Hồi ký Lý Quang Diệu – Tập 2: Bí Quyết Hóa Rồng

7. MỘT XÃ HỘI CÔNG BẰNG, KHÔNG BAO CẤP



Chúng tôi đã tin vào chủ nghĩa xã hội, đã tin vào sự phân phối công bằng cho mọi người. Nhưng sau đó, chúng tôi nhận thức được rằng động cơ thúc đẩy cá nhân và sự đãi ngộ cho cá nhân là điều cốt yếu đối với một nền kinh tế có năng suất. Tuy nhiên, vì năng lực mỗi người không đồng đều, nên nếu để thị trường quyết định thành tích và đãi ngộ, thì sẽ có một ít người thắng lớn, nhiều người thắng vừa, và một số lượng đáng kể người thiệt thòi. Điều này sẽ dẫn tới những căng thẳng về xã hội vì tính công bằng của xã hội đã bị vi phạm.

Một xã hội cạnh tranh – trong đó người thắng giành lấy hết thảy – như Hong Kong thuộc địa trong những năm 1960, sẽ không thể chấp nhận được ở Singapore. Một chính phủ thuộc địa không phải đối mặt với các cuộc tổng tuyển cử 5 năm diễn ra một lần nhưng chính phủ Singapore thì phải đối mặt với điều đó. Để cân bằng các kết quả thái quá của sự cạnh tranh thị trường tự do, chúng tôi phải tái phân phối lợi tức quốc gia thông qua việc trợ cấp cho những việc làm nhằm tăng cường khả năng kiếm sống của công dân, như trợ cấp giáo dục. Chúng tôi cũng rất muốn quan tâm đến vấn đề nhà ở và y tế. Nhưng tìm ra giải pháp đúng đắn cho việc chăm sóc sức khỏe cá nhân, lương hưu hoặc trợ cấp thôi việc không phải là một công việc dễ dàng. Chúng tôi đã quyết định từng vấn đề bằng phương cách thực tế, luôn luôn chú ý đến khả năng bị lạm dụng và lãng phí. Nếu phân phối lại bằng cách tăng thuế thì những người có năng suất cao sẽ ngưng phấn đấu. Khó khăn của chúng tôi là phải tạo ra một sự cân đối đúng đắn.

Mối bận tâm hàng đầu của tôi là bảo đảm quyền lợi cho mọi công dân và tương lai của họ. Tôi muốn một xã hội mà mọi người dân đều sở hữu ngôi nhà của họ. Tôi đã nhìn thấy sự tương phản giữa những căn hộ chung cư cho thuê rẻ tiền, bị sử dụng bừa bãi và duy tu tồi tệ với những căn hộ của những người rất hãnh diện là mình có nhà riêng. Và từ đó tôi tin rằng nếu mỗi gia đình đều có nhà riêng thì quốc gia sẽ vững bền. Sau khi chúng tôi giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9/1963, trong lúc Singapore vẫn thuộc Malaysia, tôi đã yêu cầu Ủy ban Phát triển Nhà ở (Housing and Development Board – HDB) công bố kế hoạch về quyền sở hữu nhà. Chúng tôi đã thành lập HDB vào năm 1960 như một cơ quan có thẩm quyền theo luật định trong việc xây dựng những căn nhà với giá thấp cho công nhân. Vào năm 1964, HDB đưa ra kế hoạch cho dân vay tiền mua nhà với lãi suất thấp và với những thời hạn hoàn trả lên tới 15 năm nhưng kế hoạch này đã không thành công, những người cần mua nhà không thể kiếm đủ tiền để thanh toán lần đầu một khoản bằng 20% giá nhà.

Sau khi độc lập vào năm 1965, tôi đã gặp rắc rối với số cử tri hoàn toàn là dân thành thị của Singapore. Tôi đã chứng kiến những cử tri ở các thành phố lớn luôn có khuynh hướng bỏ phiếu chống chính phủ đương nhiệm và tôi kiên quyết rằng người thuê nhà phải trở thành chủ sở hữu ngôi nhà, nếu không chúng ta sẽ không có được sự ổn định chính trị. Một động lực quan trọng khác là phải cung cấp quyền lợi cho những bậc bố mẹ có con trai của họ đang thực hiện nghĩa vụ quân sự để bảo vệ đất nước Singapore. Nếu gia đình của các quân nhân này không làm chủ sở hữu căn nhà của họ, thì người lính ấy sẽ kết luận rằng anh đang chiến đấu để bảo vệ tài sản cho những người giàu. Tôi tin rằng ý thức sở hữu này rất quan trọng cho xã hội mới của chúng tôi, một xã hội chưa có gốc rễ sâu chắc nhờ cùng nhau chia sẻ một lịch sử lâu đời. Trong lĩnh vực này, Keng Swee, với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, là người ủng hộ tôi nhiều nhất. Những bộ trưởng khác nghĩ rằng quyền sở hữu nhà là rất đáng mơ ước nhưng không quá quan trọng đến như thế.

Chính phủ thuộc địa đã thành lập Quỹ Dự phòng (Central Provident Fund – CPF) dưới dạng một quỹ tiết kiệm dành cho người về hưu: người làm công góp 5% lương và người sử dụng Lao động góp 5%. Người làm công chỉ được phép rút số tiền này lúc họ 55 tuổi. Kế hoạch lương hưu như thế này không thể nào chấp nhận được. Keng Swee và tôi quyết định mở rộng quỹ tiết kiệm cưỡng bách này trở thành một quỹ tạo điều kiện cho mọi công nhân làm chủ ngôi nhà của họ. Vào năm 1968, sau khi thông qua tu chính luật CPF nhằm tăng mức đóng góp, HDB đã công bố kế hoạch về quyền sở hữu nhà đã được sửa đổi. Công nhân được phép dùng tiền tiết kiệm CPF đã tích lũy để trả 20% tiền đặt cọc mua nhà và khoản còn lại sẽ được trả góp hàng tháng trong thời hạn hơn 20 năm.

