Hàn Phi Tử

LỜI GIỚI THIỆU



Đối với văn hoá thế giới, Hàn Phi Tử là một tác phẩm hết sức độc đáo. Về mặt chính trị, nó là công trình quan trọng nhất của chính trị học Trung Hoa và một trong những tác phẩm đầu tiên của chính trị học thế giới. Về tư tưởng, nó xác lập trường phái Pháp gia, một trong bốn trường phái lớn nhất của tư tưởng Trung Quốc (Nho, Mặc, Lão, Pháp). Về văn học, nó là một công trình cực kỳ hấp dẫn. Trên cơ sở một cách trình bày khách quan, ta thấy toàn bộ xã hội cổ Trung Quốc sống lại với mọi quan hệ, vô số sự kiện. Và lạ hơn nữa, đọc cái công trình viết cách đây 2300 năm này ai cũng giật mình về tính thời sự của nó. Ta có cảm tưởng rằng tác giả là người hiện nay, nói bằng ngôn ngữ và cách lý luận hôm nay về các quan hệ giữa người với người ngày hôm nay, không chỉ ở Trung Hoa mà ở cả thế giới, trong đó có Việt Nam. Ta bắt buộc phải thừa nhận con người viết ra nó thực sự là một thiên tài toàn diện. Một đầu óc lỗi lạc nhất của Trung Hoa và của loài người, con người Trung Quốc đầu tiên dám nhìn thẳng vào sự thật với tất cả cái tàn nhẫn của nó để tìm cách đưa đến một cuộc sống yên ổn cho người dân thường trong khuôn khổ của thời đại quân chủ.
Tác giả của nó là Hàn Phi, chết vào năm 232 trước công nguyên. Tiểu sử của ông đã được Tư Mã Thiên kể lại chính xác trong bộ Sử Ký. Phi là một công tử nước Hàn, tức là người con (tử) của vua (Công) nước Hàn nhưng không phải là người sẽ thừa kế ngôi vua. Hoàn cảnh ấy giúp Phi ngay từ bé đã nhìn thấy rõ các quan hệ giữa vua tôi và cách trị nước. Sau đó Phi đến học với Tuấn Khanh, tức Tuân Tử, nhà học giả lớn nhất thời bấy giờ. Phi tiếp thu Nho giáo, do đó rất thông thạo về lịch sử, văn học. Phi thừa kế của thầy quan niệm bản tính con người là ác, căm ghét mê tín, coi trọng giáo dục đề cao các tiên vương các đời Hạ, Thương, Chu mà xem nhẹ Nghiêu, Thuấn là mẫu mực của Khổng Tử. Cùng học với Phi có Lý Tư sau này sẽ làm thừa tướng nước Tần. Lý Tư thừa nhận Phi giỏi hơn mình. Chủ trương của Tuân Tử là dùng lễ để trị nước, khác chủ trương dùng nhân để trị nước của Khổng Tử. Lễ và pháp luật là rất gần nhau cho nên cả Hàn Phi lẫn Lý Tư đều chuyển sang pháp trị. Về nước, Phi thấy nước Hàn yếu đuối, mấy lần dâng thư cho vua Hàn nhưng nhà vua không nghe. Phi nghĩ cách xây dựng một học thuyết đế lại cho đời sau về việc trị nước. Phi tiếp thu lý thuyết pháp gia đã có từ trước. Nhưng lý thuyết này qua Quản Trọng, Thương Ưởng, Thân Bất Hại vân vân chỉ mới là những phép tắc. Nó còn thiếu một linh hồn để trở thành sinh động, uyển chuyển, áp dụng cho vô vàn trường hợp khác nhau. Phi thấy nó ở đạo Lão và đưa đạo Lão vào hoán cải cái học thuyết vốn dĩ khô khan thành một học thuyết đầy sức sống. Nếu Quản Trọng, Thương Ưởng chỉ mới thấy cái quan trọng của phép tắc, Thân Bất Hại thấy thêm được cái thế, thì với Hàn Phi: trị nước, trở thành một cái thuật để người cai trị sử dụng mà ứng phó với mọi trường hợp. Do đó, Phi là người lớn nhất của trường phái Pháp gia và bộ Hàn Phi Tử trở thành tác phẩm quyết định của toàn bộ học thuyết này.
