HOÀNG HẬU MARGOT

Chương 07 : Đêm 24 tháng 8 năm 1572



Đêm 24 tháng 8 năm 1572

Khi De Mole và Coconnas kết thúc bữa ăn tối có thể gọi là quá đỗi đạm bạc, vì gà quay của quán Tinh tú chỉ được quay trên biển hàng mà thôi, thì Coconnas vừa đu đưa người trên một chân ghế vừa nhâm nhi ly rượu vang cuối cùng và cất tiếng hỏi:

– Ông de Mole này, ông định đi nghỉ ngay bây giờ à?

– Ồ, tôi muốn thế lắm vì có thể trong đêm nay người ta lại đến đánh thức tôi dậy.

– Tôi cũng thế – Coconnas nói – Đáng lẽ ta đi ngủ và buộc những người đến tìm ta phải chờ đợi, thì theo tôi, tốt nhất là chơi vài ván bài. Thế là khi đến, người ta sẽ thấy chúng ta đã sẵn sàng rồi.

– Ông ạ, tôi rất sẵn lòng chấp nhận đề nghị của ông. Nhưng tôi chẳng có được bao nhiêu tiền để chơi bài. Tôi chỉ có suýt soát vài trăm écus vàng trong vali thôi. Hơn thế, đó lại là toàn bộ gia sản của tôi. Mà tôi lại phải bắt đầu gây dựng gia tài chỉ với ngần ấy mà thôi.

– Trăm écus vàng mà còn kêu ca – Coconnas kêu lên – Mẹ kiếp! Còn tôi, thưa ông, tôi chỉ có sáu écus thôi.

– Thôi đi – De Mole tiếp lời – Tôi đã thấy ông lôi từ trong túi ra một bọc tiền không phải chỉ khá đầy, có thể nói là một bọc phồng tướng lên cơ đấy.

– À cái này – Coconnas thanh minh – Là để thanh toán một món nợ từ hồi xưa mà tôi phải trả cho một người bạn cũ của cha tôi. Tôi ngờ rằng ông này, cũng như ông, hơi có mùi Tân giáo. Vâng, đây có trăm đồng tiền vàng – Coconnas vừa nóỉ tiếp vừa đập tay vào bọc tiền – Nhưng trăm đồng tiền vàng này thuộc về bác cả Mercandon. Còn về phần gia sản riêng của tôi thì như tôi đã nói với ông rồi đấy, chỉ có sáu écus.

– Thế thì chơi thế nào.

– Chính vì thế mà tôi vẫn muốn chơi đấy. Vả chăng tôi có sáng kiến này.

– Sáng kiến gì?

– Có phải là cả hai chúng ta đều tới Paris với cùng một mục đích hay không?

– Đúng thế.

– Mỗi người lại có một người bảo trợ đầy thế lực, đúng không?

– Chính thế.

– Ông tin tưởng ở người bảo trợ của ông cũng như tôi tin vào người của tôi phải không?

– Hẳn rồi.

– Thế này, tự nhiên tôi nghĩ ra rằng trước tiên chúng ta sẽ chơi bằng tiền của mình, sau đó đặt cược bằng cái ân sủng đầu tlên hoặc là triều đình, hoặc là của người tình của chúng ta.

– Quả là một sáng kiến thông minh! – De Mole vừa nói vừa mỉm cười – Tôi phải thú thực với ông rằng tôi chơi không giỏi lắm để có thể cá cược cả cuộc đời tôi trên một quân bài hay một quân xúc xắc. Rõ ràng là cả cuộc đời chúng ta sẽ bắt nguồn từ cái ân sủng đầu tiên ấy.

– Thế này, vậy ta bỏ cái ân sủng đầu tiên của triều đình ta chơi cá cái ân sủng đầu tiên của người tình chúng ta vậy.

– Tôi chỉ thấy có mỗi một điều bất tiện – De Mole nói.

– Bất tiện thế nào?

– Đó là vì tôi không có người tình.

– Tôi cũng thế, nhưng tôi chắc là sớm có thôi. Tạ ơn Chúa! Chúng ta cũng không thiếu cái mã để đến nỗi thiếu đàn bà.

– Cứ như ông nói thì chắc ông chẳng thiếu đâu, ông Coconnas ạ. Vì không tin chắc như ông vào ngôi sao tình duyên của tôi, tôi nghĩ tôi sẽ không sòng phẳng nếu tôi đặt cược với ông về chuyện đó. Ta cứ chơi cho đến cùng sáu écus của ông đã. Nếu vì rủi ro mà ông thua hết trong khi ông vẫn còn muốn tiếp tục chơi, thì đây, vì ông là người quý tộc, tôi tin lời hứa của ông sẽ có giá trị như vàng.

– Càng tốt – Coconnas kêu lên, – Thế mới gọi là ăn nói chứ. Ông nói có lý đấy, lời hứa của người quý tộc có giá trị như vàng, nhất là khi quý tộc đó lại có chút tín nhiệm ở triều đình. Vì thế, ông hãy tin rằng tôi không mạo hiểm lắm đâu khi đặt cá cái ãn sủng đầu tiên mà tôi phải nhận được.

– Vâng, chắc thế, ông có thể thua mất nó. Thế nhưng tôi lại không thể ăn được nó vì bản thân tôi vốn là người của vua Navarre, tôi không thể nhận được cái gì từ phía quận công de Guise.

