Hồi Ức Của Một Geisha - Đời Kỹ Nữ

Chương 17



Tôi chỉ mới gặp ông Chủ tịch trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng tôi đã để dành rất nhiều thời gian để mơ tưởng đến ông ta. Ông ta là bài ca tôi chỉ được nghe một lần, nhưng bài ca ấy cứ được hát lại mãi trong trí óc tôi. Thế nhưng những nốt nhạc đã thay đổi theo từng giai đoạn của thời gian – nghĩa là tôi đã nghĩ đến chuyện trán ông cao thêm, tóc hoa râm của ông thưa bớt. Khi tôi thấy ông, tôi thoáng sợ không biết ông có thật sự phải là ông Chủ tịch không, nhưng tôi lại cảm thấy yên ổn trong lòng ngay, tôi tin chắc tôi đã tìm ra được ông.

Trong khi Mameha chào hai người đàn ông, tôi đứng phía sau đợi đến phiên mình chào họ. Nếu như khi tôi cất tiếng chào mà giọng tôi nghe như tiếng giẻ lau sàn nhà thì sao nhỉ? Nobu, với những vết sẹo thê thảm, nhìn tôi đăm đăm, nhưng tôi không biết ông Chủ tịch có để ý đến tôi hay không, tôi quá rụt rè, không dám nhìn về phía ông ta. Khi Mameha ngồi vào chỗ, vuốt chiếc kimono trên đầu gối cho phẳng, tôi thấy ông Chủ tịch nhìn tôi với ánh mắt mà tôi nghĩ là có vẻ hiếu kỳ. Hai chân tôi cóng lại vì máu đã dồn hết lên mặt.

– ông Chủ tịch Iwamura, ông quản lý Nobu – Mameha giới thiệu – đây là em út của tôi, Sayuri.

Tôi nghĩ chắc anh có nghe nói đến tên tuổi nổi tiếng của Iwamura Ken, nhà sáng lập ra công ty chế tạo đồ điện Iwamura. Và có lẽ anh cũng có nghe tiếng của Nobu Toshikazu. Có lẽ trên nước Nhật không có ai hùn hạp làm ăn nổi tiếng hơn sự hùn hạp của họ. Họ như thân với rễ trong cùng một cây, hay là như đền thờ với cái cổng ở đàng trước. Ngay như tôi, một cô gái mới có 14 tuổi, mà cũng nghe nói đến họ. Nhưng tôi không ngờ chính Iwamura Ken là người đàn ông tôi đã gặp bên bờ suối Shirakawa. Tôi quỳ xuống cúi chào họ, nói những lời như mọi khi. Khi chào nói xong, tôi đến quỳ bên chỗ còn rộng ở giữa họ. Nobu nói chuyện với người đàn ông bên cạnh, trong khi ông Chủ tịch, ngồi phía bên kia của tôi, bàn tay ôm tách trà không để trên đầu gối, Mameha nói chuyện với ông ta, tôi bưng bình trà nhỏ lên, giữ tay áo cho khỏi vướng để rót trà. Tôi ngạc nhiên thấy ông Chủ tịch đưa mắt nhìn vào cánh tay của tôi. Dĩ nhiên tôi rất muốn biết ông ta nhìn thấy cánh tay tôi ra sao. Có lẽ vì ánh sáng trong nhà lờ mờ nên phía dưới cánh tay tôi loang loáng sáng như bề mặt của viên ngọc mịn màng, và có màu ngà đẹp đẽ.
Không có nơi nào trên cơ thể tôi đẹp bằng nơi ấy. Tôi thấy ông Chủ tịch không hề nhấp nháy mắt, vì ông ta cứ nhìn đăm đăm vào cánh tay tôi, nên tôi không hạ tay xuống. Rồi bỗng Mameha im lặng. Tôi nghĩ chắc cô ấy ngừng nói chuyện vì ông Chủ tịch cứ chăm chú nhìn vào cánh tay tôi, thay vì nói chuyện với cô ấy. Rồi tôi bỗng nhận ra sự thật trước mắt.

Mới trước đó một lát, tôi cảm thấy mình duyên dáng, nhưng bây giờ tôi vội vàng xin lỗi và để bình trà xuống. Mameha cười và nói:

– Ông Chủ tịch, chắc ông thấy cô ấy là người cương quyết như thế nào rồi. Nếu trong bình còn giọt nước nào, chắc Sayuri đã rót cho ông rồi.

– Cái áo kimono cô em út của cô mặc đẹp quá, Mameha à – ông Chủ tịch nói
– nếu tôi nhớ không lầm, thì cô đã mặc cái áo này trong thời gian tập sự phải không?

Nếu tôi còn nghi ngờ người đàn ông này có phải đúng là ông Chủ tịch không, thì bây giờ khi nghe giọng ông ta nói, giọng tử tế quen thuộc, tôi không còn nghi ngờ gì nữa.

– Tôi nghĩ có thể tôi có mặc – Mameha đáp – nhưng ông Chủ tịch đã thấy tôi mặc quá nhiều kimono khác nhau trong nhiều năm qua, cho nên tôi nghĩ ông không thể nhớ hết được.

– Phải, tôi không khác mọi người khác. Sắc đẹp gây cho tôi ấn tượng mạnh. Khi nói đến các nhà đô vật, tôi không thể nói người nào đẹp hơn người nào.

Mameha nghiêng người tới trước mặt ông Chủ tịch và nói nhỏ với tôi:

– Ý của ông Chủ tịch muốn nói là ông không thích môn đô vật.

