Hồi Ức Của Một Geisha - Đời Kỹ Nữ

Chương 27



Suốt mùa hè năm ây, năm 1939, tôi quá bận rộn với các hợp đồng, các buổi gặp gỡ bất thường với ông Tướng, các buổi trình diễn múa, và nhiều chuyện khác như thế, đến nỗi buổi sáng khi thức dậy tôi cảm thấy mình như một cái xô đầy đinh. Thường thường vào lúc giữa trưa, tôi cố làm cái gì cho quên mệt mỏi, nhưng tôi thường phân vân không biết tôi làm hết sức như thế mà lợi tức được bao nhiêu. Nhưng tôi không mong gì tìm biết được, cho nên tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy Mẹ gọi tôi vào phòng một buổi chiều cho tôi biết lợi tức kiếm được trong sáu tháng qua nhiều hơn cả lợi tức của Hatsumono và Bí Ngô cộng lại.

– Như thế nghĩa là – bà ta nói – đã đến lúc cô đổi phòng cho hai cô ấy.

Chắc anh biết tôi không vui mừng khi nghe thế. Tôi và Hatsumono tìm cách sống bên nhau trong mấy năm qua không ai động đến ai. Nhưng tôi vẫn xem cô ta là con hổ ngủ quên, chứ không phải là con hổ bị hạ gục. Dĩ nhiên Hatsumono không nghĩ Mẹ muốn đổi phòng, cô ta sẽ cho là phòng cô ta bị chiếm đoạt.

Tối đó khi tôi gặp Mameha, tôi nói cho cô ấy biết việc Mẹ đã nói với tôi, và tôi nói tôi sợ lửa hận trong lòng Hatsumono sẽ cháy bùng lên lại.

– Ồ, tốt, thế là tốt – Mameha nói – Con mụ ấy chưa bị đánh gục cho đến đổ máu là chưa xong. Cứ để cho mụ ta sáng mắt ra, và để lần này mụ ta như thế nào.

Sáng sớm hôm sau, bà Dì lên lầu để ra lệnh cho chúng tôi di chuyển đồ đạc. Bà dẫn tôi vào phòng Hatsumono, tuyên bố bây giờ phòng này thuộc về tôi, tôi muốn để đồ đạc của tôi ở đâu thì tôi để, không ai dám đụng vào vật gì hết. Rồi bà dẫn Hatsumono và Bí Ngô sang phòng nhỏ hơn của tôi và tuyên bố phòng ấy là của họ. Sau khi chúng tôi thu dọn xong đồ đạc, công việc đổi phòng mới hoàn tất.

Tôi bắt đầu dọn dẹp đồ đạc của tôi ngay chiều hôm đó. Tôi đã thu thập được một số đồ đẹp như Mameha, nhưng thời buổi lúc bấy giờ đã thay đổi nhiều. Mỹ phẩm và đồ nữ trang bị chính quyền quân nhân ban hành luật cấm dùng vì là đồ xa xỉ phẩm – nhưng ở Gion chúng tôi được dùng vì đây là nơi các ông lớn có quyền hành thường đến giải trí. Tuy nhiên, các món quà lãng phí thì không ai thèm để ý đến, cho nên tôi tích luỹ được trong mấy năm vài bức tranh cuốn, vài cái nghiên mực tàu, vài cái tô xưa cổ, cùng một số hình nổi chụp danh lam thắng cảnh và một đồng bạc bằng bạc có đúc hình nổi thật đẹp do nhà diễn viên Kabuki Onoe Yoegoro XVII đã cho tôi. Tôi mang hết những thứ này đi qua hành lang, cùng với đồ hoá trang, áo quần lót, sách và tạp chí, vào chất một đống trong phòng. Nhưng mãi cho đến hôm sau, Hatsumono và Bí Ngô vẫn không mang đồ đạc đi. Vào trưa ngày thứ Ba, khi đi học ở trường về, tôi quyết định nếu chai lọ và thuốc mỡ của Hatsumono vẫn còn để bừa bãi trên bàn trang điểm, tôi sẽ đi nhờ bà Dì lên giúp.

Khi tôi lên đến đầu cầu thang, tôi ngạc nhiên thấy cửa phòng của Hatsumono và của tôi để mở. Một cái lọ đựng nước mỡ trắng vỡ nằm trên nền hành lang. Tình hình có vẻ không ổn rồi. Khi tôi bước vào phòng, tôi thấy quả như vậy. Hatsumono đang ngồi trên cái bàn nhỏ của tôi, uống cái gì nơi ly nước nhỏ, và đọc cuốn sổ ghi chép của tôi!

Người geisha có bổn phận phải giữ kín chuyện về những người đàn ông mà họ quen biết, cho nên chắc anh ngạc nhiên khi nghe trước đó mấy năm, lúc tôi còn là cô tập sự, một buổi chiều tôi vào tiệm sách mua một cuốn sổ giấy trắng để đem về viết nhật ký. Tôi không điên để viết những chuyện mà người geisha không được tiết lộ. Tôi chỉ viết về những suy nghĩ và cảm tưởng của tôi thôi. Khi tôi muốn viết gì về ai đó, tôi cho ông ta một bí danh. Ví dụ khi nói đến ông Nobu, tôi dùng “ông Xì” vì thỉnh thoảng ông ấy xì xì nơi miệng một cách khinh bỉ. Còn ông Chủ tịch tôi viết “ông Hà” vì đôi khi ông hít vào một hơi thật dài rồi thở phào ra từ từ nghe như tiếng “hà” và mỗi khi ông ta làm thế, tôi đã tưởng tượng ra cảnh ông thức dậy sau giấc ngủ bên tôi – dĩ nhiên tôi đã quá bị ám ảnh. Nhưng không bao giờ tôi nghĩ đến chuyện có ai khác xem những gì tôi viết.