– A! Đồ vô đạo! – Chủ quán vừa đánh bóng chiếc mũ sắt cũ vừa lẩm bẩm – Tao đã đánh hơi ngay ra mày mà.

Và y ngừng lại để đưa tay làm dấu.

– Ái dà – Quả nhiên Coconnas vừa nói, vừa tung cỗ bài mà người bồi vừa đem tới – Vậy ông thuộc về cánh ấy hả?

– Cánh gì?

– Cánh Tân giáo.

– Tôi ấy à?

– Ừ, ông ấy.

– Này, cứ giả sử là cánh Tân giáo đi! – De Mole vừa nói vừa mỉm cười – Thế ông có điều gì phản đối chúng tôi không?

– Ồ! Tạ ơn Chúa, không. Tôi thì thế nào cũng xong. Tôi ghét cay ghét đắng cái trò Tân giáo nhưng tôi không ghét những người Tân giáo. Với lại hình như giáo phái này đang là mốt thì phải.

– Vâng – De Mole vừa họa theo vừa mỉm cưởi – Bằng chứng là cái phát súng hỏa mai cho ông đô đốc đấy! Hay ta đặt cược cả những phát hỏa mai nữa?

– Sao cũng được – Coconnas nói – miễn là ta cứ chơi cái đã, còn cá cái gì cũng xong.

– Vậy thì chơi nào – De Mole vừa nói vừa thu bài về và xòe bài trong tay.

– Nào, thì chơi, cứ tin tưởng nhé. Vì dù cho tôi có thua hết cả trăm écus vàng như ông, sáng mai tôi cũng sẽ có cái trả ông.

– Tiền tài đến với ông trong giấc ngủ à?

– Không, tôi phải đi tìm nó chứ?

– Tìm ở đâu, nói cho tôi biết với, tôi sẽ đi cùng.

– Ở Louvre.

– Ông quay lại đó đêm nay à?

– Vâng, đêm nay, tôi sẽ được tiếp kiến quận công de Guise vĩ đại.

Từ lúc mà Coconnas nói tới chuyện đi tìm tài vận ở Louvre, La Hurière ngừng đánh bóng mũ sắt và đến đứng sau ghế của De Mole, chỉ có Coconnas nhìn thấy y thôi. Y đứng đó và ra hiệu cho Coconnas, nhưng anh chàng này vì mải chơi bài và mải nói chuyện nên không để ý gì đến y.

– Này, thật là thần diệu! De Mole nói – Ông có lý khi nói rằng chúng ta sinh ra dưới cùng một vì sao chiếu mệnh. Tôi cũng có hẹn ở Louvre đêm nay, nhưng không phải với quận công de Guise mà là với đức vua Navarre.

– Ông có khẩu lệnh không?.

– Có

– Có dấu hiệu để nhận biết không?

– Không.

– Thế thì tôi có đấy. Khẩu lệnh của tôi là…

Khi anh chàng Piémontais nói tới đó, La Hurière phác một cử chỉ đầy ý nghĩa đúng vào lúc nhà quý tộc lắm lời kia ngẩng đầu lên. Coconnas ngẩn người vì cái cử chỉ này hơn là vì nước bài mà chàng vừa để thua mất ba écus. Nhìn thấy vẻ kinh ngạc hiện trên nét mặt người cùng chơi, De Mole quay lại nhưng không nhìn thấy gì ngoài ông chủ quán đang đứng sau mình tay khoanh lại và đầu đội mũ sắt mà lúc trước chàng đã thấy y đánh bóng.

– Ông làm sao vậy? – De Mole hỏi Coconnas.

Coconnas nhìn chủ quán và bạn mà chẳng trả lời vì chàng không hiểu gì hết qua các cử chỉ rối rít của bác cả La Hurière.

La Hurière cảm thấy rằng mình phải trợ lực cho Coconnas vội vàng nói:

– Chả là tôi cũng rất thích chơi bài. Ấy, khi tôi xích lại để xem nước bài mà ông vừa ăn được, thì ngài đây chắc đã thấy tôi đội mũ kiểu nhà binh. Một anh thị dân nghèo như tôi mà làm như thế chắc là khiến cho ngài đây ngạc nhiên lắm!

– Mặt mũi trông mới đẹp gớm! – De Mole vừa nói vừa phá lên cười.

– Ôi, thưa ông – La Hurière nói với vẻ giả vờ chất phác, khéo đến mức đáng khâm phục, và nhún vai như ý thức được đầy đủ sự thấp kém của mình. – Chúng tôi không phải là những người vũ dũng và chúng tôi cũng không có dáng vẻ thanh lịch. Đối với những nhà quý tộc can đảm như các ông đây thì làm sáng loá lên những chiếc mũ sắt mạ vàng và những thanh trường kiếm mảnh mai là xứng đáng quá đi rồi. Còn như chúng tôi thì miễn là canh phòng cho đầy đủ

– Á à – De Mole vừa nói vừa trang bài – Ông cũng phải đi gác cơ à?

– Ố vâng, lạy Chúa, thưa bá tước, tôi đóng chức cai trong một đại đội dân vệ

Nói xong, trong lúc De Mole bận chia bài. La Hurière vừa lui ra, vừa để một ngón tay trên môi để dặn Coconnas phải kín miệng.

Chàng này lại càng thêm ngẩn người ra.