Nhìn thực trạng chính trị đương thời, Phi đau xót: các vua chúa, mà trước hết là ở nước Hàn, chẳng lo soi sáng pháp chế, nắm lấy cái thế để chế ngự bầy tôi, lo nước giàu dân mạnh, dùng những người tài giỏi; trái lại, họ nghe theo bọn sâu mọt làm hại nước. Ông có sẵn học vấn vô cùng uyên bác tiếp thu của Tuân Tử, ông kiểm soát lại tình hình chính trị, lý giải tại sao nước này mạnh, nước kia yếu, thời kỳ này cường thịnh, thời kỳ kia suy đồi. Ông thấy lý do là rất đơn giản: những người nhà vua cần dựa vào để bảo vệ nước là người tài giỏi, binh sĩ, người cày thì bị vứt bỏ; trái lại nhà vua lo nuôi bọn lừa dối, làm hại đến nước. Không ai chịu xây dựng một kỷ cương, pháp luật để làm cho dân giàu nước mạnh mà chỉ vâng theo ham thích nhất thời. Càng hiểu được sự thực, ông càng thất vọng. Ông phẫn uất trong cảnh cô độc, thấy cái khó trong việc nói sự thực. Phi là người có tật, ông nói ngọng. Không thành công trong việc nói, ông dốc hết tâm trí vào việc viết mong để lại cho đời sau cái học thuyết mà ông tin là sẽ làm cho dân yên, nước mạnh.
Tần Thuỷ Hoàng đọc tác phẩm, thán phục vô cùng, nói: “Ta được làm bạn với con người này thì có chết cũng không uổng”. Lý Tư lúc này là thừa tướng nói: Đó là tác phẩm của Hàn Phi. Hàn Phi trở thành sứ giả của nước Hàn sang nước Tần.
Nhưng Phi sang Tần không phải để sống, mà để chết. Phi được giao nhiệm vụ phải cứu nước Hàn khỏi bị nước Tần diệt. Mà tình hình nước Hàn lúc này thực tế đã tuyệt vọng. Không ai nghe lời Phi khi Phi dâng các bài nghị luận của mình, bây giờ Tần sắp cất quân sang đánh, nước Hàn sắp bị tiêu diệt thì làm cách nào cứu được? Phi dâng vua Tần bài Bảo tồn nước Hàn ra sức thuyết phục vua Tần đừng đánh nước Hàn. Vì bài ấy, Phi bị Lý Tư cho là kẻ chỉ mưu lợi cho Hàn mà làm hại nước Tần. Phi bị giam vào ngục. Biết tình thế này không thể nào cứu nước Hàn được, Phi gửi bài Lần đầu yết kiến vua Tần. Vua Tần xem xong rất phục, ra lệnh thả ngay Hàn Phi. Nhưng Lý Tư vốn ghen cái tài của người bạn mà Tư thừa hiểu là con người giỏi nhất về chính trị của thời đại, nên đã bắt Phi uống thuốc độc chết trong ngục tối.
Phi đón nhận cái chết thế nào cũng đến với kẻ sĩ biết đề cao pháp luật và thuật trị nước. Ông gửi tất cả tâm hồn và tinh lực vào tác phẩm Hàn Phi Tử mà ông tin là sẽ sống mãi với đời.
Lý thuyết pháp gia mà Hàn Phi là đại biểu lỗi lạc nhất là xuất phát từ tình thế xã hội thời Xuân Thu – Chiến Quốc. Vào thời Xuân Thu, Trung Quốc chia ra hàng trăm nước, nước do đó rất bé nhỏ. Quan hệ giữa quý tộc và dân lao động là trực tiếp. Xã hội chia ra đẳng cấp, tôn ty rõ ràng. Sự cai trị là dựa trên thứ bực. Luật pháp chỉ áp dụng cho dân thường còn đối với đại phu trở lên nếu có sai lầm chỉ khiển trách mà không trừng phạt. Đó là nguyên lý “Bậc đại phu (trở lên) thì không chịu hình phạt. Không dùng lễ với thứ dân”. Việc nắm lấy hình phạt, vận dụng nó là quyền của quý tộc, dân chỉ biết vâng theo. Cái đó gọi là cai trị theo nhân, nhân trị. Nhưng nó tất yếu dẫn tới sự hủ bại của tầng lớp thống trị, dân oán và nước mất. Trước tình hình ấy xuất hiện yêu cầu nước giàu, binh mạnh để thôn tính các nước khác, làm bá vương. Muốn nước giàu binh mạnh thì phải đề cao pháp luật, đề cao kẻ chiến đấu và sản xuất, hạ thấp địa vị quý tộc, không chấp nhận một lớp người sử dụng pháp luật mà không bị pháp luật chi phối và một lớp người là đối tượng của pháp luật mà chẳng được quyền lợi pháp luật cấp cho. Quản Trọng, người đầu tiên làm cho nước Tể trước công nguyên sáu thế kỷ thành bá, khẳng định: “Pháp (luật) là cái quy tắc của thiên hạ… Lấy pháp (luật) mà giết trị tội thì dân chịu chết mà không oán, lấy pháp (luật) mà định công lao thì dân nhận thưởng mà không cho là án đức… Cho nên quan lại mà sai khiến dân là có pháp (luật), thì dân theo, không có pháp (luật) thì dân dừng lại. Dân lấy pháp (luật) chống nhau với quan lại Người dưới lấy pháp (luật) phục vụ người trên, cho nên bọn dối trá không thể lừa chủ, bọn ghen ghét không thể có cái bụng kẻ giặc, bọn xu nịnh không thể khoe cái khéo, ngoài ngàn dặm không dám làm điều trái” (Quản Tử, quyền 21).
