Hàn Phi Tử

Thiên XIX: Tô vẽ sự gian tà (Sức tà)



1. Bói mai rùa và cỏ thi, quẻ nói là đại cát, rồi đem quân đánh nước Yên. Đó là nước Triệu. Bói mai rùa và cỏ thi, quẻ nói là đại cát, rồi tấn công nước Triệu. Đó là nước Yên. Trong việc làm của Kịch Tân, nước Yên không có công lao gì mà xã tắc nguy. Trong việc là của Trán Diễn, nước Yên không có công lao gì mà đạo đức mất[17]. Họ Triệu lúc đầu được thoả ý ở nước Yên, sau đó được thoả ý ở nước Tề. Nước loạn, nhưng khí tiết cao, tự cho mình là ngang với nước Tần. Đó không phải là vì mai rùa của nước Triệu thì linh thiêng mà mai rùa của nước Yên thì lừa dối.
Nước Triệu đã từng bói mai rùa, cỏ thi để đánh nước Yên ở phía bắc, định cướp nước Yên để chống lại nước Tần. Quẻ nói đại cát. Nhưng nước Triệu vừa mới đánh thành Đại Lương thì nước Tần đã xuất quân ở Thượng Đảng, quân Triệu đến đất Ly thì sáu thành đã mất, đến Dương Thành thì quân Tần lấy đất nghiệp. Bàng Viện kéo binh đi về phía nam thì đất Chương mất hết.
Cho nên thần nói: “Mai rùa của Triệu tuy không thấy xa ở Yên thì cũng phải thấy gần ở Tần. Nước Tần được quẻ đại cát, có cái thực tế là mở rộng đất đai, lại có được cái danh là cứu nước Triệu. Triệu được quẻ đại cát mà đất bị cất binh bị nhục, vua bực bội mà chết. Lại cũng không phải mai rùa nước Tần thì thiêng mà mai rùa nước Triệu thì lừa dối. Lúc đầu nước Nguỵ mấy năm liền quay về hướng đông đánh lấy hết đất Đào; nước Vệ mấy năm quay về hướng tây mà mít nước của mình,
Đó là không phải vì những ngôi sao Phong Long, Thái Nhất, Ngũ Hành, Vương Tướng, Nhiếp Đề, Lục Thần, Ngũ Quát, Thiên Hà, An Sương, Tuế Tinh[18] nằm mấy năm ở phương tây, cũng không phải là vì những ngôi sao Thiên Khuyết. Hố Nghịch, Hình tinh, Huỳnh Hoặc, Khuê Thai mấy năm nằm ở phía đông***. Cho nên nói: “Mai rùa, cỏ thi, quỷ thần không đủ để đánh thắng, không phải các sao ở bên trái, bên phải, trước mặt, sau lưng đủ để quyết định việc đánh”. Thế mà nhờ cậy vào đó thì không gì ngu bằng.
2. Ngày xưa các tiên vương dốc sức vào việc đổi mới dân, lo lắng vào việc nêu cao pháp luật. Pháp luật được nêu cao thì các tôi trung được khuyến khích. Việc phạt chắc chắn thì bọn gian thần ngừng lại. Tôi trung được khuyến khích, gian thần ngừng lại, đất mở rộng và vua được đề cao, đó là nước Tần. Bầy tôi bè đảng cấu kết nhau đế che giấu cái đạo ngay, làm việc riêng tư, kết quả đất bị cắt địa vị nhà vua bị thấp xuống, đó là các nước phía đông núi Hoa Sơn. Loạn và yếu thì mất, đó là bản tính con người. Nước trị và mạnh thì làm vương, đó là cái đạo từ xưa vậy. Vua Việt Câu Tiễn cậy vào rùa Đại Bằng đánh nhau với quân Ngô mà không thắng được, phải đem thân làm bầy tôi vào làm quan ở đất Ngô. Khi trở về nước thì bỏ rùa, soi sáng pháp luật, đổi mới dân để trả thù nước Ngô, kết quả bắt được Phù Sai.
