Hồi Ký Lý Quang Diệu – Tập 1

27. BỎ PHIẾU CHO HỢP NHẤT



Tuy vậy, Barisan đang củng cố được vị trí qua vấn đề quyền công dân. Việc gợi lên ý tưởng cho rằng người Singapore sẽ là “công dân hạng hai” ở Malaysia đã có tác động và gây được sự hoang mang. Tôi quyết định giải quyết vấn đề một cách trực diện. Vì thế vào ngày 3/6/1962, kỷ niệm ba năm Ngày Quốc gia Singapore, tôi nói chuyện trước mấy nghìn người ở Padang đang tụ tập xem các cuộc diễu hành của quân đội, của các nhóm dân sự và học sinh, và xem các cuộc trình diễn văn hóa. Tôi bảo đảm với họ rằng trước khi thực hiện việc hợp nhất với Malaysia, tôi phải làm rõ trong hiến pháp rằng công dân Singapore sẽ bình đẳng với các dân tộc khác trong liên bang.

Lim Chin Siong bác lại rằng lời hứa của tôi là sự thú nhận rằng thực ra với các điều khoản hợp nhất và sự dàn xếp của Malaysia, người Singapore không có sự bình đẳng. Barisan thu hẹp vấn đề hợp nhất lại thành vấn đề này và tôi tin rằng nếu tôi có thể yêu cầu Tunku thay từ “cư dân Malaysia” thành “công dân Malaysia”, vấn đề sẽ được giải quyết. Tôi quyết tâm đạt cho được điều này, và tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý càng sớm càng tốt trước khi Barisan có thể khuấy động sự bất mãn. Nhưng tôi không có thế mạnh đối với Tunku, chỉ người Anh mới có. Bởi vì Tunku muốn các lãnh thổ Borneo và cũng cần họ giúp bảo vệ Malaya, tôi phải nhờ đến người Anh làm việc ấy. Moore đồng ý rằng chúng tôi có mối bất bình chính đáng và tôi biết ông ta sẽ cố gắng hết sức để làm cho các Bộ trưởng ở London thuyết phục Tunku thay đổi ý kiến về quyền công dân. Nhưng chúng tôi không đồng ý về một vấn đề khác cũng quan trọng không kém: đó là việc trưng cầu dân ý.

Moore lo lắng bởi vì Dự thảo luật về Trưng cầu dân ý khuyến cáo rằng việc bỏ phiếu trắng là biểu thị việc cử tri không muốn hành xử quyền của mình để quyết định ủng hộ hay chống lại vấn đề hợp nhất, nên quyết định ấy sẽ được thực hiện bởi phe đa số trong Hội đồng lập pháp (nghĩa là PAP). Tôi đã đưa điều khoản này vào để chống lại việc cộng sản kêu gọi bỏ phiếu trắng. Nhưng nếu người dân muốn phản đối bằng cách bỏ phiếu trắng với số lượng lớn và bằng cách ấy họ biểu lộ sự chống đối việc hợp nhất và cuộc trưng cầu dân ý, Moore cho rằng tôi phải chấp nhận chọn lựa của họ. Ông cố gắng thuyết phục tôi từ bỏ cách thức này, nói rằng dân chúng sẽ coi đó là bất lương và giả tạo. Tôi không đồng ý. Trong một báo cáo gửi cho Bộ trưởng Ngoại giao ngày 21/6, ông ta viết:

“Để trả lời đề nghị mà chúng ta thường nhắc đi nhắc lại trong suốt 6 tháng qua rằng ông ta không nên tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, ông ta luôn luôn nói rằng ông ta phải làm thế để tránh bị lên án là người đã bán người Hoa Singapore cho người Malay… Vì vậy, dường như là ông ta vẫn cứ tiến hành tổ chức trưng cầu dân ý dựa trên những điều khoản của mình, những điều khoản ấy đã được tính toán cẩn thận để bảo đảm rằng ông sẽ không thua. Có lẽ nguy cơ nghiêm trọng duy nhất hiện nay là sẽ có một cuộc tẩy chay trưng cầu dân ý trên quy mô lớn.”

Ông ta chỉ nói đúng một điều: tôi vẫn cương quyết tổ chức trưng cầu dân ý, và công việc cấp bách hiện nay là thông qua dự thảo luật này. Một khi báo cáo của Ủy ban Cobbold được công bố, tôi sẽ phải quyết định áp dụng phương án nào. Đã có những cuộc thảo luận bất tận trên báo chí, trên đài phát thanh và trên diễn đàn trường Đại học Malaya, và mặc dầu cuộc tranh luận về Dự thảo luật Trưng cầu dân ý kéo dài từ ngày 27/6 đến ngày 11/7 với tám buổi họp đến tận nửa đêm, các bài diễn văn rất gay gắt và lặp đi lặp lại vì chẳng có ý kiến gì mới, mà chỉ là những tái khẳng định ngày càng dữ dội hơn về lập trường của các phe nhóm đối lập nhau. Một tu chính then chốt được tiến sĩ Lee Siew Choh đưa ra và được David Marshall cùng Ong Eng Guan ủng hộ là: chỉ có một câu hỏi trong cuộc trưng cầu dân ý

– “đồng ý” hay “không đồng ý” việc hợp nhất. Lim Yew Hock xen vào, đề nghị rằng phải có 3 câu hỏi: Quý vị muốn hợp nhất (A) theo bạch thư, hoặc (B) trên cơ sở Singapore là một bang thành viên của Liên bang Malaya, hoặc (C) theo những điều khoản không kém thuận lợi so với những điều khoản dành cho ba lãnh thổ Borneo? Tu chính của tiến sĩ Lee bị bác và của Lim được chấp thuận. Tôi sung sướng vì Lim đã đề nghị điều mà tôi đã dự định đưa ra.

Trong suốt cuộc thảo luận, mọi thành viên của nghị viện đều nhận được một bức thư đe dọa ký bởi 39 hội cựu sinh viên và câu lạc bộ sinh viên do Hội Sinh viên tốt nghiệp Đại học Nanyang lãnh đạo bảo

họ phải bỏ phiếu ủng hộ đề nghị của Barisan – nếu không sẽ có rối loạn. Ngày 29/6, khi nói về các dự kiến bổ sung để quyên góp hơn 1 triệu đôla để thành lập tiểu đoàn thứ hai của Trung đoàn Bộ binh Singapore, tôi cảnh cáo Barisan rằng những lời nói không theo luật pháp sẽ dẫn đến những hành động không theo luật, và những con người không theo luật sẽ bị loại trừ. Nếu luật lệ được thay thế bằng gạch đá và gậy gộc thì những vấn đề ưu tiên hàng đầu như hòa bình, an ninh và sự thịnh vượng của nhân dân cũng đòi hỏi phải dùng vũ lực để đàn áp vũ lực. Tôi không áy náy gì về việc sử dụng Trung đoàn Bộ binh Singapore chống lại cộng sản: tôi không hề có nguy cơ bị cho là tay sai của chủ nghĩa thực dân. Nhưng để khuyến khích họ hành xử tử tế hơn, tôi bảo đảm với tiến sĩ Lee rằng quân đội sẽ không cần đến chừng nào họ còn tuân thủ pháp luật.

Vào chiều 3/7/1962, nữ dân biểu thuộc đảng PAP Hoe Puay Choo gửi cho tôi một thư đề nghị ra khỏi đảng với lý do là không ai tham khảo với bà về những vấn đề chính sách quan trọng. Những người cộng sản đã kiên trì thảo luận với bà và giờ chót đã lay chuyển được bà. PAP bây giờ có 25 thành viên so với 26 của các nhóm đối lập. Chúng tôi trở thành một chính phủ của phe thiểu số. Tôi yêu cầu Moore gặp Chin Chye, Keng Swee và tôi. Keng Swee hỏi ông ta rằng nếu PAP từ bỏ kế hoạch của mình, liệu người Anh có kiên quyết thực hiện việc hợp nhất sau khi chúng tôi từ chức không? Moore cho rằng điều này sẽ rất khó khăn bởi vì lúc đó sẽ không có một chính quyền dân cử hậu thuẫn cho công cuộc ấy. Ông ta giục tôi kiên quyết thực hiện nếu có thể được. Tôi nói tôi sẽ cố gắng nhưng yêu cầu ông ta nói với London rằng thời giờ bây giờ cực kỳ ít ỏi. Chúng tôi phải đấu tranh tại nghị viện trong tám ngày nữa trước khi bỏ phiếu. Chúng tôi thành công trong việc đưa kiến nghị với tỷ lệ 29/17 – 24 phiếu của PAP, 3 của UMNO và 2 của SPA chống lại 13 phiếu của Barisan, 1 của Đảng Công nhân (Workers’ Party) của David Marshall, 3 của UPP (Ong Eng Guan). Hoe Puay Choo vắng mặt. Chúng tôi thông qua dự thảo luật với sự ủng hộ từ phía SPA của Lim Yew Hock và UMNO của Tunko.

