Hàn Phi Tử
Thiên II: Bảo tồn nước Hàn (Tồn Hàn)[7]
1. Nước Hàn thờ nước Tần đã ba mươi năm. Đi ra thì làm khiên mộc đổ che chở, vào thì làm chiếu nệm. Tần riêng lấy quân đội tinh nhuệ đánh lấy thiên hạ mà Hàn lại theo Tần. Thiên hạ oán nước Hàn, còn công lao quy về nước Tần. Vả lại, nước Hàn vào làm nhiệm vụ nộp cống không khác gì một quận huyện. Nay thần trộm nghe những bầy tôi sang chủ trương đem quân định đánh Hàn.
Phàm họ Triệu tập hợp binh sĩ, nuôi những kẻ hợp tung, muốn hợp nhất quân đội của thiên hạ. Nó thấy rõ rằng nếu như Tần không yếu đi thì các, nước chư hầu thế nào cũng bỏ mất tôn miếu. Cho nên nó muốn quay mặt về hướng tây để thi hành ý định của mình. Đó không phải là cái kế trong một ngày. Nay nước Tần bỏ cái lo về nước Triệu mà lại đánh nước Hàn là bầy tôi ở trong nước của mình thì thiên hạ thấy rõ cái kế của Triệu là đúng vậy.
2. Hàn là nước nhỏ, mà lại chống lại việc tấn công của thiên hạ ở cả bốn mặt. Vua nhục, tôi khổ, trên dưới cùng lo lắng đã lâu rồi. Lo phòng bị gìn giữ, đề phòng quân địch mạnh, có tích trữ, đắp thành đào ao để giữ vững.
Nay nếu đánh Hàn thì không thể trong một năm mà diệt được. Nếu chiếm được một thành rồi rút lui thì cái uy quyền của nó sẽ bị thiên hạ coi nhẹ và thiên hạ sẽ làm cho quân đội của nó bị gãy. Nếu nước Hàn làm phản thì nước Nguỵ sẽ hướng ứng, nước Triệu sẽ dựa vào nước Tề để tìm cái thế yên ổn. Như vậy tức là Tần đem nước Hàn, nước Nguỵ để giúp cho nước Triệu. Và nước Triệu nhờ thế nước Tề mà củng cố được cái kế hợp tung của mình để tranh cường với Tần. Đó là cái phúc của nước Triệu nhưng lại là cái hoạ của nước Tần vậy.
Phàm Tần tiến lên đánh Triệu thì không thể lấy, rút lui mà tấn công nước Hàn thì không thể cướp được. Như vậy là quân sĩ tinh nhuệ bị mắc ở nơi đồng nội, phải chiến đấu vất vả, quân đội chuyên chở lo mệt nhọc vận chuyển lương thực từ trong nước. Như vậy là tập hợp những người yếu đuối, mệt mỏi để đánh với hai vạn cỗ xe. Đó không phải là cách tiêu diệt được nước Triệu vậy. Nếu làm theo cái mưu kế của các bầy tôi sang thi nước Tần sẽ là mục tiêu công kích của quân đội thiên hạ. Tuy bệ hạ có sống lâu như vàng ngọc nhưng ngày thôn tính cả thiên hạ vẫn chưa đến.
3. Nay theo ngu kế của hạ thần thì nên sai người đi sứ sang nước Kinh, dùng nhiều của cải đút lót viên quan có quyền nói rõ tại sao nước Triệu lại lừa dối nước Tần; trao con tin cho nước Nguỵ để cho nó an tâm, theo nước Hàn mà đánh nước Triệu. Như vậy, nước Triệu tuy với nước Tề là một nhưng không đáng lo vậy. Sau khi đã giải quyết xong công việc với hai nước này thì có thể đưa thư mà bình định được nước Hàn. Như vậy là ta một lần cất quân mà hai nước (Tề và Triệu) đều có nguy cơ bị diệt vong. Lúc đó nước Kinh và nước Nguỵ thế nào cũng phải tình nguyện phục theo.
