Hãy Cười Lên Các Con

TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA



Cái ngày nước Mỹ gia nhập Thế chiến thứ nhất, ba gửi tổng thống Wilson bức điện tín có nội dung như sau:

Sẽ đến Wasshington lúc 7 giờ 30 chiều. Nếu như ông không biết sẽ dùng được tôi vào việc gì thì tôi sẽ nói cho ông biết.

Sự tình nguyện đó có thật sự làm nhẹ gánh cho Tổng thống Wilson hay không thì chưa bao giờ chúng tôi được ba nói rõ. Có điều chắc chắn là ba đã được đón tiếp tại nhà ga xe lửa rồi sau đó đưa tới bộ Chiến tranh. Khi chúng tôi gặp lại ba thì ba đã mặc quân phục với nhiệm vụ nghiên cứu quy trình để tiết kiệm thời gian tháo lắp các súng máy hiệu Lewis và các vũ khí tự động khác. Ba có lẽ là người có tóc hớt cao nhất trong quân ngũ, và khi ba bước vào phòng khách hô to: “Nghiêm” thì tất cả bọn tôi phải dập gót chào theo quân lệnh ngay lập tức.

Đã từ lâu mẹ vẫn định đưa chúng tôi về thăm gia đình bên ngoại ở California. Khi ba phải vào trại FortSill ở bang Oklahoma, thì mẹ thấy đã đến lúc về thăm nhà ngoại được rồi.

Mẹ xuất thân từ gia đình Moller, một gia đình danh giá và dư giả của ăn của để. Mẹ là chị cả trong một gia đình có chín người con, ba người đã lập gia đình và ra ở riêng, sáu người còn lại sống chung với cha mẹ trong một ngôi nhà lớn ở Oakland, thuộc bang California. Ngôi nhà có hàng cọ bao quanh, có sân vườn tuyệt đẹp và dãy nhà phụ nằm kín đáo dưới tán cây, nó đủ rộng để tạo cõi riêng cho từng người con. Có một phòng chơi bi-da, một cây ăng-ten, nhà kho, một chuồng chim bồ câu và một chuồng nuôi heo để dự thi các giải chăn nuôi.

Gia đình Moller có ba xe Packard, một bác tài xế người Pháp có tên Henri, một bác làm vườn, một bác nấu bếp người Hoa và một cô hầu phòng cho mỗi tầng lầu. Mặc dù có rất nhiều huê lợi hàng năm nhưng các thành viên trong gia đình có nếp sống rất giản dị. Tất cả đều đằm tính, thích sống nội tâm và có khuynh hướng bảo thủ. Hiếm khi có ai to tiếng và trong nhà luôn gọi nhau bằng “cưng”. Thí dụ “Eleanor cưng, Fred cưng…”, và mẹ tôi là “Liliane cưng”.

Trong gia đình Moller, mẹ là người duy nhất rời bang California. Trước khi xuất giá mẹ cũng khép kín và bảo thủ, có lẽ còn nhút nhát và chăm học hơn tất cả những em mình nữa. Chỉ xa đại gia đình có mười năm mẹ đã sinh được bảy đứa con và trở thành một nhà diễn thuyết quốc tế nổi tiếng. Tên mẹ thường xuất hiện trên các báo tên tuổi. Thật ra gia đình Moller không biết phải nên vui hay buồn khi thấy “Lillian cưng” thay đổi như vậy, nhưng có điều chắc chắn mẹ vẫn được “cưng” như cũ.

Trước khi cả nhà lên đường đi Oakland thì chúng tôi đã được mẹ kể rất kỹ về gia đình ngoại và ngôi nhà của ngoại, bởi vì mẹ ưng kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm thời ấu thơ của mẹ. Chúng tôi chưa được nhìn tận mắt nhưng đã hình dung ra mọi ngóc ngách của căn nhà cổ nơi mẹ sinh ra và lớn lên, kể cả tấm kiếng soi nơi cửa đại sảnh mà các dì từng khẽ khàng xoay theo hướng thích hợp để có thể lén theo dõi chiến thuật chinh phục mẹ của ba.

