Hàn Phi Tử

Thiên XIV: Bọn bầy tôi gian dối, ức hiếp và giết vua (Gian kiếp thí thần)



1. Nói chung, bọn gian thần đều làm theo bụng nhà vua để được nhà vua thân và yêu quý. Do đó, nhà vua thích điều gì thì bọn bầy tôi cứ theo đó mà khen, nhà vua ghét điều gì thì bọn này cứ theo đó mà chê. Phàm bản chất của con người khi những điều thích và ghét giống nhau thì thích nhau, những điều thích và ghét khác nhau thì ghét nhau. Bọn bầy tôi ngày nay khen điều gì thì đó là điều nhà vua thích. Như vậy gọi là cùng thích như nhau. Bọn bầy tôi chê điều gì thì đó là điều nhà vua không thích. Như vậy gọi là cùng ghét như nhau. Việc yêu ghét như nhau mà lại chống đối nhau đó là điều chưa hề nghe Đó là con đường khiến bọn bầy tôi được tin yêu. .
2. Bọn bầy tôi gian tà đã lợi dụng được cái thế được nhà vua tin yêu để dùng lời khen chê, mà tiến cử hay xua đuổi những người khác. Nhà vua không có thuật gì để chế ngự họ, không có cách gì để kiểm tra xem xét họ thì thế nào cũng sẽ căn cứ vào chỗ trước đây lời của họ, hợp với mình cho nên tin những lời của họ hiện nay. Đó là lý do khiến cho bọn bầy tôi được nuông chiều có thể lừa dối nhà vua mà thực hiện những điều riêng tư của họ.

Cho nên nhà vua ở trên thế nào cũng bị lừa và bầy tôi ở dưới thế nào cũng được trọng. Đó gọi là bọn bầy tôi khống chế nhà vua. Nước có bọn bầy tôi khống chế nhà vua thì các quan ở dưới không thể bầy tỏ hết khôn ngoan, sức lực để nêu rõ lòng trung, các viên lại không thể thi hành pháp luật để thực hiện cái công của mình.
Lấy cái gì để chứng minh điều đó?
Nói chung, thích điều lợi và tìm nó, ghét cái hại và tránh nó, đó là tình cảm của con người. Nay bọn bầy tôi nếu dốc sức để làm được cõng lao, nếu đem hết sự khôn ngoan để trình bày lòng trung của mình thì thân mình bị khốn khổ, nhà mình nghèo, cha và con đều mắc phải cái hại. Trái lại, những bọn làm điều gian dối, kiếm lợi để che giấu nhà vua, dùng của cải để phụng sự, bọn bầy tôi được quý trọng thì thân họ lại ở địa vị cao, nhà lại giàu, cha và con lại được hưởng ân huệ. Như thế ai có thể bỏ con đường yên ổn và có lợi để đi theo con đường nguy hiểm và có hại? Việc trị nước đã sai lầm như thế mà nhà vua lại muốn người dưới không gian dối, các quan lại thi hành pháp luật thì rõ ràng là không thể làm được.

Bọn chung quanh nhà vua biết nếu mình trung và tín thì không thể yên ổn, có lợi, cho nên thế nào cũng nói: “Ta lấy trung và tín để thờ vua, lo lập nhiều công lao để được yên thì cũng chẳng khác gì người mù mà muốn phân biệt trắng đen khác nhau. Rõ ràng là không thể được. Nếu theo đạo để thay đổi, làm điều ngay thẳng không chạy theo giàu sang, thờ người trên để cầu được yên thì cũng như người điếc mà muốn phân biệt tiếng trong và tiếng đục. Điều đó lại càng không thể được. Hai con đường trên đây đều không đưa ta đến chỗ yên. Vậy tại sao ta không cùng kéo bè kéo đảng, che giấu nhà vua, làm việc gian dối riêng tư để làm vừa lòng những con người được quý trọng?”.
Những người như thế nhất định sẽ không chú ý đến ý muốn của nhà vua. Các viên lại của trăm quan cũng biết rằng nếu ngay thẳng và chính trực thì không thể nào được yên thân cho nên thế nào cũng nói: “Nếu ta lấy sự thanh liêm để thờ bề trên mong được yên thân, thì cũng như là không có cái quy cái củ mà muốn vẽ hình vuông hình tròn. Nhất định là không thể được. Nếu ta giữ pháp luật, không theo bè đảng, lo việc công để mong được yên thân thì cũng như lấy chân mà gãi lên đầu. Lại càng không thể được. Hai con đường ấy đều không giúp ta được yên thân. Tại sao ta không bỏ pháp luật chạy theo việc riêng tư để làm vừa lòng những người được quý trọng?”. Bọn này nhất định sẽ không đoái hoài đến pháp luật của nhà vua.
