HAI VẠN DẶM DƯỚI BIỂN

Chương 4: Nét Len



Thuyền trưởng Pha- ra- gút là một người đi biển dày kinh nghiệm, thực xứng đáng với chiếc tàu chiến mà ông ta chỉ huy. Pha- ra- gút với con tàu chỉ là một. ạng ta là linh hồn của tàu. ạng ta không mảy may nghi ngờ sự tồn tại của con cá, nhưng cũng không cho phép ai được bàn tán nhảm nhí về vấn đề đó. ạng ta tin là có con quái vật không phải bằng óc mà bằng tim. Pha- ra- gút sẽ trừ khử được nó – ông ta thề như vậy.
Hoặc là thuyền trưởng Pha- ra- gút sẽ diệt con cá thiết hình, hoặc là con cá sẽ giết chết Pha- ra- gút. Không thể có sự thỏa hiệp nào! Toàn thể thủy thủ nhất trí với thuyền trưởng. Điều đó thể hiện rất rõ khi họ bàn luận, tranh cãi với nhau, khi họ cân nhắc từng khả năng giúp họ tìm ra con quái vật một cách nhanh chóng nhất, khi họ chăm chú quan sát mặt biển! Ngay cả những sĩ quan, lúc bình thường vẫn xem việc trực ban là một nhiệm vụ khổ sai, giờ đây cũng sẵn sàng trực thêm giờ. Về phía thủy thủ thì họ chỉ có một nguyện vọng: tìm thấy con cá một sừng, bắn trúng nó, kéo lên tàu rồi xả ra từng mảnh. Họ quan sát mặt biển một cách căng thẳng. Cần nói thêm rằng thuyền trưởng Pha- ra- gút đã hứa là sẽ thưởng hai ngàn đô- la cho người nào phát hiện ra quái vật đầu tiên, không kể là thủy thủ đang học nghề, thủy thủ hay sĩ quan. Tôi cũng chẳng thua gì mọi người, tôi cũng đứng trên boong ngày này sang ngày khác. Chỉ có Công- xây là tỏ vẻ dửng dưng trước chuyện này và không hề có cái tâm trạng bị kích động đang lan tràn trên tàu. Thuyền trưởng Pha- ra- gút đã trang bị cho tàu của mình tất cả những thứ cần thiết để đánh con cá voi khổng lồ. Không một chiếc tàu đánh cá voi nào có thể được trang bị tốt hơn. Trên tàu Lin- côn có tất cả các thứ đạn bắn cá voi hiện đại nhất, từ loại đạn giống mũi tên nhọn phóng đi bằng tay, đến các loại đạn phá bắn bằng súng nòng dài. Phía mũi tàu có một cỗ đại bác kiểu cải tiến bắn loại đạn hình nón nặng bốn ki- lô- gam đi xa mười sáu ki- lô- mét. Tóm lại, tàu Lin- côn được trang bị tất cả các loại vũ khí ghê gớm nhất. Nhưng chưa hết! Trên tàu còn có Nét Len – “vua” bắn cá voi. Nét Len, gốc Ca- na- đa, là thợ săn cá voi giỏi tuyệt vời. Anh ta chưa hề gặp đối thủ trong cái nghề nguy hiểm của mình. ở Nét Len, sự khéo léo và bình tĩnh, lòng can đảm và sự nhanh trí đã kết hợp với nhau một cách cân đối. Cá voi hay cá nhà táng phải quỷ quyệt ranh ma lắm mới thoát được phát đạn của anh ta. Nét Len khoảng gần bốn mươi tuổi. Anh ta cao lớn, vạm vỡ, vẻ mặt khắc khổ, ít cởi mở, nóng tính, nên hơi một chút là nổi giận đùng đùng. Vẻ bề ngoài của anh ta làm mọi người chú ý, đặc biệt là đôi mắt cương nghị. Tôi cho rằng thuyền trưởng Pha- ra- gút đã hành động đúng khi mời Nét Len tham gia cuộc tìm kiếm. Cánh tay rắn chắc và đôi mắt tinh tường của anh ta cũng bằng tất cả đội thủy thủ rồi. Có thể ví Nét Len như một cái kính viễn vọng đồng thời là một khẩu đại bác luôn luôn sẵn sàng nhả đạn. Người Ca- na- đa thì cũng là người Pháp, và tôi phải thú thực rằng, mặc dù ít cởi mở, Nét Len vẫn có đôi chút cảm tình với tôi; chắc anh ta bị quốc tịch của tôi hấp dẫn. Đã có dịp anh ta nói với tôi bằng tiếng Pháp, một thứ tiếng Pháp cổ từ thời Ra- bơ- le hiện còn dùng ở một số tỉnh của Ca- na- đa.

