Hãy Cười Lên Các Con

NÀO, CƯỜI LÊN CÁC CON!



Ngành khoa học mà ba yêu thích vô cùng là chụp hình, nó chỉ đứng sau có môn nghiên cứu phân tích quy trình sản xuất và môn thiên văn học. Ba đã thiết kế hơn phân nửa căn gác nhà kho ở Montclair thành phòng tối. Ông Coggin, người chụp hình cho ba, vẫn rửa hình ở đó, sau cánh cửa được khóa trái tới ba lớp. Khóa ba lớp vì ông Coggin rất ghét bị chúng tôi quấy rầy. Ngay cả trước mặt ba, ông Coggin vẫn luôn gọi chúng tôi là “lũ tiểu yêu”.

Sau khi ông Coggin xin từ chức vì quay hỏng vụ mổ amygdale tập thể, các ông thợ chụp ảnh khác liên tục bị ba thay.

Ba cho rằng không có ai chụp hình giỏi bằng ba, ba có lý do để khẳng định như vậy. Cũng vì lẽ đó ba tự tay chụp hình cho gia đình mình.

Và ba khoái chụp hình cả nhà càng nhiều càng tốt, bất kể mùa đông hay mùa hạ, trời mưa hay trời nắng, trong nhà hay ngoài trời, đặc biệt là ngày chủ nhật. Rất nhiều nhà nhiếp ảnh thích chụp với ánh sáng tự nhiên của mặt trời. Ba, trái lại, rất thích chụp với flash bằng ma-nhê[9], và flash càng chói thì ba càng khoái.

[9] Hồi ký gia đình này được viết vào những năm 1950 nên còn dùng flash bằng mangésium.

Ba đổ cả núi bột ma-nhê màu xám vô hộp đựng của súng bắn ma-nhê hình chữ T. Sau đó tay trái giơ cao hết cỡ cây súng bắn flash, ba chui vào dưới tấm vải đen che máy ảnh, tay phải cầm nắm khởi động chụp hình.

Rất ít ai đã bắn ma-nhê với số lượng lớn như ba. Trần nhà chúng tôi ở Montclair loang lổ các dấu tròn do ma-nhê để lại như là minh chứng cho tính mạo hiểm của ba trong lĩnh vực này. Các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp đã xanh mặt khi nhìn ba nhồi số lượng ma-nhê nhiều đến vậy vào súng bắn flash, sau đó họ vội vàng lắp bắp vài tiếng chiếu lệ rồi mau chóng rút lui khỏi căn phòng đầy .. hiểm nguy.
Ba tức giận la họ:

– Tôi biết tôi đang làm gì mà! Các vị chết nhát cứ việc chuồn đi. Sau này so sánh ảnh do tôi chụp với ảnh các vị chụp sẽ thấy ảnh nào đẹp hơn.

Tuy vẫn còn bị giật mình khi ma-nhê phát nổ chói lòa, nhưng các anh chị lớn đã được ba chụp hình như vậy nhiều lần nên không còn sợ hãi chuyện ba sử dụng lượng ma-nhê lớn khủng khiếp như vậy. Khó mà nói được tại sao các anh chị lớn hoàn toàn tin tưởng vào tài nghệ chụp hình của ba. Nhưng theo năm tháng, với thâm niên tuổi đời, các anh chị lớn đã học được tinh thần thiền, cam chịu một cái chết định mệnh, ít nhất cũng chóng vánh và không gây đau đớn. Nhưng các em út thì chưa kịp lĩnh hội được thái độ triết lý cao thâm như vậy để có thể vững tâm chấp nhận. Ngay cả mô-đen cuối, tên ba gọi bé út nhất, cũng biết là tất cả sấm sét địa ngục sẽ nổ ra khi ba chui vào dưới tấm khăn đen che máy ảnh. Nói chung các bé út vẫn vui vẻ cho đến lúc đó. Nhưng ngay khi ba chui vào khăn che máy ảnh là các bé tuy không hẹn nhau, vẫn đồng loạt ré lên kinh hoảng.