Đầu tiên, tôi thảo luận kế hoạch của mình với các nhà lãnh đạo NTUC. Vì họ đã đặt niềm tin vào tôi, tôi cảm thấy tôi phải vượt qua mọi khó khăn để thực hiện lời hứa với các nghiệp đoàn là tất cả công nhân sẽ có cơ hội để làm chủ ngôi nhà của họ. Vì vậy, tôi kiên trì theo đuổi kế hoạch này, thỉnh thoảng lại sửa đổi nó do các điều kiện thị trường ảnh hưởng đến tiền lương, chi phí xây dựng và giá đất. Hàng năm, Hội đồng Tiền lương Quốc gia (National Wages Council) đề nghị tăng lương dựa vào sự tăng trưởng kinh tế của năm trước. Tôi biết các công nhân đã từng quen với tiền lương thực lãnh cao, nên họ sẽ phản đối việc tăng tỷ lệ đóng góp vào quỹ CPF vì điều này sẽ làm giảm số tiền họ có thể tiêu được. Vì vậy, hầu như hàng năm tôi đã tăng mức đóng góp vào CPF, nhưng vẫn có cách để tăng số tiền lương thực lãnh. Kế hoạch này không những giúp giảm lạm phát mà còn không ảnh hưởng xấu đến đời sống của công nhân. Điều này chỉ có thể được thực hiện nếu có một nền kinh tế tăng trưởng mạnh từ năm này sang năm khác. Và vì chính phủ đã thực hiện được lời hứa của mình là san sẻ công bằng cho mọi công nhân thông qua quyền sở hữu về nhà ở, nên quan hệ chủ thợ khắp nơi đều tốt đẹp.

Mức đóng góp CPF không thay đổi trong khoảng thời gian từ năm 1955 đến 1968. Năm 1984, tôi đã tăng nó từ 5% lên mức cao nhất là 25%, thực hiện tổng số mức tiết kiệm là 50% tiền lương. Sau này, chúng tôi đã giảm mức đóng góp xuống còn 40%. Việc làm tăng tiền lương thực lãnh của công nhân là điều Bộ trưởng Lao động quan tâm nhất. Ông ta đã cố thuyết phục tôi giảm mức đóng góp của công nhân vào quỹ CPF, nhưng tôi đã bác bỏ yêu cầu này. Tôi kiên quyết không đặt gánh nặng các chi phí phúc lợi của thế hệ hiện tại lên vai thế hệ tiếp theo.

Vào năm 1961, một vụ hỏa hoạn lớn đã thiêu hủy hoàn toàn khu định cư rộng 47 mẫu của những người cư trú bất hợp pháp ở Bukit Ho Swee, khiến 16.000 gia đình bị mất nhà cửa. Ngay sau đám cháy, tôi đã sửa đổi luật cho phép chính phủ mua vùng đất bị cháy với giá không phải là giá của đất chiếm hữu bỏ không (chiếm hữu tự do đất bỏ trống), như thể vẫn có những người cư trú bất hợp pháp đang sống ở đó. Vào thời gian đó, giá đất chiếm hữu tự do bằng khoảng 1/3 giá đất trên thị trường. Để thực thi dự luật, tôi thuyết phục quần chúng, “Thật tàn nhẫn nếu chúng ta cho phép mọi người thu lợi nhuận từ đám cháy này. Thật ra, nếu bất kỳ lợi nhuận nào được cho phép thực hiện, nó chỉ sẽ trở thành một sự cám dỗ, một động cơ xui khiến những người chiếm hữu đất của những người sinh sống trong những ngôi nhà bất hợp pháp.”

Sau đó, tôi bổ sung luật cho phép chính phủ có quyền mua các vùng đất dùng cho mục đích công cộng với giá khi ấy được ấn định vào ngày 30/11/1973. Tôi nhận thấy không có lý do gì để những khu đất tư nhân có thể kiếm lợi từ sự tăng giá đất do sự phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng mang lại. Khi đất nước thịnh vượng hơn, chúng tôi đã chuyển giá cố định theo giá của tháng 1/1986, tháng 1/1992 và sau đó là tháng 1/1995, gần với giá trên thị trường hơn.

Số người muốn mua các căn hộ HDB mới tăng nhanh, từ khoảng 3.000 người vào năm 1967 đã lên đến 70.000 người vào năm 1996. Hơn một nửa số người mua nhà vào thập niên 90 đã hoàn toàn sở hữu ngôi nhà của họ, nhưng họ lại muốn nâng cấp nhà lớn hơn. Vào năm 1996, chúng tôi đã xây dựng những căn hộ HDB giá 725.000 đôla, và chỉ có 9% trong số này được thuê, còn lại đều được mua, với giá dao động từ 150.000 đôla cho các căn hộ nhỏ nhất có ba phòng đến 450.000 đôla cho các căn hộ lớn hơn.

Thỉnh thoảng tôi đã can thiệp trực tiếp, nhằm tạo sự đa dạng cho các căn hộ. Như vào tháng 5/1974, tôi đã yêu cầu giám đốc điều hành phải nâng cấp và thay đổi các thiết kế của chúng cũng như tạo một phong cảnh cho các thành phố mới. Bằng cách khai thác các điểm đặc biệt của từng vùng, sự đa dạng về kiến trúc đã tạo nên những nét đặc trưng cho mỗi thành phố mới.

