Hồi Ức Của Một Geisha - Đời Kỹ Nữ
Chương 15
Khi Hatsumono sung sướng, cô ta cười như mọi người khác, và khi cô ta sắp làm cho người khác đau khổ, cô ta lại càng sung sướng hơn bao giờ hết. Cho nên cô ta đã cười rất rạng rỡ khi nói:
– Ôi trời! Cuộc hội ngộ mới tình cờ làm sao! Gặp người tập sự! Thật tôi không nên nói hết chuyện này, vì nói ra chắc sẽ làm con người khốn khổ này bối rối.
Tôi mong Mameha cáo từ, đưa tôi ra ngoài, nhưng cô ấy chỉ nhìn tôi, ánh mắt âu lo. Chắc cô ấy nghĩ để Hatsumono ở lại đây với các ông kia mà ra đi tức là bỏ ngôi nhà đang cháy mà chạy, cho nên chúng tôi ở lại để tìm cách làm giảm bớt thiệt hại.
– Thật vậy, tôi nghĩ không có gì khó khăn hơn công việc của người geisha mới vào nghề tập sự geisha – Hatsumono nói – cô có nghĩ thế không, Bí Ngô?
Bấy giờ Bí Ngô đã tập sự được sáu tháng, tôi nhìn cô ta cố gây thiện cảm, nhưng cô ta nhìn vào mặt bàn, hai tay để trên lòng. Tôi đã biết tính cô ta, khi thấy chóp mũi cô ta nhăn lại là tôi hiểu cô ta đang buồn.
– Dạ phải, thưa bà – cô ta đáp.
– Đây là thời gian khó khăn nhất đời – Hatsumono nói tiếp – Tôi còn nhớ tôi gặp nhiều chuyện khó khăn hết sức. Cô mới vào nghề à, tên cô là gì?
May thay tôi khỏi phải trả lời vì Mameha đã lên tiếng.
– Chị nói thời gian mới vào nghề của chị khó khăn là đúng, chị Hatsumono à. Tuy nhiên chị là người vụng về nhất.
– Tôi muốn nghe phần cuối câu chuyện – một ông nói.
– Và để làm cho cô mới vào nghề này bối rối à? – Hatsumono nói – nếu ông hứa khi ông nghe hết chuyện này, ông không nghĩ đến cô gái tội nghiệp kia, tôi sẽ kể cho ông nghe. Ông phải cam đoan ông sẽ hình dung ra cô gái khác mới được.
Ngón đòn độc ác quỷ quyệt của Hatsumono rất tài tình. Đàn ông không thể hình dung được câu chuyện xảy ra cho tôi hồi nãy, nhưng bây giờ chắc thế nào họ cũng hình dung ra được.
– Để xem nào, tôi nói đến đâu rồi – Hatsumono tiếp tục – Ồ, phải rồi, tôi nói đến cô mới vào nghề này…Tôi không nhớ tên cô ta nhưng tôi có thể cho cô ta một cái tên để quý vị khỏi lẫn lộn cô ta với cô gái tội nghiệp này. Này cô mới vào nghề, cô tên gì?
– Thưa bà, Sayuri – tôi đáp.
Mặt tôi nóng phừng phừng vì căng thẳng, đến nỗi nếu đồ mỹ phẩm trên mặt tôi tan ra, chảy thành giọt xuống áo chắc tôi cũng không ngạc nhiên.
– Sayuri, tên đẹp quá, nhưng tên này không hợp với cô. Thôi được, chúng ta gọi cô mới vào nghề trong chuyện là Mayuri. Chuyện như thế này, một hôm tôi đi trên đại lộ Shijo với Mayuri, trên đường đi đến nhà chị cả của cô ta.
Bỗng có cơn gió thật mạnh nổi lên, loại gió làm cho cửa sổ rung loảng xoảng, và cô Mayuri tội nghiệp chưa có kinh nghiệm trong việc mặc kimono. Cô ta nhẹ như chiếc lá và hai ống tay áo rộng đồ sộ như hai cánh buồm. Khi chúng tôi qua đường, bỗng cô ta biến mất, tôi nghe phía sau có tiếng nho nhỏ thốt lên như là “a…a…” nhưng rất yếu ớt.
Đến đây Hatsumono quay qua nhìn tôi.
– Giọng tôi không được lớn, cô hãy nói cho tôi nghe tiếng “a…a…” đi nào. Trời, tôi biết làm gì hơn? Tôi cố sức nói.
– Không, không, nói hơn thế nữa. Nhưng mà thôi, khỏi cần. – Hatsumono quay sang người đàn ông ngồi bên cạnh thì thào – cô ta không sáng dạ, phải không? – cô ta lắc đầu rồi nói tiếp – khi tôi quay lui, cô Mayuri tội nghiệp bị gió thổi bay lui phía sau tôi độ một khu phố, hai tay hai chân múa may như con bọ nằm ngửa, múa cẳng lên không. Tôi cười muốn bể bụng, nhưng thình lình cô ta chạy ra khỏi lề đường, đi vào một ngã tư đông đúc vừa khi một chiếc xe hơi phóng tới. Nhờ trời, cô ta bị gió thổi bay lên nắp đậy máy xe!
