HOÀNG HẬU MARGOT

Chương 57 : Các Pháp Quan



Các Pháp Quan

Sau buổi hỏi cung, trong đó lần đầu tiên, vấn đề hình nhân bằng sáp được đặt ra, Coconnas bảo De Mole khi hai người gặp nhau:

– Này ông bạn ơi, mình thấy mọi việc đều có vẻ ổn thoả và chẳng mấy chốc mà chúng mình sẽ bị các pháp quan bỏ rơi thôi. Điều này hoàn toàn ngược với việc thầy thuốc bỏ rơi con bệnh tức là ông ta không thể cứu con bệnh được nữa, còn khi pháp quan bỏ rơi bị cáo, có nghĩa là ông ta mất hẳn hy vọng được cho chặt đầu anh ta.

– Ừ, thậm chí mình còn thấy rõ bàn tay của các cô bạn cao quý của chúng mình qua thái độ lịch sự, sự dễ dãi của các viên coi ngục, sự mềm dẻo của các cánh cửa, nhưng cứ theo như điều người ta nói với nhau thì mình vẫn chưa nhận ra thái độ ông de Beaulieu.

– Mình thì mình nhận ra lắm chứ, chỉ tội phải trả giá đắt đấy.

– Chậc! Một người là công chúa, một người là hoàng hậu, cả hai đều giàu, chẳng bao giờ họ có dịp tiêu tiền tốt hơn thế này đâu.

Bây giờ ôn lại bài cho nhớ nhé: họ đưa chúng mình tới tiểu giáo đường, để chúng mình đấy với anh chàng gác ngục của bọn mình rồi ở chỗ đã định mỗi đứa chúng mình sẽ tìm được một con dao găm, rồi mình mới khoét cho anh chàng coi ngục một lỗ vào bụng…

– Chớ chớ, đâm vào bụng thì cậu khiến hắn không hưởng được năm trăm ngàn écus mất, đâm vào tay ấy.

– Thôi đi, đâm vào tay sẽ khiến hắn gặp rắc rối mất, người ta sẽ thấy ngay là có thông đồng ở đây. Không, mình đâm vào bên phải, lách kheo khéo một tý dọc theo xương sưởn. Đâm vào đấy mới có vẻ như thật mà lại vô hại.

– Thôi được, sau đó thì…

– Sau đó cậu vác ghế dài ra chặn cửa còn hai nàng công chúa của chúng ta sẽ bay ra khỏi bàn thờ nơi họ nấp và Henriette sẽ đi mở cánh cửa con. Ôi thế chứ, giờ đây mình yêu nàng quá, chắc nàng đã phải phản bội mình rồi đây nên mình mới lại cảm thấy tình yêu bừng lên thế này.

– Và rồi chúng mình sẽ tới rừng – De Mole nói với giọng run rẩy thốt qua môi chàng như một giai điệu – Một nụ hôn sẽ khiến mỗi đứa chúng ta vui tươi và khỏe khoắn lại. Anibal, cậu có tưởng tượng ra chúng mình lại cưỡi trên những con tuấn mã mà lòng hơi se lại không? Ôi, được sợ hãi mới thích làm sao! Được sợ hãi dưới trời tự do, khi ta có một thanh kiếm sắc tuốt trần bên hông, khi ta được thét lên những tiếng kêu “hura” sẽ khiến chúng chồm lên phóng như bay.

– Ừ nhưng sợ hãi giữa bốn bức tường thì cậu bảo sao De Mole? Mình có thể phát biểu cảm tưởng về chuyện ấy lắm vì mình đã có một vài kinh nghiệm. Khi cái thằng cha mặt nhợt Beaulieu ấy bước vào phòng mình lần đầu tiên, trong bóng tối đằng sau hắn lấp lánh ánh nâu và có tiếng động ảm đạm của binh khí chạm nhau. Mình thề với cậu là mình nghĩ ngay tới quận chúa d Alençon và mình cứ chờ để được thấy cái mặt khỉ của hắn giữa hai cái mặt khỉ của bọn lính vác thương. Mình đã nhầm và chỉ được an ủi có thế, thế nhưng mình cũng không mất gì; đêm đến mình lại mơ thấy hắn ngay.

