Hồi Ức Của Một Geisha - Đời Kỹ Nữ

Chương 16



Một buổi chiều khi Mameha và tôi đi qua cầu đại lộ Shijo để mua đồ nữ trang cài tóc ở quận Pontocho – vì Mameha không thích các cửa hàng bán nữ trang ở Gion – bỗng cô ấy dừng lại. Dưới cầu, một chiếc thuyền máy cũ kỹ đang phì phạch chạy qua, tôi tưởng Mameha muốn dừng lại để tránh khói đen nơi chiếc tàu phun ra, nhưng sau một lát cô ấy quay qua nhìn tôi với vẻ mặt thật khó hiểu.

– Có chuyện gì, chị Mameha? – tôi hỏi.

– Tôi phải nói cho cô nghe chuyện này, vì cô chỉ nghe người ngoài nhà cô nói cho biết thôi – cô ấy đáp – Cô bạn Bí Ngô của cô vừa nhận được phần thưởng dành cho geisha tập sự. Người ta còn nghĩ chắc cô ấy sẽ được nhận lần thứ hai nữa.

Mameha muốn nói đến phần thưởng dành cho người tập sự đạt thành tích cao nhất trong tháng trước. Bày ra phần thưởng như thế cũng kỳ lạ thật, nhưng có lý do rất tốt. Việc khuyến khích các cô tập sự đạt thành tích cao như thế là giúp họ đi vào khuôn phép của người geisha sẽ được đánh gía cao nhất ở Gion – nghĩa là, những người kiếm ra lợi tức nhiều không những cho họ thôi mà còn cho mọi người nữa.

Nhiều lần, Mameha đã tiên đoán là Bí Ngô phải phấn đấu vài năm mới thành được nàng geisha chỉ có khách tạm bợ và xoàng xỉnh, không có khách giàu có. Đây là chuyện tương lai đáng buồn, và tôi vui mừng khi nghe Bí Ngô đã phấn đấu tốt hơn thế. Nhưng đồng thời tôi cũng cảm thấy xót xa trong dạ, Bí Ngô đã thành geisha tập sự giỏi nhất ở Gion rồi, trong khi đó tôi vẫn còn chìm trong bóng tối. Khi tôi tự hỏi không biết tương lai của tôi sẽ ra sao, cảnh vật chung quanh bỗng trở nên ủ dột buồn rầu.

Tôi đứng yên trên cầu, nghĩ đến chuyện thành công của Bí Ngô, và điều làm cho tôi ngạc nhiên nhất, là cô ta đã xoay sở để vượt lên trên cô gái duyên dáng có tên là Raiha, cô này đã đạt được phần thưởng vào những tháng trước đây. Mẹ của Raiha là một geisha nổi tiếng và bố cô ta là con một gia đình có tiếng tăm nhất nước Nhật, giàu nứt đố đổ vách. Mỗi khi Raiha đi qua trước mặt tôi, tôi cảm thấy mình như tôm như tép, còn cô ta như cá kình cá ngạc.
Làm sao Bí Ngô loại bỏ cô ta ra được? Có lẽ Hatsumono đã thúc đẩy cô ta phấn đấu ngay từ ngày mới nhập môn, thúc đẩy quá sức đến nỗi gần đây cô ta gầy đi, mặt mày hốc hác. Nhưng cho dù Bí Ngô có cố gắng đến đâu đi nữa, làm sao cô ta nổi tiếng hơn Raiha được?

– Này, này, thôi đi – Mameha nói – đừng buồn rầu như thế. Đáng ra cô phải vui mới phải.

– Dạ phải, em ích kỷ quá – tôi đáp.

– Tôi không muốn nói như thế đâu. Hatsumono và Bí Ngô sẽ trả giá rất đắt cho phần thưởng học viên này. Trong vòng năm năm nữa, sẽ chẳng ai nhớ Bí Ngô là ai hết.

– Theo em, mọi người sẽ nhớ vì cô ta đã vượt qua Raiha.

– Không ai vượt qua Raiha hết. Có thể Bí Ngô đã kiếm được nhiều tiền trong tháng qua, nhưng Raiha vẫn là người học viên giỏi nhất ở đây. Đến đây, tôi sẽ giải thích cho cô nghe.