Hai chân chổng ngược lên …và không biết quý vị có tưởng tượng được cảnh này không, gió thổi tốc áo kimono cô ta lên! Và thôi, tôi khỏi cần kể cho quý vị biết chuyện gì đã xảy ra.
– Cô phải kể ra mới được – một ông lên tiếng nói.
– Ông không có óc tưởng tượng à? – cô ta đáp – gió thổi lật ngược áo của cô ta lên khỏi hông. Cô ta không muốn người ta nhìn thấy phần thân thể lõa lồ, cho nên để giữ gìn sự đoan chính của mình, cô ta quay người, giang hai chân ra, và phần kín đáo áp vào kính chắn gió trước mặt anh tài xế…
Đám đàn ông bây giờ rất háo hức, kể cả ông Giám đốc, ông ta gõ cái tách rượu trên bàn như súng máy.
– Đúng, thưa ông Giám đốc – Hatsumono nói – cô gái chỉ là người mới vào nghề. Tuồng như anh tài xế không thấy gì hết. Tôi muốn nói quý vị có thể tưởng tượng ra phần kín của cô gái đang ngồi ở bên kia bàn không? – Dĩ nhiên cô ta nói đến tôi – Có lẽ cô ta không khác gì một em bé.
– Con gái nhiều lúc mới có 11 tuổi đã có lông rồi – một ông nói.
– Cô mấy tuổi rồi bé Sayuri? – Hatsumono hỏi.
– Mười bốn tuổi, thưa bà – tôi đáp, giữ thái độ rất lễ phép – nhưng đã gần tròn 14.
Các ông có vẻ rất thích chuyện này và nụ cười của Hatsumono trở nên gay gắt.
– Mười bốn à? Hoàn hảo biết bao. Và dĩ nhiên là cô không có lông…
– Ồ có chứ, có rất nhiều – Tôi đưa tay vỗ lên mái tóc trên đầu.
Tôi nghĩ làm thế là một hành động khôn ngoan, nhưng xem ra không phải thế. Các ông cười to hơn cả khi họ cười vì nghe câu chuyện của Hatsumono. Hatsumono cũng cười, tôi nghĩ vì cô ta không muốn tỏ ra chuyện cười đùa này nhắm vào cô ta.
Khi mọi người hết cười, tôi và Mameha ra về. Chúng tôi không cần phải đóng cửa vì khi đó chúng tôi cũng nghe Hatsumono cáo từ ra về. Cô ta và Bí Ngô đi theo chúng tôi xuống cầu thang.
– Này chị Mameha – Hatsumono nói – chuyện quá vui! Tôi nghĩ tại sao chúng ta không cùng nhau giải trí thường xuyên nhỉ.
– Phải, chuyện thật vui – Mameha đáp – tôi cũng thích cảnh cùng nhau ta vui chơi sau này.
Nói xong Mameha nhìn tôi với ánh mắt rất thoải mái. Cô ấy vui thích khi nghĩ đến cảnh Hatsumono bị làm cho đau khổ.
Tối đó, sau khi tắm rửa lau chùi hóa trang xong, tôi ra đứng ở hành lang trước để trả lời các câu hỏi của bà Dì về công việc trong ngày. Thì Hatsumono từ ngoài đường đi vào, cô ta đến đứng trước mặt tôi. Thường khi cô ta không về sớm như thế, nhưng khi tôi thấy mặt cô ta hằm hằm là tôi biết ngay cô ta về để đụng độ với tôi. Thậm chí cô ta không thèm cười nụ cười nham hiểm nữa, mà hai môi mím lại trông rất dữ dằn. Cô ta đứng trước mặt tôi một lát, rồi giang tay đánh vào mặt tôi. Trước khi cô ta giang tay đánh vào mặt tôi, tôi chỉ thấy hai hàm răng cô ta nghiến vào nhau như chuỗi ngọc.
Tôi quá kinh ngạc, không nhớ chuyện gì đã xảy ra sau đó. Nhưng tôi nhớ là bà Dì và Hatsumono cãi nhau, vì câu sau cùng tôi nghe Hatsumono nói là:
– Nếu con này còn làm mất mặt tôi trước mặt mọi người nữa, tôi sẽ đánh vào má bên kia của nó.
– Tôi làm mất mặt chị như thế nào đâu? – tôi hỏi cô ta.
– Mày quá hiểu điều tao muốn nói rồi, khi tao nói tao không biết mày có lông chưa, thì mày đã làm cho tao trông như đồ điên. Tao mang ơn mày một việc, bé Chiyo à. Tao hứa tao sẽ trả cho mày trong một ngày gần đây thôi.