De Mole bận theo đuổi những ý nghĩ vui tươi của mình nên chẳng để ý gì đến bạn cũng đang thả hồn trong thế giới hoang tưởng, chàng nói:

– Vậy là họ đã tính trước cả, cả nơi chúng ta sẽ ẩn náu. Chúng ta sẽ đi Lorraine, ông bạn ạ. Thực tình là mình thích đi Navarre hơn, ở Navarre mình coi như ở nhà nàng rồi, nhưng Navarre xa quá, Nancy còn hơn. Với lại ở đây, chúng mình cách Paris có tám mươi dặm. Này, Anibal, cậu có biết mình ra khỏi đây nhưng chỉ tiếc có mỗi một điều thôi không?

– A, không… quái thật. Mình thì mình để tất cả những điều nuối tiếc của mình lại đây rồi.

– Này mình chỉ tiếc là không thể đem ông bạn coi ngục tử tế của chúng mình đi được…

– Nhưng hắn không muốn đâu, nếu đi thì hắn thiệt quá. Cậu nghĩ mà xem: năm trăm écus của chúng mình nhé, tiền thưởng của nhà nước nhé, có khi lại còn được thăng cấp nữa ấy chứ. Rồi đây sau khi mình giết hắn thì hắn sống mới sướng chứ, cái thằng cha ấy. Này, nhưng cậu sao thế kia?

– Không, mình chợt nghĩ ra một ý

– Hình như cái ý ấy chẳng hay ho gì lắm, cậu nom tái xanh tái xám kia kìa.

– Mình tự hỏi sao người ta lại đưa chúng mình đến giáo đường nhỉ?

– Ô thì để cầu nguyện chứ còn gì nữa. Mình thấy cũng đến lúc rồi.

– Nhưng người ta vẫn chỉ đưa tới giáo đường những kẻ bị kết án tử hình hoặc những người bị nhục hình thôi cơ mà.

– Ô hô! – Coconnas cũng hơi tái mặt đi – Cũng đáng quan tâm đấy. Ta thử hỏi cái anh chàng mà mình phải đâm lòi ruột ra xem. Này ông bạn cầm khoá!

– Thưa ngài gọi tôi! – Viên coi ngục đang đứng canh chừng trên những bậc thang đầu đáp.

– Ừ, lại đây!

– Tôi đây ạ.

– Có đúng đã thoả thuận là chúng ta sẽ trốn ở chỗ giáo đường không?

– Suỵt! – Viên coi ngục sợ hãi nhìn quanh.

– Cứ yên tâm, không ai nghe lỏm đâu.

– Thưa ngài, vâng, đúng ở chỗ giáo đường đấy ạ.

– Vậy ra họ dẫn chúng ta đến giáo đường à?

– Chắc chắn là như vậy vì lẽ thường vẫn thế.

– Lẽ thường nào?

– Vâng, sau mỗi lần kết án tử hình, người ta có lệ để người tử tù qua đêm ở nơi giáo đường.

Coconnas và De Mole cùng rùng mình nhìn nhau.

– Vậy anh nghĩ rằng chúng ta sẽ bị kết án tử hình à?

– Đúng thế ạ… Nhưng các ngài cũng tin thế đấy thôi.

– Sao? Chúng ta cũng tin thế ấy à? – De Mole hỏi

– Vâng… Nếu các ngài không tin như thế, các ngài đã chẳng chuẩn bị để trốn đi như thế này.

– Cậu thấy chưa hắn nói chí lý lắm! – Coconnas bảo De Mole.

– Ừ. Và ít ra bây giờ mình cũng biết là chúng mình đang chơi “được ăn cả ngã về không”.

– Thế còn tôi thì sao? – Viên coi ngục hỏi – Ngài tưởng tôi không liều ấy à? Nếu ngài đây vì xúc động lại đi đâm nhầm chỗ thì…

– Này, mẹ kiếp! – Coconnas chậm rãi nói – Ta chỉ mong được ở địa vị mi, chẳng phải lo đối chọi với bàn tay nào ngoài ban tay này, ngọn dao nào ngoài lưỡi dao sẽ phải đâm mi đây thôi.

– Tử tù! – De Mole lẩm bẩm – Không thể thế được!

