Hãy Đặt Nàng Lên Tấm Thảm Hoa

CHƯƠNG 3 –



Tôi đậu xe trước tòa thị chính ở góc đường Fledman và Centre Avenue rồi rảo bước đi lên các bậc thềm. Trước mặt tôi là cả thế giới giấy tờ, hành lang lặng lẽ và bọn cạo giấy đủ các lứa tuổi, chờ về hưu.
Phòng chuyên về giấy khai sinh, khai tử ở trên lầu một. Tôi ghi yêu cầu của mình vào một tờ giấy rồi đẩy qua cửa ghisê. Một nhân viên nhận tờ giấy của tôi, đóng dấu, thu tiền xong chỉ vào một tập hồ sơ:
– Tập hồ sơ thứ sáu, kể từ bên phải. Xin ông làm nhanh cho, ông Malloy.
Tôi cảm ơn ông ta. Ông ta thò đầu ra bắt chuyện thêm, bây giờ thì chẳng cần để ý tới thời giờ đáng quý của cả đôi bên.
– Công việc có chạy không? Cả tháng nay không nhìn thấy ông, ông Malloy.
– Cũng khá. Còn công việc của ông thế nào? Số giấy khai tử vẫn thế chứ?
– Bằng số giấy khai sinh. Nó bù trừ cho nhau mà.
– Vậy hả?
Câu chuyện phiếm ngừng ở đó. Tôi cảm thấy mệt. Cuộc du dương của tôi với cô nữ y tá Gurney làm tôi bủn rủn cả chân tay. Tôi tưởng như tập hồ sơ nặng tới một tấn trên tay tôi và phải khó nhọc lắm tôi mới bê được nó tới cái bàn. Cũng tại vì em cả… Tôi lục tập hồ sơ và tìm tờ giấy khai tử của Janet Crosby. Cô ta đã chết vì bệnh tim loại ăng-đô-các-đít ác tính – bệnh này chắc có trời mới biết là bệnh gì – ngày 15 tháng 5 năm 19… Độc thân, hai mươi lăm tuổi. Giấy chứng tử mang chữ ký của một ông tên là John Bewley. Tôi ghi lại tên này rồi giở hồ sơ tới tờ khai tử của Mac Donald Crosby. Ông ta chết vì một viên đạn vào đầu. Salzer người chứng tử, còn chôn cất là Franklin Lessways. Ghi vào sổ tay xong, để tập hồ sơ \”C\” lại trên bàn, tôi lê chân tới gã nhân viên đang tò mò quan sát tôi. Dựa người vào ghisê, tôi nói:
– Nhờ ông xếp hộ tôi vào chỗ cũ. Người tôi nhìn thế mà lại không được khỏe.
– Ồ, không sao, tôi sẽ bảo người xếp lại, ông Malloy ạ.
– Còn việc này nữa: ông có thể mách cho tôi biết bác sĩ John Bewley là ai và ở đâu không?
– Ông ta có một căn nhà nhỏ ở Skylive Avenue. Nhưng tôi không muốn giới thiệu ông với ông ta đâu.
– Sao vậy?
Người viên chức già nhún vai, vẻ chán nản:
– Ông ta quá già rồi. Có thể cách đây năm mươi năm, ông ta là một bác sĩ khá. Còn bây giờ, ông ta coi cái đầu mình chẳng khác gì hộp thịt.
– Cũng chẳng sai…
Người viên chức tòa thị chính cười và bảo: – Nhưng cũng tùy từng cái đầu chứ.
– Lẽ dĩ nhiên. Vậy ra Bewley là một ông già lẫn cẫn rồi sao?
– Đúng như vậy đấy, tuy ông ta không làm hại ai. Vả lại số khách của ông ta chỉ có chừng một tá thôi.
Gã gãi tai nhìn tôi với vẻ dò xét:
– Ông điều tra một vụ gì phải không? Tôi trả lời:
– Tôi có bao giờ điều tra làm việc gì đâu. Thôi cám ơn ông. Hẹn gặp lại nhé. – Tôi đi chầm chậm xuống cầu thang, ra đường nơi có ánh nắng ấm và suy nghĩ:
\”Coi nào, một cô nàng triệu phú bỗng nhiên lăn ra chết, sau đó, người ta chỉ gọi tới bên giường nàng một tay thầy thuốc hạng bét. Thật là một hành động tiết kiệm kỳ quái của bọn triệu phú! Đáng lẽ họ phải thành lập một hội đồng giám định y khoa quanh nàng thì mới là chuyện bình thường\”.