Hình như Hatsumono đã bớt giận khi đánh được tôi, cho nên cô ta bỏ ra khỏi nhà, Bí Ngô đang đợi cô ta ở ngoài đường để cúi chào cô ta.
Chiều hôm sau tôi kể lại chuyện này cho Mameha nghe, nhưng cô ấy không quan tâm đến.
– Có gì khó khăn đâu? – Mameha nói – nhờ trời Hatsumono không để lại dấu gì trên mặt cô là được. Cô tin là cô ấy sẽ rất đau đớn khi nghe cô nói, phải không?
– Em chỉ sợ những chuyện sẽ xảy ra sau này mà thôi.
– Đừng lo, nếu gặp cô ấy chúng ta sẽ bỏ ra về. Chắc bà chủ sẽ ngạc nhiên khi thấy chúng ta mới vào tiệc mà đã về liền, nhưng làm thế tốt hơn là tạo cho Hatsumono có lợi để làm nhục cô. Vả lại, nếu chúng ta đụng phải cô ta, đấy cũng là điều may mắn.
– Thật không, chị Mameha? Em không hiểu tại sao đụng phải cô ta lại là điều may mắn.
– Nếu Hatsumono buộc chúng ta phải rời vài phòng trà, thì chúng ta sẽ ghé vào các tiệc vui khác. Cô sẽ được mọi người ở Gion biết đến nhanh chóng hơn.
Lời khuyên của Mameha làm cho tôi yên tâm. Thật vậy, sau đó mỗi khi chúng tôi đi đâu ở Gion, tôi hy vọng sau một đêm dài vui chơi giải trí, tôi sẽ được hân hoan sung sướng khi lau chùi mỹ phẩm trên mặt đi. Nơi ghé vào đầu tiên của tôi là hai buổi tiệc mừng một diễn viên điện ảnh trẻ, anh ta có vẻ chưa quá 18 tuổi mà trên đầu không còn một sợi tóc, thậm chí không có cả lông mi, lông mày. Anh ta tiếp tục nổi tiếng trong vài năm sau nữa, nhưng nổi tiếng chỉ vì cách chọn con đường chết. Anh ta tự sát bằng gươm sau khi giết một cô hầu bàn ở Tokyo. Nhưng dù sao tôi cũng thấy anh ta rất lạ lùng cho đến khi tôi thấy anh ta cứ nhìn tôi mãi, tôi đã sống rất cô đơn trong nhà kỹ nữ, cho nên thấy anh ta chú ý đến mình, tôi rất sung sướng. Chúng tôi ngồi với nhau hơn một giờ và không thấy Hatsumono xuất hiện. Tôi hy vọng sự mơ ước thành công của tôi sẽ thành hiện thực.
Tiếp theo, chúng tôi ghé vào một buổi tiệc do ông Viện trưởng viện đại học Kyoto tổ chức. Mameha đến nói chuyện với một người đàn ông đã lâu cô không gặp, để tôi lại một mình. Còn một chỗ duy nhất nơi bàn tôi phải ngồi là cạnh một ông già mặc sơ mi trắng dơ dáy, có lẽ ông ta khát qúa vì ông ta uống bia liên tục, ngoại trừ khi ông ta ợ. Tôi quỳ bên cạnh ông ta và định tự giới thiệu thì cửa bật mở. Tôi đoán chị hầu vào, nhưng té ra là Hatsumono và Bí Ngô đang quỳ ngoài cửa.
– Ôi trời ơi! – tôi nghe Mameha nói chuyện với người đàn ông mà cô ấy đang tiếp – đồng hồ của ông đúng không?
– Rất đúng – ông ta đáp – chiều nào tôi cũng so với đồng hồ ngoài ga xe lửa.
– Chắc tôi và Sayuri phải chịu thất lễ. Xin cáo biệt thôi. Chúng tôi đã trễ hẹn ở chỗ khác cách đây nửa giờ rồi.
Nói xong chúng tôi đứng lên bước ra khỏi phòng ngay sau khi Hatsumono và Bí Ngô vào.
Khi chúng tôi rời khỏi phòng, Mameha kéo tôi vào một phòng trống. Trong căn phòng lờ mờ tối, tôi không thấy rõ nét mặt cô ấy, ngoài khuôn mặt trái xoan xinh đẹp và cái vương miện rực rỡ đội trên đầu. Nếu tôi không thấy rõ cô ấy thì cô ấy cũng không thấy rõ nét mặt của tôi, mặt tôi khi ấy thụng xuống bởi chán nản và thất vọng, vì tôi cảm thấy lo sợ không bao giờ thoát khỏi tay Hatsumono.
– Sáng nay cô đã nói gì với con mụ quái đản ấy? – Mameha hỏi tôi.
– Thưa chị, không nói gì hết!