Mameha dẫn tôi vào phòng trà ở Pontocho và bảo tôi ngồi xuống. Mameha nói:
– Ở Gion, người geisha nổi tiếng nhất thường làm sao để đảm bảo cô em út của mình kiếm được tiền nhiều hơn người khác – nếu cô ta dám liều để phạm đến danh tiếng của mình. Lý do khiến cho họ có thể mang tiếng là đã viết nhiều hóa đơn các Ohana, tức là lệ phí chơi hoa. Ngày xưa, cách đây khỏang 100 năm, mỗi lần nàng geisha đến một buổi tiệc để giúp vui, bà chủ phòng trà đốt một que nhang lâu một giờ – gọi là một Ohana, hay là “hoa”. Lệ phí cho geisha tính trên số bao nhiêu que nhang đã đốt cháy khi cô ta ra về.

Giá tiền một Ohana thường do văn phòng đăng ký hộ tịch Gion ấn định. Trong thời gian tôi làm tập sự, giá ấy là 3 yen, nghĩa là giá bằng 2 chai rượu. Nghe ra có vẻ nhiều, nhưng một geisha không nổi tiếng kiếm một giờ một Ohana, thì cuộc sống rất khó khăn. Có lẽ cô ta ngồi cả buổi tối bên lò than để đợi người hẹn, thậm chí khi cô ta đắt khách đi nữa, cô ta cũng không kiếm được mỗi đêm quá 10 yen, với số tiền kiếm ra như thế cô ta không làm sao có đủ để trả nợ. Trong khi tiền bạc đổ vào Gion như nước, cô ta chỉ như con sâu rúc rỉa bộ xương thú – so với Hatsumono và Mameha, hai người này dường như những con sư tử đánh chén khi mới hạ con thú, không những vì họ đêm nào cũng có người hẹn suốt đêm, mà họ còn tính tiền rất cao nữa.
Trường hợp Hatsumono, cô ta tính một Ohana chỉ trong 15 phút chứ không phải một giờ, còn Mameha…Ồ, không có ai ở Gion giống cô ấy hết, cô ấy tính một Ohana chỉ trong năm phút thôi.

Dĩ nhiên không có cô geisha nào hưởng hết số tiền mình kiếm được, ngay cả Mameha cũng không. Phòng trà nơi cô ta kiếm ra tiền hưởng một phần, rồi một phần nhỏ hơn nộp cho hội geisha, và một phần trả cho người thợ may, và một phần cho hệ thống điều hành, kể cả lệ phí phải trả cho nhà kỹ nữ nào lo việc sổ sách cho cô ta và giới thiệu khách hò hẹn. Có lẽ cô ta chỉ còn giữ lại chừng hơn một nửa số tiền mình kiếm được. Thế nhưng nếu đem so với một geisha không nổii tiếng thì đây là cả một số tiền lớn, người geisha không nổi tiếng, sẽ bám sâu dần vào cái hố tối tăm của cuộc sống.

Còn sau đây là cách thức một geisha như Hatsumono có thể làm cho người em út có vẻ thành công hơn thực chất của cô ta.

Thoạt tiên, nàng geisha nổi tiếng ở Gion được đón tiếp nồng hậu ở khắp các buổi tiệc, và họ chỉ ghé lại các nơi trong vòng 5 phút mà thôi. Khách của cô ta vẫn sung sướng trả phí tổn, mặc dù cô ta chỉ chào hỏi rồi đi. Họ biết lần sau họ đến Gion, cô ta sẽ cùng ngồi với họ lâu hơn, làm cho họ được thích thú hơn. Trái lại, người tập sự không thể bỏ đi tùy tiện như thế. Vai trò của họ là thiết lập mối dây liên hệ. Cho đến khi họ trở thành geisha thành thạo vào năm 18 tuổi, họ không được đi từ tiệc này sang tiệc khác nhiều nơi.
Nhưng họ phải ở lại lâu hơn một giờ, và chỉ điện thoại về cho nhà kỹ nữ của mình để hỏi người chị cả ở đâu, rồi cô ta đến phòng trà khác để được giới thiệu với khách mới khác. Trong khi người chị có thể ghé vào 20 nơi có tiệc trong một đêm, thì cô tập sự chỉ ghé được không quá 5 nơi. Nhưng Hatsumono không làm theo quy tắc này, cô ta đi đâu là dẫn Bí Ngô đi theo đấy.

