Hãy Tìm Tôi Giữa Cánh Đồng
02. Hoa tường vi buổi sáng
Hoa tường vi buổi sáng
Ngày của Nhiên thường bắt đầu lúc năm giờ ba mươi phút sáng, và chia làm hai phần. Phần sau là ngày bình thường, đến lớp, vào thư viện và đến siêu thị bán ở quầy băng đĩa cho đến hết buổi tối. Còn phần đầu, từ năm giờ ba mươi đến sáu giờ ba mươi, Nhiên dậy sớm, đạp xe ra bãi đất trống của khu cư xá cách nơi cô ở hơn hai cây số. Bọn bạn cùng phòng thường nói đùa “Con này tính đi làm người mẫu hay sao mà chăm tập thể dục ghê.” Nhiên chỉ cười cười, nếu kể cô ra đó không phải tập thể dục mà ngồi nói chuyện với một ông già mù thì bọn nó sẽ bảo cô ngớ ngẩn, nếu nói rằng không phải chỉ hai người mà còn có thêm một người đàn ông trẻ thì thế nào chuyện cũng được lan truyền lung tung và bị biến dạng đi một cách nghiêm trọng. Dù sao, cuộc sống của Nhiên ở cái thành phố ồn ào này cũng chia làm hai phần, và một tiếng đồng hồ buổi sáng sớm là của riêng cô.
Đó là một bãi đấ trống vuông vức, nằm giữa các ngôi nhà rất đẹp, luôn dậy trễ với những cánh cổng đóng kín vào sáng sớm. Có lẽ, buổi chiều bọn trẻ con thường đá bóng ở đó, vì Nhiên thấy có hai khung thành trống ở hai đầu. Đối diện với bãi đất là một căn nhà lớn quét vôi trắng, hình như không có người ở. Sát cổng là một cây tường vi lớn luôn rộ hoa, những chùm tường vi hồng nhạt nổi lên giữa những cành lá dài màu tím xanh, phiến hoa mỏng và xoăn, có vẻ gì đó rất mềm mại, trong sáng và nên thơ đã tình cờ giữ chân Nhiên lại. Trước cổng nhà có một chiếc ghế đá, đủ chỗ cho ba người. Ông lão ngồi ở giữa, Nhiên bên phải và khi người đàn ông kia đến, anh ta ngồi bên trái. Hoa tường vi vươn qua khỏi tường rào và rủ xuống ngay trên đầu họ.
Ông lão bị mù, đúng hơn là lòa dần do tuổi già. Nhiên không rõ ông đang sống ở đâu, nhưng theo lời ông kể thì căn nhà này xưa kia là của ông. Cây tường vi này, và cả những cây cảnh trong kia đều do ông trồng, khi còn chưa lòa và cuộc sống còn khá giả. Mấy năm trước ông phải bán nhà để trả nợ cho thằng con trai làm ăn thất bại, rồi dọn về căn nhà bé xíu trong một cái hẻm sâu, ẩn thấp, tối tăm và bị ngập nước khi mùa mưa đến. Cứ mỗi sáng, bà lão vợ ông lại đưa ông đến đây, chỉ vì ông muốn thế. Năm giờ ba mươi phút, khi Nhiên đạp xe đến thì ông đã ngồi sẵn đó, cô chào cô và ngồi xuống bên cạnh.
Ông lão thường kể cho Nhiên nghe về mảnh đất miền Trung xã xôi, vì tình cờ cô nhận ra mình là đồng hương của ông, hay nói đúng hơn, ba mẹ cô mới là đồng hương của ông. Cái mảnh đất nghèo cát trắng đó.
– Khoai lang làng ông ngon nổi tiếng, và bưởi, cháu biết không, chẳng nơi nào bưởi ngon bằng Bố Trạch.
Cô sôi nổi chuyện trò với ông về cái miền đất mà cô chưa từng đặt chân đến,những địa danh cô chỉ được ba cô nhắc đến tên.