Tôi chui vào chiếc Buick và mở máy cho xe chạy. Đối diện với hàng xe của tôi, có một chiếc Dodge màu xanh ôliu. Một gã đàn ông đội chiếc mũ phớt màu be có trang trí thêm một sợi dây nhỏ, đang đọc báo đằng sau tay lái. Đáng lẽ tôi đã không để ý tới hắn, nếu như hắn không vội ngẩng mặt lên, buông tờ báo xuống, khi vừa nhìn thấy tôi, rồi cho xe khởi động. Tôi cũng chú ý tới hắn và tự hỏi tại sao bỗng nhiên hắn buông tờ báo ra như vậy. Chỉ nhìn đôi vai của hắn, cũng đủ biết hắn vào loại cái tủ đứng có cái đầu như được gắn chặt vào thân, không thấy cổ. Bộ ria mép màu đen của hắn mỏng như được vẽ bằng bút lông, đôi mắt ẩn dưới cặp lông mày rậm rạp. Có thể xếp hắn vào bọn vệ sĩ to con trong những phim của Huphrey Boggart đóng.
Tôi cho chiếc Buick nhập vào dòng xe cộ, không cần chạy nhanh về phía Centre Avenue, mắt không rời chiếc gương phản chiếu.
Chiếc Dodge, đang ở chiều ngược lại với xe tôi, biểu diễn động tác quay ngoắt trở lại một cách cấp kỳ giữa những tiếng còi và tiếng la ó phản đối của những người lái xe khác, rồi bắt đầu bám xe tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng người ta có thể quay xe như thế ở giữa Đại lộ Trung tâm, mà không bị phiền phức, nhưng giờ này, các tay cảnh sát giao thông bị quá đừ vì cái nóng nên đã đi đâu hết.
Tới góc Đại lộ Trung tâm và Westwood Avenue, tôi đưa mắt nhìn vào gương chiếu hậu. Chiếc Dodge vẫn bám theo tôi, tay \”xế\” bám chặt vào tay lái, điếu xì gà trên miệng, một tay tì vào thành xe kính đã hạ xuống. Tôi nhấn ga vừa đủ để nhìn thấy biển số xe và cố ghi lại những con số. Tay lái xe bám đuôi không chú ý đến điều đó. Tới đường Hollywood Avenue, tôi bắt đầu phóng xe lên dốc tới tốc độ tám mươi. Sau một phút do dự, chiếc Dodge chồm lên đàng trước và tôi nghe thấy tiếng máy của nó cho tới đường Foothill. Tôi hãm xe đột ngột, đưa xe vào bên đường. Chiếc Dodge vẫn chạy tiếp. Tay tài xế không để ý tới tôi chạy thẳng ra con lộ lớn Los Angeles – San Francisco.
Tôi ghi số chiếc xe Dodge cùng tên bác sĩ Bewley vào một phong bì, nhét vào bao súng, và mở máy xe, chạy về hướng Skylive Avenue. Ở giữa phố, một căn nhà gỗ bên ngoài hàng rào có gắn tấm biến bằng đồng lấp lánh dưới ánh mặt trời. So với những tòa biệt thự hiện đại vây quanh thì cái giá của ngôi nhà giản dị yên tĩnh này, chỉ ngang bằng một túp lều.
Tôi hãm xe, thò đầu qua cửa, nhưng vì xe ở xa bảng không thể đọc được những dòng chữ đã bị mờ đi vì bụi thời gian. Đành phải xuống xe, lại gần hàng rào và chú ý lắm mới phát hiện ra tên bác sĩ Bewley trên bảng.
Tôi sắp sửa nâng cái then chắn cánh cổng lên thì cái xe Dodge màu xanh ôliu chạy vút qua, sát cạnh tôi. Tay lái xe nhìn thẳng, nhưng tôi biết chắc hắn đã nhìn thấy tôi và biết tôi có ý định vào đâu. Tôi quay lại, đưa mắt theo dõi, thấy nó phóng nhanh xuống phố dưới rồi mất hút khi quặt vào đại lộ Westwood.
Tôi hất chiếc mũ ra phía sau, rút bao thuốc lá ra châm một điếu, nâng cái then cài cổng rồi theo con đường nhỏ rải sỏi đi vào căn nhà nhỏ.
Mảnh vườn nhỏ, hẹp nhưng được chăm chút thật kỹ càng. Các cửa sổ đều có màn che, tuy rằng màu vàng cam của các tấm màn đã bị phai nhạt vì ánh nắng.
Cái cửa ra vào cùng toàn bộ căn nhà có lẽ đương cần tới một vài nước sơn.