Nét xuất thân từ một gia đình gốc rễ lâu đời ở thành phố Quê- bếch thuộc dòng dõi những thủy thủ can trường từ thời thành phố còn thuộc Pháp. Dần dần Nét cởi mở hơn, và tôi sẵn lòng nghe anh ta kể chuyện cuộc đời phiên bạt của mình ở vùng biển Bắc và Nam cực. Chuyện đánh cá của Nét, chuyện chiến đấu tay đôi với cá voi đượm một chất thơ chân thực. Nét kể chuyện theo lối anh hùng ca, đôi lúc tôi có cảm tưởng như đang nghe một Hô- me người Ca- na- đa đang ca I- li- át… Tôi miêu tả con người can đảm đó đúng như tôi hiểu anh ta hiện nay. Tôi đã kết bạn với Nét. Chúng tôi ràng buộc với nhau bằng một tình bạn không gì phá vỡ nổi, một tình cảm nảy nở và củng cố qua những thử thách gay go của cuộc đời. Nét cừ lắm! Tôi sẵn sàng sống thêm một trăm năm nữa để nhớ tới anh, Nét ạ! Nhưng Nét có ý kiến gì đối với con vật đó? Phải thú thực rằng anh ta không tin sự tồn tại của con cá một sừng thần bí ấy. Và là người duy nhất trên tàu không tán thành sự mù quáng của số đông. Thậm chí anh ta lảng tránh không động chạm tới chuyện con quái vật mà tôi có lần định nói với anh ta. Buổi chiều ngày 30 tháng 7 tuyệt đẹp, ba tuần sau khi tàu nhổ neo, chúng tôi tới gần mũi Blăng. Tàu vượt qua chí tuyến nam và chỉ còn bảy trăm hải lý nữa về phía nam là tới eo biển Ma- gien- lăng. Tám ngày nữa tàu Lin- côn sẽ bắt đầu rẽ sóng Thái Bình Dương! Tôi và Nét Len ngồi ở phía trước tàu nói chuyện phiếm, mắt không rời khỏi mặt biển. Câu chuyện tất nhiên chuyển sang vấn đề con cá một sừng, khổng lồ. Tôi bắt đầu điểm qua tất cả các trường hợp có thể quyết định ít nhiều sự thất bại của chuyến đi này. Nhưng thấy Nét lảng tránh, tôi đặt thẳng vấn đề:
– ạng Nét ạ, sao ông có thể nghi ngờ sự tồn tại của con cá mà chúng ta đang tìm diệt? ạng có cơ sở gì để không tin vào những sự việc đã xảy ra? Nét đưa mắt nhìn tôi khoảng một phút. Trước khi trả lời, anh ta theo thói quen vỗ trán một cái rồi nhắm mắt lại dường như để tập trung tư tưởng, rồi mới nói:
– Có cơ sở vững chắc, ngài A- rô- nắc ạ!
– ạng hãy nghe tôi, ông Nét! ạng là thợ săn cá voi chuyên nghiệp, ông đã từng gặp những con cá rất lớn. Lẽ ra ông phải tin hơn nhiều người khác là có một con cá khổng lồ thật, như thế mới đúng. Ai chứ ông thì trong trường hợp này không nên là kẻ nghi ngờ.
– Ngài lầm rồi, giáo sư ạ. Nếu người dốt nát tin rằng có những ngôi sao chổi báo điềm dữ đang bay trên trời, rằng trong lòng đất có những con quái vật thời cổ xưa thì họ cứ việc tin! Nhưng nhà thiên văn học và nhà địa chất học thì thấy những chuyện huyền hoặc đó thật nực cười. Người đánh cá voi cũng vậy. Tôi đã bao lần săn cá voi, bắn trúng và diệt được cũng nhiều , nhưng dù chúng có to và khỏe đến đâu thì sừng và đuôi của chúng cũng không thể đâm thủng được vỏ tàu bằng kim loại.
– Nhưng ông Nét ạ, người ta kể lại rằng có những trường hợp răng cá thiết hình đâm xuyên qua vỏ tàu.
– Tàu gỗ thì được thôi. Nhưng tôi cũng chưa thấy, và khi chưa thấy tận mắt thì tôi chưa thể tin được rằng cá voi, cá nhà táng và cá một sừng lại có thể đâm thủng tàu.