– Thôi, Mameha – ông ta nói – nếu cô muốn tôi gặp chuyện rắc rối với Nobu thì…

– Thưa ông Chủ tịch, ông Nobu đã biết sở thích của ông từ lâu rồi.

– Nhưng cũng không nên nói ra. Sayuri này, có phải đây là lần đầu tiên cô xem đô vật không?

Tôi đã đợi cơ hội để nói với ông ta, nhưng trước khi tôi lên tiếng thì bỗng có tiếng rầm thật lớn vang lên làm ngôi nhà rung rinh, khiến cho tất cả chúng tôi đều giật mình. Mọi người im lặng, chúng tôi quay đầu nhìn, nhưng chẳng có gì ngoài cánh cửa lớn đóng lại. một lát sau, chúng tôi nghe tiếng bản lề cửa kêu răng rắc rồi thấy cánh cửa thứ hai từ từ mở ra, cánh cửa do hai võ sĩ đô vật đẩy mở ra. Nobu quay đầu khỏi tôi để nhìn tới chỗ ấy, tôi không thể nào không nhìn vào cái vết sẹo khủng khiếp do lửa đốt ở bên mặt và trên cổ ông ta, và vết sẹo trên lỗ tai làm tai ông biến dạng. Rồi tôi thấy cánh tay áo khoác của ông ta trống trơn. Nãy giờ tôi bận bịu nên không để ý đến cánh tay, cánh tay áo được xếp gấp lên, ghim vào vai bằng một cây ghim thật dài.

Nếu anh không biết, tôi xin kể chuyện Nobu bị thương cho anh nghe. Khi ông ta làm trung úy trong Hải quân Nhật, ông ta bị thương trong một vụ đánh bom ngoài Seoul vào năm 1910, khoảng thời gian Triều tiên bị sáp nhập vào Nhật. Khi tôi gặp ông ta, tôi không biết gì về hành động anh hùng của ông hết – mặc dù câu chuyện này đã được cả nước Nhật biết đến. Nếu ông ta không hợp tác với ông Chủ tịch để rồi sau đó trở thành quản lý của công ti sản xuất đồ điện Iwamura, thì có lẽ chuyện ông là anh hùng trong chiến tranh đã bị rơi vào quên lãng. Nhưng vì ông hợp tác với Iwamura, cho nên những vết thương khủng khiếp của ông đã làm cho câu chuyện thành công của ông được mọi người chú ý hơn, và hai người thường được nhắc nhở tới luôn.

Tôi không biết nhiều về lịch sử – vì nhà trường tôi học thường chỉ dạy cho chúng tôi nghệ thuật – nhưng tôi biết chính phủ Nhật nắm quyền kiểm soát hết Triều tiên vào lúc chấm dứt cuộc chiến tranh Nga – Nhật, và mấy năm sau chính phủ Nhật quyết định sáp nhập nước Triều tiên vào đế chế Nhật đang lớn mạnh. Tôi biết người dân Triều tiên không thích chuyện này. Nobu sang đó như là một lực lượng nhỏ giữ quyền kiểm soát. Một buổi chiều, ông ta đi theo vị sĩ quan chỉ huy đi thăm một ngôi làng gần Seoul. Khi trở về đến chỗ buộc ngựa, đơn vị tuần tra bị tấn công. Khi họ nghe tiếng tạc đạn nổ khủng khiếp, vị chỉ huy cố leo xuống một giao thông hào, nhưng ông ta già rồi và chậm chạp như một con ốc sên bò trên đá. Nobu chạy đến để giúp ông, nhưng vì ông sĩ quan chỉ huy qúa chậm chạp, nên quả tạc đạn bay đến nổ trên đầu ông. Quả tạc đạn nổ giết chết ông sĩ quan chỉ huy và làm cho Nobu bị thương nặng. Khi ở bệnh viện ra, Nobu mất cánh tay trái ở trên khuỷu tay.

Lần đầu tiên tôi thấy ống tay áo ghim lên, tôi hoảng hốt quay mặt đi chỗ khác. Trước đó tôi chưa bao giờ thấy người nào mất tay mất chân – mặc dù khi còn nhỏ đã thấy người phụ tá của ông Tanaka mất đầu ngón tay. Trong trường hợp của ông Nobu, nhiều người cho rằng một cánh tay chưa ghê lắm, mà chính cá vết thương ở da mới ghê gớm. Thật khó mà miêu tả hết vẻ ghê tởm trên da mặt của ông, và có lẽ quá độc ác khi muốn miêu tả ra. Tôi chỉ xin lặp lại một câu của geisha miêu tả về ông ta như thế này mà thôi “mỗi lần tôi nhìn vào mặt ông ta, tôi cứ nghĩ đến củ khoai lang nướng phồng trong lò lửa”.

Khi những cánh cửa khổng lồ đã đóng lại, tôi quay qua phía ông Chủ tịch để trả lời câu hỏi của ông. Vì là tập sự, nếu tôi muốn, tôi được phép ngồi yên lặng như một giỏ hoa, nhưng tôi quyết không để cho cơ hội này trôi qua. Cho dù tôi chỉ gây cho ông ta chút ít ấn tượng thôi, như bàn chân của em bé để lên nền đất, thì ít ra đây cũng là bước khởi đầu của tôi.

– Ông Chủ tịch hỏi có phải đây là lần đầu tiên em xem đô vật không – tôi nói
– đúng thế đấy, và nếu được ông Chủ tịch giảng giải cho biết đôi điều về môn võ này thì em sẽ hết sức cám ơn ông.

– Nếu cô em muốn biết môn võ này đấu như thế nào – ông Nobu nói – cô nên nói với tôi thì tốt hơn. Tên cô em là gì, cô tập sự? Hồi nãy trong phòng ồn quá tôi nghe không rõ.

