Hồi Ký Lý Quang Diệu – Tập 1

24. CÔNG KHAI LỰC LƯỢNG



Áp lực trong những tuần lễ sau khi tách ly với cánh tả thật căng thẳng. Mỗi ngày, chúng tôi trao đổi những tuyên bố trên báo. Ngày 30/6/1961, 13 dân biểu PAP thoát ly thông báo thành lập một Barisan Sosialis với những mục tiêu y hệt như của PAP: “Một Malaya, bao gồm Liên bang Malaya hiện nay và Singapore, dân chủ, độc lập, xã hội chủ nghĩa và không cộng sản”. Hầu như ngay lập tức, những đường phân ranh tương tự cũng hình thành trong số các nghiệp đoàn. Ngày 3/8, Sở đăng bạ hiệp hội cho giải tán Tổng liên đoàn lao động sau khi Bộ trưởng lao động được khuyến cáo rằng các nghiệp đoàn thân cộng và không thân cộng không thể cùng tồn tại trong một tổ chức được nữa, do đó Lim Chin Siong đã tập hợp lãnh tụ các nghiệp đoàn trung thành với ông ta – bấy giờ đã tới 82 – để thảo luận việc thành lập một Liên hiệp các nghiệp đoàn Singapore (SATU).

Tôi muốn hiểu tâm tư của quần chúng, để biết chúng tôi có rơi vào một tình trạng tuyệt vọng như Lim Yew Hock khi ông ta tảo thanh lực lượng cộng sản trong những đợt bạo loạn hồi tháng 10/1956 không. Nên Pang Boon, Ahmad Ibrahim và tôi tạm gác những công việc chính phủ để đi thăm lại các cơ sở quần chúng của mình nhằm trắc nghiệm phản ứng của dân chúng trước những biến chuyển bất ngờ trong tình hình hiện nay.

Tôi đi một vòng đơn vị bầu cử Tanjong Pagar của mình, gặp những người thường lui tới trung tâm sinh hoạt cộng đồng, nói chuyện với những người trong ban điều hành trung tâm cũng như các thủ lĩnh quần chúng, dạo qua các con phố, thăm các cửa hiệu, chuyện trò với người dân, và đến tối thì viếng nhà họ hoặc tán gẫu với họ trong quán cà phê. Tôi cũng đến thăm những trung tâm sinh hoạt cộng đồng ở các đơn vị bầu cử khác, và một số nghiệp đoàn không thân cộng mà tôi đã hợp tác từ trước. Tôi thấy rằng các thủ lĩnh và các thành viên không có vẻ thù địch. Những người trước đây từng hợp tác với tôi nay vẫn còn thân thiện và ủng hộ. Phần lớn thì hoang mang, một số thì sợ hãi. Không có ai tránh né tôi hay nghĩ tôi là kẻ phản bội. Tôi không bị rơi vào tình thế tồi tệ như Lim Yew Hock trước đây.

Trong vòng vài ngày, Pang Boon và Ahmad cũng báo cáo những chuyện tương tự. Quần chúng đã không quay lại chống chúng tôi, những tay hoạt động trước đây vẫn là những ủng hộ viên của chúng tôi, nhưng nhiều thường dân đã lo ngại trước những biến chuyển gần đây và bồn chồn về tương lai. Tôi không đến viếng những nghiệp đoàn thân cộng. Họ hẳn sẽ cực kỳ thù nghịch, hay còn gây căm hờn nữa.

Thoát khỏi những sự vụ hành chính, tôi đã có được thời gian để thăm dò tư tưởng quần chúng, để suy ngẫm và vạch ra kế hoạch hành động cho giai đoạn kế tiếp. Tôi đã hiểu ra rằng khi phải đối đầu với những đợt tấn công hung bạo, tốt nhất là đỡ gạt những đòn tấn công, giữ bình tĩnh và suy nghĩ lại về những điều căn bản. Quyết định đã đưa ra không thể thu hồi khi chúng tôi tiến hành cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ngày 21/7. Việc tách ly với cánh tả đã thành công khai, cuộc chiến đấu còn tiếp tục.

Chúng tôi không được phép quên điều đó. Lim Chin Siong đang hoạt động đến hết công suất. Một khi cuộc bỏ phiếu đã tiến hành và họ thấy không thể giành được chính quyền, phái khuynh tả đã nỗ lực phá vỡ các chi bộ PAP và quyết định hủy hoại những chi bộ ấy. Hai mươi trong số 25 bí thư chi bộ cùng ủy ban chi bộ của họ đã bước sang hàng ngũ bên kia, mang theo các tài sản của chi bộ, kể cả bàn máy chữ, bàn ghế đồ đạc và các máy may dùng cho các lớp dạy may. Nhưng bây giờ chúng tôi có lực lượng cán bộ riêng và họ không thể khống chế được đảng. Cùng với Pang Boon, tôi đi thăm một vòng các chi bộ để giữ vững tinh thần cho các cơ sở và cho thấy rằng, không như Mặt trận Lao động, chúng tôi không chịu bị thất bại. Chúng tôi xoay xở thu hồi được một số tài sản cho các chi bộ. Chan Chee Seng, tay dân biểu đai đen nhu đạo của chúng tôi, làm công việc thừa phát lại. Ông ta không nao núng trước trò đe dọa, lòng trung thành và can đảm của ông khiến cả hai chúng tôi quý mến.