– Kìa Sayuri, rất sung sướng được gặp cô! – Hatsumono nói – tôi đợi cô để cho cô biết tôi rất thích cuốn nhật ký của cô. Nhiều đoạn rất hấp dẫn, và bút pháp của cô rất có duyên! Về lối chữ viết của cô không mấy ấn tượng, nhưng…

– Cô có thấy chữ tôi viết ở trang đầu không?

– Tôi chưa xem, để coi nào – “Chuyện riêng”. Được thôi, đây tôi muốn nói đến lối viết chữ của cô.

– Hatsumono, xin cô vui lòng để cuốn tập xuống bàn và ra khỏi đây ngay.

– Thật ư? Tôi quá ngạc nhiên Sayuri à. Tôi chỉ muốn giúp ý kiến cho cô thôi.

Này nhé, cô lắng nghe rồi sẽ thấy. Ví dụ, tại sao cô chọn ông Nobu Tashikazu là “ông Xì”? Tên này không hợp cho ông ta. Theo tôi, cô nên gọi là “ông Phỏng da” hay có thể là “ông Cụt tay”. Cô không bằng lòng à? Nếu cô muốn cô cứ thay đổi đi, và cô khỏi phải trả công cho tôi.

– Tôi không biết cô nói cái gì, Hatsumono. Tôi không viết cái gì về ông Nobu hết.

Hatsumono thở dài, như thể nói với tôi rằng tôi là kẻ nói láo không sách, rồi cô ta lật cuốn nhật ký của tôi.

– Nếu cô không viết về Nobu, tôi muốn cô cho biết tên của người cô đề cập đến trong này, xem nào…A, đây rồi, “Thỉnh thoảng tôi nhìn mặt ông Xì nổi cơn thịnh nộ khi cô geisha nhìn vào mặt ông. Nhưng còn tôi, tôi muốn nhìn mặt ông khi nào thì nhìn, và ông có vẻ hài lòng khi thấy tôi nhìn. Tôi nghĩ rằng ông ta trở nên thích tôi là vì ông thấy tôi không xem làn da của ông và cánh tay cụt của ông là kỳ lạ và đáng sợ như những cô gái khác.” Vậy tôi muốn cô cho tôi biết có người nào trông giống như ông Nobu thế này không?

Khi ấy tôi cảm thấy đau đớn vô cùng, không bút nào miêu tả cho được. Bỗng nhiên để cho người ta biết được chuyện bí mật của mình, nhưng vì điên khùng ngu ngốc mới ra nông nỗi này. Phải, nếu tôi định nguyền rủa ai thì chính tôi là người đáng bị nguyền rủa nhất, vì tôi để cuốn nhật ký vào chỗ Hatsumono có thể tìm được. Người bán sách để cửa sổ mở cho gió thổi mưa vào cửa ướt sách, thì chỉ có nước giận mình mà thôi.

Tôi đi đến bàn để lấy lại cuốn nhật ký từ tay Hatsumono, nhưng cô ta ôm cuốn sổ vào ngực và đứng dậy. Tay kia cô lấy cái ly mà tôi nghĩ là ly nước, nhưng khi đến gần tôi ngửi thấy mùi sakê. Cô ta đã say.

– Sayuri, dĩ nhiên là cô muốn lấy lại cuốn nhật ký, và dĩ nhiên tôi sẽ đưa lại cho cô – cô ta nói, nhưng cô ta vừa nói vừa bước ra cửa – vấn đề phiền phức là tôi đọc chưa hết. Cho nên tôi đem nó về bên phòng tôi…trừ phi cô muốn tôi đem đến cho Mẹ. Tôi tin chắc bà ấy rất thích thú khi đọc những trang cô viết về bà ấy.

Hồi nãy tôi có nói cái lọ mỡ bị vỡ nằm trên nền hành lang. Đây là do Hatsumono gây nên và không thèm nói cho người hầu đến dọn dẹp. Nhưng bây giờ khi rời phòng tôi, cô ta đã lãnh hậu quả do mình gây ra. Có lẽ cô ta quên việc có cái lọ bị bể vì cô ta say, cho nên cô ta bước ngay lên mảnh chai và kêu thét lên một tiếng. Tôi thấy cô ta nhìn xuống chân mình một lát, miệng rên rỉ nhưng vẫn đi tiếp.

Tôi cảm thấy hoảng hốt khi thấy cô ta bước vào phòng tôi. Tôi nghĩ đến chuyện dành cuốn sổ lại khỏi tay cô ta…nhưng tôi bỗng nhớ lời nhận xét của Mameha lúc chúng tôi xem đô vật. Đuổi theo Hatsumono là điều rõ ràng phải làm. Tốt hơn hết là tôi phải đợi cho đến khi cô ta thấy thoải mái, cho là mình đã thắng, rồi khi nào cô ta sơ ý thì giật lấy nó. Tôi nghĩ đây là ý hay nhưng một lát sau tôi nghĩ đến khả năng cô ta có thể giấu cuốn sổ vào một chỗ tôi không thể tìm ra.

Khi ấy cô ta đã đóng cửa. Tôi đến đứng ở ngoài, bình tĩnh gọi lớn:

– Cô Hatsumono, nếu tôi có vẻ giận dữ với cô, tôi xin lỗi. Tôi vào phòng được chứ?

– Không, không được vào – cô ta trả lời.