– ạng hãy nghe tôi, ông Nét…
– Xin lỗi giáo sư! Giáo sư muốn nói gì thì nói, nhưng đó nhất định không phải là cá. Là loại bạch tuộc khổng lồ thì còn có lý hơn.
– Bạch tuộc càng ít khả năng hơn, ông Nét ạ! Bạch tuộc là loài có thân mềm. Dù nó dài một trăm năm mươi mét đi nữa thì nó vẫn là một loài không xương sống và hoàn toàn vô hại đối với những tàu lớn như Xcôt- len và Lin- côn. Đã đến lúc phải xếp những chuyện hoang đường về chiến công của các loại bạch tuộc và các quái vật tương tự vào kho rồi!
– Tóm lại, thưa nhà nghiên cứu tự nhiên, – Nét hỏi có vẻ châm biếm, – ngài tin chắc con cá voi khổng lồ đó là có thật?
– Đúng! Lòng tin của tôi dựa trên việc đối chiếu các sự kiện một cách lô- gic. Tôi tin rằng đó là một động vật có vú, cơ thể rất khỏe, thuộc loại có xương sống, như cá voi, cá nhà táng hay cá heo, và có một cái sừng rắn chắc đặc biệt.
– Hừm!
– Nét lắc đầu nghi ngờ. Tôi nói tiếp:
– ạng bạn Ca- na- đa rất đáng kính ơi, ông nên nhớ rằng, nếu con cá đó có thật, nếu nó sống dưới biển sâu, ở những lớp nước cách mặt biển mấy hải lý, thì tất nhiên nó phải có một cơ thể khỏe mạnh vô cùng.
– Khỏe mạnh thế để làm gì?
– Để chịu được áp lực của những lớp nước phía trên.
– Thật không?

– Nét nheo mắt hỏi.
– Thật chứ! Để chứng minh, tôi có thể dẫn ra mấy con số.
– Con số để làm gì? Con số thì muốn nói thế nào chẳng được!
– Điều đó chỉ đúng trong việc buôn bán chứ không đúng trong toán học đâu. ạng nghe tôi nói nhé: Ta hãy hình dung áp lực một át- mốt- phe là áp lực một cột nước cao khoảng mười mét. Trên thực tế, cột nước đó thấp hơn một chút vì nước biển đặc hơn nước ngọt. Vậy khi ông lặn xuống nước sâu khoảng mười mét, thì mỗi cen- ti- mét vuông trên người ông phải chịu áp lực một áp- mốt- phe. Từ đấy, ta có thể tính rằng ở độ sâu một trăm mét, áp lực nước bằng mười át- mốt- phe; ở độ sâu một ngàn mét, áp lực nước bằng một trăm át- mốt- phe; ở độ sâu một vạn mét, áp lực nước bằng một ngàn át- mốt- phe. Tóm lại, nếu ta xuống tới độ sâu thần kỳ như vậy thì mỗi cen- ti- mét vuông trên mình ta phải chịu một ngàn ki- lô- gam. Thế ông có biết bề mặt thân thể người ta là bao nhiêu cen- ti- mét vuông không, ông Nét?
– Thưa ngài, tôi thật không biết ạ.
– Khoảng mười bảy ngàn.
– Thế cơ ạ?
– Vì trong thực tế, áp lực không khí hơi nhỉnh hơn một ki- lô- gam trên một cen- ti- mét vuông nên mười bảy ngàn cen- ti- mét vuông người ông đang phải chịu áp lực mười bảy ngàn năm trăm sáu tám ki- lô- gam đấy!
– Thế mà tôi chẳng thấy gì cả!
– Thấy làm sao được! Dưới áp lực lớn như thế mà người ông không bị đè bẹp, chính vì không khí trong người ông cũng có áp lực như vậy. Nghĩa là có một sự cân bằng hoàn toàn giữa áp lực bên ngoài và bên trong, trung hòa lẫn nhau. Vì thế ông không cảm thấy gì cả. Nhưng ở dưới nước thì hoàn toàn không giống như vậy.