Nghe những lời mẹ kể về ba, chúng tôi tự hỏi không biết ông bà ngoại đã nghĩ sao khi lần đầu tiên ba đến nhà xin được cưới mẹ. Ba gặp mẹ lần đầu tiên ở Boston, cách ngày ba đến nhà ông bà ngoại khoảng một năm. Khi ba gặp mẹ, mẹ đang sửa soạn lên đường sang Châu Âu du lịch cùng nhóm các cô gái con nhà danh giá ở Oakland. Ông trưởng đoàn lại là một ông anh họ của ba nên đã giới thiệu ba với tất cả các cô gái trong đoàn, nhưng ba thì chỉ chấm có cô Lillie để dâng hiến mọi quan tâm chăm sóc của mình.

Ba đã chở mẹ đi chơi trong chiếc xe hơi hai mươi bốn ngựa đầu tiên của ba, tổ tiên của chiếc “Xế Điên”. Ba mẹ, mặt quấn khăn che bụi và mắt đeo kiếng mát, rong ruổi khắp đường phố Boston, trong khi người đi đường không ngừng trêu chọc:

Hãy tậu một con ngựa thôi… Anh có dư tới 23 con ngựa đó!

Suýt nữa thì ba đã quát trả nhưng ba cố nhịn. Lúc ấy ba đã yêu mẹ rồi và muốn tạo ấn tượng tốt với mẹ. Tính đằm thắm và vẻ sang trọng của cô Lillie đã chinh phục và như liều thuốc an thần, giúp ba giữ phong cách lịch lãm.
Nhưng người đi đường vẫn không tha:

Thế nào, Noé[10], anh định làm gì với cái mảng đó vậy? Giọt nước cuối cùng làm tràn ly!

[10] Noé là nhân vật trong Kinh Thánh được Tạo Hóa giao cho cứu mỗi loài một cặp để sau cơn Đại Hồng Thủy tái tạo lại các loài trên trời đất

Ba cho xe chạy chậm lại, đội mũ lệch sang một bên thật ngầu và quát lên:

Tôi đang cứu vớt các loài như được Tạo Hóa dạy đây. Trên mảng chỉ còn thiếu một con lừa nữa thôi, anh hãy leo lên đi cho đủ!

Sau đó ba quyết định tốt nhất là mình có sao thì sống vậy, và tính cách nóng nảy hay cười của ba đã nhanh chóng chinh phục mẹ, ảnh hưởng của ba khiến mẹ quên tính nhút nhát cố hữu của mình. Chẳng bao lâu mẹ bắt đầu cười to và dài những lúc ba pha trò.

Không ngoài thông lệ, chiếc xe tổ tiên của Xế Điên cũng có đặc tính sau này truyền lại cho con cháu, đó là chết máy giữa đường. Một đám con nít xúm xít quanh ba. Mẹ cản không để đám nhóc tò mò chồm vào xem và thở phì phò vào gáy ba bằng cách kể chuyện cho chúng nghe. Sửa xong xe, ba hỏi mẹ làm sao mẹ có thể làm yên được lũ trẻ.
Mẹ đáp:

Em kể cho các bé nghe truyện Alice lạc vào xứ Thần tiên. Nhà em có tới tám đứa em nên em biết trẻ con thích gì.
Ba reo lên:

Alice lạc vào xứ Thần Tiên!. Cô nghĩ là trẻ em thật sự thích truyện ấy à? Chắc trẻ em mà cô nói khác với tôi thuở nhỏ, bởi vì khi ấy tôi không tài nào thấy hứng thú để đọc truyện ấy cả.

Mẹ vẫn quả quyết:

Chắc chắn là trẻ em rất thích, nếu không nói là rất mê đọc truyện ấy. Đây là một áng văn hay, được lưu truyền qua nhiều thế hệ vì trẻ em nào cũng thích nó.

