Hàn Phi Tử

Thiên XVII: Đề phòng bên trong (Bị nội)



1. Cái lo của nhà vua là ở chỗ tin người ta. Mình tin người ta thì bị người ta kiềm chế. Bầy tôi đối với nhà vua không phải có tinh thần cốt nhục, chi vì bị tình thế buộc không thể không thờ, cho nên những kẻ làm tôi cứ dò la bụng dạ của ông vua không bỏ lơi một phút, thế mà ở trên ông vua lại lười biếng kiêu ngạo.
Đó là điều khiến cho trên đời mới có kẻ hiếp vua, giết chúa. Làm vua chúa mà quá tin con thì bọn gian thần sẽ dựa vào người con để thực hiện điều riêng tư của họ. Cho nên Lý Đoái giúp Triệu Vương mà làm cho Chủ Phụ chết đói. Làm vua chúa mà quá tin vợ thì bọn gian thần sẽ dựa vào vợ mà thực hiện điều riêng tư của họ. Cho nên người hề là Thí giúp Ly Cơ giết Thần Sinh mà lập Hé Tề. Gần như vợ và thân như con mà còn không thể tin, thế thì ngoài ra không thể tin ai vậy.
2. Vả lại, vị chúa có vạn cỗ xe, ông vua có ngàn cỗ xe, bà hậu phi, các phu nhân, có con trưởng làm thái tử, hoặc giả vẫn có người muốn nhà vua chết sớm.
Tại sao lại biết là thế? Nói chung, vợ chồng không có ân huệ cốt nhục, lúc yêu thì được thân, không yêu thì bị sơ. Tục ngữ nói: “Yêu mẹ thì bế con” Như vậy thì ngược lại: “Ghét mẹ thì bỏ con”. Đàn ông đến năm mươi tuổi lòng hiếu sắc vẫn không hết đàn bà ba mươi tuổi sắc đẹp đã tàn. Người đàn bà sắc đẹp đã tàn lại thờ ông chồng hiếu sắc thì thân mình thế nào cũng bị hạ thấp, bị bỏ rơi và con mình sợ không nối ngôi được. Đó là cớ khiến cho hoàng hậu, thì phi, phu nhân mong cho nhà vua chết. Còn khi mẹ làm thái hậu người con làm vua thì lệnh ra không ai không thi hành, cấm điều gì cũng được. Cái thú vui trai gái không kém với ông vua trước, mà lại nắm chắc quyền lực của một ông vua có vạn cỗ xe. Đó là cái lý do khiến họ dùng lối đầu độc và thắt cổ.
Cho nên sách Đào Ngột Xuân Thu nói: “Những ông vua chết vì bệnh không có lấy một nửa”. Làm vua chúa mà không biết như thế thì loạn sẽ hay nẩy sinh. Cho nên nói: “Nếu nhiều người có lợi về cái chết của nhà vua thì nhà vua nguy”.

Vương Lương yêu ngựa, vua nước Việt là Câu Tiễn yêu người chỉ vì muốn chiến đấu và cưỡi ngựa. Ông thầy thuốc khéo hút mủ ở vết thương người ta, ngậm máu người ta không phải vì có tình thương cốt nhục, chẳng qua làm thế thì có lợi. Cho nên người bán cỗ xe làm xong cỗ xe thì muốn người ta giàu sang. Người thợ mộc đóng xong quan tài thì muốn người ta chết non. Đó không phải vì người thợ đóng cỗ xe có lòng nhân, còn người thợ đóng quan tài không phải ghét người ta, nhưng cái lợi của anh ta là ở chỗ người ta chết.
Cho nên khi bè đảng của bà hậu phi, phu nhàn thái tử đã thành thì muốn nhà vua chết, bởi vì nếu nhà vua không chết thì cái thế của họ không được trọng. Bụng họ không phải ghét nhà vua, nhưng cái lợi của họ là ở chỗ nhà vua chết.
Vì vậy nhà vua không thể không để ý đến những kẻ có lợi trong việc mình chết. Cho nên mặt trời, mặt trăng có cái quầng ở bên ngoài thì cái hại của nó là ở bên trong. Mình đề phòng những người mình ghét nhưng cái hoạ xẩy ra lại từ chính những người mình yêu.
3. Vì vậy cho nên bậc vua sáng không làm những việc mà mình không kiểm tra được, không ăn những thức ăn khác thường, nghe xa và nhìn gần để xem xét những sai sót bên trong và bên ngoài. Xét những lời giống nhau và khác nhau để biết sự phân chia bè đảng. Xét điều nên điều không nên để biết được sự thực trong việc trình bày. Nắm lấy cái sau để cho ứng với cái trước. Dựa vào pháp luật để cai trị mọi người. Tập hợp các đầu mối để xem xét. Không thưởng kẻ sĩ vì mình yêu. Không thường vượt quá việc đã làm, giết thì phải cho đúng, kẻ có tội thì không tha. Như vậy thì bọn gian tà mới không có cách nào che giấu điều riêng tư của họ được.
Sưu dịch nhiều thì dân khổ sở. Dân khổ sở thì kẻ có quyền thế nổi lên. Kẻ có quyền thế nổi lên thì việc sưu dịch càng năng. Việc sưu dịch càng nặng thì những kẻ sang càng giàu. Làm dân khô sơ mà những kẻ giàu sang nổi lên, trao cái thế cho bọn bầy tôi, đó không phải là cái lợi lâu dài của thiên hạ. Cho nên có cáu: “Sưu dịch ít thì dân được yên. Dân được yên thì ở dưới không có người nhiều quyền. Ở dưới không có quyền lo thì quyền thế bị diệt. Quyền thế bị diệt thì cái đức là thuộc bề trên”.

4. Nước thắng được lửa, điều đó đã rõ. Nhưng lấy cái nồi để ngăn nước lại thì ở trên nước sôi, bốc hơi cho đến cạn, nhưng ở dưới lửa vẫn cứ cháy rần rật. Vì nước không có cái thế để thắng lửa. Nay việc cai trị thì thắng bọn gian tà, điều đó càng rõ hơn nữa. Nhưng những bầy tôi giữ pháp luật lại làm thành cái nồi cho nên pháp luật chỉ sáng rõ ở trong bụng mà bỏ mất cái thế ngăn cấm gian tà.
Theo những lời thượng cổ truyền lại, những lời sách Xuân Thu chép thì những kẻ phạm pháp, làm chuyện bạo nghịch thành bọn đại gian xưa nay đều xuất phát từ những bầy tôi được tôn quý.
Thế mà những kẻ pháp lệnh đề phòng, hình phạt giết chết, thường là ở địa vị thấp hèn. Cho nên dân chúng tuyệt vọng, không biết kêu vào đâu.
Các quan đại thần bè đảng với nhau, bên trong cùng nhau che đậy nhà vua, làm lợi cho nhau, bên ngoài thì giả vờ ghét nhau để tỏ ra vô tư, cùng làm tai mắt cho nhau để rình mò chỗ sơ hở của nhà vua. Nhà vua bị che đậy không có cách nào nghe được tuy có cái tiếng là chủ nhưng không có cái thực, bầy tôi nắm lấy pháp luật mà thi hành. Tình hình thiên tử nhà Chu là như thế. Nếu cho mượn quyền thế của mình thì trên và dưới thay đổi địa vị. Cho nên nói không thể cho bầy tôi mượn quyền thế.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.