởng Nê-mô.
-Giáo sư lo là đúng, -Nê-mô nói.
-Nếu ngày mai tôi không xác định được độ cao của mặt trời thì việc này phải hoãn lại sáu tháng nữa. Nhưng nếu trưa mai mặt trời ló ra thì xác định độ cao sẽ hết sức dễ dàng vì tình cờ mà chúng ta đến vùng biển này đúng trước ngày xuân phân! Thuyền trưởng Nê-mô quay về tàu. Chúng tôi tha thẩn dọc bờ biển tới năm giờ chiều, vừa đi vừa quan sát, trò chuyện, phân loại sinh vật. Chúng tôi chẳng gặp một vật gì lạ ngoài một quả trứng panh-goanh. Ai ưa của lạ hẳn sẽ mua ngay quả trứng này với giá một ngàn phrăng. Trứng màu xanh thẫm điểm nhiều vết ngoằn ngoèo như chữ Hán. Thật là một vật hiếm ngộ nghĩnh. Tôi giao trứng cho Công-xây. Anh ta nâng niu nó như một cái bình cổ Trung Quốc và mang lên tàu. Tôi đặt trứng vào một ngăn tủ kính của bảo tàng. Sau đó chúng tôi ăn tối rất ngon miệng. Bữa tối có món gan hải cẩu, vị giống như mỡ lợn tươi. Hôm sau 21 tháng 3, năm giờ sáng tôi lên boong. Thuyền trưởng Nê-mô đã ở đó.
-Thời tiết có sáng sủa hơn một chút, -Nê-mô nói.
-Có hy vọng. Ăn sáng xong, chúng ta sẽ lên bờ tìm một chỗ thuận tiện để quan sát. Sau khi đã thống nhất kế hoạch, tôi đi tìm Nét Len. Tôi muốn mang anh ta đi theo. Mặc dù tôi đã hết sức thuyết phục, anh chàng ương bướng ấy vẫn từ chối. Tôi thấy sự u uất, cáu kỉnh của Nét ngày càng tăng lên. Tuy vậy, trong tình huống này, tính ương bướng của anh ta không làm tôi buồn phiền lắm. Trên bờ có nhiều hải cẩu, đưa anh ta lên chỉ làm cho hải cẩu chết oan thôi! Ăn sáng xong, tôi lên bờ. Đêm qua, tàu Nau-ti-lúx đi thêm được mấy hải lý nữa. Giờ đây nó đỗ cách bờ một hải lý… Trên xuồng, ngoài tôi ra còn có thuyền trưởng, hai thủy thủ và mấy dụng cụ đơn giản: đồng hồ chính xác, kính viễn vọng và phong vũ biểu. Đến chín giờ, chúng tôi áp xuồng vào bờ. Trời đã sáng rõ. Mây kéo về phía nam. Mặt biển lạnh giá giũ làn sương mù ra khỏi mình. Thuyền trưởng Nê-mô tiến thẳng lên đỉnh ngọn núi mà ông ta chọn làm nơi quan sát. Mặc dù Nê-mô như mất thói quen đi trên bộ, ông ta vẫn leo lên các mỏm đá dốc đứng một cách khéo kéo, khiến cho những người trèo núi giỏi nhất cũng phải ghen tị. Tôi vất vả lắm mới theo kịp Nê-mô. Chúng tôi trèo núi mất hai tiếng đồng hồ. Từ đỉnh cao, tầm mắt chúng tôi bao quát được mặt biển bao la tới chân trời. Phía dưới chúng tôi là đồng tuyết trắng long lanh. Trên đầu chúng tôi là bầu trời trong vắt không một gợn mây! Như một quả cầu đỏ bị chân trời cắt đôi mặt trời ló ra ở phía bắc! Từ dưới biển sâu xuất hiện trăm ngàn tia nước đẹp tuyệt vời. Tàu Nau-ti-lúx ở phía xa trông hệt như một con cá đang ngủ. Đằng sau chúng tôi, ở phía đông là khoảng đất mênh mông, ngổn ngang những mỏm đá và băng tuyết! Lên tới đỉnh núi, thuyền trưởng Nê-mô dùng phong vũ biểu đo rất kỹ độ cao của nó so với mặt biển để trên cơ sở những số liệu đó chỉnh lý những quan sát của mình. Đến mười hai giờ kém mười lăm, mặt trời nhô hẳn lên khỏi chân trời như một cái đĩa vàng và rọi những tia sáng cuối cùng lên cái lục địa hoang vắng này, lên vùng biển mà chưa một con tàu thuyền nào tới! Thuyền trưởng Nê-mô dùng kính viễn vọng quan sát mặt trời đang lặn xuống chân trời. Tôi cầm đồng hồ chính xác trong tay. Tim tôi đập mạnh. Nếu mặt trời khuất một nửa sau chân trời đúng vào mười hai giờ trưa thì đúng là chúng tôi đang ở giữa Nam cực!
