Hồ

Chương 09



“Sao đột ngột thế?” Bố hỏi.

“Là bởi công việc của con đột nhiên bị ngưng lại.” Tôi đáp. “Không phải vì chuyện này, chắc con khó mà đến gặp bố được.”

Bố nói: “Buổi tối bố có thể tranh thủ ra ngoài một chút, khoảng hai tiếng nữa bố con mình đi ăn tối nhé.”

Chỗ bố tôi đề nghị là một nhà hàng Ý nửa mùa nhất thế gian, tôi rất ngại tới đó vì mỗi lần đến đây ông luôn thể hiện rằng mình là một danh gia trong vùng.

Nhưng không phàn nàn được, mình gọi cho bố quá đường đột, vả lại dù gì thì bố cũng đãi mình, tôi nghĩ.

Dạo này tôi thường hay đem mình ra so sánh với Nakajima và nhận thấy, với hoàn cảnh gia đình mình, tôi chưa bao giờ phải chịu bất kỳ vết thương lòng nào trong quá khứ, có chăng chỉ là do mình tự tạo ra mà thôi. Tôi vẫn luôn tin rằng bản thân mình cũng khá cứng cỏi, vậy mà đứng ở ga tôi vẫn khóc.

Những ngày tháng tôi qua lại nơi đây, hồi mẹ còn sống, dường như vẫn in bóng khắp nơi.

Không khí nhà ga khơi nguồn hồi tưởng, làm tôi như thấy mình đang chạy đến bệnh viện trong niềm hạnh phúc. Hạnh phúc luôn là thứ mà về sau người ta mới nhận ra. Phải chăng là tại những cảm giác của nhục thể như mùi vị hay sự mệt mỏi không tồn tại trong kỉ niệm? Mà chỉ có những điều tốt đẹp chợt bừng lên trước mắt?

Có những đoạn ký ức mà tôi coi là hạnh phúc bỗng ùa về theo một cách không thể ngờ tới.

Lần này là cảm giác khi đặt chân xuống sân ga: sau đây tôi sẽ đi gặp mẹ, ít nhất thì hôm nay mẹ vẫn còn sống, niềm hạnh phúc khi được cảm thấy như thế vừa ùa về.

Và tiếp đến là nỗi buồn của hiện tại. Một cảm giác chống chếnh không chỗ dựa.

Bởi tới ga này, lát nữa tôi sẽ gặp được bố, nhưng không có nghĩa là lại được gặp mẹ như mọi lần.

“Bếp trưởng nhà này từng sống ở Ý bốn năm liền đấy con ạ! Này cậu, khi nào bếp trưởng Sugiyama rảnh tay thì nhắn cậu ấy ra đây một chút được không? Tôi muốn giới thiệu cậu ấy với con gái tôi.”

Biết ngay bố sẽ nói thế mà. Tôi nghĩ thầm trong bụng: chuyện này mình đã từng nghe rồi, mà đang đông khách thế này làm sao có lúc nào rảnh tay được chứ, nhưng chỉ im lặng.

Cuối cùng, có một người đội mũ cao bước tới, chuyện trò với bố một chập, rồi quay sang chào cả tôi nữa, nên tôi mỉm cười.

Nghĩ đến việc sắp rời xa Nhật Bản và không được gặp bố trong một thời gian dài, tôi cảm thấy chuyện khoe khoang nào của bố cũng thành ra đáng yêu.

Sau đó, đồ ăn liên tiếp được bưng ra: món pasta đầy ắp, chắc chắn đã bị luộc quá tay, mặc dầu bếp trưởng từng ở Ý bốn năm, rồi đến món chính chỉ được có tí tẹo. Hẳn là để phù hợp với thị hiếu của các vị khách nhà quê nên mới bất đắc dĩ thành ra thế này, tôi tự nhủ. Hồi đại học, tôi biết mấy lưu học sinh người Ý và từng đôi lần du lịch bụi tới thăm quê họ. Tất nhiên, ở Ý không có những nhà hàng nửa mùa thế này.