Ba nhất trí với mẹ liền, vì trong đầu ba đã hình thành quyết định cô Lillie sẽ trở thành bà Gilbreth:

– Cô Lillie đã nói thế thì chắc là đúng rồi.

Sau đó mẹ đi Âu châu. Đến khi mẹ trở về, ba theo mẹ đến tận bờ Thái Bình Dương.

Ngay khi tới Oakland, ba liền gọi điện thoại đến nhà Moller xin gặp me.

Mười ngày sau ba được mời đến nhà ngoại để gặp gia đình. Một bác thợ nề đang xây lò sưởi mới trong phòng sinh hoạt. Khi ba đi ngang qua đó, ba bèn dừng chân xem bác thợ nề xây ra sao.

Ba bắt chuyện với bác ấy:

Nghề này thú vị đấy. Theo tôi xây một viên gạch rất là dễ dàng. Nhưng không hiểu sao các bác thợ xây cứ luôn miệng than là khó!

Ông ngoại mời ba:

Mời cậu cứ đi thẳng là ra tới vườn nhà. Chúng ta sẽ dùng trà ở ngoài đó!

Nhưng ba vẫn rề rà nán lại.

Ba tiếp tục nói với bác thợ bằng giọng mũi của dân miệt New England:

Theo tôi chỉ việc lấy một viên gạch, trét một lớp vữa lên trên rồi đặt xuống là xong.

Bác thợ quay sang nhìn cái anh chàng vạm vỡ lắm chuyện nhưng ăn mặc sang trọng vừa đến miền Đông.

Ba mỉm cười tự tin:

Tôi không có ý xem thường công việc của bác đâu. Bác thợ cáu sườn:

Dĩ nhiên, dĩ nhiên. Xây gạch dễ ợt phải không? Vậy cậu thử xây xem sao.

Ba chỉ chờ có thế, nhưng vẫn giả bộ từ chối. Mẹ bắt đầu luống cuống kéo tay áo ba.

Ông ngoại tiếp tục mời ba:

Vườn ngay trước kia. Nhưng bác thợ vẫn thách ba:
Nè, gạch đây này, cậu thử xây coi!

Ba mỉm cười vớ lấy cái bay. Tay chụp viên gạch, tay huơ một vòng trải gọn bâng một lớp vữa lên mặt viên gạch, một cái quơ tay nữa, ba đặt viên gạch xuống, hớt lớp vữa dư bằng một động tác thật thiện nghệ. Ba định xây tiếp viên nữa thì bác thợ đã dằng lấy chiếc bay.

Bác ta vừa thân mật vỗ vai ba vừa vui vẻ bảo:

Đủ rồi! Cậu tuy đến từ miền Đông và ăn mặc rất bảnh nhưng chắc chắn cậu đã từng xây hàng vạn viên gạch rồi. Chắc chắn là vậy rồi!

Ba lấy chiếc khăn tay trắng tinh ra lau tay:

– Bác thấy đó, xây gạch dễ như trở bàn tay mà!

Theo lời mẹ, ba đã cư xử rất đúng phép lịch sự trong lúc dùng trà. Nhưng những lần sau cũng có lúc ba xin phép cắt ngang câu chuyện:

– Cháu xin lỗi, cô Lillie sẽ giúp cho tủ đẹp hơn.

Nói rồi ba bế mẹ đặt lên đầu tủ sách hoặc tủ kệ kiểu Trung Hoa rồi quay lại ngồi tiếp tục câu chuyện với ông bà.

Những lúc ấy mẹ rất lúng túng sợ té nhưng vẫn cố giữ vẻ đĩnh đạc.

Chúng tôi hỏi mẹ:

Ông bà ngoại nghĩ sao mà chịu gả mẹ cho ba? Mẹ liếc ba:

Mẹ cũng không biết nữa. Có điều bà ngoại các con bảo ba như đem luồng gió mát vào nhà. Còn ông ngoại bảo vụ ba biểu diễn xây gạch không phải để khoe mẽ mà để ngầm bảo ba các con đã vào đời bằng cách tự kiếm sống.
Tụi tôi cố hỏi gặng ba:

Vậy thực ra ba định ngầm nói gì hả ba? Ba la lên:

Ba đâu có ngầm nói gì đâu. Ai ở New England mà không biết dòng họ Gilbreth của ông nội các con và Bunker của bà nội các con. Họ đều có danh giá vì là con cháu của những di dân lập quốc đầu tiên đến nước Mỹ trên con tàu May Flower.