Ba quát lên:

Lillie à, mình dỗ mấy đứa nhỏ nín đi. Dan mở mắt ra, bỏ tay bịt tai ra, con không biết xấu hổ khi chết nhát như vậy sao! Có một tí chớp sáng mà cũng sợ. Mấy đứa lớn có thôi cựa quậy đi không?

Ba bực bội chui ra khỏi khăn che máy. Chui dưới đó vừa nóng bức vừa khiến ba lên máu nhức đầu vì phải cúi xuống.

Ba nổi cáu:

Các con có chịu nín đi không hả? Các con có chịu nghe lời ba không hả? Ba muốn tất cả các con mỉm cười khi ba trùm khăn chụp hình.

Rồi ba lại chui vào dưới khăn che máy. Và mọi chuyện lại tiếp diễn như cũ. Ba lại quát lớn:

Ba đã bảo các con không được khóc kia mà. Có chịu cười không hả? Nếu không ba lại cho vài cái phát đáng để cho khóc thật đó! Cười hở mười cái răng cho ba thấy coi nào!

Ba lại chui vào dưới khăn che máy:

Sẵn sàng chưa các con? Cười đi, cười đi nào. Đừng cử động nhé… đừng cử đôộông…

Ba huơ món đồ chơi của ba lên pằng một cái, sấm sét nổ ra, chói lòa, rung rinh cả tường, và một lớp bụi ma-nhê mỏng bắn lên trần nhà rồi dội xuống phủ lên cả chúng tôi.

Ba chui ra khỏi tấm vải, nhễ nhại mồ hôi nhưng cười thật tươi. Ba ngước nhìn trần nhà một cái cho chắc ăn là nó chưa sụp, đặt cây súng xuống, ra mở cửa sổ cho khói cay mắt bay ra bớt.

Ba bảo:

Ba tin chắc là ảnh sẽ đẹp đó! Cây súng bắn flash mới này tuyệt thật! Các con đứng đó chờ ba. Hết khói ba chụp thêm một tấm nữa cho chắc ăn. Tấm vừa rồi hình như flash chưa đủ sáng lắm.

Với những tấm hình chụp ngoài trời nắng với hậu cảnh thường là “Xế Điên”, ba có kỹ thuật chụp chậm để điều chỉnh máy tự động chờ ba vô chụp với cả nhà. Tuy nhiên, nếu như các hình chụp ngoài trời không bị nguy cơ “thổi bay” khỏi trần nhà, chúng vẫn có nguy cơ khiến ba nổi cơn thịnh nộ.

Sau khi chúng tôi đã được “đặt đâu ngồi đấy” trên Xế Điên theo đúng ý ba, ba điều chỉnh máy, bảo chúng tôi cười mím chi, bấm nút cho máy chụp tự động, rồi chạy đến ngồi vào xe. Thường ba mới chạy đến xe thì đã thở hào hển, kịp đến khi ba nhảy vô ngồi thì chiếc lảo đảo dưới sức nặng của ba. Nếu ba gặp may thì máy ảnh chờ cho ba kịp ngồi vào đúng chỗ, nở nụ cười thật ăn ảnh, rồi mới tự động chụp.

Nhưng không phải lúc nào cũng lý tưởng như vậy (làm sao tin tưởng tuyệt đối vào máy được, nhất là máy tự động)! Có lúc máy chụp sớm quá, thế là nguyên phần sau đồ sộ như tảng núi của ba được in lên hình, ngay lúc ba nhảy vào xe. Có lúc chờ mãi cả mấy phút máy cũng không thèm chụp, khiến chúng tôi ngồi trơ mặt ra đó, căng miệng ra cười toét, đứa lớn ngăn không cho đứa nhỏ cựa quậy. Ba thì cười nửa miệng phía máy ảnh, nửa kia đe dọa chúng tôi đủ mọi hình phạt nếu như chúng tôi chớp mắt hay xoay mặt đi. Có khi chờ máy lâu quá, phản xạ thử thách nổi lên, ba quay lại phát cho tụi tôi một cái trị tội rồi vội lấy tư thế tươi cười với ống kính. Nhưng hiếm khi ba thắng trong trò chơi này, và chuyện trên hình hiện ra cảnh ba đang phát cho Frank một phát đích đáng là chuyện cơm bữa.