Tôi quay khỏi ông Chủ tịch với vẻ rất khó khăn như đứa bé đang đói bụng quay khỏi đĩa thức ăn.

– Tôi tên là Sayuri, thưa ngài – tôi đáp.

– Cô là em út của Mameha, tại sao cô không là “Mame” này nọ? – Nobu nói tiếp – không phải lấy tên kiểu ấy là cái tục lệ điên khùng của các cô hay sao?

– Dạ phải, thưa ngài. Nhưng tất cả các tên có chữ “Mame” theo lời ông thầy bói đều không được tốt cho tôi.

– Thầy bói! – Nobu nói với vẻ khinh bỉ – có phải ông ta là người đã chọn tên cho cô không?

– Tôi là người chọn tên ấy – Mameha đáp – thầy bói không chọn tên mà họ chỉ cho biết tên ấy có thích hợp hay không thôi.

– Mameha – Nobu nói tiếp – một ngày nào đó cô sẽ trưởng thành và không nghe những chuyện điên khùng như thế nữa.

– Thôi, thôi, Nobu – ông Chủ tịch nói – người nào nghe anh nói chắc đều nghĩ rằng anh là người tân tiến nhất nước Nhật, nhưng tôi chưa thấy ai tin vào số mệnh như anh cả.

– Mỗi người đều có số phận của mình. Nhưng có ai cần đến thầy bói để tìm ra số phận của mình không? Có phải tôi phải đến người đầu bếp để hói xem tôi có đói hay không à? – Nobu nói – nhưng dầu sao, Sayuri là một cái tên đẹp – mặc dù tên đẹp và người đẹp thường không đi đôi với nhau.

Tôi thấy phân vân không biết câu nói vừa rồi của ông ta có phải hàm ý như thế này không – “Mameha, cô đã chọn cô em út xấu quá! ” – hay là có nghĩa gì đại loại như thế. Nhưng may thay ông ta nói tiếp:

– Trường hợp này tên và người đều đi đôi với nhau. Tôi nghĩ cô ta còn đẹp hơn cả cô nữa, cô Mameha à.

– Ông Nobu! Đàn bà không ai muốn nghe mình không phải là người đẹp nhất.

– Nhất là cô hả? Này, cô phải tập cho quen đi thì vừa. Cô ấy có đôi mắt rất đẹp. Sayuri, cô quay mặt cho tôi nhìn cặp mắt cô lần nữa đi.

Tôi không thể nhìn xuống chiếu được, vì Nobu muốn nhìn mắt tôi. Tôi cũng không thể nhìn thẳng vào mặt ông ta liền, vì như thế có vẻ tự phụ quá. Cho nên tôi phải từ từ nhìn quanh như thể đang tìm cái gì, rồi đưa mắt nhìn vào chỗ dưới cằm ông ta. Nếu tôi có thể bắt cặp mắt đừng thấy, chắc tôi sẽ làm liền, vì nét mặt của ông Nobu như bức tượng nắn bằng đất sét tồi. Chắc anh nhớ khi ấy tôi chưa biết chuyện đã gây cho khuôn mặt ông ta trở thành xấu xí như thế. Khi tôi tự hỏi chuyện gì đã xảy ra cho ông ta, tôi cảm thấy lòng nặng nề kinh khủng.

– Cặp mắt cô lung linh tỏa sáng một cách kỳ diệu – ông ta nói.

Ngay lúc ấy, cánh cửa nhỏ thông với hành lang bật mở, một người đàn ông đi vào, ông ta mặc áo kimono rất đặc biệt và đội cái mũ vải cao màu đen, trông như thể ông ta từ trong bức tranh của Hoàng triều bước ra. Ông ta đi vào con đường đi ở giữa, dẫn đầu đoàn đô vật khổng lồ, họ phải khom người xuống để đi qua ngưỡng cửa.

– Này cô em, cô biết gì về môn đô vật không? – Nobu hỏi tôi.

– Thưa ngài, chỉ biết võ sĩ đô vật khổng lồ như cá voi thôi – tôi đáp – có một người làm việc ở phòng đăng ký hộ tịch ở Gion trước đây đã từng là võ sĩ đô vật.

– Chắc cô muốn nói đến Awajiumi. Anh ta ngồi kia kìa – Nobu đưa tay chỉ về một bậc ngồi khác, nơi có Awajiumi đang ngồi, ông ta đang cười về chuyện gì đấy với Korin đang ngồi bên cạnh. Chắc cô ta nhìn thấy tôi, vì cô ta mỉm cười rồi nghiêng người sang nói gì đó với Awajiumi, ông này bèn nhìn sang phía chúng tôi.

– Anh ta không phải là đô vật giỏi – Nobu nói – anh thích dùng vai để húc đối thủ. Anh chàng ngốc, không bao giờ thắng ai mà lại bị gãy xương đòn gánh nhiều lần.

Khi ấy các nhà đô vật đã vào hết trong nhà, họ đứng quanh dưới mô đất. Người ta xướng tên từng người một, và họ leo lên bệ, đứng xếp hàng thành một vòng tròn nhìn ra khán giả. Sau đó, khi họ đi ra bên ngòai, để cho những võ sĩ đô vật phía bên kia đi vào. Nobu nói với tôi:

– Sợi dây có hình tròn trên mặt đất là ranh giới võ đài. Người đô vật nào bị đẩy ra ngòai trước, hay là chạm người xuống đất trước, chạm bất cứ cái gì ngòai hai bàn chân là thua. Nghe thì dễ, nhưng làm sao cô đẩy nổi một con người khổng lồ như thế qua sợi dây?