Trong lúc bồi hồi nhớ lại chuyện ấy, cái cảm giác “ôi, vậy là mình sắp được sang châu Âu rồi” càng lúc càng mãnh liệt. Tôi đi cũng là vì chính bản thân mình. Tôi nói với bố: “Bố này, sang năm con định sang Paris du học.”

“Bạn trai cũng cùng đi chứ?”

Câu hỏi tức thì của bố khiến tôi bất ngờ.

“Sao bố lại nghĩ vậy?” Tôi hỏi.

Bố đáp: “Vì vẻ mặt con lạ lắm, trông như sắp có mang vậy.”

“Thật vậy sao?”

Tôi khẽ cười. Có lẽ tôi đang phấn khích hơn mình tưởng.

“Nhưng cũng tốt chứ sao? Chỉ cần con hào hứng là tốt rồi. Trước khi đi, nhớ đưa thằng ấy đến chỗ bố.”

“Vâng, khi nào có thể. Nhưng bố phải đợi ít lâu đã.” Tôi đáp.

Tôi không thể đưa một người khác thường như thế về gặp gia đình.

“Thằng ấy nó làm gì? Đừng bảo nó muốn trở thành họa sĩ đấy nhé.” Bố nói.

“Không đâu ạ.” Tôi nói.

“Nó kém tuổi con hả? Đang là sinh viên?”Bố hỏi.

Bố nói nhiều chỗ trúng phóc khiến tôi thầm thán phục: cha mẹ quả là đáng gờm.

“Cậu ấy theo ngành y khoa. Bằng tuổi con nhưng đang học cao học. Cậu ấy bảo khi nào xong chương trình tiến sĩ sẽ sang bến đó, vào một viện nghiên cứu theo chế độ học bổng.”

“Hóa ra là vì đàn ông, chả hay hớm gì, bố nói thật đấy, chả hay hớm gì.” Bố thực sự có vẻ không vui.

“Bố không đàng hoàng, dám đánh bẫy con nhé.” Tôi cười.

“Thôi được rồi, vậy khi nào con chọn được trường mỹ thuật bên kia thì gửi cho bố bảng kê chi tiết số tiền cần dùng. Ngoài ra, phải hứa là sẽ thỉnh thoảng về nước để cho bố được nhìn thấy mặt con.”

“Bố không cần cho con nhiều thế đâu, vì con vẫn còn tiền của mẹ.” Tôi nói. “Vả lại, dù bố không cho con tiền, con vẫn về gặp bố mà. Bố cũng sang Paris chơi một chuyến đi. Nhưng thật lòng mà nói, con chỉ muốn gặp riêng bố thôi. Còn những người xung quanh bố, con chẳng muốn gặp chút nào.”

“Bố cũng không muốn con phải cảm thấy khó chịu khi gặp cô con hay những người trong họ.” Bố nói. “Khi nào bố chuyển tiền thì đừng gửi trả lại đấy nhé. Thêm nữa, nếu có chuyện gì thì nhất định phải cho bố biết. Nhớ đấy, ví như khi đổ bệnh, mang thai, chia tay bạn trai và sống một mình, hay thôi học chẳng hạn. Còn một điều nữa, hễ có dịp thì nhớ thu xếp cho bố gặp thằng đấy, lúc nào cũng được.”

“Vâng.” Tôi vừa ăn món pasta đã trương vừa thầm cảm ơn bố.

Mối quan hệ của cha con tôi lại ghi thêm một dấu mốc.

Con người ta dù không có ý định làm người lớn, nhưng khi bị xô đẩy và phải lựa chọn, tự nhiên người ta sẽ trưởng thành. Tôi cho rằng lựa chọn là quan trọng.

Đứng cạnh bố, tôi bỗng nhận ra: không biết tự lúc nào, từ ông đã toát ra dáng vẻ của một người già, chứ không còn ở độ tuổi trung niên nữa.

Sống xa nhau là như thế đấy.