Cho nên những kẻ cậy vào quỷ thần thì coi thường pháp luật. Những kẻ cậy vào chư hầu thì làm cho nước mình bị nguy khốn. Nước Tào ỷ vào nước Tề mà không nghe nước Tống. Khi nước Tề đánh nước Kinh thì nước Tống diệt nước Tào. Nước Hình ỷ vào nước Ngô mà không nghe nước Tề. Khi nước Việt đánh nước Ngô thì nước Tề diệt nước Hình. Nước Hứa ỷ vào nước Kinh mà không nghe nước Nguỵ. Khi nước Kinh đánh nước Tống thì nước Nguỵ diệt nước Hứa. Nước Trịnh dựa vào nước Nguỵ mà không nghe nước Hàn. Khi nước Nguỵ tấn công nước Kinh thì nước Hàn diệt nước Trịnh.
Nay nước Hàn nhỏ mà ỷ vào nước lớn, nhà vua coi thường mà lại nghe nước Tần[19]. Các nước nhỏ ỷ vào nước Nguỵ, nước Tề, nước Kinh làm chỗ dựa mà những nước nhỏ lại càng mất. Cho nên nhờ cậy người ta không đủ để mở rộng đất. Nước Kinh đánh nước Nguỵ mà đem quân đánh Hứa và Yên, nước Tề đánh Nhiệm Hồ mà cắt đất nước Nguỵ, điều này không đủ để bảo tồn nước Trịnh. Nhưng nước Hàn lại không thấy thế. Những nước này đều không biết soi sáng pháp luật, ngăn cấm để cai trị nước mình mà lại nhờ cậy nước ngoài nên xã tắc bị diệt vậy.
3. Cho nên thần nói: “Nếu nêu cao phép tắc cai trị thì nước dù nhỏ cũng giàu. Nếu việc thưởng và phạt được tôn trọng và chắc chắn thì dân tuy ít cũng mạnh. Việc thưởng phạt không có mức độ, thì nước dù lớn, quân đội cũng vẫn yếu. Đất tuy rộng dân vẫn không phải là dân của mình”.
Nếu không có đất, không có dân thì Nghiêu, Thuấn cũng không thể làm vương, thời Tam Đại không thể mạnh được. Bậc vua chúa lại cho một cách sai lầm bọn bầy tôi lại nhận một cách bừa bãi. Những kẻ bỏ pháp luật mà nói chuyện công lao của các tiên vương, các vua sáng thì nhà vua trao nước cho họ. Cho nên nói: “Như thế là muốn lập cái công đời xưa, lấy cách thưởng đời xưa để thưởng những người đời nay”. Nhà vua như vậy là cho một cách sai lầm, mà bầy tôi vì thế lấy một cách bừa bãi. Vua cho sai lầm thì bầy tôi trộm lấy sự yêu thương, bầy tôi nhận bừa bãi thì công lao không được tôn quý.
Những kẻ không có công được thưởng thì của cải hết mà dân oán thán. Của cải hết mà dân oán thán thì dân sẽ không dốc sức mình. Cho nên dùng thưởng mà sai lầm là bỏ mất dân, dùng hình phạt mà sai lầm thì dân không sợ. Có thưởng nhưng không đủ để khuyến khích, có phạt nhưng không đủ để ngăn cấm thì nước dù có lớn cũng nguy. Cho nên nói: “Kẻ biết chuyện nhỏ không đủ để mưu việc lớn kẻ trung nhỏ không đủ để khiến làm chủ pháp luật”.
Vua Cung Vương nước Kinh đánh nhau với Lộ Công nước Tấn ở Yến Lăng. Quân đội nước Cung thua, Cung Vương bị thương. Đang chiến đấu hăng mà quan tư mã là Tử Phản khát nước, muốn uống nước, người hầu là Cốc Dương dâng cho ông ta chén rượu. Tử Phản nói: “Bỏ đi, đó là rượu!”. Người hầu là Cốc Dương nói: “Không phải”. Tử Phản cầm lấy mà uống. Tử Phản là người ham rượu, thích quá, uống mãi không thôi, say và ngủ. Cung Vượng muốn đánh nữa và muốn bàn kế, sai người gọi Tử Phản, Tử Phản từ chối là đau tim. Cung Vương đi xe đến xem, vào trong trướng ngửi thấy mùi rượu nồng nặc, quay trở về nói: “Trận đánh hôm nay quả nhân bị thương ở mắt, chỉ trông cậy ở quan tư mã. Thế mà quan tư mã lại như thế, tức là làm mất xã tắc nước Kinh và không thương đến dân của ta. Quả nhân không thể cùng ông ta đánh giặc nữa”. Nhà vua bãi binh rút về, chém Tử Phản để trị tội.