Trước đó một tháng, Moore đã cho tôi xem bản thảo báo cáo của Cobbold để dò xem phản ứng của tôi. Điều tôi quan tâm nhất là các đề nghị của nó. “Không có lý do nào để ủng hộ quyền công dân riêng biệt đối với các lãnh thổ Borneo”, bản báo cáo ghi và nó đưa ra những điều khoản bao gồm việc không đòi hỏi phải trắc nghiệm về

ngôn ngữ trong một thời gian hạn định đối với những người trên một độ tuổi nào đó. Như thế tất cả những ai sinh ra trên các lãnh thổ này đều đủ điều kiện trở thành công dân Malaysia. Đây là một tai họa. Tôi hoàn toàn không thể bảo vệ được vị trí của mình và cuộc trưng cầu dân ý sẽ thất bại. Sẽ có phiếu trắng trên quy mô lớn.

Tuy nhiên bản báo cáo cũng cho tôi một lối ra. Ngay sau cuộc thảo luận về trưng cầu dân ý, tôi viết thư cho Maudling chỉ rõ ra rằng công dân Singapore có thể trở thành công dân Malaysia mà không gây nên vấn đề gì bởi vì Ủy ban Cobbold cũng đã khuyến cáo rằng quyền bầu cử chỉ nên được thực thi ở những lãnh thổ nơi các công dân thường trú. Nói cách khác, công dân Borneo sẽ bỏ phiếu ở Borneo và công dân Singapore sẽ bỏ phiếu ở Singapore, vì thế Tunku không cần phải lo sợ bị tràn ngập bởi người Hoa Singapore bỏ phiếu ở Malaya. Rồi ngày 12/7 tôi viết thư cho Tunku, gởi cho ông ta một bản sao của bức thư trên và đề nghị rằng giải pháp cho vấn đề này là dành các điều khoản cho Borneo cũng giống hệt như Singapore mà không thay đổi nội dung của những điều mà chúng tôi đã thỏa thuận về hạn chế đối với quyền đầu phiếu.

Tôi đính kèm một bản ghi nhớ cho cả ông ta và Sandys, trong đó nói rằng mũi nhọn chính của cộng sản trong cuộc tấn công vào bạch thư của chính phủ là ở chỗ nó chống lại người Hoa: bởi vì 70% dân của hòn đảo này là người Hoa, Tunku không sẵn sàng dành cho Singapore cái mà ông ta dành cho Borneo với 70% số dân không phải là người Hoa. Chỉ có thể phản chứng lại luận điệu này bằng cách dành cho Singapore những điều khoản được cho là tốt hơn Borneo. Tôi cũng lưu ý người Anh rằng nếu họ không áp lực với Tunku để dành cho chúng tôi quyền công dân bình đẳng, tôi sẽ không thể thông qua vấn đề hợp nhất trong nghị viện được. Điều tôi không nói – và đó cũng chính là điều Chin Chye, Keng Swee, Raja và tôi nghĩ – là trong trường hợp ấy chúng tôi thậm chí không muốn tiến hành hợp nhất. Tunku và người Anh lúc đó phải nhận lãnh hậu quả.

Ngay sau khi Dự thảo luật về Trưng cầu dân ý được thông qua, tiến sĩ Lee Siew Choh đưa ra một bản kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ. Về vấn đề này, Lim Yew Hock đưa ra một bản tu chính lên án chính phủ “vì đã không kiềm chế những người cộng sản có tiếng và những nhà lãnh đạo mặt trận công khai của cộng sản để họ điều hành và kiểm soát những tổ chức như Barisan Sosialis”. Ông ta trở

nên lưu loát và nói thẳng ra mọi suy nghĩ. Đây chính là cơ hội của ông ta biểu lộ việc mình đã hy sinh mọi thứ như thế nào để đối phó với cộng sản trong những năm 1966–67. Nếu lúc đó ông ta biết rằng thủ tướng tương lai đã từng hội đàm với ông Đặc mệnh thì hẳn ông đã tống thủ tướng vào tù chung với Lim Chin Siong rồi. Barisan muốn phá hủy cuộc trưng cầu dân ý và hợp nhất bằng kiến nghị bất tín nhiệm nhưng Lim Yew Hock không cùng một mục tiêu với họ.

Người dân trở nên ít sợ hãi trước những người cộng sản khi họ nhận ra lực lượng này cũng mỏng manh và ý thức rằng chính người Malay, chứ không phải thực dân Anh, chẳng bao lâu sẽ đối phó với lực lượng này. Tu chính án của Lim Yew Hock bị bác bỏ, kiến nghị bất tín nhiệm cũng thế. Sau khi Barisan thua trong cuộc bỏ phiếu thông qua Dự thảo luật về Trưng cầu dân ý và kiến nghị bất tín nhiệm, giữa tháng 7 Tunku lên đường đi London để gút lại các điều khoản với người Anh về vấn đề lãnh thổ Borneo. Thời gian sắp hết và những người cộng sản tuyệt vọng tìm kiếm những phương cách để ngăn cản hợp nhất.

Hai ngày sau khi họ thất bại trong cuộc tranh luận, một nhóm 19 đại biểu Hội đồng lập pháp do Barisan Sosialis lãnh đạo gửi một kiến nghị cho Ủy ban Giải thực Liên Hiệp Quốc phản đối cách sắp đặt câu hỏi trong cuộc trưng cầu dân ý. Chỉ có hai trong số 17 thành viên của Ủy ban này thuộc khối cộng sản; đa số là các thành viên Á–Phi mà hầu hết chính quyền của họ có các đại diện tại Singapore và Kuala Lumpur và họ biết điều gì đang diễn ra. Bởi vì né tránh sẽ không gặt hái được thành quả gì, tôi điện cho quyền Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc U Thant nói rằng kiến nghị của phe đối lập là một phần của đời sống chính trị của Singapore và nếu xem xét kiến nghị, Ủy ban phải lắng nghe chính quyền trước. Tôi chuẩn bị đưa ra trước Ủy ban toàn bộ các sự kiện của tình hình để Ủy ban có thể xem xét tới mức cận kề nhất.

Ban đầu, vị đại diện Ấn Độ trung thành ủng hộ chúng tôi đúng như quan điểm mà Nehru đã bày tỏ ở New Delhi vào tháng 4 năm ấy rằng không có một chọn lựa nào khác ngoại trừ hợp nhất với Malaysia. Cùng với Campuchia, Tunisia và các quốc gia Á Phi khác, ông ta nói rằng vì Singapore đã có một chính quyền dân cử tự do, nên Ủy ban không có lý do gì để xem xét lại các hành động của chính phủ này. Rồi bất ngờ ông lại thay đổi quan điểm, có lẽ do tôi

sẵn sàng tham dự. Ngày hôm sau, Liên Hiệp Quốc nói rằng Ủy ban này, trước đó đã bỏ phiếu 10/2 biểu quyết không can thiệp, quyết định sẽ gặp gỡ đoàn đại biểu các dân biểu Singapore đã kiến nghị chống cuộc trưng cầu dân ý và đòi phải có một quan sát viên Liên Hiệp Quốc. Tiến sĩ Lee Siew Choh vui sướng. Nhưng tôi không vui với kết quả này; tôi tin rằng tôi có thể bác bỏ các lý luận của Barisan cũng như của Marshall, và ngày 20/7 tôi chính thức yêu cầu được ra điều trần trước Ủy ban.