Suốt cuộc đời này, có lẽ chúng tôi sẽ chẳng bao giờ còn sống chung dưới một mái nhà. Nghĩ đến đó, tôi chợt thấy chuỗi ngày tháng vô nghĩa đã trở thành những kỉ niệm không thể đánh đổi. Tôi tình cờ gặp lại những ngày tháng mà tôi đã bỏ lại đằng sau. Ở đó, bố nằm lẫn giữa những màu sắc giống nhau đến mức không sao phân biệt nổi trong cuộc sống của tôi.

Nhưng đời người là không thể ngờ. Biết đâu công việc của bố thất bại, phá sản, mọi người ở phố thị này sẽ ruồng bỏ bố, khi ấy rất có thể bố sẽ về sống gần tôi. Tôi bất ngờ trở thành một kẻ cực kỳ giàu có và thuê cho bố một căn hộ. Mặc dầu biết là không tưởng, nhưng sự không tưởng ấy ít nhiều xoa dịu lòng ghen ghét trong tôi.

Lòng ghen ghét vì bị phố thị này giành mất bố ngay sau khi mẹ qua đời.

Đứa trẻ bên trong tôi đang khóc. Sau khi mẹ mất đi, sao bố không sống với con như một người bố, chỉ là một người bố thôi? Sao bố vẫn cứ làm bộ mặt tỉnh bơ tiếp tục điều hành cái công ty ấy và sống cùng những người họ hàng? Thời gian của gia đình chúng ta rốt cuộc là cái gì? Nó chẳng qua chỉ là một “trò chơi đồ hàng” thôi ư?

Nhưng con người trưởng thành bên trong tôi lại thèm khát tự do, nên sợ rằng bố sẽ cứ ở rịt bên mình.

Bởi thế mà, từng chút một, cả hai chúng tôi đều mong được sống cùng nhau, nhưng cả hai đều tuyệt đối im lặng, giống như đôi trai gái đang che giấu tình yêu.

Hóa ra có một thứ tình yêu như thế, tôi nghĩ.

Thứ tình yêu không chỉ là lo lắng cho nhau, ôm nhau vào lòng, muốn được ở cùng nhau, mà là thứ tình yêu chính vì phải cố kìm nén thật chặt ở trong lòng nên mới cảm nhận được một cách tuyệt đối đến vậy. Là thứ tình cảm thực sự đằng sau những giăm bông và tiền mặt.

Chẳng gì đáng quý bằng sự nhạy cảm để nhìn thấu được điều đó.

Phương pháp thương lượng có vẻ hiệu quả, nhờ đó mà mọi việc tiến triển thuận lợi.

Tôi đã kịp trả lời một bài phỏng vấn ngay trước khi tờ tạp chí lên khuôn. Thời điểm vừa khéo, trong lúc tôi vẽ tranh, có người đọc được bài phỏng vấn đã tìm đến xem. Người dân thành phố khi thấy bài phỏng vấn cũng bắt đầu nghĩ rằng, đã được đăng lên tạp chí thì chắc chắn phải có giá trị gì đó trong cái bức tranh như của trẻ con vẽ bậy kia.

Bức thư tôi viết bằng lời lẽ nghiêm túc cùng với lá thư giới thiệu của vị giáo sư trường đại học đã tới tay ông giám đốc công ty thạch Konjac, ông giám đốc liền đến tận nơi xem xét và vô cùng hài lòng trước sự rộn ràng ở đây nên đã kết luận rằng: bỏ bức tranh này đi thì phí quá, chỉ cần cho biểu tượng vào một góc là đủ rồi. Thật may mắn vì đó là một người đàn ông trung niên vóc dáng phương phi, tốt bụng và giống như viên thạch Konjac. Rồi ông ta bảo, khi nào xong sẽ có báo địa phương và đài truyền hình cáp tới lấy tin, lúc ấy tôi muốn cô nhắc đến tên công ty tôi.