Nhưng tôi vẫn mở cửa, phòng hết sức bừa bãi, vì Hatsumono để đồ đạc khắp nơi khi dọn phòng. Cuốn nhật ký nằm trên bàn trong khi Hatsumono cầm cái khăn áp vào bàn chân. Tôi không biết làm sao để cho cô ta lơ đãng, nhưng đương nhiên tôi không thể rời phòng mà không có cuốn nhật ký.

Mạng cô ta là mạng chuột, chuột cống, nhưng cô ta không phải đồ điên. Nếu cô ta không say, tôi chắc khó mà lừa cô ta được. Nhưng xem tình hình trước mắt…Tôi nhìn khắp nền nhà nào là từng đống áo quần lót, nào là chai lọ nước hoa, và các thứ linh tinh cô ta vứt bừa bãi trên nền nhà. Cánh cửa tủ để mở, và cánh cửa tủ két nhỏ cất đồ nữ trang mở he hé, nhiều thứ nữ trang rơi xuống chiếu như thể sáng nay cô ta ngồi uống rượu ở đấy và lấy ra đeo thử. Bỗng một thứ đập vào mắt tôi rõ ràng như một vì sao sáng trên bầu trời đen.

Đấy là chiếc ghim hoa cài trên dải thắt lưng bằng bích ngọc, chính chiếc ghim mà Hatsumono đã hô tôi ăn trộm cách đây mấy năm về trước, vào cái đêm mà tôi bắt gặp cô ta và ông bồ nằm trong phòng gia nhân. Tôi không ngờ thấy lại được thứ này. Tôi đi đến tủ, đưa tay xuống lấy chiếc ghim nằm lẫn trong số nữ trang khác.

– Có ý định tuyệt vời nhỉ! – Hatsumono nói – Đến ăn trộm đồ nữ trang của tôi. Đúng đấy, tôi muốn có tiền mặt cô trả cho tôi.

– May cho tôi là cô không có ý định ấy – tôi đáp – nhưng tôi phải trả cái này bao nhiêu tiền mặt?

Vừa nói tôi vừa bước tới đưa chiếc ghim ra trước mặt cô ta. Nụ cười tươi trên mặt cô ta biến mất, y như bóng tối trong thung lũng biến mất khi mặt trời mọc lên.

Ngay khi ấy, trong lúc Hatsumono đang ngồi sửng sốt, tôi đưa tay xuống bàn lấy cuốn nhật ký lên.

Tôi không nghĩ đến chuyện Hatsumono sẽ phản ứng ra sao, nhưng tôi bước ra ngoài và đóng cửa lại. Tôi định đi thẳng đến gặp Mẹ để nói cho bà biết vật tôi vừa tìm ra, nhưng dĩ nhiên tôi không thể đến gặp bà với cuốn nhật ký trên tay. Nhanh như gió, tôi nhét cuốn nhật ký vào giữa hai cái áo gói trong giấy lụa. Chỉ trong mấy giây đồng hồ là xong, trong lúc đó tôi cứ lo sợ Hatsumono mở cửa phòng cô ta và thấy tôi. Sau khi đóng tủ lại, tôi chạy vào phòng tôi, mở và đóng cửa hộc bàn hoá trang của tôi để cho Hatsumono nghĩ tôi giấu cuốn nhật ký trong đó.

Khi tôi đi ra ngoài hành lang, cô ta đang đứng nơi ngưỡng cửa phòng đưa mắt nhìn tôi, miệng mỉm cười như thể cô ta đã biết hết chuyện này. Tôi cố làm ra vẻ lo sợ – điều này không khó đôi với tôi – rồi đem chiếc ghim hoa đến phòng bà Mẹ, để trên bàn trước mắt bà. Bà để tờ báo đang xem xuống một bên rồi lấy chiếc ghim nhìn, vẻ thán phục.

– Đồ nữ trang đẹp đấy – bà ta nói – nhưng lúc này thị trường chợ đen khó khăn, không ai trả giá nhiều để mua đồ như thế này.

– Chắc Hatsumono sẽ bán được giá, Mẹ à – tôi đáp – Mẹ có nhớ cái ghim mà cô ta đã gán cho con ăn cắp cách đây mấy năm không, cái ghim đã được cộng thêm vào nợ của con đấy? Đây là cái ghim ấy đấy. Con đã tìm thấy trên nền nhà gần bên hộp đựng nữ trang của cô ta.

– Mẹ biết không – Hatsumono nói, cô ta đã vào phòng và đứng sau lưng tôi – Tôi tin Sayuri nói đúng. Đấy là chiếc ghim tôi đã bị mất! Hay ít ra giống thế. Tôi không ngờ tôi được thấy nó lại!

– Phải, rất khó tìm đồ đạc khi người ta say cả ngày – tôi nói – giá mà cô nhìn kỹ vào hộp nữ trang của cô thì chắc cô sẽ thấy liền.

Mẹ để cái ghim xuống bàn, và quắc mắt nhìn Hatsumono.

– Tôi tìm thấy trong phòng của nó – Hatsumono nói – Nó giấu trong bàn trang điểm của nó.

– Tại sao cô nhìn vào trong bàn trang điểm của cô ấy? – Mẹ hỏi.

– Tôi không muốn nói cho Mẹ nghe chuyện này, Mẹ à, nhưng Sayuri để cái gì trên bàn, tôi định cất đi cho cô ta. Đáng ra tôi đem đến cho Mẹ ngay, nhưng…Mẹ biết không, nó đang giữ một cuốn nhật ký. Năm ngoái nó có đưa cho tôi xem. Nó viết xấu một số các ông, và..nói thật cho Mẹ biết, có vài đoạn nó viết về Mẹ nữa.

