Hoa trên mộ Algernon

Chương 04



7 tháng Tư – Tui dùng dấu phẩy không đúng cách. Nó là dấu câu. Cô Kinnian bảo tui tìm những câu dài chong từ điển để học cách phát âm. Tui nói có dì khác đâu nếu vẫn đọc được. Cô bảo điều này nằm chong chương chình học của anh vì vậy từ dờ chở đi tui xẽ phải tìm tất cả những từ mà tôi không chắc chắn về cách phát âm. Viết thế này mất thời dan nhưng tui ngĩ tui đang càng ngày càng nhớ được nhiều hơn.

Dù xao thì đây cũng là lý do tui viết đúng từ dấu câu. Chong từ điển cũng viết vậy. Cô Kinnian bảo dấu chấm cũng là dấu câu, và còn dất nhiều dấu khác để mà học. Tui bảo cô tui nghĩ dằng í cô định nói là tất cả các dấu chấm đều phải có đuôi và phải được gọi là dấu phẩy. Nhưng cô bảo không phải.

Cô bảo; Anh, phải. dùng-lẫn?các dấu!với nhau: Cô chỉ? cho tui” cách, dùng lẫn! nhau, và dờ thì! tui đã biết. cách dùng (lẫn các loại? dấu câu- chong, bài viết. của mình! Cần phải” học? dất nhiều, qui luật: nhưng. tui’ đang dần’ gi nhớ hết chong đầu:

CÓ một điều? tui, thích ở, Cô Kinnian thân mến: (chong thư từ, kinh doanh; viết ~ đúng? như vậy (dả xử như tôi có làm! kinh doanh?) là, cô: luôn luôn; dải thích” cho tui’ mỗi khi–tui hỏi. Cô” thật thiên tài. Tui ước dì? tui cũng được’ thông minh- như-cô;

Dấu câu, thật là? hay! 

8 tháng Tư – Tôi dúng là một thằng đần! Thậm chí tôi chẳng hiểu lời cô nói nữa. Đêm qua tôi đã đọc sách ngữ pháp và trong đó giải thích rất rõ ràng. Và tôi thấy nó cũng giống như những gì cô Kinnian cố gắng chỉ bảo cho tôi, nhưng tôi đã không hiểu chút gì. Tôi tỉnh dậy giữa đêm và mọi thứ trải ra trước mắt tôi.

Cô Kinnian bảo rằng việc sử dụng cái tivi, ngay trước khi tôi ngủ và suốt cả đêm, sẽ rất có hiệu quả. Cô bảo tôi đã đặt chân được tới một cao nguyên. Nó giống như phần đỉnh bằng phẳng ở trên núi.

Sau khi tìm hiểu xong chức năng dấu câu, tôi đọc lại từ đầu tất cả các báo cáo tiến bộ trước đây. Trời đất ơi, cách phát âm thật khủng khiếp! Tôi bảo cô Kinnian là tôi phải giở lại từng trang và sửa hết các lỗi, nhưng cô bảo: “Không được, Charlie à, giáo sư Nemur muốn để nguyên lại như thế. Đấy là lý do tại sao ông lại để cho anh giữ lại sau khi họ đã photocopy chúng – để thấy được bản thân anh tiến bộ thế nào. Anh tiến bộ rất nhanh, Charlie a.”

Điều này làm tôi thấy vui. Sau buổi học, tôi đi xuống chơi với Algernon. Chúng tôi không còn đua với nhau nữa.

10 tháng Tư – Tôi thấy mệt. Không phải là bị bệnh, mà tôi thấy trống rỗng trong lồng ngực, giống như vừa bị đấm vừa bị ợ nóng cùng một lúc.

Tôi không định viết về điều này, nhưng tôi nghĩ là cần phải viết, bởi vì nó rất quan trọng. Hôm nay là ngày đầu tiên tôi cố tình nghỉ việc ở nhà.

