Hàn Phi Tử

Thiên XXIX: Những điều căn bản của việc cai trị (Đại thể)



1. Người xưa hiểu rõ cái đại thể của việc cai trị thì nhìn trời đất, ngắm sông biển, dựa vào núi hang. Như mặt trời mặt trăng chiếu sáng, bốn mùa vận chuyển, mây bay, gió thổi, không lấy cái khôn làm luỵ đến cái lòng mình, không lấy điều riêng tư làm hại đến mình. Gửi việc trị loạn ở pháp luật và thuật trị nước, gửi sự phải trái ở thưởng và phạt, giao việc nặng và nhẹ cho cái cân.
Họ không làm trái lẽ trời, không làm thương tổn đến tính tình, không bới lông tìm vết, không kỳ cọ cái nhơ bẩn để xét cái khó biết, không dây ra ngoài lằn mực, không dây vào trong lằn mực, không vội vã ở ngoài phạm vi pháp luật. Họ giữa cái lý lẽ đã xong xuôi, dựa theo tự nhiên. Hoạ và phúc là do đạo mà sinh ra chứ không phải do yêu hay ghét. Vinh và nhục là đòi hỏi ở mình mà không nằm ở người.
Cho nên ở cái đời hết sức trị yên thì pháp luật như sương buổi sáng, thần phác mà không lẫn lộn. Bụng không kết oán, miệng không có lời than phiền Cho nên xe ngựa không mệt mỏi trên đường xa. Cờ xí không rối loạn nơi đầm lớn. Muôn dân không chết vì giặc cướp. Những người dũng mãnh không bị chết vì cờ xí. Những người hào kiệt không nổi danh trong sử sách và tranh vẽ không ghi cộng nơi mâm chén, sách chép việc hàng năm để trống. Cho nên nói: “Lợi không có cái gì dài bằng sự đơn giản, phúc không có cái gì lâu bàng yên ổn”.
2. Ví thử Tượng Thạch[31] sống lâu ngàn tuổi, tay cầm cái câu liêm, mắt nhìn cái quy củ, buông dây dọi để làm cho núi Thái Sơn thẳng đứng, ví thử Mạnh Bôn, Hạ Dục mang kiếm Can Cương để trị vạn dân, thì tuy họ dốc sức vào công việc và sống lâu đến đâu, núi Thái Sơn cũng không thể sửa ngay được mà dân cũng không thể trị an được. Cho nên có câu: “Người xưa chăn thiên hạ không khiến Tượng Thạch dùng hết sức khéo để làm hỏng hình dáng núi Thái Sơn, không khiến Mạnh Bôn, Hạ Dục ra uy để làm thương tổn đến bản tính của muôn dân”.
Dựa theo đạo mà hoàn thành pháp luật thì người quân tử vui mà kẻ đại gian ngừng. Nhàn nhã, yên tĩnh, dựa vào mệnh trời, nắm lấy cái đại thể, cho nên khiến cho người ta không phạm cái tội rời khỏi pháp luật, không có cái hoạ cá rời khỏi nước. Như vậy cho nên thiên hạ ít cái không làm được.
Bề trên không được như trời thì kẻ dưới không được che khắp. Lòng nhà vua không như đất thì vật không được chở hết. Núi Thái Sơn không có cái yêu cái ghét của mình cho nên thành được cái cao của nó, sông Gianh và biển không bỏ sự giúp đỡ nhỏ cho nên có thể có được sự giàu có của nó. Bậc đại nhân noi theo hình dáng của trời đất cho nên muôn vật đủ, để lòng nơi núi và biển cho nên nước nhà giàu có. Trên không có bụng oán giận, dưới không có mối lo oán ngầm. Trên và dưới thần phác với nhau, lấy đạo làm tiêu chuẩn. Cho nên chất chứa được cái lợi lâu dài, lập được cái công lao to lớn. Cái danh được lập ở trước, cái đức để lại ở sau, việc trị an đến cùng cực vậy.

Chú thích:

[31] Nhân vật trong Trang Tử, chỉ người thợ rất giỏi và rất khỏe.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.