Hồ

Chương 08



Đúng là như vậy. Không phải tôi có hứng thú đặc biệt gì với Paris, nhưng dù sao tôi cũng muốn bỏ ra vài ngày để xem từ đầu này đến đầu kia Bảo tàng Louvre mà hồi đi cùng mẹ tôi chỉ có một giờ đồng hồ để ngắm nghía, vả lại tôi còn chưa được tới Cung điện Versailles.

Và hơn hết, vì mẹ đã mất nên tôi chẳng còn bất cứ lý do gì để buộc phải ở Nhật Bản vào lúc này.

Nghĩ thế, tôi đột nhiên rơi vào tâm trạng buồn bã.

Ước gì mẹ vẫn còn sống để níu giữ tôi. Ước gì mẹ làm mặt khó dễ bảo tôi rằng: nước ngoài xa xôi lắm, mẹ chỉ sợ không gặp được con. Tôi muốn nghe mẹ nói thế. Nhưng tất thảy những điều ấy giờ không còn nữa.

“Cái đó cũng không sai.”

“Lối suy nghĩ của cậu là lối suy nghĩ đặc trưng của một kẻ luôn cho rằng nhà mình lúc nào cũng chỉ ở nguyên một chỗ…”

Đang định nói ra điều gì đó có vẻ rất đáng sợ thì Nakajima im bặt. Kiểu im lặng ý chừng muốn bảo: “Tớ không thể nói thêm và cũng không thèm nói nữa”, mà dạo gần đây tôi đã dần quen. Tôi chẳng có căn cứ gì rõ ràng mà chỉ cảm nhận được một cách đại thể là như vậy.

Một lát sau, Nakajima cất tiếng:

“Chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều nếu tụi mình cùng chia phòng, cùng góp gạo thổi cơm chung. Tớ sẽ chi trả những phần ngoài khả năng của cậu, không nhất thiết cái gì cũng phải cắn đồng tiền vỡ đôi đâu, vì tớ là người đề cập đến chuyện này trước.”

“Ồ, lâu rồi tớ mới nghe thấy câu ‘cắn đồng tiền vỡ đôi’ đấy.” Tôi thốt ra một câu chẳng ăn nhập gì, đoạn tiếp tục, “Tớ nghĩ là mình đi được, vì dù gì cũng có tiền của mẹ để lại. Bố chắc cũng sẽ cho tớ kha khá.”

Nakajima gật đầu, rồi nói:

“Còn điều này nữa, cái quán của mẹ Chihiro ấy, sau khi mẹ cậu mất nó được coi như phần tài sản nằm trong tay bố cậu đúng không? Xin bố cậu một chút tiền gọi là, như thế đâu có là gì không chính đáng nào. Đôi khi, nhận những thứ có thể nhận được cũng là cách thể hiện tình yêu mà.”

Về điều này, hắn cũng đúng. Tôi đã cố gắng không ngừng để loại bỏ suy nghĩ ấy ra khỏi đầu.

“Nói cách khác, tớ cho rằng Chihiro quá đại khái về chuyện tiền nong.”

Tôi mỉm cười, vui vui vì được Nakajima thuyết giáo về thực tế.

Gần đây, lời lẽ của Nakajima đã bắt đầu tuôn ra từ sâu bên trong hắn. Tôi thấy sung sướng vì điều ấy và bởi thế, tôi sẵn sàng làm mọi thứ.

Ngay cả việc tới gặp bố và mỉm cười với bố, tôi cũng sẵn lòng.

Một buổi chiều nọ, Yotchan – đã hoàn toàn trở nên thân thiết với tôi – cùng cô bạn thân Mikichan đem tới cho tôi ít quà vặt gồm bánh gạo, khoai tây chiên và sô cô la.

“Cô sắp tô hết màu rồi, không còn giống ma nữa đúng không?” Tôi hỏi.

