Hàn Phi Tử

Thiên LIII: Trau giồi mệnh lệnh (Sức lệnh)



Trau giồi mệnh lệnh thì pháp luật không thiên lệch, pháp luật công bằng thì quan lại không làm điều gian. Một khi pháp luật xác định rồi thì không vì lời nói hay mà làm hại đến pháp luật. Dùng người có công thì dân ít bàn tán, dùng người mình thân thì dân hay nói. Thi hành pháp luật là do chỗ quyết đoán. Hỏi năm xóm mà mạnh[92], để lưu lại thì nước bị chia xẻ.
Lấy hình phạt để cai trị nước, dùng thưởng phạt để chiến đấu, dùng lộc hậu để cấp cho con người có thuật trị nước, xem xét những điều sai lầm trong kinh đô thì trong kinh đô không có việc mua bán gian dối. Nếu có nhiều đồ vật nhưng có nhiều người làm những việc ngọn, nghề nông bỏ lơ và kẻ gian chiếm ưu thế thì thế nào nước cũng bị cất. Nếu dân có thức ăn thừa thì khiến dân nộp thóc, ban tước lộc hoàn toàn căn cứ vào sức lực thì dân sẽ hăng hái và không lười biếng. Một cái ống dài chỉ ba tấc nhưng không có đáy thì không thể nào đổ đầy được. Gấp tước lộc và chức quan, cấp lợi lộc mà không căn cứ vào công lao thì cũng như cái ống không có đáy. Nước nào vì công lao mà trao tước lộc và chức quan tước là làm cho những kẻ khôn ngoan mưu trí lập công và những kẻ dũng cảm chiến đấu có uy thế thì nước ấy sẽ vô địch. Nước nào dựa vào công lao để trao tước lộc thì việc cai trị sẽ giản dị, những lời bàn tán bị tắc. Cái đó gọi là lấy sự cai trị để gạt bỏ sự cai trị, lấy lời nói để gạt bỏ lời nói.
Vì lấy công lao để ban tước cho nên nước có nhiều sức mạnh và thiên hạ không ai có thể xâm chiếm được nó. Đem quân ra thì nhất định lấy được. Đã lấy được thì nhất định giữ được. Còn nếu giữ quân lại không tấn công thì thế nào nước cũng giàu. Những công việc trong triều đình, người có công nhỏ không bị chê bai, người có công thì được quan, được tước, ở triều đình tuy có lời khen cũng không được can dự vào đấy. Cái đó gọi là dựa vào sự tính toán mà cai trị. Lấy sức mạnh mà tấn công thì đưa ra một mà lấy được mười, lấy lời nói mà tấn công thì đưa ra mười sẽ bỏ mất trăm.
Cái nước thích sức mạnh, đó gọi là cái nước khó tấn công. Cái nước thích lời nói, đó gọi là cái nước dễ tấn công. Tài năng có thể đảm nhiệm chức quan, làm việc nhẹ nhàng mà trong lòng vẫn còn cái |sức thừa. Không nhận thêm chức quan phụ của nhà vua thì trong lòng không oán thán. Khiến cho những kẻ sáng suốt không can thiệp vào công việc của nhau cho nên không ai kiện tụng. Khiến cho những kẻ sĩ không kiêm chức quan, cho nên kỹ năng của họ được nâng cao. Khiến cho người ta không cùng làm một việc cho nên không có sự tranh giành.
Sau đó thừa năm chữ “nói thế gọi là dễ tấn công”. Các chú giải cho là viết thừa.
3. Hình phạt nặng nhưng thưởng ít là bề trên thương dân, dân liều chết để được thưởng. Thưởng nhiều mà hình phạt nhẹ là người trên không thương dân, dân không liều chết để được thưởng. Nếu cái lợi chỉ do một nơi mà ra thì nước sẽ vô địch. Nếu cái lợi từ hai nơi mà ra thì quân đội chỉ dùng được một nửa. Nếu cái lợi từ mười nơi mà ra thì dân không giữ được nước. Dùng hình phạt nặng để nêu rõ cái quy chế lớn của dân, để sai khiến dân thì có lợi cho người trên. Trong việc thi hành hình phạt, phải phạt nặng những tội nhẹ. Tội nhẹ không phạm thì tội nặng không có; đó gọi là cách dùng hình phạt để trừ bỏ hình phạt. Nếu tội nặng mà hình phạt nhẹ, thì hình phạt nhẹ làm cho sự việc nẩy sinh; đó gọi là cách dùng hình phạt để làm nẩy sinh hình phạt. Nước làm thế nhất định sẽ bị chia xẻ.

Chú thích:

[92] Theo phép nhà Tần năm nhà ở gần nhau làm thành một xóm phải chịu trách nhiệm về hành động của nhau.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.