Hẳn sự cẩn thận của La Hurière cũng chính là cái cớ gây ra việc Coconnas thua ván thứ hai cũng nhanh không kém ván trước.

– Này – De Mole nói – Vừa đúng sáu écus của ông rồi đấy! Ông muốn gỡ trên cái gia tài tương lai của ông không?

– Sẵn lòng thôi – Coconnas nói.

– Nhưng trước khi lao tiếp vào cuộc đỏ đen, có phải ông đã nói với tôi ông có hẹn với ông de Guise không nhỉ?

Coconnas quay đầu về phía nhà bếp, thấy ngay cặp mắt trợn tráo của La Hurière nhằm lặp lại lời cảnh tỉnh ban nãy.

– Vâng, nhưng chưa đến giờ, hơn nữa, ông nói đôi chút về công việc của ông đi chứ, ông De Mole!

– Tôi cho tốt hơn hết là chúng ta hãy bàn về ván bài, ông de Coconnas thân mến ạ. Hoặc là tôi nhầm to hoặc là tôi đang ăn của ông thêm sáu écus nữa đấy.

– Mẹ kiếp! Thật thế… Người ta vẫn còn nói với tôi rằng người Tân giáo chơi cờ bạc hay gặp may lắm. Quỷ tha ma bắt tôi đi chứ, tôi thích được làm người Tân giáo quá.

Đôi mắt Hurière sáng rực lên như hòn than hồng, nhưng Coconnas mải chơi không nhìn thấy.

– Cứ cải đạo đi bá tước ạ – De Mole nói – Và, mặc dầu thiên hướng đó đến với ông một cách kỳ quặc, ông cũng sẽ được chào mừng trong chúng tôi.

Coconnas gãi tai.

– Nếu tôi tin chắc rằng vận may của ông là nhờ thế, thì tôi sẽ trả lời rằng… Vì, rốt cuộc, tôi cũng không gắn bó với lễ misa lắm và khi mà chính đức vua cũng không thiết tha với nó nữa thì…

– Và này… một tôn giáo đẹp đến thế, đơn giản, và trong sạch đến thế! – De Mole nói.

– Thêm nữa…

nó lại đang là mốt – Coconnas nói – Và rồi Nó sẽ đem lại may mắn trong cờ bạc. Quỷ tha ma bắt tôi đi! Chỉ có ông là được con át. Ấy vậy mà tôi đã quan sát ông từ khi chúng ta bắt đầu cầm bài đấy; ông chơi thẳng thắn, không gian lận… Chắc chắn phải là do tôn giáo của ông

– Ông lại nợ tôi thêm sáu écus nữa đấy – De Mole thản nhiên nói.

– Ái dà, ông quyến rũ tôi quá! – Coconnas nói – Nếu đêm nay tôi không được hài lòng về ông de Guise.

– Thì sao?

– Thì ngày mai tôi xin ông giới thiệu tôi với đức vua Navarre.

– Ông cứ yên tâm, khi nào mà tôi đã cải theo Tân giáo, thì tôi còn Tân giáo hơn cả Luther lẫn Calvin, lẫn Mélanchthon và cả đám những nhà cải giáo trên mặt đất này.

– Sụyt! – De Mole nói – Ông sắp sửa xích mích với ông chủ quán của chúng ta đấy.

– À ừ nhỉ – Coconnas vừa nói, vừa đưa mắt nhìn về phía bếp.

– Nhưng không, y chẳng nghe chúng ta nói đâu, bây giờ y đang bận.

– Y đang làm gì vậy? – De Mole ngồi chỗ mình không thể thấy được chủ quán nên hỏi.

– Y nói chuyện với… Quỷ bắt tôi đi! Chính hắn!

– Hắn nào?

– Cái giống chim đêm mà y đã đứng chuyện trò khi chúng ta mới đến ấy, cái thằng cha mặc áo chẽn vàng và măng-tô màu nấm amadou đấy. Mẹ kiếp, nó nói mới hăng chứ! Ê này, bác cả Hurière, ông có tình cờ đi làm chính trị không đấy?

Nhưng lần này bác cả Hurière trả lời bằng một động tác cương – quyết và mạnh mẽ đến nỗi mặc dầu rất yêu quý các quân bài bằng giấy bồi, Coconnas vẫn phải đứng dậy đi về phía bác ta.

– Ông có chuyện gì vậy? – De Mole hỏi.

– Ông gọi rượu vang ư, thưa ông? – La Hurière vừa nói vừa hối hả nắm lấy tay Coconnas – Chúng tôi xin hầu ngay. Grégoire, đem rượu vang cho các ngài đây!

Rồi y nói nhỏ vào tai Coconnas:

– Im đi, im ngay đi, thề có mạng sống của ông, hãy để cho cái gã bạn ông nghỉ đi thôi!

Mặt La Hurière nom tái nhợt còn mặt gã áo vàng nom ảm đạm đến nỗi Coconnas thấy rợn người. Chàng tới bên cạnh De Mole nói:

– Ông bạn de Mole thân mến, xin ông thứ lỗi cho. Nhoáng cái tôi đã mất năm chục écus rồi. Tối nay tôi xui, tôi ngại sẽ làm mình bị khó xử.

– Tốt lắm, được thôi. Thưa ông, xin tuỳ ý ông. Vả chăng tôi cũng chẳng phật lòng nếu được ngả lưng một lát. Này, bác quán La Hurière!