– Chắc tôi phải lẻn ra sau lưng ông ta, rồi lấy mõ đánh lên cho ông ta sợ mà phải chạy ra ngài.

– Hãy nói năng cho nghiêm túc – Nobu nói.

Tôi không nghĩ đó là cách ăn nói khôn ngoan, nhưng tôi nghĩ đây là nỗ lực đầu tiên của tôi để nói đùa với đàn ông cho vui. Tôi cảm thấy lúng túng, không biết nói gì nữa. Bỗng ông Chủ tịch cúi người qua phía tôi.

– Ông Nobu không đùa bỡn về chuyện đô vật – ông bình tĩnh nói.

– Tôi không đùa bỡn ba loại chuyện quan trọng trong đời sống – Nobu nói – đó là đô vật, kinh doanh và chiến tranh.

– Trời đất, theo tôi thì đây cũng là loại nói đùa thôi – Mameha nói – ông không thấy ông đã mâu thuẫn với mình sao?

– Nếu cô đã thấy cảnh một trận chiến – Nobu nói với tôi – hay cảnh đấu tranh tôi một buổi họp về kinh doanh, cô có biết cái gì sẽ xảy ra không?

Tôi không biết ông ta muốn gì, nhưng cứ theo giọng ông ta nói, thì có lẽ ông ta muốn tôi nói không.

– Ồ, tôi không biết gì hết – tôi trả lời.

– Đúng thế. Và cô cũng không biết cái gì xảy ra trong đô vật nữa. Cho nên, cô có thể cười câu nói đùa của Mameha hay là lắng nghe tôi nói để hiểu rõ ý nghĩa của vấn đề.

– Ông ấy đã cố dạy tôi nhiều năm rồi – ông Chủ tịch nói với tôi – nhưng tôi là người học trò rất dốt.

– Ông Chủ tịch là người rất thông minh – Nobu đáp – ông ấy là học sinh dốt về đô vật vì ông không lưu tâm đến môn này thôi. Chiều nay ông ấy không muốn đến đây đâu, nhưng vì ông rộng lượng chấp nhận lời đề nghị của tôi để công ty Iwamura bảo trợ cho buổi biểu diễn này.

Liền sau đó hai đội làm xong các nghi thức lên võ đài. Hai nghi thức tiếp theo rất long trọng, đó là giới thiệu người Yokozuna của mỗi đội. Người yokozuna là người có cấp bậc cao nhất trong đô vật, Nobu giảng cho tôi nghe rằng cấp bậc này “y như vị trí của Mameha ở Gion vậy”. Đương nhiên tôi phải tin ông ta, nhưng nếu Mameha chỉ ở trong buổi tiệc nửa chừng rồi bỏ về như các ông yokozuna này lên võ đài trong chốc lát, thì thế nào cô ấy cũng không được mời lại lần nữa. người yokozuna thứ hai có thân hình thấp lùn và có khuôn mặt rất đáng chú ý – không phải bự thịt mà rắn rỏi như đá, hàm xai bạnh ra khiến tôi nghĩ đến mũi thuyền đánh cá vuông vức. Khán giả vỗ tay hoan hô đinh tai nhức óc. Tên ông ta là Miyagiyama, và nếu anh biết về môn đô vật, chắc anh hiểu lý do tại sao người ta hoan hô nhiệt liệt đến thế.

– Chưa bao giờ tôi thấy một người đô vật nào vĩ đại như thế – Nobu nói với tôi.

Trước khi các trận đấu bắt đầu, người giới thiệu chương trình tuyên bố danh sách phần thưởng dành cho người thắng. Nobu Toshikaza, quản lý công ty điện Iwamura, tặng thưởng một số tiền khá lớn. Khi nghe tuyên bố tin này, ông ta có vẻ bực mình, nói:

– Đồ điên! Tiền này đâu phải của tôi, mà của công ty điện Iwamura, ông Chủ tịch, tôi xin lỗi nhé. Tôi xin gọi người đến bảo xướng ngôn viên đính chính lại.

– Khỏi đính chính, Nobu. Cứ xem như tôi nợ anh rất nhiều, việc này quá nhỏ.

– Ông Chủ tịch quá rộng lượng – Nobu nói – tôi rất cám ơn – nói xong ông ta đưa tách uống sake cho ông Chủ tịch rót đầy, và hai người cụng tách.

Khi cặp vô địch đầu tiên lên võ đài, tôi cứ tưởng trận đấu sẽ bắt đầu ngay. Nhưng không, họ dành 5 phút hay nhiều hơn nữa để rảy muối trên nền võ đài, rồi ngồi xổm xuống, nghiêng người qua một bên rồi đưa một chân lên cao và dậm xuống đất. Chốc chốc họ thu mình lại như sẵn sàng tấn công, quắc mắt nhìn nhau, nhưng ngay khi tôi tưởng họ tấn công thì bỗng một người đứng lên, đi bốc một nắm muối khác. Cuối cùng khi tôi nghĩ chưa đến họ tấn công thì họ xáp vào nhau. Họ nhào vào nhau, nắm dải thắt lưng của nhau, nhưng chỉ trong nháy mắt, một người đẩy người kia mất thăng bằng nhào xuống, và thế là trận đấu kết thúc. Khán giả vỗ tay hoan hô nhưng Nobu lắc đầu chê trách.

Trong những trận tiếp theo, tôi cảm thấy một tai tôi dính vào óc, một tai dính vào tim, vì một tai tôi nghe ông Nobu nói, mà những điều ông nói rất hay, nhưng tai kia tôi lại nghe ông Chủ tịch nói chuyện với Mameha khiến tôi bị chia trí.

