Hoa trên mộ Algernon

Chương 22



Anh ta mỉm cười với vợ chồng nhà Raynor và dẫn tôi tách ra khỏi họ.

Tôi nói: “Đấy đâu phải là điều tôi định nói.”

Anh ta thì thầm, nắm lấy khuỷu tay tôi: “Tôi biết anh không định nói thế. Nhưng tôi nhìn thấy trong ánh mắt anh rằng anh đang sắp sửa băm nhỏ họ ra từng mảnh. Vậy nên tôi không thể cho điều đó xảy ra, phải không nào?”

“Có lẽ thế,” tôi đồng ý, lấy thêm một ly martini nữa.

“Anh uống nhiều thế có gì hay ho đâu chứ?”

“Không, nhưng tôi đang cố gắng thư giãn và có vẻ như tôi đã đến nhầm chỗ.”

“Nào, bình tĩnh đi,” anh ta đáp. “Và đừng để xảy ra chuyện gì trong đêm nay đấy nhé. Ở đây chẳng có ai ngu cả đâu. Họ biết anh nghĩ thế nào về họ, và cho dù anh không cần thì chúng tôi vẫn cần họ.”

Tôi vẫy tay chào anh ta. “Tôi sẽ cố, nhưng tốt nhất là anh đừng để cho bà Raynor đến gần tôi. Tôi sẽ chọc cho cô ta một cái nếu như cứ tiếp tục ngoáy mông trước mặt tôi một lần nữa.”

“Suỵt!” Anh ta rít lên. “Cô ấy nghe thấy đấy.”

“Suỵt!” Tôi phụ họa. “Xin lỗi. Tôi sẽ ngồi trong góc này và tránh đường tất cả mọi người.”

Sương khói đang bao phủ lấy tôi, nhưng qua đó tôi vẫn nhận thấy mọi người đang nhìn mình. Tôi đoán là tôi đang tự thì thầm với chính mình – có điều hơi lớn tiếng. Tôi không nhớ mình đã nói gì nữa. Một lát sau tôi có cảm giác là mọi người đang ra về sớm một cách bất thường, nhưng tôi chẳng để ý lắm cho đến khi Nemur bước tới và đứng trước mặt tôi.

“Anh nghĩ anh là cái quái gì mà hành xử như vậy chứ? Cả đời tôi chưa bao giờ thấy một điều gì thô lỗ đến không thể chịu nổi như vậy.”

Tôi cố đứng dậy. “Nào, ông nói như vậy nghĩa là sao?”

Strauss cố gắng can ông ta, nhưng ông ta thở phì phì và nói hổn hển: “Tôi nói như vậy, bởi vì anh chẳng có chút biết ơn hay hiểu biết gì về tình hình ở đây cả. Sau nữa, nếu không mắc nợ chúng tôi thì anh cũng mắc nợ những người này – trên nhiều phương diện chứ không phải chỉ một mà thôi.”

“Một con chuột lang cần phải biết ơn từ lúc nào thế?” Tôi gào lên. “Tôi đã phục vụ mục đích của ông, và bây giờ tôi đang cố gắng tìm ra sai lầm của ông, vậy thế quái nào mà tôi lại mắc nợ các người được chứ?”

Strauss định bước vào can, nhưng Nemur ngăn anh ta lại. “Một phút thôi. Tôi muốn nghe chuyện này. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta giải quyết dứt điểm.”

“Anh ta uống nhiều quá rồi,” vợ ông ta nói.

“Không nhiều đến thế đâu,” Nemur khịt mũi. “Anh ta đang nói khá rõ ràng. Anh đã chịu đựng anh ta quá nhiều rồi. Anh ta đang gây nguy cho – nếu không muốn nói là phá hoại – công việc của chúng ta, và bây giờ anh muốn nghe chính mồm anh ta nói ra lý lẽ của mình.”

“Ồ, quên chuyện đó đi,” tôi nói. “Ông chẳng hề muốn nghe sự thật đâu.”