Hai ngày sau, Keng Swee và tôi bay đến New York cùng với phụ tá của tôi là Teo Yik Kwee. Tôi muốn gặp Ủy ban trước rồi mới đi London gặp Tunku và Macmillan sau khi họ đã thảo luận xong về vấn đề lãnh thổ Borneo. Máy bay của chúng tôi hiệu Superconstellation, một phi cơ phản lực 4 động cơ và là loại máy bay liên lục địa vào lúc ấy. Phải mất gần hai ngày để bay từ Singapore đến New York – quá cảnh Saigon, Guam, Hawaii và Los Angeles, Keng Swee và tôi làm việc trong suốt chuyến bay, chuẩn bị phản bác từng điểm một trong bản ghi nhớ gồm 19 điểm mà Marshall đã giúp Barisan soạn thảo. Sau khi vào khách sạn Manhattan và mở hành lý ra xong, tôi tìm Teo. Tôi thấy anh ta nằm trên giường ngủ ngon lành với nguyên quần áo giày vớ, hoàn toàn kiệt sức. Anh ta đã đánh máy các bản dự thảo rồi dự thảo sửa đổi đến vô tận cho tôi và Keng Swee gần như suốt 48 tiếng đồng hồ qua.

Người Anh vẫn còn chịu trách nhiệm về các vấn đề đối ngoại của chúng tôi và một sỹ quan thuộc phái bộ của họ tại Liên Hiệp Quốc đón chúng tôi ở phi trường. Họ là những chuyên gia hàng đầu. Họ biết mọi thủ tục phải thực hiện và hướng dẫn tôi đến người cần gặp để tiến hành các cuộc đàm phán sơ khởi. Họ khuyên tôi đừng đưa ra những luận điểm dài dòng mà nên quay trở lại quan điểm mà Ấn Độ trước kia đề xuất là đã có một chính quyền dân cử ở Singapore và Ủy ban không nên can thiệp vào vấn đề mà Singapore đã quyết định.

Ở cuộc họp, tôi đưa ra bản ghi nhớ phản bác sự tố cáo của nhóm đối lập rằng các điều khoản của cuộc trưng cầu dân ý thủ tiêu quyền đối lập dân chủ, và trong hai giờ liền, tôi phân tích chi tiết từng điểm một.Tôi nói rằng những người đối lập có tội xuyên tạc trong khi tìm kiếm sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc. Thỉnh nguyện của họ là một phần của chiến thuật báo động giả nhằm duy trì không khí khẩn trương ở Singapore để nâng cao tinh thần của những người ủng hộ

họ. Họ cũng có tội khi tìm cách duy trì chế độ thực dân ở Singapore vì mục đích riêng của mình, đưa ra thỉnh nguyện chống lại chính quyền được bầu cử đúng thể thức và hợp hiến, một chính quyền muốn độc lập ngay. Đó là một nghịch lý. Chúng tôi giải thích rằng khi Singapore gia nhập Liên bang, những người cộng sản sẽ không đấu tranh chống lại thực dân Anh nữa mà là chống lại chính quyền dân cử đã giành được độc lập cho đất nước. Trong khi đó, chúng tôi vẫn có toàn quyền để thực hiện việc hợp nhất mà không cần trưng cầu dân ý gì cả.

Sau khi tôi trình bày, tiến sĩ Lee Siew Choh trình bày quan điểm của mình, và tôi yêu cầu được trả lời và được chấp thuận. Tôi nói, điều mỉa mai là người phát ngôn của hai nhóm đối lập, Tiến sĩ Lee và Woodhull, đều sinh ra ở Malaya chứ không phải Singapore, và rằng Woodhull, một công dân Malaya đã đi New York bằng hộ chiếu Malaya. Hơn nữa họ không đại diện cho đa số bởi vì khi thách đố chính quyền bằng kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm, họ chỉ đạt được 16 trên 51 phiếu của Hội đồng lập pháp. Cả Keng Swee và tôi đều mệt nhoài sau cuộc hành trình nhưng chúng tôi quyết tâm xác lập tính cách dân tộc Á Phi của mình. Bằng thái độ, giọng nói, cử chỉ và cách nhấn mạnh đến từng vấn đề, chúng tôi bảo đảm rằng Ủy ban không thể cho chúng tôi là bù nhìn của người Anh hay người Malay. Ngài Hugh Foot, đại diện Anh tại Liên Hiệp Quốc, hài lòng vì những nỗ lực của chúng tôi. Ông ta nói các thành viên của Ủy ban tin tưởng rằng PAP là một tổ chức mạnh với một vị thủ tướng có tinh thần chiến đấu, và không thể tưởng tượng rằng đó là bù nhìn của vương quốc Anh.

Ngay đêm hôm ấy chúng tôi đi London. Chúng tôi không còn nhiều thì giờ. Tunku đang kết thúc các cuộc đàm phán với Macmillan và đã đến lúc chúng tôi phải gây áp lực với ông ta để giải quyết vấn đề quyền công dân trước sự hiện diện của người Anh. Vì thế tôi không

ở lại New York để nghe Marshall trình bày quan điểm của ông. Ông đưa ra một lý lẽ hết sức mạnh mẽ và gây cho Ủy ban một đáp ứng thuận lợi hơn là của Tiến sĩ Lee nhưng cũng không thể làm mất đi ấn tượng sâu sắc hơn mà tôi đã để lại. Ủy ban quyết định không xem xét thỉnh nguyện thư ấy.

Chúng tôi đến phi trường Heathrow vào thứ Sáu 27/7, lúc 11 giờ 15 sáng. Keng Swee và tôi mệt nhoài sau chuyến bay từ Singapore đến New York, nhưng không có thời gian để nghỉ. Sau khi tắm rửa

chớp nhoáng ở Khách sạn Hyde Park, nơi chúng tôi lưu trú, chúng tôi đi xuống phòng ăn kịp lúc để dùng cơm trưa với Selkirk. Ông ta tóm lược cho chúng tôi nghe về diễn tiến các cuộc đàm phán với Tunku về các lãnh thổ Borneo. Vào 3 giờ chiều thì chúng tôi sẽ gặp gỡ Duncan Sandys ở Sở Quan hệ khối Thịnh vượng chung (Commonwealth Relations Office). Dù mệt, chúng tôi cũng phải tiếp tục công việc.

Ngày hôm sau Keng Swee, Stanley Steward (thư ký thường trực của tôi) và tôi dùng trà với Tunku ở khách sạn Ritz. Như thường lệ, đối với Tunku chúng tôi không thảo luận ngay vấn đề quyền công dân. Nhưng ông ta đang thoải mái. Ông đã giải quyết với người Anh gần như toàn bộ các vấn đề Borneo. Đó là những tín hiệu tốt. Vào sáng Chủ nhật, Keng Swee và tôi chơi gôn với Tunku và Razak ở Swindon. Chiều hôm ấy, trong khi Tunku đang nghỉ ngơi, Razak thay mặt ông ta họp với Duncab Sandys ở Sở Quan hệ khối Thịnh vượng chung, ở đó chúng tôi thảo luận các vấn đề còn tồn đọng về quyền công dân Malaysia, việc giam giữ những người cộng sản và kế hoạch cho sự hình thành một thị trường chung. Tôi không biết Macmillan có nói riêng gì với Tunku không nhưng Sandys nói thẳng thừng với Razak rằng những vấn đề này phải được giải quyết trước khi Anh ký thỏa thuận về các lãnh thổ Borneo. Razak thú nhận rằng trên nguyên tắc quyền công dân Malaysia tùy thuộc vào quyết định của Tunku. Đó là một bước tiến lớn lao.