Cho nên nói: “Người hầu Cốc Dương; dâng rượu không phải vì ghét Tử Phản, thực tình anh ta trung và yêu ông ta, nhưng như thế chỉ đủ để giết ông ta mà thôi. Đó là làm việc trung nhỏ mà hại đến cái trung lớn. Cho nên nói: “Cái trung nhỏ là giặc của cái trung lớn”. Nếu khiến bọn trung nhỏ làm chủ pháp luật thì họ thế nào cũng tha tội vì thương yêu. Như thế thì được yên với kẻ dưới nhưng lại làm trở ngại đến việc trị dân vậy.
4. Vào thời nước Nguỵ nêu cao luật pháp, và thi hành mệnh lệnh, thì những người có cống thế nào cũng được thưởng, những người có tội thế nào cũng bị phạt, và nước mạnh trong thiên hạ, uy lực thi hành ở bốn phương. Đến khi pháp luật của nước bị coi thường, việc thưởng bừa bãi thì nước ngày càng bị cắt đất. Vào thời nước Triệu nêu cao luật pháp của nước, lập một đạo quân lớn thì người đông và binh mạnh, mở rộng đất ở nước Tề, nước Yên. Đến khi phép nước bị coi thường, người thi hành pháp luật yếu thì nước ngày một bị cắt đất. Nước Yên vào thời đề cao pháp luật, xét kỹ những quyết định của các quan thì phía đông lấy các huyện của nước Tề, phía nam thu hết đất Trung Sơn. Đến khi việc tôn trọng pháp luật đã bị bỏ, sự quyết định của các quan không được dùng, những người chung quanh nhà vua tranh giành nhau, việc bàn về công lao do người dưới quyết định thì binh yếu và đất bị cắt, nước bị những nước láng giềng khống chế
Cho nên nói: “Nước nào nêu cao pháp luật thì mạnh, nước nào coi nhẹ pháp luật thì yếu” Tình trạng mạnh hay yếu như vậy là rất rõ. Thế nhưng những vị vua chúa ở đời không làm, cho nên nước mất là phải lắm.
Tục ngữ có câu: “Nhà có công việc không thay đổi thì tuy gặp đói cũng không chết đói. Nước có pháp luật bất biến thì tuy gặp nguy cũng không mất”. Nay lại bỏ cái pháp luật bất biến mà nghe theo cái ý riêng thì những bầy tôi ở dưới tô vẽ sự khôn ngoan tài giỏi. Nếu bầy tôi ở dưới tô vẽ sự khôn ngoan tài giỏi thì pháp luật và lệnh cấm không đứng vững được. Như vậy là cái đạo theo ý sai lầm được thi hành và cái đạo trị nước bị bỏ. Cái đạo trị nước nếu trừ khử những kẻ làm hại pháp luật thì không bị sự khôn ngoan tài giỏi mê hoặc, không bị tiếng khen lừa dối.
Ngày xưa Thuấn sai quan khơi nước hồng thuỷ chảy. Một người làm trước khi có lệnh và có công, nhưng Thuấn giết đi. Vua Hạ Vũ tiếp chư hầu ở Cối Kê. Vua Phòng Phong đến sau mà Vũ chém đi. Do đó mà xem, người làm trước khi có mệnh lệnh thì bị giết, người làm sau kỳ hạn của lệnh bị chém. Vậy người xưa quý nhất là làm đúng mệnh lệnh.
Cho nên cầm cái gương trong thì không bị cản trở, do đó có thể so sánh đẹp và xấu. Nắm lấy cái cân thẳng mà không bị cản trở thì vật nặng vật nhẹ đều do đó mà cân được. Lắc cái gương thì cái gương không thể sáng, lắc cái cân thì cái cân không thể đúng. Về pháp luật cũng thế.