Khi tụi tôi cố hỏi cho bằng được:

Nhưng tại sao ba lại xây gạch chứ? Ba bèn đáp:

Rất nhiều người khi bước vào phòng khách sẽ ngồi vào cây đàn dương cầm, tạo ấn tượng khi dạo thật điệu nghệ một tấu khúc của Bach. Còn ba, khi ba bước vào phòng khách ba thích xây gạch. Chỉ có vậy thôi.

*

Khi chúng tôi cùng với mẹ về thăm nhà ngoại ở California thì ba phải cắm trại trong quân ngũ. Lúc đó chúng tôi mới có bảy đứa. Khi ấy Fred hãy còn là một em bé và bị nôn ói do say xe suốt từ Niagara Falls (Thác Niagara) cho tới Golden Gate (Kim Môn). Lilli, còn bé hơn cả Fred, đã vậy trước đó ba tuần bé đã bị gãy cái xương chân nào đó nên phải nằm suốt. Mẹ sẽ sanh em bé trong ba tháng nữa nên cũng không được khỏe cho lắm.

Mang con về thăm cha mẹ là một điều rất hệ trọng với mẹ mà không ai trong chúng tôi thật sự hiểu nổi tại sao. Mẹ rất mong chúng tôi cư xử thật đàng hoàng và tạo ấn tượng tốt với gia đình ngoại.

Mẹ không ngừng nhắc tụi tôi:

Mẹ tin chắc là các con sẽ rất ngoan, không gây ồn và vâng lời ông bà ngoại, các cậu và các dì. Đừng quên là mọi người rất thương các con, nhưng cũng đừng quên là mọi người chưa hề sống trong một gia đình đông con như gia đình mình. Mẹ tin chắc là mọi người sẽ tỏ ra dễ thương với các con, nhưng mẹ cũng biết là mọi người chưa quen với tiếng ồn và việc luôn bị trẻ con quẩn chân.

Mẹ đã tiêu tốn rất nhiều tiền mua quần áo mới cho tất cả chúng tôi nên phải tiết kiệm bù lại bằng cách giảm số giường trên xe lửa, khiến cho chúng tôi phải nằm chen nhau hai đứa trên một giường trong toa xe. Mẹ mang theo một bếp cồn và hai va-li chứa đầy thức ăn, nhất là bột ngũ cốc và bánh bích quy. Chúng tôi hiếm khi được đi ăn tại toa xe nhà hàng, ngoại trừ những lần mẹ đành chịu cho chúng tôi đi vì chúng tôi ca cẩm ăn toàn bột như vậy sẽ bị thiếu sinh tố C.

Phần lớn thời gian mẹ phải lo sao cho Lilli nằm thoải mái và chọn xem sữa nào chịu nằm yên trong bao tử của Fred. Vì vậy mẹ không còn mấy thời gian để mắt đám con còn lại. Dĩ nhiên chúng tôi không bỏ lỡ dịp được tự do như vậy và lang thang từ đầu này toa xe đến đầu kia, uống nước hết ở máy tự động này đến máy khác, leo trèo lên các ghế ngồi còn trống, riêng Frank và Bill không ngừng nhào lộn và ca hát om sòm trong hành lang.

Mỗi lần tàu dừng bánh, mẹ lại giao cho Anne hai em bé để chạy vội xuống mua thêm sữa, thức ăn hoặc cồn khô. Chúng tôi cũng xuống tàu cho dãn chân dãn cẳng và xem người ta có nối đầu tàu mới vào không. Mỗi khi tàu sắp chuyển bánh là mẹ lại điểm danh cả loạt.