Tôi vẫn còn nhiều nỗi lo. Không có người Anh thuyết phục Tunku, tôi sẽ không đạt được thỏa thuận này, và tôi sợ rằng một khi Malaysia thành hình, họ không thể nhân danh Singapore để can thiệp sâu hơn nữa. Trong khi ấy chúng tôi vẫn chưa xác lập được mối quan hệ thật sự sâu sát với Tunku và Razak. Họ là hai nhân vật có cá tính hoàn toàn khác nhau. Razak luôn luôn nghi ngờ và do dự

, luôn luôn có ý kiến thứ hai. Ông ta thường đồng ý một số vấn đề nào đó sau một cuộc thảo luận, tranh cãi rất dài, rồi hôm sau gọi điện lại để xét lại quyết định ấy. Ông ta bồn chồn lo lắng đến từng chi tiết và là một phụ tá đắc lực cho Tunku, ông này không bao giờ ngó ngàng gì đến những chi tiết ấy. Ông là một công chức cần mẫn, đã vượt qua các kỳ thi vào Luật sư đoàn, cả trung cấp và cao cấp, trong một thời gian kỷ lục là 18 tháng. Ông đã cố công gầy dựng một mạng lưới bạn bè, người ủng hộ trong giới sinh viên Malay ở Anh, trong số ấy có các con trai của chín tiểu vương Malay. Nhưng

mặc dầu bản thân ông ta xuất thân từ một gia đình quý tộc truyền thống, ông không có vẻ lịch lãm tự nhiên của Tunku, và vì vậy làm việc với ông luôn luôn rất căng thẳng.

Vào 10 giờ sáng thứ Hai, 30/7, Keng Swee và tôi có cuộc họp chính thức với Tunku và Razak ở khách sạn Ritz rồi ở lại dùng cơm trưa. Tunku chính thức đồng ý điều mà Razak đã thỏa thuận. Tôi nói tôi sẽ gửi cho ông ta một bức thư trình bày chi tiết và yêu cầu ông xác nhận điều mà tôi đã viết. Sau bữa cơm trưa, tôi về khách sạn Hyde Park soạn thảo bức thư, trong đó có đoạn chính là:

“Có người thấy thật khó mà hiểu rằng không hề có sự khác biệt gì trong việc gọi các công dân Singapore là “cư dân” (national) hay “công dân” (citizen) của Liên bang Malaysia. Vì vậy chúng tôi đã đồng ý rằng, vì vấn đề tên gọi đã trở thành vấn đề ưu tư trong nhiều bộ phận dân cư, đoạn 14 của bạch thư nên được tu chính để các công dân Singapore sẽ là công dân của Malaysia thay vì là cư dân của Malaysia. ”

Tôi đính kèm một tuyên bố chung của Bộ trưởng Tư pháp Malaya và Singapore xác nhận quan điểm hợp hiến về quyền bỏ phiếu, đó là người dân của chúng tôi sẽ bỏ phiếu chỉ ở Singapore, và điều này sẽ giữ nguyên không đổi.

Ngày hôm sau Tunku trả lời thư của tôi, lấy địa chỉ là khách sạn

Ritz, London:
“Tôi xác nhận rằng những dàn xếp về quyền công dân của người dân Singapore sẽ có hình thức đã được hai chính phủ Liên bang Malaya và Singapore thỏa thuận, được nêu ở đoạn 14 của Bạch Thư Singapore năm 1961, và đã được tu chính về tên gọi và về quyền bầu cử theo các điều khoản đã được công bố.”

Đây chính là điều tôi cần. Nếu phe đối lập không nêu lên vấn đề này thì tôi khó mà dễ dàng như thế trong việc giành được thế thượng phong đối với họ. Bây giờ thì họ chẳng còn bao nhiêu cớ để bất mãn và tôi sẽ không cho họ có thêm thời gian trước khi cuộc trưng cầu dân ý có thể tạo ra những cớ chống đối mới. Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu được làm thế nào mà người Anh – có thể có sự giúp đỡ của người Úc – cuối cùng thuyết phục được Tunku thay đổi quyết định của ông ta. Có lẽ Sandys, người rất cứng rắn trong đàm phán, bảo ông ta rằng nếu không có quyền công dân chung cho mọi người thì sẽ không có lãnh thổ Borneo cho ông ta và sẽ

không có hợp nhất. Tối hôm đó vào lúc 7 giờ, Sandys tổ chức một cuộc họp cuối cùng với Tunku, Razak, Keng Swee và tôi để tổng kết các vấn đề. Tôi yêu cầu thỏa thuận về quyền công dân sẽ khoan được công bố để tôi có cơ hội ra một tuyên bố đầy ngạc nhiên tại Singapore vào một thời điểm thích hợp.

Vẫn còn đó vấn đề cộng sản. Khi đến London, Selkirk cho tôi biết rằng Tunku vẫn còn muốn mọi phần tử gây rối phải bị bắt giữ trước khi Singapore thuộc về trách nhiệm của Liên bang. Nhưng ông ta đã lặp lại rằng người Anh không nhiệt tình trong việc chống lại họ và muốn chính quyền Malaysia thực hiện điều này sau khi hợp nhất. Tôi trút được nỗi lo. Bây giờ người Anh có thể chịu gánh nặng chống lại Tunku. Đoạn tôi điều chỉnh lập trường, phát biểu rằng một khi cuộc trưng cầu dân ý kết thúc thắng lợi, tôi sẽ chuẩn bị để hỗ trợ cuộc thanh lọc trước ngày tuyên bố thành lập Liên bang Malaysia.

Nhưng Selkirk đã viết cho Sandys vào ngày 27/7 rằng:

“Tôi phải cho ngài biết rõ rằng tôi nghĩ chính sách này nguy hiểm như thế nào vì những lý do sau đây:

(i) Sự bắt giữ độc đoán mà không có bằng chứng thuyết phục được công chúng ắt sẽ tăng cường lực lượng đối lập ở Singapore và ảnh hưởng bất lợi đến các đồng sự của Lee, có thể dẫn đến sự sụp đổ của ông ta.

(ii) Người ta sẽ thấy rõ ràng là người Anh áp đặt lên Malaysia bất chấp ý muốn của nhân dân. Lúc ấy người ta sẽ cho rằng kế hoạch của chúng ta là nhằm duy trì các cơ sở của chúng ta, với Tunku tự nguyện trở thành bù nhìn của chúng ta.

(iii) Sẽ rất khó biện hộ hành động kiểu này ở nghị viện Anh và ở Liên Hiệp Quốc, nơi người Nga nổi tiếng là chống đối mạnh mẽ Liên bang Malaysia.

Chúng ta cũng không thể đưa ra một lý lẽ mạnh mẽ nào để biện minh tại sao hành động cần thiết cho an ninh như thế lại không do chính quyền Malaysia thực hiện sau khi thành lập Malaysia.

Điều Selkirk không nói là có thể có bạo loạn và đổ máu, điều này sẽ tạo tiếng xấu về chính trị cho người Anh. Sandys nhấn mạnh rằng ông ta không thể đồng ý trước, thậm chí trên nguyên tắc, về các vụ bắt giữ ở Singapore mà không có cơ hội để xem xét các trường hợp của các cá nhân có liên quan. Một trường hợp hợp lý phải được nêu ra, và chính quyền Anh không phải là người đề xuất

vấn đề này. Nhưng nếu tất cả các bên có liên quan cho thấy rằng họ chuẩn bị để gánh chịu trách nhiệm của mình, chính quyền Anh sẽ không né tránh trách nhiệm của họ và sẽ không phụ lòng tin cậy của các bên khác. Tạm thời Tunku phải giải quyết vấn đề này.

Tunku thường nói chuyện công khai về những con số, màu sắc và những giấc mơ được coi là may mắn đối với ông. Ông rất coi trọng những ảnh hưởng siêu nhiên ấy. Tại London, ông có một giấc mơ dễ chịu đi kèm với những biểu tượng con giáp, ông bảo điềm này là hên lắm. Vì Thỏa ước Malaysia sẽ được ký vào ngày 1/8, ngày hên của ông, nên ông ra một tiệm kim hoàn gần Burklington Arcade đặt mua một chiếc nhẫn có chạm hình các con giáp để kỷ niệm chuyện này. Tuy nhiên, ngày nhận hàng, ông lại phật ý khi thấy nó có khắc những biểu tượng lạ, chứ không phải những con giáp trong can chi Tây phương mà ông đã quen thuộc như dương cưu, kim ngưu, song nam v.v… Keng Swee đã tới cứu nguy, đoan chắc với ông đấy chính là những biểu tượng con giáp Tây phương, nếu không thì chiếc nhẫn đã bị trả lại để sửa chữa và như thế sẽ không có kịp trước lễ ký kết. Những sự vụ như thế cũng làm bớt đi cảnh buồn chán trong sinh hoạt của các tùy tùng dưới trướng Tunku tại Ritz.