Hơn một giờ trôi qua như thế, rồi bỗng tôi chợt thấy có cái gì màu tươi sáng ở bên chỗ ngồi của Awajumi động đậy. Vật ấy là một đóa hoa lụa màu vàng cam nhúc nhích trên mái tóc người phụ nữ khi chị ta quỳ gối ngồi vào chỗ ngồi. Thoạt tiên tôi nghĩ đấy là Korin, tôi tưởng cô ta đã thay kimono.
Nhưng nhìn kỹ, tôi thấy không phải Korin mà là Hatsumono.

Gặp cô ta ở đây quả là một điều tôi không ngờ đến. Tôi cảm thấy thót người lên như dẫm phải dây điện. Dĩ nhiên việc cô ta tìm cách làm nhục tôi chỉ là vấn đề thời gian, thậm chí ở đây, trong ngôi nhà khổng lồ này, giữa hàng trăm người. Tôi cóc cần cô ta chọc quê tôi trước mặt đám đông, nếu xảy ra việc ấy, nhưng tôi không chịu đựng được cảnh khi thấy mình như đồ hèn trước mặt ông Chủ tịch. Cuống họng tôi nóng ran như lửa đốt, thậm chí tôi không thể giả vờ nghe ông Nobu nói về cặp đô vật khác đang leo lên võ đài. Khi tôi nhìn qua Mameha, cô ấy nháy mắt qua phía Hatsumono rồi nói:

– Thưa ông Chủ tịch, xin mạn phép ông, tôi xin lỗi ra ngoài một lát. Và tôi nghĩ Sayuri cũng muốn ra ngoài một lát.

Cô ấy đợi cho đến khi Nobu nói xuống chuyện rồi tôi theo cô ấy ra ngoài.

– Ôi chị Mameha, mụ ta như quỷ sứ! – tôi nói.

– Korin rời khỏi đây hơn một giờ rồi. Chắc cô ta đi tìm Hatsumono để báo cho cô ta biết mà đến đây. Cô em phải hãnh diện về việc này mới đúng, vì Hatsumono đã cất công đến đây để quấy phá cô.

– Em không chịu được cảnh cô ta sẽ làm nhục em trước mắt..ờ, trước mắt những người này.

– Nhưng nếu cô ta làm gì để cho cô ta thấy hả dạ thì chắc cô ta sẽ để cho cô yên, phải không?

– Chị Mameha, chị vui lòng …đừng để em lúng túng.

Chúng tôi đi qua sân, đến gần nhà vệ sinh, nhưng thay vì chúng tôi bước lên tầng cấp vào phòng vệ sinh, thì Mameha dẫn tôi đến một con đường nhỏ cách xa đấy một đoạn để không ai nghe được, và cô ta bảo:

– Ông Nobu và ông Chủ tịch đã bảo trợ cho tôi nhiều năm nay. Chỉ có trời mới biết ông Nobu gay gắt với những người ông ta không ưa ra sao, nhưng ông ta rất trung thành với bạn như người hầu cận của lãnh chúa trung thành với chủ, và cô sẽ không bao giờ gặp được người đàn ông nào đáng tin như ông ta đâu. Cô có biết Hatsumono hiểu rõ những chuyện đáng quý này không? Khi cô ta nhìn Nobu, cô ta chỉ thấy ông ta là “ông thằn lằn” thôi. Cô ta gọi ông ta thế đấy, và sẽ nói như thế này này “chị Mameha, đêm qua tôi thấy chị với ông thằn lằn đấy! Ôi trời đất, trông chị bết quá. Tôi nghĩ chị mất mặt vì ông ta đấy” – đại loại như thế. Bây giờ tôi không cần lưu tâm đến việc cô nghĩ sao về ông Nobu. Với thời gian, cô sẽ thấy ông ta là người tốt như thế nào. Nhưng nếu Hatsumono nghĩ rằng cô quá thích ông Nobu, thế nào cô ta cũng để cho cô yên thân.

Tôi không biết phải trả lời ra sao khi nghe cô ấy nói như thế. Thậm chí tôi cũng chưa biết tính sao về những việc cô ấy yêu cầu tôi phải làm.

– Ông Nobu đã nói chuyện với cô về đô vật cả buổi chiều – cô ấy nói tiếp – mọi người đều nghĩ cô mến ông ta. Bây giờ cô hãy tiếp tục làm thế để cho Hatsumono hả dạ. Hãy làm cho cô ta nghĩ rằng cô mê ông ta hơn bất cứ ai hết. Cô ta sẽ nghĩ đây là chuyện khôi hài đáng cười. Có lẽ cô ta còn muốn cô ở lại Gion để làm trò cười cho cô ta nữa.

– Nhưng thưa chị Mameha, làm sao em làm cho Hatsumono nghĩ em đã mê mẩn ông ấy được?

– Nếu cô không tìm ra cách để làm được một việc như thế thì tôi đã không huấn luyện cô đúng đắn rồi – cô ấy trả lời.

Khi chúng tôi trở lại chỗ ngồi, Nobu đang nói chuyện với người ngồi bên cạnh. Tôi không thể cắt ngang câu chuyện của họ, nên tôi giả vờ chăm chú xem các võ sĩ đô vật trên võ đài đang chuẩn bị giao đấu. Khán giả trở nên cuồng nhiệt hơn, không phải chỉ có Nobu nói chuyện thôi. Tôi rất muốn quay qua hỏi ông Chủ tịch có nhớ chuyện cách đây mấy năm ông đã tỏ ra có lòng tốt với một cô bé…nhưng dĩ nhiên tôi không thể nói chuyện như thế.

