Hãy Cười Lên Các Con

ÔNG CHỦ TỊCH



Ba được sinh ra ở Fairfield, thuộc bang Maine. Ông nội làm chủ một cửa hàng, một nông trang và một trại nuôi ngựa kéo xe. Ông nội, John Hiram Gilbreth, từ trần năm 1871, để lại một con trai út mới lên ba, hai con gái lớn hơn, cùng một bà vợ góa đoan trang và vững vàng như bức tường thành.

Bà nội có niềm tin là các con mình sẽ thành đạt, nên bà thấy phải có trách nhiệm đảm bảo cho con cái mình được hưởng một nền học vấn tối ưu, để hội đủ khả năng phất cờ khi cờ đến tay.

Nội tâm sự với các bà hàng xóm ở Fairfield:

– Sau đó thì tự tụi nó sẽ tính, con nhà nòi mà.

Bởi vì công việc làm ăn ở Maine không cần đến sự hiện diện của nội nên bà đưa gia đình chuyển sang bang Massachussets để các cô con gái, tức các bác của chúng tôi, có thể được vào học ở Học viện hàn lâm Abbot. Sau này, khi hai con gái có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc thì nội lại chuyển nhà một lần nữa. Ai đã từng ở New England sẽ biết thủ phủ của văn hóa toàn cầu đóng ở Boston, đó cũng là nơi mà nội chọn ở.

Ba có hoài bão trở thành kỹ sư công nghệ, vì vậy nội dự tính để ba vào học Học viện Công nghệ Massachussets (MIT). Nhưng sau khi tốt nghiệp trung học, ba nhận thấy nếu mình đi học đại học thì sẽ tạo một gánh nặng quá lớn cho ngân quỹ gia đình và không khéo các chị phải bỏ ngang việc học. Vì vậy ba giấu nội không học đại học nữa mà chuyển qua học làm thợ xây.

Bị đặt trước chuyện đã rồi, nội quyết định cố gắng còn nước còn tát. Dẫu sao Tổng thống Abraham Lincoln[1] cũng đã bắt đầu kiếm sống bằng nghề thợ xẻ gỗ mà. Nội bèn dạy con trai mình:

[1] A. Lincoln nổi tiếng vì có công giải phóng người nô lệ gốc châu Phi tại Mỹ

Nếu như con quyết định học nghề thợ xây thì hãy cố gắng học để trở thành một người thợ thật xuất sắc.

Ba mỉm cười thưa với nội:

Dạ, con sẽ cố hết sức tìm một bác thợ xây thật giỏi tay nghề để xin theo học.

Nếu như nội tin con trai mình sẽ là một thợ học việc giỏi giang, ông đốc công của ba trái lại cho rằng ba là cậu học việc khiến ông nhức đầu nhất trong suốt mười bốn năm hành nghề của ông. Ông lớn giọng móc mỉa ba:

Cậu đến đây để học việc, vì vậy chớ có dạy khôn chúng tôi!

Tuy nhiên những câu nói… có hàm ý sâu sắc như vậy chưa bao giờ làm ba nao núng. Hồi đó, tuy còn trẻ nhưng ba đã nhận thức được ngành nghiên cứu quy trình sản xuất sẽ là chuyên ngành của ba. Sở dĩ ba tin chắc như vậy là nhờ lúc đó ba đã có một sáng kiến mà chưa có chuyên gia xây dựng nào nghĩ đến.

Ba đem ý tưởng đó ra bàn với ông đốc công:

Chú có thấy là các chú thợ nề không bao giờ đặt viên gạch xuống theo cùng một kỹ thuật không? Việc làm cùng một kỹ thuật quan trọng lắm đó, chú có biết tại sao không?

Điều tôi biết rõ là nếu cậu còn mở miệng bàn bạc kỹ thuật xây gạch thì tôi sẽ tọng ngay một viên gạch vào mồm cậu đó!

Kỹ thuật giống nhau rất quan trọng, bởi vì nếu các chú đang xây với kỹ thuật khác nhau như thế này, nếu có một chú xây đúng kỹ thuật thì có nghĩa là tất cả các chú khác đều xây sai kỹ thuật. Nếu cháu là chú, cháu sẽ phải quan sát coi chú nào làm đúng kỹ thuật thì bắt các chú khác phải làm đúng y như chú đó.