Dĩ nhiên đạo Nho rất chống lại pháp gia. Thực tế của nhân trị hay đức trị mà Nho giáo chủ trương là củng cố sự phân chia đẳng cấp, thần thánh hoá lớp trên, biến mọi khen thưởng thành ân huệ, mọi trừng phạt thành uy lực lớp trên. Câu chuyện dưới dây là hết sức điển hình. Tử Sản (-536) nước Trịnh ban hành Hình thư (sách ghi pháp luật). Phạm Tuyên Tử (-513) cầm đầu nước Tấn sai khắc pháp luật vào cái vạc là vật để nấu người có tội. Sách Tả truyện cũng làm vào thời Khổng Tử chép lại câu nói cáu giận của Khổng Tử:
“Nước Tấn sẽ mất chăng? Bỏ mất pháp độ (tức là lối cai trị bằng đẳng cấp) rồi! Nước Tấn xưa nay giữ pháp độ mà Thúc Hướng nhận được, để cai trị dân mình. Các quan khanh, đại phu theo thứ tự giữ nó. Nhờ thế, dân có thể tôn quý người sang, người sang nhờ thế gìn giữ được cơ nghiệp mình. Người sang người hèn không lẫn lộn, cái đó gọi là pháp độ… Nay bỏ pháp độ này mà làm cái vạc ghi pháp luật, thì dân chỉ biết cúi vạc, lấy gì để tôn quý (người sang)? Người sang còn có cơ nghiệp nào để giữ? Người sang kẻ hèn không có trên dưới, lấy gì để làm thành nước?” (Tả truyện, quyền 26).
Thực chất của đức trị, nhân trị mà đạo Nho chủ trương chẳng qua là duy trì sự phân biệt giữa người sang, kẻ hèn, bắt kẻ hèn chịu ơn, sợ hãi uy lực người sang. Nếu dân biết “cái vạc” thì họ được thưởng là do công của họ, bị phạt là do tội của họ. Người sang chẳng khác gì họ hết, cũng bị phạt, được thưởng như họ. Người sang chẳng còn gì là thiêng liêng nên không giữ được cơ nghiệp của họ nữa. Còn thực tế lịch sử chứng minh vô số nước giữ pháp độ theo cách hiểu của Khổng Tử đã bị diệt. Trái lại các nước dựa vào pháp luật để trị nước thì mạnh lên, thôn tính các nước khác.
Tiêu biểu nhất là nước Tần. Vua các nước chư hầu họp, vua nước Tần không được vào họp vì nước Tần bị xem là một nước mọi rợ. Tần Hiếu Công xấu hổ quyết tâm theo đường lối cai trị của Thương Ưởng, con đường pháp trị. Thương Ưởng (năm -350) tư hữu hoá ruộng đất, xoá bỏ chế độ độc quyền ruộng đất của quý tộc. Toàn dân chỉ làm hai việc là sản xuất và chiến đấu. Mọi việc khen thưởng chỉ dựa vào hai tiêu chuẩn ấy. Kết quả đẳng cấp quý tộc bị thủ tiêu. Trị nước theo pháp luật công khai và bình đẳng. Nước Tần trở thành nước mạnh nhất, giàu có nhất thiên hạ. Một trăm hai mươi năm sau (-227) Tần Thuỷ Hoàng thống nhất thiên hạ. Trước sự lớn mạnh vùn vụt của nước Tần, sáu nước tìm mọi cách chống lại nhưng đều thất bại. Một số người thi hành pháp trị ở nước mình phục vụ: Ngô Khởi ở nước Sở, Thân Bất Bại ở nước Hàn. Nước họ nhất thời hùng mạnh, nhưng họ chết thì đường lối pháp trị bị xoá bỏ: cơ sở xã hội cũ quá mạnh không phải như ở nước Tần là nước chưa thực sự chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa.
Trong phạm vi một bài giới thiệu sách, không thể nói hết lý thuyết pháp gia, chỉ có thể nêu một vài điểm để đọc Hàn Phi Tử cho tiện mà thôi. Pháp gia gồm ba phái: phái chủ trương dùng pháp luật, đó là phái Thương Ưởng; phái chủ trương dùng thế, đó là phái Thân Bất Hại; phái chủ trương dùng thuật đồng thời kiêm luôn hai chủ trương trên, đó là phái Hàn Phi. Cho nên đọc Hàn Phi Tử là đủ để nắm toàn bộ học thuyết này.