Tôi định nói chuyện ấy không thật, nhưng chẳng cần nữa. Hatsumono đang gặp chuyện rắc rối, cô ta có nói gì cũng không thay đổi được tình thế. Mười năm trước đây khi cô ta còn là người làm ra tiền chính của nhà kỹ nữ, có lẽ cô ta buộc tôi cái gì cô ta muốn đều được hết. Cô ta có thể buộc tội tôi đã ăn chiếu rơm trong phòng cô ta, chắc Mẹ cũng buộc tôi phải mua chiếu mới để đền. Nhưng bây giờ thời thế đã đổi thay, sự nghiệp sáng chói của Hatsumono đã khô héo rồi, trong lúc sự nghiệp của tôi đang nở rộ. Tôi là con gái của nhà kỹ nữ và là geisha chính. Tôi nghĩ Mẹ sẽ không thèm biết thực hư ra sao.

– Không có nhật ký đâu Mẹ ạ – tôi nói – Hatsumono đặt điều ra đấy.

– Tôi đặt điều à? – Hatsumono hỏi – Để tôi đi lấy cho mà xem, rồi khi Mẹ đọc, cô sẽ mặc sức cho là tôi đặt điều.

Hatsumono đi đến phòng tôi, có Mẹ đi theo. Nền nhà ở hành lang bê bối kinh khủng. Không những Hatsumono làm bể chai rồi dẫm lên, mà cô ta còn vấy thuốc mỡ và máu ở khu vực cầu thang, và bê bối hơn nữa là vấy lên chiếu rơm trong phòng cô ta, phòng của Mẹ, và bây giờ trong phòng của tôi nữa. Khi tôi nhìn vào, cô ta đang quỳ nơi bàn trang điểm của tôi, từ từ đóng các ngăn kéo lại, vẻ thất bại hoàn toàn.

– Hatsumono nói đến nhật ký gì thế? – Mẹ hỏi tôi.

– Nếu có nhật ký, con chắc Hatsumono sẽ tìm ra – tôi đáp.

Nghe thế, Hatsumono để hai tay vào lòng, cười gượng như thể câu chuyện chỉ là trò cười, và cô ta đã bị mắc mưu thua cuộc.

– Hatsumono – Mẹ nói với cô ta – cô phải trả cho Sayuri cái ghim hoa mà cô đã buộc tội cô ấy ăn cắp. Ngoài ra, tôi không muốn có thảm trong nhà vấy máu như thế. Phải thay hết và tiền phí tổn cô phải chịu. Hôm nay thế là cô tốn mất nhiều tiền rồi đấy, mà chưa quá trưa. Không biết cô đã xong việc chưa để tôi tính toán vào sổ?

Tôi không biết Hatsumono có nghe Mẹ nói không. Cô ta đang chú ý nhìn tôi, với ánh mắt mà tôi chưa quen thấy bao giờ.

Thời tôi còn trẻ, nếu anh yêu cầu tôi nói cho anh biết về bước ngoặt của tôi trong mối liên hệ với Hatsumono, tôi sẽ nói rằng đấy là chuyện mizuage của tôi. Cho dù quả đúng chuyện mizuage của tôi đưa tôi lên kệ cao nơi Hatsumono không tài nào với tới, mà nếu không có gì xảy ra giữa chúng tôi, thì cô ta và tôi có thể sống bên nhau cho đến ngày già yếu. Theo chỗ tôi thấy thì lý do tạo ra bước ngoặt chính là việc cô ta đọc nhật ký của tôi và việc tôi tìm ra chiếc ghim cài dải thắt lưng mà cô ta đã tố cáo tôi ăn trộm.

Để giải thích lý do tại sao như thế, tôi xin kể cho anh nghe chuyện có lần Đô đốc Hải quân Yamamoto – người thường được miêu tả là cha đẻ của ngành hải quân Hoàng gia Nhật bản – nhưng tôi có hân hạnh được đến tham dự những buổi tiệc vui chơi với ông ta vài lần. Ông ta nhỏ con, nhưng ông nghĩ rằng thanh thuốc nổ cũng nhỏ. Những buổi tiệc thường vui nhộn sau khi Đô đốc đến. Đêm đó, ông ta và một người đàn ông đang thi vòng chung kết trò thi uống rượu, họ nhất trí rằng người nào thua phải đi mua một cái bao cao su ở tiệm thuốc tây gần nhất – chắc anh biết chỉ nhằm mục đích làm cho người thua bối rối mà thôi, chứ không có mục đích gì khác. Dĩ nhiên cuối cùng ông Đô đốc thắng, và tất cả mọi người hoan hô vui mừng.

– Thưa Đô đốc, thật may là ngài không thua – một người phụ tá nói với ông ta – ngài cứ nghĩ đến cảnh anh chàng bán thuốc tây ngước mắt nhìn thấy Đô đốc Yamamoto đứng trước quầy, chắc ngài sẽ ngượng biết mấy.

Mọi người đều cho đây là chuyện khôi hài, nhưng Đô đốc trả lời không bao giờ ông ta tin là ông ta thua.

– Tôi đồng ý là người nào cũng có lần thua – ông ta đáp – nhưng tôi thì không bao giờ.

Có người trong phòng có thể cho đây là thái độ kiêu ngạo của ông ta, nhưng tôi thì không nghĩ thế. Theo tôi, Đô đốc là người đã quen với cảnh chiến thắng. Cuối cùng có người hỏi ông ta bí mật gì đã giúp ông ta thành công.