– Ông biết sông Gianh không ông. Ba cháu hay hát: “Hôm nay trăng sáng quá em ơi, mà sao đôi ta bị chia cắt bởi dòng sông bạc hai màu.”
– Ờ, sông Gianh, khi xưa bị chia cắt bởi hai đàng Trịnh Nguyễn. Nhà ông thì ở gần sông Son, động Phong Nha đó. Dòng sông trong vắt và xanh lắm, xanh như là đáy sông được phủ bởi rong rêu.
Nhiên kể: – Cháu chưa về Quảng bình bao giờ, nhưng có một lần, cháu đi tàu ngang qua đó. Tàu dừng ở ga Đồng Hới 8 phút, cháu nhảy xuống, mua một trái bưởi và đứng nhìn cái sân ga nhỏ, thấy nó vừa lạ lẫm vừa thân thiết như máu thịt, cháu nghĩ “ngày xưa ba mình đứng dẫm chân trần dọc những đường tàu này” và bỗng dưng nước mắt chảy ra. Buồn cười lắm ông ạ.
– Còn ông thì xa quê lâu lắm rồi, từ thời loạn ly, nay cũng không biết có còn ai ngoài ấy. Mà nỗi nhớ quê của ông quanh đi quẩn lại chỉ có nhớ món canh lá lằng, thứ lá hái tận trong rừng, phơi khô rồi bóp vụn trông như tiêu bột, nấu với cá vụn. Vị ngọt của cá, vị đắng đằm đằm của lá lằng. Cái mùi vị kỳ lạ mà ông nhớ. Ôi chao, cái mùi vị kỳ lạ cứ đeo bám người ta.
Nhiên thốt lên:
– Cháu biết, mỗi khi có ai ngoài làng vào đều mang theo một gói lá lằng biếu ba mẹ cháu. Mới đầu ăn không quen, đắng lắm, nhưng ăn riết rồi ghiền ông ạ.
Và đôi khi, cô kể về mảnh đất nơi cô đã sinh ra, nơi ông bà nội đã chọn dừng chân khi rời quê cha đất tổ, mảnh đất mà ba đã gặp mẹ, và sinh ra Nhiên, nơi có biển, có núi và những đồi cát trắng. Những câu chuyện cứ thế nối dài…
Người đàn ông kia sẽ ghé qua lúc sáu giờ. Nhiên chưa bao giờ nhìn kỹ anh ta, nhưng có lẽ anh ta chỉ hơn ba mươi một chút, trẻ và khỏe mạnh trong chiếc áo pull và quần soọc trắng, chạy bộ về ngang đó và ghé qua vào lúc sáu giờ. Anh ta gật đầu chào Nhiên, nụ cười cởi mở, hỏi thăm sức khỏe ông lão và bắt đầu nói với ông về cây cảnh. Khi đó, Nhiên lại ngồi nghe và mỉm cười. Họ nói về những bụi trúc ở nhà anh ta, thanh trúc, hoàng trúc. Họ nói về địa lan, thiên tuế, phất dụ, về cây hải đường của anh ta vừa ra một cái nụ, về những cái tên cây, tên hoa kiêu sa, gợi cảm và xa lạ với Nhiên, nhưng cô vẫn nghe một cách say sưa.
Gần sáu rưỡi, Nhiên về, anh ta cũng về, nhưng ngược đường. Còn ông lão ngồi đó đến chín giờ, khi vợ ông hoặc cô con dâu đi chợ về ra đón.
Một buổi sáng, Nhiên ra, không có ông lão ở đó. Nhiên ngồi chờ cho đến khi ông lão đến. Anh gật đầu chào cô:
– Ông ấy đâu?
