Hãy Cười Lên Các Con

TẬP HỢP!…



Ba có vóc người cao to. Với chiều cao 1 mét 8, ba đã bỏ xa mức cân nặng 100kg từ lúc ba mới ba mươi tuổi. Ở ba luôn toát ra vẻ tự tin của một người thành đạt và luôn tự hào về vợ con mình.

Bà luôn làm người khác có ấn tượng và bị chinh phục ngay trong lần tiếp xúc đầu tiên. Vừa bước chân vào nhà máy Zeiss[4] của Đức hoặc Pierce Arrow[5] của Mỹ là bà tuyên bố ngày ông có thể giúp tăng tốc độ sản xuất 25%. Và thường là bà giữ đúng lời hứa đó. Lý do bà thành đạt trong công việc và có một gia đình đông con – chúng tôi không dưới một tá mười hai đứa đâu nhé – là vì bà vững tin vào những gì ông làm cùng với mẹ sẽ không thể có kết quả nào khác ngoài sự thành công.

[4] Zeiss là công ty Đức nổi tiếng về chế tạo kính cao cấp như lăng kính hiển vi.

[5] Pierce Arrow là công ty Mỹ chế tạo xe hơi.

Ba luôn gắn liền thực tiễn với lý thuyết, do đó chúng tôi nhiều khi không nhận ra được ở ba đâu là ranh giới của một nhà nghiên cứu công nghệ và người cha trong gia đình. Văn phòng làm việc của ba lúc nào cũng có trẻ con. Ông thường dẫn theo khi thì vài ba đứa, khi thì tất cả mười hai chị em chúng tôi. Những lúc ấy chúng tôi đi nối đuôi theo ba, tay cầm giấy bút ghi chép mọi điều, trong khi ba khảo sát để đề ra phương cách “tăng hiệu năng trong sản xuất”. Chưa hết, căn nhà của chúng tôi ở Montclair, bang New Jersey, quả là một mô hình trường lý luận khoa học cho một khoa trong chuyên ngành giảm thiểu các động tác thừa trong quy trình sản xuất, ba mẹ gọi đó là “Khoa nghiên cứu các bước trong quy trình”.

Thí dụ, ba quay phim lũ nhóc chúng tôi đang rửa chén để từ đó phân tích loại bỏ các động tác thừa nhằm mục tiêu rút ngắn thời gian rửa chén. Những công việc ngoài kế hoạch, thí dụ như sơn lại hàng rào hoặc nhổ cỏ dại ở vườn trước nhà thì được cho đấu thầu, ai ra giá thấp nhất thì được nhận công việc ấy. Vì vậy hễ ai trong chúng tôi cần tiền thì sẽ bỏ giá thầu trong một phong bì kín, rồi đưa lại cho ba mẹ mở gói thầu trong các buổi họp Hội đồng Gia tộc.

Ba dán các thời khóa biểu phân công trong các phòng tắm. Hễ ai đủ lớn để viết được – ba luôn khuyến khích các con mình viết càng sớm càng tốt – sẽ phải ký tên vào đúng chỗ dành cho mình trên bảng phân công, mỗi buổi sáng sau khi đã đánh răng, chải đầu và dọn giường. Mỗi buổi chiều, mỗi người sẽ tự cân rồi ghi cân nặng của mình lên bảng biểu đồ cá nhân và ký một lần nữa sau khi xong phần việc của mình: đánh răng và tắm rửa.

Đúng là cuộc sống của chúng tôi có vẻ như trong một trại lính. Nhưng thử hỏi, một gia đình có tới mười hai đứa con nếu không lên kế hoạch như vậy thì ắt hẳn sẽ hỗn loạn. Dĩ nhiên cũng có lúc có tên láu cá ký tên nhưng không thực hiện. Hãy coi chừng đôi mắt thật tinh và cái phát thật lẹ tay của ba nhằm nhắc nhở phải sống sao cho trung thực.

Tại chỗ làm cũng như ở nhà, ba luôn là một chuyên gia về nâng cao hiệu năng tiết kiệm thời gian. Ba cài cúc áo từ dưới lên trên chớ không từ trên xuống, bởi vì ông đã tính cài cúc từ dưới lên trên chỉ mất ba giây trong khi từ trên xuống mất tới bảy giây. Ba dùng một lúc hai cây cọ thoa xà bông cạo râu với hai tay nhưng rồi đành bỏ cuộc vì có sự cố: Ba bị đứt một vết nơi cổ.