Sau mười ngày đi tàu, không tắm rửa ngoại trừ được lau mát mỗi ngày, chúng tôi quả tình không mấy tươi tắn khi tới được California. Mẹ muốn chúng tôi trình diện nhà ngoại với vẻ thật tề chỉnh nên đã định chính tự tay mẹ sẽ lau sạch sẽ cho chúng tôi, sau đó thay quần áo sạch trước khi chúng tôi đến Oakland khoảng một giờ đồng hồ.

Nhưng em trai lớn nhất của mẹ, cậu Fred đã lên tàu ở chặng Sacramento. Cậu lên đúng vào lúc chúng tôi đang ăn trưa. Các va-li mở banh, để mỗi nơi mỗi cái, một chồng tã để ở một góc toa. Fred vừa ói mửa vừa khóc rỉ rả trong tay mẹ. Chân đau của Lilli cũng làm Lilli rền rĩ ở một góc khác. Bill đang lộn nhào trên ghế ngồi. Trên bàn còn tô cháo ngũ cốc và bánh ngọt, toa xe nồng nặc mùi cồn nấu và những mùi… khó ngửi khác.

Mẹ đặt Fred xuống, ôm lấy cậu Fred, tay quệt nước mắt:

– Chào em, Fred. Chị xin lỗi, bừa bộn quá đi.

Cậu Fred vẫn tỉnh rụi như không và hỏi thăm mẹ (mãi sau này khi tụi tôi đã lớn khôn, cậu Fred mới chịu nói thật là lúc ấy cậu có cảm tưởng như “đến sở thú”).

Dạ không sao, chị Lillie à, chị vẫn đẹp như xưa, không già đi chút nào cả. Đi tàu lâu như vậy cực quá phải không chị?

Mẹ đã bắt đầu loay hoay dọn dẹp:

Chị không có thời giờ dọn mỗi ngày… xong rồi… may quá là có em lên đây.

Cậu Fred quay sang tụi tôi:

Chúc mừng các cháu đến California! Khoan đã, để cậu đoán xem có đúng không nhé! Coi nào, chú nhóc đang khóc lóc này mang tên Fred giống cậu phải không nào. Còn đây chắc chắn là Lilli với cái chân bị gãy phải không, và đây là Billy…

Martha đeo lấy tay cậu:

Cậu Fred! Cậu đúng y như tụi cháu tưởng tượng. Cậu thấy tụi cháu ra sao, có giống như cậu tưởng tượng không?
Cậu nghiêm túc trả lời:

– Đúng y boong, không thiếu một nốt tàn nhang nào cả.

Nhờ có cậu phụ với mẹ nên khi xuống tàu ở Oakland chúng tôi đã khá tề chỉnh. Các cậu và dì đã chờ sẵn chúng tôi với ba xe Limousine. Cuộc đón tiếp thật tưng bừng và chúng tôi có cảm tưởng là các dì thuộc loại thích hôn hít nhất trên đời.

Bill lầm bầm:

– Bộ các dì nghĩ tụi mình là con gái chắc?

Lúc ấy Bill mới lên năm nhưng đã ra cái điều là người lớn nên rất ghét bị ôm hôn. Ngay cả mẹ cũng chỉ được Bill cho ôm hôn khi ở trong nhà mà thôi.

Các cậu, các dì không ngừng reo lên:

– Chị Lilli, gặp chị và các cháu vui quá!

Phần lớn chúng tôi đều có các cậu và các dì là cha mẹ đỡ đầu nên đâu đâu cũng có tiếng gọi í ới.

Dì Ernestine gọi:

Con là Ernestine của dì đây mà, lại đây cưng. Dì Gertrude hôn Martha:

Martha cưng, lại đây với dì nào.

Dì Eleanor gọi:

Đưa tay cho dì nào, Frank cưng. Bill lầm bầm:

Hết cưng này đến cưng nọ!

Dì Mabel hỏi:

Bill cưng của dì đâu rồi? Bill nhại lại:

Dạ con đây, dì cưng!

