Hãy Tìm Tôi Giữa Cánh Đồng

07. Khói huynh diệp



Lam đứng trên lầu ba, trước phòng máy vi tính của trường. Cô thích ở đây, giữa lồng lộng gió, và chỉ cần với tay ra một chút, Lam đã có thể hái vài chiếc lá khuynh diệp tươi, vò vò rồi đưa lên mũi để nghe một mùi thơm thanh thanh, tinh khiết thoang thoảng lan nhẹ ra, bám vào trên tóc. Mười năm rồi còn gì. Sau khi tốt nghiệp, Lam cũng đã mất mấy năm lăng quăng ở thành phố, dạy Tin học tại một trung tâm, cho đến khi mẹ viết thư vào: “Về đi con, trường cấp hai của mình vừa có một phòng máy vi tính, khang trang lắm. Lương có thể không cao nhưng dù sao cũng ở quê nhà,dù sao cũng thân con gái.” Thế là Lam về, không cần phải xin xỏ nhiều để trở về trường cũ, ngôi trường đang thiếu giáo viên cho môn Tin học. Trường thay đổi nhiều, mới toanh, cửa kính, đèn điện, căng tin. Và những thầy cô già. Nhưng Lam có cảm giác như lớp 9A mà Lam phụ trách cũng giống y như lớp 9A của cô hồi đó, cũng nhí nhố, cũng những đứa con gái rất ngoan, thậm chí bẽn lẽn, những đứa con trai nghịch ngợm, cũng một cô bé lớp trưởng kiêm bi thư đoàn trường, thông minh, học giỏi và nhanh nhẹn, cũng một học sinh được giáo viên xếp vào loại cá biệt, mặt lì lì, bơ bơ. Lam luôn có sự chú ý đặc biệt đến những học sinh cá biệt, không phải để theo dõi, cảnh giác, mà là để yêu thương chăm sóc nhiều hơn một chút, có lẽ, tại chuyện của Khánh ngày xưa.

Lam hình dung lại khuôn mặt của Quý “heo”, đứa học trò mà hôm Lan nhận lớp cô hiệu phó đã nhắc khẽ: “Thằng này học sinh cá biệt nghen, nó quậy lắm.”

– Quậy sao cô?

– Trời ơi, nó lì lắm, nói gì nó cứ cười cười, mặt trơ trơ phát bực. Có hôm còn mang cưa lên cưa chân ghế cho các bạn ngồi sụm chơi.

Lam hỏi mấy đứa học trò:

– Sao gọi bạn là Quý “heo”?

Học trò cười hì hì:

– Tại ở nhà nó mổ heo mà cô?

Nhưng Quý ít khi “quậy” trong giờ của Lam, chỉ duy có một lần, cô bé lớp trưởng lên nói nhỏ với cô là Quý mang dao găm vô lớp, lận trong lưng quần, để lòi cái chuôi ra ngoài.

– Quý, sao em mang dao găm vô lớp?

– Chơi mà cô.

– Không được, nguy hiểm lắm. Em cất vào cặp đi, mai để ở nhà không mang lên lớp nữa, lỡ đâm trúng mấy bạn thì sao?

– Em đâu có đâm, em đem theo để phòng thân mà cô.

Lam thật kêu trời không thấu.

– Không phòng thân phòng thiếc gì hết, đưa dao đây cho cô rồi về chỗ ngồi.

Quý “heo” nhe răng cười, ngoan ngoãn rút con dao găm có chuôi chạm trổ khá đẹp đặt lên bàn:

– Nhưng mà lát nữa cô trả em nghen, cái này của ba em.

– Được rồi, nếu em hứa không đem lên trường nữa.

Lam gật đầu.

– Hôm nay các em tạo một cây thư mục của lớp mình, mỗi tên học sinh là một tên file, tên tổ trưởng là tên thư mục…

Quý “heo” giơ tay:

– Cô ơi, em lấy tên cô đặt tên thư mục được không?

– Cô nói rồi, tên tổ trưởng làm tên thư mục, sao đặt tên cô làm chi?

– Tên đẹp mà cô – Quý lẩm bẩm – Hải Lam. Cô ơi, tên cô có nghĩa gì vậy?

– Không có nghĩa gì cả?

– Phải có nghĩa chớ. Ba em đặt tên là Phú Quý, em em là Kim Ngân, Kim Hoàn… Phú Quý là giàu, Ngân là tiền, Hoàn là hột xoàn. Má em mỗi lần khùng lên chửi là tại ba em đặt tên giàu nên nhà em mới nghèo xơ vậy… hì hì… tên ai cũng có nghĩa chớ. Tên cô không có nghĩa là gì hả, lạ quá ha?