Trong giới nghiệp đoàn, Lim Chin Siong và các đồng sự đã làm hết sức để kích động, tạo nên tình trạng hoang mang và bất mãn, những tiền đề cho các cuộc đấu tranh quần chúng. Họ không thể thuyết phục các viên chức chính quyền đi theo họ được, vì những viên chức ấy đều hưởng nền giáo dục Anh hoặc Malay, nhưng họ có thể thu nạp được những người trong Liên hiệp nhân dân (PA) hay Lữ đoàn công chính do chính phủ thành lập, sử dụng những tay hoạt động có Hán học mà trong đó họ đã cài sẵn những phần tử thân cộng. Tôi biết họ sẽ làm như thế, nhưng tôi cũng đành phải cho lập những tổ chức ấy nhằm tạo chỗ đứng trong khối dân Hán học. Thanh lọc toàn bộ những phần tử này ra ngoài là việc không thể làm được, một số vẫn có thể lọt qua. Điều mà tôi không dự liệu trước được là họ, với một nhóm nhỏ, đã có thể xoay chuyển cả khối đông một cách dễ dàng làm sao.

Chúng tôi đã xây dựng hai tổ chức ấy bằng nguồn lực của chính phủ để mong thu hút được quần chúng. PA hiện đã có những liên hệ với các bang hội, các nhóm văn hóa và dân sự, và khoảng 100 trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Tôi đã giao cho Chan Sun Wing, thư ký trong quốc hội của tôi, phụ trách điều hành tổ chức này. Nhưng Chan lại là một đảng viên MCP mà Jek Yeun Thong lầm tưởng rằng có thể kiểm soát được. Thay vì thế, Chan đã tiến hành tuyển mộ những người từ phong trào nghiệp đoàn và chi bộ PAP để tiếp tay điều hành (và thâm nhập vào) các trung tâm sinh hoạt cộng đồng và trung ương PAP. Ở Lữ đoàn công chính, một lực lượng có đồng phục tập hợp khoảng 2.000 thanh niên thất nghiệp, mọi chuyện cũng xảy ra tương tự. Theo kế hoạch, chúng tôi xây dựng trại cho họ cư trú, huấn luyện họ thành một lực lượng khá kỷ luật, và giao cho họ việc xây dựng đường sá ở nông thôn, đào kênh mương, hoặc làm những công việc lao động chân tay khác. Nhưng Kenny, Bộ trưởng lao động, đã giao cho thư ký chính trị của ông ta phụ trách Lữ đoàn này. Viên thư ký đó chính là Fong Swee Suan, người đã quay về với phía bên kia. Wong Soon Fong, dân biểu khu vực Toa Payoh của chúng tôi, được yêu cầu hỗ trợ cho Kenny, hóa ra cũng là một cán bộ trung kiên của họ và đã giúp Fong cài những người thân cộng vào những vị trí chủ chốt của Lữ đoàn. Kết quả là những người cộng sản đã có thể bẻ gãy cả hai tổ chức này.

Họ đã phá sạch những trung tâm cộng đồng như đã làm với các văn phòng chi bộ PAP, đập gãy hàng rào và lấy đi các quạt máy, dụng cụ nấu ăn và trang bị chơi thể thao. Họ cho người ngăn cản người của Bộ lao động đến các trụ sở mới chuyển tới của PAP. Trước khi cuộc đình công tàn đi vào tháng 11, họ đã dùng đến bạo lực, tấn công những công nhân không tham gia đình công, làm bị thương một người Malay và một công nhân người Hoa và xung đột với cảnh sát.

Kenny mất vía trước cuộc biểu dương sức mạnh của Fong, mất vía đến nỗi cho dù tôi đã bãi chức thư ký chính trị của Fong, Kenny vẫn không dám có hành động chống lại ông ta, các nghiệp đoàn và Lữ đoàn công chính. Đối đầu với người Anh, Kenny không sợ gì cả; đối đầu với lực lượng cộng sản thì ông ta kinh hoàng. Tôi thảo luận vấn đề này với Chin Chye, Keng Swee, Raja và Pang Boon, và kết luận rằng chúng tôi cần một Bộ trưởng dũng mãnh hơn. Thế là tôi đổi chỗ của Kenny và Ahmad Ibrahim, Kenny về Bộ Y tế nơi mọi chuyện yên bình hơn, còn Ahmad, vốn là nhân viên cứu hỏa, chuyển từ Bộ Y tế sang Bộ Lao động, ở cương vị này, sau đó, ông chứng tỏ mình không hề sợ khủng bố. Ông ta cho giải thể Tổng liên đoàn lao động và có biện pháp chống lại một số tay điều hành khuynh tả chủ chốt trong Lữ đoàn công chính.

Việc này khơi dậy một cuộc nổi loạn. Tháng 11, những tay hiếu chiến trong Lữ đoàn công chính kích động việc thành lập một nghiệp đoàn, và 160 người vây quanh văn phòng ban chỉ huy trại. Họ đưa ra một loạt yêu sách, trong đó có cả việc đòi thuyên chuyển viên chỉ huy, và đến ngày 24/11, họ đốt xe đạp của ông này và của hai người khác bị coi như ủng hộ viên của PAP. Chúng tôi kết án bảy người trong bọn họ về tội phá rối. Họ thành lập một ủy ban hành động, tổ chức mít–tinh phản đối, cho người phong tỏa các văn phòng điều hành của Lữ đoàn công chính. Và tháng 12, sau khi ba trong số các thủ lĩnh của họ bị sa thải, 180 người đã dựng hàng rào chướng ngại cố thủ trại Paya Lebar.