Cho nên những người vì việc riêng phục vụ những kẻ được quý trọng thì đông. Trái lại, những người thi hành pháp luật để thờ vua thì ít. Kết quả là ở trên nhà vua bị cô lập còn ở dưới các quan làm thành bè đảng. Đó là lý do khiến cho Điền Thành giết Giản Công vậy.
3. Phàm kẻ có thuật trị nước đã làm bầy tôi thì sẽ dựa theo pháp luật để giải quyết. Trên soi sáng pháp luật nhà vua, dưới làm cho bọn gian thần nguy khốn để cho nhà vua được tôn quý, nước được yên. Do đó, nếu như những lời hợp phép tắc được đưa ra ở trước thì việc khen thưởng và trừng phạt sẽ được thi hành ngay sau đó.
Nếu ông vua quả thực hiểu rõ cái thuật trị nước của bậc thánh nhân và không bị câu nệ vào cái danh và cái thực mà quyết định việc đúng và việc sai, dựa vào điều tra, xem xét và thẩm định những lời nói năng thì các quan chung quanh, những bầy tôi gần gũi biết là không thể dùng dối trá để được yên thân. Thế nào họ cũng nói: “Nếu ta không vứt bỏ những hành vi gian trá riêng tư để dốc sức đem hết trí khôn ra thờ vua, mà lại lo kéo bè kéo đảng, dùng lối khen chê bừa bãi để được yên thân thì cũng chẳng khác gì mang vật nặng ngàn cân đứng ở nơi vực thẳm khôn lường mà lại muốn sống vậy. Nhất định là không thể được”.
Bọn lại của trăm quan cũng biết rằng nếu làm việc gian dối để mưu lợi thì sẽ không thể được yên. Thế nào họ cũng sẽ nói: “Nếu ta không liêm khiết, ngay thẳng, chính trực để đề cao pháp luật mà lại mang cái bụng tham ô, bẻ cong pháp luật để mưu lợi riêng thì cũng chẳng khác gì trèo lên đỉnh gò cao, rơi xuống cái khe dốc mà lại muốn sống vậy. Nhất định là không thể được”. Khi con đường yên và con đường nguy là rõ ràng như thế thì những người chung quanh đâu dám dùng lời nói suông để lừa dối nhà vua, và trăm quan đâu dám tham lam bòn rút kẻ dưới? Như vậy thì những bầy tôi có thể trình bày điều trung mà không bị che đậy, người dưới có thể giữ chức vụ của mình mà không bị oán ghét. Đó là điều đã khiến cho Quản Trọng làm cho nước Tề được trị yên và Thương Quân làm cho nước Tần mạnh.
Theo vào đó mà xét thì bậc thánh nhân khi trị nước vốn có cái đạo khiến cho người ta không thể nào không yêu mình, chứ không bao giờ nhờ cậy người ta vì yêu mình mà làm. Nhờ cậy người ta vì yêu mình mà làm thì nguy. Nhưng dựa vào chỗ họ không thể không làm cho ta thì yên.
Nói chung, vua và tôi không có tình thân của những người trong cốt nhục. Nếu theo con đường chính trực mà được lợi thì bầy tôi sẽ dốc hết sức mình để thờ vua. Còn nếu theo con đường chính trực mà không thể được yên thì bầy tôi sẽ làm việc riêng của họ để che giấu nhà vua. Vị vua sáng biết điều đó, cho nên đặt ra con đường lợi và hại để cho thiên hạ thấy. Có thế thôi.
Vì vậy ông vua tuy không mở miệng dạy trăm quan, không lấy mắt chỉ bọn gian tà mà nước đã tri yên. Kẻ làm vua không phải tai như Sư Khoáng thì mới thính. Không dùng đến phép tắc mà lại dựa vào con mắt để tỏ ra sáng thì những điều mình thấy sẽ rất ít. Đó không phải là cách tránh sự che đậy.