Bức tranh đã xong hầu hết, hằng ngày tôi ngắm nghía, rồi thêm màu chỗ này sửa lại chỗ kia sao cho hài hòa. Đây là công đoạn mà tất cả mọi thứ đang dần thu lại thành một thế giới.

“Vẫn giống ma, trông chúng có vẻ buồn bã.” Yotchan nói.

“Cậu đừng nói thế, tớ sợ lắm.” Mikichan bảo. “Tớ ghét ma.”

“Cháu ghét cả khỉ à?” Tôi hỏi.

Trong lúc ấy, tôi tự hỏi: ngay cả khi đã tô màu mà sự cô độc của những con người ấy vẫn hiện ra trên tranh ư?

“Vâng.”

“Tớ còn chưa nhìn thấy hồ bao giờ.” Yotchan nói.

“Tớ thì thấy rồi. Hồ Ashi-no-ko.” Mikichan nói.

Tôi lắng nghe vì cảm thấy cuộc đối thoại giữa chúng thật mới lạ. Tôi cũng nghĩ: không được rồi, những con người đó trông vẫn giống ma. Bọn trẻ sẽ nhận ra ngay rằng có điểm khác thường so với những con khỉ khác. Nhưng nếu thực sự toát lên được điều đó thì tranh tôi đâu đến nỗi bỏ đi…

Sau đó, hai đứa trẻ chuyển sang đề tài về ti vi, tôi tiếp tục tô màu. Nói rằng chúng quấy rầy tôi hoặc khiến tôi hạnh phúc đều đúng cả.

Ngoảnh đầu lại, tôi thấy bọn trẻ đang ngồi xổm, vừa nói chuyện vừa ăn chỗ bánh mình mang đến và màn thầu được Sayuri cho lúc trước. Còn tôi, vừa uống trà thảo dược nóng từ bình giữ nhiệt, vừa ngẫm nghĩ xem có thể đưa được vào tranh cái gì trong số những tia sáng đầy màu sắc đang ánh lên từ câu chuyện của bọn trẻ hay không.

Ngồi bệt xuống nền đất thì lạnh mông, hơn nữa bả vai cũng đã ê ẩm do phải giơ tay suốt một lúc lâu, nhưng tôi không thể dừng vẽ.

Vừa tô xong màu này, một màu khác đã lại hiện ra trước mắt, tôi mải mê đuổi theo chúng cho tới khi mặt trời tắt nắng và không thể vẽ thêm được nữa, người tôi mệt nhừ nên chắc sẽ ngủ ngon.

Khi nghĩ đến chuyện về nhà, hình ảnh đầu tiên hiện lên là Nakajima. Hình ảnh Nakajima ở nhà tôi, lúc nào cũng miệt mài học bất kể tôi có mặt hay không. Có lẽ hắn muốn được ở bên tôi. Phải rồi, hắn sang nhà tôi nghĩa là muốn ở lại với tôi. Liệu còn người nào mà tôi có thể tin cậy nhiều hơn thế này không?

Nơi có con người ấy chính là nơi tôi trở về. Nhờ hắn mà cả ngày tôi không phải suy tư, về những chuyện như là tới đây mình sẽ phải làm thế nào.

Rốt cuộc bọn trẻ cũng ra về. Hôm nay làm được đến đây thật không tồi, tôi đang tự nhủ nhân lúc nghỉ giải lao thì thấy Sayuri bước về phía mình với vẻ mặt không vui.

Ban nãy khi đi ngang qua chỗ tôi, cô còn tươi cười vẫy tay cơ mà, chắc là đã có chuyện gì rồi đây, nghĩ thế nên tôi đứng đợi.

“Nhờ cậu một chút được không Chihiro?” Cô nói.

“Xem chừng không phải là tin tốt lành?”

Tôi hỏi, thầm suy đoán: mặc dù dự án vẽ tranh đang được tiến hành, người ta vẫn quyết định phá đi để xây lại.

Nhưng hóa ra là một vấn đề hơi tế nhị, khiến tôi phải cân nhắc đôi chút.