“Có đấy, Charlie ạ. Ít nhất thì cũng được nghe phiên bản của anh về sự thật. Tôi muốn biết anh có chút biết ơn nào đối với tất cả những gì chúng tôi làm cho anh hay không – những khả năng anh có được, những điều anh học được, những kinh nghiệm anh có được. Hay anh nghĩ rằng có lẽ cứ như trước kia thì tốt hơn?”

“Trên một phương diện nào đó thì đúng vậy.”

Điều này làm mọi người sửng sốt.

“Trong mấy tháng qua tôi đã học được rất nhiều,” tôi nói. “Không chỉ về Charlie Gordon mà còn về cuộc sống và con người, và tôi phát hiện ra rằng không một ai thực sự quan tâm đến Charlie Gordon, dù anh ta đần độn hay thiên tài. Vậy thì có khác gì đâu?”

Nemur cười lớn: “Ồ, anh đang thương hại chính mình. Anh mong chờ điều gì nào? Chúng tôi tính toán sao cho cuộc thử nghiệm sẽ giúp anh tăng trí tuệ lên, chứ không làm cho anh trở nên nổi tiếng. Chúng tôi không kiểm soát những gì xảy ra với tính cách của anh, và từ một thanh niên thiểu năng, đáng yêu anh trở thành một tên khốn nạn kiêu ngạo, tự tôn và khó gần.”

“Giáo sư kính mến, vấn đề là ông muốn có một ai đó trở nên thông minh nhưng vẫn chịu nhốt trong lồng và đem ra trưng bày mỗi khi cần để mang lại cho ông thứ danh vọng mà ông vẫn tìm kiếm. Khổ nỗi tôi lại là một con người.”

Ông ta giận điên lên, và tôi nhận thấy ông ta đang lưỡng lự giữa kết thúc cuộc chiến hay cố thêm một lần nữa để hạ gục tôi. “Anh vẫn thế, vẫn thiếu công bằng. Anh biết rằng lúc nào chúng tôi cũng đối xử tốt với anh – làm tất cả những gì có thể vì anh.”

“Tất cả, trừ việc coi tôi là con người. Ông phét lác lần này đến lần khác rằng trước cuộc thí nghiệm tôi chẳng là gì, và tôi biết tại sao ông lại làm thế. Bởi vì nếu tôi không là gì cả thì ông là người chịu trách nhiệm tạo ra tôi, và điều đó khiến ông trở thành ông chủ, thành chúa tể. Ông căm ghét việc tôi không bao giờ chịu thể hiện lòng biết ơn. Nhưng những gì ông làm cho tôi – kỳ diệu thật – không đồng nghĩa với việc ông có quyền coi tôi như con vật thí nghiệm. Bây giờ tôi là một con người, và Charlie trước khi cậu ta bước chân vào phòng thí nghiệm cũng vậy. Trông ông có vẻ kinh ngạc nhỉ! Vâng, đột nhiên chúng ta phát hiện ra rằng tôi vẫn luôn là một con người – thậm chí trước kia cũng vậy – và điều đó thách thức việc ông tin những ai có chỉ số I.Q. dưới 100 không đáng được quan tâm. Giáo sư Nemur, tôi nghĩ khi ông nhìn vào tôi, lương tâm ông sẽ cắn rứt.”

“Tôi đã nghe đủ,” ông ta ngắt lời. “Anh say rồi.”

“À, không,” tôi khẳng định. “Bởi vì nếu tôi say, ông sẽ thấy một Charlie Gordon khác so với con người mà ông từng biết. Đúng vậy, một Charlie khác âm thầm trong bóng tối và vẫn hiện diện ở đây với chúng ta. Bên trong tôi.”

“Anh ta phát điên rồi,” vợ Nemur nói. “Anh ta nói cứ như có hai Charlie Gordon vậy. Tốt nhất là anh nên chăm sóc anh ta, bác sĩ ạ.”