Ngoài ra nếu Hatsumono thấy tôi chú ý đến ông ta, thì tình hình sẽ trở nên rất tai hại.

Một lát sau Nobu quay qua tôi và nói:

– Những trận đấu này quá tẻ nhạt. Đợi đến khi Mijagiyama thi đấu, chúng ta mới thấy tài năng thật sự.

Tôi thấy đây là cơ hội để tôi tỏ ra mê mẩn ông ta. Tôi đáp:

– Nhưng các trận em vừa xem rất ấn tượng, thưa ông. Và những điều ông nói cho em biết thật quá hấp dẫn, em không thể tưởng tượng ra được chuyện gì có thể hay hơn thế.

– Đừng ngớ ngẩn – Nobu nói – không có tay đô vật nào trong số vừa rồi đáng sánh với Miyagiyama đâu.

Tôi nhìn qua vai Nobu, thấy Hatsumono ngồi ở tầng đằng xa. Cô ta đang nói chuyện với Awajiumi và làm ra vẻ không nhìn về phía tôi.

– Em muốn hỏi ông một câu ngốc nghếch này – tôi nói – tại sao một người đô vật nhỏ con như Miyagiyama lại có thể trở thành một nhà đô vật vĩ đại nhất?

Nếu khi ấy anh thấy mặt tôi, thế nào anh cũng nghĩ không có vấn đề gì làm cho tôi quan tấm đến hơn vấn đề về đô vật này. Tôi cảm thấy mình kỳ cục, giả vờ chăm chú vào chuyện vặt vãnh, nhưng những người thấy chúng tôi khi ấy, chắc ai cũng nghĩ rằng chúng tôi đang tâm sự mật thiết với nhau. Tôi sung sướng mà nói rằng chính vào lúc ấy, tôi thấy Hatsumono đang quay đầu về phía tôi.

– Miyagiyama trông nhỏ con vì những người khác quá mập mà thôi – Nobu nói – những ông ta rất tự phụ về tầm vóc của mình. Chiều cao và trọng lượng của ông ta được đăng trên báo chính xác cách đây mấy năm, thế nhưng ông ta thấy nhục. Nên để cho người bạn lấy tấm ván đánh trên đầu, rồi ngốn một bụng khoai lang với nước, và đi đến tòa báo để chứng minh cho họ thấy họ sai lầm.

Tôi phải cười khi nghe Nobu nói đến bất cứ cái gì – nghĩa là tôi phải làm cho Hatsumono hài lòng. Nhưng thật ra, nghĩ đến cảnh Miyagiyama nhắm mắt đợi tấm ván phang xuống đầu, làm sao mà không cười được! Tôi cứ mường tượng hình ảnh ấy trong óc và cười ngặt nghẽo khiến cho Nobu cuối cùng cũng cười theo. Trước mắt Hatsumono, chúng tôi có vẻ như đôi bạn thân thiết nhất đời, vì tôi thấy cô ta vỗ tay có vẻ khoan khoái.

Lát sau, tôi bèn nghĩ ra một ý, giả vờ xem Nobu là ông Chủ tịch, mỗi lần ông ta nói, tôi không để ý đến giọng cáu kỉnh gay gắt của ông ta, mà cố tưởng tượng ra đấy là giọng nói dịu dàng của ông Chủ tịch. Dần dần tôi có thể nhìn vào môi ông ta, cố loại ra khỏi óc hình ảnh đôi môi nhợt nhạt trên khuôn mặt đầy sẹo, hình dung ra đấy là môi của ông Chủ tịch, và mỗi câu nói của ông ta là lời của ông Chủ tịch nói với tôi. Đôi lúc tôi có cảm giác như mình không phải đang ngồi trong nhà biểu diễn mà đang ở trong một căn phòng yên tĩnh, quỳ một bên ông Chủ tịch. Khi ấy tôi cảm thấy mình hạnh phúc một cách lạ lùng. Như quả bóng tung lên trên không, đứng yên bất động một lát rồi mới rơi xuống. Tôi cảm thấy mình treo lơ lửng trên không trong trạng thái yên ổn phi thời gian. Khi tôi nhìn quanh phòng, tôi chỉ thấy sắc đẹp của những thanh gỗ khổng lồ và ngửi mùi thơm của bánh bột gạo. Tôi cứ ngỡ tình trạng sung sướng này không bao giờ chấm dứt, nhưng bỗng nhiên tôi lên tiếng nói cái gì đấy mà tôi không nhớ được. Và Nobu đáp:
– Cô nói gì thế? Chỉ có đồ điên mới nghĩ đến chuyện ngu dốt như thế.

Nụ cười tắt trên môi tôi ngay lập tức như cái vật buộc đầu sợi dây rơi xuống ngay khi dây bị cắt. Nobu nhìn đăm đăm vào mắt tôi. Dĩ nhiên Hatsumono ngồi xa chúng tôi, nhưng tôi vẫn còn cảm thấy cô ta đang nhìn chúng tôi. Rồi tôi nghĩ rằng nếu một nàng geisha hay một cô tập sự đang rơm rớm nước mắt trước một người đàn ông, thử hỏi có ai mà không động lòng? Có lẽ tôi đã xin lỗi khi nghe ông ta trả lời gay gắt, nhưng tôi đã cố tưởng tượng ra chính ông Chủ tịch đã nói với tôi, nên môi tôi bỗng run run, tôi cúi đầu làm ra vẻ mình bé bỏng.

Tôi ngạc nhiên khi nghe Nobu hỏi:

– Tôi đã làm cho cô đau khổ, phải không?

Giả vờ hít mũi thút thít đôi với tôi chẳng khó khăn gì, Nobu cứ nhìn tôi một lát nữa rồi mới nói:

– Cô thật có duyên!