– Tôi không bao giờ tìm cách đánh bại người tôi đang chiến đấu – ông ta trả lời – tôi tìm cách đánh bại lòng tin của họ. Người nào tâm trí đang bấn loạn vì nghi ngờ sẽ không tập trung tư tưởng vào con đường dẫn đến chiến thắng. Hai người bằng nhau – bằng nhau thật sự – chỉ khi nào họ cùng có niềm tin như nhau.

Lúc ấy tôi không nhận ra hết ý nghĩa câu nói này, nhưng sau khi Hatsumono và tôi đụng độ nhau vì cuốn nhật ký, tâm trí cô ta bị bấn loạn vì nghi ngờ, như lời ông Đô đốc đã nói. Cô ta biết rằng không có cách gì khiến cho Mẹ đứng về phe cô ta để chống lại tôi nữa, và vì thế, cô ta như chiếc áo lấy trong tủ khô ráo đem ra treo ngoài trời, thời tiết khắc nghiệt ở bên ngoài sẽ làm cho cái áo bị hư ngay.

Nếu Mameha mà nghe tôi giải thích tình hình như thế này, thế nào cô ấy cũng không đồng ý và cãi lại ngay. Quan điểm của cô ấy về Hatsumono hoàn toàn khác tôi. Cô ấy cho rằng Hatsumono có hành động ác độc. Khi cuộc đời đã bắt đầu xuống dốc, cô ta vẫn có những hành động ác độc với mục đích rõ ràng, y như người võ sĩ đạo rút gươm ra – không chém vu vơ mà chém vào kẻ thù. Nhưng đến lúc này thì cô ta đã mất đối tượng để tấn công, không nhắm vào kẻ thù được, và đôi lúc quay qua tấn công vào Bí Ngô.

Thỉnh thoảng trong các buổi tiệc, thậm chí cô ta còn có lời sỉ nhục những người cô ta đang giúp vui. Và thêm một điều nữa, cô ta không còn đẹp như trước. Da bị bủng và nét mặt bự ra. Hay có lẽ tôi thấy như thế thôi. Cái cây trông bao giờ cũng đẹp, nhưng nếu người ta thấy côn trùng đục khoét, đầu cành bị sâu nấm làm biến màu, thì thân cây có còn cũng mất hết vẻ đẹp.

Ai cũng biết con hổ khi bị thương sẽ rất nguy hiểm, vì thế Mameha cương quyết chúng tôi phải theo Hatsumono khắp Gion trong những buổi tối vào mấy tuần tiếp theo. Một phần, Mameha muốn canh chừng cô ta vì chúng tôi không ai muốn cô ta tìm Nobu, nói cho ông ta biết nội dung trong cuốn nhật ký, và cả cảm nghĩ của tôi về “ông Hà” mà thế nào ông Nobu cũng biết tôi muốn nói đến ông Chủ tịch. Nhưng phần quan trọng hơn là Mameha muốn làm cho đời sống của Hatsumono khó khăn không chịu đựng nổi.

– Khi cô muốn làm gãy một tấm ván – Mameha giải thích – bước đầu là làm cho nó gãy ngay tại giữa. Muốn thế, cô cứ việc đạp lên giữa tấm ván cho đến khi nó gãy làm hai.

Cho nên tối nào Mameha cũng đến nhà kỹ nữ chúng tôi lúc trời bắt đầu tối và đợi đi theo Hatsumono, trừ những buổi cô ấy có hẹn không thể vắng mặt được. Mameha và tôi thường không thể cùng đi với nhau, nhưng thường thì có một trong hai chúng tôi đi theo cô ta từ chỗ hẹn này sang chỗ hẹn khác hết một phần suốt buổi tối. Vào đêm đầu tiên chúng tôi làm thế, Hatsumono giả vờ xem chuyện này là trò vui. Nhưng cuối đêm thứ tư thì cô ta nhìn chúng tôi với cặp mắt giận dữ và khó khăn trong việc mua vui với thân chủ của cô ta. Rồi vào đầu tuần sau, bỗng nhiên cô ta đi rẽ vào một con đường nhỏ rồi xông tới phía chúng tôi.

– Bây giờ thì biết tay tao – cô ta nói – chó theo chủ là chuyện thường. Hai đứa bây theo tao lẽo đẽo cho nên tao nghĩ là chúng bây muốn tao cư xử như chó! Để tao cho chúng bây biết tao đối xử với chó tao không ưa như thế nào nhé!

Nói xong cô ta giáng tay đánh vào một bên đầu của Mameha. Tôi hét lên, tiếng hét làm cho Hatsumono dừng tay để nhớ mình đang làm gì. Cô ta nhìn tôi, mắt nẩy lửa, và một lát sau, cặp mắt bình tĩnh trở lại, cô ta mới bỏ đi.
Mọi người đi trên đường đều chứng kiến cảnh đã xảy ra, vài người đến gần Mameha để xem cô ấy có hề hấn gì không. Cô ấy trả lời là cô không sao, rồi buồn bã nói với họ:

– Tội nghiệp Hatsumono! Đúng như lời bác sĩ đã nói, cô ta có lẽ đã mất trí rồi.

Dĩ nhiên chẳng có bác sĩ nào hết, nhưng lời của Mameha nói ra đã có kết quả như cô ấy mong muốn. Chẳng bao lâu sau, người ta đồn khắp Gion rằng bác sĩ đã tuyên bố Hatsumono tâm thần bất định.