Không dựa vào cái thế của mình mà lại đợi ở lỗ tai để tỏ ra thính thì những điều nghe được sẽ rất ít. Đó không phải là cách khiến người ta không lừa mình. Vị vua sáng khiến người ta không thể nào không ví mình mà nhìn, khiến thiên hạ không thể nào không vì mình mà nghe. Cho nên thân mình tuy ở nơi thâm cung mà cái sáng chiếu cả bốn biển, thiên hạ không thể nào che lấp được, không thể nào lừa dối được. Tại sao thế? Bởi vì con đường đen tối làm loạn bị bỏ và cái thế sáng tỏ nổi lên.
4. Cho nên khéo giữ được cái thế của mình thì nước được yên. Không dựa vào cái thế của mình thì nước bị nguy.
Ngày xưa, tục nước Tần, vua bỏ pháp luật mà theo điều riêng tư. Kết quả nước loạn, quân yếu, và vua bị hạ thấp. Thương Quân, thuyết phục Tần Hiếu Công thay đổi pháp luật, thay đổi phong tục để soi sáng cái đạo công: thưởng những người tố giác điều gian dối, làm khốn khổ những kẻ chạy theo cái lợi ngọn để mưu lợi cho những việc gốc. Thời bấy giờ, dân nước Tần vốn quen theo tục cũ, những người có tội có thể miễn tội, những người không có công có thế hiển vinh, cho nên họ coi thường việc phạm đến pháp luật mới. Do đó, trị ai phạm pháp thì trị nặng mà quyết đoán, ai tố giác thì được thưởng nhiều và chắc chắn. Cho nên những kẻ gian không làm được gì và nhiều người bị hình phạt. Dân căm ghét oán giận và ngày nào cũng có nhiều người chê bai Thương Quân. Tần Hiếu Công không nghe cứ làm theo pháp luật của Thương Quân. Dân sau đó biết rằng ai có tội thì thế nào cũng bị trừng phạt và rất nhiều người tố giác những việc gian. Kết quả, dân không dám phạm tội và hình phạt không phải thi hành. Nhờ vậy nước trị an và quân mạnh, đất mở rộng và nhà vua được đề cao. Sở dĩ được thế là vì ai che giấu tội thì bị phạt nặng và ai tố giác việc gian thì được thưởng nhiều.
Đó là con đường khiến cho cả thiên hạ nhìn và nghe hộ mình. Pháp luật và cái thuật trị nước cao nhất đã rõ ràng như thế nhưng bọn học giá ở đời lại không biết.
5. Vả lại, bọn học giả dốt nát ở đời không biết bản chất của việc trị và loạn, cứ nói năng nhảm nhí và dẫn những sách của người xưa để làm rối việc cai trị đời này.

Sự khôn ngoan suy nghĩ của họ đã không đủ để tránh cái nguy bị rơi xuống hố mà họ lại chê bai bừa bãi những kẻ sĩ có thuật trị nước. Nếu nghe lời họ thì nguy, nếu dùng kế họ thì loạn. Đó là điều ngu hết sức lớn và là mối lo hết sức lớn. So với những kẻ sĩ có thuật trị nước thì họ cũng có được cái tiếng là biện luận nói năng đấy, nhưng thực ra hai bên xa nhau một vực một trời. Cái tiếng là như nhau nhưng sự thực thì khác nhau. Bọn học giả ngu dốt so với những kẻ sĩ có thuật trị nước chẳng khác gì tổ kiến so với cái gò lớn. Hai bên khác nhau xa như thế đấy
Bậc thánh nhân hiểu rõ cái thực tế của việc phải và trái, xét rõ thực chất của việc trị và loạn, cho nên trị nước thì nêu rõ pháp luật đúng đắn, bày ra hình phạt nghiêm khắc để chữa cái loạn của dân chúng, trừ bỏ cái hoạ trong thiên hạ. Khiến cho kẻ mạnh không lấn át người yếu, kẻ đông không xúc phạm số ít, người già cả được thoả lòng, người trẻ và cô độc được trưởng thành, biên giới không bị xâm lấn, vua và tôi thân yêu nhau, cha con giữ gìn cho nhau, lại không mắc phải cái lo bị chết chóc hay bị giặc bắt cầm tù. Đó cũng là cái công hết sức lớn.
Bọn ngu không biết, coi đó là hung bạo. Bọn ngu cũng muốn nước được trị an, nhưng lại ghét cái cách để làm cho nước được trị an. Chúng đều ghét cái nguy nhưng lại thích cái cách làm cho nước bị nguy. Tại sao lại biết như thế? Phàm hình phạt nghiêm và nặng là điều dân vẫn ghét, nhưng nước lại nhờ đó mà được trị an, thương xót trăm họ; giảm nhẹ hình phạt là điều dân vẫn thích nhưng nước lại vì thế mà bị nguy.