– Dạ thưa bá tước dạy gì ạ?

– Nếu có người của đức vua Navarre tới tìm tôi, ông hãy gọi tôi dậy nhé. Tôi mặc nguyên quần áo đi ngủ và sẽ sẵn sàng ngay thôi.

– Tôi cũng thế – Coconnas nói – Để đức ông khỏi phải chờ đợi tôi phải chuẩn bị ngay dấu hiệu cho mình. Này bác La Hurière, cho tôi kéo và giấy trắng.

– Grégoire! – La Hurière gọt – Mang giấy trắng để viết thư, kéo để cắt phong bì nhé!

– Ái chà – Anh chàng Piémontais tự nhủ – Dứt khoát là có chuyện gì khác thường đây.

– Thôi chào ông nhé, ông Coconnas – De Mole nói – Và ông, ông chủ quán, hãy vui lòng chỉ lối để tôi biết tới phòng nào. May mắn nhé ông bạn!

Và De Mole biến mất sau chiếc cầu thang xoáy ốc, theo sau là La Hurière. Khi đó tới lượt người đàn ông bí ẩn nắm lấy cánh tay de Coconnas lôi về phía mình, nói giọng gấp gáp:

– Thưa ông, có đến cả trăm lần suýt nữa ông để lộ điều bí mật có quan hệ đến vận mệnh của vương quốc. Chúa đã giữ mồm giữ miệng cho ông đúng lúc. Thêm một từ nữa thôi là tôi sẽ hạ thủ ông bằng một phát hỏa mai. Bây giờ thì may quá, chúng ta chỉ có một mình. Ông nghe đây.

– Chứ ông là ai mà lại giở cái giọng chỉ huy ra với tôi như vậy? – Coconnas hỏi.

– Ông đã bao giờ nghe đến cái tên Maurevel không?

– Kẻ giết đô đốc ấy à?

– Vâng, cả đại uý de Mouy nữa.

– Hẳn là ta có nghe rồi.

– Thế thì cái ngài Maurevel ấy chính là tôi đây.

– Ái chà!

– Vậy ông hãy nghe tôi – Mẹ kiếp, tôi tin rằng tôi đang nghe theo ông.

– Suỵt – Maurevel vừa nói vừa đặt một ngón tay lên miệng.

Coconnas vểnh tai nghe ngóng.

Người ta nghe thấy tiếng chủ quán đóng cửa một căn buồng, sau đó là cửa hành lang. Sau khi cài chốt hành lang, y vội vã quay về chỗ hai người. Y đem ghế tới cho Coconnas, Maurevel và cho mình rồi nói:

– Mọi cửa đều đóng kín, thưa ông Maurevel, ông có thể nói được rồi.

Chuông đồng hồ điểm mười một giờ tại Saint-Germain l Auxerrois. Maurevel đếm từng tiếng dùi nện chuông âm vang thảm đạm trong đêm và khi tiếng chuông cuối cùng đã tan trong không gian, y quay về phía Coconnas đang sởn gai ốc về sự cẩn trọng quá mức của hai người, y nói:

– Thưa ông, ông có phải là người Giatô giáo ngoan đạo hay không?

– Thì… tôi tin là thế – Coconnas trả lời.

– Thưa ông, ông có tận tụy với đức vua không? – Maurevel tiếp.

– Một lòng một dạ. Thậm chí tôi còn nghĩ rằng ông xúc phạm tôi khi đưa ra một câu hỏi như vậy.

– Thôi, chúng ta sẽ không tranh cãi nhau về điều ấy, tuy nhiên ông phải đi theo chúng tôi.

– Đi đến đâu.

Điều đó không quan trọng. Cứ phải đi theo cái đã. Vận mệnh của ông và có thể cả tính mạng của ông đều nằm ở đó.

– Thưa ông, tôi xin báo trước với ông rằng tôi có việc phải có mặt ở Louvre vào lúc nửa đêm.

– Thì chúng ta cùng đi tới đó.

– Ông de Guise đợi tôi ở đấy.

– Cả chúng tôi cũng vậy.

Nhưng tôi có một khẩu lệnh đặc biệt – Coconnas nói tiếp, lòng không khỏi bị day dứt khi phải chia sẻ cái vinh hạnh của cuộc tiếp kiến với gã Maurevel và bác chủ quán La Hurière.

– Chúng tôi cũng thế.

– Tôi còn có một dấu hiệu để nhận biết riêng.

Maurevel mỉm cười lôi ra từ dưới áo chẽn một nắm những chữ thập bằng vải trắng. Y trao cho La Hurière một, cho Coconnas một và lấy luôn cho mình một. La Hurière gắn hình thập tự lên chiếc mũ sắt của mình. Maurevel cũng gắn nó lên mũ y.

– Ơ này – Coconnas ngẩn người hỏi – Thế cuộc hẹn, khẩu lệnh và dấu hiệu để nhận biết là dành cho tất cả mọi người hay sao?

– Vâng, thưa ông, tức là để dành cho tất cả những người Giatô ngoan đạo.

– Vậy ra ở Louvre có hội phải không, tiệc của hoàng gia chứ gì? Coconnas kêu lên – Và người ta muốn loại trừ tất cả lũ chó Tân giáo không cho dự phải không? Được, tốt lắm, cực kỳ! Chúng vênh vang ở đó cũng khá lâu rồi đấy.