Tuy vậy, Tunku vẫn là một người Hồi giáo thuộc thế hệ trước Thế chiến theo Tây học và có tinh thần tự do. Ông ta vui tính và hoàn toàn cởi mở về chuyện đó. Giống như những người Hồi giáo cùng thế hệ tại Anh, ông ta ăn uống thoải mái, thích ngựa và đàn bà. Ông từng bị nêu tên như kẻ đồng phạm trong một vụ kiện đòi li dị tại Anh do một luật sư Âu lai Á đứng đơn, vì vợ ông này đã ngoại tình với Tunku. Vụ kiện, rất xôn xao ở Malaya trước khi ông trở thành Thủ tướng năm 1955, chỉ làm tăng thêm sức ủng hộ của dân chúng dành cho ông. Dân quê Malay thán phục khả năng xuất chúng của ông. Năm 1970, sau khi về hưu, Tunku trở thành người Hồi giáo thuần thành, cống hiến toàn bộ sức lực cho việc củng cố khối thống nhất Hồi giáo trong cương vị Tổng thư ký Tổ chức hội nghị Hồi giáo.

Tunku là một người bạn rất dễ ưa trong các buổi tiệc tùng, lúc nào cũng có đủ thứ câu chuyện vui nho nhỏ để kể với một phong cách rất hấp dẫn. Mục tiêu của ông trong cuộc đời là sự sung sướng, và tiêu chuẩn để ông đo lường mọi tình huống là nó có làm ông sung sướng hay không. Khi mọi chuyện tốt đẹp, ông có thể tự hào nói: “Tôi là ông Thủ tướng sung sướng nhất trên đời.” Ông có thể nói thêm rằng mục tiêu của ông cho Malaya chẳng phải là giàu có, vĩ đại

hay vinh quang, mà là sung sướng trên một lãnh thổ không có rối loạn hay thù hằn, và khi tìm cách bảo đảm vị trí cho người Borneo trong Liên bang, ông đã nói với báo chí rằng ông muốn mở rộng mục tiêu này cho toàn Malaysia. Nhưng cách này lại không tác động lắm với người dân ở Borneo và Singapore, vì họ vốn không quen đánh giá chất lượng cuộc sống của mình theo lối đó.

Ông ta không màu mè về các khả năng của chính mình và không áy náy gì khi mô tả các tính khí của người Malay. Ông ta thẳng thắn khi xét tật mình, nói thật rằng cha của ông, một tiểu vương Malay, là một con người yếu đuối và sức mạnh của ông thực ra là kế thừa từ bà mẹ người Thái. Ông bảo người Malay không thông minh sắc sảo và không đòi hỏi cao cho lắm, nên rất dễ thỏa mãn họ. Ông chỉ cần cho họ thêm một chút là họ thấy sung sướng ngay. Những quan điểm này cũng tương tự như những quan điểm do Tiến sĩ Mahathir Mohamad trình bày trong cuốn The Malay Dilemma29 của ông được xuất bản năm 1971. Ông ta viết: “Bất cứ thứ gì người Malay có thể làm thì người Hoa cũng có thể làm với giá thành rẻ hơn,” và “Họ là kết quả của hai hệ thống ảnh hưởng môi trường và truyền thống hoàn toàn khác biệt nhau”. Nhiều năm sau, vào 1997, khi đã trở thành Thủ tướng Malaysia, Tiến sĩ Mahathir nói rằng ông đã thay đổi cách nhìn và không còn tin vào những gì mình đã viết trong The

Malay Dilemma nữa.

Nhưng vào thập niên 1960, Tunku có thể nhìn quanh các viên chức và Bộ trưởng đang ngồi trong phòng khách của ông trước hoặc sau bữa tiệc chiêu đãi và nói: “Những tay này chẳng làm ăn gì được. Họ không có khái niệm về cách nào làm ra tiền. Người Hoa thì làm ăn được. Họ biết cách kiếm tiền và nhờ tiền thuế họ đóng, chúng ta có thể nuôi chính phủ. Nhưng bởi vì người Malay không thông minh và kinh doanh không giỏi, nên họ phải nắm các ban bộ trong chính phủ, cảnh sát và quân đội.” Ông ta có một triết lý đơn giản: vai trò của người Malay là kiểm soát guồng máy quốc gia, duyệt cấp giấy phép và thu thuế các loại, và quan trọng hơn cả, là bảo đảm để họ không bị người khác thay thế. Không giống như người Hoa và người Ấn, còn có nước Ấn Độ hay Trung Quốc để trở về, thì họ chẳng có chỗ nào khác mà về. Bằng cách nói nhẹ nhàng và cung cách lịch thiệp, ông ta hoàn toàn công khai về quyết tâm duy trì vị thế thống

trị của người Malay và bảo đảm rằng họ và các tiểu vương của họ cứ mãi mãi là người chủ của xứ sở này.

Razak có thể cười bối rối mỗi khi Tunku lặp lại những nhận định thành thật của ông ta về dân Malay. Điều đó làm Razak không thoải mái. Ông nghĩ những nhận định đó đã đánh giá thấp khả năng của họ và sẽ không thể chấp nhận được đối với thế hệ trẻ – xét cho cùng thì chính ông đã từng hoàn tất các kỳ thi của ngành luật trong một thời gian ngắn bằng một nửa so với các sinh viên người Hoa. Tunku có thể đã mất nhiều năm mới hoàn tất các kỳ thi tốt nghiệp, nhưng đó là bởi vì – như chính ông ta vẫn thường nói – ông ta đã dành quá nhiều thời gian khi còn ở Anh cho những con ngựa chạy chậm lụt và những phụ nữ thay đổi quá nhanh.

Vào 7 giờ tối ngày 1/8, Tunku và Macmillan ký bản thỏa ước khai sinh Malaysia, buổi lễ bị hoãn lại một ngày để rơi vào đúng tháng thứ tám trong năm vốn rất may mắn cho Tunku. Các thủ hiến của Bắc Borneo và Sarawak thay mặt chính phủ của các lãnh thổ đó ký vào văn kiện. Singapore và Brunei được đề cập thoáng qua trong một tuyên bố chung tuy rằng chúng là đề tài quan trọng trong suốt hai tuần thương thảo trước khi ký kết. Quốc vương Brunei đã trì hoãn để giành được những điều kiện tốt hơn, và Singapore cũng vậy.

Báo cáo của Ủy ban Cobbold được công bố vào cùng thời điểm ký kết thỏa ước. Nó được viết rất cẩn thận, trình bày tình hình với những chi tiết tốt nhất có thể thu thập được. Đánh giá của Ủy ban về nguyện vọng của dân chúng Borneo là: một phần ba ủng hộ mạnh việc sớm thành lập Liên bang Malaysia mà không quan tâm đến các điều khoản hay điều kiện; một phần ba khác đồng ý gia nhập Liên bang nhưng muốn có những điều khoản bảo vệ; phần ba cuối cùng được chia làm hai nhóm, một nhóm muốn nền cai trị của Anh sẽ kéo dài thêm một số năm nữa, và một số khác “kiên định, năng động về chính trị cũng như ngôn luận, chống đối việc gia nhập liên bang với bất kỳ điều kiện nào trừ khi có được độc lập và tự trị trước đã”. Hay nói cách khác là không bao giờ. Về phần mình, Cobbold bác bỏ thỉnh nguyện của các lãnh thổ Borneo muốn có được quyền rút lui trong một giai đoạn thử nghiệm. Thế là kết thúc.