Họ là một tổ chức bán quân sự có đồng phục với ít nhiều kỷ luật đoàn kết và sẽ trở nên tai hại nếu họ đổ ra cướp bóc phá phách, nên chúng tôi quyết định dùng đến quân đội Singapore, lúc đó chỉ có hai tiểu đoàn, để chiếm lại khu trại và tái lập an ninh trật tự. Tôi muốn quân đội phải tránh nổ súng hay bất cứ hành vi bạo lực nào gây thương vong mà người cộng sản có thể khai thác để lôi cuốn quần chúng ủng hộ. Nên tôi chỉ thị cho viên chỉ huy người Anh phải phô diễn lực lượng thật hùng hậu để bọn gây rối không dám kháng cự. Tôi nói nếu chúng ta có những đội quân người Gurkha thì tôi chắc chắn không ai dám thách thức và Lữ đoàn công chính sẽ tan rã, nhưng tôi không dám chắc những người chống đối kia có e dè những binh lính Singapore không. Viên sỹ quan nói rằng sẽ chẳng có vấn đề gì đâu và ra lệnh cho binh sĩ bao vây khu trại với súng có gắn sẵn lưỡi lê. Đối mặt với cuộc phô diễn lực lượng này, 400 đoàn viên của Lữ đoàn công chính đã tan rã không chút kháng cự nào. Sau đó chúng tôi giải tán Lữ đoàn này.

Một lần nữa, họ thành lập ủy ban hành động và yêu cầu một ủy ban điều tra. Nhưng đó chỉ là những nỗ lực gây đình trệ rất yếu ớt so với cuộc xách động trong năm 1955 và 1956. Hai yếu tố đã ngăn chặn họ là: thứ nhất, công luận có thể không đồng tình nếu họ cố tình gây bạo động khi dân chúng chưa thấy phẫn nộ vì một chuyện bất mãn nào đó, như chuyện đe dọa đối với nền giáo dục bằng tiếng Hoa chẳng hạn; và thứ nhì, bạo động có thể khiến chính phủ có biện pháp an ninh mạnh tay hơn đối với họ.

Trên mặt trận công nghiệp, tôi e Lim Chin Siong sẽ tổ chức gây bất ổn với quy mô lớn nên đã cảnh giác trong một cuộc họp báo rằng chúng ta có thể sẽ đối mặt với một tình trạng lặp lại của năm 1955– 56. Trong năm 1961, có 116 cuộc đình công, 84 cuộc trong số đó đã xảy ra sau khi PAP tách bạch thành hai phái (ngày 21/7), và trong 15 tháng, từ tháng 7/1961 đến tháng 9/1962, đã có tới 153 cuộc bãi công, một kỷ lục ở Singapore thời kỳ sau Thế chiến.

Đến lúc đó tôi đang đi đi về về Kuala Lumpur để thảo luận với Tunku về việc hợp nhất, và trong những dịp tôi trở về bằng máy bay rồi ngồi xe từ phi trường Paya Lebar về Dinh chính phủ hoặc nhà riêng, tôi có thể gặp từ sáu tới mười nhóm những người đình công và những cán bộ của họ, những công nhân lãn công đứng ngoài các phân xưởng hay nhà máy với biểu ngữ và các nồi niêu xoong chảo. Họ giam lỏng các chủ hãng, gây tai hại cho nền kinh tế, làm nản lòng những nhà đầu tư và làm tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Nhưng phản công một cách thiếu suy nghĩ thì chẳng ích gì. Tôi nghĩ cứ để yên mọi chuyện thì tốt hơn và cứ lướt qua giai đoạn khó khăn này cho đến khi chúng tôi thắng được phe cộng sản trong vấn đề hợp nhất. Tôi cảm thấy yên tâm trở lại sau vài ngày đầu gặp gỡ những thường dân trong đơn vị bầu cử của tôi, trong các trung tâm cộng đồng và nghiệp đoàn. Chúng tôi giờ đã tách bạch khỏi phe tả và có thể hành động dứt khoát để củng cố sức mạnh mà không phải e dè là sẽ gây rạn nứt. Lim Chin Siong và các đồng sự của ông ta giờ đã đứng riêng một bên rõ rệt. Tiến sĩ Lee Siew Choh trong vai trò chủ tịch Barisan Sosialis cũng chẳng hơn gì tấm bình phong. Tổ chức của họ có khả năng gây thiệt hại lớn cho chúng tôi nhờ các nghiệp đoàn và lực lượng sinh viên học sinh người Hoa, nhưng nếu họ vượt quá một giới hạn nào đó, những đại biểu Anh và Malay trong Hội đồng an ninh nội chính sẽ buộc chúng tôi phá vỡ các tổ chức mặt trận của họ và cho tống giam họ.

Tôi không quyết chí làm việc này lắm trước khi hợp nhất. Tôi muốn Tunku nhận lấy trách nhiệm này sau khi chúng tôi gia nhập Liên bang. Nhưng Sở đặc vụ thì muốn hành động ngay. Khi Hội đồng an ninh nội chính họp ở Cao nguyên Cameron vào tháng 8, Selkirk đã mở ra cuộc thảo luận khi hỏi ý kiến tôi về “Ý chí đề kháng của người Hoa”, một tập tài liệu do các chuyên viên của Sở đặc vụ soạn thảo trong đó nhấn mạnh nhu cầu phải khống chế các thủ lĩnh chủ chốt của tổ chức cộng sản. Quan điểm của tôi thì khác. Tôi muốn phía cộng sản giải thích rõ cam kết của họ về việc hợp nhất, và đánh bại họ trong tranh luận công khai, điều mà tôi tin tưởng có thể làm được. Tôi tin rằng các biện pháp chính trị, hơn là các biện pháp an ninh, sẽ quyết định bên nào thắng.