Bác sĩ Strauss lắc đầu: “Không. Tôi hiểu anh ấy định nói gì. Điều này mới xuất hiện gần đây trong các buổi điều trị. Một quá trình phân tích đặc biệt đã xảy ra trong khoảng thời gian tháng trước. Anh ấy đã vài lần nhìn thấy chính mình như trước khi diễn ra cuộc thí nghiệm – là một cá thể riêng biệt và độc lập vẫn đang hoạt động trong nhận thức của anh ấy – cứ như thể Charlie của trước đây đang đấu tranh giành quyền kiểm soát cơ thể…”

“Không! Tôi chưa bao giờ nói như thế! Không phải là đấu tranh giành quyền kiểm soát. Charlie vẫn ở đó, đúng vậy, nhưng không phải đấu tranh với tôi. Chỉ chờ đợi thôi. Cậu ta chưa bao giờ tìm cách kiểm soát hay ngăn chặn không cho tôi làm điều gì tôi muốn.” Rồi, nhớ đến Alice, tôi sửa lại. “Vâng, gần như là không bao giờ. Cậu bé Charlie khép nép, tự giấu mình mà anh nói đến lúc nãy chỉ đang kiên nhẫn chờ đợi thôi. Tôi thừa nhận là trên một số phương diện thì tôi thích cậu ấy, ngoại trừ tính nhút nhát và hay giấu mình thôi. Tôi đã biết người ta ít quan tâm đến người khác thế nào trong cái thế giới này rồi.”

“Anh trở nên hoài nghi quá,” Nemur nói. “Đấy là tất cả những gì mà cơ hội này mang đến cho anh. Trí tuệ của anh đã hủy hoại niềm tin của anh đối với thế giới này cũng như đối với bạn bè anh.”

“Điều ấy không hoàn toàn đúng,” tôi dịu dàng nói nhỏ. “Nhưng tôi biết rằng chỉ một mình trí tuệ sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả. Ở đây, trong trường đại học của ông, trí tuệ, giáo dục, kiến thức, tất cả đều trở thành những thần tượng tuyệt vời. Nhưng giờ đây tôi biết có một điều mà các ông đều bỏ qua: trí tuệ và giáo dục mà không có tình cảm con người an ủi đều chẳng đáng một xu.”

Tôi tự lấy thêm một ly martini trên chiếc bàn cạnh đấy và tiếp tục thuyết giáo.

“Đừng hiểu lầm tôi,” tôi nói. “Trí tuệ là một trong những món quà tuyệt vời nhất của con người. Nhưng thường thì người ta vẫn để tâm tìm kiếm kiến thức chứ chẳng mấy khi tìm kiếm tình yêu. Đây là một điều nữa mà tôi vừa mới tự khám phá ra gần đây. Tôi sẽ trình bày với mọi người theo giả thiết sau đây: trí tuệ mà không có khả năng cho và nhận tình cảm sẽ dẫn đến hiện tượng suy sụp tinh thần và đạo đức, rối loạn thần kinh chức năng, và thậm chí rối loạn tâm thần. Và tôi nói rằng bộ não tự thẩm thấu, tự thu hút chính nó theo mục đích tự tôn, loại trừ mọi mối quan hệ con người với nhau, chỉ có thể dẫn tới bạo lực và đau khổ.

“Khi còn thiểu năng, tôi có rất nhiều bạn bè. Bây giờ tôi chẳng có ai. Ồ, tôi quen rất nhiều người. Nhưng tôi chẳng có người bạn thực sự nào cả. Không giống như lúc tôi còn ở tiệm bánh. Không một người bạn nào trong cuộc đời này có ý nghĩa gì với tôi, và tôi cũng chẳng có ý nghĩa gì với ai cả.” Tôi nhận thấy mình bắt đầu líu lưỡi lại, và đầu có cảm giác lâng lâng. “Như vậy là không được, phải không?” tôi khẳng định. “Ý tôi là, ông nghĩ gì? Ông nghĩ như vậy… như vậy là đúng à?”

Strauss bước tới và nắm lấy cánh tay tôi.

“Charlie, có lẽ tốt hơn hết là anh nên nằm nghỉ một lúc đi. Anh uống nhiều quá rồi.”

“Tại sao mọi người lại nhìn tôi như thế? Tôi nói gì sai à? Tôi có nói gì sai không? Tôi không định nói điều gì không đúng cả.”