– Thế tại sao mụ ấy biết chúng ta ở đây?
– Chính em cũng không biết chúng ta sẽ đến đây, làm sao em có thể nói cho chị ta biết?
– Chị hầu của tôi biết mấy chỗ hẹn của tôi, nhưng tôi không tin. Thôi được, chúng ta sẽ đến dự một buổi tiệc khó có ai biết được. Naga Teruomi vừa được chỉ định điều khiển giàn nhạc Tokyo Philharmomic vào tuần trước.
Chiều nay anh ta đã đến thành phố để mọi người có cơ hội chúc mừng. Tôi không muốn đi, nhưng Hatsumono sẽ không đến đấy đâu.
Chúng tôi băng qua đại lộ Shijo, rẽ vào một con đường nhỏ ngát mùi rượu sake và khoai chiên. Một tràng cười từ trên các cửa sổ tầng hai bay xuống tận chỗ chúng tôi, đèn đuốc sáng choang lên. Vào trong một cô hầu dẫn chúng tôi lên một phòng ở tầng hai, chúng tôi thấy người nhạc trưởng đang ngồi trong đó, mái tóc thưa chải dầu bóng láng, mấy ngón tay mân mê tách rượu sake với vẻ tức tối. Những người đàn ông kia đang chơi trò uống rượu đấu với hai cô geisha. Nhưng người nhạc trưởng không tham gia với họ. Ông ta nói chuyện với Mameha một lát, rồi yêu cầu cô múa một vở múa. Tôi nghĩ là ông ta chẳng thiết gì đến múa may, và ông yêu cầu thế để chấm dứt cái trò thách đấu uống rượu, hòng lôi các vị khách đến để tâng bốc ông ta. Ngay khi người hầu mang đàn Shamisen đến cho cô geisha, thì cửa phòng mở – ngay trước khi Mameha đứng vào tư thế múa – và anh nghĩ anh biết tôi sắp nói cho anh nghe ai sẽ đi vào phòng rồi. Chính là Hatsumono và Bí Ngô, họ như hai con chó lẽo đẽo đi theo chúng tôi.
Chính anh hình dung được cảnh Hatsumono và Mameha cười với nhau ra sao rồi. Người ta tưởng hai người vui mừng khi gặp nhau, nhưng thật ra, tôi nghĩ, Hatsumono cười vì sung sướng, vì đã tìm ra chúng tôi, còn Mameha thì…nụ cười của cô ấy như che giấu sự tức giận trong lòng. Trong khi cô ấy múa, tôi thấy hàm xai của cô ấy bạnh ra, hốc mũi phập phồng. Khi múa xong, cô ấy không đến bàn mà nói ngay với ông nhạc trưởng:
– Xin cám ông đã cho phép chúng tôi ghé vào chơi. Tôi nghĩ bây giờ quá trễ rồi… Sayuri và tôi xin cáo lỗi…
Tôi không làm sao tả hết cho anh nghe vẻ hả hê trên khuôn mặt của Hatsumono khi chúng tôi đi ra ngoài. Tôi theo Mameha xuống cầu thang. Khi đến bậc thang cuối cùng, cô ấy dừng lại chờ. Cuối cùng một cô hầu chạy ra hành lang trước để xem chúng tôi đi ra – chính cô hầu đã dẫn chúng tôi lên lầu hồi nãy.
– Nhiệm vụ người hầu của cô sao mà khó khăn quá nhỉ – Mameha nói với cô ta – có lẽ cô muốn nhiều thứ mà tiền thì lại ít, không đủ chi tiêu chứ gì? Mà này, cô cho tôi biết số tiền cô vừa kiếm được cô sẽ tiêu vào việc gì.
– Thưa bà, tôi không có tiền gì hết – chị ta đáp. Nhưng cứ nhìn cách chị ta sượng sùng, tôi biết chị ta nói láo.
– Hatsumono hứa sẽ cho cô bao nhiêu tiền?
Bỗng chị hầu cụp mắt nhìn xuống sàn nhà. Bây giờ tôi mới hiểu ra Mameha muốn nói cái gì. Sau đó một lát, chúng tôi biết Hatsumono đã hối lộ cho ít ra là một gia nhân trong các phòng trà hạng nhất ở Gion. Họ có nhiệm vụ gọi cho Yoko – cô gái giữ điện thọai ở nhà kỹ nữ của chúng tôi – để báo Mameha và tôi đến dự tiệc ở đâu. Dĩ nhiên là khi ấy tôi không biết chuyện Yoko có dính líu vào đấy, nhưng Mameha đã đoán đúng khi cho rằng chị hầu ở phòng trà này đã gởi tin cho Hatsumono biết.