Cho nên có câu: “Việc binh là việc nguy hiểm” không thể không cẩn thận trong việc dùng. Nếu nước Tần đánh nhau với nước Triệu thì sự quyết định là ở nước Tề. Nay nước Tần lại gạt bỏ nước Hàn nhưng vẫn chưa có cái gì để làm yên lòng nước Kinh, nước Nguỵ. Một lần chiến đấu mà không thắng được thì cái hoạ sẽ sinh ra.
Tính mưu kế là cái để quyết định công việc, không thể không xét kỹ. Nước Hàn và nước Tần nước nào mạnh, nước nào yếu là được quyết định trong năm nay.
Vả lại, nước Triệu âm mưu với các nước chư hầu đã lâu rồi. Nếu một lần động binh mà tỏ ra yếu đuối với chư hầu thì là nguy hiểm đến công việc. Tính kế mà khiến cho chư hầu có cái bụng muốn đánh mình thì rất là nguy. Để lộ hai điều sơ hở không phải là cách làm cho mình mạnh hơn chư hầu.
4. Thần trộm xin bệ hạ nghĩ kỹ cho. Nếu tấn công mà khiến cho những người theo kế hoạch hợp tung lợi dụng thì lúc hối sẽ không kịp nữa[8].
Bài bác lại Hàn Phi của Lý Tư.
Bệ hạ trao cho hạ thần bức thư của người khách nước Hàn là Hàn Phi nói không thể đánh nước Hàn. Hạ thần Tư này cho rằng lời nói đó rất sai lầm.
Trước đây, năm nước chư hầu cùng nhau đánh nước Hàn, nước Tần đem quân cứu nước Hàn. Nước Hàn ở Trung Quốc, đất không đủ ngàn dặm, nhưng sở dĩ được ngang hàng với các nước chư hầu trong thiên hạ là nhà vua tôi gìn giữ nhau, đời đời dạy nhau thờ phụng nước Tần. Trước đây, năm nước chư hầu cùng nhau đánh Tần, nước Hàn làm phản đi đầu để đánh quân Tần ở cửa ải Hàm Cốc. Chư hầu quân nguy khốn, sức hết, không biết nên làm như thế nào, quân đội chư hầu thôi đánh.
Đỗ Thương là tướng quốc nước Tần cất định báo cái oán của thiên hạ mà trước tiên là đánh nước Kinh. Quan lệnh doãn nước Kinh lo lắng nói: “Nước Hàn cho nước Tần làm điều bất nghĩa, nhưng lại làm anh em với nước Tần để làm khổ thiên hạ. Sau đó, nó lại phản lại nước Tần đem quân đi đầu để đánh Hàm Cốc Quan. Nước Hàn ở Trung Quốc thay đổi chưa có thể biết được”. Thiên hạ cùng nhau cắt mười thành đất Thượng Địa của nước Hàn để tạ lỗi với nước Tần, giải tán quân đội.
Nước Hàn đã một lần phản lại nước Tần nên nước lại bị bức bách, đất đai bị xâm chiếm, quân đội yếu đi cho đến ngày nay. Sở dĩ như thế là vì nó nghe những lời bàn hời hợt của bọn gian thần, không cân nhắc sự thực. Dù có giết bọn gian thần cũng không có thể khiến cho nước Hàn mạnh trở lại.
2. Nay nước Triệu muốn tập hợp binh sĩ để gây chuyện với nước Tần. Nó sai người đến mượn đường, nói muốn đánh Tần. Nhưng cái thế của nó là thế nào cũng đánh Hàn trước rồi sau đó mới đánh Tần.