Trong đầu thập niên thứ nhất từ năm 1965, nhiều khu nhà mới đã được xây ven các khu trung tâm, ở Tiong Bahru, Queenstown, Toya Payoh, và MacPherson. Sau năm 1975, chúng được xây ở vị trí xa hơn, tại những nơi khi đó còn là vùng nông thôn hay vùng đất canh tác. Sau khi thảo luận với các viên chức EDB, tôi đã yêu cầu HDB nên dành phần đất trong các khu nhà này cho các ngành công nghiệp “sạch”, mà sau này có thể khai thác nguồn nhân lực là các phụ nữ trẻ tuổi và các bà nội trợ có con đi học. Điều này đã được chứng minh là thành công khi hãng Philips xây nhà máy đầu tiên của nó tại Toa Payoh vào năm 1971. Sau thành công này, hầu hết các thành phố mới đã có những nhà máy được điều hòa nhiệt độ trong lành do các công ty sản xuất phụ kiện máy vi tính và điện tử như Hewlett–Packard, Compaq, Texas Instruments, Apple Computer, Motorola, Hitachi, Aiwa và Siemens xây dựng. Chúng đã cung cấp hơn 150.000 việc làm cho cư dân sống ở gần đó (trong đó nữ nhiều hơn nam); giúp thu nhập gia đình tăng gấp hai hoặc ba lần.

Việc tóm tắt lại chặng đường 30 năm phát triển trên một vài trang giấy có vẻ đơn giản và dễ hiểu, nhưng đã xảy ra những rắc rối lớn, đặc biệt trong các giai đoạn đầu khi thực hiện chính sách tái định cư cho nông dân và những người khác từ những túp lều gỗ của những người cư trú bất hợp pháp không điện, không nước, không có các hệ thống vệ sinh hiện đại khác, và vì thế, không có hóa đơn nào phải trả để vào ở các khu nhà cao tầng với tất cả những tiện nghi này nhưng lại có những khoản tiền hàng tháng phải trả. Đó là một kinh nghiệm đau thương cho họ về phương diện cá nhân, kinh tế, xã hội.

Các điều chỉnh gặp khó khăn là điều không thể tránh khỏi và đã có những chuyện khôi hài xảy ra, thậm chí rất buồn cười. Một số nông dân chăn nuôi lợn không chịu bỏ các con lợn của họ và đã đem theo nuôi chúng trong các căn hộ cao tầng. Người ta còn chứng kiến cảnh một người đang cố dỗ các con lợn leo lên cầu thang! Một gia đình khác gồm hai vợ chồng và 12 đứa con, lúc chuyển từ một căn lều đến một căn hộ HDB mới tại đường Old Airport, đã mang theo một tá gà và vịt để nuôi trong nhà bếp. Người mẹ đã làm một cái cổng bằng gỗ ở lối ra và nhà bếp nhằm ngăn các con vật này vào phòng khách. Vào buổi tối, bọn trẻ lại đi kiếm giun đất và côn trùng ở các đám đất nhỏ phía bên ngoài tòa nhà về làm thức ăn cho lũ gà vịt. Họ đã thực hiện công việc này trong suốt 10 năm cho đến lúc chuyển đến một căn hộ khác.

Người Malaya thích sống gần mặt đất hơn. Họ trồng các loại rau xung quanh các tòa nhà cao tầng như họ vẫn thường làm trong các ngôi làng của họ ở Mã Lai. Sau một thời gian dài, nhiều người Hoa, Malay, Ấn đã đi bộ lên cầu thang chứ không chịu dùng thang máy, không phải vì họ muốn tập thể dục mà vì họ sợ thang máy. Một số người vẫn dùng đèn dầu chứ không dùng đèn điện. Một số khác vẫn tiếp tục các công việc cũ như bán thuốc lá, bánh kẹo và hàng tạp hóa trước các phòng ở tầng trệt. Mọi người đều phải chịu đựng với đợt sốc văn hóa này.

Sự thành công cũng nảy sinh nhiều vấn đề mới. Những người đang đợi nhà đã phát hiện ra giá của các căn hộ tăng lên hàng năm, theo sự gia tăng chi phí trả cho Lao động, giá thành của các vật liệu nhập khẩu và giá đất. Họ trở nên thiếu kiên nhẫn và muốn có các căn hộ càng sớm càng tốt. Nhưng việc chúng tôi có thể làm tốt cũng có giới hạn. Trong khoảng thời gian từ 1982 đến 1984, chúng tôi đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi xây dựng gấp đôi số căn hộ chúng tôi đã xây trước đó. Tôi đã bổ nhiệm ông Teh Cheang Wan làm Bộ trưởng Phát triển Quốc gia vào năm 1979. Trước đó, ông ta là Tổng giám đốc điều hành của HDB. Ông ta cam đoan với tôi rằng ông sẽ đáp ứng được nhu cầu về nhà ở nhiều hơn nữa. Ông ta đã cố thực hiện, nhưng những nhà thầu không thể đảm đương một khối lượng công việc khổng lồ cùng tay nghề kém đã gây ra nhiều bất hạnh khi những hư hỏng xuất hiện một vài năm sau đó. Chúng phải được sửa chữa rất tốn kém cho HDB và đã gây nhiều phiền phức cho người chủ nhà.

Lẽ ra, tôi phải biết sẽ không lợi ích gì trong việc nhượng bộ trước áp lực quần chúng, nhằm đáp ứng những vấn đề nằm ngoài khả năng của chúng tôi. Nhưng tôi đã phạm một sai lầm như thế vào những năm đầu thập niên 90. Khi giá bất động sản tăng, mọi người muốn kiếm lời trong việc bán nhà cũ và sau đó nâng cấp lên nhà mới, căn nhà lớn nhất họ có thể mua nổi. Thay vì ngăn chặn việc làm này bằng cách đánh thuế nhằm giảm lợi nhuận của họ, tôi đã đồng ý cung cấp nhà ở cho các cử tri bằng cách xây dựng thêm nhiều nhà mới. Điều đó đã làm tình hình nhà đất càng sốt thêm, và gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc trong cuộc khủng hoảng tiền tệ vào năm 1997. Giá như chúng tôi ngăn cản việc làm này sớm hơn, vào năm 1995, thì tình hình sẽ tốt hơn nhiều.