Trước hết nó khẳng định tầm quan trọng của pháp luật: “Bỏ pháp luật mà dùng cái tâm để trị, thì Nghiêu cũng không thể chỉnh đốn một nước. Bỏ cái quy, cái củ mà cứ ức đạc bừa thì Hề Trọng cũng không thể làm xong một bánh xe. Bỏ thước tấc mà đoán dài ngắn thì Vương Nhĩ cũng không thể biết điểm ở giữa. Khiến ông vua bậc trung giữ pháp thuật, người thợ vụng giữ cái quy, cái củ, cái thước, cái tấc, thì vạn điều không sai một. Kẻ làm vua người ta nếu có thể bỏ cái mà người hiền, người khéo không làm được, nắm lấy cái người bình thường mà vụng làm vạn điều không sai thì làm hết sức người là lập nên công danh”. Pháp luật phải công khai “Pháp là cái chép để ở trong sách vở, đặt nơi cửa công, ban bố cho trăm họ”. Đã lập pháp luật thì cả nước trên dưới đều biết, không ai được tự ý thay đổi: “Pháp luật không hùa theo người sang… Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu…”. “Cho nên bậc vua sáng khiến pháp luật chọn người chứ không tự mình tiến cử, khiến cho pháp luật đo lường công lao, chứ không tự mình tính toán” (“Có phép tắc”).

Có pháp luật rồi để khen thưởng hay trừng phạt thì phải xét cái sự thực đã làm ra (hình) và tên gọi của công việc (danh) có phù hợp với nhau không. Đó là thuyết hình danh:
“Bậc làm vua muốn cấm chuyện gian tà thì phải xét kỹ tên gọi và việc làm xem có hợp với nhau không, phải xét xem việc làm có khác lời nói không. Bầy tôi trình lời nói của mình, nhà vua căn cứ vào lời nói mà giao công việc, rồi căn cứ vào công việc mà xét kết quả. Nếu kết quả phù hợp với việc làm, việc làm phù hợp với lời nói thì thưởng. Nếu kết quả không phù hợp với việc làm, việc làm không phù hợp với lời nói thì phạt” (“Hai cái cán”).
Cái gọi là “chính danh” của Khổng Tử là để củng cố sự phân chia xã hội ra thành những tầng lớp khác nhau, mỗi tầng lớp làm theo cương vị mình. Còn “hình danh” của pháp gia là xoá bỏ đẳng cấp, mọi người ngang nhau trước pháp luật.
Ông vua có hai cái quyền là thưởng và phạt. Hàn Phi gọi đó là hai cái cán mà ông vua không thể trao cho ai. Cái thế của ông vua là ở đấy. Ông vua phải thưởng phạt nghiêm và giữ lấy cái thế của mình: Kiệt mà làm thiên tử thì khống chế được cả thiên hạ. Không phải ông ta hiền mà cái thế ông ta nồng; Nghiêu làm kẻ thất phu thì không thể chỉnh đến được ba nhà. Không phải vì ông ta kém, mà vì cái thế ông ta thấp.
Những điều nói trên đây là chung cho các pháp gia, không phải là cống hiến riêng của Hàn Phi. Sở dĩ Hàn Phi thành vĩ đại là vì ông biết nâng học thuyết pháp trị lên một hệ tư tưởng nhờ chỗ ông có một học vấn Nho giáo hết sức uyên bác và một am hiểu Lão giáo hết sức sâu sắc.
Là học trò lớn nhất của Tuân Tử, ông tiếp thu lý luận của Tuân Tử “Bản tính con người là ác”. Cho nên đọc cách nhận xét của ông về con người, ta ngạc nhiên tại sao nó giống lý luận duy lợi chủ nghĩa của Anh ở thế kỷ XVIII đến thế. Hàn Phi phủ nhận mọi lý luận đề cao cái cao quý của con người. Đối với ông, con người làm theo lợi ích cá nhân, bao giờ cũng mưu mô tính toán để kiếm lợi ích ích kỷ của mình. Bầy tôi đối với nhà vua chỉ là những hươu kiếm cỏ. Cỏ ở đâu nhiều thì hươu đến đấy. Cho nên khi xét hành động của ai thì đừng sử dụng những khái niệm nhân, nghĩa, lễ vân vân của đạo đức truyền thống mà phải xét ở khía cạnh lợi ích: Hoàng Đế có câu: “Người trên, kẻ dưới một ngày đánh nhau trăm trận”. Người dưới che giấu cái riêng tư của mình để thử bụng người trên. Người trên nắm lấy quyền cân nhắc để tước bớt quyền lực kẻ dưới. Cho nên lập pháp cân nhắc, đo lường là cái quý của nhà vua. Có bè có đảng, đó là cái quý của bề tôi. Bầy tôi sở dĩ không giết vua là vì bè đảng chưa đủ”. (“Nêu cao uy quyền”).