Và bên thắng sẽ có tất cả. Người Hoa ở Singapore, cũng như người Hoa ở mọi nơi khác tại Đông Nam Á, thường thích “ngọa sơn quan hổ đấu” (ngồi trên núi xem hổ đánh nhau) cho đến khi thấy rõ gió thổi chiều nào. Hiện tại họ không tin tưởng vào cơ may chiến thắng của một PAP không cộng sản. Nên thậm chí họ sẽ ủng hộ một chính phủ mà họ biết rõ là do cộng sản điều hành, nếu phe cộng sản có vẻ sẽ thắng trong một viễn tượng lâu dài. Trong con mắt của họ, những người cộng sản đã thắng thế. Vì lực lượng này được xem như những cán bộ của một Trung Quốc đang lớn mạnh mà ảnh hưởng của nó, họ tin rằng, chỉ trong vòng mười năm sẽ vươn tới tận Singapore.

Tôi trích dẫn trường hợp bốn viên chức giáo dục được chọn để biệt phái sang Sở đặc vụ. Bây giờ họ cảm thấy rằng tương lai đã trở nên bấp bênh, rằng biến chuyển bất ngờ của tình hình đã tăng rủi ro cho nghề nghiệp và sẽ đưa họ vào phe thất thế. Họ đã từ chối lệnh điều động. Tôi nhấn mạnh rằng chính người Anh đã góp phần tạo nên tình hình này, vì khi Selkirk và các thuộc cấp càng quan hệ với phe cộng sản và những ủng hộ viên triệu phú người Hoa của đảng này như Tan Lark Sye, thì khối người Hoa lại càng tin rằng cộng sản sẽ được phép nắm chính quyền.

Tan Lark Sye có tham vọng làm người kế tục Tan Kah Kee, vốn là lãnh tụ xuất sắc của tổ chức Hoa tộc hải ngoại. Khi Tan Kah Kee chết cách đây ít lâu tại Trung Quốc, đích thân Chu Ân Lai đã làm trưởng ban tang lễ. Chính phủ Trung Quốc đã cho thấy họ đánh giá cao nhân vật này, và qua việc hội đàm với người muốn kế tục sự nghiệp của Tan, ủy viên Anh đã củng cố quan điểm rằng con đường đi tới quyền lực đã mở rộng cho phái thân cộng. Đã có một sự thay đổi quan điểm rõ rệt trong hai tờ báo tiếng Hoa tại Singapore. Cái chết và đám tang của Tan Kah Kee được tường thuật kín hai trang trên tờ Nanyang Siang Pau. Nếu Ủy ban Anh tính toán sai, một chính phủ thân cộng sẽ có thể nắm quyền trong vòng sáu tháng nữa là nhiều nhất. Người Anh sau đó có thể dùng vũ lực để thay đổi tình hình, nhưng lúc đó ý chí đề kháng của người Hoa đối với cộng sản không còn nữa. Nên khối quần chúng người Hoa này cần có ngay một tổ chức lãnh đạo của Malaya.

Selkirk bác lại rằng theo hiến pháp, bổn phận của chính phủ Singapore là cai trị, nhưng chính phủ đã tìm cách chuyển trách nhiệm về an ninh nội địa cho Hội đồng an ninh nội chính. Tôi phản bác bằng cách nói rằng hiến pháp đã dự liệu rất khôn ngoan rằng chính người Anh sẽ chịu trách nhiệm tối hậu về việc sử dụng bạo lực. Chính phủ Singapore có sức mạnh rất hạn chế, so ra thì cũng chẳng hơn gì một khẩu súng hơi, và cũng không thể sử dụng được nó.

Những tranh luận này đưa tới một cảnh tiến thoái lưỡng nan cho cả ba chính phủ. Mỗi bên đều muốn hai phía kia phải gánh chịu búa rìu dư luận. Các đại biểu của cả Anh lẫn Malaya muốn chính phủ Singapore có hành động chống lại cộng sản, nhưng chính phủ Singapore xác định rằng mình không thể làm việc này mà không phương hại đến sự ủng hộ của khối người Hoa dành cho chính phủ. Điều quan trọng hiện nay là phải chứng tỏ rằng cộng sản không thể là người nắm quyền trong tương lai ở Singapore. Bởi vì chỉ đến lúc đó chúng ta mới có thể tiến hành đầu phiếu cho việc hợp nhất. Và tôi đã kết luận rằng điều này là tuyệt đối thiết yếu, vì hợp nhất Singapore vào Malaysia không thông qua đầu phiếu là vô cùng tai hại. Điều đó sẽ là bằng chứng cho thấy chúng tôi đã bán mình cho chính phủ Malay ở Kuala Lumpur.