Đêm qua Joe Carp và Frank Reilly mời tôi đi dự tiệc. Có rất nhiều cô gái đến đó và có cả Ernie nữa. Tôi nhớ lần trước uống nhiều mệt thế nào, vì thế tôi bảo Joe là tôi chẳng muốn uống gì cả. Do đó anh đưa cho tôi cốc coca. Nó có vị là lạ, nhưng tôi nghĩ chẳng ngon lành gì cả.

Chúng tôi vui đùa với nhau một lúc.

Joe nói: “Nhảy với Ellen đi. Cô ấy sẽ dạy anh các bước.” Rồi anh ấy nháy mắt với Ellen cứ như bị cái gì rơi vào mắt.

Cô bảo: “Sao anh không để anh ấy yên chứ?”

Anh vỗ vào lưng tôi. “Đây là Charlie Gordon, bạn anh, chiến hữu của anh. Anh ấy không tầm thường chút nào đâu – anh ấy đã được thăng tiến lên làm việc ở máy nhào bột đấy. Anh chỉ bảo em nhảy với anh ấy cho vui vẻ chút thôi. Như thế thì có gì sai chứ?”

Anh ấy đẩy tôi đến gần cô ấy. Và cô ấy nhảy với tôi. Tôi ngã mất ba lần và tôi không hiểu tại sao chẳng có ai nhảy bên cạnh Ellen và tôi cả. Và tôi cứ vấp suốt vì lúc nào cũng có ai đó thò chân ra.

Mọi người đứng xung quanh thành hình tròn quan sát và cười cách chúng tôi bước chân. Họ càng cười to hơn khi tôi ngã, vì tôi cũng cười theo vì thấy quá buồn cười. Nhưng lần cuối cùng thì tôi cũng không hề cười. Tôi tự đứng dậy và Joe ấn tôi ngồi xuống.

Sau đó tôi thấy cái nhìn trên gương mặt Joe và nó khiến cho tôi cảm giác rất lạ trong lòng.

“Anh tức cười quá”, một cô gái nói. Mọi người phá lên cười.

“Ồ, anh nói đúng Frank à.” Ellen nghẹn lại vì cười. “Anh ta là buổi diễn phụ một người.” Rồi cô nói: “Đây, Charlie, ăn táo đi.” Cô đưa cho tôi một trái táo, nhưng khi tôi cắn vào thì hóa ra đấy là trái táo giả.

Rồi Frank cười phá lên và nói: “Tôi đã bảo cô là hắn sẽ ăn mà. Cô có tưởng tượng được có kẻ ngốc đến mức ăn cả trái táo làm bằng sáp không?”

Joe nói: “Tôi không cười nhiều như thế kể từ hồi chúng ta bảo hắn ra ngoài xem có mưa hay không vào cái đêm chúng ta bỏ rơi hắn ở quán Halloran.”

Lúc đó tôi nhìn thấy hình ảnh mà tôi vẫn còn nhớ từ khi còn bé và lũ trẻ trong khu đã cho tôi chơi cùng, trốn tìm và tôi là NÓ(3). Sau khi tôi đếm đi đếm lại mười đầu ngón tay thì tôi đi tìm các bạn. Tôi cứ tìm mãi cho đến lúc trời lạnh và tối và tôi phải về nhà. Nhưng tôi không bao giờ tìm thấy các bạn và tôi cũng chẳng bao giờ hiểu tại sao.

3. NÓ: Nguyên văn IT đại từ thường không dùng để chỉ người mà để chỉ đồ vật hay con vật.

Những gì Frank nói làm tôi nhớ lại. Điều ấy đã lại xảy ra ở quán Halloran. Và đấy là những gì Joe cùng những người bạn còn lại đang làm. Cười nhạo tôi. Cả lũ trẻ chơi trốn tìm cũng chơi xấu tôi và cười nhạo tôi.

Mặt mọi người trong bữa tiệc đều mờ đi và tất cả đều đang coi thường và cười nhạo tôi.

“Nhìn anh ta kìa. Đỏ mặt rồi kìa.”

“Anh ta ngượng đấy. Charlie đang ngượng kìa.”

“Ellen này, cô làm gì Charlie thế? Từ trước đến giờ chưa bao giờ anh ta như thế đâu.”

“Trời ạ, chắc là Ellen làm anh ta kích thích rồi.”