Keng Swee quyết định trở về Singapore trước tôi, và về đến nơi ngày 3/8. Báo chí tường thuật ông ta ở trạng thái phấn khởi khi xuất hiện ở phi trường. Nâng một cốc sâm banh chúc mừng Liên

bang Malaysia, ông ta nói với các nhà báo rằng chính phủ có một quân bài tốt để chơi vào đúng thời điểm của nó.

Mặc dù công việc của tôi đã xong, tôi vẫn ở lại London cùng với Tunku, người vốn rất tin tưởng vào chuyện không để bị thúc đẩy qua hết cuộc sống này. Ngay cả trong giai đoạn thảo luận, ông ta vẫn thích lang thang trong khu Burlington Arcade gần khách sạn Ritz để mua cáo loại áo vét và khăn tay sang trọng như hồi còn trẻ sống phóng túng ở Anh. Tôi đi cùng ông cho có bầu có bạn, và một dịp nọ, tôi cũng mua một chiếc áo khoác len xám mà tôi không cần tới lắm. Trong một bữa trưa do Macmillan mời và có Sandys cùng dự, chúng tôi chụp hình chung với nhau bên ngoài trụ sở bộ hải quân và hai chúng tôi mặc những chiếc áo khoác mới ấy. Khi Tunku đã ra ngoài tầm tai, tôi nói với Macmillan về những khó khăn của tôi trong khi làm việc với Tunku và Macmillan nhận xét: “Tunku cũng giống như một tay quý tộc Tây Ban Nha. Thế giới của ông ta là thế.” Tôi chỉ có nước là đồng ý thôi. Chính Macmillan cũng hành xử như một tay quý tộc nhưng với tư tưởng hiện đại hơn, tính toán thiệt hơn trong từng nước đi đằng sau một phong thái lịch lãm. Còn Tunku là một quý tộc mong muốn thế giới này ăn khớp với kiểu suy nghĩ của ông ta.

Ngày 8/8 – ngày hên gấp đôi đối với Tunku – chúng tôi bay về Singapore bằng máy bay của hãng Qantas, và về đến nơi ngày hôm sau. Ngày kế đó, tôi tháp tùng ông trên một chuyến bay đặc biệt của hãng Malayan Airways đi Kuala Lumpur, nơi ông được dân chúng chào đón nồng nhiệt tại phi trường. Ông ta hào phóng chia cho tôi những vòng hoa do dân chúng trao tặng, và cho tôi cơ hội phát biểu lần đầu trước công chúng Malay. Và khi ông lên một chiếc xe mui trần để về tư dinh trong khí thế chiến thắng với hàng nghìn người dân đứng dọc hai bên đường, ông lại cho tôi chia sẻ vinh quang bằng cách xếp tôi đứng cạnh ông trên xe. Tôi đã được ông biệt đãi.

Ngày hôm sau, tôi trở về Singapore để kiểm tra lại những chuẩn bị cuối cùng cho cuộc trưng cầu dân ý, kể cả việc công bố các thư từ trao đổi giữa tôi với Tunku. Khi họp báo, chúng tôi cũng không đề cập gì tới thỏa thuận chúng tôi đã đạt được về quyền công dân Malaysia. Tôi muốn dành chuyện này cho một dịp khác.

Nhưng Barisan đã biết rằng có điều gì đó đang nhen nhóm. Khi thỏa ước được ký ở London, Marshall đã nghe tin ở Liên Hiệp Quốc tại New York rằng dưới áp lực của Anh và Úc, Tunku đã đồng ý một

chế độ công dân chung cho mọi lãnh thổ, tôi không biết ai đã tiết lộ tin này cho ông ta, nhưng ông ta đã không thể giữ kín tin ấy. Ông ta lập tức nói với các hãng thông tấn, và tin này đã lan tới Singapore. Điều này khiến tôi mất đi cơ hội tạo ngạc nhiên, nhưng vì không có người thẩm quyền xác định lại tin này, nên mọi chuyện vẫn còn nguyên chỗ đó. Một ai đó ở New York đã tiết lộ tin này cho Marshall hẳn đã muốn ông ta bớt chống đối việc thành lập Liên bang đi. Cho dù vì động cơ gì thì tác động của nó đối với ông ta cũng rất sâu xa. Bây giờ ông ta nhận ra rằng mình đang đối đầu với các chính phủ Anh, Úc và Malaysia, và ông ta e rằng nếu tiếp tục theo đường lối chống Malaysia của Barisan, ông ta có thể phải nhận lãnh biện pháp đối phó mà Tunku đã dành sẵn cho họ. Ông ta phải sớm nghĩ cách bảo vệ mình.

Ông ta cũng không lẻ loi trong việc này. Lim Chin Siong cũng đang gặp rắc rối, vì những ủng hộ viên quanh ông ta đều đang suy xét lại. Ngày 3/8, một thành viên trong Hiệp hội sinh viên tốt nghiệp đại học Nanyang cảnh báo rằng nhiều người đã không đồng ý với việc bỏ phiếu trắng. Theo Sở đặc vụ thì Lim đã trả lời rằng không có con đường nào khác. Năm ngày sau, biên tập viên của tờ báo do Câu lạc bộ Xã hội Chủ nghĩa Singapore xuất bản cũng nói với ông ta rằng tờ báo không thể công khai kêu gọi bỏ phiếu trắng vì câu lạc bộ phải giữ thái độ không thiên vị. Kêu gọi như thế sẽ đụng chạm tới khối sinh viên nói tiếng Anh. Biên tập viên ấy nói chỉ có thể đưa ra một lời kêu gọi dưới hình thức một lá thư của độc giả.

Ngày 14/8, tôi phát động chiến dịch hai tuần vận động trưng cầu dân ý vào ngày thứ Bảy 1/9. Tôi bảo đảm với mọi công dân Singapore rằng họ sẽ tự động trở thành công dân Malaysia. Tôi đọc trích đoạn lá thư ngày 30/7 của tôi gửi Tunku và thư tái khẳng định của ông ta ngày 31/7. Đó là một đòn chí tử giáng vào những chống đối trước vấn đề hợp nhất.

Các nghiệp đoàn và hiệp hội văn hóa khuynh tả của Lim ngừng mọi hoạt động khác để tập trung vận động bỏ phiếu trắng. Bích chương, biểu tượng, cờ xí và biểu ngữ tràn ngập thành phố trên các cột đèn và các bức tường, các cuộc mít–tinh diễn ra mỗi đêm, những cuộc lớn nhất là do Barisan tổ chức. Nhưng trong vòng 24 giờ sau lời thông báo của tôi, Ko Teck Kin, Chủ tịch Phòng thương mại Hoa kiều,

đã kêu gọi ủng hộ phương án A: mô hình của chính phủ trong việc hợp nhất. Ông ta đã xác định rằng người Hoa ở Singapore không thể để mất quyền công dân vì những mưu toan chính trị của Barisan. Đây quả là một bước ngoặt: khối dân chúng nói tiếng Hoa, không theo hướng khuynh tả và hiện đối mặt với một quyết định quan trọng ảnh hưởng tới vị trí của họ, đã chọn giải pháp là nghe theo lời những lãnh đạo lâu đời của họ.

Ngày 14/8, Lim hỏi một trong những cán bộ của ông ta, một phóng viên của tờ Nanyang Siang Pau, là tại sao không thấy in bài tuyên bố của ông ta về vấn đề hợp nhất. Xem ra ban điều hành tờ báo bây giờ đã sợ chính phủ hơn là bất cứ thế lực nào khác muốn cản trở cuộc trưng cầu dân ý. Lim rơi vào cảnh ngày càng tuyệt vọng, Barisan thậm chí còn dùng tới đòn kết án tôi là muốn tạo một sự đã rồi bất chấp ý kiến của Ủy ban Giải thực Liên Hiệp Quốc mà họ rêu rao rằng sẽ nhóm họp vào tháng 9 để xem xét tố cáo của họ về cuộc trưng cầu dân ý không công bằng.