Chị hầu không dám ngước mắt nhìn lên Mameha. Thậm chí khi Mameha đỡ cằm chị ta lên, chị vẫn nhìn xuống như thể hai mắt có đeo hai viên chì. Khi chúng tôi rời khỏi phòng trà, chúng tôi nghe tiếng của Hatsumono từ trên cửa sổ vọng xuống – vì cửa ngõ hẹp nên tiếng gì cũng vang vọng xuống đấy hết.
– Phải, tên cô ta là gì? – Hatsumono hỏi.
– Sayuri – một người đàn ông nói.
– Không phải Sayoko mà là Sayuri – người khác nói.
– Tên ấy đúng đấy – Hatsumono trả lời – nhưng cô ta trông rất ngượng ngập, biết nói sao với ông! Cô ta trông cũng xinh…
– Tôi chưa tiếp xúc nhiều với cô ta – một ông nói – nhưng cô ta rất đẹp.
– Cặp mắt rất kỳ lạ – một geisha nói.
– Quý vị có biết tôi nghe một ông mới đây nói sao về cặp mắt của cô ta không? – Hatsumono nói – ông ta nói cặp mắt có màu sắc như màu của con giun chết.
– Giun chết…Tôi chưa bao giờ nghe ai nói có màu gì giống như màu giun chết hết.
– Thôi, để tôi kể chuyện về cô ấy cho quý vị nghe – Hatsumono nói tiếp – nhưng quý vị phải hứa là không nói lại cho ai biết chuyện này. Cô ta có bệnh truyền nhiễm, ngực cô ta như ngực bà già, chảy xuống và nhăn nheo, thật khiếp! Tôi đã có lần thấy cô ta trong phòng tắm.
Mameha và tôi đã dừng lại để nghe, nhưng khi nghe đến chuyện này, cô ấy đẩy nhẹ tôi đi và chúng tôi cùng ra khỏi đường hẻm. Mameha đứng lại một lát, nhìn lên nhìn xuống trên đường rồi nói:
– Tôi đã suy tính chúng ta đi đâu, nhưng…tôi không tìm ra chỗ nào hết. nếu con mẹ ấy đã tìm ra chúng ta ở đây, thì chắc cũng sẽ tìm ra chúng ta ở chỗ khác trong Gion. Bây giờ cô hãy về nhà đã, đợi cho đến khi ta tìm ra kế hoạch rồi hãy hay.
Mấy năm sau ngày xảy ra những chuyện tôi vừa mới kể cho anh nghe, đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ. Vào một buổi chiều trong thời gian xảy ra chiến tranh này, trong một buổi tiệc tổ chức dưới tàn cây thích, một ông sĩ quan rút súng ra khỏi bao, để trên chiếc chiếu rơm để hù dọa tôi. Tôi nhớ khẩu súng đẹp đã làm cho tôi kinh ngạc. Ánh thép màu xám láng lẩy, những đường cong hài hòa tuyệt hảo, báng súng bằng gỗ dầu nổi vân thật nhiều.
Nhưng khi tôi nghĩ đến mục đích giết người của khẩu súng, tôi thấy khẩu súng hết đẹp.
Sau khi tôi bị Hatsumono tìm cách phá bước đường vào đời của tôi, dưới mắt tôi, cô ta chẳng khác nào khẩu súng tàn bạo mà đẹp đẽ đấy cả. Nói thế không có nghĩa là trước đó cô ta không tàn bạo. Nhưng trước đó tôi thường ganh với sắc đẹp của cô ta, còn bây giờ thì không. Trong khi đáng ra hàng đêm tôi được đi đến các buổi đại tiệc và ngoài đại tiệc tôi còn có thể đến dự từ 10 đến 15 nơi có tiệc nhỏ, thì tôi phải ngồi ở nhà, tập múa và tập đàn. Khi Hatsumono đi qua hành lang trước mặt tôi, mặc quần áo lộng lẫy, mặt tô trắng toát trên nền áo màu sẫm y như mặt trăng trong một đêm có sương mờ, tôi nghĩ ngay cả người mù chắc cũng biết cô ta đẹp. Thế nhưng tôi chỉ cảm thấy căm thù cô ta, tai tôi nghe rõ tiếng trái tim mình đập thình thịch.
Trong mấy ngày sau đó, tôi được Mameha gọi đến nhà cô ấy nhiều lần. Mỗi lần đến là tôi hy vọng cô ta cho tôi biết đã tìm ra cách tránh được Hatsumono, nhưng cô ấy chỉ nhờ tôi đi làm những công việc lặt vặt mà cô không tin vào người giúp việc. Một buổi chiều, tôi hỏi cô ấy đã tìm ra được biện pháp gì cho tôi chưa, cô ấy đáp:
– Tôi nghĩ cô cứ ở nhà một thời gian đi đã. Tôi mong sao cô có quyết tâm cao để hủy diệt con mẹ đàn bà độc ác ấy đi! Nhưng trong khi chưa có kế hoạch, cô không nên theo tôi đi khắp Gion làm gì.