Tôi nghĩ chắc ông ta định nói thêm gì nữa, nhưng ngay lúc ấy Miygiyama bước vào nhà thi đấu và đám đông la hét hoan hô rầm rĩ.

Miyagiyama và nhà đô vật kia, tên là Saho, quần thảo nhau trên võ đài một hồi lâu, họ bốc muối ném lên nền đất, hay là dậm chân thình thịch như các võ sĩ trước đã làm. Mỗi lần họ thu mình lại nhìn nhau, tôi cứ tưởng hai tảng đá lớn trơn láng sắp sửa nhào vào nhau. Miyagiyama hơi chồm tới trước một chút so với Saiho, ông này cao và nặng hơn nhiều. Tôi nghĩ khi họ xông vào nhau, thế nào ông Miyagiyama tội nghiệp kia cũng bị té ngửa ra sau, tôi không tin có ai có thể đẩy Saiho ra ngoài sợi dây kia được; họ đứng vào thế tấn công. Bỗng Nobu nói nhỏ vào tai tôi:

– Thế Hataki Komi! Ông ta sắp dùng thế Hataki Komi. Nhìn vào mắt ông ta tôi biết!

Tôi làm theo lời Nobu nói, nhưng tôi chỉ thấy Miyagiyama không nhìn vào Saiho. Tôi nghĩ chắc Saiho không thích bị đối thủ coi thường như thế này, vì ông ta quắc mắt nhìn đối thủ dữ tợn như một con thú. Thịt hai bên má quá dầy và bự nên cái đầu ông ta trông như trái núi nhỏ, và vì tức giận nên mặt ông ta đỏ rần. Nhưng Miyagiyama vần ra vẻ như không thèm chú ý đến ông ta.

– Không còn lâu nữa đâu! – Nobu nói nhỏ với tôi. Và quả vậy, lần thu mình tiếp theo, Saiho tấn công.
Nhìn Miyagiyama chồm người tới trước như hồi nãy, ai cũng nghĩ ông ta sẽ phóng mình vào đối thủ, nhưng không, ông ta dùng sức mạnh của Saiho để gượng người đứng tấn. Rồi nhanh như chớp, ông ta xoay người như cánh cửa xoay, tay ông ta chụp vào gáy của Saiho. Trong khi ấy thân hình nặng nề của Saho nhào tới trước như người ngã nhào từ trên cầu thang xuống, Miyagiyama đem hết sức đẩy mạnh đối thủ tới trước, Saiho văng qua khỏi sợi dây và nhào xuống. Tôi kinh ngạc thấy hòn núi người bay qua khỏi mép ụ võ đài, văng vào hàng ghế đầu của khán giả. Mọi người nhanh chân chạy tránh chỗ, nhưng khi xong xuôi, một người đàn ông đứng lên, thở hổn hển vì vai ông ta bị Saiho táng vào.

Cuộc chạm trán chỉ kéo dài một giây, chắc Saiho cảm thấy nhục nhã thất bại, vì ông chỉ cúi đầu chào chiếu lệ như những người thua cuộc trước đó, rồi đi ra khỏi đấu trường trong khi khán giả vẫn còn hò hét hoan hô.

– Đấy – Nobu nói với tôi – thế ấy gọi là Hataki komi.

– Thật kỳ lạ – Mameha nói, vẻ thẫn thờ. Thậm chí cô ấy không nói ra hết ý nghĩ của mình nữa.

– Cái gì mà thật kỳ lạ? – ông Chủ tịch hỏi cô ấy.

– Điều Miyagiyama làm đấy. Chưa bao giờ tôi thấy một việc như thế này.

– Phải. Dân đô vật thường làm được như thế.

– Ờ, việc này khiến cho tôi nghĩ… – Mameha nói.

Sau đó, khi trên đường về lại Gion, Mameha quay qua nói với tôi rất hăng say trên xe kéo:

– Anh chàng đô vật ấy đã gợi cho tôi một ý rất kỳ diệu. Hatsumono không biết được ý này đâu. Cô ta đã bị hỏng cẳng rồi. Và nếu cô ta có tìm ra được thì cũng đã quá trễ rồi.

– Ồ chị Mameha, chị đã có kế hoạch rồi phải không? – tôi hỏi – xin chị vui lòng cho em biết đi.

– Cô tin bây giờ tôi nói cho cô biết à? Ngay cả người hầu thân tín của tôi, tôi cũng không nói. Cô chỉ có việc hãy làm cho Nobu chú ý đến cô là được. Mọi việc đều phụ thuộc vào ông ta, và vào một ông khác nữa.

– Ông khác nào thế?

– Một người cô chưa gặp. Bây giờ ta đừng nói đến chuyện này nữa! Tôi nói thế có lẽ hơi nhiều rồi, hôm nay cô gặp ông Nobu thật quá tuyệt vời. Ông ta có thể là người cứu tinh của cô đấy.

Tôi phải thú nhận khi nghe cô ấy nói như thế, tôi cảm thấy đau nhói trong lòng. Nếu tôi có được một vị cứu tinh, tôi muốn người ấy là ông Chủ tịch, chứ không ai khác.