– Em không biết. Có lẽ ông ấy bị bệnh, hoặc bà lão bệnh, hoặc…
Nhưng dù sao cũng không có ông lão ngồi ở giữa, đôi mắt mờ sáng, giọng nói chậm rãi và nụ cười không biết buồn hay vui. Chỉ có hai người. Họ không biết tên nhau, không biết nhà nhau, và không buồn quan tâm đến điều đó. Họ không biết gì về nhau ngoài cái giờ giấc chính xác. Nhiên đến lúc năm giờ rưỡi, và anh ta đến lúc sáu giờ. Họ có chung một cái ghế đá để ngồi, và nói những chuyện viển vông, không phải việc làm, thời sự hay giá cả lên xuống. Họ chỉ nói những điều họ thích thú, hay những suy nghĩ thoáng qua khi đầu óc ở vào trạng thái rất thanh thản của buổi đầu ngày. Nhưng hôm nay không có ông lão. Bỗng dưng họ thấy ngại ngùng, hụt hẫng vì không có chiếc cầu nối, không có chỗ bám víu. Họ biết rằng mình không đến nỗi xa lạ, nhưng họ chưa bao giờ trò chuyện trực tiếp với nhau. Cuối cùng, người đàn ông lên tiếng:
– Em học trường nào?
– Sư phạm.
– À, sư phạm… Em trọ ở gần đây?
– Dạ.
Nhiên băn khoăn không biết mình có nên hỏi anh ta không: Anh ta làm nghề gì? Nhà anh chắc cũng gần đây? Nhưng cô không hỏi, chỉ ngước nhìn lên những cành tường vi hồng trên đầu và im lặng. Người đàn ông cũng im lặng một lúc lâu. Và rồi, hầu như đột ngột, anh ta quay sang nhìn Nhiên, đôi mắt như mỉm cười:
– Kể về quê em cho tôi nghe đi.
– Quê em ư?
– Không, không phải Quảng Bình, tôi nghe ông lão nói nhiều về nó. Kể cho tôi nghe nơi em đã sinh ra. Có lần tôi nghe em nói về núi và biển.
Bỗng dưng Nhiên thấy xúc động. Cô không biết tại sao mình lại kể cho anh ta nghe, như anh ta có thể hiểu được tất cả những cảm xúc của cô, hiểu được nỗi nhớ cồn cào của cô về núi, về biển, về những đồi cát và những cánh đồng. Và chẳng hiểu tại sao, cô nhìn vào mắt anh ta, và cô tin rằng anh ta hiểu.
– Nơi em ở có biển, và rất nhiều núi. Anh có thể nhìn thấy núi bên phải, bên trái, trước mặt đều có núi. Không quá gần, cũng không quá xa. Không quá chập chùng để thấy choáng ngợp, không quá thưa thớt để thấy nhạt nhòa. Nhưng đủ để có cảm tưởng như mình đang đứng trong thung lũng. Đủ để nhìn rõ những nếp gấp mạnh mẽ, những đường cong và những vết lõm duyên dáng. Nó phụ thuộc vào những tia nắng mặt trời chiếu lên nó, vào buổi sáng, trưa hay hoàng hôn. Và dưới chân núi là những cánh đồng. Em thích chạy xe thật nhanh trên đường vắng, bên cạnh những cánh đồng.
– Lạ nhỉ, tôi cũng thích như vậy.
– Thật ư?
Ảnh nhìn Nhiên và cười, dịu dàng.
– Không hiểu sao những lúc ấy tôi thấy mình rất cô đơn, và rất tự do, một sự cô đơn thần thánh và một sự tự do gần như tuyệt đối.