Đối với ông, mọi cái cao quý, thiêng liêng đều quy về lợi hết. Trong các nhà tư tưởng Trung Quốc, ông là người có lối lý luận tàn nhẫn nhất. Lý do chính là vì cuộc đời ông với tư cách con vua, khiến ông thấy đâu đâu cũng là lừa dối, lợi dụng tính toán, mưu mô. Cái lợi ở đâu thì người ta theo đó làm. Người đóng quan tài thì mong cho người ta chết, người làm cỗ xe thì mong cho người ta được sang. Hoàn cảnh kinh tế tạo ra tư tưởng, chứ tư tưởng không tự nó nẩy sinh. Trong bài Năm lũ sâu mọt, ông giải thích thời thượng cổ người ta có thể dùng đức trị nước là vì thời ấy của nhiều người ít. Bây giờ người đông, của hiếm thì sự tranh giành mưu mô là điều tự nhiên. Khác các nhà tư tưởng than phiền về đạo đức suy đổi hay giáo dục đạo đức để cứu vãn xã hội, ông có một thái độ rất gần các nhà kinh tế học Anh. Chấp nhận con người như nó tồn tại. Nó ham lợi riêng, nó ích kỷ, mặc nó. Chỉ cần đổi mục tiêu của lợi là xã hội sẽ yên ổn. Bắt con người thấy lợi riêng của anh là ở lợi chung của nước thì con người vì lợi riêng của mình mà trước đó phải lo đến lợi chung. Còn anh mưu những lợi riêng mà đi ngược lại lợi chung thì trừng phạt thẳng tay. Chỉ cần làm thế là đủ.
Nhờ tiếp thu học vấn uyên bác của đạo Nho, cho nên Hàn Phi đã không chứng minh thì thôi, chứ đã chứng minh thì bằng chứng dồn dập, sự việc đầy đủ, kiến thức phong phú, căn cứ xác thực. Khác các nhà tư tưởng khác chỉ bàn trên nguyên lý, khi đi vào sự kiện thì dẫn những chuyện xa xôi thời Nghiêu, Thuấn chẳng có gì xác thực. Hàn Phi đã chứng minh là dùng toàn sự việc có thực ngay ở trong lịch sử thời Xuân Thu – Chiến Quốc và những câu chuyện rất sắc sảo lấy ở dân gian. Cho nên sức thuyết phục của ông rất mạnh.
Nhưng điều còn quan trọng hơn là ông biết tìm một học thuyết triết học làm xương sống cho lý thuyết pháp trị. Đó là lý thuyết của Lão Tử mà cơ sở là Đạo đức kinh. Ông dành hai Thiên để giải thích tác phẩm này bằng những thí dụ thực tế để hiểu phép trị nước. Đó là thiên 20 “Giải thích Lão Tử” và thiên 21 “Minh hoạ Lão Tử”. Đạo đức kinh là một tác phẩm thuần tuý tư biện, với ông biến thành một tác phẩm thuần tuý thực dụng, chứa đựng toàn mánh khoé, mưu mô. Đó là sự đóng góp riêng của ông vào “thuật trị nước”. Kết quả ông là con người duy nhất của Trung Quốc thực hiện được một sự tổng hợp ba học thuyết Nho, Lão, Pháp, ở đó Nho là tài liệu xây dựng, Pháp là cái bản thiết kế, nhưng Lão mới là kỹ thuật thi công của cái ngôi nhà độc đáo.
