Hãy Tìm Tôi Giữa Cánh Đồng

02. Trận đòn mùa khoai mì



Mùa khoai mì luôn là mùa vui nhất trong năm. Ở quê tôi, nhà nào cũng có vài sào rẫy trồng khoai mì. Những ai không có đất thì đi làm cỏ mì, nhổ mì, gọt mì thuê.

Vào mùa thu hoạch, những chiếc xe bò chở lúc lỉu củ mì nối nhau đi trên đường, nhà nào cũng chất vài đống to. Từ sáng đến chiều, mọi người tập trung quanh đống củ, gọt vỏ bằng những chiếc bào tự tạo hoặc những con dao có kẹp một thanh thép uốn. Bên cạnh đó là chiếc bàn xắt để cắt củ mì thành lát rồi đem phơi.

Tất cả những chuyện vui buồn trên trời dưới đất, chuyện thật, chuyện xạo, chuyện khóc, chuyện cười, đều được kể vào mùa khoai mì, khi mọi người mặc những bộ quần áo xấu xí nhất để không phải tiếc rẻ khi mủ mì dính vào, và ngồi suốt 10 tiếng đồng hồ chỉ với công việc bào vỏ, xắt lát… Tiếng cười nói rổn rảng khắp thôn xóm.

Trẻ con là lực lượng “lao động” đông đúc và ồn ào nhất. Nhưng chỉ gọt được chục củ, hay giỏi lắm thì cũng hai tiếng đồng hồ là mỏi, chúng tôi len lén lỉnh đi chơi…

Một lần, ba tôi nhặt những củ mì bé tí, những mẩu gãy, và bảo: “Nếu con chịu khó gọt, xắt phơi, bán được bao nhiêu thì ba sẽ cho con phần tiền đó, để bỏ ống heo.” Nghĩ đến cơ hội tự kiếm tiền đầu tiên trong đời, tôi thích chí gật đầu.

Từ đó, ngày nào cũng vậy, ngoài giờ học, tôi ngồi lì trên đống khoai mì vụn, chăm chỉ gọt gọt, xắt xắt… Ai thấy một củ mì nho nhỏ đều ném qua cho tôi.

Khi phơi, mọi người thường phơi ngoài sân, ngoài lề đường, còn tôi leo lên mái nhà, trên là nắng, dưới là mái tôn, mì mau khô, lại sạch sẽ… ba cho phép tôi gọt ở đó với điều kiện đi lại nhẹ nhàng. Sáng phơi lên, chiều gom xuống, sáng mai lại phơi… Vài ba nắng thì khô. Tôi sung sướng nhận ra những lát khoai tí hon của tôi trắng và sạch nhất.

Cuối mùa, mẹ kiếm cho tôi một cái bao tải, chất mì vào và mang đi bán… Nhưng rồi, bao nhiêu hy vọng ấp ủ vỡ vụn khi công sức của tôi chỉ thu được một khoản tiền nhỏ, chẳng đáng là bao… Lần đầu tiên, tôi nhận ra một điều đơn giản là kiếm tiền chẳng dễ dàng gì. Chưa hết, khi mẹ bảo người ta không mua khoai nhỏ để xuất khẩu, hoặc xay bột như tôi tưởng, những lát mì bé xíu của tôi được bán ngay ngoài chợ để… cho heo ăn, tôi càng buồn thúi ruột.

Sau mùa thu hoạch, người ta chọn những thân mì mập mạp, tươi tốt nhất, chặt ra thành từng khúc để làm giống cho mùa sau. Bọn trẻ con thường chọn cây mì có hình chữ L để làm gậy rồi đóng giả người tàn tật, ngửa tay xin ăn như những ông lão hành khất chúng tôi thường nhìn thấy trên đường. Đôi khi, người lớn vẫn cười và còn vặt lá làm tiền bỏ vào nón cho chúng tôi nữa…

Một lần lúc cả nhà đang vui vẻ, tôi cao hứng nhặt một thân cây và chơi trò cũ. Mặt ba bỗng dưng tối sầm lại, rồi ba thét tôi vứt cây ngay và quỳ úp mặt vào tường suốt buổi.

Khi đã xong việc, ba xách vào chiếc roi bằng cây mì: “Ba sẽ đánh con vì hai tội. Thứ nhất, ba mẹ sinh con ra lành lặn, sao con lại muốn làm người tàn tật? Thứ hai, nếu những người tàn tật nhìn thấy thì họ sẽ rất buồn lòng vì cho là con chế giễu họ. Con lấy sự thiệt thòi của người khác ra để đùa giỡn, có đáng ăn đòn không?” Tôi mếu máo: “Thưa ba, có.” Cây mì giòn và có nhiều mắt, đánh vài roi đã gãy, nhưng cũng kịp đau thấu trời. Mấy vết lằn trên mông tôi in đậm hơn những lần khác.

Dù sao, trong ký ức của tôi, mùa khoai mì vẫn luôn là mùa vui nhất. Bây giờ, người dân quê tôi ít ai trồng mì nữa. Họ đi làm ăn xa, hoặc chuyển sang nuôi tôm xuất khẩu… Còn tôi, tôi nhớ mãi những ngày sôi động ấy. Nhưng tất nhiên, không chỉ vì sự vui nhộn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.