Nhưng thật ra Bill cũng như tất cả chúng tôi đều cảm thấy rất ấm lòng khi được các cậu, các dì tỏ vẻ quý mến như vậy.

Các dì dẫn chúng tôi đến xe. Một xe do tài xế Henri lái, còn hai xe kia do các cậu Frank và Bill lái. Bác tài Henri mặc bộ đồ thật chỉnh tề, nón hồ bột cứng ngắc, đứng thẳng người thật đúng cách bên cạnh xe.

Xe nào cửa kính cũng được quay lên, to lớn và sang trọng. Trên suốt con đường từ nhà ga về nhà, bác Henri ngồi thật thẳng lưng. Không biết ba sẽ nói sao về kiểu ngồi ấy. Tuy nó rất đúng kiểu cách nhưng chắc chắn nó không “hiệu quả”, ai cũng có thể thấy kiểu ngồi này gây đau lưng đến chừng nào. Nhưng phải nói là coi thật sang.

Frank và Bill định quay kính xuống để đưa tay ra vẫy mỗi khi xe quẹo cua, nhưng chị cả Anne và Ernestine ra dấu cản lại.

Ernestine nói nhỏ:

– Ai đưa tay ra vẫy ta xử đó nghe!

Ông bà ngoại đứng chờ sẵn ở cửa nhà. Ông bà ngoại y như trong tranh vẽ. Ông ngoại dáng người cao ráo, nho nhã với hàng râu bạc. Bà ngoại bé nhỏ, dịu dàng, tóc bạc trắng và đôi mắt luôn lóng lánh nụ cười đôn hậu. Bà ngoại hôn chúng tôi và gọi chúng tôi là “cưng”. Ông ngoại bắt tay chúng tôi và hứa mỗi ngày sẽ cho tụi tôi ra cửa hàng mua đồ chơi.

Chị cả Anne trầm trồ:

Ôi! Giống như tụi cháu đang sống trong truyện cổ tích! Bà ngoại cười bảo:

Đúng vậy, ông bà sẽ không tiếc một thứ gì, miễn cho cháu vui là được. Bây giờ các cháu muốn gì nào.

Câu hỏi thật dễ trả lời. Sau bốn ngày phải ăn đồ khô, chúng tôi đều thèm được một bữa cơm gia đình nóng sốt.
Ernestine bèn thưa:

Tụi con thật xấu hổ khi nói điều này, nhất là khi mẹ đã vất vả vật lộn với cái bếp cồn để lo bữa ăn cho tụi con trên tàu, nhưng thật tình tụi con đang đói muốn chết.
Mẹ vội vàng bào chữa:

Con nghĩ là các cháu cần tắm sạch sẽ trước khi vào bàn ăn.

Bà ngoại bảo bữa ăn sẽ sẵn sàng trong khoảng một tiếng rưỡi nữa, trong lúc chờ đợi chúng tôi hoặc ăn nhẹ với bánh bích quy hoặc đi tắm.

Nghe thấy chữ “bánh quy” là tụi tôi thấy chán ngang (trên tàu hầu như chỉ ăn toàn thứ đó), nên cả bọn chọn đi tắm. Bà ngoại không hiểu chuyện nên khen rối rít:

Các cháu ngoan quá! Lũ nhỏ thật đáng yêu. Chúng đã chọn đi tắm để làm vui lòng mẹ chúng!

Ngôi nhà nhỏ ngăn nắp, sang trọng, với những người giúp việc đúng phong cách đã tạo ấn tượng mạnh, khiến chúng tôi im re và cực kỳ ngoan. Nhưng người thay đổi nhất chính là mẹ. Mẹ đã trở lại đúng là một “cô Moller”. Mẹ như quên đi mình là một chuyên gia nổi tiếng, là người từng đi diễn thuyết nhiều nơi. Nhất nhất mẹ đều hỏi ý bà.
Mẹ luôn hỏi thăm ông bà:

– Mẹ có lạnh không, con lên lấy khăn choàng cho mẹ nhé!