Khái niệm chủ đạo của ông là “vô vi”. Vô vi là cái gì? Vô số học giả tranh luận về khái niệm này không ai chịu ai. Theo tôi, một người rất non kém nhưng cũng đã đọc hết bách gia, “vô vi” không phải là “không làm gì”, cũng không phải “không vì cái gì” bởi vì con người “vô vi” làm rất nhiều việc, và lo đến cả thiên hạ, như trường hợp Hàn Phi thì rõ. “Vô vi” là danh từ kép “cái làm của cái vô”. Cái vô cũng không có gì bí hiểm, đó là cái lẽ tự nhiên, khách quan, của sự vật. Làm cái vô vi là làm theo cái lẽ tự nhiên, khách quan của sự việc, do đó mà thực tế có vẻ như không làm gì hết. Con người ích kỷ, ham lợi, ghét hại, thích thưởng, sợ trừng phạt… đó là cái lẽ tự nhiên. Con người “vô vi” chấp nhận các quan hệ khách quan, không việc gì chống lại nó. Anh ta đạt đến cái lợi của mình bằng cách sử dụng các quan hệ ấy theo lợi ích của mình. Đoạn sau đây chứng tỏ điều đó:
“Trời có cái lẽ tự nhiên của nó, con người có cái lẽ tự nhiên của nó. Mùi thơm, vị ngon, rượu nồng, thịt béo làm ngon miệng nhưng sinh bệnh… Cái quyền không nên lộ ra, bản chất của nó là vô vi. Bậc thánh nhân nắm lấy cái chủ yếu, bốn phương đến phục dịch. Mình hư tâm (không có thành kiến) đối xử, người ta tự họ thi hành. Bốn biển đã đầy đủ, do ám mà thấy dương,. Những người chung quanh đã xác lập xong, mở cửa để đón tiếp… Nói chung, sự vật đều có chỗ thích nghi của nó, của cái đều có chỗ dùng của nó, mỗi người đều ở vào chỗ đứng của mình, cho nên trên dưới vô vi. Khiến con gà gáy sáng, khiến con mèo bắt chuột, mọi vật đều dùng cái tài của nó cho nên trên dưới vô sự . (“Nêu cao uy quyền”).

Ông vua không tự mình làm mà để bầy tôi trình bày biện pháp (danh) rồi giao cho anh ta làm, sau đó xét kết quả (hình) để quyết định thưởng phạt. Thuyết hình danh sau này được các vua đầu nhà Hán rất thích.
Để thực hiện vô vi hay làm theo đúng đạo tự nhiên, ông vua phải hiểu mọi cái lẽ tất nhiên để đề phòng và tận dụng. Đọc Hàn Phi Tử, bạn đọc sẽ thấy chữ “thế nào cũng” khắp nơi là vì thế. Hàn Phi biến tất cả thành quan hệ tất yếu chứ không xét sự việc rời rạc. Phải đề phòng từ vợ, con, tể tướng, trâm quan đến các nhà biện luận, các sứ thần, nước ngoài… Việc lớn, việc nhỏ gì cũng đều có cái lẽ tất yếu của nó, phải nhìn sự việc từ khi nó mới nhú lên. Làm ngay vào lúc ấy thì đạt đến kết quả mà phí rất ít công sức. Hàn Phi trình bày rất kỹ những biện pháp đề phòng, những dấu hiệu báo trước sự mất nước, những mánh khoé kiểm tra v.v… Với ông tất cả biến thành thao tác. Cách nhìn sự việc với con mắt khách quan, quy tất cả thành thạo tác, quan hệ khiến chúng ta sửng sốt về tính hiện đại của nó.
Cách trình bày của Hàn Phi là hiện đại đến mức một người quen đọc sách lý luận của Trung Quốc cổ ngạc nhiên.. Trong cách trình bày của Trung Quốc cổ, mặc dầu kiến thức rất phong phú, văn chương rất hay, nhưng các khớp xương của lý luận rất lỏng lẻo. Thí dụ Đại học nói “Tu được thân thì tề được gia. Tề được gia thì trị được nước”. Nhưng tu thân và tề gia là hai chuyện hết sức khác nhau, tề gia và trị nước cũng thế. Giữa hai vế thiếu cái vế giữa nêu lên cái quan hệ tất yếu giữa chúng. Mặc Từ nói rất hay về thuyết kiêm ái tức là một người phải yêu tất cả mọi người. Nhưng dù ông có nói mọi cái đẹp của lý thuyết này, ông vẫn quên cái khâu cơ bản nhất: con người có những lý do rất quan trọng để lo đến bản thân trước khi lo đến người khác. Chừng nào Mặc Tử chưa giải quyết được điểm ấy thì lý luận ông vẫn không vững.
Với Hàn Phi thì khác. Bài “Nỗi phẫn uất của con người cô độc” nói kẻ cầm quyền nắm năm cái thắng (ở gần được vua tin yêu, người cũ và quen thuộc nhà vua, cùng ham thích như nhà vua, được quý trọng, cả một nước theo anh ta), kẻ sĩ biết đề cao pháp luật nắm lấy năm cái thua (ở xa và không thân nhà vua, mới đến, nói trái ý nhà vua, bị coi khinh, đơn độc) cho nên dù anh ta có giỏi đến đâu, anh ta vẫn bị nguy. Trình bày như thế thì hết sức chặt chẽ: Kẻ sĩ muốn đề cao pháp luật thế nào cũng phải chống lại kẻ cầm quyền – nhưng kẻ cầm quyền được nhà vua thân, tin, thích và dĩ nhiên là ghét anh ta – vậy nhà vua tất nhiên sẽ làm theo ý kẻ cầm quyền mà giết anh ta. Cái vế ở giữa mà phần lớn các nhà lý luận bỏ qua thì Hàn Phi rất chú ý cho nên lập luận của ông rất vững chắc.