– Không thể được? – Viên cai ngục ngây thơ hỏi lại – Tại sao ạ?

– Suỵt: – Coconnas đáp – Hình như có người mở cửa tầng dưới đấy.

– Đúng thế thật – Viên coi ngục hấp tấp nói – Xin các ngài vào đi!

– Anh nghĩ bao giờ thì xét xử? – De Mole hỏi.

– Chậm nhất là ngày mai. Nhưng xin các ngài yên tâm, những người cần được báo sẽ biết trước.

– Vậy chúng ta hãy ôm nhau và từ biệt những bức tường nơi đây.

Hai người bạn ôm chầm lấy nhau rồi ai về phòng nấy, de Mole vừa đi vừa thở dài còn Coconnas vừa về vừa ngâm nga hát.

***

Đến tận bảy giờ tối cũng vẫn không có chuyện gì xảy ra.

Một đêm tối trời và mưa dầm dề phủ xuống toà thành Vincennnes.

Thật là một đêm tốt lành cho các cuộc vượt ngục. Người ta đem bữa tối đến cho Coconnas. Chàng ăn rất ngon miệng như thường lệ và nghĩ tới niềm vui thú nếu được dầm trong cơn mưa đang gõ rào rào trên tường thành. Chàng đã chuẩn bị đi ngủ trong tiếng gió rì rầm trầm trầm đơn điệu mà đôi khi chàng vẫn nghe với chút sầu tư chàng chưa bao giờ cảm thấy khi chưa vào tù. Chợt chàng thấy có tiếng gió rít dưới các cửa nghe lạ hơn lúc thường, lò sười cũng reo phì phì nhiều hơn. Hiện tượng này thường xảy ra khi người ta mở một trong các hầm giam của tầng trên và nhất là cửa phòng giam trước mặt. Mọi khi nghe tiếng động này Coconnas vẫn nhận ra rằng viên coi ngục sắp tới chỗ chàng vì tiếng động đó có nghĩa là y vừa ở chỗ De Mole ra xong.

Tuy nhiên lần này Coconnas vươn cổ vểnh tai nghe ngóng vô ích.

Thời gian trôi qua mà chẳng có ai tới.

“Lạ nhỉ – Coconnas tự nhủ – Mở phòng De Mole mà không mở phòng mình. De Mole cho gọi người à? Cậu ta ốm chăng? Thế là thế nào?”.

Đối với một tù nhân, mọi việc đều có thể trở thành nỗi nghi ngờ và lo lắng cũng như có thể trở thành niềm vui mừng và hy vọng.

Nửa tiếng đồng hồ trôi qua, rồi một tiếng, rồi một tiếng rưỡi.

Coconnas tức tối bắt đầu thiu thiu ngủ, chợt tiếng khoá lách cách làm chàng bật dậy.

“Ô hô! – Chàng tự bảo – Hay đã đến giờ ra đi rồi và người sẽ dẫn chúng mình đến giáo đường mà không phải bị kết án? Mẹ kiếp! Trốn trong một đêm như thế này thì cũng thích thật, trời tối đen như mực, chỉ mong sao lũ ngựa đừng bị tối tăm mặt mũi lại thôi!”

Chàng đang định vui vẻ hỏi viên giữ khoá thì thấy y đặt tay lên môi và đưa mắt đầy ý nghĩa.

Quả là đằng sau y người ta nghe có tiếng động và nhận thấy những bóng người.

Đột nhiên giữa bóng tối, chàng nhận thấy hai chiếc mũ sắt và ngọn nến mù làm hắt lên hai ánh lấp lánh.

“Ái chà – Chàng nói nhỏ – Lệ bộ thê thảm này là thế nào? Ta đi đây?”.

Viên coi ngục chỉ đáp bằng một tiếng thở dài nghe giống như một lời rên rỉ.

– Mẹ kiếp – Coconnas lẩm bẩm – Đời mới chó má chứ! Bao giờ cũng cực đoan, chẳng có gì là tốt lành cả hoặc là bì bõm trong bùn lầy ngập cổ, hoặc là lượn lờ trên trời, không có lơ lửng ở giữa. Nào, ta đi đâu đây?