Tôi thấy lời nói nặng trĩu trong miệng, cứ như thể mặt tôi bị tiêm đầy novocaine(6). Tôi say rồi – hoàn toàn mất tự chủ. Vào lúc đó, gần như dịch chuyển đánh tách một cái, tôi đang đứng ở khung cửa phòng ăn quan sát, và tôi thấy mình là một Charlie khác đứng đó gần chiếc bàn, cầm ly rượu trong tay, mắt mở to sợ hãi.

6. Novocaine: Một loại thuốc tê, thường dùng trong phẫu thuật.

“Lúc nào tôi cũng cố gắng làm việc tốt. Mẹ tôi luôn dạy tôi phải tốt với mọi người bởi vì bà bảo như thế con sẽ không gặp phải rắc rối và con sẽ luôn có nhiều bạn bè.”

Nhìn cậu ra co rúm, vặn vẹo, tôi biết cậu ta phải vào nhà vệ sinh. Ôi, lạy Chúa, không phải là ở đó, trước mặt mọi người. “Xin lỗi,” cậu ta nói, “tôi phải đi…” Bằng cách nào đó, trong trạng thái đờ đẫn vì say rượu, tôi cũng giúp cậu ta quay người đi và bước về phía nhà vệ sinh.

Cậu ta tè kịp lúc, và sau vài giây tôi lại tự chủ được. Tôi tì má lên tường, sau đó rửa mặt bằng nước lạnh. Vẫn chuếnh choáng, nhưng tôi biết là mình sẽ ổn.

Đấy là khi tôi thấy Charlie nhìn tôi từ trong tấm gương đằng sau cái bồn rửa. Tôi không biết tại sao mình lại nghĩ rằng đó là Charlie chứ không phải là tôi. Có cái gì đó trong ánh mắt đờ đẫn, nghi hoặc trên gương mặt cậu ta. Mở to và sợ hãi, đôi mắt cậu ta cứ như chỉ cần nghe thấy một lời tôi nói ra là sẽ quay người chạy sâu vào thế giới bên trong tấm gương. Nhưng cậu ta không chạy. Cậu ta chỉ nhìn lại tôi, miệng mở to, hàm há hốc.

“Xin chào,” tôi nói. “Vậy là cuối cùng cậu cũng đối mặt với tôi.”

Cậu ta nhíu mày, chỉ một chút thôi, cứ như thể không hiểu tôi đang nói gì, như thể cậu ta muốn một lời giải thích nhưng không biết cách mở lời. Rồi, từ bỏ ý định đó, cậu ta gượng gạo cười nhếch miệng.

“Đứng yên đó trước mặt tôi,” tôi hét lên. “Tôi mệt mỏi và chán ngấy việc cậu rình mò tôi từ khung cửa và những nơi tối tăm mà tôi không thể đuổi kịp cậu được.”

Cậu ta nhìn tôi trừng trừng.

“Cậu là ai thế, Charlie?”

Không có gì khác ngoài nụ cười.

Tôi gật đầu và cậu ta cũng gật lại.

“Vậy thì cậu muốn gì?” tôi hỏi.

Cậu ta nhún vai.

“Ồ, thôi đi nào.” Tôi nói. “Chắn hẳn là cậu muốn một cái gì đó. Cậu đã đi theo tôi…”

Cậu ta nhìn xuống và tôi nhìn vào tay mình xem cậu ta đang nhìn cái gì. “Cậu muốn đòi chúng lại hả? Cậu muốn tôi biến khỏi đây để cậu quay lại và tiếp quản nơi mà cậu đã ra đi. Tôi không trách cậu đâu. Đây là cơ thể cậu, đầu óc cậu – và cuộc đời cậu, cho dù cậu không đủ khả năng để tận dụng nó. Tôi không có quyền giành nó từ tay cậu. Không ai có quyền cả. Ai dám nói rằng chết còn tốt hơn là sống trong tăm tối như cậu? Tôi là ai mà nói thế?…