Đối với ai muốn hiểu chế độ quân chủ Trung Quốc, thực tế không có tác phẩm nào quan trọng bằng Hàn Phi Tử. Toàn bộ các quan hệ xã hội được phơi bày đến mức tàn nhẫn, không nể nang gì hết: óc phê phán của tác giả sắc bên đến mức nó là bản cáo trạng đầy đủ nhất, khách quan nhất về chế độ quân chủ. Là người quý tộc, ông từ bỏ tầng lớp quý tộc, căm thù nó. Ông phê phán chế độ quân chủ từ bên trong cho nên rất sâu sắc. Bản thân ông vua thảm hại hơn người hủi, chung quanh ông ta toàn kẻ thù, còn ông ta muốn tồn tại phải sử dụng hết mưu mô này đến mánh khoé khác. Tác giả không bao giờ bị mê hoặc bởi cái hào nhoáng bên ngoài mà bao giờ cũng nhìn thẳng vào các quan hệ bất biến.
Tác phẩm này còn chứa đựng một giá trị văn học rất cao, điều đó mới đáng ngạc nhiên. Nguyên nhân của nó là ở con người Hàn Phi. Thời xưa không hiểu được con người ông bảo ông là kẻ tàn nhẫn, thực ra Hàn Phi chính là con người “đau khổ vì trí tuệ” đầu tiên mà ta biết được. Ông ý thức được cái học vấn và cái tài vô song của mình mà so với nó tất cả bọn Tô Tần, Trương Nghi, Lý Tư đều là trẻ con. Ông hiểu được khả năng về chính trị của mình mà so với nó, Quản Trọng, Thương Quân còn kém xa. Nhưng ông tuyệt vọng trước tình thế hiện tại. Vua chúa các nước thì ngu độn, ở nước Tần thì đã có Lý Tư. Ông thấy trước không còn cách gì du thuyết. Với ông, chỉ có hai con đường, một là vứt bỏ tài năng và hiểu biết, sống theo bọn nịnh thần. Hai là sống như ông muốn sống để chấp nhận cái chết không tài nào tránh khỏi. Với tư cách một nhân cách ông đã chấp nhận con đường thứ hai.
Thiên “Hỏi họ Điền” kể lại một câu chuyện đáng chú ý. Đường Khê Công lo sợ cho việc làm viết sách của Hàn Phi nhắc đến chuyện Ngô Khởi bị xé xác, Thương Quân bị phanh thây, khuyên Hàn Phi bỏ công việc này. Hàn Phi đáp: “Tôi rất hiểu những lời nói của tiên sinh. Phàm nắm lấy cái quyền cai trị thiên hạ, dùng pháp độ để trị dân là điều không phải dễ. Nhưng sở dĩ tôi gạt bỏ lời dạy của tiên sinh mà làm theo điều riêng tôi cho là phải là vì tôi nghĩ rằng: lập ra phép tắc và thuật cai trị, lập ra quy củ đó là cái đạo để làm lợi cho dân và tiện cho thứ dân. Cho nên tôi không sợ hoạ và mối lo bị chúa hôn ám, vua loạn, mà nhất định nghĩ đến cái lợi của việc trị dân, cái hành động của kẻ có nhân và có trí. Sợ mối lo và cái hoạ do chúa hôn ám, vua loạn gây nên mà tránh cái hại bị giết, bị chết, hiểu rõ cái lợi của mình mà không nhìn thấy cái lợi của dân hèn, là hành vi của kẻ tham lam bỉ ổi. Tôi không đành làm việc tham lam bỉ ổi, không dám làm cái hành vi có hại đến chữ nhân và chữ trí. Tiên sinh có bụng thương tôi, nhưng thực ra làm thương tổn đến tôi rất nhiều”.
Chính Hàn Phi Tử được viết với cái tinh thần dũng cảm ấy cho nên nó lôi cuốn tất cả những ai có gan nhìn thẳng vào sự thực, dám nhận trách nhiệm trước dân đen. Tinh thần ấy đã khiến cho cái tác phẩm lý luận lẽ ra phải rất khô khan, nhưng đọc hết sức xúc động.