Cho đến khi được 16 tuổi, người geisha tập sự tính nửa Ohana một giờ. Nếu Bí Ngô ở tại chỗ tiệc nào chỉ 5 phút thôi, bà chủ vẫn ghi vào hóa đơn số tiền giống như cô ta đã ở đấy một giờ tròn. Ngoài ra, không ai nghĩ đến chuyện Bí Ngô chỉ ở tại đó có 5 phút. Có lẽ các ông cho qua chuyện Hatsumono đem cô em út đến dự trong chốc lát một đêm, hay hai đêm là cùng. Nhưng sau một thời gian, chắc thế nào họ cũng thắc mắc tại sao cô ta quá bận đến nỗi không ở lại lâu được, và tại sao cô em út không ở lại như nhiệm vụ yêu cầu cô ta phải làm thế. Lợi tức của Bí Ngô có thể cao – có lẽ cao đến ba hay bốn Ohana trong một giờ, nhưng thế nào cô ta cũng phải trả giá về tai tiếng của mình, và Hatsumono cũng thế.

– Hành động của Hatsumono như thế thật quá liều lĩnh – Mameha kết luận – cô ta làm thế chỉ hại cho Bí Ngô thôi. Và chắc cô biết lý do tại sao cô ta làm thế, phải không?

– Em không biết, chị Mameha à.

– Cô ta muốn Bí Ngô có uy tín để bà Nitta nhận làm con nuôi. Nếu Bí Ngô được nhận làm con nuôi, tương lai của cô ta sẽ được đảm bảo, và tương lai của Hatsumono cũng vậy. Nói tóm lại, Hatsumono là chị của Bí Ngô, bà Nitta chắc không đuổi cô ta ra khỏi nhà. Cô có hiểu những điều tôi nói không? Nếu Bí Ngô được nhận làm con, cô sẽ không bao giờ thoát nợ Hatsumono, trừ phi chính cô là người bị tống cổ đi.

Tôi cảm thấy lạnh người như sóng biển bị mây che hết ánh mặt trời.

– Cho nên tôi mong sao cô thành người tập sự nổi tiếng sớm – Mameha nói tiếp – nhưng chắc có lẽ Hatsumono cản đường chúng ta rất nhiều.

– Dạ phải, cô ta sẽ làm thế!

– Mà thôi, không lo, ít ra cô đã biết cách làm cho đàn ông vui rồi. Cô may mắn đã gặp ông Nam tước, không biết Hatsumono đã biết chuyện này chưa, nhưng nói thật ra – nói đến đây bỗng cô ấy dừng lại.

– Thưa cô sao ạ?

– Ồ thôi, Sayuri, không sao. Tôi quả điên khi nói thật cho cô nghe.

Tôi rất buồn khi nghe cô ấy nói thế. Có lẽ Mameha đã nhận ra tâm trạng của tôi cho nên cô ấy nói tiếp:

– Cô sống cùng nhà với Hatsumono phải không? Bất cứ tôi nói cho cô nghe cái gì, cô ta cũng có thể biết.

– Thưa chị Mameha, nếu em có cái gì khiến cho chị nghi ngờ như thế, thì xin chị tha lỗi cho. Chị có thể tin rằng khi em về nhà, em kể hết các chuyện cho Hatsumono nghe sao?

– Tôi không lo chuyện cô sẽ làm như thế. Con chuột không bị mèo ăn thịt vì khí nó chạy qua chỗ mèo ngủ và đánh thức mèo dậy. Chắc cô biết Hatsumono có tài xoay sở ra sao rồi, Sayuri, cô phải tin tôi đi.

– Vâng thưa chị – tôi không còn biết phải đáp ra làm sao nữa.

– Tôi sẽ nói cho cô biết một chuyện – Mameha nói, nghiêng người tới một chút, tôi rất kinh ngạc khi thấy cô ấy làm thế – Tôi và cô sẽ đến một nơi hẹn trong hai tuần nữa tại một nơi mà Hatsumono không tìm ra được.