“Nhưng để tôi nói cho cậu nghe một chuyện khác, Charlie.” Tôi đứng dậy và lùi lại khỏi chiếc gương. “Tôi không phải bạn cậu. Tôi là kẻ thù của cậu. Tôi sẽ không từ bỏ trí tuệ của mình một cách dễ dàng đâu. Tôi không thể quay lại cái hang đó được. Bây giờ tôi chẳng còn biết đi đâu nữa, Charlie ạ. Vì thế nên cậu phải biến đi thôi. Hãy ở trong vô thức của tôi như trước đây, và đừng có lẽo đẽo đi theo tôi nữa. Tôi sẽ không từ bỏ đâu – bất kể người ta nghĩ gì. Bất kể cô đơn đến đâu. Tôi sẽ giữ lại những gì người ta cho tôi và sẽ làm những việc vĩ đại cho thế giới và cho những người khác giống như cậu.”

Khi quay về phía cảnh cửa, tôi có cảm giác như cậu ta đang với tay về phía tôi. Nhưng tất cả mọi chuyện đều hết sức ngớ ngẩn. Chỉ là tôi say rượu và cái bóng của tôi phản chiếu trong gương.

Khi tôi bước ra ngoài, Strauss muốn dìu tôi vào taxi, nhưng tôi khẳng định rằng mình có thể về nhà bình thường. Những gì tôi cần là một ít khí trời, và tôi không muốn có bất cứ ai đi cùng cả. Tôi muốn tự mình đi bộ.

Tôi thấy mình là con người mà tôi thực sự biến đổi thành: Nemur đã nói rồi. Tôi là một kẻ khốn kiếp kiêu ngạo, tự tôn. Không giống như Charlie, tôi không có khả năng kết bạn hay nghĩ cho người khác cũng như cho những rắc rối của họ. Tôi đắm đuối vào bản thân mình, và chỉ bản thân mình mà thôi. Một lúc lâu trong tấm gương đó, tôi đã nhìn thấy chính mình qua đôi mắt của Charlie – nhìn vào chính mình và thấy tôi đã biến đổi thế nào. Và tôi thấy xấu hổ.

Mấy tiếng đồng hồ sau, tôi thấy mình đứng trước tòa nhà rồi tự trèo cầu thang đi lên rồi bước qua dãy hành lang mờ mờ sáng. Đi qua phòng Fay, tôi thấy vẫn sáng đèn nên bước về phía cửa nhà cô. Nhưng khi chuẩn bị gõ cửa thì tôi nghe thấy tiếng cô cười rúc rích, sau đó là tiếng một người đàn ông cười đáp lại.

Vậy là đã quá muộn.

Tôi âm thầm lê mình vào nhà và đứng đó một lúc trong bóng tối, không dám nhúc nhích, không dám bật đèn lên. Chỉ đứng đó và thấy trong mắt mình gì đó quay tít như chong chóng.

Chuyện gì đã xảy ra với tôi? Tại sao tôi lại cô đơn như vậy trong cuộc đời này?

4 giờ 30 phút sáng – Trong lúc tôi đang lơ mơ ngủ thì giải pháp xuất hiện. Rõ quá! Mọi thứ đều khớp với nhau, và tôi thấy lẽ ra mình phải biết ngay từ đầu mới đúng. Không ngủ nữa. Tôi phải quay lại phòng thí nghiệm và đối chiếu điều này với kết quả trên máy tính. Cuối cùng thì cái lỗi của cuộc thử nghiệm đã lộ diện. Tôi đã tìm ra nó.

Giờ thì tôi sẽ trở thành cái gì đây?

26 tháng Tám – THƯ GỬI GIÁO SƯ NEMUR (BẢN SAO)

Giáo sư Nemur kính mến:

Trong một phong bì riêng, tôi gửi cho ông bản sao báo cáo của tôi nhan đề: ”Hiệu ứng Algernon-Gordon: Nghiên cứu Cấu trúc và Chức năng của Trí tuệ được Nâng cao,” bản báo cáo này có thể được công bố nếu ông cảm thấy ổn.