“Chuyện là thế này, thị trưởng gọi điện cho tớ, bảo là đã có nhà tài trợ.”

“Sao cơ, không phải dự án này là do chính thành phố tài trợ à?”

“Không, qua trao đổi, tớ được biết nhà tài trợ sẽ chi trả toàn bộ kinh phí, họ nói miễn sao việc đó góp phần tiếp thêm sức sống cho thành phố.”

“Thế là sao nhỉ, họ đâu cần phải làm thế lúc này?”

Tôi nói. Sayuri gật đầu.

“Bù lại, họ hỏi có thể đưa biểu tượng của công ty vào tranh, càng to càng tốt, được không. Cái biểu tượng trên nóc nhà máy sản xuất thạch Konjac to đùng ở gần lối vào đường cao tốc ấy.”

Sayuri đưa tôi xem một biểu tượng xám xịt kỳ quặc được phối màu chả ra làm sao, hình ảnh chính là miếng thạch Konjac có mắt và mũi.

“Gì thế này! Tớ tưởng là chuyện đùa cơ đấy!”

Tôi bật cười, Sayuri cũng cười lớn.

Song cả tôi lẫn Sayuri đều biết, những chuyện đùa thế này lại rất thường xảy ra trong đời thực. Thế nên khi cười ngớt, tôi chùi chỗ nước mắt chảy ra do cười quá nhiều và bảo:

“Không được đâu. Vì tớ đã vẽ phác xong gần hết rồi.”

Mặc dầu vậy tôi vẫn thử tính cách thiết kế biểu tượng sao cho ngộ nghĩnh, thú vị để đưa vào trong tranh, nhưng xem chừng vô vọng. Vả lại, tôi cũng lờ mờ hiểu rằng, họ sẽ chẳng thích thú nỗi gì nếu tôi vẽ theo kiểu ấy.

“Trước mắt để tớ thử thương lượng xem sao. Cậu có yêu cầu gì không?” Sayuri hỏi.

Tôi thấy sao mà phiền phức, bèn bảo:

“Vậy thì tớ sẽ rút lui ngay bây giờ để họ tiện vẽ lại từ đầu với biểu tượng. Hoặc là họ đi mà tìm người nào biết cách nhét cái biểu tượng đó vào trong tranh.”

“Sao cậu lúc nào cũng phải hoặc là tất cả hoặc là không gì hết như vậy chứ?” Sayuri nói với vẻ mặt chán nản.

Tôi đành nói tiếp:

“Vậy thì thế này đi, đằng nào tớ cũng sẽ viết tên thành phố lên phía trên chữ ký của tớ vì đã hỗ trợ dự án này, hay là đề nghị họ để tớ vẽ nho nhỏ cái biểu tượng vào chỗ ấy có được không?”

“Nhưng nguyện vọng của ông giám đốc là muốn biểu tượng được lồng vào như một phần của bức tranh với kích thước lớn hơn ý cậu nói nhiều.” Sayuri đáp. “Nhưng tớ đang dọa họ rằng, nếu đã thể hiện thì chẳng cần nhờ tới Chihiro làm gì, và nếu vẽ lại từ đầu sẽ phải cần đến số tiền là một triệu yên.”

Sayuri nở một nụ cười.

Vì rất quý mến cái con người ấy ở Sayuri, nên tôi đã chọn cách nói mềm mỏng nhất có thể để Sayuri đừng nghĩ là tôi đang chê trách.

“Thú thực, tớ không hề nghĩ tranh mình đặc biệt xuất sắc. Nên tớ mới vẽ với một tâm thế chấp nhận rằng có thể bức tường rồi sẽ bị phá vào một ngày không xa.”

“Nhưng tớ cho rằng hai cách nghĩ: ‘đằng nào cũng bị phá thì vẽ làm gì’ và ‘đằng nào cũng bị phá thì vẽ gì chả được’ là hoàn toàn khác nhau.”