Tôi ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý hơn là phổ thông đầu phiếu vì kết quả đầu phiếu khó mà ngã ngũ ở một vấn đề đơn lẻ là việc hợp nhất. Nhưng để thu được một đa số ủng hộ việc gia nhập Malaysia, tôi phải làm cho những người Hoa còn lừng khừng hiểu ra rằng chính chúng tôi, chứ không phải những người cộng sản đang là phe thắng thế. Chúng tôi không thể để họ nghĩ rằng chúng tôi có nguy cơ thua cuộc, vì rất nhiều người trong số họ lúc đó sẽ bỏ phiếu chống lại việc hợp nhất hoặc bỏ phiếu trắng với niềm tin rằng những kẻ bỏ phiếu cho việc hợp nhất sau này sẽ bị cộng sản trừng phạt. Ngược lại nếu chúng tôi thuyết phục được họ rằng việc hợp nhất là tất yếu và lực lượng cộng sản không nắm được đa số để ngăn chặn việc đó, dân chúng sẽ lý luận ra rằng những người ủng hộ cộng sản sẽ gặp nguy cơ bị chính quyền liên bang trừng phạt, do đó tôi phải tạo cho quần chúng một cảm giác rằng đây là một cơn sóng quá lớn và mạnh mẽ đến độ chẳng cộng sản hay một lực lượng nào khác có thể ngăn cản nổi. Tôi tin rằng nếu chúng tôi truyền đạt được điều này, các thủ lĩnh người Hoa trong các phòng thương mại, các hiệp hội văn hóa và trường học sẽ không theo Lim Chin Siong nữa. Ở mức tệ nhất thì họ cũng giữ thái độ trung lập, còn mức tốt nhất là họ thầm lặng ủng hộ hợp nhất.

Cách chắc ăn nhất để tạo nên cảm giác về sự tất yếu phải gia nhập Liên bang Malaysia là làm cho dân chúng thấy rằng chính Lim Chin Siong, Fong và các thủ lĩnh đối lập khác đã nhận thấy rằng họ đang tiến hành một trận đánh vô vọng, nên tốt nhất là đừng đi theo họ. Để nuôi dưỡng ấn tượng này, tôi cho rằng cần phải cho mọi người một cái nhìn toàn cảnh, cái nhìn lịch sử về việc PAP và cộng sản đã thành lập một mặt trận thống nhất như thế nào, tại sao Lim Chin Siong và Fong đã không giữ cam kết chiến đấu cho một nền độc lập thông qua việc hợp nhất với Malaya, và tại sao họ sẽ phải thất bại.

Để nghĩ cho rốt ráo những vấn đề này, tôi cần yên tĩnh vốn là điều không thể có được ở Singapore. Ngày 11/8, tôi bắt chuyến tàu lửa đêm đi Kuala Lumpur, rồi đáp xe đi Chiny Lodge, khu nhà nghỉ của chính phủ Singapore trên cao nguyên Cameron cách mặt biển chừng 2.700 mét, mang theo Choo và ba đứa con. Nhưng tôi cũng đem theo trợ lý riêng là Teo Yik Kwee, vì tôi định đọc cho anh ta chép và phác thảo một loạt những diễn văn khoảng 20 tới 30 phút mà tôi sẽ đọc trên đài phát thanh Singapore, trình bày toàn bộ câu chuyện với dân chúng.

Cao nguyên này mát, yên tĩnh và xa vắng, thật trái với bầu không khí chính trị nóng bức ở Singapore. Nơi đó không có máy fax, cũng không có điện thoại nối trực tiếp, và vì đường dây điện thoại thường không rõ nên tôi để lại chỉ thị rằng đừng quấy rầy tôi trừ khi có chuyện cực kỳ khẩn cấp. Nên tôi được ở yên tĩnh gần nửa tháng, chơi rất nhiều ván gôn trên sân gôn 9 ở đây. Lúc tôi rời khỏi đó thì tôi đã viết được tám bài diễn văn, nhưng tôi còu phải viết bốn bài nữa trong khi ghi âm những bài kia. Trong quãng thời gian một tháng, từ 18/9 đến ngày 9/10, tôi đã phát thanh ba lần mỗi tuần, mỗi lần bằng ba thứ tiếng. Khi nói bằng tiếng Malay và Quan thoại, tôi chỉ dùng được mức độ ngôn ngữ sinh hoạt hang ngày. Đó là một công việc mệt nhọc. Có lần, nhân viên Đài phát thanh hoảng hồn khi họ nhìn qua khung cửa kính phòng thu và không thấy tôi trước máy ghi âm. Rồi một nhân viên nữ phát hiện tôi nằm ngửa trên sàn trong tình trạng mà cô ta nghĩ là kiệt sức. Thực ra, tôi đã chủ ý nằm xuống vì cho rằng đó là cách tốt nhất để phục hồi sức lực và nạp lại năng lượng trong giờ nghỉ giữa những lần thu âm bài diễn văn bằng ba thứ tiếng khác nhau.