Hatsumono rất thân với một diễn viên kịch Kabuki nổi tiếng là Bando Shojiro nhiều năm rồi. Shojiro là diễn viên mà chúng tôi thường gọi là Onna – gata, nghĩa là diễn nam thường đóng vai nữ. Có một lần, anh ta được báo chí phỏng vấn đã tuyên bố rằng Hatsumono là người phụ nữ đẹp nhất anh từng gặp, và trên sân khấu, anh thường bắt chước dáng dấp cô ta để làm cho vai mình đóng có vẻ quyến rũ hơn. Cho nên, chắc anh biết cứ mỗi khi Shojiro đến thành phố, là Hatsumono đến thăm anh ta.

Một buổi chiều tôi nghe tin Shojiro sẽ đến dự một buổi tiệc vào ban đêm tại một phòng trà trong khu geisha ở quận Pontocho, nằm phía bên kia con sông ranh giới với quận Gion. Tôi nghe được tin này trong khi đang chuẩn bị một buổi lễ uống trà cho một nhóm sĩ quan hải quân nghỉ phép. Sau đó tôi tuôn về nhà kỹ nữ, nhưng Hatsumono đã mặc áo quần và lẻn đi rồi. Cô ta làm cái công việc mà trước đây tôi đã từng làm, đi sớm để không ai theo dõi mình.
Tôi nôn nóng muốn nói cho Mameha biết việc tôi đã biết, cho nên tôi đi thẳng đến nhà cô ấy. Rủi thay, chị hầu cho biết cô ấy đã đi được nửa giờ rồi để “cúng bái”. Tôi biết chuyện cúng bái này ra sao rồi. Mameha đến ngôi đền nhỏ nằm ở mé Đông quận Gion để cầu nguyện trước ba cái tượng Jiro nhỏ mà cô ấy đã trả tiền cho đền để lập nên ở đấy. Chắc anh biết tượng Jiro để thờ vong hồn của con cô ấy đã chết, trường hợp của Mameha, có ba tượng thờ ba đứa con đã bị cô ấy phá thai theo yêu cầu của ông Nam tước. Trong trường hợp khác, thế nào tôi cũng đi tìm cô ấy, nhưng gặp trường hợp có tính riêng tư này, tôi không muốn làm phiền cô ấy, và chắc cô không muốn tôi biết là cô ấy đến đây. Cho nên tôi ngồi đợi cô ở trong phòng, để cho chị Tatsumi phục vụ trà. Cuối cùng, Mameha về nhà, mắt lờ đờ mệt mỏi. Tôi không muốn nói đến vấn đề ngay, nên chúng tôi ngồi nói chuyện một lát về buổi lễ hội này, Mameha sẽ thủ vai phu nhân Murasaki Shikibu, tác giả cuốn Chuyện Kể Genji. Cuối cùng Mameha tươi cười nhìn tôi sau khi đã uống hết tách trà nâu – chị Tatsumi đã rang lá trà khi tôi đến – và tôi kể cho cô ấy nghe chuyện tôi đã biết được trong buổi chiều.

– Tuyệt quá – cô ấy nói – thế nào Hatsumono cũng đến giải trí ở đấy và tưởng thoát được chúng ta. Shojiro đã lưu tâm đến cô ta, thế nào ông ta cũng để cho cô ta dự tiệc, và đây là dịp cô ta có thể lấy lại được tinh thần. Cô và tôi phải đến đấy, làm ra vẻ tình cờ tạt vào chơi, và để phá hỏng buổi tối của cô ta.

Cứ nhớ lại cảnh Hatsumono xử tệ với tôi trong những năm qua, và nghĩ đến việc tôi ghét cô ta biết bao, đáng lẽ ra tôi phải vui mừng khi thực hiện kế hoạch này mới phải. Nhưng tôi không ngờ tôi không mấy vui khi âm mưu để làm cho Hatsumono đau khổ. Tôi nhớ mãi buổi sáng lúc tôi còn nhỏ, khi tôi ra bơi lội ở cái hồ gần nhà ngà say của tôi, bỗng tôi cảm thấy một bên vai đau nhói kinh khủng. Một con ong vò vẽ đã đốt vào tôi và đang cố vùng vẫy để bay ra khỏi người tôi. Tôi đau quá bèn la toáng lên, không nghĩ đến chuyện làm gì hết, nhưng một thằng bé đã chụp cánh con ong lôi ra khỏi tôi, nó đem con ong đè lên tảng đá để chúng tôi tính cách giết nó. Tôi quá đau đớn nên không thương xót gì cho cái chết của con ong. Nhưng tôi cảm thấy nhoi nhói nơi ngực vì biết con ong không còn cách nào để thoát chết. Với Hatsumono, tôi cũng có cảm giác xót xa như thế. Suốt những buổi tối chúng tôi theo dõi cô ta khắp Gion cho đến khi cô ta quay về nhà kỹ nữ chỉ để thoát khỏi chúng tôi, tôi cảm thấy như thể chúng tôi đã hành hạ cô ta.

Tuy nhiên, khoảng chín giờ tối đêm đó, chúng tôi qua sông sang quận Pontocho. Khác với Gion, Pontocho chỉ là một con đường nhỏ dài chạy theo bờ sông, trong khi Gion trải dài trên nhiều khu phố. Người ta gọi đây là “tổ lươn” vì hình thể của Pontocho giống như thế. Đêm đó, trời thu khá lạnh, nhưng buổi tiệc của Shojiro tổ chức ở ngoài trời, trên một cái hành lang rộng bằng gỗ tựa trên những chiếc cột đóng xuống nước. Khi chúng tôi đi qua cửa kính để vào trong, không ai chú ý nhiều đến chúng tôi. Khắp hành lang treo đèn lồng bằng giấy cháy sáng rất đẹp, dòng sông lung linh vàng, ánh sáng từ một nhà hàng ăn uống bên kia sông chiếu xuống. Mọi người đang lắng nghe Shojiro, ông ta đang kể một câu chuyện, giọng nghe thánh thót, nhưng chắc anh đoán được vẻ mặt của Hatsumono ủ rũ như thế nào khi cô ta trông thấy chúng tôi. Tôi bỗng nhớ đến trái lê thối mà tôi đã nắm trong tay vào ngày hôm kia, vì giữa những khuôn mặt tươi vui, mặt của Hatsumono sầu thảm như mặt của một kẻ đưa đám ma.