Tôi nhấn vào nút chuông đứng đợi và nhận thấy có người quan sát mình qua tấm màn cửa. Tôi làm ra dáng mình là người hiền lành, đang ngoan ngoãn chờ người mở cửa.
Đúng lúc tôi định nhấn chuông lần nữa thì có tiếng \”kít, kít\” như tiếng chuột kêu trong hộp gỗ, rồi cửa mở.
Người đàn bà đứng trước mặt tôi trông nhỏ nhắn và mảnh mai làm tôi liên tưởng tới một con chim. Bà ta mặc bộ đồ bằng lụa đen theo kiểu cách thịnh hành có lẽ cách đây vào quãng năm chục năm, ở cái miền xa vắng nào đó mà chưa từng ai biết tới tờ báo \”Thời trang phụ nữ\”.
Bộ mặt nhăn nhúm mang dấu vết của sự mệt mỏi và cam chịu. Ánh mắt bà ta bộc lộ sự phiền muộn của kẻ phải sống trên cõi đời này.
Tôi ngả mũ chào, nhận thấy bà ta ngạc nhiên trước cử chỉ lễ phép của tôi:
– Thưa bà, ông bác sĩ có nhà không ạ?
– Có chứ. Ông ấy đương ở sau vườn. Để tôi đi gọi.
– Thôi, khỏi cần. Bà cứ để tôi gặp ông ấy. Tôi không phải là bệnh nhân và chỉ muốn gặp ông hỏi đôi điều.
– Vậy thì được.
Tia sáng hy vọng tắt ngóm trong ánh mắt bà ta.
Tôi không có bệnh mà chỉ là một thằng cha mạnh khỏe, tò mò về một chuyện gì đấy. Cũng có nghĩa là sẽ chẳng có món tiền khám bệnh gì cả! Bà ta dặn thêm tôi:
– Ông đừng hỏi chuyện lâu quá nhé. Ông ấy không muốn bị quấy rầy đâu.
– Xin vâng.
Tôi cúi chào bà thật điệu bộ, giống như những người đàn ông đã từng ngưỡng mộ bà từ thủa xa xưa rồi đi ra vườn. Bà ta đóng cửa lại. Một lát sau, tôi đã thấy bóng bà sau bức rèm.
Tôi ra vườn bằng lối đi nhỏ men theo căn nhà. Có lẽ gia đình Bewley có truyền thống về nghề làm vườn hơn là nghề bác sĩ. Nếu tôi có quyền kéo ba gã Tàu ở Crestways tới đây, chắc chắn khi nhìn thấy mảnh vườn này, họ phải thấy xấu hổ.
Một ông già mặc áo vét, quần màu xám, giầy buộc dây, mũ Panama màu vàng, đang đứng ngắm nghía bông hoa đalila lớn. Ông ta nghiêng nghiêng người nhìn vào đóa hoa như nhìn vào miệng một bệnh nhân đau họng vậy. Lẽ dĩ nhiên, ông ta làm công việc này chăm chú hơn khi khám bệnh.
Khi ngước mắt nhìn tôi, mặt ông ta nhăn nhúm lại, màu da thì bờn bợt như màu vỏ mận. Mỗi lỗ tai ông ta đều có một chùm lông trắng mọc tòi ra. Ông ta không có vẻ trí thức mà chỉ là một ông già không còn tham vọng, chịu đựng, tự mãn với cuộc sống hiện tại, không thông minh lắm nhưng cũng không muốn bị thua thiệt trong việc gì. Tôi lên tiếng:
– Chào bác sĩ. Mong rằng tôi sẽ không làm phiền ông quá.
– Giờ khám bệnh từ 5 giờ tới 7 giờ, anh bạn trẻ ạ – ông ta nói khẽ tới mức tôi phải cố gắng lắm mới nghe được. – Bây giờ tôi chưa thể khám cho anh đâu.
Tôi ngắm bông hoa đalila qua vai ông, bông hoa có những cánh dài như lưỡi lửa, thật đẹp, và nói:
– Tôi tới đây không phải để khám bệnh. Tôi là Malloy bạn cũ của cô Janet Crosby.
– Janet Crosby hả? Thế thì sao?
Trời nóng nực, tiếng ong bay và mùi hương hoa bao quanh đây chỉ làm tôi thêm mệt mỏi. Tôi cố gắng làm cho ông rõ vấn đề mà tôi muốn đề cập tới:
– Trong tờ biên bản khai tử của cô ấy, có chữ ký chứng nhận của ông.
– Anh tên là gì nhỉ? Nhắc lại xem nào.