– Em xin hỏi ở đâu được không?

– Không được! Thậm chí tôi sẽ không nói cho cô biết khi nào nữa. Chỉ chuẩn bị tinh thần thôi. Khi đến lúc, cô sẽ biết những gì cô muốn.

Chiều ấy khi trở về nhà, tôi trốn lên lầu để xem niên lịch. Trong hai tuần sắp đến có nhiều ngày tốt để xuất hành. Một ngày đúng vào thứ tư sắp đến, ngày này hợp cho việc đi về phía Tây, có lẽ Mameha có kế hoạch đưa tôi đi khỏi thành phố. Ngày khác đúng vào thứ hai tiếp theo đó, ngày này đúng vào dịp Đại An – ngày tốt nhất trong tuần sáu ngày của đạo Phật. Cuối cùng, ngày chủ nhật kế tiếp, lịch có ghi một đọan rất lạ lùng “Sự quân bình giữa cái tốt và cái xấu sẽ mở cửa số phận”, câu này nghe hấp dẫn hơn cả.

Vào ngày thứ tư, tôi không nghe tin gì của Mameha hết. Mấy ngày sau, cô ấy gọi tôi đến nhà cô – vào ngày cuốn lịch của tôi nói là ngày xấu. Nhưng chỉ có bàn thảo về sự thay đổi trong lớp dạy nghi thức phục vụ trà ở trường. Sau đó, suốt cả một tuần trôi qua tôi không nhận được tin tức gì của cô ấy hết.
Rồi vào trưa ngày chủ nhật, tôi nghe cửa nhà kỹ nữ mở ra, tôi để đàn xuống trên hành lang gỗ, nơi tôi đã tập đàn khỏang một giờ rồi và chạy ra cửa. Tôi tưởng sẽ gặp chị người hầu của Mameha, nhưng đấy là người ở tiệm thuốc Bắc mang thuốc đến cho bà Dì chữa bệnh thấp khớp. Sau khi người hầu lớn tuổi của chúng tôi lấy gói thuốc, tôi định trở lại với cây đàn Shamisen thì bỗng tôi chú ý thấy anh chàng giao thuốc có ý muốn nói chuyện với tôi. Anh ta nắm trên tay miếng giấy, nhưng có ý chỉ muốn để cho mình tôi thấy nó thôi. Chị hầu định kéo cửa đóng lại, nhưng anh ta nói với tôi:

– Thưa cô, tôi xin lỗi làm phiền cô, cô làm ơn ném miếng giấy này giúp tôi được không? – chị hầu thấy việc này có vẻ kỳ quặc, nhưng tôi đã lấy miếng giấy, giả vờ ném vào phòng gia nhân. Tờ giấy có ghi lời nhắn, không ký tên nhưng đúng nét chữ của Mameha “Xin phép bà Dì mà đi. Nói với bà tôi có việc nhờ cô làm giúp ở nhà tôi và đến gấp trong vòng không quá một giờ.
Đừng để cho ai biết cô đi đâu”.

Tôi nghĩ Mameha cẩn thận như thế này là rất tế nhị, nhưng dù sao thì hiện bà Mẹ đang ăn cơm trưa với một người bạn, còn Hatsumono và Bí Ngô đã đi đến điểm hẹn buổi chiều rồi. Trong nhà chỉ còn bà Dì và gia nhân. Tôi lên phòng Dì, thấy Dì đang trải tấm vải dày lên nệm để ngủ trưa. Trong khi tôi nói, bà đứng run run trong chiếc áo ngủ. Khi nghe Mameha gọi tôi, bà không hỏi đến để làm gì. Bà chỉ vẫy tay cho phép tôi đi, rồi chui vào dưới chăn để ngủ.

Khi tôi đến nhà Mameha, cô ấy bận đi đến điểm hẹn buổi sáng chưa về, nhưng chị hầu đưa tôi vào phòng thay áo quần để làm hóa trang, rồi sau đó mang bộ kimono đã soạn sẵn cho tôi. Tôi đã quen cảnh mặc kimono của Mameha, nhưng đây là chuyện hy hữu, vì ít có người geisha nào cho mượn áo của mình như thế. Hai người bạn ở Gion có thể đổi áo cho nhau trong một vài đêm, nhưng hiếm khi một geisha có lòng tốt với em út như thế này. Quả vậy, Mameha rất mất công vì tôi, cô ấy không mặc những cái áo có tay dài như thế này, cô phải lấy áo từ nhà kho cho tôi. Tôi tự hỏi không biết cô ấy có nghĩ đến chuyện đòi trả lui hay không.