Ba lầm bầm kể:

Ba tiết kiệm được bốn mươi bốn giây nhưng lại mất hết hai phút để băng vết cắt ở cổ do dao cạo phạm phải khi ba dùng tay trái.

Ba không hề quan tâm đến vết cắt dao cạo râu mà chỉ tiếc đã lãng phí mất hai phút để băng vết cắt ấy!

*

Có người nói ba có nhiều con như vậy làm sao nhớ hết được. Ba cũng thường kể chuyện có lần mẹ đi dự hội nghị giao cho ba trông tụi tôi. Khi về mẹ hỏi thăm mọi chuyện ở nhà có ổn không. Ba nói chắc nịch:

Êm như ru, ngoại trừ thằng cu kia. Nhưng không sao, anh phát cho cu cậu một cái là đâu vào đó ngay.

Mẹ là người luôn giữ được bình tĩnh trong bất cứ tình huống nào nên chỉ nhẹ nhàng nói với ba:

Nhưng đó đâu phải là con nhà mình, nó là con nhà hàng xóm sang chơi với trẻ nhà mình mà.

Chẳng có đứa nào trong tụi tôi nhớ ra chuyện ấy và có lẽ đó chỉ là một trong những chuyện tiếu lâm mà ba khoái kể, nhất là khi nó liên quan đến ba, và càng khoái hơn nữa nếu chuyện đó liên quan đến mẹ. Nhưng có điều chắc chắn là bên nhà hàng xóm thật sự có hai đứa nhóc tóc hung đỏ y như tóc con nhà Gilbreth.

Tuy ba luôn chỉ huy gia đình rất nghiêm nhưng ba không chấp nhận người ngoài phê bình con cái mình. Có lần một bác hàng xóm than phiền có đứa trong tụi tôi nói tục đến mức “không thể nhắc lại nguyên văn”. Vậy là ba lịch sự hỏi lại bác ấy với vẻ mặt thật hình sự:

Bác nói vậy là sao, thế nào là “không thể nhắc lại nguyên văn”?

Thế là bác hàng xóm im luôn. Tuy bênh con như vậy nhưng khi tên phạm tội về đến nhà thì vẫn bị ba xử bằng một trận đòn ra trò. Ba sung sướng nhất là lúc ba được bao quanh bởi trẻ em. Dù ba xuất hiện ở đâu thì cũng có một đám con nít đi theo ba, đương nhiên trong đó có tụi tôi. Sở dĩ ba được lòng trẻ em là vì ba luôn tôn trọng ý kiến của chúng. Thêm nữa, ba luôn tin là trí tuệ của đa số người đã ngưng hoạt động khi những người ấy ra khỏi ghế nhà trường, thậm chí có kẻ đã bị ngưng trước khi tốt nghiệp nữa. Ba bảo:

Trẻ em luôn nhạy cảm và khát khao tìm hiểu. Cứ thử bất kỳ trẻ em nào, bạn sẽ thấy trẻ tiếp thu không hề giới hạn những gì bạn truyền đạt.

Thật ra ba có nhiều con như vậy cũng bởi vì ba yêu trẻ vô cùng. Tuy tụi tôi lên tới một tá nhưng nếu hoàn cảnh cho phép, ba còn muốn có nhiều con hơn thế nữa. Đôi lúc ba nhìn tụi tôi đầy vẻ tự hào rồi quay sang nói với mẹ:

– Em đừng lo, Lillie ạ. Em đã làm rất tốt!

Còn chúng tôi thì nhiều khi nghĩ ba ưng có nhiều con như vậy để chắc chắn luôn có thính giả chịu nghe mình. Với mười hai đứa con thì cứ tin chắc là cử tọa sẽ ngồi đầy từ chỗ của ban nhạc cho đến cánh gà!

*

Mỗi khi ba đi đâu xa về – dù chỉ có một ngày – là ba huýt sáo “tập hợp” ngay khi vừa tới góc đường nơi tòa nhà chúng tôi tọa lạc ở Montclair. Ba huýt sáo theo một điệu tự chế bằng cách gập lưỡi sát răng trước cửa, tạo ra một âm thanh thật chói tai và to. Bởi vì ba không có thì giờ tập thể dục nên việc huýt sáo đòi hỏi khá nhiều hơi sức, khiến có lúc ba phát nghẹt thở khi đang huýt sáo.