Tôi không biết phải làm gì hay quay đi đâu. Những cọ xát của cô với tôi làm tôi cảm thấy rất lạ. Mọi người đang cười nhạo tôi và đột nhiên tôi thấy mình trần truồng. Tôi muốn giấu mình đi để mọi người không nhìn thấy được. Tôi chạy ra khỏi căn phòng. Đấy là một căn nhà chung cư rộng có rất nhiều sảnh và tôi không thể nào tìm ra lối cầu thang. Tôi quên béng mất cái cầu thang máy. Rồi mãi sau tôi cũng tìm thấy cầu thang và chạy ra đường phố và đi bộ rất lâu trước khi về phòng mình. Trước đó tôi không hề biết rằng Joe và Frank cũng như những người khác lạ muốn có tôi bên cạnh chỉ để trêu chọc tôi.

Giờ thì tôi đã hiểu ý của mọi người là gì khi nói “làm một Charlie Gordon”.

Tôi thấy xấu hổ.

Và còn một điều này nữa. Tôi đã mơ thấy cô gái Ellen khiêu vũ và cọ xát với tôi và khi tôi tỉnh dậy, khăn trải giường đã ướt nhẹp và nhàu nát.

13 tháng Tư – Vẫn không quay lại làm việc ở tiệm bánh. Tôi nhờ bà Flynn, chủ nhà của tôi, gọi và bảo với ông Donner là tôi ốm. Bà Flynn nhìn tôi cứ như là bà ấy sợ tôi.

Tôi nghĩ cũng tốt nếu biết mọi người cười nhạo mình thế nào. Tôi suy nghĩ về việc này rất nhiều. Đấy là vì tôi quá đần độn và tôi thậm chí không biết khi nào thì mình có những hành động ngớ ngẩn. Mọi người cho như thế là buồn cười khi một người đần độn không thể làm mọi việc như bình thường.

Nhưng dù sao bây giờ tôi cũng đã biết rằng mỗi ngày tôi lại thông minh lên một chút

Tôi biết sử dụng dấu câu, và tôi có thể phát âm tốt. Tôi thích tra những từ khó trong từ điển và tôi nhớ hết. Và tôi cố viết báo cáo tiến bộ thật cẩn thận nhưng việc này khó thật. Bây giờ tôi đọc nhiều sách, và cô Kinnian bảo tôi đọc rất nhanh. Và thậm chí tôi còn hiểu được rất nhiều điều mà tôi đang đọc, và chúng in sâu vào đầu tôi. Có nhiều lần tôi có thể nhắm mắt lại và nghĩ về một trang sách và nó hiện lên rõ như tranh.

Nhưng lọt vào đầu tôi còn có cả những điều khác nữa. Đôi khi tôi nhắm mắt lại và nhìn thấy một hình ảnh rất rõ. Giống như sáng nay ngay khi vừa tỉnh dậy, tôi vẫn nằm trên giường mở to mắt. Giống như một cái lỗ lớn mở ra trên các bức vách tâm trí tôi và tôi chỉ việc bước qua. Tôi nghĩ nó lâu lắm rồi… rất lâu rồi khi tôi vừa mới bắt đầu làm việc tại tiệm bánh Donner. Tôi nhìn thấy con đường chạy qua tiệm bánh. Ban đầu thì nó mờ nhạt và dần xuất hiện thêm nhiều những thứ thật đến mức chúng xuất hiện ngay lúc này trước mặt tôi, còn những thứ khác thì vẫn mờ nhạt, và tôi không chắc lắm…

Một ông già nhỏ bé với chiếc cũi trẻ em sửa thành xe đẩy và cái lò than, và mùi hạt dẻ nướng, và có tuyết phủ trên mặt đất. Một cậu bé gầy gò, có đôi mắt mở to và cái nhìn sợ sệt trên gương mặt đang nhìn vào biển hiệu cửa hàng. Trên đó viết gì? Những ký tự mờ nhạt sắp xếp một cách vô nghĩa. Giờ thì tôi biết tấm biển viết tên TIỆM BÁNH DONNER, nhưng nhìn lại qua ký ức của tôi vào tấm biển thì tôi không thể nào đọc được chữ viết trên đó qua mắt của cậu ta. Không một tấm biển nào có nghĩa cả. Tôi nghĩ cậu bé có cái nhìn sợ sệt trên gương mặt đó chính là tôi.