Chiếc kimono cô soạn ra cho tôi hôm ấy là chiếc áo đẹp nhất – áo bằng lụa màu vàng cam in hình thác nước màu bạc chảy từ đầu gối xuống đến mặt biển xanh ngắt. Cái thác tuôn ra từ mõm núi đá có màu nâu, dưới chân núi đá là cánh rừng thấp nhỏ được thêu bằng chỉ màu. Tôi không biết, nhưng chiếc áo này mọi người ở Gion đều biết, người ta nhìn chiếc áo, có lẽ họ sẽ nghĩ đến Mameha. Tôi nghĩ rằng khi cho phép tôi mặc áo này, chắc cô ấy muốn truyền cái tinh hoa của mình sang cho tôi.

Sau khi ông Itchoda buộc dải thắt lưng cho tôi – dải màu gạch và nâu đậm có điểm chỉ vàng – tôi sửa lại mặt hóa trang lần cuối và cài nữ trang lên tóc. Tôi nhét cái khăn tay của ông Chủ tịch – tôi thường mang theo mỗi khi rời nhà – vào dải thắt lưng, rồi đứng soi trước gương lớn. Tôi há hốc mồm kinh ngạc. Tôi quá kinh ngạc khi nghĩ đến chuyện Mameha có ý đồ biến tôi thành người quá đẹp như thế này, nhưng khi cô ấy về đến nhà, cô ấy còn làm tăng thêm vẻ đẹp của tôi lên nữa bằng cách cô thay cho mình chiếc áo kimono bình dị xinh xắn. Cái áo có màu khoai mì, phủ những đường sọc màu xám nhạt, còn dải thắt lưng có hình những viên kim cương màu đen giản dị trên nền màu xanh đậm. Cô ấy có nét đẹp kín đáo của viên ngọc trai như mọi khi, nhưng lúc chúng tôi ra đường, các phụ nữ cúi chào Mameha đều đưa mắt nhìn tôi.

Từ đền thần ở Gion, chúng tôi đi xe kéo theo hướng Bắc chừng nửa giờ, đến một khu vực của Kyoto mà tôi chưa hề biết. Trên đường đi, Mameha nói cho tôi biết chúng tôi đến dự buổi biểu diễn đô vật, chúng tôi xem như khách của ông Iwamura Ken, người sáng lập ra Công thấy sản xuất đồ điện Iwamura ở Osaka – công ty đã sản xuất lò sưởi điện làm chết bà ngoại. Cánh tay phải của ông Iwamura là ông Nobu Toshisazu, ông này làm quản lý cho công ty cũng đến dự. Nobu là người hâm mộ môn đô vật và đã tiếp tay giúp tổ chức buổi biểu diễn chiều hôm ấy.

– Tôi báo trước cho cô biết – cô ấy nói với tôi – cái ông Nobu ấy…trông đặc biệt lắm. Khi gặp ông ta, cô phải cư xử sao để gây ấn tượng với ông ta – nói xong, cô ấy nhìn tôi như muốn nói rằng nếu tôi không làm được như thế, cô ấy sẽ hết sức thất vọng.

Còn về việc Hatsumono, chúng tôi khỏi lo, vì vé vào xem cuộc biểu diễn đã bán hết mấy tuần trước rồi.