Thấy mẹ luôn lo lắng cho sức khỏe của ông bà, tụi tôi cũng hoảng lây, nên mỗi khi có mặt ông bà là tụi tôi đi thật rón rén và nói thì thầm để khỏi làm phiền ông bà.

Sự kính nể của chúng tôi càng tăng thêm khi có lần chúng tôi được chứng kiến bà rầy mẹ ra sao. Lần áy, mẹ khoe với bà sau khi đi thăm hàng xóm cũ về:

Mẹ thấy con “hiệu quả” không? Đi thăm sáu gia đình mà chỉ mất có 2 giờ thôi.

Trong gia đình Gilbreth, “hiệu quả” là một tính tốt tương đương với sự trung thực, lương thiện, hay là… đánh răng sạch. Chúng tôi thầm đồng ý với mẹ đã rất hiệu quả.

Nhưng bà có vẻ không đồng ý như vậy. Bà chậm rãi bảo mẹ:

Hiệu quả đấy, Lillie ạ! Đến thăm vì tấm lòng chứ không phải vì xã giao!

*

Thật ra ông bà, các cậu các dì có vẻ ngạc nhiên, và sau đó càng ngày càng lo khi chúng tôi đi nhón gót, nói năng nhỏ nhẹ.

Ông than với mẹ:

Các cháu không như ba tưởng tượng. Theo như con kể ba cứ tưởng các cháu nó sẽ chạy nhảy, hò hét suốt ngày. Ba e rằng các cháu không cảm thấy thoải mái như đang ở nhà.
Mẹ trấn an ông:

Ba đừng lo. Để rồi ba coi, con chỉ sợ các cháu đột ngột cùng trở chứng la hét chạy nhảy như ở nhà thì chỉ có nước con… cuốn gói thôi…

Lời tiên đoán của mẹ chúng phóc. Chúng tôi chọn ngày trở chứng đúng vào ngày ông bà mời khác đến ăn mừng con cháu về chơi. Hôm đó các dì cho chúng tôi tắm kỹ với xà bông thơm, cho chúng tôi mặc quần áo mới đúng mô-đen con nhà sang.

Các dì bảo:

Các dì rất tự hào về các con. Các con sẽ tạo ấn tượng tốt với các khách đó.

Bill than:

Cháu không nghĩ như vậy đâu. Cái quần này khiến bọn cháu giống y như con gái ấy.

Dì Mabel, mẹ đỡ đầu của Bill, hỏi:

Sao con chê nó? Quần này nhìn sang y như một cậu công tử vậy.

Bill gắt:

Con không muốn làm công tử.

Có mà, Billy cưng. Con nói vậy nhỡ ba con nghe thấy thì sao?

Ba con mà thấy cái quần này thì ba bảo sẽ bảo con điệu như con gái.

Thôi nào Billy cưng, con không sợ làm ông bà với mẹ buồn sao?

Con chán lắm rồi!

Các dì chau mày. Dì Mabel la:

– Coi nào, Billy Gilbreth!

Dì la vậy nhưng chúng tôi thoáng thấy dì Mabel mỉm cười, còn dì Gertrude thì khẽ hích dì Ernestine. Tuy nhiên chúng tôi vội vàng gạt cảm giác này bởi vì các dì mỉm cười khi thấy Bill nổi nóng quả là chuyện khó tin và vô lý.

Cuối cùng Bill cũng chịu nghe lời nhưng vẫn không ngớt lầm bầm. Sau đó tất cả tụi tôi đều cau có, lầm bầm khi các dì dặn:

Các cháu chơi ngoan ngoài này nhé, khi nào các dì kêu vào mới vào nghe. Để người lớn nói chuyện một lát mới đến lượt đưa trẻ con vô chào. Các vị khách đều là bạn của ông bà, của mẹ và của các dì, nên các cháu đừng làm mất mặt gia đình mình nhé!