– Victor Malloy. Cái chết của cô Crosby đã gây cho tôi đôi điều phiền muộn.
– Tại sao?
Ông ta thoáng vẻ lo lắng qua ánh mắt của một người không còn đủ sức khỏe, đãng trí và tự cảm thấy nếu mình cứ tiếp tục hành nghề, thế nào cũng có ngày mắc phải sai sót. Có khi ông nghĩ tôi tới đây để khiếu nại ông về một việc gì đó mà ông đã phạm phải trong chuyên môn cũng nên. Tôi vội nói với giọng bình thản để ông yên tâm:
– Janet là bạn cũ của tôi. Tôi không hề biết cô ấy bị yếu tim. Vừa qua, tôi đi vắng tới ba bốn năm mới trở về, nên khi được tin cô ấy mất, tôi không tránh khỏi bị xúc động. Bởi vậy tôi muốn gặp ông để biết chắc chắn là cái chết của Janet không có gì bất bình thường.
Hai cánh mũi của ông bỗng phập phồng chứng tỏ ông có điều lo ngại. Ông nói:
– Ý anh định nói thế nào là \”bất thường\”? Cô ta có đủ triệu chứng của cái chết vì \”ăng-đô-các-đít\”. Cả bác sĩ Salzer cũng có mặt ở đó nữa. Tôi không hiểu anh còn nghi ngại điều gì?
– Bây giờ thì tôi yên tâm rồi. Nhưng ăng-đô-các-đít là cái bệnh gì nhỉ? – Trán ông nhăn lại. Ông đã nghĩ. Ông sắp thú thật với tôi rằng ông cũng chẳng biết nó là cái quái gì cả. Nhưng may quá ông đã cố làm cho bộ não xơ cứng của mình động đậy và trả lời tôi chậm chạp, cứ như đang trích đọc tài liệu từ bộ sách y khoa toàn thư vậy.
– Là một loại bệnh do nhiễm trùng van tim khiến cho máu chuyển những mầm mống bệnh đi khắp cơ thể. Janet mắc bệnh này, kể như hết hy vọng. Nếu người ta gọi tôi sớm hơn thì tôi cũng đành bó tay thôi.
– Tôi cũng đã nghĩ như vậy. Nhưng bác sĩ không phải là người chăm sóc và chữa bệnh cho cô Janet, vậy tại sao người ta lại phải mời ngài tới?
– Đúng vậy. Nhưng mời tôi thì cũng phải thôi vì tôi ở gần, vả lại bác sĩ Salzer cũng không thể chứng nhận một mình.
– Bác sĩ Salzer là ai vậy?
Ông ta lộ vẻ sốt ruột, mong được thoát khỏi cái của nợ cứ tò mò hỏi ông hết chuyện này đến chuyện khác, khiến cho ông không thể ngắm nghía các bông đalila kia nhưng cũng trả lời:
– Ông ta điều hành một bệnh viện tâm thần ngay gần nhà Crosby. Hình như có họ hàng thế nào đấy nên không thể cấp giấy chứng tử được. Trình độ nghề nghiệp của ông ta cũng chẳng có gì xuất sắc nên tôi có giúp cũng thuận lợi hơn.
Tôi đành phải tin là như vậy, rồi hỏi thêm:
– Tôi muốn biết rõ ràng về câu chuyện này trước khi đi xa, nhưng cô Maureen lại đang bệnh nên không hỏi ai được. Vậy tại sao cô Janet lại chết bất thình lình về bệnh tim? Có chuyện gì xảy ra với cô ấy? Khi cô ta chết, ông có mặt bên giường bệnh không?
Ông ta lại lộ vẻ sợ sệt và trả lời vội vã:
– Không, không, tôi không có mặt ở đấy lúc đó. Tôi tới sau khi cô ấy đã chết được 15 phút. Chết trong khi ngủ. Bác sĩ Salzer bảo tôi cô ta bị ăng-đô-các-đít từ nhiều tháng rồi. Chính ông ta là người săn sóc thuốc thang cho cô ấy. Bệnh này thì chỉ có một biện pháp là được tĩnh dưỡng thôi. Nhưng, tại sao anh bắt tôi trả lời nhiều câu hỏi như vậy?
Ông ta liếc nhìn về phía căn nhà, mong đợi sự ứng cứu của bà vợ, nhưng chẳng thấy bóng dáng bà ta đâu. Tôi mỉm cười bảo:
– Tôi chỉ muốn xác nhận rõ ràng. Vậy là khi ông tới nhà Crosby, bác sĩ Salzer đã có mặt ở đấy rồi, phải không?