Cuối cùng chúng tôi xuống xe ở trong khuôn viên của trường đại học Kyoto. Mameha dẫn tôi đi theo con đường đất có hai hàng thông nhỏ hai bên.
Những ngôi nhà xây theo kiểu Tây phương hai bên đường chúng tôi đi qua đều đóng cửa kín mít, cửa sổ lồng kính nhỏ vuông vức và khung cửa bằng gỗ sơn. Nhìn cảnh nhà cửa ở khu đại học, tôi mới nhận ra Gion là quê hương thân thiết của tôi. Chung quanh tôi có nhiều thanh niên da dẻ láng mướt, mái tóc chải rẽ, có người mặc quần áo dây treo cho khỏi tuột. Họ có vẻ lạ lùng ngạc nhiên khi thấy Mameha và tôi đi qua, thậm chí họ còn nói đùa với nhau nữa. Sau đó chúng tôi đi qua một cánh cổng sắt có một đám người già và một số phụ nữ, có cả vài cô geisha nữa. Kyoto có ít chỗ có thể dùng biểu diễn đô vật ở trong nhà được và ở đại học Kyoto dùng nhà biểu diễn cũ của trường để tổ chức. Nhà này bây giờ không còn nữa, nhưng lúc ấy, nó đứng chen lẫn trong đám nhà xây theo kiểu Tây phương trông giống như một ông già còm cõi mặc áo kimono đứng giữa đám thương gia tân tiến. Ngôi nhà giống cái hộp khổng lồ, mái nhà có vẻ không được vững chãi, nhưng tôi nghĩ nó như cái nắp đậy vừa cái bình trà méo mó. Những cánh cửa khổng lồ nằm một bên đã bị hư hỏng nhiều, gỗ cong queo bung ra khỏi khung sắt. Vẻ hư hỏng xấu xí của ngôi nhà này khiến tôi nhớ lại ngôi nhà ngà say của tôi, và bỗng nhiên tôi cảm thấy buồn.

Khi tôi bước lên bậc thềm đá để vào nhà, tôi trông thấy hai cô geisha đi qua sân rải sỏi, tôi cúi người chào họ. Họ gật đầu chào lại tôi, và một cô nói gì đấy với cô kia. Tôi thấy chuyện này lạ lùng quá, bèn nhìn kỹ họ hơn. Bỗng tim tôi đập nhanh, một cô là Korin, bạn của Hatsumono. Tôi cúi chào cô ta lần nữa vì tôi đã nhận ra cô ta, và tôi cố mỉm cười. Khi họ quay nhìn chỗ khác, tôi thì thào với Mameha:

– Chị Mameha, em vừa thấy người bạn của Hatsumono!

– Tôi không tin Hatsumono có bạn.

– Chị Korin đấy, chị ấy vừa mới ở đây, với một số các cô geisha khách nữa.

– Tôi biết Korin. Tại sao cô quá lo về cô ta? Cô ta có thể làm gì được?

Tôi không trả lời, nhưng nếu Mameha không lo thì tại sao tôi phải lo sợ làm gì.

Cái gây cho tôi ấn tượng mạnh nhất khi bước vào nhà biểu diễn là khoảng trống khổng lồ chạy lên tận mái nhà, dưới mái nhà, ánh sáng chiếu xuống qua các khung cửa sổ có màn che nằm cao trên đầu chúng tôi. Tiếng người ồn ào vang lên trong khoảng không gian khổng lồ ấy, với khói từ các lò nướng bánh bột gạo từ bên ngòai bay vào. Giữa nhà có một mô đất vuông vức nơi dùng làm chỗ cho các nhà đô vật tranh tài, trên mô đất có mái che theo kiểu mái đền thờ thần. một ông thầy tu đi quanh trên mô đất, tụng kinh cầu phú, c phất qua phất lại cái phương trượng co ‘trang hòang những dải giấy hình xoắn ốc.