Cũng có khi các nhà báo, hoặc các nhà nhiếp ảnh của công ty truyền thông Underwood & Underwood đến xin chụp hình gia đình chúng tôi để đăng lên báo. Lúc ấy ba huýt sáo tập họp, lấy đồng hồ ra xem và sau đó khoe với họ bọn tôi đã tập họp nhanh biết chừng nào. Tiếp theo ba cho chúng tôi biểu diễn đánh máy chữ, gửi tin nhắn bằng mật mã Morse, làm tính nhẩm, và nói ngoại ngữ Pháp, Đức và

Có lúc ba hô lên “Cháy”, thế là tất cả tụi tôi thấm khăn ướt rồi cuộn tròn trong đó lăn ra đất.

Những lúc được người ngoài chụp hình như vậy thì mọi chuyện rất tốt đẹp vì khi ấy ba cùng hội cùng thuyền với tụi tôi, có nghĩa là ba cũng phải đứng trước ống kính. Khi đó ba cũng bị bảo đứng chỗ này chỗ kia, đứng kiểu này kiểu nọ, và kể cả đứng yên không được cựa quậy. Khỏi phải nói cũng biết những lúc ấy tụi tôi khoái chí đến chừng nào. Không cần cố gắng, mặt tụi tôi đứa nào đứa nấy tươi như hoa khi nghe những câu đại loại như:

Ông Gilbreth, ông vui lòng đứng yên đi nào! Ông đừng đút tay vô túi quần như vậy! Ông đứng xích lại bà nhà đi nào… Như vầy nè… đó… được rồi.

Vừa nói ông phó nhòm vừa nắm tay ba lôi đến đúng chỗ:

Rồi, bây giờ ông cười cho thật tươi nhé! Ba tức mình gắt lên:

Tôi chẳng cười tươi là gì đây!

Có lần một nhà nhiếp ảnh của công ty Underwood & Underwood phàn nàn với ba:

Có một điều tôi không tài nào hiểu nổi! Mọi chuyện đều diễn ra tốt đẹp cho đến khi tôi chui dưới khăn che máy. Đúng lúc ấy, như thể đó là hiệu lệnh, tất cả mấy em út nhà ông đồng loạt ré lên và tôi không làm sao dỗ nín được nếu không ra khỏi khăn che ấy.

Lời giải thích duy nhất mà ông ta nhận được từ ba là:

– Ủa vậy hả? Ông có chắc là vậy không?

*

Ba rất nghề khi sáng tạo ra những cảnh quay phim quảng cáo liên quan đến nghiên cứu quy trình sản xuất . Như lần ba làm phim quảng cáo cho hãng Remington về máy đánh chữ. Ba cho quay cảnh chúng tôi ứng dụng phương pháp dạy của ba trên chiếc máy đánh chữ Moby Duck màu trắng đã được kể ở những phần trên. Sau này, khi ba tham vấn cho một công ty sản xuất viết chì bấm, ba này ra ý tưởng chụp hình quảng cáo bằng cảnh chúng tôi chôn một núi viết chì thường.

Lúc ấy chúng tôi đang nghỉ hè ở Nantucket. Bác Tom lấy một cái hộp bỏ đi chế thành cái hòm giả rất đẹp, màu đen. Trong nhiều tuần, chúng tôi mua dần dần thật nhiều viết chì để bỏ đầy cái hòm đó. Rồi chúng tôi khênh cái hòm đầy bút chì đó tới một đụn cát nằm giữa “Chiếc giầy” và biển, chôn hòm xuống một hố nông được ba và bác Tom đào sẵn. Các nhà hàng xóm lấy ống dòm ra quan sát. Họ cứ tưởng trong bọn tôi đã có tên đi đời vì nghịch quá.