Ông đốc công tức đến đỏ gay cả mặt và quát lên:

Nếu cậu là tôi, việc đầu tiên mà cậu làm là tống cổ cái tên nhóc con tóc hung đỏ đang dạy khôn mình đi! Cậu có thấy là cậu đang dạy khôn tôi không?

Nói xong chưa hả giận, ông đốc công còn vớ lấy một viên gạch, huơ lên đầy đe dọa:

Có lẽ tôi không đủ khôn ngoan để nhận biết thợ nào là thợ giỏi nhất của tôi, nhưng chí ít tôi cũng biết được thợ phụ nào lải nhải làm tôi nhức đầu nhất. Cậu liệu mà câm miệng lại kẻo tôi đập cục gạch này vào mặt đó, mặc kệ cậu chịu hay không chịu.

Tuy nhiên sang năm sau ba đã sáng chế ra một dàn giáo khiến ba trở thành thợ xây nhanh nhất. Ba nhận thấy những chồng gạch và vữa thường để ngay chân tường định xây, muốn lấy người thợ xây cứ phải ngẩng lên cúi xuống, vừa mất thì giờ vừa gây mỏi lưng. Dàn giáo do ba thiết kế giúp cho gạch và vữa luôn được để vừa tầm tay người thợ.

Một lần nữa, ông đốc công lại nói móc ba:

Cậu đâu có gì hay hơn các bạn cậu đâu, chẳng qua cậu là một tên làm biếng.

Nói vậy chứ ông đốc công cũng cho làm dàn giáo y như kiểu của ba sáng chế và còn khuyến khích ba đem mẫu dàn giáo ra dự thi. Quả nhiên, ba đã đoạt được giải thưởng
sáng kiến hay trong năm.

Về sau, cũng chính ông đốc công ấy đã giới thiệu và bảo lãnh để ba trở thành đốc công. Cùng với ê-kíp thợ xây của mình, ba đã phá kỷ lục xây nhanh đến mức ba được thăng chức làm Giám đốc công trình. Rồi ba mở xí nghiệp riêng của mình để có thể chủ động thiết kế và quản lý xây dựng những cây cầu, những kênh đào, những đô thị công nghiệp và những nhà máy. Sau này, nhiều lần khi công trình được xây dựng xong thì chính chủ công trình mời ba nghiên cứu và thiết kế quy trình thao tác cho hoạt động riêng biệt của xí nghiệp.

Đến năm ba hai mươi bảy tuổi thì công ty của ba đã có văn phòng ở New York, Boston và Luân Đôn. Ba đã là ông chủ của một thuyền buồm, hút xì-gà và ăn mặc đúng với địa vị của một đại gia.

*

Mẹ được sinh ra trong một gia đình danh giá có tiếng ở Oakland, thuộc bang California. Mẹ gặp ba ở Boston khi mẹ đang trên đường chuẩn bị sang châu Âu, trong một chuyến đi du lịch có người theo kèm (thường được tổ chức vào thời ấy cho các thiếu nữ con nhà danh giá).

Mẹ được cho học cao nên khi ấy mẹ đã tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý học của Đại học California. Vào thời kỳ này các cô gái tốt nghiệp bậc đại học thường được nhìn với cặp mắt e dè, họ được coi là những con mọt sách thiếu thanh sắc và nữ tính. Điều này được ngầm thấy qua trích đoạn này của thông tin trên báo về đám cưới của Ba Mẹ:

“Mặc dù tốt nghiệp Đại học California nhưng cô dâu không vì vậy mà giảm mất vẻ cực kỳ quyến rũ của cô”.

Đúng như lời bài báo tả, mẹ cực kỳ quyến rũ và duyên dáng.

Và thế là mẹ, chuyên gia về tâm lý học, và ba, chuyên gia về nghiên cứu thiết kế quy trình sản xuất và thiết kế xây dựng các công trình đô thị, cả hai quyết định cùng nghiên cứu những lãnh vực mới của ngành tâm lý gia đình với đối tượng nghiên cứu là một gia đình đông con. Ba mẹ tin chắc là những gì thành công trong cộng đồng gia đình mình thì sẽ thành công tại cộng đồng xí nghiệp, và ngược lại những gì có ích cho cộng đồng xí nghiệp thì cũng sẽ có ích cho cộng đồng gia đình của ba mẹ.