Như ông đã biết, các cuộc thí nghiệm của tôi đều đã hoàn tất. Tôi đã ghi trong báo cáo tất cả mọi công thức của tôi, cũng như mọi phân tích toán học về dữ liệu trong phụ lục. Tất nhiên, tất cả đều cần được kiểm chứng.

Kết quả rất rõ ràng. Các khía cạnh cảm tính trong bước tiến nhanh chóng của tôi không khiến cho thực tế bị lu mờ đi. Tại thời điểm hiện tại, kỹ thuật phẫu thuật-và-tiêm mà ông và bác sĩ Strauss phát triển cần phải được nhìn nhận là có rất ít, thậm chí không có khả năng ứng dụng vào thực tiễn nhằm nâng cao trí tuệ con người.

Khảo sát dữ liệu về Algernon: mặc dù cơ thể nó vẫn đang trẻ trung nhưng tinh thần của nó đã lùi lại. Hoạt động thần kinh vận động bị tổn thương; chức năng tuyến suy giảm; mất phối hợp một cách nhanh chóng; và càng ngày càng nhiều biểu hiện của chứng quên.

Như tôi đã nêu trong bản báo cáo, những hội chứng suy giảm về thể chất và tinh thần này cũng như nhiều triệu chứng khác có thể đoán biết trước nhờ những kết quả quan trọng về mặt thống kê nếu áp dụng công thức mới của tôi. Mặc dù tác nhân phẫu thuật mà cả hai chúng ta sử dụng đã góp phần tăng cường và thúc đẩy các quá trình thần kinh thì lỗi này, tôi đã mạn phép gọi nó là ”Hiệu ứng Algernon-Gordon”, là sự mở rộng một cách logic của toàn bộ quá trình thúc đẩy trí tuệ. Giả thuyết chứng minh ở đây có thể mô tả một cách giản lược nhất bằng những thuật ngữ sau:

LƯỢNG TRÍ TUỆ NHÂN TẠO SUY GIẢM THEO THỜI GIAN TỈ LỆ THUẬN VỚI LƯỢNG TĂNG LÊN.

Chừng nào mà tôi còn viết được, tôi sẽ tiếp tục ghi lại suy nghĩ và ý tưởng của mình vào những bản báo cáo tiến bộ này. Đây là một trong số ít những niềm vui cô độc của tôi và chắc chắn là nó cần thiết cho việc hoàn thành cuộc nghiên cứu này. Tuy nhiên, dựa vào các chỉ số, quá trình suy giảm trí tuệ của tôi sẽ diễn ra khá nhanh.

Tôi đã kiểm tra lại dữ liệu của mình hàng chục lần với hy vọng tìm thấy lỗi, nhưng thật tiếc khi phải nói rằng kết quả rất chính xác. Nhưng, tôi cảm thấy đôi chút dễ chịu vì tôi ở đây để bổ sung kiến thức về chức năng của bộ não con người và về các quy luật kiểm soát việc nâng cao trí tuệ con người theo phương pháp nhân tạo.

Đêm hôm trước, bác sĩ Strauss nói rằng đối với sự tiến bộ trong học tập, một thí nghiệm thất bại, chứng tỏ một giả thuyết sai lầm, đóng vai trò quan trọng không kém so với thành công. Tôi biết điều này đúng. Tuy nhiên, tôi xin lỗi là đóng góp của tôi trong lĩnh vực này phải được xây dựng trên tro tàn công trình của cả đội ngũ này, đặc biệt là những người đã làm nhiều điều vì tôi.

Kính thư,

Charles Gordon

gửi kèm: bản sao

báo cáo: bác sĩ Strauss

Quỹ Welberg

1 tháng Chín – Tôi không được sợ. Sẽ sớm có dấu hiệu bất ổn về cảm xúc và chứng hay quên, những triệu chứng ban đầu của hiện tượng suy giảm. Liệu tôi có nhận ra những dấu hiệu này ở chính mình hay không? Bây giờ, tất cả những gì tôi có thể làm là tiếp tục ghi lại tình trạng thần kinh của mình càng khách quan càng tốt, luôn nhớ rằng đây là ghi chép tâm lý học đầu tiên trong lĩnh vực này, và cũng có thể là cuối cùng.