Trong 12 bài nói chuyện ấy, tôi tóm tắt quá trình hình thành mặt trận thống nhất với cộng sản từ năm 1954 khi PAP được thành lập, những chuyện xảy ra sau đó, và tại sao xảy ra việc tách ly giữa hai phái, dẫn đến cuộc tranh luận hiện nay về vấn đề hợp nhất. Tôi muốn loại bỏ mọi hồ nghi cho rằng đây là một chiến dịch bôi nhọ nhắm vào phái cộng sản và những người đã bỏ đảng PAP. Tôi đánh giá cao những người cộng sản ở sức mạnh và lòng xác tín của họ. Trong một buổi phát thanh, tôi đã nói:

“Chúng tôi đã rút ngắn được khoảng cách với khối dân nói tiếng Hoa – một thế giới đầy sức sống, năng động và tiến hoá, một thế giới mà người cộng sản đã nỗ lực giành lấy trong suốt 30 năm qua với sự thành công đáng kể… Chúng tôi, những người cách mạng theo Anh học, là những kẻ đến sau đang cố gắng khai thác cùng một nguồn mỏ. Người cộng sản xem chúng tôi là xâm lấn vào lãnh địa riêng của họ. Trong thế giới ấy chúng tôi đã biết được Lim Chin Siong và Fong Swee Suan. Họ liên kết với chúng tôi trong PAP. Năm 1955 chúng tôi ra tranh cử. Thế là bắt đầu những bước đi của chúng tôi vào những cấu trúc rối rắm và hệ quả phức tạp trong tổ chức ngầm của cộng sản nằm trong các nghiệp đoàn và hiệp hội văn hóa.

Hoạt động trong thế giới này quả là một công việc kỳ lạ. Khi bạn gặp một lãnh tụ nghiệp đoàn, bạn sẽ phải mau chóng xác định xem ông ta ở phe nào, có phải người cộng sản hay không. Bạn có thể tìm ra câu trả lời qua ngôn ngữ ông ta sử dụng và cách cư xử cho dù ông ta có nằm trong hàng ngũ cán bộ có quyền ra quyết định hay không… Tôi dần biết được độ chục người trong bọn họ. Họ không phải những tay cơ hội hay bất lương. Nhiều người trong số họ sẵn sàng trả giá bằng sinh mạng và tự do cá nhân của mình cho lý tưởng cộng sản. Họ biết mình có thể bị tống giam nếu bị phát giác và bắt giữ. Sau này nhiều người trong số họ phải vào tù trong những đợt thanh trừng năm 1956 và 1957. Tôi thường gặp họ ở đó, thảo luận về những kháng cáo của họ. Nhiều người bị trục xuất về Trung Quốc. Một số lại là bạn bè của tôi. Họ tin rằng tôi phải đi theo họ. Họ tin rằng sau cùng tôi cũng phải thừa nhận rằng cái mà họ gọi là “nền dân chủ tư sản” không thể tạo ra một xã hội công bằng và bình đẳng, và tôi sẽ phải thừa nhận rằng họ đúng.

Mặt khác, tôi thường dành nhiều giờ tranh luận với một số người trong bọn họ, cố gắng chứng minh cho họ thấy rằng cho dù có gì xảy ra ở Nga hay Trung Quốc, chúng ta vẫn đang sống ở Malaya và, bất kể là chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa xã hội dân chủ, nếu chúng ta muốn xây dựng một xã hội công bằng và bình đẳng hơn tại Malaya, chúng ta sẽ phải đưa ra một số quyết định căn bản, như việc sẽ làm người Malaya, liên kết người Hoa và người Ấn và các sắc dân khác với người Malay, xây dựng khối thống nhất quốc gia và lòng trung thành với tổ quốc, và tập hợp mọi chủng tộc lại với nhau thông qua một ngôn ngữ quốc gia.”

Tôi lý giải tại sao Malaya và Singapore là không thể chia tách:

“Mọi người đều biết những lý do tại sao Liên bang lại quan trọng đối với Singapore đến vậy. Đó là vùng nội địa sản xuất thiếc và cao su giúp nền kinh tế thương nghiệp của chúng ta hoạt động tốt. Nó là cơ sở khiến Singapore trở thành một thành phố thủ đô. Không có cơ sở kinh tế này, Singapore sẽ không tồn tại nổi. Không có hợp nhất, không có thống nhất hai chính phủ và hòa nhập hai nền kinh tế, vị trí kinh tế của chúng ta sẽ từ từ tàn lụi. Cuộc sống của các bạn sẽ tồi tệ đi. Thay vì sẽ có một sự phát triển kinh tế chung cho cả Malaya thì sẽ có hai hướng phát triển. Liên bang, thay vì hợp tác với Singapore, lại cạnh tranh với Singapore để giành lấy sự bành trướng và tư bản công nghiệp. Trong cuộc cạnh tranh này, cả hai đều bị thiệt.”

Trong buổi phát thanh cuối cùng, tôi nhấn mạnh lại vấn đề: “Nếu không có hạn hán ở Johor khiến Singapore thiếu nước dùng trong ba tháng qua, hẳn phe cộng sản đã thay đổi đường lối của họ… nhắm tới nền độc lập cho riêng Singapore. Nhưng thiên nhiên nhắc cho họ nhớ ra sự vô cùng ngớ ngẩn của một chủ trương như thế.” Năm đó là một thời kỳ rất khô hạn, chỉ có rất ít mưa và trời khô hạn luôn từ tháng 6. Cuối tháng 8, áp lực nước giảm đột ngột khiến nhiều nhà máy phải tạm thời đóng cửa và các khách sạn lớn chịu ảnh hưởng nặng nề. Ba hồ trữ nước chính của chúng tôi hầu như khô cạn –một trong những hồ đó ở Seletar đã có cỏ mọc kín đáy hồ. Nước được phân theo chế độ trong sáu tiếng mỗi ngày. Chẳng cần phải nhắc cho dân chúng nhớ rằng Singapore đã phải đầu hàng vào năm 1942 vì Nhật đã chiếm những hồ dự trữ ở Johor. Chế độ nước phân phối năm 1961 kéo dài đến tận tháng 1 năm sau. Các biến cố đã phối hợp với nhau để góp phần thuyết phục dân chúng rằng hợp nhất là một giải pháp hữu lý cho các vấn đề của Singapore.