Ngay sau khi gia đình chúng tôi dọn đến Montclair ba bắt đầu thử nghiệm giả thuyết của mình. Bác quản gia Tom Grieves lo đủ thứ việc, và bà bếp Cunningham, không còn quán xuyến nổi công việc trong một gia đình ngày càng thêm các thành viên nhí cũng như dọn dẹp ngăn nắp một căn nhà quá lớn. Ba quyết định chúng tôi phải phụ giúp hai người ấy. Nhưng ba muốn việc phụ giúp ấy dựa trên cơ sở tự giác. Ba đã thấy phương thức hiệu quả nhất để xây dựng tinh thần hợp tác trong xí nghiệp là: có một Hội đồng Quản trị kết hợp các đại diện công nhân và ban giám đốc, để thống nhất quyết định phân công phù hợp với năng lực và mong muốn của từng thành viên trong xí nghiệp. Vì lẽ đó ba mẹ quyết định thành lập Hội đồng Gia tộc theo mẫu các Hội đồng Quản trị tổng hợp ấy. Hội đồng Gia tộc có buổi họp thường kỳ ngay sau bữa cơm trưa mỗi chủ nhật.

Trong buổi họp đầu tiên, ba trịnh trọng đứng dậy, tự rót cho mình một ly nước lạnh và bắt đầu bài diễn văn:

Các con cũng nhận thấy là ba ngồi ở ghế Chủ tịch. Ba nghĩ không có ai phản đối chuyện này. Vì ông Chủ tịch không nghe tiếng phản đối nào nên…

Anne đứng lên ngắt lời ba. Là chị cả, Anne học lớp cao nhất trong chúng tôi nên đã bắt đầu có khái niệm thực tiễn thế nào là thể chế dân chủ qua các cuộc tranh cử và bầu Hội đồng Học sinh ở trường. Vì vậy chị biết một Chủ tịch phải được bầu theo nguyên tắc đa số.

Thưa ông Chủ tịch… Ba quát ngay tắp lự:
Trật tự. Nhất là khi ông Chủ tịch đang phát biểu.

Nhưng ba đã nói là ba không nghe thấy ai phản đối trong khi thật sự con có ý kiến.

Ba gầm lên:

Trật tự có nghĩa là ngồi xuống. Và ba đã nói là trật tự.

Ba cầm ly nước lạnh để bên cạnh, uống một ngụm nước cho hạ hỏa rồi nói tiếp:

Vấn đề đầu tiên được nêu lên trong cuộc họp là việc phân công các công việc cần làm ở trong và ngoài nhà. Ông Chủ tịch lắng nghe ý kiến của mọi người.

Không có ý kiến nào được các con của ba phát biểu.

Ba mỉm cười hòa hoãn:

Nào, nào, các ủy viên trong Hội đồng, chúng ta đang thực thi dân chủ, mỗi ủy viên đều có quyền phát biểu. Các con muốn phân chia công việc như thế nào?

Chẳng có ai muốn phân chia công việc bởi vì chẳng ai muốn nhúng tay vào làm việc nhà cả. Mọi người nín khe.
Ba bắt đầu nổi nóng quát lên:

Coi kìa các con, nói đi chứ! Jack, con có quyền nói đó! Con nghĩ sao về việc phân chia công việc? Nhớ nói cho rõ ràng đó.

Jack đứng lên chậm rãi phát biểu:

– Thưa Hội đồng, con nghĩ bác Tom và bà Cunningham phải làm. Mình đã trả tiền công cho họ mà.

Dĩ nhiên là ba lại quát lên:

– Jack, ngồi xuống! Ba rút quyền phát biểu của con.

Jack ngồi xuống trong khi chúng tôi đồng tình với quan điểm của Jack. Nhưng ba mẹ thì không. Mẹ nói nhỏ với đám con:

Nói nhỏ thôi, Jackie! Lỡ bác Tom và bà Cunningham nghe thấy họ tự ái xin nghỉ việc thì sao? Nhà đông con như nhà mình khó kiếm ra người giúp việc lắm đó!

Jack vẫn bảo lưu ý kiến:

Thì họ cứ việc xin nghỉ. Lúc nào bác Tom và bà Cunningham cũng bắt bẻ tụi con.