Lam cười thầm, học trò thật lạ, rất nhiều khi chúng có thể yêu quý mình chỉ vì một cái tên, có điều, nếu cảm tình mất đi thì đừng hòng lấy lại. Những ấn tượng ban đầu thật khó xóa nhòa, nhất là khi người ta 15 tuổi.

Học trò cười khúc khích…

– Ông hiền không cô? Ông cai bây giờ dữ thấy sợ.

– Hiền lắm, và hay kể chuyện cổ tích cho cô nghe.

*

Chiều chiều. Ông lão ngồi trước căn chòi lá dựng ở góc sân, thổi phù vào đám lửa nhỏ, làn khói mỏng manh nhẹ nhàng uốn mình bay lên và tan dần ra trước khi chạm đến những chiếc lá khuynh diệp màu xanh bạc ở trên cao. Lửa cháy tí tách và thơm mùi bạc hà của lá khuynh diệp khô. Ông lão nói: “Ông đốt để đuổi muỗi, và ông thích mùi lá khuynh diệp.”

Chiều chiều, sau khi tan học Lam thường ghé vào nghe ông kể chuyện, những câu chuyện mà ông đọc từ lúc còn nhỏ, rất nhỏ. Sinbad, Aladin, những chú lính chì dũng cảm. Lam chống cằm nghe say sưa.

Thỉnh thoảng ông ngừng kể, nhìn Lam thở dài, tựa như những câu chuyện cổ tích và cô bé này làm ông chạnh lòng.

– Cháu sẽ là một người tốt.

– Sao ông biết?

– Vì cháu thích nghe chuyện cổ tích. Khi người ta tin vào những câu chuyện cổ tích, người ta còn tin vào những điều tốt đẹp…

– Ông cũng là một người tốt.

Ông lão bật cười, lắc đầu. Lam cũng cười:

– Cháu nói thật mà, vì ông có thể kể được bao nhiêu là chuyện cổ tích.

Ông trầm ngâm nghĩ đến Khánh, cháu ngoại của ông, học cùng lớp với Lam. Ngày xưa, Khánh cũng từng tròn xoe mắt hinh hích cười khi nghe ông kể chuyện. Còn bây giờ, nó là học sinh cá biệt của lớp 9A, lầm lì, hằn học. Nó đen đúa, gầy còm, ngoài giờ học chỉ thích lê la ngoài đường, tối về ăn cơm với ông rồi lăn ra ngủ, có đêm theo đám bụi đời ra nằm ngoặt nghẹo trên những sạp hàng ở chợ. Mỗi lần ông lân la đến gần, định tâm sự hay nói chuyện là nó lại nhìn ông chòng chọc quay đi. Cùng một nỗi đau, nhưng ông không tài nào chia sẻ được.

– Ở lớp Khánh có phá phách không? – Ông hỏi. Lam bảo:

– Bạn ấy không quậy phá, nhưng lầm lì quá ông à. Cháu sờ sợ.

– Cháu có nói chuyện với Khánh không?

– Có, cháu là lớp trưởng mà. Cháu nói Khánh đừng đi chơi nhiều nữa, ở nhà với ông và lo học đi. Khánh nói Khánh không cần ai quan tâm đến Khánh hết…

Ông lão thở dài.

– Cháu là bạn Khánh, thỉnh thoảng cháu nhắc nhở Khánh giúp ông.

Lam gật đầu, thấy mình cũng có trách nhiệm, không phải chỉ vì cô là lớp trưởng, mà còn vì mỗi chiều cô lại ngồi bên đống lửa khuynh diệp để nghe ông lão kể chuyện cổ tích. Lam chú ý đến Khánh nhiều hơn, nói chuyện với Khánh nhiều hơn, dù chỉ là những câu hỏi vớ vẩn. Có hôm, khi Lam ngồi kể chuyện vui trong giờ ra chơi, Lam thấy Khánh phì cười. Nhưng rồi một ngày, khi Lam đến lớp thì thấy túm tụm một đám ầm ĩ. Khánh và Thái, một học sinh khác lớp, đang quấn lấy nhau, đứa này cố đấm vào mặt đứa kia. Khánh nghiến răng, mắt đỏ ngầu, túm đầu Thái lụi vào tường:

– Đ.M mày!