Ba dựng máy ảnh trên chân đỡ, điều chỉnh bộ phận chụp tự động, rồi chụp một lô hình chúng tôi đang chôn cái hòm viết chì để tạo hình tượng bỏ cái cũ, tiếp nhận cái mới.
Chụp hình xong, ba ra lệnh:

Bây giờ các con đào cái hòm lên rồi làm lại y như cũ. Lần này để quay phim. Nào chúng ta bắt đầu từ đoạn…

Chúng tôi lại đào cái hòm lên, cố tránh cho nó không bị trầy và lấy cát ra khỏi các cây viết. Lần quay phim này do bác Tom phụ trách. Rất may thời đó là phim câm nếu không khán giả sẽ tha hồ nghe ba hò hét.

Ba la đại loại như sau:

Tom, bác nhớ quay một lúc là hai vòng nghe. Này một và hai, này ba và bốn. Ernestine, đừng đứng che hết ống kính như vậy. Con có biết cô đào Mary Pickford cũng làm giống như con nhưng ở xa hơn không? Bây giờ tất cả cầm xẻng lên và xúc cát hất xuống. Cấm cười, đây là đám ma mà! Quay! Này một và hai…

Sau khi quay xong đám tang lần thứ hai này, ba ra lệnh cho chúng tôi đào lên.

Chúng tôi hỏi:

Bộ ba cho làm lại nữa sao, ba? Ba đã chụp hình và quay phim rồi mà!

Đồng ý là đã lấy hình rồi. Nhưng không lẽ các con vứt phí biết bao nhiêu viết chì như vậy hả? Đào lên rồi lau sạch để xài. Cũng được mấy năm đó chớ không ít đâu!

Công bằng mà nói, ba không làm quảng cáo suông, bởi vì sau khi dùng hết số viết chì thường đó thì chúng tôi được cho dùng toàn viết chì máy. Sở dĩ ba bắt dùng cho hết là để tránh lãng phí mà thôi.

Hè năm sau, ba tham vấn cho một công ty sản xuất máy giặt. Chúng tôi cũng làm lại như vậy với máy giặt và máy vắt khô ở Nantucket. Nhưng lần này bác Tom nói trước với ba:

Ông chờ cho một phút! Trước khi chôn cái máy vắt khô của tôi. Ông để tôi bôi dầu cho nó đã, để dễ lấy sạch cát khi đào nó lên.

Ba công nhận:

– Ý hay đó!

Nhưng ba chợt cảnh giác và giao hẹn:

Nhưng đừng đổ thừa rồi đòi mua máy giặt nữa đó nghe! Tôi đã mua cho bác một cái ở Montclair rồi đó! Không có tiền đâu mà mua máy giặt cho mỗi nhà rải khắp bờ biển Đại Tây Dương!

Dạ tôi có nói vậy đâu. Tôi chỉ nói ông cho tôi vô dầu cái đã, ngoài ra tôi không hề đòi hỏi gì hết.

Nói rồi bác Tom lẩm bẩm:

Hiệu năng với chả hiệu năng! Trong nhà này lúc nào cũng nói đến “hiệu năng”. Vậy mà không nghĩ là cách tốt nhất để phá hủy một cái máy vắt khô là chôn nó vào trong cát rồi đào nó lên lại! Đó mới đúng là tiết kiệm lao động đấy!

Ba quát lên:

Bác lẩm bẩm cái gì thế. Muốn nói cái gì bác nói lớn lên, nếu không bác thôi cái trò lẩm bẩm đó đi!

Nhưng bác Tom vẫn tiếp tục lẩm bẩm:

Tiết kiệm lao động mà cho chôn cái máy vắt khô khốn khổ vào cát, đến khi đào lên thì máy đã bị dính cát rít rịt khiến người ta muốn gãy lưng mới quay nó được. Vậy mà cũng đòi “tiết kiệm lao động”. Đúng là chuyện người thì sáng chuyện nhà thì tối. Tổng thống Lincoln đã giải phóng tất cả các nô lệ trên đất Mỹ ngoại trừ có một thôi!

*

Những phim ảnh quảng cáo kiểu này nhiều khi khiến chúng tôi bị lũ bạn trêu chọc đến khổ:

Tại sao bạn còn dùng viết chì thường vậy? Bữa hổm coi phim thời sự mình thấy ba và chị em nhà bạn đã chôn chúng hết rồi mà!

