Hàn Phi Tử

Thiên XIII: Nỗi phẫn uất của con người cô độc (Cô phẫn)



1. Họ Hoà nước Sở được viên đá có ngọc ở trong núi Sở, đem dâng lên cho vua Lệ Vương. Lệ Vương sai thợ ngọc xem. Thợ ngọc nói: “Đó là hòn đá” Nhà vua cho Hoà nói dối, chặt mất chân trái anh ta.
Khi Lệ Vương mất, Vũ Vương lên ngôi. Hoà lại dâng viên đá có ngọc cho Vũ Vương. Vũ Vương sai thợ ngọc xem. Thợ ngọc lại nói: “Hòn đá đấy”. Nhà vua lại cho Hoà nói dối, chặt thêm chân phải.

Vũ Vương chết, Văn Vương lên ngôi. Hoà lại ôm hòn đá có ngọc khóc ở chân núi Sở, ba ngày ba đêm, khóc hết nước mắt chảy máu. Nhà vua nghe vậy, sai người hỏi tại sao: “Người trong thiên hạ bị chặt chân nhiều. Sao ông lại khóc đau xót như thế? . Hoà nói: “Tôi không phải đau xót vì bị chặt chân mà đau xót về chỗ viên ngọc này quý nhưng lại bị xem là hòn đá, kẻ sĩ trung thực nhưng lại mang tiếng là nói dối. Chính vì vậy cho nên tôi đau xót”.
Nhà vua bèn sai thợ ngọc xem kỹ tảng đá thì có được viên ngọc quý.
Cho nên gọi nó là: “Ngọc bích họ Hoà “.
2. Châu ngọc là vật vua chúa rất ham. Họ Hoà tuy dâng hòn đá có ngọc chưa đẹp nhưng chưa phải là có hại cho nhà vua. Thế mà còn phải chịu hai chân bị chặt rồi sau đó mới thấy được cái quý. Bàn về cái quý là khó như thế đấy.
Nay pháp luật đối với vua chúa chưa chắc đã cần gấp như cần viên ngọc họ Hoà, nhưng cũng đủ để cấm các quan và nhân dân không được lo việc riêng gian dối. Như vậy thì những kẻ có đạo sở dĩ chưa bị giết đó là vì viên ngọc bích của bậc đế vương chưa được dâng lên đó thôi[14] .
Một khi nhà vua đã dùng thuật trị nước thì các quan đại thần không được phép tự ý mình quyết định, những người gần gũi nhà vua không dám bán chác quyền thế. Quan mà thi hành pháp luật thì bọn du đãng lo việc nông, và bọn du sĩ không dám nói suông đến việc chiến trận. Như vậy thì pháp luật và thuật trị nước là cái tai hoạ cho bọn bầy tôi và bọn sĩ dân. Nhà vua vốn không thể làm ngược lại những lời bàn của các quan đại thần, không vượt lên được sự phỉ báng của bọn lưu manh, để cốt làm theo đúng đạo mà thôi thì những kẻ sĩ đề cao pháp luật và thuật trị nước sẽ gặp chết chóc mà nhất định đạo không được nói đến.
3. Ngày xưa vua Ngô Khởi lấy tục nước Sở dạy vua Điệu Vương nước Sở, nói: “Các quan đại thần được tôn trọng quá đáng, như vậy thì ở trên bức bách nhà vua, ở dưới ngược đãi nhân dân. Đó là con đường làm cho nước nghèo, binh yếu. Không bằng đối với con cháu những người được phong đất, cứ ba đời thì thu lại tước lộc, giảm bớt bổng lộc của trăm quan, bỏ các viên quan không cần thiết để lo nuôi dưỡng và chọn những chiến sĩ tinh nhuệ”. Điệu Vương mới thi hành chính sách này được một năm thì mất. Ngô Khởi bị xé xác ở nước Sở.
Thương Quân dạy cho Tần Hiếu Công cách tổ chức những nhóm gồm năm gia đình liên quan với nhau, khiến các gia đình tố giác lẫn nhau, đốt Kinh thi, Kinh thư mà nêu cao pháp luật và mệnh lệnh. Cắt đứt việc xin xỏ ở cửa riêng mà khuyến khích những kẻ dốc lòng vào việc chung. Cấm những dân đi lông bông tìm cách làm quan mà làm vinh hiển những kẻ sĩ lo cày cấy và đánh giặc. Tần Hiếu Công dùng chính sách này nên nhà vua được tôn quý, yên ổn, nước nhờ đó mà giàu mạnh. Được tám năm thì Hiếu Công mất, Thương Quân bị xe xé xác ở nước Tần.
4. Nước Sở không dùng Ngô Khởi nên đất bị cắt và nước bị loạn, nước Tần thi hành pháp luật của Thương Quân nên nước giàu mạnh. Lời nói của hai người là đúng. Thế nhưng Ngô Khởi thì bị phanh thây, Thương Quân thì bị xe xé xác là tại làm sao?
Đó là vì các quan đại thần bị pháp luật làm khổ và dân du đãng ghét sự trị an. Ngày nay các quan đại thần tham quyền, bọn dân du đãng ham sự rối loạn còn tệ hơn tục nước Tần, nước Sở, mà các vị vua lại không biết nghe như Điệu Vương, Hiếu Công. Như vậy thì những kẻ sĩ đề cao pháp luật và thuật trị nước làm sao có thể nêu cao pháp luật và thuật trị nước của mình? Cho nên đời cứ loạn mãi mà không có bá vương vậy.

Chú thích:

[14] Ý nói đem phép tắc trị nước dâng lên, kẻ sĩ rất dễ bị giết


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.