– Đúng, ở Louvre có hội, có tiệc của hoàng gia – Maurevel nói – Và tất cả những kẻ Tân giáo đều được mời… Hơn thế nữa, chúng sẽ là nhân vật chính của buổi hội, chúng sẽ trả tiền bữa tiệc Và ông muốn theo chúng tôi, chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc đi mời tay quán quân chủ yếu của chúng, viên quan toà Gédéon, như chúng gọi.

– Ông đô đốc? – Coconnas kêu lên.

– Vâng, đúng cái thằng già Gaspard. Cái thằng mà tôi đã ngu xuẩn bắn trượt. Mặc dù tôi bắn nó bằng súng của chính đức vua.

– Thưa ông quý tộc, đó là lý do tại sao tôi lại đánh bóng mũ sắt, mài gươm và liếc dao – Bác cả La Hurière trá hình chiến binh nói với giọng kèn kẹt.

Nghe thấy những lời đó, Coconnas rùng mình, mặt tái nhợt đi vì chàng bắt đầu hiểu ra.

– Sao? Thật à! – Chàng kêu lên – Cái cuộc hội ấy, bữa tiệc ấy là người ta sẽ…

– Ông chậm đoán ra thế, thưa ông – Maurevel nói – Người ta dễ dàng nhận ra ngay là ông không phải như chúng tôi, chúng tôi đã quá mệt với những trò láo xược của cái lũ ngoại đạo ấy.

– Và ông tự định ra cái việc đi đến nhà đô đốc và… – Coconnas hỏi.

Maurevel mỉm cười và kéo Coconnas tới sát cửa sổ.

– Nhìn xem kìa, ông có thấy trên cái quảng trường đầu phố, đằng sau nhà thờ ấy, có một toán người đang im lặng xếp hàng trong đêm tối không?

– Có

Những người trong toán đó đều có một chữ thập trắng giống như bác Hurière, tôi và ông.

– Thì sao?

– Thế này, toán người đó là một đại đội lính Thụy sĩ ở các tổng nhỏ, do Toquenot chỉ huy. Ông cũng biết là các ngài ở các tổng nhỏ đó là cánh hẩu với đức vua chứ.

– Ái chà chà! – Coconnas kêu.

– Bây giờ, ông nhìn tốp kỵ sĩ đang đi qua bờ sông, ông có nhận ra viên chỉ huy không?

– Làm sao tôi nhận ra được? – Coconnas vừa nói vừa rùng mình – Tôi mới tới Paris chiều nay.

– Thế thì đó chính là người có hẹn với ông vào lúc nửa đêm nay ở Louvre. Nhìn xem, ông ta sẽ chờ ông ở đó.

– Quận công de Guise phải không?

– Chính ông ấy. Cùng đi với ông ta là Marcel, thị trường cũ của đám thương nhân, và Choron, thị trưởng hiện nay. Cả hai sẽ tập hợp các đại đội dân binh của họ. Và này, kia là viên chỉ huy khu phố đang tới phố này, hãy xem ông ta làm gì?

– Một chữ thập trắng, ông bạn trẻ ạ, một chữ thập trắng giống như cái mà chúng ta đeo trên mũ đây. Ngày xưa, Chúa tự phân biệt lấy người của Chúa, ngày nay chúng ta văn minh hơn, chúng ta tránh cho Người khỏi phải làm việc đó.

– Nhưng mỗi nhà mà ông ta gõ cửa đều mở và có những thị dân vũ trang đi ra – Ông ta khẽ đập cửa nhà chúng ta và chúng ta cũng sẽ đi ra như họ.

Nhưng tất cả mọi người được huy động chỉ để đi giết một lão Tân giáo già ư? – Coconnas nói – Mẹ kiếp! Hổ thẹn lắm! Đây là việc của bọn giết người chứ không phải là việc của người lính!

– Ồng bạn trẻ – Maurevel nói – Nếu bọn già làm ông thấy ghê tay thì ông có thể chọn bọn trẻ. Có đủ loại cho mọi sở thích. Nếu ông khinh con dao găm, ông có thể dùng kiếm. Vì lũ Tân giáo không phải là hạng người để cho chúng ta vặn cổ mà không chống cự đâu, mà ông biết đấy, bọn Tân giáo dù già hay trẻ đều sống dai lắm.

– Thế thì giết tất cả bọn họ à? – Coconnas kêu lên.

– Giết tất.

– Có lệnh của đức vua ư?

– Lệnh của đức vua và ông de Guise.

– Thế vào bao giờ?

– Khi nào ông nghe thấy tiếng chuông ở Saint-Germain l Auxerrois.

– À, mà cái anh chàng người Đức dễ thương của ông de Guise… Tên anh ta là gì ý nhỉ?

– Có phải là ông de Besme không?

– Chính thế. Thảo nào mà ông de Besme bảo tôi phải chạy đến ngay khi nghe tiếng chuông cấp báo đầu tiên nổi lên.

– Vậy ra ông đã gặp ông de Besme rồi!

– Tôi đã gặp và nói chuyện với ông ta.

– Ở đâu vậy?

– Ở Louvre. Chính ông ta đã đưa tôi vào, đã cho tôi khẩu lệnh, đã…

– Ông nhìn kìa.

– Mẹ kiếp! Chính hắn.