Hồi đó vẫn chưa có truyền hình, nên những buổi phát thanh đã đến được với đông đảo thính giả. Kết thúc loạt bài nói chuyện này, tôi đã khiến hầu hết mọi người tin rằng tôi đã nói sự thật về chuyện quá khứ – chuyện đấu tranh nội bộ, những phản bội, ông Đặc mệnh

– và tôi đã rất thực tế về tương lai. Tôi đã bảo vệ quyền lợi của họ. Tôi đã kể một câu chuyện trong đó có phần chính họ đã trải qua gần đây – những cuộc bạo loạn, bãi công, tẩy chay, tất cả gợi lại những điều đáng nhớ trong óc họ – và tôi đã giải thích cho họ về những bí mật từng khiến họ rối trí. Tất cả trông giống như tôi bước lên sàn diễn nơi một nhà ảo thuật đang biểu diễn và lột trần mọi dụng cụ và thủ thuật của ông ta bằng cách soi sáng những vùng tối mà khán giả trước đây không chú ý. Những bài nói chuyện đã có tác động mạnh, nhất là trong giới Anh học, họ xem đây là một sự tiết lộ những bí mật. Một trong những thanh niên đã lắng nghe những buổi nói chuyện này là Cheong Yip Seng, người sau này trở thành tổng biên tập của tờ Straits Times. Ông ta nhớ lại:

“Những buổi phát thanh đã là một sự mở mắt thực sự cho một cậu học sinh Trung học đệ nhị cấp Cambridge, đang lo lắng về công ăn việc làm sau khi thi tốt nghiệp để an lòng cha mẹ. Những buổi nói chuyện trên đài ấy đã bày ra một tương lai với những điểm sống thực và trần trụi. Tôi chấn động vì sự thành thực của chúng, vì sức mạnh của thứ ngôn ngữ đơn giản, sống động, phần lớn qua những câu chuyện của người trong cuộc về cuộc đấu tranh trong nội bộ mặt trận thống nhất chống thực dân.”

Những buổi phát thanh đó là một kinh nghiệm chưa từng gặp qua. Nó không phải kiểu những bài nói chính trị thường gặp. Chúng bao gồm những kinh nghiệm đời thực. Những điều đó đang xảy ra ngay trong lúc chúng được kể ra trên đài. Ông Đặc mệnh là có thực. Mỗi buổi phát thanh lại khiến thính giả căng thẳng và nóng ruột chờ đợi buổi kế tiếp, theo cái kiểu người ta nóng lòng chờ đón chương trình phát thanh võ thuật của Lei Tai Sor bằng tiếng Quảng Đông. Một bậc thầy kể chuyện đang trình diễn. Nhưng đây không phải chuyện hư cấu. Đó là chuyện sống và chết của những người Singapore.”

Ngay sau buổi nói chuyện cuối cùng của tôi vào ngày 10/10, John Duclos, giám đốc Đài phát thanh, đã mời Lim Chin Siong tham gia 12 buổi diễn đàn truyền thanh để ứng với 12 buổi phát thanh của tôi. Tất cả những người được đề cập trong các buổi nói chuyện ấy, có cả Fong Swee Suan, Sidney Woodhull, James Puthucheary. Tiến sĩ Lee Siew Choh và Tiến sĩ Sheng Nam Chin cũng được mời tham gia. Duclos viết: “Bất kỳ tuyên bố nào của Thủ tướng trên đài phát thanh, nếu sai sự thật và phương hại đến uy tín cá nhân bất kỳ ai, đều có thể được đem ra đối chất.” Ngày hôm sau, Lim và Woodhull đưa ra một tuyên bố với báo chí rằng họ muốn có được thời lượng phát thanh tương đương cho 12 buổi nói chuyện của họ. Họ không muốn có bất kỳ một chạm trán mặt đối mặt nào. Tôi đã đưa được họ vào thế phòng ngự.

Những tổ chức của người Hoa theo đuổi lý tưởng cộng sản đã bày tỏ sự giận dữ và căm thù thực sự của họ đối với tôi mỗi khi tôi đi qua trụ sở của họ. Ngay cả những phóng viên người Hoa ủng hộ các tổ chức ấy cũng bộc lộ cau có khi họ đến tường thuật các buổi họp báo của tôi. Họ xem việc tôi phơi bày lai lịch, các phương pháp và các dự định của họ như một hành vi phản bội. Còn tôi thì xem phản ứng đó như bằng chứng về hiệu quả của những tiết lộ mà tôi trình bày.

Phần thưởng cao nhất mà tôi nhận được là từ James Puthucheary. Ông ta đến gặp tôi tại văn phòng ở Tòa thị chính sau khi các bài nói chuyện ấy được in thành sách. Ông ta nói những bài ấy rất xuất sắc và xin tôi một chữ ký vào một bản sách, và tôi đã ký. Tôi hỏi ông ta có chuẩn bị tham gia diễn đàn với tôi không. Ông ta nhìn tôi, mỉm cười, lắc đầu và nói: “Sau khi ông phơi bày mọi thủ thuật của sàn diễn thì tôi chẳng còn cơ hội nào nữa.” Quan trọng hơn, ông ta đã ngầm thừa nhận rằng những điều tôi tiết lộ về ông Đặc mệnh và những người cộng sản đã đánh trúng đích. Tôi hài lòng là mình đã giúp cho công chúng hiểu ra và thấy tin tưởng hơn vào các phương án đấu tranh trong tương lai, có lẽ sau khi hợp nhất là thích hợp hơn cả.