Trong khi đó, thế lực chống đối đã bị một bước suy thoái nữa. Chúng tôi củng cố được lực lượng của mình trong Hội đồng lập pháp khi S.V. Lingam đã thoát ly phe Ong Eng Guan và UPP vào ngày 17/8 rồi xin tái gia nhập vào PAP. Việc này giúp đảng cầm quyền giành lại đa số 26 chống 25 trong nghị viện (thái độ dao dộng này của Lingam thật kỳ lạ và chỉ được lý giải sau khi chúng tôi gia nhập Malaysia, khi Keng Swee tìm biết được rằng Lingam là nhân viên đặc vụ của Malaya. Họ muốn biết Ong theo đuổi mục tiêu gì, nhưng đã chỉ thị cho Lingam trở lại với PAP khi đảng cầm quyền có nguy cơ bị lật đổ. Chúng tôi đã đưa Lingam ra ứng cử trong kỳ tổng tuyển cử năm 1963, nhưng khi khám phá ra chuyện này, chúng tôi đã loại bỏ ông ta ra khỏi danh sách.)

Lợi thế của chúng tôi không kéo dài lắm. Sức khỏe của Ahmad Ibrahim ngày càng kém. Ông ta bị viêm gan rồi chuyển qua sơ gan từ nhiều năm trước. Chúng tôi đã đưa ông qua Anh để giải phẫu nhưng bệnh vẫn tiến triển, và ông ta mất vào ngày 21/8, tôi đã có mặt cùng vợ ông ta bên giường bệnh ở phút cuối cùng. Ahmad có một tinh thần lớn. Ông có các phẩm chất của lãnh tụ và đã dùng nó để tạo ảnh hưởng tốt trong Nghiệp đoàn lao động khu căn cứ hải quân. Quan trọng hơn, ông đã có đủ sức tiếp nhận Bộ Lao động từ

tay Kenny để đối phó với các thế lực chống đối. Cái chết của ông là một mất mát lớn, và khiến chúng tôi rơi trở lại tình thế 25 chống 25.

Tuy nhiên, tình thế không có chút tuyệt vọng nào. Marshall đang dao động và muốn rời phe chống đối để củng cố uy tín trước mặt Tunku. Tôi mời ông ta tham dự diễn đàn tay đôi trên đài phát thanh với tôi. Ông ta đồng ý, và trong lúc vấn đáp sau khi mở đầu diễn đàn, ông ta đã thừa nhận rằng không hề có khác biệt gì giữa các công dân Singapore và các công dân khác của Malaysia khi mà giờ đây, chúng tôi cũng đã có được tư cách công dân Malaysia. Để giữ trọn thái độ nghi ngại và e dè, ông ta đã yêu cầu tôi xác định, và tôi đã xác định, rằng công dân Singapore sẽ có quyền làm việc và sở hữu tài sản trên toàn liên bang. Họ đủ tư cách để làm việc trong bộ máy hành chính liên bang và hiến pháp bang Singapore sẽ được hình thành theo cùng một cách thực thi ở các bang khác.

Cùng hôm đó, ông ta gặp gỡ các lãnh đạo của Đảng công nhân và thuyết phục họ nhất trí ủng hộ sự thay đổi trong điều khoản quyền công dân. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục chống đối các dự trù cho cuộc trưng cầu dân ý mà họ coi như “phi đạo đức tới nỗi bất kỳ công dân lương thiện nào, theo bất kỳ quan điểm gì, cũng không thể tham gia trừ khi bị luật pháp cưỡng bách”. Dĩ nhiên Marshall biết việc đi bầu là cưỡng bách, và do đó đã khuyên dân chúng bỏ phiếu trắng để phản đối, vì họ không thể không đi bầu. Một lần nữa ta thấy đây là thủ pháp tiêu biểu của một tay luật sư. Ông ta không hề muốn chống đối và chọc giận Tunku, nhưng đồng thời lại muốn tỏ ra rằng ông không hề thoát ly khỏi lực lượng của Lim Chin Siong.

Vài ngày sau, tôi đã có thể mời ông ta phát biểu trên một diễn đàn tại Viện đại học Singapore: “Cho phép chúng tôi ngắn gọn. Đảng Công nhân không thay đổi lập trường. Các đề nghị hiến định đã được thay đổi để thỏa đáp yêu cầu của Đảng Công nhân theo đúng y mô hình do đảng đưa ra.” Tuy nhiên, trong một cố gắng vô vọng cuối cùng, ông ta đã yêu cầu chính phủ tạm hoãn cuộc trưng cầu dân ý cho đến khi dự thảo hiến pháp Malaysia được chuyển đến cho Hội đồng lập pháp Singapore. Cho dù ông ta có tung hỏa mù để che giấu động cơ của mình, việc ông ta, vừa là luật sư vừa là người chống đối hợp nhất, thừa nhận rằng các công dân Singapore sẽ không trở thành những công dân hạng hai của liên bang, đã là một đòn mạnh đánh vào đường lối tuyên truyền của Barisan.

Còn nhiều đòn tấn công mạnh mẽ nữa. Tiếp theo lời kêu gọi của Ko Teck Kin, lãnh đạo của 12 hiệp hội ngành kinh doanh đã ký một tuyên bố vào ngày 23/8 yêu cầu Phòng thương mại Hoa kiều tổ chức mít-tinh để khuyến cáo dân chúng không nên bỏ phiếu trắng mà hãy chọn phương án A. Hơn nữa, họ còn công bố danh tính của họ để dễ dàng cho việc xác minh, tuy rằng hành động của họ là đối kháng trực tiếp với lá thư ngỏ của MCP.

Để khuyến khích họ rời bỏ phe chống đối, tôi tuyên bố thêm với các lãnh đạo bang hội người Hoa rằng nếu có quá nhiều phiếu trắng thì điều đó có thể được coi như ủng hộ phương án B – hợp nhất trọn vẹn và vô điều kiện – bởi vì điều đó sẽ có nghĩa rằng đa số đã đáp ứng lời kêu gọi của Barisan. Nhưng trong trường hợp đó, những ai không ra đời tại Singapore mà chỉ nhập tịch sau này có thể mất đi quyền công dân của họ. Lý luận này có tác động. Ba ngày sau khi 12 hiệp hội đưa ra bản tuyên bố, có thêm ba tổ chức khác công khai ủng hộ phương án A, trong đó có Liên hiệp giáo viên các trường Hoa tại Singapore, một tổ chức có tiếng là khuynh tả.

Ngày kế tiếp, Ko dẫn một phái đoàn từ Phòng thương mại Hoa kiều đến văn phòng của tôi tại Tòa thị chính để làm rõ tuyên bố của tôi về phương án B. Tôi nói cho ông ta hiểu rõ rằng ông ta không được hành động bất cẩn trước vấn đề quyền công dân của cộng đồng người Hoa. Rồi ông ta yêu cầu các đảng đối lập trình bày rõ ràng xem họ sẽ có biện pháp gì một khi do tác động của họ, con số phiếu trắng trong cuộc trưng cầu dân ý lại đưa tới việc chấp nhận phương án B. Lim Chin Siong trả lời chất vấn của Ko bằng một đe dọa: cộng đồng người Hoa sẽ biết “cách đối phó với các nhân vật được mệnh danh là lãnh đạo lại đi phản bội họ,” ông ta còn kết án Phòng thương mại vì đã đi theo luận điệu tuyên truyền của PAP. Không nao núng, ban điều hành của Phòng thương mại lại yêu cầu các thành viên bỏ phiếu cho giải pháp A, và trong cùng ngày hôm đó, thêm sáu tổ chức của người Hoa ra mặt ủng hộ quan điểm này.

Để đương cự với xu hướng trên, Lim Chin Siong điều động 24 nghiệp đoàn, rồi thêm 12 nghiệp đoàn khác nữa, tái khẳng định với các thành viên là phải bỏ phiếu trắng. Nhưng lãnh đạo các nghiệp đoàn ấy không có sức nặng là mấy: họ dựa vào uy tín của Lim, mà cái này thì đang trên đà suy giảm. Bực bội và bối rối, ông ta đã dùng tới thủ đoạn đe dọa, trở nên rối loạn trong phát biểu và phạm một sai lầm lớn vào ngày 27/8. Trong một cuộc mít–tinh tại Hong Lim

Green, ông ta đã nói: “Hợp nhất và thành lập liên bang có ý nghĩa khác nhau đối với những lực lượng khác nhau. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho Malaya và Indonesia, các lực lượng quốc gia của hai lãnh thổ này đã phát triển khái niệm về một Melayu Raya, nghĩa là Đại Malaya, hoặc Malaysia, bao gồm cả Indonesia…”

Điều này làm kinh hoàng các cử tri người Hoa vốn là những người biết rõ dân Indonesia còn bài Hoa hơn cả người Malay tại Malaya.