Vả lại, thần nghe nói: “Môi hở răng lạnh”. Nước Tần và nước Hàn không thể không cùng mối lo, tình hình này có thể thấy. Nước Nguỵ muốn cất quân để đánh nước Hàn, nước Tần sai người đưa sứ giả Nguỵ sang Hàn. Nay vua Tần sai thần là Tư sang nhưng không thể yết kiến, thần sợ những người chung quanh nhà vua lại theo cái kế ngày xưa của bọn gian thần, khiến cho nước Hàn gặp phải mối lo mất đất. Bầy tôi Tư không thể yết kiến xin về thì việc giao hiếu giữa nước Tần và nước Hàn thế nào cũng bị cắt đứt.
Tư đi sứ đến đây là làm theo cái lòng vui vẻ của vua Tần, xin dâng mưu kế thuận tiện. Đó đâu phải là điều khiến bệ hạ cản trở hạ thần? Thần Tư nguyện xin được yết kiến một lán. Trình bày mưu kế ngu dại trước mắt nhà vua, rồi rút lui chịu bị giết, xin bệ hạ nghĩ cho.
Nay nếu giết thần ở đất Hàn thì đại vương không vì thế mà mạnh, còn nếu không nghe mưu kế của thần thì cái hoạ thế nào cũng nảy sinh. Nước Tần sẽ cất toàn bộ quân đội, mà xã tắc nước Hàn sẽ phải lo vậy.
Nếu thần Tư phơi bày thân mình ở chợ nước Hàn, thì tuy bệ hạ muốn xét lại cái kế ngu dại của thần cũng không kịp nữa. Chờ đến khi biên giới bị tàn hại, nước cố sức giữ, tiếng trống và tiếng mõ vang lên bên tai rồi mới dùng cái kế của thần thì đã muộn rồi.”
Vả lại, quân đội của Hàn đối với thiên hạ thì có thể biết rồi. Nay lại phản lại nước Tần mạnh, thì phải bỏ thành, quân thua và bọn phản nghịch thế nào cũng đánh úp, lấy thành. Khi thành hết thì dân chúng tản hết, dân chúng tản hết thì không còn có quân đội nữa. Nếu thành cố sức giữ thì nước Tần sẽ cất quân vây lấy một thành ấp của nhà vua. Đường đi bị tắc thì khó mà mưu tính được, tình thế không thể cứu được, mưu kế của những người chung quanh không dùng được. Xin bệ hạ suy nghĩ kỹ cho. Nếu những lời của Tư có điều gì không phù hợp với sự thực, thì xin bệ hạ cho thần được trình bày tất cả ở trước mặt rồi sẽ cho quan lại giết đi cũng không muộn.
Vua Tần ăn không ngon miệng, đi xem không thấy vui, ý chỉ cốt mưu việc đánh Triệu. Sai thần là Tư đến nói, xin bệ hạ cho thần được yết kiến nhân đấy có mưu kế cấp bách trình bày bệ hạ.
Nay khiến cho thần không được yết kiến thì chữ tín của nước Hàn còn chưa biết. Nước Tần thế nào cũng bỏ cái lo đối với nước Triệu để đem binh chuyển sang nước Hàn. Cúi xin bệ hạ xét cho lần nữa và cho phép thần được báo lại.
Chú thích:
[8] Hàn Phi là công tử nước Hàn đến nước Tần muốn bàn đến chuyện giúp Tần làm bá chủ thiên hạ, nhưng lại nói đến chuyện bảo tồn nước Hàn. Chỗ sai của Hàn Phi chính là ở đó. Chính vì vậy cho nên Lý Tư có cớ để tố cáo Hàn Phi chỉ lo cho nước Hàn chứ không lo cho nước Tần, và mượn tay vua Tần giết Hàn Phi. Trong tập Hàn Phi Tử có cả bài văn bác lại của Lý Tư và bức thư Lý Tư dâng vua Hàn. Hai bài này cũng là những bài văn nổi tiếng cho ta một khái niệm về văn luận chiến thời Chiến Quốc. Chúng tôi dịch cả hai bài này để bạn đọc tiện tham khảo.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.