Ba cho Dan phát biểu kế tiếp. Dan đứng lên và bắt đầu nói:

Con nghĩ là bác Tom và bà Cunningham có quá nhiều việc.

Nghe tới đây, ba mẹ đều tươi hẳn nét mặt. Dan tiếp tục:

Vì vậy con đề nghị chúng ta mướn thêm một người làm. Ba lại quát lên:

Trật tự! Dan, ngồi xuống!

Ba thấy tình thế bắt đầu chuyển biến xấu nên quay sang mẹ. Mẹ, nhà chuyên gia về môn tâm lý học, chắc sẽ giúp ba gỡ thế bí. Ba bảo mẹ:

Ông Chủ tịch trao quyền phát biểu cho bà Phó chủ tịch đấy!

Mẹ dịu dàng bảo:

Thật ra chúng ta có thể nghĩ đến giải pháp mướn thêm người làm…

Chúng tôi huých nhau mỉm cười đắc chí.

Mẹ nói tiếp:

Tuy nhiên mướn thêm người làm có nghĩa là sẽ phải giảm bớt ngân quỹ dành cho các việc khác. Thí dụ như cắt hết các khoản chi cho các món tráng miệng và tiền túi thì chúng ta mới đủ tiền để mướn thêm một cô dọn phòng. Nếu như chúng ta cắt hết các khoản chi cho xem phim, ăn kem và mua quần áo mới trong một năm thì chúng ta có thể mướn thêm một bác thợ làm vườn…

Ba cười tươi như hoa mặt trời, hỏi tiếp:

Hình như có ai muốn phát biểu thì phải? Thế nào, có người chịu cắt bớt chi tiêu để đủ tiền mướn thêm người làm, phải không?

Ba phủ đầu vậy thôi chớ chẳng ai chịu cả. Dù vậy, cuối cùng chúng tôi cũng đành nhận các phần việc được phân công. Đám con trai sẽ dùng máy cắt cỏ sân trước và gom lá khô. Đám con gái sẽ quét nhà, phủi bụi và rửa chén sau bữa ăn tối. Tất cả mọi người, trừ ba, sẽ dọn phòng và giường của mình. Đến phần phân chia công việc theo tầm vóc của mỗi người thì các em nhỏ gái sẽ phủi bụi các chân bàn ghế và các kệ ở thấp; các chị lớn sẽ phủi bụi mặt bàn và các kệ ở cao. Các em nhỏ trai sẽ gom lá khô và nhổ cỏ dại trong sân vườn, còn các anh lớn sẽ đẩy máy đi cắt cỏ và mang lá khô đi đốt.

*

Chủ nhật sau, khi ba cho họp cả nhà lần thứ hai, tụi tôi chậm rãi bước vào chỗ ngồi. Ba linh tính lũ con đang toan tính chuyện gì đây.

Martha đã được góp ý rất kỹ trong các buổi họp kín của tụi tôi, đứng lên phát biểu:

Chúng con nghe nói bà Phó chủ tịch muốn mua một thảm trải sàn cho phòng ăn. Đó là vật dụng chung cho cả nhà, nên chúng con muốn được hỏi ý kiến trước khi tấm thảm được mua.

Chị cả Anne nói bồi thêm:

– Xin đồng ý.

Ông Chủ tịch không biết phải ứng phó ra sao bèn hỏi để câu giờ trong khi tìm cách trả lời các Ủy viên:

Có ai có ý kiến gì thêm không? Lillian đứng lên phát biểu:
Thưa ông Chủ tịch, bởi vì chúng con chịu trách nhiệm quét thảm nên chúng con cũng xin có ý kiến trong việc mua thảm.

Martha cũng lấy dũng khí phát biểu:

Tụi con muốn mua thảm có dệt hoa, vừa đẹp, vừa đỡ phải quét thường xuyên ạ!

Ernestine nói tiếp:

Tụi con cũng muốn biết bà Phó chủ tịch định mua thảm trong khoảng bao nhiêu tiền.

Fred nói thêm:

Tụi con cũng muốn được đoan chắc là không phải cắt bớt các khoản chi tiêu khác để mua thảm.

Ba quay sang mẹ:

Ông Chủ tịch nhường quyền phát biểu cho bà Phó chủ tịch.