Vâng, điều gì tôi cũng có thể miễn là bức tranh được cứu vãn. Với tâm trạng như vậy, tất nhiên là tôi mỉm cười và nhận lời. Sayuri, sau toàn bộ những lần thương lượng và điều phối kế hoạch đã trở nên thông thạo nghề quản lý, bảo tôi rằng: nếu mất việc tớ sẽ làm bầu sô cho cậu.

“Cảm ơn cậu, Nakajima. Bức tranh dự kiến sẽ hoàn thành suôn sẻ. Mọi việc đang tiến triển rất tốt.”

Tôi nói lời cảm ơn hắn trong lúc ăn phần cơm thịt lợn rang gừng ở một quán cơm suất gần nhà.

“Vậy à, quả nhiên là những kẻ lẫn lộn giữa biển quảng cáo và tranh tường không thể không nao núng trước một người nổi tiếng do được giới truyền thông lăng xê.”

Nakajima lại nói huỵch toẹt lần nữa.

Tôi có cảm giác cái kiểu thẳng tuột này phần nào rất giống với Chii.

“Chuyện đấy thì ở nước nào cũng thế cả thôi.”

“Đối thủ của cậu mà là những người thường ngày vẫn chiêm ngưỡng các công trình lịch sử, hoặc những bức tranh tuyệt đỉnh vẽ trên trần nhà thờ thì sẽ khác đấy. Tớ thì mù tịt về mỹ thuật, nên hoàn toàn không hiểu mức độ nghệ thuật của những tác phẩm ấy, nhưng sang tới nơi tớ nhất định sẽ đi xem thật nhiều.” Nakajima trả lời tôi trong lúc ăn phần cơm cá thu kho. “Tớ có cảm giác ngay cả quan điểm nghiên cứu bên ấy cũng rất khác biệt, nên đã bắt đầu hồi hộp từ bây giờ rồi. Chắc sẽ có vô vàn những điều mà mình không thể nào bì được.”

“Tớ cũng vậy. Nếu sang đó, tớ sẽ được thoải mái chiêm ngưỡng, vào bất cứ thời gian nào mình thích, những bức tranh mà phải xếp hàng dài trước cửa Bảo tàng Mỹ thuật Ueno chỉ để nhìn lướt qua trong năm mươi giây. Cậu thử tưởng tượng số lượng tranh mà xem, hoàn toàn khác nhau. Hơn nữa, tớ còn có thể thỏa sức đến thăm thú và học hỏi về tranh tường trong nhà thờ. Vì tớ thích nhất là dòng tranh tường affresco.” Tôi nói. “Nếu có cơ hội, tớ muốn học thêm về phục chế tranh. Có biết bao nhiêu việc muốn làm. Tất cả đều là những cái tớ sẽ học từ bây giờ. Chỉ từ sau khi quen biết với Nakajima, tớ mới nhận ra rằng mình muốn học nhiều hơn nữa về những thứ mình quan tâm.”

Quán cơm chật kín sinh viên và những người đàn ông độc thân, ti vi đang phát một trận bóng chày. Tiếng gọi món vang lên không ngớt khiến các nhân viên trong quán tất bật chạy tới chạy lui. Rất hiếm khi ăn quán nên toàn bộ những cảnh tượng ấy đều mới mẻ trong mắt tôi. Tựa như con chuột chũi mới từ trong hang chui ra, mọi thứ đều sáng chói.

Hôm nay, để bày tỏ lòng biết ơn, tôi đã có một quyết định hiếm hoi là ra ngoài ăn tối, tôi khao hắn. Thỉnh thoảng như thế này thì cũng tốt, Nakajima bảo, rồi miễn cưỡng đi theo tôi.

Lâu rồi tôi mới đi ăn ở một quán cơm suất gần nhà, chuyện chỉ đơn giản vậy thôi chứ có gì đâu. Mọi thứ diễn ra trước mắt vốn chỉ là quang cảnh tẻ nhạt thường ngày hồi tôi sống một mình, nhưng mỗi cách nghĩ của Nakajima lại đưa tôi đến với một vũ trụ khác, khiến cho lớp vỏ ngoài thường nhật dần tan chảy, để lộ ra một chiều không gian chưa từng hay biết.