Nhưng điều đó cũng chẳng có tác dụng gì khi Ong Eng Guan, khi được báo chí hỏi rằng ông ta sẽ làm gì khi việc bỏ phiếu trắng được lý giải là ủng hộ hợp nhất trọn vẹn, đã từ chối không đưa ra ý kiến nào. Điều này củng cố thêm niềm tin nơi các lãnh đạo bang hội người Hoa rằng phe thân cộng và chống đối hợp nhất đã bị dồn vào ngõ cụt. Cảm thấy vững bụng hơn, Phòng thương mại Hoa kiều đã cho cậy đăng lời thông báo ủng hộ phương án A trên tất cả các báo tiếng Hoa trong hai ngày liên tiếp. Nỗi sợ hãi cố hữu của họ trước phe đối lập nay đã thay bằng nỗi lo sợ rằng 330.000 người Hoa vốn là chỗ hậu thuẫn của họ sẽ mất đi quyền công dân và làm mất luôn ảnh hưởng của họ đối với các diễn biến chính trị. Hành động của họ có tác động mạnh. Các lãnh đạo đoàn thể khác cũng công khai lên tiếng kêu gọi ủng hộ phương án A, trong đó có 51 công ty thương mại và nghiệp đoàn.

Tuần lễ cuối cùng trước ngày trưng cầu dân ý đã diễn ra vô số cuộc mít–tinh và hội thảo, nhưng tôi tin rằng họ chẳng làm thay đổi được gì nữa. Cuộc tranh luận quanh các điều kiện thống nhất đã kéo dài suốt năm. Vấn đề quốc tịch và tư cách công dân hạng hai mà Barisan khai thác đã dược dàn xếp xong. Ngày 30/8 có một cuộc mít–tinh cuối cùng do PAP tổ chức tại Hong Lim Green, đó là cuộc mít-tinh lớn nhất của chúng tôi, thu hút được một đám đông rất lớn mà không cần phải lấy xe chở họ tới như Barisan đã làm ba tuần trước đó. Khi tôi bắt đầu phát biểu lúc 9 giờ 30, nhạc đột nhiên phát ầm vang từ ba cái loa gắn trên tầng bốn của tòa nhà trụ sở một nghiệp đoàn thân Barisan. Tôi nói ngay: “Đó là kiểu dân chủ của Barisan Sosialis. Chúng tôi đã cho họ cả năm để làm gì thì làm. Nay họ lại sợ tôi nói ra sự thật với các bạn.” Họ dùng nhạc để át tiếng tôi, nhưng tôi cứ tiếp tục. Sau vài phút, một nhóm cảnh sát đi vào tòa nhà đó. Họ thấy các cánh cửa trên tầng bốn đều đóng kín, nhưng tiếng nhạc được ngừng lại.

Cuộc bỏ phiếu bắt đầu lúc 8 giờ sáng ngày 1/9 và kết thúc lúc 8 giờ tối, sau đó bắt đầu kiểm phiếu. Đến 3 giờ sáng, kết quả cho thấy chiến dịch vận động bỏ phiếu trắng của Barisan đã thất bại. Phiếu trắng chiếm chưa tới 30% số phiếu, 70% còn lại ủng hộ phương án A, còn một ít ủng hộ cho phương án B và C. Những đám đông rất lớn tụ họp ngoài dinh Badminton trên đường Guillemard, không khí rất căng thẳng, vì tuy rằng có tới 345 địa điểm bầu cử trên toàn Singapore, nhưng mọi thùng phiếu đều được mang về đây để kiểm. Barisan muốn phiếu được kiểm tại từng đơn vị bầu cử, nhưng chúng tôi từ chối điều đó. Chúng tôi không muốn họ biết được rằng đơn vị nào bỏ phiếu trắng nhiều nhất, đó sẽ là thông tin hữu dụng trong kỳ bầu cử kế. Nhưng họ đã khôn ngoan hơn chúng tôi khi dặn dò những người ủng hộ kẹp chung thẻ cử tri vào với lá phiếu. Những thẻ đó cho biết ngay phiếu là từ đơn vị nào.

Khoảng 6 giờ 45, ngay trước khi công bố kết quả, Tiến sĩ Lee Siew Choh gửi một lá thư tới viên giám sát trưng cầu dân ý yêu cầu được kiểm phiếu lại. Nửa giờ sau, viên giám sát đồng ý nhưng quãng thời gian chờ đợi này khiến Tiến sĩ Lee gửi ngay lá thư thứ hai lúc 7 giờ 45, trong đó ông ta cáo buộc rằng viên giám sát đã cho Thủ tướng đọc lá thư thứ nhất trước khi trả lời đồng ý, như thế ông ta chẳng hơn gì tay sai của Thủ tướng. Hơn nữa, vì quy trình thủ tục của lần đếm thứ nhất cũng sẽ áp dụng cho lần đếm thứ hai, nên toàn bộ sự việc cũng khôi hài như chính cuộc trưng cầu dân ý nên ông ta sẽ không chấp nhận điều đó. Viên giám sát đưa ra câu trả lời một giờ sau đó, nhưng do lời khuyên của tôi, ông ta đã cho đọc thư trả lời ấy trên loa phóng thanh cho giới báo chí cùng nghe trước khi trao lá thư cho Tiến sĩ Lee. Thư nói rằng các thùng phiếu đã được mở niêm phong, các lá phiếu đã trộn lẫn lộn và đếm trong khi Tiến sĩ cũng có mặt tại đó suốt thời gian kiểm phiếu nhưng ông ta đã không đưa ra lời phản đối nào về sự hợp cách của quy trình cho đến khi mọi việc hoàn tất và chỉ chờ đến lúc công bố kết quả thôi. Tuy nhiên, viên giám sát cũng ra lệnh cho đếm lại theo lời ông ta yêu cầu.

Đó chỉ là nỗ lực phản đối vô vọng của Tiến sĩ Lee, và trong khi việc kiểm phiếu lần hai còn tiến hành thì ông ta đã đùng đùng bỏ ra ngoài và nói với báo chí: “Thật là lố bịch và khôi hài.” Lim Chin Siong cũng bỏ ra ngoài với ông ta, tiến đến với đám đông ủng hộ phía bên kia đường và nói: “Chúng ta sẽ không chịu thua và sẽ tiếp tục cuộc chiến đấu đòi các quyền bình đẳng cho nhân dân Singapore.” Nhưng

chẳng còn gì cho họ ngoài chuyện giải tán. Họ đã thua cuộc và đành lặng lẽ rút về nhà để tránh phải đối mặt với thất bại.

Lúc 11 giờ 30 sáng Chủ nhật, việc kiểm phiếu lần hai kết thúc: 71% ủng hộ phương án A và 25% phiếu trắng. Tôi vui mừng quá độ khi phát biểu với đám đông chờ đợi bên ngoài và mắt tôi đã rưng lệ. Những lời phát biểu của tôi trước dinh Badminton đã được đài phát thanh Singapore truyền trực tiếp trên sóng:

“Lời phán quyết của nhân dân là một điều kinh khủng đối với những kẻ thiếu trung thực về mặt chính trị. Lời phán quyết này có tính quyết định. Đó là con dấu chuẩn y của nhân dân đối với việc hợp nhất và thành lập Liên bang Malaysia… Không tiến hành trưng cầu dân ý có thể sẽ là một sai lầm bi thảm, vì như thế chúng ta có thể đã giúp phe đối lập có cơ hội làm dân chúng tin vào cái được gọi là số đông đã chống lại việc hợp nhất. Với thời gian và kiên trì giải thích, chúng ta sẽ có thể giảm dần số người ủng hộ mà họ đã thu phục được bằng cách dối gạt, bôi nhọ hay đe dọa.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.