Suýt nữa thì Nhiên thốt lên: “Em cũng vậy,” Nhưng rồi cô vẫn ngồi bất động trong những cảm xúc dồn dập khó hiểu. Họ lại im lặng. Cho đến sáu giờ ba mươi. Anh ta đứng lên và quay lại nhìn cô chăm chú:
– Anh phải về đây. Mai gặp lại em nhé! Sáng mai…
Và từ lúc ấy hai phần cuộc sống của Nhiên trở nên nhập nhằng với nhau. Buổi chiều, ngồi trong thư viện, bên tai cô cứ văng vẳng câu nói như gió của người đàn ông trẻ: “Kể về quê em cho tôi nghe đi! Nơi nào? Về miền đất đã sinh ra em.” Cô nhớ tới nụ cười tươi tắn, ánh mắt ấm áp của người đàn ông và nghĩ thầm, ngày mai, mình sẽ hỏi anh ta tên gì. Mình sẽ nói “Kể về anh cho em nghe đi…”. Nhiên thấy nhớ ánh mắt của anh. Rất nhớ…
Chín giờ tối, Nhiên loay hoay xếp lại mấy cái CD ở quầy băng đĩa trong siêu thị. Gần đến giờ đóng cửa, khách cũng vơi đi. Bỗng dưng cô giật mình nhận ra người quen. Người đàn ông của buổi sáng, đúng là anh ta, nhưng trông khác hẳn trong chiếc áo sơ mi, cà vạt đỏ sậm. Anh ta bế một bé gái chừng ba tuổi trên tay, hai đuôi tóc của nó nhỏng lên tung tẩy theo từng bước chân của bố. Người phụ nữ trẻ đi bên cạnh dịu dàng vuốt tóc con và nói khẽ với chồng câu gì đó. Họ cùng cười, và đi qua Nhiên. Nhiên ngồi thụp xuống, bỗng dưng ứa nước mắt vì tủi hổ, vì thấy mình sao ngốc nghếch và vô duyên quá chừng. May thật, may mà mình chưa hỏi, anh ta sẽ nói gì, anh ta có nói rằng anh có một người vợ rất xinh và một cô con gái rất ngoan. Anh ta sẽ nói gì nhỉ?
Năm giờ ba mươi sáng. Nhiên nép mình sau một ngôi nhà của khu cư xá và nhìn thấy hai người đàn ông ngồi trên ghế đá. Cô thót tim nhận ra người đàn ông trẻ đến sớm hơn mọi ngày. Bình thường anh ta chỉ đến vào lúc sáu giờ. Ông lão vẫn ngồi ở vị trí cũ, mắt nhìn thẳng về phía trước và miệng mỉm cười nói câu gì đó. Còn người đàn ông kia thì lơ đãng nhìn quanh quất, như chờ đợi. Nhiên lặng lẽ đạp xe về nhà, trèo lên giường, trùm chăn kín đầu và òa khóc. Cô thổn thức vì một điều gì đó mơ hồ không rõ.
Một buổi chiều muộn, Nhiên không ngăn được mình lang thang đạp xe đến chỗ cũ. Ngôi nhà quét vôi trắng vẫn đóng cửa, chếc ghế đá có hai người phụ nữ ngồi chuyện trò rôm rả, xe máy chạy vào chạy ra những cánh cổng xinh đẹp trong khu cư xá. Những đứa trẻ om sòm đá bóng trên khoảng sân vuông, bụi tung mịt mù. Và trong cái nắng vàng vọt của buổi chiều, những chùm hoa tường vi bỗng chuyển ra màu cam, ố vàng xấu xí đến kỳ lạ. Nhiên bỗng dưng thấy ập vào lòng một nỗi thất vọng đau đớn đến khó tả khi cô chợt nhận ra là hoa tường vi buổi chiều, hoa tường vi trong cái phần ngày bụi bặm của đời thực, không đẹp như hoa tường vi trong cái phần ngày ngắn ngủi của riêng cô. Và Nhiên biết rằng từ nay cuộc sống của cô lại như mọi người, bắt đầu từ năm giờ ba mươi và chỉ có một phần. Không có những buổi ban mai ngồi dưới hoa tường vi nữa. Chiếc ghế đá sẽ còn lại hai người, hay là một, hay là không ai, chỉ có hoa tường vi vẫn rung rinh hồng vào mỗi sáng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.