Dĩ nhiên tôi rất buồn khi nghe cô ấy nói như thế, nhưng Mameha đã nói đúng. Hành động phá phách của Hatsumono sẽ làm cho tôi trở thành lố bịch dưới mắt các ông các bà ở Gion, cho nên tốt hơn hết là tôi nên tạm ở nhà.
May thay, Mameha là người giỏi xoay sở, cô ấy đã tìm cách liên hệ các nơi an toàn để thỉnh thoảng đưa tôi đến đấy. Hatsumono có thể cô lập tôi ở Gion, nhưng cô ta không thể cô lập tôi khỏi thế giới bên ngoài Gion. Khi Mameha rời khỏi Gion đi xa để thực hiện hợp đồng, cô ấy thường mời tôi đi theo. Tôi đã theo cô ấy đến Kobe bằng xe lửa một ngày, ở đấy Mameha cắt băng khánh thành một nhà máy mới. Vào dịp khác, tôi theo cô ấy để tháp tùng ông Cựu giám đốc công ty điện báo và điện thoại Nippon đi tham quan Kyoto một vòng bằng xe hơi màu đen. Chuyến đi này đã gây cho tôi một ân tượng thật sâu sắc. Vì đây là lần đầu tiên tôi thấy Kyoto rộng rãi nằm ngoài ranh giới quận Gion nhỏ bé của chúng tôi không kể đến lần đầu tiên đi xe hơi của tôi. Trong những năm sống ở đây, tôi không hề biết là có nhiều người sống rất cơ cực cho đến khi xe của chúng tôi chạy theo bờ sông xuôi Nam, tôi thấy những người đàn bà dơ bẩn cho con bú dưới gốc cây, dọc theo đường rầy xe lửa, còn đàn ông thì ngồi xổm nhổ cỏ dại, chân đi dép rơm rách tả tơi. Tôi không nói ở Gion không có người nghèo, nhưng tôi thấy những nông dân ở đây quá nghèo đến độ không thèm tắm rửa. Tôi không bao giờ tin rằng tôi, đứa nô lệ bị Hatsumono đối xử độc ác rằng khủng khiếp – đã sống cuộc sống tương đối may măn qua giai đọan đại suy thoái kinh tế. Nhưng hôm ấy tôi nhận ra đấy là sự thật.
Một hôm tôi ở trường học về đã gần trưa, tôi thấy có tờ giấy báo tôi đem đồ trang điểm đến nhà Mameha gấp. Khi tôi đến nơi, ông Ichoda, thợ may giống như ông Bekku, đang ở trong phòng sau, buộc dải thắt lưng cho Mameha trước tấm gương soi lớn.
– Trang điểm nhanh lên – Mameha nói với tôi – tôi đã để sẵn áo kimono của cô ở phòng bên kia rồi.
Nhà của Mameha rộng lớn đúng tiêu chuẩn nhà cửa ở Gion. Ngoài phòng chính ra, rộng đến sáu chiếc chiếu cói, cô ấy còn có hai phòng nhỏ hơn, phòng thay áo quần rộng gấp hai lần phòng gia nhân, và một phòng cô ấy ngủ. Trong phòng ngủ, tấm nệm mới trải vải xong, trên nệm, chị giúp việc đã để sẵn chiếc áo kimono cho tôi. Tôi kinh ngạc khi thấy tấm nệm. Vải trải nệm không phải vải mà Mameha đã ngủ đêm trước, vì vải còn láng mướt mịn màng như tuyết mới rơi. Tôi vừa thay chiếc áo vải tôi mang theo đến, vừa phân vân thắc mắc việc này. Khi tôi bắt đầu trang điểm, Mameha nói cho tôi nghe lý do tại sao cô ấy gọi tôi đến.
– Ông Nam tước đã trở về thành phố – cô ấy nói – ông ấy sẽ đến ăn cơm trưa tại đây. Tôi muốn cô gặp ông ấy.
Tôi chưa có cơ hội để nói về ông Nam tước, nhưng Mameha nói ông Nam tước tức là ông Nam tước Matsunaga Tsuneyoshi – ông danna của cô ấy. Ở nước Nhật chúng tôi bây giờ không còn nam tước, bá tước gì nữa, nhưng trước đại chiến lần 2, chúng tôi vẫn còn, và ông Nam tước Matsunaga này là một trong số những người giàu nhất. Gia đình ông ta làm chủ một trong số những nhà ngân hàng lớn của nước Nhật và rất có ảnh hưởng đến nền tài chính của Nhật. Nguyên thủy, người anh cả của ông ta thừa hưởng danh hiệu Nam tước, nhưng ông ấy bị ám sát trong thời gian làm bộ trưởng tài chính trong nội các của thủ tướng Inukai. Danna của Mameha khi ấy đã ngoài ba mươi, không những thừa hưởng chức Nam tước mà còn thừa hưởng tất cả tài sản của người anh, kể cả ngôi nhà đồ sộ ở Kyoto nằm không xa Gion bao nhiêu. Vì công việc kinh doanh, nên ông ta phải ở lại Tokyo nhiều hơn, và cũng còn nhiều việc khác nữa níu chân ông lại đây –vì mấy năm sau tôi biết được chuyện ông ta có tình nhân khác nữa, ở trong khu geisha tại Tokyo. Vài đàn ông giàu có mới có geisha làm tình nhân, nhưng ông Nam tước Matsunaga Tsunegoshi có đến hai tình nhân.