Còn lại một mình, chúng tôi đi thơ thẩn trong vườn, lóng ngóng trong những bộ đồ kiểu cách, bực bội chỉ muốn nổ ra. Chúng tôi ngán tới tận cổ vì suốt ngày phải làm ra vẻ con nhà lành. Chúng tôi thèm có ba để được vui đùa thỏa thích.

Ở nhà khi người lớn tiếp khách, trẻ con không bị bắt đứng chờ trong vườn như bị bệnh dịch thế này.

Ernestine lấy giọng bị sốc:

Coi nào, Martha cưng! Sao dùng từ như vậy. Martha vẫn tiếp tục:

Ở nhà, trẻ con đủ sức tự chải đầu lấy, và không phải cột tóc với dây ruy-băng chặt đến mức không còn nhúc nhích được chân mày nữa.

Bill cũng chêm vào:

Mọi người xem quần của em nè! Trông y như người mẫu đứng trong tủ kiếng vậy đó. Thiệt chán.

Một máy tưới cây tự động đang phun nước. Martha vội tháo phăng ruy-băng cột tóc rồi chạy ào lại đưa đầu vào nước.

Chị cả Anne và Ernestine hết hồn:

– Martha, em điên à! Có ra khỏi đấy ngay không?

Marth ngửa cổ hứng nước, cười như nắc nẻ, nhíu nhíu đôi lông mày được thả lỏng, quần áo đầu tóc ướt rượt.

Frank và Bill cũng chạy tới tham gia. Rồi đến lượt Ernestine, để lại chị cả Anne với nỗi khổ không lường và tự hỏi theo về phe lũ trẻ hay phía người lớn. Chị biết với cương vị con cả, đứng về phe nào chị cũng bị quy trách nhiệm cả.

Chúng tôi rủ rê:

Lại đây đi chị Anne, nước mát lắm đó. Đừng làm phản chớ. Lại mau đi, nước mát tuyệt vời luôn!

Chị cả Anne thở dài, tháo ruy-băng và gia nhập với bọn tôi.

Từ trong nhà bỗng có tiếng một dì gọi với ra:

– Vào nhà chào khách đi các con.

Chúng tôi bước vào, đầu tóc quần áo ướt sũng, nước nhỏ tong tong trên thảm trải sàn đắt tiền mà bà ngoại mua tận Ba Tư.

Mẹ than với ông bà:

Con nói có sai đâu. Bây giờ các cháu làm y như ở nhà rồi đấy!

Quay sang tụi tôi, mẹ nghiêm giọng:

Các con lên lầu thay đồ khô rồi xuống đây ngay. Mẹ cho các con 10 phút, rõ chưa?

Dạ rõ. Đây mới đúng là mẹ mà chúng tôi quen thuộc.

*

Bây giờ mọi người đều hài lòng khi tụi tôi suốt ngày chạy nhảy la hét, tuột lan can cầu thang, chơi cút bắt khắp nhà. Chỉ có trong lúc bà nghỉ trưa thì ông mới dặn tụi tôi nhỏ tiếng:

Các cháu cưng, các cháu chịu khó nhỏ tiếng như tiếng rù rù đều đều trong hai tiếng buổi trưa bà ngủ. Bà phải được nghỉ như vậy mới khỏe được.

Các dì hết lòng chiều chuộng chúng tôi, lắng nghe chúng tôi từ đầu đến chân. Các dì chơi với chúng tôi, giúp chúng tôi trồng hoa trong vườn, dán hình vào sách chúng tôi; nhặt nhạnh các hạt giống ở Califorlia để đem về nhà trồng; dẫn chúng tôi đi xem phim; thăm phố Tàu ở San Francisco. Mỗi cuối tuần chúng tôi lại được đi nghỉ ở nhà nghỉ của gia đình Inverness. Chẳng bao lâu chúng tôi đã thật lòng yêu quí các cậu các dì. Khi dì Gertrude đòi nhập viện để tránh lây bệnh ho gà cho chúng tôi, tất cả chúng tôi đều khóc sướt mướt như thể chính mẹ nhập viện vậy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.