“Cái mà tớ đang làm không phải kiểu công việc cứ vẽ xoèn xoẹt cho xong bức tranh được yêu cầu, hay vẽ một tấm áp phích quảng cáo phim, ít ra là như vậy. Khi nhận bất kỳ lời đề nghị nào, tớ luôn đặt điều kiện rằng đó phải là tranh của tớ, vì thế mặc dù rất khó khăn để tìm được một công việc phù hợp với điều kiện này, song tớ vẫn duy trì. Thế nên, nếu có người yêu cầu tớ thêm vào tranh một cái gì đó, bất kể là cái gì… dù đơn giản như biểu tượng một miếng thạch Konjac thật dễ thương, Pikachu, Gundam hay Ham-taro, nghĩa là họ đã thuê tớ mà không hiểu gì về công việc tớ đang làm.”

“Được rồi, tớ rất hiểu. Tớ biết điều ấy nên mới nhờ Chihiro, trách nhiệm thuộc về tớ, cậu đừng lo. Tớ tới đây để nói cho cậu biết chứ không phải để thuyết phục cậu.”

Đúng là một giáo viên, Sayuri tỏ ra bình tĩnh và vững vàng.

“Dù thế nào, nếu đây là một yêu cầu tuyệt đối phải tuân theo, thì tớ không thể làm việc được trong một hệ thống như thế. Họ thuê nhầm người rồi, nhầm ngay từ đầu. Cậu nói lại với họ rằng hãy thuê một người làm công việc kẻ vẽ biển hiệu. Tớ không hạ thấp những người kẻ vẽ biển hiệu, chỉ là bởi nghề nghiệp khác nhau. Cho dù vẫn còn là một kẻ non tay, chỉ chuyên vẽ tranh trên những bức tường đầy rêu, song không có nghĩa là tớ sẽ thay đổi nghề nghiệp của mình.” Tôi nói.

Rồi nhìn bức tranh. Lũ khỉ đáng thương, rất có thể chúng sẽ bị phủ một lớp màu lên trên và biến mất. Tuy nhiên, biết đâu dù chỉ tồn tại ở đây trong một thời gian ngắn ngủi, song Yotchan và bạn bè sẽ vẫn còn nhớ mãi.

Nghĩ đến đây, tôi thấy trong lòng một cảm giác tự do, tựa như mọi sự cố chấp của mình đều biến mất trước một cơn gió bất chợt dịu dàng thổi tới. Một cảm giác như thể: A, mình có thể đi đến bất cứ đâu.

Một thứ cảm giác tự do chẳng mấy khi có được.

Được rồi, được rồi, tôi tự nhủ.

Dù sao mình cũng phải lưu lại hình ảnh này, nghĩ thế tôi chụp lại bức tranh bằng máy ảnh kỹ thuật số với hậu cảnh là bầu trời. Để ghi lại niềm vui của quãng thời gian đặc biệt này.

“Sẽ có cách nào đó, chắc chắn là như thế.” Sayuri nói. “Trước mắt, tớ sẽ cho mấy ông bên trên và cả công ty kia xem băng video chương trình phóng sự về Chihiro, để khẳng định với họ về giá trị nghệ thuật.”

“Thật hổ thẹn là nó lại không đến mức ấy.” Tôi nói.

Lúc này, lần đầu tiên tôi cảm thấy mình hơi nghiêm túc về nghề nghiệp của bản thân. Chẳng thể nói gì được bởi vì ông giám đốc của công ty thạch Konjac kia chưa từng xem tranh của tôi, nhưng cũng phải thừa nhận trách nhiệm của tôi là ở chỗ chưa biết cách vẽ sao cho không ai còn muốn lồng biểu tượng vào trong tranh của mình nữa.

Tóm lại mình phải học thêm về hội họa, phải xem thật nhiều thật nhiều tuyệt tác, để biết sự nhỏ bé của mình… Con đường tới Paris cứ tự động mở ra trước mặt tôi. Tôi bất thần hình dung gương mặt nhìn nghiêng của Nakajima đang miệt mài học trong căn hộ của mình.