Mỗi khi nghe thấy tiếng ba huýt sáo là tụi tôi phải bỏ hết mọi chuyện đang làm để chạy đến tập hợp ngay, nếu không thì… hãy đợi đấy! Vì vậy, mỗi lần ba huýt sáo là thấy con cái nhà Gilbreth đổ xô ra từ mọi xó xỉnh, khiến lũ chó trong xóm sủa ầm ĩ cả lên như phát khùng. Các cửa nhà hàng xóm cũng được mở bung ra xem có chuyện gì xảy ra.

Ba rất thường huýt sáo tập họp. Ba huýt sáo khi có chuyện quan trọng cần thông báo với cả nhà. Ba huýt sáo khi ba muốn các con chơi với ba. Ba huýt sáo khi đưa khách về chơi nhà và muốn giới thiệu cả nhà với khách; ba cũng muốn bác ấy thấy ba tập họp các con nhanh đến chừng nào. Những lúc ấy thế nào ba cũng lôi cái đồng hồ tính giờ trong túi áo ra.

Như phần lớn các “sáng kiến” của ba, việc tập hợp không hẳn là một chuyện phiền toái mà nó có lợi ích của nó. Việc ấy được minh chứng vào lần xảy ra đám cháy trong khu phố chúng tôi ở. Hôm đó cỏ bị cháy lan đến gần tường nhà tôi, ba huýt sáo và nhà được sơ tán chỉ trong vòng có 14 giây, phá kỷ lục 8 giây nhanh hơn so với lần trước đó. Có một lý do khác khiến lần cháy đó trở thành giai thoại đáng nhớ. Một bác hàng xóm đứng ở sân nhà ngó qua xem diễn tiến cháy tới đâu. Đến lúc ngọn lửa bùng phát, vợ bác ấy chạy ra hỏi:

Có chuyện gì vậy mình? Bác hàng xóm trả lời vợ:
Bên nhà Gilbreth bị cháy, ơn Trời ạ!

Có cần phải kêu xe cứu hỏa không mình?

Ồ không đâu. May thay ngọn lửa được dập tắt mà không cần đến xe cứu hỏa.

Ba huýt sáo tập họp khi muốn biết tên nào đã làm đổ mực lên bàn làm việc của ba. Ba huýt sáo khi nào ba muốn giao việc. Nhưng thường thì ba huýt sáo khi ba có quà đặc biệt do các công ty tặng và khi đó tên nào chạy đến đầu tiên tên ấy sẽ được.

Vì vậy chúng tôi không tài nào đoán được ba huýt sáo gọi vì chuyện gì, một tin xấu hay một tin tốt, một món quà giá trị hay tầm thường. Tuy nhiên chúng tôi luôn hiểu là hễ nghe tiếng ba huýt sáo thì tốt nhất là phải chạy tới liền.

Có lần ba huýt sáo tập hợp. Đến khi tụi tôi kịp chạy đến đông đủ ba bèn nghiêm nghị bảo:

Tất cả xòe tay ra cho ba coi nào. Móng tay có sạch không? Có ai cắn móng tay không? Có ai chưa cắt móng tay không?

Nói rồi ba lôi ra cho mỗi đứa, con gái là bộ đồ làm móng tay, con trai là con dao gấp bỏ túi. Những lúc ấy chúng tôi thấy gần gũi, yêu thương biết bao đôi mắt nheo nheo lấp lánh của ba cười vui với chúng tôi.

Có lần ba trịnh trọng bắt tay chúng tôi và để lại trong tay mỗi đứa một viên kẹo sô-cô-la bọc hạt dẻ. Lần khác, ba hỏi ai có bút chì không và sau đó phân phát cho mỗi đứa một máy gọt bút chì tự động. Ngày nọ ba hỏi:

– Coi nào, mấy giờ rồi các con?

Nói rồi ba lôi trong túi ra phát cho mỗi đứa một chiếc đồng hồ đeo tay, kể cả út mới sáu tháng. Tụi tôi reo lên cảm ơn ba:

Ôi tuyệt quá! Ồ, đồng hồ đã được ba chỉnh đúng giờ nữa nè! Ôi… Cảm ơn ba!

Chúng tôi ôm cứng lấy ba khiến ba cảm động vò đầu mỗi đứa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.