Bậc thánh nhân lập phép tắc cho nước thế nào cũng làm trái thế tục, nhưng đó lại là hợp với đạo đức. Người biết như vậy thì làm theo điều nghĩa mà trái với thế tục. Người không biết điều đó thì làm trái với đạo nghĩa nhưng lại làm theo thế tục. Nhưng người trong thiên hạ biết điều này ít, thì đạo nghĩa sẽ bị chê bai vậy.
6, Ở vào cái địa vị trái với đạo, bị mọi người gièm pha, bị chết đuối trong những lời thế tạc ngày nay mà lại muốn đương đầu với vị thiên tử nghiêm để cầu được yên chẳng phải là khó sao? Đó là điều khiến cho những kẻ sĩ khôn ngoan đến chết cũng không thể nêu danh ở trên đời vậy.

Em của Sở Trang Vương là Xuân Thân Quân có người thiếp yêu tên là Dư. Con trai của người vợ chính của Xuân Thân Quân tên là Giáp.
Dư muốn chồng mình bỏ người vợ cả cho nên làm cho thân mình bị thương rồi chỉ cho chồng thấy, khóc và nói: “Được làm người thiếp của ngài là may lắm. Tuy vậy nếu làm cho phu nhân thích thì đó không phải là cách để thờ ngài. Còn làm cho vừa lòng ngài thì đó lại không phải là cách thờ phu nhân. Thiếp vốn hèn kém không đủ sức để làm vừa lòng hai người chủ. Tình thế đã không thể làm vừa lòng hai chủ thì thà chết trước mặt ngài còn hơn chết trước mặt phu nhân. Thiếp xin được ngài cho chết. Sau này nếu ngài có thương yêu người nào chung quanh thì xin ngài xét cho chớ để người ta cười”. Xuân Thân Quân vì thế tin lời nói dối của Dư mà bỏ người vợ cả.
Dư lại muốn giết Giáp để con mình nối nghiệp bèn tự xé áo trong chỉ cho Xuân Thân Quân thấy rồi khóc mà nói: “Dư được ngài yêu đã lâu. Giáp không phải không biết. Nay nó lại muốn trêu Dư. Dư vật lộn với nó đến nỗi nó xé rách áo của Dư. Tội bất hiếu của người con thật không có gì lớn bằng”. Xuân Thân Quân giận, giết Giáp. Cho nên vì sự dối trá của Dư mà người vợ cả bị bỏ và người con thì bị giết. Cứ thế mà xem thì người cha yêu con còn có thể dùng lời gièm pha mà hãm hại.
Vua với tôi đã không có cái tình thân như cha đối với con, lời gièm pha của bọn bầy tôi lại không phải chỉ có cái miệng của một người thiếp. Như vậy thì những người hiền và thánh bị giết chết có lạ gì đâu?
Chính điều đó khiến cho Thương Quân bị xé xác ở nước Tần và Ngô Khởi bị phanh thây ở nước Sở vậy. Phàm những kẻ làm tôi có tội đều không muốn bị giết, những kẻ không có công đều muốn được vinh hiển. Thế mà bậc thánh nhân cai trị nước thì lại không thưởng những kẻ không có công; trái lại nhất định giết những kẻ có tội.
Như vậy thì những kẻ chủ trương pháp luật và thuật trị nước dĩ nhiên là bị những người chung quanh nhà vua hãm hại, nếu không phải là bậc vua sáng thì không thể nghe theo.

7. Bọn đề cao học thuật khi thuyết phục nhà vua không nói: “Phải dựa vào cái thế uy nghiêm để làm khốn khổ bọn bầy tôi gian dối”. Trái lại chỉ nói đến chuyện “dùng nhân nghĩa, ân huệ, thương yêu chí có thế mà thôi”.
Các ông vua ở đời chỉ chuộng cái tiếng nhân nghĩa mà không xét đến sự thực, cho nên kẻ gặp nguy lớn thì nước mất, thân chết: kẻ gặp nguy nhỏ thì nước bị cắt, địa vị nhà vua bị hạ thấp.