Vì vậy cho nên tiên vương lấy đạo làm cái bất biến, lấy pháp luật làm gốc. Cái gốc được trị thì cái tiếng lớn, cái gốc mà loạn thì cái tiếng mất. Nói chung, những kẻ khôn ngoan, tài giỏi, sáng suốt, thông minh nếu được dùng thì có kết quả tốt, nếu không được dùng thì vô ích. Cho nên sự khôn ngoan có thể giúp đỡ cho đạo nhưng không thể truyền cho người khác. Đạo và pháp luật thì vạn toàn, còn khôn ngoan và tài giỏi thì thường hay sơ suất.
Nói chung, treo cái cân lên, đó là cái đạo vạn toàn vây. Bậc vua sáng khiến dân trau giồi về đạo cho nên rỗi rãi mà có được công lao. Bỏ cái quy để dùng sự khéo léo, bỏ pháp luật để nghe theo sự khôn ngoan, đó là cái đạo dẫn đến sư mê hoặc rối loạn. Ông vua loạn khiến dân trau giồi sự khôn ngoan, vì không biết đạo cho nên vất vả và không có công lao.
5. Bỏ pháp luật, sự ngăn cấm mà nghe theo lời xin xỏ, thì ở trên bọn bầy tôi sẽ bán chức quan, ở dưới sẽ lấy thượng. Như vậy là cái lợi là thuộc nhà riêng mà cái uy là thuộc bầy tôi. Cho nên dân không dốc sức thờ vua mà lo việc giao tiếp với cấp trên. Dân thích giao tiếp với cấp trên thì của cải chạy lên trên, còn bọn khéo nói được dùng. Như vậy thì các người có công lao lại càng ít, bọn gian thần càng tiến lên và các bầy tôi có tài càng lùi bước. Kết quả nhà vua bị mê hoặc không biết nên làm như thế nào dân chúng tụ tập nhưng không biết đi đường nào Đó là điều sai lầm của việc bỏ pháp luật, cấm đoán coi nhẹ công lao, dùng người theo tiếng khen, nghe theo lời xin xỏ vậy.
Nói chung, những kẻ làm hỏng pháp luật thế nào cũng bày đặt ra những điều dối trá, bày ra những sự việc để thân với nhà vua, lại thích nói những điều trong thiên hạ ít có. Đó là điều làm cho các bạo quân và các loạn chúa bị mê hoặc, và các bầy tôi giúp đỡ giỏi bị lấn át. Cho nên bầy tôi khen công Y Doãn, Quản Trọng thì bọn làm trái pháp luật, tô vẽ sự khôn ngoan có căn cứ để nói[20], khen Tỷ Can, Tử Tư là trung mà bị giết thì những kẻ ghét những người can gián mạnh có cớ để nói[21]. Nói chung, trên khen là những người hiền minh, thì dưới gọi là bạo loạn, không thể lấy đó để so sánh. Như vậy thì phải cấm. Nhà vua lập, ban hành pháp luật để lập nên cái phải. Nay bọn bầy tôi nhiều người dùng cái khôn riêng của mình, cho pháp luật là sai, cho việc gian tà là khôn, vượt qua pháp luật để dùng cái khôn. Như thế thì phải cấm. Đó là cái đạo của bậc làm vua.
Đạo của bậc vua chúa là phải phân biệt rõ ràng giữa việc chung với việc riêng, nêu cao pháp chế, gạt bỏ cái ơn riêng. Phàm mệnh lệnh thì phải thi hành, đã cấm thì phải thôi. Đó là cái nghĩa chung của nhà vua, Quyết tám là việc riêng, giữ chữ tín với bạn bè, không để cho việc thưởng khuyến khích, không để cho việc phạt cản trở. Đó là cái nghĩa riêng của bầy tôi. Cái nghĩa riêng được thi hành thì sinh loạn, cái nghĩa công được thi hành thì trị an. Cho nên việc công và việc riêng phải phân biệt.
Bầy tôi có bụng riêng tây, có cái nghĩa chung. Trau giồi thân mình trong sạch làm việc công ngay thẳng, giữ chức quan không theo điều riêng đó là cái nghĩa chung của bầy tôi. Làm chuyện tham ô, vâng theo sự ham muốn, lo thân mình yên, nhà mình được lợi, đó là cái bụng riêng tư của bầy tôi. Bậc vua sáng ở trên thì bọn bầy tôi sẽ bỏ cái bụng riêng tư để làm cái nghĩa chung. Ông vua loạn ở trên thì bọn bầy tôi sẽ bỏ cái nghĩa chung, thi hành cái bụng riêng tư.
Cho nên vua và tôi bụng dạ khác nhau. Nhà vua dùng mưu kế để nuôi bầy tôi, bầy tôi dùng mưu kế để thờ nhà vua. Quan hệ giữa vua và tôi là mưu kế cả. Làm hại đến thân mình mà có lợi cho nước, bầy tôi không làm. Làm hại cho nước mà lợi cho bầy tôi thì ông vua không làm. Tình cảm của bầy tôi à không thấy cái lợi ở chỗ thân mình bị thiệt hại, tình cảm của ông vua là không thân với những người làm hại cho nước. Như vậy, vua với tôi là lấy sự tính toán để hợp tác với nhau. Còn như việc gặp mà quyết chết, dốc trí khôn đem hết sức mình, thì đó là vì pháp luật mà làm.
6. Cho nên các tiên vương làm sáng tỏ sự thưởng phạt để khuyến khích họ, lập hình phạt nghiêm để ra uy với họ. Việc thưởng phạt được soi sáng thì dân quyết chết. Dân quyết chết thì quân đội mạnh và vua được đế cao. Hình phạt và khen thưởng không được xét rõ thì dân không có công mà lại cầu được thưởng, có tội mà lại mong được tha. Như vậy thì quân đội yếu mà vua bị hạ thấp. Do đó, các tiên vương và các người giúp đỡ giỏi đều dốc hết sức và đem hết trí khôn. Cho nên có câu: “Không thể không phân biệt việc công và việc tư, không thể không xét kỹ pháp luật và việc ngăn cấm, các bậc tiên vương đã biết rõ điều đó vậy”.