Thế là tôi biết được nguồn gốc ông Chủ tịch, cho nên ngay tối hôm đó, tôi gặp được tờ báo nào là tôi đọc liền, hy vọng sẽ biết thêm về ông ta. Trong vòng một tuần, tôi thu lượm được cả một chồng báo cất trong phòng tôi, khiến cho bà Dì nhìn tôi như thể tôi là đồ mất trí. Tôi đọc thấy có vài bài viết về ông, nhưng chỉ nói phớt qua, chứ không có bài nào cho tôi biết những tin tức mà tôi muốn biết. Thế nhưng, tôi tiếp tục thu nhập bất kỳ tờ báo nào thòi ra ở trong sọt rác, cho đến một hôm tôi tìm thấy một gói bao sau một phòng trà. Lục tìm trong gói báo này, tôi thấy một số báo phát hành cách đây 2 năm có nói đến công ty điện Iwamura.

Thì ra công ty điện Iwamura làm lễ kỷ niệm thứ 20 vào năm 1931. Tôi kinh ngạc khi nghĩ đến việc này, vì khi tôi gặp ông Chủ tịch bên bờ suối Shirakawa đúng vào tháng này. Nếu trên các tờ báo mà tôi xem có đăng ảnh của ông ta, thế nào tôi cũng nhận ra. Thế là tôi có ngày để tìm, tôi tìm các bài báo viết về buổi lễ kỷ niệm này. Hầu hết các số báo viết về công ty đều nằm trong đống đồ tạp nham từ nhà kỹ nữ phía trước bên kia đường vứt ra sau ngày bà ngoại của bên nhà ấy mất.

Ông Chủ tịch sinh năm 1890, theo chỗ tôi biết, nghĩa là khi tôi gặp ông ta lần đầu, mặc dù tóc đã hoa râm, nhưng ông chỉ mới trên 40 một chút. Ngày hôm ấy, tôi cứ nghĩ ông chỉ là chủ tịch một công ty xoàng xĩnh, nhưng tôi đã lầm. Theo các bài báo viết thì công ty Iwamura không lớn bằng công ty Osaka, đối thủ chính của công ty Iwamura ở phía Tây nước Nhật. Nhưng ông Chủ tịch và ông Nobu được nhiều người biết tiếng hơn cả các ông thủ trưởng của nhiều công ty lớn hơn, là vì nhờ sự hợp tác làm ăn nổi tiếng của họ. Tóm lại công ty Iwamura được xem là công ty có óc sáng tạo và có tiếng tăm hơn.

Năm 17 tuổi, ông Chủ tịch đến làm việc cho một công ty đồ điện nhỏ ở Osaka. Chẳng bao lâu sau, ông ta giám sát một toán nhân viên lắp đặt giây điện cho các xí nghiệp trong khu vực. Lúc ấy nhu cầu về ánh sáng đèn điện trong nhà và trong các xí nghiệp càng ngày càng cao, tối nào ông Chủ tịch cũng thiết kế một loại dụng cụ dùng hai bóng đèn cho một ổ cắm thay vì một bóng đèn mà thôi. Tuy nhiên ông Giám đốc công ty không muốn thiết kế và chế tạo loại này, cho nên vào năm 22 tuổi, năm 1912, sau khi đã cưới vợ một thời gian ngắn, ông Chủ tịch ra riêng thành lập công ty của mình.

Tình hình khó khăn kéo dài mấy năm, đến năm 1914, công ty mới của ông Chủ tịch ký được hợp đồng thi công lắp ráp dây điện cho một tòa nhà mới trong khu quân sự Osaka. Khi ấy Nobu vẫn còn trong quân đội, vì thương tích chiến tranh trên người nên ông khó tìm được việc. Ông được giao nhiệm vụ giám sát công trình của công ty Iwamura, ông và ông Chủ tịch nhanh chóng trở thành bạn bè, và khi ông Chủ tịch đề nghị giao cho ông đảm trách một số công việc của công ty vào năm sau, ông liền nhận lời.

Tôi càng đọc nhiều về sự hợp tác làm ăn của họ, tôi càng hiểu tại sao hai người gắn bó với nhau như keo sơn như thế. Hầu hết các bài báo đều có in tấm hình của hai người, ông Chủ tịch mặc bộ đồ vét hợp thời trang bằng len dày, tay cầm cái ổ cắm điện bằng sứ cắm hai bóng điện, sản phẩm đầu tiên của hãng họ. Ông ta làm ra vẻ như có ai đấy vừa đưa ổ cắm điện cho ông ta, và ông chưa biết phải làm gì với cái thứ này. Miệng ông hơi hé mở, để lộ hai hàm răng trắng, nhìn vào ống kính với cặp mắt ham he, như thể ông sắp sửa ném cái ổ cắm đi. Trái lại Nobu đứng bên cạnh ông, thấp hơn ông nửa cái đầu, mặt cau có, bàn tay duy nhất nắm chặt lại để bên hông, ông ta mặc áo khoác mỏng và quần vải sọc. Cái mặt sẹo hoàn toàn vô cảm và cặp mắt sùm sụp. ông Chủ tịch trông đáng là cha của Nobu, có lẽ vì tóc của ông đã hoa râm và dáng của ông to cao, mặc dù ông chỉ lớn hơn Nobu hai tuổi. Các bài báo viết rằng trong khi ông Chủ tịch có trách nhiệm về sự phát triển của công ty thì Nobu có nhiệm vụ quản lý điều hành công ty. Nobu tuy là người ít nổi bật hơn và đảm trách công việc ít quan trọng hơn, nhưng ông ta đã làm việc rất tốt đến nỗi ông Chủ tịch thường tuyên bố với mọi người rằng nếu không nhờ tài năng của Nobu thì công ty không vượt qua được nhiều cơn khủng hoảng. Chính Nobu đã mang đến cho công ty một nhóm đầu tư và cứu công ty khỏi bị suy sụp vào đầu những năm 1920. Ông Chủ tịch thường nói “tôi nợ Nobu một món nợ mà tôi không thể nào trả được.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.