“Điều tớ lo nhất là Chihiro sẽ ngày một nổi tiếng ở Nhật Bản, nhận được nhiều công việc hơn, rồi thì cậu chẳng còn muốn đi Paris nữa.” Nakajima vừa nói vừa nhìn xuống, tỉ mẩn ăn từng con hến trong bát xúp miso.

“Tất nhiên, nếu có việc làm, tớ sẵn sàng đi đến bất cứ đâu trên đất nước này, với mọi khả năng có thể. Và cũng kiếm tiền bằng mọi khả năng có thể.” Tôi nói. “Thế nhưng tớ sẽ đi Paris. Bởi lẽ cuộc sống với Nakajima là quan trọng, vả lại khi tuổi trẻ không còn nhiều, tớ muốn bị hạ gục bởi một cái gì đó lớn lao. Từ đó hoàn thiện bản thân mình.”

“Thế thì tốt rồi.” Nakajima nói.

Có thể trong lòng thực sự thấy vui sướng, nhưng không để lộ cảm xúc ra ngoài cũng là một đặc trưng của hắn.

Thật giống như màn đối thoại của một cặp vợ chồng, tôi nghĩ.

Giả làm vợ chồng, giả làm cha con, giả làm một thành viên của xã hội, mọi thứ đối với tôi thảy đều là một trò chơi bắt chước. Nhưng tôi buộc phải làm vậy để phù hợp với hoàn cảnh sống, chứ không phải tôi vô tâm.

Lịch trình hơi thúc bách nên có mấy bận tôi phải ở lại đến nửa đêm, tuy nhiên bức tranh cuối cùng cũng hoàn tất. Xong xuôi tôi chụp ảnh lưu niệm với Sayuri và người chủ của lớp vỡ lòng, trả lời phỏng vấn báo địa phương, cố ý nhắc đến tên ông giám đốc công ty thạch Konjac và nói lời cảm ơn trước máy quay truyền hình như đã hứa, đứng trước bức tranh chụp ảnh chung với lũ trẻ mà tôi đã trở nên thân thiết như vừa cùng nhau đi cắm trại về, và cuối cùng để chia tay, tôi được chiêu đãi món thịt nướng.

Đúng nửa đêm cái hôm kết thúc tất cả những công đoạn ấy, tôi trèo qua cổng, một mình kín đáo đi vào trong, đứng đối diện bức tranh.

Trông bức tranh thật tuyệt với, phải chăng do cảm giác được ngắm nó ngay khi vừa vẽ xong. Đây là cái khá nhất trong số các tác phẩm của tôi từ trước tới nay. Mặc dù vào lúc này chẳng ai nhìn đến, nhưng nom nó thật kiêu hãnh, uy nghi chẳng thua gì bóng tối.

Cuối cùng, một cảm giác tự tin yếu ớt cũng đã cắm neo chắc chắn ở nơi sâu nhất trong ngực tôi.

Tôi nghĩ, vậy là mình đã có thể bỏ lại nơi này.

Lũ khỉ trong bức tranh nhảy nhót khắp nơi như tiếc thời gian trôi. Màu sắc tạo thành những vụ nổ nhỏ liên tiếp và tuôn ra như một chiếc cầu vồng. Lúc nhìn đến con khỉ uống hồng trà và con khỉ nằm trên giường, trong tôi chợt lóe lên một ý nghĩ.

Phải rồi, tôi sẽ thử một mình tới gặp anh em nhà Mino.

Tôi sẽ đem theo tấm hình chụp bức tranh này cho họ xem, nhân tiện hỏi cô em mấy chuyện.

Nhưng mình phải đi chuyến nào, chuyến tàu ra sao, cái hồ đó là hồ gì? Nghĩ đến đây, tôi chợt nhớ lại lời Yotchan: “Những bóng ma.”