Mameha đến quỳ trên chiếc chiếu ngay bên cạnh Hatsumono, tôi thấy cô ấy làm thế là liều lĩnh. Tôi quỳ ở cuối bên kia hành lang, cạnh một ông già có vẻ dịu dàng, và hóa ra ông ta là ông Tachibana Zensaku, người chơi đàn Kêtô, hiện tôi còn giữ những bài báo cũ viết về tài năng của ông ấy. Đêm đó tôi mới biết ông ta mù. Nếu tôi không đến đây với mục đích riêng của mình, chắc tôi sẽ rất sung sướng được ở đây suốt đêm để nói chuyện với ông ta, vì ông là người rất dễ thương, hấp dẫn. Nhưng chúng tôi chưa kịp nói chuyện thì mọi người bỗng cười ồ lên.

Shojiro có tài bắt chước rất giỏi. Người ông mềm như cây liễu, mấy ngón tay đẹp di động từ tốn, và khuôn mặt rất dài quay quanh trông rất tuyệt diệu, ông ta có thể làm trò cho một bầy khỉ tưởng ông ta là đồng loại của chúng. Ngay khi ấy, ông ta bắt chước nàng geisha ngồi bên cạnh ông ta, bà ấy cỡ ngoài năm mươi. Với dáng điệu ẻo lả, môi trề mắt đảo quanh, ông ta cố làm cho thật giống bà ấy đến nỗi tôi không biết phải cười to hay là ngồi yên lấy tay bịt miệng vì quá kinh ngạc. Tôi đã xem Shojiro diễn trên sân khấu, nhưng chưa khi nào tôi thấy ông ta làm tuyệt như thế này.

Tachibana nghiêng về phía tôi hỏi nhỏ:

– Anh ta làm cái gì thế?

– Ông ta bắt chước bà geisha lớn tuổi ngồi bên cạnh.

– A – Tachibana nói – Chắc đấy là Ichiwanri – rồi ông ta lấy lưng bàn tay đánh vào tôi như muốn để cho tôi chú ý nghe – Giám đốc nhà hát Minamiza – ông ta nói rồi chìa ra ngón tay út ở dưới bàn để cho không ai thấy được. Ở Nhật, đưa lên ngón tay út có nghĩa là “bạn trai” hay “bạn gái”. Tachibana muốn nói rằng bà geisha lớn tuổi, tên Ichiwari, là tình nhân của giám đốc nhà hát. Và quả vậy, ông giám đốc cũng có mặt ở đấy, ông ta cười to hơn ai hết.

Một lát sau, vẫn đang làm trò bắt chước, Shojiro đưa một ngón tay đè vào mũi. Thấy thế, mọi người phá ra cười vang đến nỗi người ta cảm thấy cả hành lang rung lên. Lúc ấy tôi chưa hiểu, nhưng việc đè ngón tay vào mũi là thói quen nổi tiếng của Ichiwari. Khi thấy ông ta làm thế, bà đỏ mặt, đưa tay áo kimono lên che mặt, và Shojiro, khi ông đã uống sakê quá say, bắt chước ngay hành động che mặt của bà ta. Mọi người cười vì lịch sự, nhưng chỉ có Hatsumono có vẻ xem đó là điều khôi hài đáng cười, và đến đây, Shojiro đã bắt đầu vượt giới hạn giải trí để vào lãnh địa châm chọc ác độc. Cuối cùng, ông giám đốc nhà hát nói:

– Thôi thôi ông Shojiro, để dành sức cho buổi trình diễn ngày mai. Vả lại, ông không biết ông đang ngồi bên cạnh một vũ công tài ba nhất của Gion hay sao? Tôi đề nghị yêu cầu cô ta trình bày một vở múa.

Dĩ nhiên ông giám đốc nói đến Mameha.

– Trời ơi, thôi! Bây giờ tôi không muốn xem múa – Shojiro đáp. Theo chỗ tôi biết thì ông ta chỉ muốn mình là trung tâm cho mọi người chú ý thôi – Vả lại, tôi đang làm trò vui mà.

– Ông Shojiro, chúng ta không nên bỏ qua cơ hội được xem cô Mameha lừng danh biểu diễn – ông giám đốc nói, lần này ông ta nói nghiêm trang.

Một vài cô geisha cũng nói như thế, cho nên cuối cùng Shojiro buộc lòng phải mời Mameha trình diễn, nhưng vẻ mặt ông ta sưng sỉa như mặt trẻ con. Tôi thấy Hatsumono có vẻ bất bình. Cô ta rót thêm sakê cho Shojiro, và ông ta rót thêm cho cô. Họ nhìn nhau một hồi như thể nói lên rằng buổi tiệc của họ thế là hỏng.