– Ông có muốn nói gì với ông ta không?

– Thề có linh hồn tôi! Tôi muốn lắm chứ.

Maurevel nhẹ nhàng mở cửa. Quả thực là Besme đang đi qua với khoảng hai chục người.

– Guise và Lorraine! – Maurevel gọi theo.

– Besme ngoái lại và hiểu rằng người ta muốn nói với mình bèn tiến lại gần:

– A! Ông đấy à, ông Maurevel?

– Vâng tôi đây, ông tìm gì vậy?

– Tôi tìm quán trọ Tinh tú để báo cho một ông tên là Coconnas.

– Tôi đây! Thưa ông de Besme – Chàng trai nói.

– A tốt lắm! A được lắm! Ông đã sẵn sàng chưa?

– Rồi. Cần phải làm gì?

– Ông Maurevel bảo gì ông cứ làm theo. Tó là một người Giatô ngoan tạo.

– Ông thấy chưa?- Maurevel nói.

– Rồi – Coconnas trả lời – Nhưng còn ông, ông de Besme, ông đi đâu đấy?

– Tôi à? – de Besme vừa nói, vừa cười.

– Ừ, ông ấy.

– Tôi đi nói tí câu chuyện với ông đô đốc.

– Cứ nói cả hai câu chuyện với ông ta đi, nếu cần – Maurevel nói – Và lần này, nếu ông ta hồi lại được sau câu chuyện thứ nhất chắc sẽ không hồi lại được sau câu chuyện thứ hai đâu.

– Cứ yên tâm, ông Maurevel, cứ yên tâm. Và ông huấn luyện chàng trai kia thật tốt vào.

– Vâng, vâng, xin ông đừng lo. Dòng họ nhà Coconnas là giống săn thuần chủng hảo hạng đấy.

– Tạm biệt nhé.

– Ông đi nhé.

– Còn ông?

– Ông cứ bắt đầu cuộc săn đi, chúng tôi sẽ tới dự phần vây thú.

De Besme bỏ đi và Maurevel đóng cửa sổ lại.

– Đã nghe thấy chưa, cậu cả? – Maurevel nói – Nếu ông có vài kẻ thù riêng nào, dù hắn có không phải hoàn toàn là Tân giáo chăng nữa, cứ nhét hắn vào danh sách và hắn sẽ đi tong cùng với lũ kia.

Coconnas lại càng sững sờ hơn vì những điều chàng trông thấy và nghe thấy, chàng hết nhìn chủ quán đang vênh mặt oai phong lẫm liệt lại nhìn Maurevel đang thản nhiên rút từ trong túi ra một tờ giấy.

– Còn tôi, danh sách của tôi đây này. Có ba trăm đứa. Đêm nay chỉ cần mỗi người Giatô ngoan đạo làm được phần mười công việc của tôi thôi thì ngày mai trong cả vương quốc cũng không còn lấy một đứa ngoại đạo nào.

– Suỵt! – Hurière kêu.

– Gì thế? – Cả Coconnas và Maurevel cùng hỏi.

Người ta nghe thấy tiếng chuông đầu tiên trên tháp chuông ở Saint-Germain l Auxerrois

– Tín hiệu đấy! – Maurevel kêu lên – Người ta đẩy giờ sớm lên à? Họ bảo tôi là đến nửa đêm cơ mà?

– Càng tốt! Khi cần làm sáng danh Chúa và đức vua thì đồng hồ chạy nhanh còn tốt hơn là đồng hồ chạy chậm.

Quả thực, người ta nghe thấy tiếng chuông nhà thờ điểm một cách buồn thảm. Rồi tiếng súng đầu tiên vang lên và gần như tức thì nhiều ngọn đuốc rực lên chiếu sáng phố Arbresec như ánh chớp.

Coconnas đưa bàn tay đẫm mồ hôi lên lau trán.

– Bắt đầu rồi, lên đường thôi! – Maurevel kêu lên.

– Chờ chút đã! – Chủ quán nói – Trước khi ta đi đánh trận cần phải yên trí việc cửa nhà, trong chiến tranh người ta vẫn bảo thế mà. Tôi không muốn người ta vặn cổ vợ con tôi trong khi tôi đi vắng. Còn một gã Tân giáo ở đây.

– Ông De Mole ư? – Coconnas giật nảy người hỏi lại.

– Vâng! Cái đồ vô đạo ấy hắn đã tự dẫn thân vào miệng sói.

– Thế nào! – Coconnas nói – Ông đánh cả khách trọ của ông à?

– Tôi mài dao là để cho y trước hết đấy

– Á à! – Chàng Piémontais vừa nói vừa cau mày.

– Tôi chưa bao giờ giết ai ngoài lũ thỏ và gà vịt của tôi – Viên chủ quán đầy tư cách trả lời – Vậy nên tôi không biết rõ làm cách giết một người như thế nào. Thì đây, tôi sẽ thử tay với gã kia. Nếu tôi có vụng về thì chí ít là cũng chẳng có ai ở đó để chế nhạo tôi.

– Mẹ kiếp! Quá lắm! – Coconnas phản ứng – Ông de Mole cùng đi tới với tôi. Ông ta đã ăn tối với tôi và đã chơi bài với tôi.

– Vâng, nhưng de Mole là kẻ ngoại đạo – Maurevel nói – de Mole bị tuyên án rồi, nếu chúng ta không giết thì kẻ khác cũng giết mất thôi.