Chú thích:

[17] Vua Triệu đánh nước Yên bắt tướng Yên là Kịch Tân. Nước Yên sai Trâu Diễn hỏi về việc đánh Triệu được quẻ cát, nhưng bị Liêm Pha đánh bại.

[18] Tác giả chế nhạo thuật xem sao thời cổ. Thiên văn chí chẳng hạn nói sao Tuệ Tinh ở vào địa phận nước nào thì nước ấy thắng, sao Huỳnh Hoặc ở vào địa phận nước nào thì nước ấy thua.

[19] Vì phần lớn các bài là dâng lên vua Hàn nên nói đến chuyện không dựa vào Tần.

[20] Y Doãn thấy Thái Giáp bạo ngược đưa ông ta đến Đông Cung 3 năm, tự mình trông coi chính sự. Khi ông ta hiểu việc trị nước mới trao quyền lại. Quản Trọng được Hoàn Công gọi là Trọng phụ trao tất cả chính quyền cho ông ta. Đây nói bọn bầy tôi, làm trái pháp luật muốn nhà vua trao mọi quyền cho mình.

[21] Tỷ Can, Tử Tư là trung thần vì can gián mạnh mà bị giết, những kẻ ghét ai can gián mạnh có thể bảo họ xúc phạm đến nhà vua.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.