Khi tôi biết ông danna của Mameha sẽ ở chơi cả buổi chiều với cô ấy, tôi mới hiểu ra lý do tại sao nệm trong phòng ngủ trải vải mới.
Tôi vội thay áo mà Mameha đã để sẵn cho tôi – chiếc áo lót màu lục non, còn chiếc kimono có màu nâu đỏ và màu vàng, dưới lai có in hình hàng cây thông. Lúc ấy, một chị hầu của Mameha vừa từ nhà hàng ăn trở về, mang theo cái hộp sơn mài lớn đựng thức ăn trưa cho ông Nam tước. Thức ăn đựng trong đĩa và tô, dùng ăn liền như trong nhà hàng vậy. Dĩa lớn nhất đựng hai con cá ướp muối nướng nằm áp bụng lên dĩa như đang bơi theo dòng nước. Một bên để hai con cua nhỏ hấp hơi, lọai cua lột vỏ. Một hàng muối rắc dọc theo mép dĩa sơn đen làm cho người ta nghĩ chúng bò qua mặt cát.
Mấy phút sau ông Nam tước đến. Tôi nhìn qua khe cửa hở thấy ông ta đứng trên đầu cầu thang để cho Mameha cởi giây giày. Cảm giác đầu tiên của tôi là ông ấy giống như trái hạnh đào hay là trái hồ đào, vì ông ta nhỏ và tròn quay, với nét mặt thô tháp và nặng nề, nhất là quanh hai mắt. Thời ấy để râu là hợp thời trang, nên ông Nam tước để một số lông dài và mềm trên mặt mà tôi nghĩ ông ta cho đó là bộ râu, nhưng tôi thì thấy số lông ấy giống như đám rau thơm rải trên đĩa thức ăn, hay là đám rong biển nhỏ thường được trộn rải rác vào trong cơm.
– Ô Mameha, anh mệt quá! – tôi nghe ông ta nói – anh ghét tàu hỏa chạy lâu như thế này quá!
Cuối cùng ông tuột chân ra khỏi giày, đi qua phòng, bước chân ngắn và nhanh. Từ sáng sớm, người thợ may của Mameha đã mang vào phòng chiếc ghế bành lớn và tấm thảm Ba tư lấy từ phòng chứa đồ nằm bên kia hành lang, ông ta đã kê ghế và lót thảm gần bên cửa sổ. Ông Nam tước ngồi xuống đấy, nhưng chuyện gì xảy ra sau đó tôi không thể nói được vì chị hầu của Mameha đã đến bên tôi, cúi chào xin lỗi rồi nhẹ đẩy cánh cửa để đóng lại, ngăn cách phòng chính với phòng thay áo quần.
Tôi ngồi trong phòng thay áo quần của Mameha suốt một giờ hay hơn nữa trong khi chị hầu đi vào đi ra phục vụ bữa ăn cho ông Nam tước. Thỉnh thoảng tôi nghe Mameha nói nho nhỏ nhưng chủ yếu là ông Nam tước nói. Có lúc tôi tưởng ông ta nổi giận với Mameha nhưng cuối cùng khi nghe đầu đủ câu chuyện tôi mới hiểu rằng ông ta chỉ phàn nàn về một người đàn ông mà ông ta đã gặp vào ngày hôm trước, yêu cầu ông một sự việc riêng tư khiến cho ông tức giận. Cuối cùng bữa ăn xong, chị hầu đem tách trà ra, và Mameha gọi tôi. Tôi bước ra quỳ xuống trước mặt ông Nam tước, cảm thấy người căng thẳng – vì trước đây chưa bao giờ tôi gặp một nhà quý tộc như thế này. Tôi cúi người chào, xin ông bỏ lỗi, lòng nghĩ rằng có lẽ thế nào ông ta cũng phải nói cái gì với tôi. Nhưng ông ta có vẻ cứ nhìn quanh căn phòng, không mảy may chú ý đến tôi.
– Mameha – ông ta nói – bức tranh cuốn mà em thường treo trong góc tường kia ra sao rồi? Đấy là bức tranh tàu vẽ cái gì đấy…xem ra đẹp hơn các bức hiện em đang treo.
– Thưa Nam tước, bức tranh cuốn ở đấy là bài thơ do chính tay của Matsudaira Koichi viết. Bức cuốn treo ở đấy đã gần 4 năm nay.