Khổ nhất là khi các thầy cô đọc cho cả lớp nghe những đoạn trích từ các bài báo viết về các hình vẽ trên trần, trên tường, về các máy quay dĩa học ngoại ngữ và về các quyết định được đưa ra trong các Hội đồng Gia tộc. Những lúc ấy chúng tôi không tránh khỏi đỏ mặt và bối rối. Lòng thầm ước phải chi ba chúng tôi chỉ là một ông bán giày bình thường nào đó, hoặc chí ít ba chỉ có một hai đứa con mà thôi và những đứa con ấy không phải là chúng tôi.

*

Một nhà quay phim cố tình chơi trác gia đình chúng tôi, chắc ông ta có ăn chia với người mướn ông ta mà chúng tôi không ngờ. Ông ta ngỏ ý xin chụp hình cả nhà đang ăn trưa ở Nantucket.

Cả tin, ba đồng ý cho dọn bàn trên sân cỏ trước nhà, nào là trên bàn ăn bày đầy thức ăn, ghế ngồi và cả cái ghế dài ba yêu thích nữa, chưa kể hàng đàn ruồi nhặng vo ve chung quanh (mùa hè mà!).

Sau đó những thước phim thời sự này được đem chiếu tại rạp với hàng đề tựa: “Gia đình Frank B. Gilbreth, người đàn ông của tiết kiệm lao động đang ăn trưa” Phim được quay với tốc độ nhanh gấp mười lần bình thường. Nó khiến cho người xem có cảm giác chúng tôi chạy bổ nhào về ghế mình ngồi, ăn uống nghiến ngấu, rồi chạy khỏi bàn ăn như một lũ điên. Tất cả bữa trưa xảy ra trong vòng không đầy 45 phút. Cứ như một phim biếm họa cho thuyết “tiết kiệm thời gian”. Đã thế, ở hậu cảnh phơi lủng củng toàn bộ quần áo của cả nhà (đó là lý do tay quay phim cứ đòi quay chúng tôi ở ngoài sân), dĩ nhiên phơi nhiều nhất vẫn là tã lót các em bé. Thật khủng khiếp, không khác gì là một cơn ác mộng.

Chúng tôi xem thước phim đó ở rạp hát Nantucket và nghe tiếng khán giả phá ra cười sằng sặc không thua gì họ đang xem phim của danh hài Lioyd Hamilton. Mọi khán giả quay nhìn chúng tôi. Chúng tôi tức và xấu hổ đến phát điên lên. Để an ủi chúng tôi, ba rủ đi ăn kem nhưng chúng tôi chẳng còn hứng thú nào nữa.

Chúng tôi không ngừng than vãn:

Mong rằng phim này đừng bao giờ được chiếu ở Montclair, nếu không tụi con không đi học đâu, tụi bạn ở trường thế nào cũng trêu tụi con cho mà xem.

Ba cố an ủi chúng tôi:

Thôi nào các con! Đúng là mình bị mắc lỡm cái ông phóng viên đó! Nhưng như vậy còn ít đó, mình nên mừng mới phải. Chuyện còn có thể tồi tệ hơn nữa đó! Cả nhà có biết ba sợ gì mãi cho đến khi hết phim mới thôi không? Ba chỉ sợ phim được quay ngược khiến như mình đang ói vào các đĩa ăn đó! Nếu việc ấy xảy ra thì ba đảm bảo ba sẽ kiện nhà làm phim ra tòa về tội phỉ báng!
Mẹ đứng về phía ba liền:

Em sẽ giúp mình ngay khi ấy…

Ba nhún vai chấp nhận sự đã rồi:

Nào các con. Không dại gì cõng mãi chuyện đó nữa. Cả nhà mình ra tiệm Coffin ăn kem đi. Ba bao mỗi đứa hai chầu kem sô-cô-la, chịu không?

Trước sự hào phóng hiếm có như vậy của ba, chúng tôi đành chấp nhận bỏ qua câu chuyện không vui ấy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.