– Ấy là chưa kể hắn đã ăn mất của ông năm mươi écus – Chủ quán nói thêm.

– Đúng thế – Coconnas nói – Nhưng chơi quân tử lắm, tôi đoán chắc điều này

– Quân tử hay không thì trước sau ông cũng vẫn phải trả. Còn nếu như tôi giết y thì ông rũ nợ.

– Thôi thôi! Nhanh lên nào các ông – Maurevel kêu lên. Một phát súng, một nhát gươm, một cú chùy, một viên đá choảng, các ông muốn gì cũng xong nhưng kết liễu đi thôi, nếu các ông muốn chúng ta đến đúng lúc như đã hứa để giúp ông de Guise ở chỗ lão đô đốc.

Coconnas thở dài.

– Tôi chạy lên đây! – Hurière kêu lên – Chờ tôi nhé.

– Mẹ kiếp! – Coconnas kêu – Hắn lại sắp sửa làm cho chàng trai tội nghiệp ấy đau đây. Có khi hắn lại còn ăn trộm của chàng ta nữa. Mình phải lên kết thúc cho nhanh để cậu ta đỡ đau lâu, và ngăn không cho chúng lấy tiền của cậu ta.

Do cái ý nghĩ tốt đẹp đó thúc đẩy, Coconnas leo lên cầu thang sau bác cả La Hurière. Chẳng mấy chốc chàng đuổi kịp y vì càng lên cao thì chắc do tác động của suy nghĩ chín chắn hơn, La Hurière càng chậm bước.

Lúc La Hurière đến trước cửa, có Coconnas theo sau, trong lúc nhiều phát súng nổ rền trong phố. Ngay tức thì người ta nghe tiếng De Mole nhảy ra khỏi giường và sàn nhà kêu ken két dưới chân chàng.

– Quái quỷ! – La Hurière hơi run nói – Tôi tin là y thức dậy rồi.

– Tôi cũng thấy hình như thế – Coconnas nói.

– Thế y sẽ chống cự lại à?

– Ông ta có khả năng làm thế đấy. Nào bác cả La Hurière, thế nếu ông ta giết bác thì nhộn lắm nhỉ.

– Ưm hừm! – Chủ quán hắng giọng.

Nhưng do thấy trong tay mình có khẩu súng tốt, y định thần lại và mạnh chân đá tung cửa.

Và người ta thấy De Mole, đầu tuy không mũ nhưng vẫn mặc nguyên quần áo, lui về phía sau giường, gươm ngậm trong mồm, hai tay đều cầm súng ngắn.

– Ái chà! – Coconnas vừa nói vừa phập phồng cánh mũi như loài thú dữ ngửi thấy mùi máu – Giờ mới hay ho đây, bác cả La Hurière. Nào! Tiến lên chứ!

– A! Chúng muốn ám sát ta, hình như thế! – De Mole mắt sáng rực kêu lên – Vả lại là mày à, đồ khốn nạn?

Bác cả La Hurière chỉ trả lời cho câu chửi vỗ đó bằng cách hạ khẩu hỏa mai xuống và ngắm bắn chàng trai. Nhưng La Mole đã kịp nhìn thấy động tác biểu diễn này nên khi phát đạn nổ, chàng khụyu ngay chân xuống, đạn bay qua đầu chàng.

– Cứu tôi! – De Mole kêu lên – Ông de Coconnas, cứu tôi!

– Cứu tôi! Ông Maurevel ơi, cứu tôi với! – Bác cả La Hurière kêu.

– Xin thề, thưa ông de Mole! – Coconnas nói- Trong chuyện này, điều duy nhất mà tôi có thể làm được là không chống lại ông. Hình như đêm nay họ giết những người Tân giáo theo lệnh đức vua thì phải. Xin ông cứ tự xoay xở lấy theo khả năng của mình.

– A! Quân phản phúc. A! Đồ giết người! Nếu thế thì đợi đấy.

Đến lượt De Mole vừa ngắm vừa bóp cò khẩu súng ngắn.

La Hurière, vốn không rời mắt khỏi chàng, đã kịp nhảy tránh sang một bên, nhưng Coconnas không ngờ có sự phản công này, vẫn đứng nguyên chỗ và bị đạn sượt qua vai.

– Mẹ kiếp! – Chàng vừa nói vừa nghiến răng – thì chơi tay đôi nào, nếu mi muốn thế!

Và vừa rút kiếm ra, chàng vừa lao tới De Mole.

Hẳn là nếu Coconnas có một mình, De Mole đã đợi chàng, nhưng đằng sau Coconnas còn có bác cả La Hurière đang nạp lại đạn cho khẩu hoả mai, không kể Maurevel đang ba chân bốn cẳng leo lên cầu thang theo lời kêu cứu của chủ quán. Vì vậy De Mole nhảy vào trong một căn buồng gài chốt cửa lại sau lưng chàng.

– A! Đồ súc sinh! – Coconnas tức tối kêu lên và lấy chuôi kiếm nện vào cửa. – Chờ đấy! Mày ăn của tao bao nhiêu écus tối nay, thì tao sẽ chọc thủng bấy nhiêu lỗ trên cái thân xác mày! Cứ chờ đấy! Tao đến để giúp cho mày khỏi đau đớn. Tao đến để người ta đừng lấy tiền của mày! Thế mà mày thưởng công tao bằng phát đạn vào vai hả? Chờ dấy! Đồ khốn khiếp! Cứ chờ đấy!