Nhằm ngăn chặn các khu nhà cũ trông giống như những khu nhà ổ chuột, năm 1989, tôi đề nghị Bộ trưởng Phát triển Quốc gia rằng đã đến lúc dùng công quỹ để nâng cấp các khu nhà. Ông ta đã đồng ý và cử những phái đoàn ra nước ngoài để nghiên cứu các sửa đổi có thể được thực hiện như thế nào trong lúc mọi người vẫn sống trong các khu nhà này. Những phái đoàn này đã học được khá nhiều mô hình ở các nước Đức, Pháp và Nhật. HDB đã bắt đầu giai đoạn nâng cấp các căn hộ cũ, dùng 58.000 đôla Singapore cho mỗi căn hộ để nâng cấp khu nhà và sửa các phòng, phòng tắm hợp tiêu chuẩn hoặc mở rộng nhà bếp, nhưng chủ nhà chỉ trả 4.500 đôla Singapore. Mặt trước và vùng xung quanh của khu nhà được tân trang lại để phù hợp với tiêu chuẩn của các khu nhà mới xây sau này và các phương tiện của các khu chung cư tư nhân, với những con đường có mái che, các khu vực công cộng có mái che dành cho các chức năng xã hội. Giá trị của các ngôi nhà được nâng cấp đã tăng đáng kể.

Một vấn đề nan giải khác là vấn đề chăm sóc sức khỏe. Tôi là một sinh viên ở Anh khi chính quyền đảng Lao động Anh thực hiện Dịch vụ Y tế Quốc gia vào năm 1947. Niềm tin của họ rằng tất cả mọi người đều bình đẳng và có quyền hưởng các dịch vụ y tế tốt nhất thật là lý tưởng nhưng nó cũng phi thực tế và đã dẫn đến tăng chi phí. Dịch vụ Y tế Quốc gia của Anh đã thất bại. Quỹ bảo hiểm y tế kiểu Mỹ thì khá đắt, với phí bảo hiểm khá cao vì tiền trả cho những xét nghiệm chẩn đoán lãng phí được trả bằng tiền bảo hiểm. Chúng tôi phải tự tìm cho mình một cách giải quyết riêng.

Lý tưởng về các dịch vụ y tế miễn phí đối lập với thái độ thực tế của mọi người. Bài học đầu tiên đến với tôi từ các bệnh viện và các dưỡng đường của chính phủ. Khi bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh miễn phí, bệnh nhân uống thuốc trong vòng hai ngày, nếu không bớt, họ sẽ quẳng số thuốc thừa đi. Sau đó, họ đi khám tại các bác sĩ tư, trả tiền thuốc kháng sinh, uống thuốc đầy đủ theo lời dặn của bác sĩ và sau đó bình phục. Tôi quyết định thu 50 xu mỗi lần khám tại các phòng khám bệnh nhân ngoại trú. Chúng tôi tăng lệ phí này hàng năm để bắt kịp với nhịp độ tăng thu nhập và lạm phát.

Tôi phải đương đầu với việc ngăn chặn ngân sách dành cho y tế tăng lên vượt khỏi tầm kiểm soát của chính phủ. Vào năm 1975, tôi đã thảo luận với một số đồng nghiệp trong nội các về đề nghị nên dành một phần mức đóng góp vào quỹ CPF hàng tháng của mỗi người để trả chung cho lệ phí y tế của người đó. Keng Swee, Phó thủ tướng, đã ủng hộ mức đóng góp là 2% cho chi phí bệnh viện. Theo ông ta, kế hoạch này tốt hơn hệ thống bảo hiểm y tế chung chung, vì chi phí sẽ được trả cho một cá nhân; nó sẽ ngăn chặn được sự lạm dụng.

Toh Chin Chye, sau này là Bộ trưởng Y tế, không muốn thực hiện kế hoạch này. Ông ta vừa từ Trung Quốc trở về, ông đã đi thăm một số bệnh viện ở Bắc Kinh, và đã bị thuyết phục bởi các dịch vụ y tế hoàn hảo, miễn phí, đối xử với mọi người như nhau, từ những nhân vật có vị trí cao nhất đến những người thấp kém nhất trong xã hội. Tôi nói rằng tôi không tin họ có những tiêu chuẩn y tế như thế cho mọi người ở Bắc Kinh, chứ đừng nói gì đến tất cả các thành phố ở Trung Quốc.

Tôi quyết định không bàn luận đến vấn đề đó. Thay vào đó, tôi đã yêu cầu thư ký thường trực của Bộ Y tế, tiến sĩ Andrew Chew Guan Khuan, tính mức đóng góp của mỗi người vào quỹ CPF là bao nhiêu để người đó có thể trả đủ chi phí y tế của họ. Ông ta trả lời rằng cần từ 6% đến 8% mức đóng góp CPF của mỗi người. Từ năm 1977, tôi yêu cầu tất cả các thành viên đóng quỹ CPF dành 1% mức thu nhập hàng tháng đưa vào một tài khoản đặc biệt mà họ có thể dùng để trả chung phí y tế cho họ và gia đình. Mức đóng góp này đã được tăng lên dần dần đến 6%.

Sau cuộc bầu cử năm 1980, tôi bổ nhiệm ông Goh Chok Tong vào vị trí Bộ trưởng Y tế. Ông ta đã được bầu là nghị sĩ vào năm 1976, và hoàn toàn đủ khả năng cho công việc này. Tôi đã giải thích suy nghĩ của tôi đối với dịch vụ y tế và đã đưa ông ta đọc một số đề tài nghiên cứu và một số bài báo về chi phí chăm sóc sức khỏe. Ông ta đã hiểu mong muốn của tôi: các dịch vụ y tế tốt với chi phí và lãng phí được kiểm soát nhờ vào: Nhà nước “cùng trả tiền với người sử dụng”. Việc trợ cấp dành cho chăm sóc sức khỏe là cần thiết, nhưng nó có thể rất lãng phí và làm phá sản ngân sách.