Những bóng đèn neon sáng rực. Những cây thông Nô en và người bán hàng rong trên vỉa hè. Mọi người co mình trong chiếc áo khoác bẻ cổ dựng đứng và quấn khăn quanh cổ. Nhưng cậu ta không có găng tay. Tay cậu ta lạnh cóng và cậu ta đặt xuống đất một túm nặng những chiếc túi giấy màu nâu. Cậu dừng lại ngắm những món đồ chơi máy bé xíu mà người bán hàng rong lên giây cót – chú gấu đánh trống, chú chó nhảy nhót, chú hải cẩu xoay tròn quả bóng trên mũi. Đánh trống, nhảy nhót, xoay xoay. Nếu được sở hữu toàn bộ số đồ chơi này, cậu sẽ là người hạnh phúc nhất trên thế gian.

Cậu bé muốn xin phép người bán hàng rong có khuôn mặt đỏ bừng, ngón tay thò ra khỏi đôi găng tay bằng vải mầu nâu, được cầm chú gấu đánh trống một phút thôi, nhưng cậu sợ. Cậu nhặt túm túi giấy và đặt lên vai. Tuy gầy nhưng cậu bé rất khỏe mạnh do nhiều năm làm vệc nặng.

“Charlie! Charlie!… đồ đầu đất xấu xa!”

Lũ trẻ vây quanh cậu bé, cười nhạo và trêu chọc cậu như những chú cún con đớp vào chân cậu. Charlie mỉm cười với chúng. Cậu muốn đặt cái túi xuống và chơi với chúng, nhưng vừa nghĩ về điều đó thì da lưng cậu nhói lên và cậu cảm nhận được việc lũ trẻ lớn hơn ném mọi vật vào mình.

Quay lại tiệm bánh, cậu nhìn thấy mấy đứa trẻ đứng trên lối vào một hành lang tối.

“Trông này, Charlie đấy!”

“Này, Charlie. Mày có cái gì đấy? Muốn chơi xúc xắc không?”

Nhưng có cái gì đó ở lối đi – cái hành lang tối, tiếng cười nhạo, lại làm da cậu nhói lên. Cậu cố tìm cách để xem nó là cái gì, nhưng tất cả những gì cậu nhớ là phân và nước đái lũ trẻ bắn khắp quần áo cậu, chú Herman hét lên khi cậu trở về nhà người phủ đầy toàn thứ dơ bẩn, và chú Herman chạy bổ ra ngoài xách búa đi tìm những đứa đối xử với cậu như vậy. Charlie chạy giật lùi thật xa lũ trẻ đang cười nhạo trong hành lang, đánh rơi mấy cái túi. Lại nhặt chúng lên và chạy suốt quãng đường về tiệm bánh.

“Làm cái gì mà lâu thế hả Charlie?” Gimpy quát lên từ cửa dẫn vào sau tiệm bánh.

Charlie đẩy cánh cửa tự động dẫn vào phía sau tiệm bánh và đặt mấy cái túi lên một súc gỗ chèn bánh xe. Cậu ngồi dựa lưng vào tường, thọc tay vào các túi. Cậu chỉ ước sao có một cái xa quay sợi.

Cậu thích ở đằng sau tiệm bánh như thế này, nơi sàn nhà đều phủ một màu trắng của bột mì – trắng hơn các bức tường và trần nhà bám đầy bồ hóng. Đôi đế dày sụ của đôi giày cao mà cậu đang mang bám một lớp màu trắng, và mầu trắng còn hiện diện cả ở các mối chỉ và lỗ xỏ dây, cả dưới móng tay và trong những vết nứt nẻ trên bàn tay cậu.