Giữa lúc đó thì bác cả La Hurière lại gần lấy báng súng hỏa mai phang một cú khiến cánh cửa vỡ tung ra từng mảnh.

Coconnas lao vào trong buồng nhưng đập ngay mũi vào tường vì căn buồng trống trơn và cánh cửa sổ để ngỏ.

– Chắc y đã nhảy ra ngoài rồi – Chủ quán nóỉ – Chúng ta đã ở tầng bốn, vậy chắc y đã chết rồi.

– Hay là nó đã trốn thoát qua mái nhà hàng xóm – Coconnas vừa nói vừa trèo qua thành ngang cửa sổ và chuẩn bị trượt theo de Mole trên cái bề mặt trơn trượt và lởm chởm ấy.

Nhưng Maurevel và Hurière lao tới giữ chàng lại và lôi vào trong buồng.

– Ông điên à – Cả hai cùng kêu lên – Ông sẽ tự giết mình thôi.

– Chao ôi – Coconnas nói – Tôi là người vùng núi quen leo trèo trên những tảng băng mà. Vả lại khi có kẻ nào lăng mạ tôi một lần thì tôi cũng sẽ leo theo nó tới tận trời, hoặc đuổi theo nó tới tận địa ngục, dù cho nó đi bằng đường nào chăng nữa. Để cho tôi đi!

– Thôi đi! – Maurevel can – Hoặc là hắn đã chết, hoặc là hắn đã chạy xa rồi. Đi theo chúng tôi. Nếu như gã này thoát khỏi tay ông thì ông sẽ tìm thấy trăm ngàn đứa khác thế chỗ nó.

– Đúng đấy! – Coconnas thét lên – Giết hết bọn Tân giáo! Tôi cần phải trả thù, càng sớm càng tốt.

Và cả ba người lao xuống cầu thang như một cơn lốc.

– Đến nhà đô đốc! – Maurevel kêu lên.

– Đến nhà đô đốc! – La Hurière nhắc lại.

– Thì đến nhà đô đốc nào, nếu các ông muốn thế! – Coconnas nói.

Cả ba lao ra khỏi quán Tinh tú để mặc cho Grégoire và các cậu bồi khác canh giữ quán. Họ chạy về phía dinh đô đốc ở đường Béthisy. Lửa cháy rừng rực cùng với những phát súng hoả mai dẫn đường cho họ.

– Ê ai đi kia? – Coconnas kêu lớn – Một gã không mặc áo chẽn và không có khăn choàng.

– Chắc là một đứa đang chạy trốn – Maurevel nói.

– Bắn đi, bắn đi! Các ông có súng thì bắn đi! – Coconnas kêu.

– Ồ, không đâu! – Maurevel lắc đầu – tôi để dành thuốc súng cho con mồi bự hơn.

– Kìa, bắn đi, La Hurière.

– Đợi tôi cái đã – Chủ quán vừa nói vừa giương súng ngắm.

– Thôi đi – Coconnas kêu lên – Đợi được ông thì nó thoát mất rồi.

Vừa nói chàng vừa lao tới đuổi theo kẻ bất hạnh. Chẳng mấy chốc chàng đã đuổi kịp vì người kia đã bị thương. Nhưng vì không muốn đâm sau lưng kẻ khác, chàng kêu lên:

– Ê, quay lại! Quay lại đi!

Đang lúc đó một tiếng súng hỏa mai vang lên, viên đạn réo sượt bên tai chàng và kẻ trốn chạy ngã gục xuống như con thỏ bị trúng đạn của thợ săn trong lúc đang lao như tên.

Một tiếng kêu đắc thắng vang lên phía sau Coconnas. Chàng ngoái lại và thấy La Hurière đang huơ súng.

– A! – Gã kêu – ít ra thì tôi cũng mở hàng lấy lộc rồi.

– Vâng ạ, nhưng suýt nữa thì ông xuyên thủng tôi rồi đấy ạ!

– Cẩn thận, ngài quý tộc, cẩn thận! – La Hurière hớt hải kêu lên.

Coconnas nhảy lùi ra đằng sau. Kẻ bị thương nhổm dậy trên một chân với lòng quyết rửa hờn, người đó sắp vung dao găm đâm Coconnas đúng chủ quán kịp kêu lên báo cho chàng.

– A, đồ rắn độc! – Coconnas thét lên.

Vừa lao vào người bị thương, chàng vừa dùng kiếm đâm cho người đó ba nhát ngập sâu tới tận chuôi.

– Bây giờ tới nhà đô đốc, tới nhà đô đốc! – Coconnas kêu lên bỏ mặc người Tân giáo giãy giụa trong cơn hấp hối.

– Ái chà, ông quý tộc – Maurevel khoái trá – Hình như ông bén mùi rồi!

– Thế chứ – Coconnas nói – Tôi không biết là tại mùi thuốc súng làm tôi say hay nhìn thấy máu nên tôi bị kích động. Mẹ kiếp, tôi thấy mình mê chém giết rồi: Có thể nói đã là săn người. Tôi mới chỉ săn gấu và chó sói thôi. Săn người thì, xin thề danh dự, tôi thấy thú vị hơn đấy!

Và cả ba lại tiếp tục chạy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.