– à, à, tôi hiểu rồi!
– Nét chăm chú nghe rồi trả lời.
– Nước khác với không khí, nó ép từ ngoài vào chứ không thấm được vào trong.
– Chính thế ông Nét ạ! Dưới độ sâu mười mét, ông sẽ chịu áp lực mười bảy nghìn năm trăm sáu tám ki- lô- gam, dưới độ sâu một trăm mét, áp lực đó tăng lên mười lần, nghĩa là bằng một trăm bảy mươi nhăm nghìn sáu trăm tám mươi ki- lô- gam. Nói một cách hình tượng, thì áp lực nước sẽ cán mỏng anh tốt hơn bất cứ một máy ép nào!
– Chà chà, khiếp quá nhỉ!
– Vậy thì, ông bạn bắn cá voi kính mến ơi, nếu một con vật có xương sống dài mấy trăm mét và to ngang tương xứng, có thể sống ở độ sâu như thế, thì mấy triệu cen- ti- mét vuông trên thân nó phải chịu áp lực hàng chục tỷ ki- lô- gam. Con vật đó phải có các cơ mạnh thế nào, cơ thể nó phải có sức đề kháng cao thế nào mới chịu nổi một áp lực lớn như thế!
– Có lẽ nó được bọc một lá thép dày hai mươi cen- ti- mét hệt như cái tàu bọc thép!
– Có lẽ thế đấy, ông Nét ạ. ạng thử nghĩ xem, một khối đồ sộ như vậy, lao đi với tốc độ xe lửa chạy nhanh, mà đâm vào thân tàu thì sẽ có sức phá hoại thế nào!
– Vâng… Đúng vậy… có thể…
– Nét trả lời. Anh ta lúng túng vì những con số đó, nhưng vẫn chưa muốn đầu hàng.
– Thế nào, ông tin rồi chứ?
– Ngài đã thuyết phục tôi được một điều. Nếu quả thực dưới biển sâu có những con vật như vậy thì chúng phải rất khỏe đúng như ngài nói.
– Nhưng nếu ông cứ cãi bướng là chúng không có thực thì ông sẽ giải thích vụ tàu Xcốt- len như thế nào?
– Giải thích thế này…

– Nét ngập ngừng.
– Nào, nào. Nói đi.
Giải thích rằng tất cả những cái đó đều là chuyện bịa đặt! Nhưng trả lời như vậy chỉ chứng tỏ là Nét ương bướng chứ chẳng có gì khác. Hôm đó, tôi để anh ta yên. Vụ tàu Xcốt- len không còn nghi ngờ gì nữa. Tàu bị thủng to đến nỗi phải hàn lại, và tôi thấy chẳng cần đòi hỏi những chứng cớ có tính thuyết phục hơn làm gì. Tàu không thể tự nhiên bị thủng, và vì đã loại trừ những ý kiến cho rằng tàu đã đâm phải một dải đá ngầm hay một viên đạn bắn cá voi, nên mọi sự đều gán cả cho cái sừng nhọn của quái vật. Tóm lại, dựa vào những lý lẽ đã trình bày ở trên, tôi xếp quái vật vào kiểu có xương sống, lớp có vú, bộ cá voi. Còn xếp nó vào họ, giống, loài nào thì sau này mới biết rõ được. Muốn giải quyết vấn đề này, cần phải mổ quái vật, muốn mổ thì phải bắt được; muốn bắt được thì phải bắn trúng – đó là việc của Nét Len; muốn bắn trúng thì phải tìm ra – đó là việc của cả tàu; muốn tìm ra thì phải gặp – đó lại là chuyện may rủi!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.