Cậu nghỉ ngơi ở đây – ngồi xổm dựa lưng vào tường, chiếc mũ bóng chày đội nghiêng có chữ D che trùm lên mắt. Cậu thích cái mùi bột mì, bột ngọt, mùi bánh mì, và mùi thơm khi nướng bánh ngọt, bánh cuộn. Lò nướng reo tí tách và cậu gà gật ngủ.

Ngọt… ấm… ngủ

Đột nhiên, ngã, quay, đầu va vào tường. Có ai đó đá bộp vào chân cậu.

Đấy là tất cả những gì tôi còn nhớ được. Tôi có thể nhìn thấy rất rõ, nhưng tôi không hiểu tại sao điều đó lại xảy ra. Giống hệt như lúc trước tôi đi xem phim. Lúc đầu tôi không thể nào hiểu được bởi vì mọi thứ diễn ra quá nhanh, nhưng sau khi xem lại hình ảnh ba, bốn lần thì tôi hiểu họ nói gì. Tôi phải hỏi bác sĩ Strauss về chuyện này mới được.

14 tháng Tư – Bác sĩ Strass bảo điều quan trọng là phải tiếp tục tìm lại ký ức giống như hôm qua và ghi chép lại. Và rồi khi tới văn phòng của anh, chúng tôi sẽ cùng nhau thảo luận về chúng.

Bác sĩ Strauss là một nhà tâm lý học kiêm giải phẫu thần kinh. Trước đây tôi không hề biết điều đó. Tôi nghĩ anh chỉ là một bác sĩ bình thường thôi. Nhưng sáng nay khi tôi đến văn phòng anh, anh đã nói cho tôi nghe về mức độ quan trọng của viecj tôi phải tự tìm hiểu về bản thân thế nào để có thể nắm bắt được những vấn đề của mình. Tôi nói tôi chả có vấn đề gì cả.

Anh cười vang và sau đó đứng lên khỏi ghế rồi bước tới bên cửa sổ. “Càng trở nên thông minh thì anh càng có nhiều vấn đề, Charlie ạ. Kiến thức của anh đang ngày càng vượt xa cảm xúc của anh. Và tôi nghĩ trong quá trình tiến bộ anh sẽ nhận ra điều đó, sẽ có nhiều điều anh muốn nói với tôi. Tôi chỉ muốn anh nhớ rằng đây là nơi để anh tìm đến mỗi khi cần giúp đỡ.

Tôi vẫn không biết nó là cái gì, nhưng anh bảo dù cho tôi có không hiểu gì về những giấc mơ hay ký ức của mình hay tại sao tôi lại có chúng thì sau này, vào một thời điểm nào đó trong tương lai toàn bộ chúng sẽ liên kết lại với nhau, và tôi sẽ hiểu thêm về bản thân mình. Anh bảo điều quan trọng là phải tìm hiểu xem mọi người trong ký ức của tôi nói gì. Tất cả đều là về tôi khi tôi còn nhỏ và tôi phải nhớ lại xem điều gì đã xảy ra.

Trước đây, tôi chưa bao giờ biết về những chuyện đó. Nó giống như là nếu tôi đủ thông minh thì tôi sẽ hiểu tất cả mọi từ trong đầu mình, và tôi sẽ biết về những thằng bé đứng trong hành lang, về chú Herman, về cha mẹ tôi. Nhưng ý anh là khi đó tôi sẽ cảm thấy buồn về những điều đó, và có thể tôi sẽ thấy mệt trong đầu.

Vì vậy, bây giờ mỗi tuần tôi phải đến văn phòng của anh hai lần để nói về những điều làm tôi bận tâm. Chúng tôi cứ ngồi đó, và tôi nói, bác sĩ Strauss thì lắng nghe. Cách này được gọi là liệu pháp tâm lý, có nghĩa là nói chuyện sẽ làm cho tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Tôi bảo anh một trong những điều làm tôi bận tâm chính là phụ nữ. Giống như việc khiêu vũ với cô Ellen kia làm tôi rất hứng thú. Vì vậy chúng tôi nói về chuyện đó và trong lúc nói tôi có cảm giác rất lạ, lạnh và toát mồ hôi, có cả tiếng vo ve trong đầu và tôi nghĩ tôi sắp sửa nôn ra mất. Có lẽ vì tôi luôn nghĩ rằng nói về chuyện đó thật là bẩn thỉu và xấu xa. Nhưng bác sĩ Strauss nói rằng điều xảy ra với tôi sau bữa tiệc hôm đó chỉ là mộng tinh, hoàn toàn bình thường, con trai đứa nào cũng có.