Mẹ suy nghĩ một lát rồi bảo:

Ý của mẹ là mua một tấm thảm trơn màu tím và khoảng 100 đô-la. Nhưng nếu các con muốn mua thảm dệt hoa khoảng 95 đô-la thì cũng được.

Ba nhún vai ra ý nếu mẹ đồng ý thì ba cũng đồng ý (thường là như vậy). Rồi ba ra lệnh:

– Ai đồng ý giơ tay lên.

Dĩ nhiên là tất cả các Ủy viên đều giơ tay đồng ý. Ba hỏi tiếp:

Còn gì nữa không nào? Bill đứng lên xin phát biểu:
Con đề nghị lấy năm đô-la vừa tiết kiệm được mua một con chó săn.

Việc mua thảm chỉ là một trò chơi dân chủ, nhưng chuyện mua chó lại là chuyện nghiêm túc hơn nhiều. Đã từ lâu chúng tôi thèm nuôi chó nhưng ba không cho. Đối với ba, tất cả những con thú “cưng” nào mà không đẻ trứng đều là thứ xa xỉ, một ông bố đông con không nên động đến. Ba có dự cảm là nếu ông đồng ý cho tụi tôi nuôi chó thì các lần họp tới lũ con sẽ yêu sách nhiều thứ khác. Ông kinh hãi nghĩ biết đâu lũ con sẽ đòi mua nào là một tàu ngựa con, một xe hơi thể thao không mui cho chị cả Anne, mấy cái xe mô-tô cho mấy đứa con trai, một bể bơi và nhiều thứ đắt tiền hơn nữa.

Tiếng Lillian kéo ba ra khỏi cơn ác mộng vừa thoáng qua:

– Con đồng ý.

Jack nói bồi thêm:

Con cũng đồng ý. Một con chó sẽ là “cục cưng” của tụi con. Tuy con sẽ là cậu chủ của nó nhưng mọi người trong nhà đều có quyền vuốt ve nó.

Dan cũng nói:

Chó là bạn của con người. Vả lại có chó nó sẽ ăn sạch các mảnh vụn rơi vãi giúp mình khỏi phải quét nhà thường xuyên ba à!

Ba vẫn chưa chịu:

Có một con chó có nghĩa là mang phiền toái vào nhà. Chúng ta sẽ trở thành nô lệ của nó. Nó sẽ gặm nhấm ta từ ngoài vào trong. Nó sẽ rải bọ chét từ cửa ra vào cho đến gác sát mái. Nó sẽ đòi ngủ ngay ở chân giường của ba. Và sẽ không có ai chịu trách nhiệm tắm rửa cho con vật hôi hám ấy.

Rồi ba quay sang nhìn mẹ cầu cứu:

Lillie, Lillie, em hãy nghĩ kỹ đi. Em không thấy là nếu lần này mình chịu chấp nhận thì mọi việc sẽ lún sâu hơn nữa sao? Rồi sẽ là những con ngựa non; những xe hơi thể thao mui trần; những chuyến du lịch ở đảo Hawaii; những đôi vớ lụa; son môi; và con gái cắt tóc ngắn!
Mẹ vẫn dịu dàng trả lời:

Em nghĩ là mình phải tin vào sự sáng suốt của các con. Một con chó giá năm đô-la làm sao so với chuyến đi du lịch
Hawaii được.

Chúng tôi bỏ phiếu, kết quả chỉ có một phiếu chống (của ba), một phiếu trắng (của mẹ).

Những năm sau, khi chú chó săn lớn tướng, gieo rắc lông khắp nơi trong nhà, cắn ống quần bác đưa thư, và nhất định không chịu rời chân giường của ba. Ba lâu lâu lại nói móc mẹ:

Mỗi ngày tôi đều cảm ơn ông Tạo Hóa đã cho tôi đủ sáng suốt để bỏ phiếu chống việc dẫn về nhà một con vật lười nhác, hay sủa cắn bậy và khiến tôi chịu hết xiết này! Tôi tự khen mình đã có can đảm chống đối “cái bị” đầy bọ chét không biết xấu hổ là gì đang chia xẻ giường ngủ và bàn ăn của tôi. Bà có nghe tôi nói gì không bà Phó Chủ tịch!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.