– Hãy đi theo lính cầm kích, thưa ông – Một giọng nói đớt vang lên khiến Coconuax nhận ra một viên môn lại đi theo những người lính mà chàng thoáng trông thấy.

– Còn ông de Mole? Ông ta đâu? Ông ta ra sao rồi – Anh chàng Piémontais hỏi.

– Xin hãy đi theo lính cầm kích – Vẫn giọng nói đớt đều đều ấy đáp.

Phải tuân lệnh thôi. Coconnas ra khỏi phòng và nhìn thấy người mặc áo đen có cái giọng chàng nghe khó khịu đến thế. Đó là một viên lục sự gù lưng chắc đã đi theo ngành áo chùng đề người ta khỏi nhận thấy y cũng bị khoèo chân nữa.

Y chậm rãi bước xuống cầu thang xoáy ốc. Tới tầng một, những người gác dừng lại cả.

– Xuống dốc thế là đã nhiều rồi đấy, nhưng chắc vẫn còn chưa hết đâu – Coconnas lẩm bẩm.

Cửa mở, Coconnas mắt sắc như mèo rừng và mũi thính như chó săn, chàng ngừi thấy mùi các pháp quan và thấy trong bóng tối có hình một người đàn ông với cánh tay trần khiến chàng toát mồ hôi trán. Tuy vậy, chàng vẫn giữ một vẻ mặt tươi cười nhất, nghiêng đầu về bên trái theo cách trang trọng của mốt thời bấy giờ và tay chống nạnh, chàng bước vào phòng.

Có người vén một tấm thảm treo lên và Coconnas nhìn thấy đúng là những viên pháp quan và lục sự thật.

Cách những viên pháp quan và lục sự này vài bước là De Mole đang ngồi trên ghế dài.

Coconnas được dẫn tới trước toà. Đến trước mặt quan toà, chàng gật đầu cười với De Mole rồi đợi.

– Tên ông là gì? – Viên chánh án hỏi.

– Marc Anibal Coconnas – Nhà quý tộc trả lời với vẻ rất duyên dáng – Bá tước Montpantier, Chenaux và những vùng khác nhưng tôi ngỡ rằng các vị đã biết hết chức tước của chúng tôi rồi chứ.

– Ông sinh ở đâu?

– Ở Saint-Colomban, gần Suze.

– Bao nhiêu tuổi?

– Hai mươi bảy tuổi ba tháng.

– Tốt lắm – Viên chánh án nói.

– Hình như hắn vui thích về điều đó lắm thì phải – Coconnas lầm bẩm.

– Bây giờ thì mục đích của ông là gì khi ông rời bỏ ông d Alençon? Sau một lát im lặng để viên lục sự có thì giờ ghi chép lại những câu trả lời của bị cáo, viên chánh án hỏi tiếp.

– Đó là để đến với ông de Mole bạn tôi đang có mặt tại đây ông này rời bỏ ông hoàng trước tôi mấy ngày.

– Các ông làm gì ở chỗ cuộc săn nơi các ông bị bắt?

– Tôi đi săn chứ còn gì nữa – Coconnas đáp.

– Đức vua cũng tham gia cuộc săn đó. Và chính ở đó Người đã bị những cơn đau đầu tiên của chứng bệnh đang giày vò Người hiện nay.

– Về việc này thì khi ấy tôi không ở gần đức vua nên tôi không thể nói gì hơn. Tôi thậm chí còn không biết là Người lâm bệnh nữa kia.

Các viên pháp quan nhìn nhau với một nụ cười khó tin.

– À ra ông không biết đấy? – Viên chánh án hỏi.

– Thưa ông đúng thế, tôi lấy làm phiền lòng về việc ngọc thể bất an. Dù vua nước Pháp không phải là vua của tôi, nhưng tôi rất có nhiều thiện cảm với Người.

– Thật thế ư?

– Xin thề danh dự! Không phải như đối với hoàng đệ quận công d Alençon. Ông này, tôi xin thú thật là…

– Đây không phải là chuyện quận công d Alençon mà chúng ta đang nói về thánh thượng, thưa ông.

– Thế thì tôi đã nói với ông rằng tôi là kẻ tôi tớ rất kính cẩn của Người rồi còn gì? – Coconnas vừa đáp vừa đung đưa người vớỉ vẻ láo xược rất đáng khâm phục.