Và tôi bỗng nghĩ.

Hay là nơi ấy không có thật, mà chỉ tồn tại trong trí óc Nakajima. Biết đâu những con người đó đã không còn trên thế giới này? Phải chăng Yotchan nói đúng?

Tôi rùng mình. Bởi điều này logic hơn nhiều so với việc cho rằng nơi đó có thật trên đời.

Vì là kẻ rất thực tế, đáng lẽ tôi không bao giờ có những ý nghĩ kiểu này, vậy mà… tại sao cách lập luận ấy lại ăn khớp với hoàn cảnh một cách kỳ lạ, khiến cho tôi không sao rũ bỏ được cảm giác lạc lối trong màn sương ký ức của chính mình. Ở Nakajima, có một sức mạnh khiến cho mọi thứ không còn là những gì có thật mà trở nên mơ hồ tới độ không sao phân biệt nổi đâu là những đoạn ký ức có được từ trải nghiệm của chính cơ thể mình, và đâu thì không phải. Tôi cảm thấy ngay bản thân sự tồn tại của Nakajima cũng hoàn toàn không phải để nhằm tới một nơi tươi sáng.

Về phần mình, tôi luôn thấy dễ chịu khi ở bên hắn và ít nhiều mang lòng yêu hắn, nên thường không để ý đến điều đó, nhưng lúc này thì tôi không thể không bận tâm dù chỉ chút ít tới cơn rùng mình mà thi thoảng tôi vẫn cảm thấy kia.

Tôi nghĩ rằng, cảm giác này thật ra lúc nào cũng tồn tại khi người ta thực sự yêu nhau.

Chỉ là bởi chúng ta đang ra sức khỏa lấp để đừng cảm thấy mà thôi, chứ chắc chắn nó vẫn luôn ở đó.

Một nỗi cô độc đặc trưng như thể đang nhìn xoáy vào bóng đen thăm thẳm này.

Đương nhiên thôi, bởi vũ trụ tiếp nối với nhau mà.

Chẳng hạn như hồi còn nhỏ, tôi đã chứng kiến vô số những thứ mà người ta nôn ọe ra, đã quen mắt với những chiếc áo ngực thít chặt lấy tảng thịt lưng của các bà mợ đã say bí tỉ, đã dạn dĩ với ánh mắt hau háu nhìn như muốn liếm láp khắp cơ thể thơ ấu của mình từ các chú già. Thế rồi, tôi tưởng tượng ra rằng sẽ còn những chuyện kinh khủng hơn nữa ở phía trước, chẳng hạn một thế giới nơi việc giết người đã thành chuyện bình thường… Đấy không phải thế giới của tôi, cũng không phải thế giới của cha mẹ tôi, nhưng tôi hiểu rằng, nếu lột lớp vỏ ở bất cứ chỗ nào, con đường dẫn tới thế giới ấy sẽ hiện ra ở chỗ đấy.

Ai cũng hiểu rõ sự nặng nề tiềm ẩn ấy, nhưng ai cũng giả đò như không biết để mà sống. Hằng ngày, người ta chỉ nhìn thấy những gì mình muốn thấy.

Tuy nhiên, đôi khi có một thực thể, giống như Nakajima, sẽ khiến người ta nhớ ra tổng thể. Mặc dù chẳng phải do bản thân hắn nói ra, nhưng khi nhìn hắn, người ta như đang được quan sát kích cỡ tổng thể của cả cõi đời này. Bởi vì hắn không chịu sống trong sự nhỏ hẹp mang tính bộ phận. Và bởi hắn không chịu rời mắt khỏi bất cứ điều gì.

Lúc nào tôi cũng muốn được nhìn sang hắn với tâm trạng như vừa tỉnh giấc. Tôi nghĩ chính là nhờ điều này. Tôi cảm thấy một nỗi nể sợ trước sự sâu sắc đáng gờm của hắn.