Mameha dẫn tôi đến hàng chỗ ngồi ở phía trước, ở đấy chúng tôi tháo giày ra, đi vớ có xẻ ở đầu ngón chân trên một mép ván gỗ nhỏ. Những người tổ chức đã có mặt trong dãy ngồi này rồi, nhưng tôi không biết ai hết cho đến khi có một người đưa tay vẫy gọi Mameha, tôi hiểu ngay đó là ông Nobu. Tôi cũng hiểu lý do tại sao Mameha đã dặn dò trước với tôi về vẻ ngòai của ông ta. Ngay cả khi nhìn ông ta từ xa, tôi cũng thấy mặt ông như cây đèn cầy bị hơ chảy. Ông ta đã bị cháy phỏng mặt đâu đó từ lâu rồi, toàn bộ bề ngoài của ông ta trông rất thê thảm, tôi không thể tưởng tượng được sự đau đớn mà ông ta đã gánh chịu khi mới xảy ra tai nạn. Tôi đang lo lắng về chuyện gặp Korin, thì bây giờ lại lo thêm về chuyện sẽ gặp Nobu. Thế nào tôi cũng có những hành động thiếu bình tĩnh mất thôi. Khi đi sau Mameha, tôi chỉ chú ý đến một người đàn ông rất lịch sự ngồi bên cạnh ông Nobu trên chiếu rơm, ông ta mặc áo kimono có sọc. Khi tôi để mắt tới người đàn ông này, tôi bỗng thấy lòng tôi lặng đi một cách lạ lùng. Ông ta đang nói chuyện với người ngồi bên cạnh, nên tôi chỉ thấy phía sau đầu của ông ta mà thôi. Nhưng trông ta quá quen đến nỗi bỗng tôi không còn chú ý đến cái gì chung quanh nữa hết. Tôi nghĩ đến người tôi quen biết ở chỗ khác, không phải ở trong nhà biểu diễn này. Tôi đang loay hoay suy diễn thì bỗng trong óc tôi nảy ra hình ảnh của người đàn ông quay nhìn tôi trên đường làng của quê nhà.
Và tôi nhớ ra: đấy là ông Tanaka!

Ông ta đã thay đổi ra sao, tôi không thể miêu tả được. Tôi nhìn ông ta đưa tay vuốt mái tóc hoa râm và sững sờ kinh ngạc trước mấy ngón tay vuốt tóc một cách duyên dáng mềm mại. Tại sao tôi thấy cách vuốt tóc của ông ta có nét đặc biệt khiến tôi phải nhìn vào ông ta nhỉ? Có lẽ tôi bị chóa mắt khi nhìn ông ta và tôi cảm thấy hoang mang. Phải, trên đời này nếu người nào tôi ghét nhất, thì đó chính là ông Tanaka, tôi phải nhắc nhở mình nhớ lấy điều này.
Tôi sẽ không đến quỳ bên ông ta và nói “Kìa ông Tanaka, tôi thật sự hân hạnh được gặp lại ông. Cái gì đã mang ông đến Kyoto thế này? ” Nhưng thay vì làm thế, tôi sẽ tìm cách chứng tỏ cho ông ta thấy tôi nghĩ sao về ông ta, mặc dù điều ấy là một việc mà một geisha tập sự không được phép làm. Thật ra trong những năm vừa qua, tôi nghĩ đến ông Tanaka rất ít. Thế nhưng tôi thề với lòng mình là sẽ không đối xử tử tế với ông ta, nếu buộc lòng phải rót rượu sake cho ông ta, tôi sẽ rót tràn ra chân ông ta. Nếu buộc lòng phải cười với ông ta, tôi sẽ cười với nụ cười tôi thường thấy trên mặt Hatsumono, và rồi tôi sẽ nói “Ồ, ông Tanaka, mùi cá tanh rích.. Khi ngồi bên ông làm tôi nhớ nhà! ” Chắc ông ta sẽ hết sức bàng hoàng sửng sốt! Hay có lẽ tôi sẽ nói như thế này “Kìa ông Tanaka, trông ông tuyệt vời quá! ” Thế nhưng thật ra khi tôi nhìn kỹ vào ông ta, vì bây giờ tôi đã đến gần chỗ ông ta ngồi, quả trông ông tuyệt vời thật, tuyệt vời hơn bao giờ hết. Mameha vừa đến chỗ ông ta, cô ta quỳ xuống cúi người chào. Bỗng ông ta quay đầu nhìn lui, và đó là lần đầu tiên tôi nhìn vào khuôn mặt rộng, xương gò má sắc sảo…nhất là hai hàng mi, sít lại ở hai đuôi mắt, mượt mà thẳng thớm. Bỗng gió thổi và tôi là đám mây được gió cuốn đi.

Ông ta quen với tôi, đương nhiên, trên vài phương diện nào đó, ông ta còn quen hơn cả chính hình ảnh của tôi trong gương. Nhưng ông ta không phải là ông Tanaka, ông ta chính là ông Chủ tịch.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.