– Nếu ông quả đúng là kẻ tôi tớ của Người như ông định mạo nhận, liệu ông có vui lòng nói cho chúng tôi những gì ông biết về một hình nhân phù phép nào đó không?

– À được lắm, hình như chúng ta lại quay lại chuyện cái hình nhân thì phải?

– Thưa ông, đúng vậy, điều đó làm ông không vừa lòng ư?

– Không, thà thế còn hơn. Ông hỏi đi.

– Tại sao lại có cái hình nhân này ở nhà ông de La Mole?

– Nó mà ở nhà ông de Mole à? Ông định nói là ở nhà René chứ gì?

– Vậy ông thừa nhận là có hình nhân đó phải không?

– Đức mẹ ơi, vâng, nếu người ta chỉ nó cho tôi.

– Nó đây. Có đúng là hình nhân mà ông biết không?

– Đúng lắm.

– Lục sự – Chánh án truyền – Viết rằng bị cáo đã nhận ra hình nhân đó được thấy ở nhà ông de Mole.

– Chớ chớ, đừng có lẫn lộn, do được thấy ở nhà René chứ?

– Ở nhà René cũng được. Ngày nào?

– Có mỗi một ngày mà ông de Mole và tôi cùng tới đấy mà thôi.

– Vậy ông thú nhận là đã tới nhà René cùng ông de Mole?

– Chậc! Thì tôi có bao giờ giấu đâu?

– Lục sự! Ghi rằng bị cáo thú nhận đã tới nhà René để làm bùa yểm.

– Ấy ấy từ từ chứ, ngài chánh án. Đừng có hăng quá thế, tôi có nói gì về việc ấy đâu.

– Ông chối là đã đến nhà René để làm bùa yểm hả?

– Tôi phủ nhận. Chuyện yểm bùa là do tình cờ chứ không phải là định trước.

– Thế nhưng có bùa yếm hay không?

– Tôi không phủ nhận là đã có chuyện giống như việc yểm bùa xảy ra.

– Lục sự, ghi rằng bị cáo thú nhận đã yểm bùa nhằm hại tính mạng nhà vua tại nhà René.

– Sao? Hại tính mạng nhà vua à? Trò dối trá thô bỉ! Chưa bao giờ có chuyện yểm bùa chống lại tính mạng nhà vua ở đây cả – Các ông đã thấy chưa? – La Mole nói.

– Im lặng! – Viên chánh áp đáp.

Rồi hắn quay về phía viên lục sự tiểp:

– Hại sinh mạng nhà vua, xong chưa?

– Không đâu – Coconnas tiếp lời – Vả lại đấy đâu phải là hình nhân đàn ông, đây là hình nhân đàn bà.

– Thế nào, các ông, tôi đã nói rồi còn gì? – De Mole lại nói.

– Ông de Mole – Chánh án nói – Khi nào chúng tôi hỏi thì ông sẽ trả lởi. Đừng có cắt ngang cuộc thẩm vấn những người khác.

– Nào, ông bảo rằng đó là tượng đàn bà à?

– Đúng thế, tôi bảo thế đấy.

– Tại sao hình nhân lại có vương miện và hoàng bào?

– Mẹ kiếp! – Coconnas đáp – Đơn giản lắm, đó là vì…

La Mole nhốm dậy và đặt ngón tay lên miệng.

– Ừ nhỉ – Coconnas đáp – Mình sắp nói nhăng nói cuội gì đấy nhỉ, cứ như thể chuyện có dính dáng gì tới các ngài đây không bằng.

– Thế ông vẫn khăng khăng bảo đây là hình nhân đàn bà?

– Đúng thế, tôi bảo lưu ý kiến.

– Ông từ chối không nói người đàn bà này là ai?

– Đây là một người đàn bà ở xứ tôi mà tôi đã yêu và muốn được yêu lại – De Mole đáp thay.

– Người ta không hỏi ông, ông de Mole – Viên chánh án kêu lên – Ông im đi, nếu không người ta sẽ bịt miệng ông lại.