Vào một buổi sáng sau đó ít hôm, tôi một mình đi đến thị trấn ấy.

Xuống tàu một mình, tôi cảm thấy nhà ga càng thêm hiu hắt. Xem ra chỉ có duy nhất tòa nhà siêu thị đèn đuốc sáng trưng là còn sức sống ở thị trấn vào buổi chiều này. Những bậc cao niên, và các bà nội trợ với vẻ bề ngoài già hơn tuổi như đang bị hút vào nơi đó.

Đi bộ một mạch trên con đường độc đạo trước ga, tôi tìm thấy lối tắt xuyên ra hồ. Trong gió có lẫn mùi của nước. Đi qua một nhà thuyền nhỏ, một cửa hàng đồ câu cũ kỹ và một quán cơm suất đang đóng cửa, tôi ra tới bờ hồ.

Tôi bỗng run lên khi nghĩ đến sự nâng niu Nakajima dành cho mình, điều mà tôi càng lúc càng nhận rõ khi thiếu vắng hắn.

Lần trước khi hai đứa cùng thả bộ qua nơi này, mặt hồ nhìn lấp lánh và đẹp hơn. Tôi đang yêu mất rồi. Chắc là thế.

Lúc này mặt hồ tĩnh lặng như bị bỏ lại phía sau sự vận hành của thế giới. Sương chưa xuống, ánh nắng chiếu lên những cành cây trần trụi đến nhức mắt.

Tôi nhằm cổng torii màu đỏ đi tới. Bước chân chấp chới như đi trong mơ. Tôi tự hỏi: Tới nơi rồi mới phát hiện ra là một ngôi nhà hoang đã hơn trăm năm không có người ở thì biết làm thế nào? Tôi nghĩ khả năng này là hoàn toàn có thể.

Nhưng khi ngôi nhà nhỏ hiện ra trước mắt, tôi liền thở phào, tiếp đến là giật thót.

Mino đang đứng trước cửa vẫy tay với tôi. Tôi chạy lại.

“Sao anh lại ở đây?” Tôi hỏi.

“Chii bảo tôi Chihiro đến một mình, nên tôi ra cửa đợi.” Mino đáp.

“Trời ơi, làm sao biết tôi sẽ đến. Anh lại còn tin vào điều đó và đứng đợi tôi như một chú chó thế này.”

Tôi nói, rồi tự nhiên đưa tay xoa đầu Mino. Cậu ta có đôi mắt đen tròn như một chú chó, đã thế lại còn đứng thu lu trước cửa khiến tôi không thể cầm lòng.

“Tôi đâu phải chó nào.” Mino cười. “Mời cô lên nhà. Tôi đi pha trà bây giờ.”

Tôi cũng cười và nối gót theo sau.

Và thấy nhẹ nhõm từ tận đáy lòng. Bởi họ đang thực sự tồn tại, chứ không phải một giấc mơ.

Nói đúng hơn là chính bầu không khí dị thường của Nakajima đã tạo cho nơi này một vẻ huyền ảo.

Không gian bên trong ngôi nhà vẫn chỉn chu, ngăn nắp y như lần trước, nhưng lần này tôi thấy dễ gần hơn. Không hiểu sao nhưng tôi thường cảm thấy thế mỗi khi đến thăm lại một nơi nào đó, và lần này cũng đúng là cái cảm giác ấy. Tôi thấy yên tâm khi ở đây. Thậm chí còn biết rõ lối bài trí trong ngôi nhà này.

Tôi chăm chú quan sát cách đun nước, pha trà của Mino. Chẳng có gì đặc biệt, song động tác vô cùng nhuần nhuyễn. Cử chỉ khoan thai mà không trễ nải. Tôi có cảm giác mình đang chứng kiến một ngón nghề điêu luyện trong trà đạo vậy.

“Có định bắt chước kỹ thuật của tôi cũng vô ích thôi. Bởi lẽ điều quan trọng nằm ở nguồn nước.” Mino cười.

“Hay là tôi múc một ít mang về nhỉ?”