Lấy gì để chứng minh điều đó? Nói chung, giúp đỡ cho người nghèo khốn đó là cái ở đời gọi là nhân nghĩa. Thương xót trăm họ, không nỡ trừng phạt giết tróc đó là cái ở đời gọi là ân huệ. Nhưng ban ơn cho những người nghèo khốn thì những người có công không được thưởng. Không nỡ trừng phạt giết tróc thì những kế hung bạo gây loạn không bị chặn lại. Nước có kẻ không công mà được thưởng thì dân bên ngoài không lo chống giặc, chém đầu địch, bên trong không chăm ra sức cày ruộng và châm làm. Ai cũng muốn kiếm của cải, thờ bọn giàu sang, làm việc thiện riêng, nêu danh tiếng để lấy chức quan to và hướng bổng lộc lớn. Kết quả, bọn bầy tôi gian giảo riêng tư càng nhiều và bọn người hung bạo làm loạn càng thắng. Nước như vậy mà không mất thì còn đợi cái gì nữa?
7. Hình phạt nghiêm là điều dân vẫn sợ. Phạt nặng là điều dân vẫn ghét. Cho nên bậc thánh nhân bày ra cái người ta vẫn sợ để cấm không cho người ta làm bậy; đưa ra cái người ta vẫn ghét để đề phòng điều gian dối của họ. Nhờ thế, nước được yên và điều hung bạo loạn lạc không xảy ra. Ta vì thế thấy rõ rằng nhân nghĩa, ân huệ, yêu thương không dùng được vào việc gì, trái lại hình phạt nghiêm, trừng trị nặng có thể trị được nước. Nếu không có cái uy của cây roi, không có hàm thiếc và dây cương thì dù có là Tào Phụ cũng không thể làm cho con ngựa theo mình. Nếu không có cái quy cái củ, không có dây mực để làm tiêu chuẩn thì dù có là Vương Nhĩ cũng không có thể vẽ được hình tròn hình vuông. Nếu không có cái thế của sự oai nghiêm, không có cái phép thường phạt thì dù có là Nghiêu, Thuấn đi nữa cũng không thể trị nước. Các vị vua chúa đời này đều coi nhẹ việc phạt nặng, pháp luật nghiêm, muốn thi hành việc thương yêu, ân huệ mà lại muốn lập công lao của bậc bá vương thì không thể được vậy. Cho nên người khéo làm chủ thì nêu cao việc thưởng, đặt ra cái lợi để khuyến khích, khiến cho dân lập công để được thưởng, chứ không ban cấp nhân nghĩa; dùng hình nghiêm phạt nặng để ngăn cấm khiến cho dân sợ phạm tội bị giết chứ không nhờ thương xót ân huệ mà được miễn. Làm thế thì những người không có công không mong được thưởng và những người phạm tội không cầu may được tha.
Nếu có xe chắc, ngựa tốt thì trên đường bộ không lo đường dốc, trắc trở. Đi thuyền vững, nắm mái chèo vững thì không sợ dòng nước xiết trên sông. Nếu nắm lấy pháp luật, thuật cai trị, thi hành phạt nặng trừng trị nghiêm thì có thể lập được công nghiệp của bậc bá vương. Trị nước mà có pháp luật, có thuật, có thưởng phạt thì cũng chẳng khác gì đi đường bộ mà có cỗ xe chắc, ngựa tốt, đi đường thuỷ mà có chiếc thuyền nhẹ, chèo chắc vậy. Người có được những cái ấy thì sẽ thành cống.
Y Doãn nắm được nó mà Thang nên nghiệp vương, Quản Trọng nắm được nó mà nước Tề thành bá, Thương Quán nắm được nó mà nước Tần hùng mạnh. Cả ba người này đều hiểu rõ cái thuật làm bá vương, xét kỹ cái phép làm cho nước trị và mạnh mà không bị ràng buộc bởi những lời của thế tục. Một khi đã hợp với ý của bậc vua sáng đương thời thì từ chỗ là một kẻ sĩ áo vải mà làm ngay chức vụ khanh tướng. Nếu họ ở vào địa vị trị nước thì có cái kết quả thực tế là chủ được tôn quý, đất được mở rộng. Đó gọi là những bầy tôi đáng quý. Thang được Y Doãn từ chỗ có trăm dặm đất mà được làm thiên tử. Hoàn Công được Quản Trọng thì được lập làm người cầm đầu trong ngũ bá, chín lần họp chư hầu, một lần cứu thiên hạ; Hiếu Công được Thương Quân thì đất thêm rộng, binh thêm mạnh. Cho nên nếu có bậc trung thần thì bên ngoài không phải lo về nước địch, bên trong không phải lo bầy tôi làm loạn, được yên ổn lâu dài trong thiên hạ và danh tiếng để lại cho đời sau. Như thế mới gọi là bậc trung thần.