– Bốn năm à? Thế không phải bức tranh tàu treo ở đấy khi anh đến vào tháng trước sao?
– Không phải…Nam tước đâu có cho em cái vinh dự đón anh đến thăm trong gần ba tháng nay.
– Thảo nào mà anh cảm thấy quá mệt mỏi. Anh thường nói anh phải đi Kyoto nhiều hơn nữa, nhưng cứ việc này rồi việc khác níu kéo anh. Nhìn vào bức tranh cuốn anh vừa nói đến, anh không tin bức tranh đã treo ở đấy 4 năm từ khi anh nhìn thấy nó.
Mameha gọi chị hầu vào, sai chị lấy bức tranh cuốn ở trong tủ. Tôi có nhiệm vụ mở bức tranh ra, tay tôi run run đến nỗi tôi để bức tranh trượt khỏi tay khi tôi đưa lên cho ông xem.
– Hãy cẩn thận, cô em – ông ta nói.
Tôi quá sức bối rối đến nỗi sau khi cúi người xin lỗi, tôi không thể nào không nhìn lui nhìn tới mãi vào mặt ông để xem ông có giận không. Trong khi tôi giữ bức tranh cho ông xem, tưởng chừng như ông nhìn tôi nhiều hơn là nhìn bức tranh, nhưng ánh mắt không phải ánh mắt khiển trách. Một lát sau tôi nhận ra đấy là ánh mắt hiếu kỳ, và chính vì thế tôi lại cảm thấy lúng túng hơn nữa.
– Bức tranh này trông đẹp hơn bức tranh em treo ở hốc tường nhiều, Mameha à – ông nói, nhưng ông vẫn có vẻ cứ nhìn vào tôi, và khi tôi nhìn ông ta, ông ta không chịu quay mắt đi – dù sao thì thư pháp cũng đã xưa lắm rồi – ông ta nói tiếp – em nên hạ cái bức trên hốc tường ấy xuống và treo bức tranh phong cảnh này lên.
Mameha không có lựa chọn nào khác ngoài việc làm theo lời yêu cầu của ông ta, thậm chí cô ấy còn làm ra vẻ như thể cô cho ý kiến của ông ta là chính xác. Khi chị hầu và tôi treo xong bức tranh, và cuốn bức kia lại, Mameha gọi tôi đến để hầu trà cho ông Nam tước. Từ hốc tường nhìn vào, chúng tôi tạo thành cái thế ba chân – Mameha, ông Nam tước, và tôi. Nhưng dĩ nhiên Mameha và ông Nam tước nói chuyện với nhau, còn phần tôi, tôi không làm gì cả ngòai việc chỉ quỳ ở đấy, cảm thấy mình như người ngòai cuộc, như con bồ câu ở trong tổ chim ưng. Trước đây tôi nghĩ tôi có thể xứng đáng ngồi cùng ông Nam tước, nhưng bây giờ tôi không thể không nhận ra một lần nữa rằng tôi không đáng gì hết mà chỉ là một con bé ngu ngốc từ một làng đánh cá đến. Nếu Hatsumono mà có quyền hành, thế nào cô ta cũng đè đầu tôi xuống, bất kỳ người đàn ông nào đến thăm Gion, chắc cũng sẽ không đến gần tôi đâu. Tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ gặp lại ông Nam tước Matsunaga, cũng như không bao giờ tôi gặp lại ông Chủ tịch. Có thể nào Mameha không nhận ra hoàn cảnh vô vọng của tôi và để tôi chết dần chết mòn trong nhà kỹ nữ như chiếc kimono cũ nhưng còn đẹp, người ta treo làm kiểu trong tiệm. Ông Nam tước – người mà tôi bắt đầu nhận ra có tính nóng nảy – nghiêng mình cào cái dấu gì đấy trên mặt Mameha, hành động của ông nhăc tôi nhớ đến bố tôi vào cái ngày tôi thấy ông lần cuối cùng, hôm ấy ông cũng lấy móng tay xoi bụi nằm trong các khe hở trên bàn. Tôi tự hỏi bố tôi sẽ nghĩ gì nếu ông thấy tôi quỳ ở đây trong nhà của Mameha, mặc chiếc áo đắt tiền hơn bất cứ thứ gì mà ông thấy, với ông Nam tước ngồi trước mặt tôi cùng nàng geisha danh tiếng nhất nước Nhật ngồi bên cạnh.
Tôi thật không xứng với những gì ở quanh tôi. Nhưng bỗng tôi nghĩ đến chiếc áo lụa mỹ miều trên người tôi, tôi có cảm giác tôi có thể bị đắm đuối vào cái đẹp. Ngay khi ấy, cái đẹp đã làm cho tôi sững sờ kinh ngạc như chính nỗi buồn đã dày vò tôi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.