“Vậy lát nữa tôi sẽ chỉ cho cô.” Mino nói.

Thứ hồng trà được pha từ những lá trà vương mùi oi khói ngon đến tỉnh người. Có vị ngọt, và sau rốt bỗng bừng lên một mùi như hương trái cây.

“Ngon quá…” Tôi thành thật khen.

“Kể cũng lạ.” Mino nói. “Thường thì tôi rất ít khi ra ngoài, hầu hết những món cần mua như sách hay trà tôi đều đặt qua mạng, địa điểm duy nhất mà tôi đích thân đặt chân đến là siêu thị trước cửa ga. Tôi tuyệt nhiên không có ý định gặp ai, nhưng khi được người khác khen ngợi như thế này, không hiểu sao tôi lại thấy sung sướng.”

“Bởi vì lời khen là của một người biết cảm nhận vị trà chứ còn sao nữa?” Tôi nói.

“Có khi là như vậy thật.” Mino đáp.

Nhưng, tôi phần nào hiểu được lý do.

Ví như tôi không phải bạn Nakajima mà là một du khách tình cờ bắt gặp trên đường, hoặc một người tới đây thăm thú rồi lạc bước vào ngôi nhà xác xơ này, thì chắc chắn Mino đã không mở lòng với tôi ngay từ đầu. Và cũng không bao giờ có cảnh chuyện trò thân mật như thế.

Đó là điểm rất giống nhau giữa Nakajima vàMino.

Tôi hoàn toàn không thấy ở họ sự đại khái như vẫn thấy ở những người bình thường. Tuyệt nhiên không bao giờ có cái lối kiểu như: Trước mặt mình đang có người khác, thôi thì cứ phiên phiến, làm sao cho dễ coi chút là được rồi.

Tính cách ấy của hai người, ở một góc độ nào đó rất có thể là một điều bất hạnh, nhưng lại khiến tôi thấy nhẹ lòng. Vì tôi nghĩ như thế mới là bình thường.

Trong hầu hết các trường hợp, mối quan hệ giữa con người với con người chỉ bắt đầu khi người ta đã biết chắc về bối cảnh quen biết và đối phương là người như thế nào. Nhưng tôi có cảm giác quá trình này đã bị đảo lộn ở trường hợp của Nakajima và Mino.

Ví dụ như lũ trẻ, chúng thẳng thắn nhưng rất thận trọng nên tuyệt đối không bao giờ đến ngồi bên cạnh tôi và hỏi han ngay trong ngày đầu tiên. Thường thì phải mất hàng tuần liền để chúng có thể đặt ra những câu hỏi dai như đỉa hoặc tỏ ra hào hứng.

Còn với tôi, một kẻ rõ ràng là có kinh nghiệm sống nhiều hơn chúng, thì luôn suy nghĩ trong lúc vẽ tranh rằng: Đằng nào thì cuối cùng chúng ta cũng trở nên thân thiết, vả lại tranh vẽ xong rồi cô sẽ không còn ở đây nữa đâu, vì thế hãy mau đến đây đi nào.

Song chỉ với những điều kiện như vậy thì chưa thể ngay lập tức lấp đầy khoảng cách giữa con người với con người. Vì thế, lũ trẻ mới là đúng đắn.

Ở Mino luôn có sự tiết độ, khiến tôi thấy yên tâm khi có thể kết thân một cách từ từ giống như với lũ trẻ.

Đối với con người, không chỉ có khoảng cách của ngôn ngữ mà còn có khoảng cách của cơ thể. Có một quá trình tích lũy các khoảnh khắc cho việc xác nhận như nhìn vào mắt, ngửi mùi, uống hồng trà. Sau đó còn có một thứ được gọi là duyên. Giả sử Nakajima định rút ngắn khoảng cách với tôi sớm hơn hai tuần, chắc là tôi đã ghét hắn. Chắc là tôi đã không khóc trước cảnh tượng xót xa của cái vỉ nướng bánh dầy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.