Tôi cũng muốn mình có được vẻ mặt như thế khi vẽ tranh. Tôi muốn chuyển hóa tất cả bộn bề thường nhật sang một dạng năng lượng khác, biến chúng thành một phần của chính tôi chứ không phải trốn chạy khỏi chúng. Giống như Nakajima đã làm.

Nhưng trước đó, tôi phải giải quyết chuyện này đã.

“Rõ rồi, vậy tớ sẽ tìm cách xuất hiện trên các tạp chí, kiếm thêm chút tiếng tăm cho mình. Mấy bác già hẳn sẽ xiêu lòng vì ba cái chuyện này. Hơn nữa, giáo sư hướng dẫn tốt nghiệp của tớ khá là nổi tiếng, nên có thể nhờ thầy ấy viết đôi lời cho ngài thị trưởng. Thầy lại là người vùng này, nên chắc là có sức ảnh hưởng tương đối. Chính thầy đã sáng tác bức tượng đồng lạ mắt trước cửa ga đấy.” Tôi nói. “Ngoài ra, cùng với việc gửi cho họ một bộ tài liệu giải thích các vấn đề như đã nêu ở trên, tớ sẽ thử gửi thư tay nhằm thuyết phục ông giám đốc công ty thạch Konjac với lời lẽ ôn hòa để không làm mất lòng ông ta. Đó là tất cả những gì tớ có thể làm, mà nếu vẫn thất bại, tớ đành phải bỏ cuộc thôi.”

Tôi tự nhủ, đây thật là một ý tưởng tuyệt vời nếu so với khả năng của mình. Tôi đoán nếu ông giám đốc công ty thạch Konjac không phải kẻ có quá nhiều tiền và dị hợm, thì chẳng hơi đâu lại đi yêu cầu xóa một bức tranh đã vẽ rồi, sau đó bỏ tiền ra để vẽ lại, nên chắc sẽ xuôi chèo.

“Nghe có vẻ sẽ ổn thỏa. Dù thế nào cũng cho tớ xin lỗi nhé, đã làm phiền cậu vì những việc không đâu.” Sayuri nói.

“Đừng lo, tớ sẽ làm mọi điều có thể.”

Bởi đây có thể sẽ là dự án cuối cùng tớ thực hiện ở Nhật Bản, tôi nghĩ bụng. Tôi không định gắn bó với việc vẽ tranh tường nên chính tôi cũng không biết mai sau mình sẽ ra sao. Dù kiếm sống bằng nghề gì thì chắc cũng còn phải gặp nhiều chuyện tương tự, tuy nhiên trong mọi hoàn cảnh, bất kể sự việc có suôn sẻ hay không, tôi chỉ cần làm hết khả năng, giống như thế này, là được. Và tôi sẽ hít thật sâu cơn gió tự do ngát thơm và dịu ngọt lâu lâu lại thổi tới.

“Khi nào có quyết định, Sayuri cho tớ biết nhé.” Tôi nói. “Từ giờ đến lúc ấy tớ sẽ tạm nghỉ ngơi. Tất nhiên, tớ hiểu cậu chẳng có lỗi gì.”

Tôi phải hành động, đồng thời cũng cần làm nguội cái đầu, hơn nữa cứ nhìn bức tranh sắp hoàn thành là lòng lại xót xa, nên tôi nhanh tay thu dọn đồ đạc.

Tất nhiên, tôi không giận. Thậm chí còn cảm thấy áy náy với Sayuri.

Tôi không phải một nghệ sĩ danh tiếng, nên họ tưởng có thể thuê được với giá rẻ. Cứ coi điều đó là đương nhiên đi. Và họ cũng nghĩ, một kẻ hạng xoàng như tôi thì nhất định sẽ ngoan ngoãn đưa phần quảng cáo của nhà tài trợ vào tranh theo đúng yêu cầu.