Sáng nay, Nemur cho Burt mang báo cáo và dữ liệu thống kê của tôi đến Đại học Hallston để nhờ một số nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực này kiểm tra kết quả và khả năng ứng dụng các công thức. Suốt tuần qua, họ cử Burt kiểm tra kỹ lưỡng các thí nghiệm cũng như các bảng biểu phương pháp luận của tôi. Thực ra thì tôi không nên bực mình với thái độ cẩn thận của họ. Sau nữa, tôi chỉ là một Charlie-vừa-mới-đến, và Nemur thật khó mà chấp nhận nổi thực tế là công trình của tôi có thể vượt qua ông ta. Ông ta đã quen tin vào phép màu trong quyền lực của riêng mình, và hơn nữa tôi chỉ là kẻ ngoại đạo.

Tôi chẳng mấy quan tâm đến những gì ông ta nghĩ, hay bất kỳ người nào trong số họ nghĩ về vấn đề này. Không còn thời gian nữa. Công trình đã hoàn thành, dữ liệu đã nhập, và những gì còn lại là xem, dựa trên số liệu của Algernon tôi có vạch ra chính xác những gì sẽ xảy ra với mình hay không mà thôi.

Alice khóc khi tôi báo tin này với nàng. Rồi nàng vùng chạy ra ngoài. Tôi phải nhấn mạnh với nàng rằng không có gì phải cảm thấy tội lỗi về việc này cả.

2 tháng Chín – Vẫn chưa có gì chắc chắn. Tôi di chuyển trong cái tĩnh lặng của ánh sáng trắng sạch sẽ. Mọi thứ quanh tôi đang chờ đợi. Tôi mơ được một mình trên đỉnh núi, ngắm nghía vùng đất quanh mình, màu xanh và màu vàng – và mặt trời ở ngay trên đầu, ép cái bóng của tôi lại thành một hình tròn quanh chân tôi. Khi mặt trời rơi vào bầu trời chiều, cái bóng rủ xuống và duỗi dài ra về phía chân trời, dài và mảnh, xa dần sau lưng tôi…

Tôi muốn nói lại một lần nữa những điều tôi đã nói với bác sĩ Strauss. Không ai có chút lỗi nào trong những gì vừa xảy ra. Cuộc thí nghiệm này đã được chuẩn bị cẩn thận, được kiểm tra kỹ trên động vật, và có giá trị về mặt thống kê. Khi quyết định sử dụng tôi làm người đầu tiên thí nghiệm, họ có lý do để khẳng định rằng không có gì nguy hiểm cho cơ thể. Không thể nào lường trước được những khó khăn bất ngờ về mặt thần kinh. Tôi không muốn ai phải chịu khổ vì những gì xảy ra với tôi.

Bây giờ chỉ còn lại một vấn đề duy nhất: Tôi còn bám trụ được bao lâu?

15 tháng Chín – Nemur nói kết quả của tôi đã được khẳng định. Điều đó có nghĩa sai lầm này là yếu tố chính và nó khiến toàn bộ giả thuyết bị lung lay. Một ngày nào đó vấn đề này sẽ có cách để giải quyết, nhưng bây giờ thì chưa. Tôi đề nghị không tiến hành thêm bất cứ cuộc kiểm tra nào trên cơ thể người cho đến khi có thêm kết quả nghiên cứu trên động vật.

Cá nhân tôi cảm thấy phạm vi thành công nhất của cuộc nghiên cứu này là công trình của bộ phận nghiên cứu sự mất cân bằng enzyme. Cùng với nhiều thứ khác, thời gian là nhân tố chủ chốt – thể hiện ở tốc độ trong việc phát hiện ra khiếm khuyết, và tốc độ trong việc quản lý thay thế hormone. Tôi muốn hỗ trợ trong lĩnh vực nghiên cứu đó, cũng như trong việc tìm kiếm đồng vị vô tuyến để có thể dùng cho mục đích kiểm soát vỏ não cục bộ, nhưng tôi biết rằng mình không còn thời gian nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.