Khi vấn đề tiết kiệm dành cho y tế được thực thi vào năm 1984, mỗi “tài khoản đặc biệt” CPF đã tích lũy được một số tiền nhỏ. Chúng tôi đã tăng mức đóng góp hàng tháng vào tài khoản Medisave lên 6% tiền lương, với một giới hạn tối đa là 15.000 đôla Singapore vào 1986. Giới hạn này được tăng lên theo định kỳ. Tiền tiết kiệm ngoài giới hạn này đã được chuyển vào tài khoản CPF chung cho các thành viên gia đình, mọi người có thể dùng nó để trả khoản tiền thế chấp nhà hoặc các khoản đầu tư khác. Để củng cố tình đoàn kết trong gia đình và trách nhiệm của mọi người đối với gia đình, tài khoản Medisave có thể được dùng để trả chi phí y tế cho gia đình trực hệ của một thành viên: ông bà, bố mẹ, vợ chồng và con cái.

Việc bệnh nhân cùng trả tiền với Nhà nước đã ngăn ngừa được sự lãng phí. Một bệnh nhân điều trị ở bệnh viện của nhà nước trả viện phí được trợ cấp ở mức đến 80%, tùy thuộc vào loại phòng mà người đó chọn. Khi thu nhập tăng, những phòng có giá thấp, được hưởng trợ cấp nhà nước cao ít được chọn hơn, bệnh nhân thường chọn những phòng tiện nghi hơn nhưng trợ cấp ít hơn. Chúng tôi đã xem xét nhưng đã bác bỏ việc thẩm tra mức thu nhập của mỗi người để xác định loại phòng nào mà bệnh nhân được quyền sử dụng; vì nó sẽ rất khó để thực thi. Thay vào đó, chúng tôi đã khuyến khích mọi người nên chọn phòng hợp với túi tiền của họ bằng cách thực hiện sự khác biệt rõ ràng về tiện nghi giữa các loại phòng khác nhau. Thế là sự tự khai mức thu nhập lại có hiệu lực. Việc tăng thu nhập dẫn đến kết quả tiền tiết kiệm Medisave cao, khiến mọi người cảm thấy đủ sung túc để chọn những phòng thích hợp với họ hơn.

Chúng tôi đã cho phép dùng Medisave để trả lệ phí tại các bệnh viện tư, theo các khung giá cho các đối tượng khác nhau. Sự cạnh tranh này nhằm tạo sức ép các bệnh viện nhà nước nâng cao chất lượng dịch vụ của họ. Nhưng chúng tôi không cho phép dùng Medisave cho các dưỡng đường hoặc các bác sĩ đa khoa tư khám bệnh nhân ngoại trú. Chúng tôi tin rằng sẽ có nhiều người đi khám những bệnh nhẹ không cần thiết nếu họ có thể trả từ Medisave hơn là họ phải trả từ lương hàng tháng của họ.

Vào năm 1990, chúng tôi đã bổ sung thêm quỹ MediShield, một loại bảo hiểm không bắt buộc dành cho chi phí những căn bệnh ngặt nghèo. Phí bảo hiểm có thể được trả bằng tài khoản Medisave. Vào năm 1993, chúng tôi dùng ngân khố quốc gia để thành lập Medifund, quỹ này dùng cho những người đã dùng hết Medisave và MediShield và không có gia đình trực hệ để nuơng tựa. Họ có thể khước từ mọi lệ phí mà sau này sẽ được trả từ Medifund. Vì vậy, trong khi không có công dân nào bị tước đoạt sự chăm sóc y tế cơ bản, chúng tôi đã không bị tiêu hao tài chính vượt quá khả năng cũng như không có những người xếp hàng dài đợi giải phẫu.

Một vấn đề lớn khác mà chúng tôi cần phải giải quyết là lương hưu khi công nhân đã lớn tuổi, không đủ sức để làm việc. Ở châu Âu và Mỹ, chính phủ cung cấp những khoản lương hưu này bằng tiền của những người đóng thuế. Chúng tôi quyết định rằng mọi công nhân nên tích lũy tiền tiết kiệm riêng của họ trong CPF để dành lúc tuổi già. Vào năm 1978, chúng tôi cho phép được dùng CPF như một quỹ tiền tiết kiệm cá nhân để đầu tư. Đầu năm đó, chính phủ đã chỉnh trang lại các dịch vụ xe buýt của Singapore. Sau đó, chúng tôi đã thành lập Dịch vụ Xe buýt Singapore (Singapore Bus Services – SBS), được niêm yết trên thị trường chứng khoán, và cho phép các thành viên dùng 5.000 đôla Singapore trong quỹ CPF để mua cổ phiếu SBS trong đợt phát hành đầu tiên. Tôi muốn nó có quyền sở hữu cổ phiếu rộng lớn nhất để lợi nhuận sẽ quay trở lại với công nhân, những khách hàng thường xuyên của phương tiện giao thông công cộng. Điều này cũng làm giảm nhu cầu vé xe rẻ và nhu cầu tiền trợ cấp chính phủ cho phương tiện giao thông công cộng.

Sau thành công này, chúng tôi đã tự do hóa việc sử dụng CPF để đầu tư vào bất động sản tư nhân, thương mại, công nghiệp, chứng khoán của người tín thác, công ty đầu tư tín thác và vàng. Nếu tiền đầu tư mang lại nhiều lợi nhuận hơn so với lãi suất CPF, họ có thể rút số tiền thừa ra khỏi CPF. Chúng tôi đã có những biện pháp bảo vệ nhằm ngăn các thành viên bị thua lỗ hết số tiền tiết kiệm của họ. Đến năm 1997, đã có một triệu rưỡi thành viên CPF đầu tư vào cổ phần và cổ phiếu, đa phần là những cổ phiếu blue–chip trên thị trường chứng khoán của Singapore.