Tất nhiên, xét theo một nghĩa nào đó, yêu cầu này là không thể tránh khỏi. Cách làm linh động như thế luôn đầy rẫy trong từng ngóc ngách của xã hội này. Từ ngân hàng cho tới nước xốt ponzu… tất nhiên đây chỉ là ví dụ, nhưng ta có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu những quyền lợi nhỏ nhặt mà thiên hạ luôn theo đuổi một cách mơ hồ như vậy. Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp, vì những quyền lợi nhỏ nhặt mà bất chấp ranh giới, người ta sẵn sàng về hùa với phe kia, khéo léo dằn kín chính kiến của mình, sau đó chẳng bao giờ gánh trách nhiệm mà vo thành một mớ bùng nhùng bỏ đấy cho bạn cùng thuyền, mọi ranh giới càng lúc càng trở nên mơ hồ, rồi không hiểu sao tất cả lại bị nhốt vào một cái khuôn chật cứng.

Nhưng, tôi đã chán ngấy tất cả những sự lửng lơ kiểu ấy.

Tôi muốn vừa được sảng khoái chơi đùa cùng thế giới xung quanh vừa vẽ nên một cái gì khả dĩ chấp nhận, và muốn được bay bổng đôi chút, thế mà lại rơi vào cảm giác chán chường.

Giả sử tôi là Sayuri, một khi đã yêu quý lớp học vỡ lòng hơn hết thảy và đứng trong tổ chức, chắc chắn sẽ có vô vàn cách thức giải quyết, tôi sẽ chọn lấy cách tốt nhất cho tất cả các bên.

Tuy nhiên, nếu bây giờ tôi nghe theo những lời bùi tai, thì ý nghĩa nghề nghiệp của tôi sẽ khác đi. Hoặc nếu tôi là một du khách ngang qua, nhìn thấy tranh tường vẽ hình quảng cáo, hẳn tôi sẽ nghĩ: “Cái gì mà kệch cỡm thế này.” Tiếp theo, tôi sẽ nghĩ, một công ty bỏ ra vỏn vẹn năm trăm ngàn yên mà cứ khăng khăng đòi ghi tên mình vào thì công ty đó liệu có ra gì?

Năm trăm ngàn yên là số tiền lớn đối với tôi, nhưng không phải vì thế mà tôi sẵn sàng làm mọi thứ. Nhất là khi vì nó tôi phải thay đổi cả nghề nghiệp của mình, thì cuộc đời tôi từ nay về sau sẽ biến thành dị dạng, mềm nhũn không ra hình thù gì nữa.

Nghĩ đến đây, tôi chợt nhớ lại câu chuyện về một nhà điêu khắc mà tôi kính trọng.

Khi được yêu cầu dựng tượng cho quảng trường của một thành phố, ông đã đề xuất làm tượng người Di-gan bởi nơi đó vốn là khu rừng mà người Di-gan từng sống và có rất nhiều người Di-gan đã chết trong chiến tranh tại đây. Ông luôn canh cánh sự kỳ thị đáng sợ mà người Di-gan phải gánh chịu. Ông cho rằng nơi này phù hợp với họ, những kẻ bị vùi dập bởi sự tăm tối của con người – một sự thật luôn bị giấu nhẹm để rồi chìm dần vào bóng tối. Nhưng ngài thị trưởng và các công dân thành phố nói rằng họ không tán thành việc dựng tượng người Di-gan, những kẻ còn sống sờ sờ ra đấy, làm nghề cướp giật, móc túi khiến du khách khiếp sợ, vậy là câu chuyện mãi dừng lại ở đó.

Tùy từng góc nhìn mà các sự vật sẽ khác nhau theo một cách hết sức bình thường như thế.

Tôi nghĩ, quan trọng nhất không phải là đấu tranh để xóa đi sự khác biệt, mà là thấu hiểu sự khác biệt và lý do tồn tại của những người khác.