Trong nỗ lực hợp nhất, mọi chuyện cũng không đứng yên. Một hội nghị Liên nghị viện khối Thịnh vượng chung được tổ chức ở Singapore, với đại biểu của Sarawak, Brunei, Bắc Borneo và Malaya, đã kết thúc với một thông cáo vào ngày 24/7, trong đó mọi người tham dự cùng nhấn mạnh đến “sự cần thiết và tất yếu của một liên bang Malaysia” và vì hình thức và tổ chức của liên bang cần được thảo luận kỹ hơn, tất cả đã đồng ý thành lập một Ủy ban tư vấn đoàn kết Malaysia để bảo đảm duy trì đà tiến tới việc hợp nhất. Mười ngày sau, chính phủ Singapore và Malaya thông báo, sau một cuộc họp tại Kuala Lumpur có Keng Swee tham dự với tư cách Bộ trưởng Tài chính, rằng chúng tôi sẽ nhờ Liên Hiệp Quốc hỗ trợ để nghiên cứu cách thức thành lập một thị trường chung.

Tháng 8, Keng Swee và tôi có một buổi họp ba giờ đồng hồ với Tunku và Razak để thỏa thuận các điều kiện hợp nhất. Ghazali bin Shafie, thư ký thường vụ của Bộ Ngoại giao, cũng có mặt. Ông là viên chức chủ chốt phụ trách các chi tiết của việc hợp nhất.

Tháng kế tiếp, tôi lưu ở Kuala Lumpur ba ngày với Tunku, thảo luận những chi tiết kỹ hơn. Khi trở về Singapore vào giữa tháng 9, tôi nói với báo chí rằng: “Việc hợp nhất đã rời bệ phóng và những diễn biến mới nhất đã khiến nó đi vào quỹ đạo, và tháng 6/1963 được coi là thời điểm mục tiêu cho việc hạ cánh.” Tôi đã dùng thứ ngôn ngữ của thời đó vì mọi người đang xôn xao vì chuyến bay vũ trụ ly kỳ của Liên Xô vào năm 1961 với phi hành gia Yuri Gagarin, và vì những nỗ lực của Mỹ để đưa một phi thuyền có người lái vào quỹ đạo trái đất. Về mặt tài chính, tôi lý giải rằng theo hiến pháp liên bang, mỗi bang giao quyền về thuế quan, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế lợi tức cho chính quyền trung ương, nhưng vì Singapore sẽ kiểm soát giáo dục, lao động y tế và xã hội, chúng tôi sẽ nhận được một tỷ lệ đáng kể từ nguồn thu này để tiến hành những trách vụ trên. Do đó số đại biểu của chúng tôi trong nghị viện liên bang phải được điều chỉnh lại, “nếu không chúng tôi sẽ đại diện cho chính mình đến hai lần.”

Chin Chye đã viết thư cho lãnh tụ các đảng đối lập trong Quốc hội để yêu cầu họ trình bày quan điểm về hai vấn đề chính nằm trong bản thỏa thuận trên nguyên tắc, cụ thể là việc quốc phòng, ngoại giao và an ninh sẽ nằm trong tay chính phủ liên bang ở Kuala Lumpur, trong khi các chính sách giáo dục và lao động vẫn thuộc về chính phủ Singapore. Ngày 29/8, các lá thư ấy được báo chí đăng tải, Tiến sĩ Lee Siew Choh tuyên bố trong một thông báo có chữ ký rằng 13 dân biểu thuộc Barisan sẽ chấp nhận:

“(1) Sự hợp nhất trọn vẹn và đầy đủ với Singapore với tư cách là tiểu bang thứ 12 của Liên bang; hoặc (2) Như một giai đoạn đi tới hợp nhất sau cùng, Singapore sẽ là một đơn vị tự trị trong một khối liên hiệp. Trong trường hợp hợp nhất, đảng đòi hỏi Singapore được gia nhập ngay vào Liên bang như một tiểu bang thành viên, mọi công dân Singapore tự động trở thành công dân Malaya, Singapore được đại diện theo tỷ lệ dân số trong nghị viện, có tổng tuyển cử ở Singapore trước hợp nhất và tổng tuyển cử toàn Malaya sau hợp nhất. Nếu như nằm trong một khối liên hiệp, đảng đòi hỏi tự trị trọn vẹn cho Singapore trong các vấn đề đối nội, kể cả an ninh, trong khi đối ngoại và quốc phòng vẫn trong tay chính phủ liên bang.”

Barisan đã chấp nhận đề nghị của Puthucheary rằng họ nên đòi hợp nhất trọn vẹn với niềm tin rằng Tunku sẽ không đồng ý điều đó. Keng Swee, Raja, Chin Chye, Pang Boon và tôi rất hài lòng. Họ đã không bác bỏ chủ trương này; mà họ còn kêu gọi hợp nhất chặt chẽ hơn mức chúng tôi trông đợi. Đó là một vấn đề lý tưởng để dựa vào đó hình thành những câu hỏi cho cuộc trưng cầu dân ý: Dân chúng muốn có kiểu hợp nhất nào?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.