– Bịt miệng lại! – Coconnas thốt lên – Ông bảo sao, hở cái đồ áo chùng đen? Người ta bịt miệng bạn tôi lại! Một nhà quý tộc kia mà! Thôi đi!

– Cho René vào – Quan tổng biện lý Laguesle nói.

– Được, cứ cho René vào – Coconnas đáp – Rồi ta sẽ thấy ở đây ai đúng, ba người các ông hay hai người chúng tôi.

René bước vào, mặt xanh xao, nom già hẳn đi, gần như không thể nhận ra được đối với hai người bạn, tội lỗi y sắp phạm đè nặng lên y còn hơn cả những tội mà y đã phạm.

– Thầy René, – Viên pháp quan hỏi – Thầy có nhận ra hai bị cáo đây không?

– Thưa ông, có – René trả lời với giọng đầy xúc động.

– Thầy gặp họ ở đâu?

– Ở nhiều nơi và cụ thể là ở nhà tôi.

– Họ đến nhà thầy bao nhiêu lần?

– Mỗi một lần.

René càng nói, nét mặt Coconnas càng tươi lên. Ngược lại De Mole vẫn giữ vẻ thâm trầm dường như chàng có mối linh cảm nào đó.

– Thế họ đến nhà ông để làm gì?

– Để đặt tôi làm một hình nhân bằng sáp – René dường như ngập ngừng một lát rồi mới nói.

– Xin lỗi, thầy René – Coconnas ngắt lời – Ông hơi nhầm đấy.

– Im lặng! – Viên chánh án nói rồi quay sang René hỏi tiếp:

– Hình nhân đó là hình nhân đàn bà hay đàn ông?

– Đàn ông – René đáp.

Coconnas bật dậy như lò xo.

– Đàn ông? – Chàng hỏi.

– Đàn ông – René trả lời với giọng yếu ớt đến nỗi viên chánh án nghe rất khó.

– Thế tại sao hình nhân đàn ông ấy lại mang áo choàng và vương miện?

– Vì hình nhân đó bíểu tượng cho một vị vua.

– Đồ dối trá đê tiện! – Coconnas tức giận kêu lên.

– Coconnas, cậu im đi – De Mole ngắt lời chàng – Cứ để mặc cho người này nói, mỗi người đều có quyền đánh mất linh hồn của mình.

– Nhưng mẹ kiếp, hắn không được làm mất mạng kẻ khác chứ!

– Thế chiếc kim bằng thép đâm vào tim hình nhân với chữ “M” đính trên băng giấy là nghla thế nào?

– Chiếc kim biểu tượng cho thanh kiếm hoặc dao găm, chữ “M” có nghĩa là MORT(chết).

Coconnas phác một cử chỉ như muốn vặn cổ René, bốn người gác kìm chàng lại.

– Tốt lắm – Biện lý Laguesle nói – Toà đã được thông báo khá đầy đủ. Các anh giải tù nhân vào phòng đợi.

– Nhưng bị tố cáo những điều như thế không thể nào không phản kháng – Coconnas kêu lên.

– Thì ông cứ phản kháng đi, có ai ngăn ông đâu. Lính gác đâu các anh đã nghe thấy gì chưa?

Bọn lính gác túm lấy hai bị cáo và đưa họ ra mỗi người theo một cửa.

Rồi biện lý ra hiệu cho người đàn ông mà Coconnas đã thoáng nhìn thấy trong bóng tối và bảo y:

– Thầy đừng có đi đâu, đêm nay thầy có việc đấy.

– Thưa ngài, tôi phải bắt đầu với người nào đây? – Người đàn ông kính cẩn cầm mũ ra tay hỏi.

– Với tên này, – Viên chánh án vừa nói vừa trỏ De Mole mà người ta còn nhìn thấy như một cái bóng giữa hai người lính gác.

Rồi y tới gần René đang run sợ đứng chờ được giải về Châtelet nơi y giam giữ.

– Tốt lắm – Viên chánh án nói – Thái hậu và đức vua sẽ biết được rằng nhờ có thầy mà thánh thượng được rõ sự thật.

Nhưng lẽ ra lời hứa hẹn phải làm cho René tỉnh người lên thì dường như lại khiến y bàng hoàng hơn và y chỉ trả lời bằng một tiếng thở dài.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.