Về phần mình, tôi cần phải trau dồi kỹ thuật hơn nữa, bởi thứ xuyên suốt quan điểm của tôi là công việc. Dù tôi nổi tiếng hơn nhiều lần thì sự khác biệt vẫn luôn còn đó, nên về căn bản, sự non kém trong hội họa của tôi chẳng mấy can hệ tới vấn đề.

Nhưng không phải. Tôi cho rằng nếu bản thân đủ tự tin, tôi sẽ dễ dàng vượt qua sự khác biệt hơn. Đấy mới là điều quan trọng.

Thú thực, bản thân tôi cũng không đủ tự tin mà khẳng định rằng người dân thành phố sẽ thấy bức tranh của tôi tuyệt vời hơn cái biểu tượng kỳ quặc kia. Đáng buồn là như vậy. Tôi bỗng cảm thấy đôi chút hổ thẹn khi nghĩ rằng đó chính là vì tôi còn trẻ và chưa chín chắn.

Tôi về nhà sớm, Nakajima đang tra từ điển và học say sưa bên chiếc PowerBook để mở.

“Ô kìa, sao về sớm vậy?” Hắn cất tiếng.

“Tớ mua thức ăn về rồi, tối nay cậu không phải nấu nữa đâu.” Không hẳn là tôi muốn nói thế, nhưng chẳng hiểu sao lại buột ra.

“Vậy à, thế mà tớ đang định hôm nay lại làm cơm tối cho thay đổi không khí.” Nakajima nói. “Thôi thì nhân lúc đi dạo tớ sẽ mua cà phê ở hàng rang xay đem về.”

Đến lúc ấy hắn mới nhìn kỹ mặt tôi.

“Có chuyện gì không hay phải không?”

Tôi gật đầu, thuật lại chuyện hôm nay.

“Ừm, nếu xét về mức độ nổi tiếng cộng với trình độ của Chihiro, và mức độ nhà quê về văn hóa của cái thành phố ấy, thì âu cũng là chuyện thường tình.” Nakajima nói.

“Cậu dám nói toạc ra những chuyện khó nói ấy nhỉ.” Tôi tỏ ra thán phục.

“Bởi vì nếu không nói ra điều mình nghĩ khi cần phải nói cho đàng hoàng, thì chẳng hóa ra là giả dối à?” Nakajima nói.

“Nhưng dù sao, tớ cũng không thể tìm ra cách để vẽ thêm biểu tượng của cái công ty thạch Konjac ấy lên bức tranh của tớ được.”

“Cậu đã xem qua biểu tượng đó chưa?”

“Xem rồi, họ kết hợp các chữ cái một cách kỳ quặc phía trên một cậu bé thạch Konjac, ngớ ngẩn không chịu được.”

“Sao cậu không cho vào một góc nhỏ nào đó?”

“Nếu thế thì đã không sao, nhưng nghe nói điều kiện tiên quyết họ đặt ra là phải thật lớn.”

“Thế thì phải bảo ngay từ đầu chứ nhỉ.”

“Đúng chưa?”

“Mặc dù vẫn còn non nớt và đang trên chặng đường phát triển, nhưng chắc chắn là trong tranh của Chihiro có những tia sáng lấp lánh giống như hạt mầm mà rồi đây sẽ lớn lên thành cái cây to, vấn đề là họ không nhìn ra điều này.”

“Lại một lần nữa nói thẳng ra điều khó nói… Tớ cũng đâu nghĩ rằng tranh của mình có giá trị. Chính vì thế mới chấp nhận vẽ ở một nơi chưa biết chừng sẽ bị phá bỏ chứ.”

“Tớ hiểu, tớ hiểu. Tuy nhiên, sự tự ý thức một cách khiêm tốn như thế và việc người ta cho rằng nó giống với biển quảng cáo là hai chuyện khác nhau.”

“Tớ cũng nghĩ vậy.”