Lam túm lấy tay Khánh:

– Dừng lại ngay, tui đi méc thầy hiệu trưởng bây giờ. Dừng lại, mấy trò muốn bị đuổi học không?

Khánh quay ngoắt lại, trợn trừng mắt, thét vào mặt Lam:

– Đ.M đi méc đi, kệ mày. Tao đếch thèm học nữa…

Lam sững sờ, hét: “Bạn… bạn ăn nói mất dạy vừa vừa thôi.”

Khánh nghiến răng, đấm mạnh nắm tay xuống bàn, tiện chân đá luôn chiếc cặp của Lam ra cửa, rồi chạy vụt đi. Thầy hiệu trưởng gọi Thái lên phòng, Lam đi theo;

– Tại sao hai em đánh nhau?

– Em không biết, tự nhiên nó nhào vô đánh em.

– Sao tự nhiên được?

Thái vẫn cằn nhằn, hai tay xoa xoa vết trầy đỏ trên trán:

– Em chỉ hỏi có phải ba nó đốt mẹ nó chết không, tự nhiên nó nhào vô đánh em…

Lam lặng người đi, sững sờ còn hơn lúc Khánh quăng vào mặt Lam tiếng chửi thề thô tục. Chiều, Lam chạy ra căn nhà nhỏ của ông lão, và thút thít nghe ông kể một câu chuyện, không phải là cổ tích.

– Ngày xưa, khi Khánh còn nhỏ, nó thông minh, lanh lợi và ngoan như cháu vậy, ông cũng thường kể chuyện cổ tích cho nó nghe. Nhưng chỉ một que diêm đã phá tan tất cả. Nhà Khánh khó khăn, ba Khánh ở nhà, làm ruộng, mẹ Khánh đi theo xe hàng, rồi tiếng vào tiếng ra, ghen tuông, cãi vã thường xuyên. Hôm đó, ba Khánh say rượu đòi đốt vợ, mẹ Khánh bực mình nên thách thức, và thùng xăng hắt ra, và que diêm bật lên. Có những sai lầm mà khi phạm phải người ta không bao giờ có thể sửa chữa được, đôi khi, chỉ từ một que diêm. Con gái ông quằn quại, mê sảng vì bỏng nặng toàn thân suốt một tuần thì mất, con rể ông đi tù. Ông đưa Khánh về sống với mình, hai em gái Khánh thì vào Biên Hòa ở với gia đình chú ruột. Mười lăm tuổi, Khánh bỗng dưng trở nên lầm lì, mặt xám xịt, tối tăm. Và bây giờ… Ông không trách Thái, có lẽ nó quá vô tư. Nhưng Hải Lam à, cháu biết không, sự vô tư đôi khi…

Khánh bỏ đi từ ngày đó, ông lão đi tìm, năn nỉ, nó không về. Lam nghe phong thanh Khánh nhảy xe đò vào Biên Hòa tìm hai đứa em gái, nghe phong thanh nó nhập băng xã hội đen, nghe phong thanh có lần nó đến nhà giam tìm ba, rồi lại nghe nó ăn cắp xe đạp bị bắt vô tù, nghe nó chết bụi chết bờ ở đâu đó để ông lão phải đi nhận xác. Nghe phong thanh nhiều, không có tin nào là tốt đẹp. Và mỗi lần có ai kể chuyện nhắc đến Khánh, tim Lam lại nhói lên. Ông lão cũng không về nữa. Vài năm sau, Lam được tin ông mất, ở một nơi nào đó ngoài miền Trung.

*

Đêm dịu dàng với những vì sao nhấp nháy, tiếng gió thì thào trên những cành khuynh diệp rủ lá xuống từ trên cao. Có một vài tiếng thút thít, còn lại là sự im lặng. Lam đã kể, không lấy tên thật của một vài nhân vật. Lam cũng không biết mình kể ra để làm gì, có lẽ chỉ để bớt day dứt hơn, nỗi day dứt vẫn dậy lên mỗi khi Lam ngửi thấy mùi lá khuynh diệp làm trái tim cô đau nhói, cũng có lẽ để nhắn nhủ với những đôi mắt trong veo này một điều gì đó, rằng tâm hồn con người mong manh biết bao, ai cũng vậy, và đôi khi ta có thể vô tình làm tổn thương nhau, đôi khi, sự vô tình của ta có thể làm hại cả một cuộc đời. Mắt học trò long lanh. Không biết tại câu chuyện hay tại khói. Khói khuynh diệp thơm một mùi thanh khiết, và đôi khi cũng làm cay mắt người…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.