Còn như Dự Nhượng làm bầy tôi của Trí Bá, ở trên không thế thuyết phục nhà vua, khiến nhà vua nêu cao pháp luật và thuật trị nước để tránh tai hoạ và hoạn nạn; ở dưới không thể điều khiển dân chúng để cho nước được yên. Đến khi Tương Tử giết Trí Bá. Dự Nhượng mới tự chạm mặt, cắt mũi, làm cho mặt mày hư hỏng, nhằm giết Tương Tứ để trả thù cho Trí Bá. Như vậy là tuy có cái tiếng là vì chúa mà phá huỷ thân mình và bị giết, nhưng thực ra chẳng hề mảy may có ích gì cho Trí Bá cả. Hạng người như vậy tôi coi là kém, nhưng các vị vua ở đời lại cho là trung và để cao.

Xưa có Bá Di, Thúc Tề, vua Vũ Vương nhường thiên hạ cho họ mà họ không nhận. Hai người này chết đói trên núi Thú Dương. Những bầy tôi như vậy không sợ phạt nặng, không ham thưởng lớn, không thể lấy phạt mà cấm, không hề lấy thưởng mà sai. Hạng này gọi là bầy tôi vô ích. Tôi coi khinh và gạt bỏ họ. Nhưng các vị vua ở đời lại khen và tìm kiếm họ.
8. Tục ngữ có câu: “Người hủi thương hại ông Vua”. Đó là một lời xấc xược. Thế nhưng đời xưa không có lời tục ngữ trống không, cho nên không thể không xét đến.
Câu này là để nói đến những ông vua bị ép bị giết và bị nhục nhã. Bậc làm vua mà không có pháp luật để chế ngự bầy tôi thì tuy có sống lâu và có tài đi nữa, các quan đại thần vẫn sẽ được thế. Họ lợi dụng việc phục vụ các quyết định của nhà vua nhưng chí hăng hái lo đến việc riêng của họ. Nhưng họ sợ cha anh của nhà vua và những kẻ sĩ hào kiệt mượn cái sức của nhà vua để ngăn cấm hay trừng phạt họ, cho nên họ giết ông vua hiền và lớn tuổi để lập ông vua ít tuổi và yếu đuối, phế truất người chính mà lập kẻ bất nghĩa.
Cho nên sách Xuân Thu chép: ” Vương Tu Vị nước Sở sắp đi sứ sang nước Trịnh. Chưa ra khỏi biên giới, nghe tin nhà vua có bệnh. Liền trở về, nhân đấy vào thăm bệnh nhà vua, lấy dây mũ thắt cổ nhà vua và giết đi, rồi tự lập mình làm vua.
Thôi Trữ nước Tề có người vợ đẹp, Trang Công gian díu với bà ta, mấy lần đến nhà họ Thôi. Khi nhà vua đến, bè đảng của Thôi Trữ là Giả Cử chỉ huy bệ hạ của Thôi Trữ đánh nhà vua. Nhà vua vào nhà xin cùng ông ta chia nước. Thồi Trữ không chịu. Nhà vua bèn xin tự đâm mình chết ở tôn miếu. Thôi Trữ vẫn không nghe. Nhà vua bèn bỏ chạy trèo qua tường ở phía bắc. Giả Cử bắn nhà vua trúng đùi, nhà vua ngã xuống, bọn bộ hạ của Thôi Trữ lấy giáo đâm nhà vua chết, và lập người em là Cảnh Công.
Gần đây, Lý Đoái cầm quyền ở nước Triệu giam đói Chủ Phụ một trăm ngày mà chết. Trác Xỉ được trọng dụng ở nước Tề, rút gân vua Mẫn Vương treo ông ta lên cái xà nhà ở miếu, được một đêm thì chết”.

Cho nên kẻ bị bệnh hủi tuy người bị lở lói, sưng phù lên nhưng so với những ông vua trong Kinh Xuân thu trước đây thì không đến nỗi bị thắt cổ, bị bắn vào đùi, bị rút gân. Do đó, những ông vua bị lấn át, bị giết thì bụng lo sợ, thân mình đau khổ, còn tệ hơn anh ta.
Do đó mà xem thì “Người hủi thương hại ông vua“ là đúng vậy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.