-Đúng mười hai giờ!
-Tôi reo lên.
-Nam cực!
-Thuyền trưởng Nê-mô nói một cách trang trọng rồi trao cho tôi ống kính. Tôi đưa mắt nhìn: mặt trời đang bị chân trời cắt đôi. Trong lúc đó, thuyền trưởng Nê-mô đặt tay lên vai tôi rồi nói:
-Năm 1600, Ghê-rích, người Hà Lan, bị bão dạt tới độ vĩ 64o nam và phát hiện ra quần đảo Niu Sét-len. Ngày 17 tháng giêng năm 1773, thuyền trưởng Cúc nổi tiếng theo kinh tuyến 38 đã đi tới độ vĩ 67o37’, và năm 1774 ngày 30 tháng giêng theo kinh tuyến 109 đã đi tới độ vĩ 71o15’. Năm 1819 nhà đi biển người Nga là Ben-lin-xhao-den tới vĩ tuyến 69o, năm 1821 tới vĩ tuyến ở 111o kinh tây. Năm 1820, Bran-xphin, người Anh, đã tới vĩ tuyến 65o. Cũng năm đó. Mo-ren, người Mỹ, thuật lại, tuy không đáng tin lắm, rằng đã phát hiện ra vùng biển không bị đóng băng ở độ vĩ 70o19’. Năm 1825, Pao-oen, người Anh, vì vướng băng nên không vượt qua được độ vĩ 62o. Cùng năm đó, một người Anh đi săn hải cẩu là Oét-đen đã tới độ vĩ 72o14’ ở kinh tuyến 35 và 74o15’ ở kinh tuyến 36. Năm 1829, Pho-xtơ, người Anh, chỉ huy tàu San-tơ-clơ, phát hiện ra lục địa Nam cực ở độ vĩ 63o26’ và 66o26’.
Ngày 1 tháng giêng năm 1831, Bit-xcô, người Anh, phát hiện ra đất En-đơc-bi ở độ vĩ 68o50’, ngày 5 tháng 2 năm 1832 tìm ra đất A-đê-la-ít ở độ vĩ 67o; ngày 21 tháng 2 tìm ra đất Gre-hem ở độ vĩ 64o45’. Năm 1838, Đuy-mông Đuyếc-vin, người Pháp, bị băng kẹt ở độ vĩ 62o57’ đã phát hiện ra đất Lu-i Phi-líp. Hai năm sau, ngày 21 tháng giêng, Đuyếc-vin đã phát hiện ra đảo A-đê-li ở độ vĩ 66o30’. Năm 1838, Uyn-cơ, tới được vĩ tuyến 69 trên kinh tuyến 100. Năm 1839, Be-le-ni, người Anh, phát hiện ra đất Xa-brin ở ranh giới vòng cực quyền. Cuối cùng, ngày 12 tháng giêng năm 1842, Giem-rôx, người Anh, đi trên tàu ‰-rê-bux và Te-rơ, phát hiện ra đất Vic-to-ri-a ở độ vĩ 67o56’ và độ kinh 171o07’. Ngày 23 tháng ấy, ông ta tới vĩ tuyến 74, ngày 27 đến độ vĩ 76o08’, ngày 28 đến độ vĩ 77o32’, ngày 2 tháng 2 đến độ vĩ 78o04’. Năm 1842 ông ta lại đi Nam cực nhưng không vượt qua được độ vĩ 71o. Tôi, thuyền trưởng Nê-mô, ngày 21 tháng 3 năm 1868 đã tới Nam cực ở 90o vĩ nam và tuyên bố quyền sở hữu đối với phần đất đai rộng bằng một phần sáu tất cả các lục địa đã được phát hiện.
-Nhân danh ai, thưa thuyền trưởng?
-Nhân danh cá nhân tôi! Nói đoạn, Nê-mô giương cao ngọn cờ đen có thêu chữ “N” màu vàng. Rồi Nê-mô hướng về phía mặt trời lúc đó đang rọi những tia sáng cuối cùng xuống mặt biển bao la và nói:
-Vĩnh biệt mặt trời! Ngươi hãy khuất đi, hãy ra khỏi giới hạn của vùng biển tự do này. Hãy để cho đêm Nam cực dài sáu tháng phủ lên vùng đất mới của ta!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.