Như vậy là dù cho tôi đang trở nên thông minh và học được nhiều điều mới lạ, anh vẫn nghĩ rằng tôi chỉ là một cậu bé trong vấn đề phụ nữ. Thật rắc rối, nhưng tôi sẽ tìm hiểu tất cả mọi chuyện về đời mình.

15 tháng Tư – Những ngày này tôi đọc rất nhiều và hầu hết mọi thứ đều in sâu trong đầu tôi. Ngoài lịch sử, địa lý và số học, cô Kinnian còn bảo tôi nên học ngoại ngữ. Giáo sư Nemur đưa cho tôi thêm mấy cuốn băng để mở trong lúc tôi ngủ. Tôi vẫn không hiểu tiềm thức với ý thức hoạt động thế nào, nhưng bác sĩ Strauss bảo chứ cần phải lo chuyện đó. Anh còn bắt tôi phải hứa rằng khi bắt đầu học các môn ở trường đại học trong vài tuần nữa, tôi không được đọc bất cứ cuốn sách nào về tâm lý học – có nghĩa là chừng nào anh cho phép mới được đọc. Anh bảo như thế sẽ làm tôi bị nhiễu và khiến tôi suy nghĩ về các lý luận tâm lý học chứ không còn nghĩ về những ý kiến và cảm giác của bản thân tôi nữa. Nhưng đọc tiểu thuyết thì thoải mái. Tuần này tôi đọc Đại gia Gatsby, An American Tragedy, Look Homeward, Angel.Tôi chưa hề biết rằng đàn ông và phụ nữ lại làm những việc như thế.

16 tháng Tư – Hôm nay tôi cảm thấy khỏe hơn nhiều, nhưng tôi vẫn thấy bực mình vì mọi người lúc nào cũng cười nhạo và lấy tôi ra làm trò đùa. Khi tôi trở nên thông minh như giáo sư Nemur nói, với mức I.Q. gấp đôi con số 70 bây giờ, thì có lẽ mọi người sẽ thích tôi và làm bạn với tôi.

Tôi cũng không biết rõ I.Q. nghĩa là gì. Giáo sư Nemur bảo nó là cái để đo mức thông minh của ta – giống như cái cân trong hiệu thuốc để đo cân nặng. Nhưng bác sĩ Strauss đã cãi nhau to với ông và bảo rằng chỉ số I.Q. không hể đo trí thông minh chút nào. Anh bảo chỉ số I.Q. cho biết ta có thể đạt đến mức thông minh nào, giống như dãy chữ số ở bên ngoài cái cốc đo lường. Anh vẫn phải cho thêm mọi thứ vào cái cốc đó.

Khi tôi hỏi Burt Seldon, người đưa cho tôi các bài kiểm tra trí thông minh và làm việc với Algernon, anh bảo có người nói rằng cả hai ông đều sai và theo những gì anh đọc được thì chỉ số I.Q. dùng để đo rất nhiều thứ, trong đó có những thứ anh đã học được và thực ra thì nó đo mức thông minh không chính xác chút nào.

Vì vậy tôi vẫn không hiểu chỉ số I.Q. là gì, và mỗi người lại nói một kiểu khác nhau. I.Q. của tôi bây giờ khoảng một trăm, và chẳng mấy mà nó sẽ vượt mức một trăm năm mươi, nhưng họ vẫn phải cho thêm mọi thứ vào đầu tôi. Tôi không muốn nói gì cả, nhưng tôi không hiểu nếu họ không biết nó là gì hay nó ở đâu thì làm sao họ biết được người ta có bao nhiêu cơ chứ.

Giáo sư Nemur bảo ngày kia tôi phải làm bài kiểm tra Rorschach. Tôi tự hỏi không biết nó là cái gì nhỉ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.