Ông ta vội gật đầu.
– Có còn ai nữa không? – Cô em.
– Maureen?
– Đúng vậy.
– Bác sĩ Salzer đưa ông vào phòng của Janet. Maureen cũng đi theo chứ?
– Đúng. Cả hai người đi theo tôi. Cô gái đã khóc vì quá xúc động.
Đáng lẽ phải mổ khám tử thi, nhưng cái căn bệnh ấy có nhiều triệu chứng rõ rệt lắm rồi. Vả lại, cũng phải chú ý tới tình cảm của gia đình.
– Vậy mà 14 tháng sau, bây giờ ông lại nghĩ rằng lẽ ra đã phải có một cuộc khám nghiệm tử thi.
Giọng tôi hơi đanh lại khiến ông chột dạ:
– Đúng vậy, vì thật ra, ông Salzer chăm lo việc chữa bệnh cho cô Janet chỉ có bằng tiến sĩ khoa học chứ không phải tiến sĩ y khoa. Chính ông ta thú thật với tôi điều đó. Nhưng, các triệu chứng của căn bệnh thì…
-… Thật là rõ ràng, tôi biết. Tôi muốn hỏi ông thêm điều này: trước kia ông đã gặp cô Janet Crosby chưa?
Ông ta đắn đo tìm câu trả lời, như sợ lọt vào bẫy của tôi:
– Tôi có nhìn thấy cô ta trên xe hơi, nhưng không có điều kiện để nói chuyện.
– Nghĩa là ông chưa có dịp gần cô ta để có thể nhận thấy triệu chứng của căn bệnh ấy phải không?
Ông ta nhăn trán hỏi lại:
– Ý anh định nói gì?
– Chúng ta đều biết Janet bị ăng-đô-các-đít từ nhiều tháng rồi phải không? Ông đã gặp cô ta ngồi trên xe hơi, trước ngày cô ấy chết được bao lâu?
– Tôi không nhớ một hay hai tháng.
– Theo như ông nói, thì thời gian này, Janet phải có đủ triệu chứng dễ nhận thấy của căn bệnh, phải không?
– Ừ, vậy mà tôi không thấy…
Như cảm thấy mình bị sa xuống hố, ông vội thè đầu lưỡi ra liếm đôi môi mỏng, rồi vừa nói vừa đi xa tôi hơn:
– Tôi không biết anh định dẫn tôi đi tới đâu. Tôi không còn thời gian nữa. Xin lỗi anh nhé.
Tôi ngỏ lời cảm tạ ông và nói:
– Tôi biết đã quấy rầy bác sĩ. Xin ngài hiểu cho, vì tôi quá yêu cô Janet nên muốn được an tâm mọi điều về cô ấy.
Ông ta im lặng tiếp tục đi ra xa, giữa những bụi hồng… Tôi đành phải theo đuôi ông, cố hỏi thêm một câu nữa:
– Bố cô Janet, ông Donald Crosby bị chết vì tai nạn bất chợt xảy ra, vậy mà tại sao bác sĩ Salzer cũng có mặt để ký vào tờ khai tử?
Ông ta nhìn tôi như vừa tìm thấy một con bọ cạp trong chậu nước tắm vậy.
– Thôi, thôi, xin anh hãy để cho tôi yên. Anh đi mà hỏi ông Salzer ấy. Hãy để cho tôi yên.
Tôi trả lời điềm đạm:
– Ông rất có lý. Tôi sẽ làm theo lời chỉ dẫn của ông. Xin cảm ơn ông. – Ông ta quay mặt đi. Nhìn từ phía sau, ông càng có vẻ lọm khọm. Ông đưa tay run run, bứt mạnh một bông hồng héo. Rõ ràng tôi đã làm hỏng của ông cả một buổi chiều vui.
Tôi gặp lại bà già ở cổng. Bà ta cố giữ vẻ bình thản nhưng tôi hiểu bà ta đang chờ đợi điều gì. Tôi ngả mũ chào bà ta, nói:
– Tôi biết đã quấy rầy bác sĩ quá lâu. Bác sĩ bảo, thời giờ của ngài rất quý. Vậy bà thấy 5 đô la có đủ không?
Đôi mắt bà ta bỗng sáng lên và nét mặt bỗng trở thành lanh lợi. Bà liếc vội về phía vườn rồi bảo:
– Anh thật chu đáo quá!
Tôi giúi tờ giấy bạc vào tay bà. Mấy ngón tay quặp ngay lại cứ như miệng con thằn lằn đớp con muỗi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.