Khi chúng tôi thả nổi Công ty Singapore Telecom (Công ty Viễn thông Singapore) vào năm 1993, chúng tôi đã bán phần lớn cổ phiếu của nó với giá bằng một nửa giá trị của chúng trên thị trường cho tất cả các công dân trưởng thành. Chúng tôi thực hiện điều này để tái phân phối phần thặng dư mà chính phủ đã tích lũy qua những năm tăng trưởng đều đặn. Chúng tôi muốn người dân Singapore có cổ phần trong một công ty Singapore quan trọng và có một lợi ích hữu hình trong sự thành công của đất nước.

Nhằm ngăn cản nạn “đầu cơ cổ phiếu”, bán cổ phiếu ngay để lấy tiền, như đã xảy ra khi Anh quốc tư nhân hóa Công ty Viễn thông Anh quốc, chúng tôi đã thưởng cho các cổ đông phần lợi tức bổ sung sau năm thứ nhất, năm thứ hai, năm thứ tư và năm thứ sáu, nếu họ không bán cổ phiếu gốc. Điều này đã mang đến kết quả là 90% lực lượng Lao động đã sở hữu cổ phiếu của công ty Singapore Telecom, có lẽ đây là tỷ lệ cao nhất trên thế giới.

Sau khi quan sát cách mọi người bảo quản căn hộ họ sở hữu hoàn toàn khác biệt với cách bảo quản các căn hộ họ đã thuê, tôi tin rằng ý thức sâu xa về quyền sở hữu đã trở thành bản năng trong mỗi con người. Trong suốt các cuộc bạo động chủng tộc vào những năm 50 và đầu những năm 60, những người tham gia vào cuộc bạo động, ném đá vào kính chắn gió xe hơi, lật tung xe và đốt chúng. Khi các cuộc bạo động nổ ra vào giữa những năm 60, sau khi họ đã sở hữu nhà và tài sản, họ hành động hoàn toàn khác. Tôi đã chứng kiến cảnh các thanh niên mang xe máy đậu trên đường để giữ gìn cầu thang của khu nhà HDB của họ. Tôi đã củng cố được quyết tâm cung cấp cho mọi gia đình tài sản mà tôi tin rằng họ sẽ bảo vệ, đặc biệt là nhà của họ. Tôi đã không lầm.

Chúng tôi đã tái phân phối của cải bằng cách tăng tài sản, chứ không phải trợ cấp cho tiêu dùng. Những người không chiến thắng các giải thưởng hàng đầu trong thị trường tự do vẫn nhận được những giải thưởng an ủi có giá trị vì họ đã tham gia vào cuộc đua maratông của cuộc đời. Những người muốn tiêu tiền có thể bán một số tài sản của họ. Điều có ý nghĩa đặc biệt là chỉ một ít người đã tiêu hết tài sản của họ. Thay vào đó, họ đã đầu tư và đã tăng nguồn tài sản, và họ chỉ tiêu phần lợi tức thu được. Họ muốn giữ số vốn để phòng lúc thiếu thốn, và sau đó sẽ để nó lại cho con cháu họ.

Số thành viên của CPF đã tăng từ 420.000 người vào năm 1965 đến hơn 2,8 triệu người với giá trị 85 tỷ đôla Singapore vào năm 1998, không kể 80 tỷ đôla Singapore đã được rút ra để trả cho các ngôi nhà HDB, các tài sản tư nhân và đầu tư vào cổ phiếu. Hầu như mọi công nhân đều có quỹ tiền hưu riêng. Sau khi qua đời, số tiền tiết kiệm CPF thừa của công nhân sẽ được quyết toán theo di chúc của họ không chậm trễ và không cần thủ tục tòa án.

Xem xét việc chi phí cho phúc lợi xã hội liên tục tăng của Anh và Thụy Điển, chúng tôi đã quyết định không dùng hệ thống không hiệu quả này. Chúng tôi nhận thấy vào những năm 70, khi các chính phủ đảm nhiệm phần lớn nhiệm vụ cơ bản của một trụ cột gia đình, thì sự nỗ lực của mọi người đã giảm xuống. Phúc lợi đã hủy hoại đức tính tự lực. Mọi người đã không phải làm việc cho sự tồn tại của gia đình họ. Việc nhận tiền trợ cấp đã trở thành một lối sống. Sự giảm sút liên tục xảy ra không ngừng khi động cơ và năng suất giảm. Mọi người đã đánh mất động cơ để thành đạt vì họ phải đóng thuế quá nhiều. Họ trở nên lệ thuộc vào chính phủ về những nhu cầu cơ bản của họ.

Chúng tôi nghĩ cách tốt nhất là củng cố truyền thống Nho giáo, rằng người đàn ông nên chịu trách nhiệm về gia đình của anh ấy – bố mẹ, vợ và con cái. Chúng tôi đã quen đối mặt với sự chỉ trích và sự công kích thường xuyên từ các Đảng đối lập và các phương tiện truyền thông đại chúng phương Tây, qua những phóng viên của họ ở Singapore, về việc đã theo đuổi những chính sách hà khắc và từ chối trợ cấp cho tiêu dùng. Thật khó mà chống lại những lời hứa hấp dẫn về phúc lợi của phe đối lập trong suốt những cuộc bầu cử. Vào những năm 60 và 70, sự thất bại của hệ thống phúc lợi xã hội ở châu Âu vẫn chưa rõ ràng. Phải mất hai thế hệ cho những thiệt hại từ trước đến giờ bộc lộ và được biểu hiện qua thành tích của cá nhân giảm, tốc độ tăng trưởng chậm và thâm hụt ngân sách tăng. Chúng tôi cần thời gian để làm tăng tiền tiết kiệm CPF, và có nhiều người sở hữu nhà. Chỉ như thế thì mọi người mới không muốn gởi tiền tiết kiệm cá nhân của họ vào một quỹ chung dành cho tất cả mọi người để có “quyền” hưởng phúc lợi giống nhau, sở hữu cùng một loại nhà, hoặc được hưởng cùng mức độ tiện nghi trong bệnh viện. Tôi chắc rằng họ sẽ thích làm việc nhiều hơn để tăng thu nhập nhằm trả cho những nhu cầu của họ, như về kích thước và chất lượng của ngôi nhà hoặc về mức độ tiện nghi trong bệnh viện. Thật may mắn là tôi có thể vượt qua những chỉ trích này trong các cuộc bầu cử liên tiếp cho đến những năm 80, khi các phương tiện truyền thông đại chúng phương Tây chính thức xác nhận sự thất bại của hệ thống phúc lợi xã hội của họ.