Lý thuyết Hàn Phi được Tần Thuỷ Hoàng dùng để thống nhất Trung Quốc. Sau đó nó làm thành lý thuyết của nền quân chủ Trung Hoa nhưng bao giờ cũng bị che giấu dưới cái vẻ bên ngoài Nho giáo tức là lý luận “Dương Nho Âm Pháp” mà Lục Giả đã bày cho Hán Cao Tổ. Gia Cát Lượng ba lần chép bộ sách này để cho con của Lưu Bị học mà trị nước. Các cố gắng sửa đổi pháp chế vào đời Đường, đời Tống đều dựa vào Hàn Phi Tử. Ở Việt Nam trong các việc làm của Lê Thánh Tông, Minh Mệnh có dấu vết của học thuyết pháp gia. Còn ở Trung Quốc ngày nay đằng sau ngôn ngữ mác xít ta vẫn thấy sức sống mạnh mẽ của Hàn Phi Tử.
Học thuyết Hàn Phi Tử có những sai lầm căn bản:
Một là ông chỉ thấy con người ở khía cạnh vụ lợi. Điều đó không đúng. Con người có những lý tưởng cao đẹp và sẵn sàng quên mình cho những lý tưởng ấy dù cho các quyền lợi cá nhân bị vi phạm đến một mức nào đó. Không cần tìm một dẫn chứng nào xa xôi, chính Hàn Phi là một người như thế.
Hai là, không thể xây dựng một lý thuyết pháp trị vững chắc dựa trên quyền lợi một ông vua. Lịch sử chưa cho thấy một ông vua nào không bị chế độ quan liêu tha hoá. Trong những hoàn cảnh nhất định để đạt được mục đích trả thù, bá chủ thiên hạ… ông vua có thể tạm thời theo, nhưng sau khi đạt được mục đích ông vua nào cũng hư hỏng. Do đó trong thời đại quân chủ, cái mơ ước mà Hàn Phi nghĩ đến không bao giờ đạt được.
Ba là, do chỗ bị hạn chế vào chế độ quân chủ Hàn Phi không thể tìm ra cái cơ chế bắt buộc nhà vua phải đề phòng tất cả những cái hoạ mà ông đã thấy từ trước.
Đối với một người đọc sách phương Đông để tìm sự thức nhận thì Hàn Phi Tử là bằng chứng tuyệt diệu của cái gọi là phương thức sản xuất châu á. Nó là một xã hội nô lệ toàn dân. Chỉ có một ông chủ: ông vua, mọi tài sản đều là của ông ta. Mọi người dân đều bình đẳng ở cái thân phận nô lệ. Tất cả, trừ vua, đều chí có quyền hưởng dụng (droit de possession) mà không có quyền sở hữu (droit de propriété). Gặp một xã hội như vậy thì những khái niệm nó sử dụng chỉ là những từ đồng âm với những từ phương Tây. Phương Tây nói đến lễ ta cũng nói lễ. Nhưng với người phương Tây cũng như với chúng ta ngày nay lễ biểu hiện trước hết ở thái độ tôn trọng chính mình. Tôi mặc quần áo chỉnh tề tiếp đón một ông tổng thống là vì tôi tôn trọng tôi và bắt ông ta phải tôn trọng lại tôi như tôi tôn trọng ông ta. Còn khi một người phương Đông quỳ trước một ông quan để chào ông ta thì khác hẳn: tôi tự phủ định tôi để ông được trọng. Chính trong cái hoàn cảnh ấy, lý thuyết pháp trị kiểu Hàn Phi mới ra đời được. Pháp luật là đặt ra phục vụ quyền lợi một người, chứ không phải một giai cấp. Sự bình đẳng mà pháp luật chủ trương là bình đẳng của nô lệ trước pháp luật đối với nhau. Nó xoá bỏ đẳng cấp để làm nổi bật hơn thân phận nô lệ của mọi người. Nó không phải là lý thuyết pháp trị hiện đại dựa liên quyền lợi của nhân dân lao động, khẳng định sự bình đẳng trước lao động, và giá trị của cá nhân người lao động.
Mặc dầu vậy, tác phẩm này vẫn rất có ích cho chúng ta. Nó cung cấp một cách nhìn hợp với phương Đông và một sự phê phán chế độ quân chủ rất khoa học, có lợi cho chế độ dân chủ.
Tác phẩm này khó đọc không phải vì Hàn Phi viết khó hiểu mà vì sau hai ngàn năm, nhiều chữ chép sai, nhiều chỗ chép sót, đến mức nếu không có một sự khảo chứng công phu thì khó có ai dịch được. Chúng tôi dịch được chẳng qua nhờ công khảo sát văn bản của vô số học giả Trung Hoa, đặc biệt nhờ bộ Hàn Phi Tử tập thích của Trần Kỳ Du, Bắc Kinh 1958, trong đó ông Trần Kỳ Du đã tập hợp mọi lời bàn của trên 50 nhà khảo cứu từ xưa đến nay. Chúng tôi hy vọng tác phẩm này tuy viết cách đây 2300 năm sẽ có ích cho công cuộc đổi mới mà Đảng và nhân dân đang tiến hành.

GS. PHAN NGỌC


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.