“Nhưng mà nói gì thì nói, đã thuê rồi, người ta bắt tay vào việc rồi, đến giữa chừng lại nhập nhèm về nội dung yêu cầu thì đúng là khó nghĩ thật.”

“Đúng.”

“Sao cậu không bảo họ rằng ‘nếu các ông không chấp nhận để biểu tượng vào một góc nhỏ với tư cách một nhà tài trợ, tôi sẽ từ chối’?”

“Tớ bảo rồi.”

“… Ngoài ra, cậu có người quen nào là giáo sư ở trường Đại học Nghệ thuật, hay nhà phê bình mỹ thuật nổi tiếng không? Một vài mối quan hệ kiểu như vậy.”

“Có.”

“Nên nhờ những người như thế nói giúp. Lấy quyền uy đối chọi với quyền uy. Sau đó, nếu bên báo chí đến phỏng vấn sớm được thì nhờ họ đi cho một bài hàm ý về giá trị nghệ thuật trong tranh của Chihiro, tớ nghĩ như thế sẽ rất có lợi. Chẳng may xảy ra tranh cãi hay kiện tụng thì cũng chẳng sao. Phía Sayuri thế nào thì Sayuri phải tự lo liệu lấy thôi.”

“Theo tớ, những kẻ như bọn mình rốt cuộc chẳng thể đứng ở giữa mãi được. Là những kẻ bên rìa, tớ nghĩ bọn mình đừng nên quá nổi bật. Phần lớn những phán đoán, nhận định đều đối lập với mọi người, thành thử nếu nổi bật nhất định sẽ bị đánh giá xấu. Tuy nhiên, điều gì không thể nhân nhượng thì phải kiên định đến cùng, bằng không bọn mình sẽ chỉ là những kẻ trốn chạy cuộc đời mà thôi.” Nakajima nói.

Tư tưởng của hắn giống với của tôi quá, khiến tôi tưởng như thấy phép mầu trong lúc nghe hắn nói. Nhờ thế mà tâm trạng bức bối “muốn dừng việc vẽ tranh lại và làm cho lũ đó biết tay” trong tôi tự nhiên biến mất. Nó biến mất cũng như có phép mầu.

Giả thử là ngày xưa, hôm nào gặp phải chuyện không vui bên ngoài, được trở về nhà, sờ vào mèo là tôi sẽ lập tức vui vẻ trở lại. Giờ đây tôi cũng có được cảm giác ấy, tựa hồ Nakajima vừa mới trung hòa các độc tố đang cuộn lên trong tôi.

Nếu là mình trước đây, tôi sẽ nín lặng trở về, làm tình với bạn trai để xả hết những bức bối, nhưng thay vì tiết lộ chuyện đã xảy ra thì tôi sẽ chôn chặt chúng trong lòng. Bạn trai trước đây đối với tôi chỉ có tác dụng như vậy mà thôi.

Nhưng Nakajima thì khác, vì hắn là người mà tôi đang nuôi ý định nghiêm túc. Tôi cảm thấy thế.

Đây là lần đầu tôi thực lòng thích một ai đó. Tuy nặng nề nhiêu khê, nhưng sự đền đáp thì lớn lao. Lớn lao vô cùng, khiến tôi cảm thấy như đang nhìn lên bầu trời. Cảm thấy như đang ở trong máy bay mà ngắm biển mây bừng sáng bên ngoài.

Nó quá ư đẹp đẽ, thành ra cũng giống như một nỗi buồn.

Nó thật giống với cái cảm giác khi chợt nhận thức rằng, nếu nhìn đời bằng đôi mắt mở to, ta sẽ thấy thật ra khoảng thời gian mình được sống trên cõi đời này chẳng nhiều nhặn gì.

Tôi còn một việc khác phải làm.

“Bố, con đang ở ga, hôm nay bố có thời gian để gặp con một chút không?”

Tôi ngại gọi tới công ty bố nên gọi vào điện thoại di động của ông từ nhà ga.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.