Quỹ CPF đã mang lại một xã hội mới. Những người có nhiều tiền tiết kiệm và tài sản có một quan điểm về cuộc sống khác hẳn. Họ ý thức được về sức mạnh của họ và có trách nhiệm với bản thân và gia đình hơn. Họ không còn nhiễm “hội chứng hưởng thụ”, nghĩa là sau khi đóng phí bảo hiểm y tế, họ có thể được khám bệnh và trả tiền cho các thủ tục y tế thoải mái theo những kiểu mà họ hoặc bác sĩ của họ nghĩ ra.

Để đảm bảo tiền tiết kiệm của mỗi thành viên sẽ đủ dùng lúc về hưu, chúng tôi không đánh thuế vào khoản tiền thừa CPF và những tài sản được mua từ tiền CPF hoặc gán bất kỳ những khoản nợ hoặc khoản tiền bồi thường nào vào quỹ CPF. Các chủ nợ không có quyền lấy những căn nhà HDP được mua từ tiền CPF. Chỉ có HDB mới có thể buộc người sở hữu dùng CPF để trả khoản tiền thế chấp trả góp cho ngôi nhà của họ.

CPF đã cung cấp cho các công nhân một quỹ phúc lợi xã hội tự hạch toán toàn diện tương đương với hệ thống trợ cấp dưỡng lão hoặc chương trình trợ cấp bắt buộc, mà không chuyển gánh nặng cho thế hệ công nhân tiếp theo. Thật công bằng hơn và hợp lý hơn khi mỗi thế hệ trả các chi phí cho bản thân nó và mỗi người tiết kiệm cho quỹ hưu của mình.

Quỹ CPF và quyền sở hữu nhà đã đảm bảo sự ổn định chính trị – nền tảng của sự tăng trưởng và phát triển không ngừng của Singapore trong hơn 30 năm qua. Người Singapore không giống như những người dân sống ở Hong Kong, Đài Loan, Seoul hay Tokyo, mặc dù nhận được lương cao nhưng phải chi phần lớn tiền lương để trả tiền thuê những căn phòng nhỏ mà họ sẽ không bao giờ sở hữu được. Những cử tri như thế sẽ không tái bầu cho đảng PAP với đa số phiếu trong các cuộc bầu cử liên tiếp.

Để thực thi một hệ thống an sinh xã hội như CPF, nền kinh tế đòi hỏi lạm phát thấp và lãi suất cao hơn tỷ lệ lạm phát. Mọi người phải tin rằng tiền tiết kiệm của họ sẽ không biến mất do lạm phát hoặc mất giá so với các đồng tiền khác. Nói cách khác, các chính sách ngân sách và tài chính hợp lý là những điều kiện tiên quyết cho sự thành công của CPF.

Nếu chúng tôi không tái phân phối số tiền do quần chúng tạo ra nhờ cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường tự do, chúng tôi sẽ làm giảm ý thức đoàn kết của người Singapore, làm giảm cảm giác rằng mọi người cùng chia sẻ một vận mệnh chung. Tôi có thể giải thích rõ ràng hơn sự cần thiết về cân bằng giữa sự cạnh tranh cá nhân và sự đoàn kết tập thể bằng cách dùng phép ẩn dụ của biểu tượng phương Đông âm và dương, hình dạng hai con cá tạo thành một vòng tròn. Âm đại diện cho phái nữ và dương đại diện cho phái nam. Sự cạnh tranh của dương càng nhiều trong xã hội thì tổng số thành tích càng cao. Nếu người chiến thắng có tất cả, sự cạnh tranh sẽ rất mạnh mẽ, nhưng sự đoàn kết tập thể sẽ yếu đi. Sự đoàn kết của âm càng mạnh, với tiền thưởng được tái phân phối bằng nhau, thì sự đoàn kết tập thể càng mạnh hơn, nhưng tổng số thành tích càng giảm vì giảm cạnh tranh.

Trong xã hội châu Á của Singapore, cha mẹ luôn muốn con cái họ vào đời thuận lợi hơn bản thân họ. Vì gần như mọi người dân Singapore đều xuất thân từ dân nhập cư, nên khát khao về an ninh, đặc biệt cho con cái của họ, là rất mãnh liệt. Việc sở hữu tài sản thay vì sống dựa vào phúc lợi đã tạo cho mọi người quyền và trách nhiệm quyết định nên dùng tiền của họ vào việc gì.

Sẽ luôn luôn có những thành phần thiếu trách nhiệm và bất tài chiếm khoảng 5% dân số của chúng tôi. Họ sẽ sử dụng phung phí bất kỳ tài sản nào, dù là nhà cửa hay cổ phiếu. Chúng tôi cố gắng giúp họ càng có khả năng độc lập càng tốt và không kết thúc cuộc đời tại các cơ sở phúc lợi. Quan trọng hơn, chúng tôi cố gắng cứu con cái họ tránh lặp lại con đường xấu của bố mẹ chúng. Chúng tôi đã sắp xếp giúp đỡ nhưng theo một cách mà chỉ có những người không còn sự lựa chọn nào khác mới nhận nó. Điều này hoàn toàn đối lập với quan điểm ở phương Tây, nơi những người theo chủ nghĩa tự do khuyến khích quần chúng tích cực đòi hỏi các quyền của họ mà không có cảm giác xấu hổ nào, khiến gây ra một sự bùng nổ về chi phí phúc lợi.

Các chính sách của chúng tôi đã giúp người dân nỗ lực để đạt những kết quả tốt nhất. Sự ổn định tiền tệ, một ngân sách cân bằng và mức thuế thấp đã khuyến khích sự đầu tư đa dạng và năng suất cao. Ngoài số tiền tiết kiệm cưỡng bách chiếm 40% tiền lương, nhiều người còn gửi tiền tiết kiệm tự nguyện vào Ngân hàng Tiết kiệm Bưu chính, sau này được gọi là POS Bank. Tất cả điều này đã giúp chính phủ trả chi phí cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng: đường sá, cầu, sân bay, hải cảng lớn, nhà máy điện, bể chứa nước và một hệ thống giao thông công cộng nhanh của thành phố. Bằng cách tránh chi tiêu lãng phí, chúng tôi đã giữ được lạm phát thấp và không cần vay vốn từ các quỹ nước ngoài. Từ những năm 60, chúng tôi đã có thặng dư ngân sách hàng năm, ngoại trừ những năm 1985 đến 1987, khi chúng tôi đang trong cuộc khủng hoảng. Chi tiêu chính phủ đạt trung bình 20% GDP, so với số trung bình là 33% trong các nền kinh tế G7. Mặt khác, chi tiêu phát triển của chúng tôi thường cao hơn nhiều so với chi tiêu phát triển của các nước G7.

Trong hầu hết các năm, chúng tôi đã nhằm vào việc tăng thu nhập đủ để chi trả cho chi phí hoạt động và đầu tư phát triển, và cũng đạt sức cạnh tranh quốc tế trong cơ cấu thuế của chúng tôi. Vào năm 1984, thuế trực thu chiếm 2/3 tổng số tiền thu thuế. Chúng tôi đã giảm dần thuế thu nhập cá nhân và thu nhập công ty, cho đến khi thuế trực thu chiếm khoảng 1/2 tổng số tiền thu thuế vào năm 1996, so với mức 3/4 trong các nền kinh tế G7. Chúng tôi đã chuyển từ đánh thuế thu nhập sang đánh thuế tiêu dùng. Thuế suất thu nhập biên tế cho các cá nhân đã được giảm từ 55% vào năm 1965 xuống còn 28% vào năm 1996. Thuế suất các công ty là 40% đã được giảm xuống còn 26% trong cùng kỳ. Singapore không có vốn thu từ thuế. GST (Goods and Services Tax) của chúng tôi (thuế hàng hóa và dịch vụ, tương đương với VAT) là 3%. Thuế nhập khẩu của chúng tôi khoảng 0,4%.

Lúc đầu chúng tôi đã đánh thuế bất động sản, dựa vào triết học xã hội chủ nghĩa người Anh là đánh thuế nặng người giàu có. Nhưng những luật sư và những kế toán thuế giỏi đã làm cho các nhân viên thu thuế thu được rất ít. Vào năm 1984, chúng tôi đã giảm thuế bất động sản từ mức cao nhất là 60% xuống giữa 5% và 10%, tùy thuộc vào giá trị của bất động sản. Chúng tôi đã thu được nhiều tiền thuế hơn vì những người giàu có nhận thấy không còn đáng trốn thuế bất động sản nữa. Chúng tôi có khoản thu ngoài thuế từ nhiều loại phí của người sử dụng. Mục đích của chúng tôi là thu hồi một phần hoặc toàn bộ phí tổn dành cho hàng hóa và dịch vụ mà nhà nước cung cấp. Điều này đã kiểm soát sự tiêu dùng quá độ các dịch vụ công cộng được trợ cấp và giảm sự lệch lạc trong phân bổ các nguồn lực.

Sự tăng trưởng liên tục bảo đảm sự ổn định, điều này đã khuyến khích đầu tư và những đầu tư này đã tạo ra của cải. Vì đã thực hiện những quyết định khó khăn ngay từ lúc đầu, chúng tôi đã tạo được một chu kỳ hoàn hảo: chi tiêu thấp, tiền tiết kiệm cao; lạm phát thấp, đầu tư cao. Chúng tôi đã tích lũy được nhiều tài sản trong suốt 30 năm tăng trưởng mạnh vừa qua với một lực lượng Lao động tương đối trẻ. Trong 20 năm tới, sự tăng trưởng kinh tế của chúng tôi sẽ giảm vì dân số già. Mức tiết kiệm cá nhân sẽ giảm, và chi phí sức khỏe sẽ tăng lên nhanh chóng với nhiều người già, bởi vì lúc đó tỷ lệ người đóng thuế trong dân số sẽ giảm. Chúng tôi có thể giải quyết một phần của vấn đề bằng cách thực hiện các bước ngay từ đầu để đảm bảo người già sẽ có số tiền tiết kiệm Medisave lớn; giải pháp tốt hơn là thu hút những người nhập cư có trình độ và tài năng để mở rộng nguồn nhân lực có tài và tăng GDP và thu nhập tài chính. Chính phủ phải tăng cường hỗ trợ tài chính và quản lý hành chính cho nhiều công trình phúc lợi công cộng lên cao hết mức mà các tình nguyện viên xã hội có thể đảm trách việc hướng dẫn và giám sát. Tất cả sự điều chỉnh nhằm làm tăng vòng quay của nền kinh tế này sẽ không bao giờ có thể diễn ra nếu những người cộng sản vẫn giữ được ảnh hưởng tai hại của họ. Thay vì vậy, các nhà lãnh đạo trên mặt trận công khai của họ đã lúng túng và do dự sau khi Singapore trở nên độc lập năm 1965. Họ tự rút khỏi vũ đài hợp hiến, để mặc cho PAP hoạch định chương trình hành động. Chúng tôi đã nắm bắt cơ hội và định hướng lại nền chính trị của Singapore.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.