Mấy phút trôi qua trong khi một chị hầu đi lấy đàn Shamisen, và một cô geisha lên dây để chuẩn bị đàn. Mameha đứng sát vào tấm phông của phòng trà rồi trình diễn vài vở múa rất ngắn. Hầu như mọi người đều đồng ý là Mameha đáng yêu, nhưng rất ít người thấy cô ấy đẹp hơn Hatsumono, cho nên tôi không thể nói chính xác cái gì hợp nhãn của Shojiro. Có thể khi ấy ông ta đã say, mà cũng có thể do Mameha múa quá tuyệt vời, vì Shojiro cũng là vũ công. Nhưng bất kể vì cái gì, người ta chỉ biết khi Mameha múa xong về ngồi lại nơi bàn, Shojiro có vẻ khâm phục cô ấy, ông ta mời cô đến ngồi bên cạnh ông ta. Khi cô ấy đến ngồi bên ông ta, ông rót sakê cho cô, và ngồi quay lưng với Hatsumono như thể cô ta là một cô tập sự đáng yêu nào đó thôi.

Tức thì miệng của Hatsumono mím chặt, mắt nhíu lại còn một nửa. Còn về phía Mameha, chưa bao giờ tôi thấy cô ấy ve vãn người nào một cách quyết liệt như cô ve vãn ông Shojiro. Giọng cô dịu dàng, thánh thót, mắt lướt từ ngực ông lên mặt rồi lướt xuống ngực lại. Thỉnh thoảng cô ấy đưa mấy đầu ngón tay lên vuốt qua dưới cuống họng như thể cô ngượng ngùng vì có những chỗ phấn hồng bị lem nhem ở đấy. Thực ra chẳng có phấn hồng nào nhem nhuốc hết, rồi có một geisha hỏi – ông Shojiro có nghe tin tức gì về ông Bajiru không.
– Ông Bajiru à – Shojiro nói bằng một giọng rất kịch – ông ta đã bỏ tôi. Tôi không biết Shojiro nói đến ai, nhưng Tachibana, người nhạc công đàn
Kêtô, đã tử tế nói nhỏ cho tôi biết rằng “ông Bajiru” là diễn viên người Anh tên Basil Rathbone – nhưng lúc ấy tôi không nghe nói đến ông ta. Trước đây mấy năm Shojiro đi một chuyến sang Anh và trình diễn kịch nghệ Kabuki ở đấy. Diễn viên Basil Rathbone rất mến phục nghệ thuật này, đến nỗi ông ta nhờ một thông dịch viên để hai người làm bạn với nhau, và hai người đã chơi với nhau rất thân thiết. Shojiro có thể lưu tâm quá đáng đến những phụ nữ đẹp như Hatsumono hay Mameha, nhưng thật ra ai cũng biết ông ta đồng tính luyến ái, và từ khi ông ta sang Anh, ông ta đã tạo nên một chuyện đùa cợt cho mọi người, thiên hạ đồn rằng trái tim của ông ta tan nát vì ông Bajiru không quan tâm đến đàn ông.

Một cô geisha bình tĩnh nói:

– Tôi rất buồn khi chứng kiến một cuộc tình tan vỡ.

Mọi người đều cười ồ lên ngoại trừ Hatsumono, cô ta quắc mắt nhìn vào mặt Shojiro.

– Sự khác nhau giữa Bajiru và tôi là như thế này đây. Để tôi chỉ cho quý vị thấy – Shojiro nói rồi ông ta đứng lên mời Mameha đứng dậy với ông ta.
Ông ta dẫn cô ấy ra một bên phòng cho có chỗ rộng hơn.

– Khi tôi làm công việc của tôi, trông tôi như thế này – ông ta nói, rồi ông ta di chuyển từ bên này phòng qua bên kia, vẫy chiếc quạt xếp, cổ tay rất dẻo, và để đầu đung đưa từ đàng sau ra đàng trước, rồi trước ra sau như quả bóng lăn trên tấm ván lắc lên lắc xuống – Còn ông Bajiru làm có vẻ thì trông ông ta như thế này – đến đây, ông ta nắm tay Mameha, và chắc anh sẽ thấy mặt cô ấy hết sức ngạc nhiên khi ông ta đè ngửa cô ấy xuống phía nền nhà và hôn tới tấp lên mặt cô ấy. Mọi người trong phòng ré lên cười và vỗ tay. Mọi người, trừ Hatsumono.

– Ông ta làm cái gì thế? – Tachibana hỏi nhỏ tôi.

Tôi không biết mọi người có nghe không, nhưng trước khi tôi trả lời, Hatsumono nói lớn:

– Anh ta làm như thằng điên! Anh ta làm như thế đấy.

– Ồ Hatsumono – Shojiro nói – cô ghen phải không?

– Dĩ nhiên cô ta ghen – Mameha nói – Bây giờ anh phải cho chúng tôi thấy anh và cô ấy làm như thế nào, Shojiro. Đừng e thẹn! Anh phải hôn cô ấy như đã hôn tôi. Thế mới công bằng. Và cũng cách ấy.

Shojiro phải vất vả lắm mới nói cho Hatsumono đứng lên. Rồi khi đám đông vây quanh sau lưng ông ta, ông ôm cô ta vào tay và đè ngửa cô ta ra hôn.
Nhưng chỉ một lát thôi, ông ta hét lên một tiếng và đứng thẳng người lên, đưa tay ôm miệng. Hatsumono đã cắn ông ta, không mạnh đủ làm cho môi ông chảy máu, nhưng cũng đủ làm cho ông ta kinh ngạc. Hatsumono đứng nhìn trừng trừng vào ông ta, vẻ giận dữ, hai hàm răng phô ra, rồi cô ta giang tay đánh vào ông ta.

– Chuyện gì xảy ra thế? – ông Tachibana hỏi tôi.

Giọng ông ta nghe rõ như tiếng chuông reo vì trong phòng im phăng phắc. Tôi không đáp, nhưng khi ông ta nghe tiếng khóc thút thít của Shojiro và tiếng thở hồng hộc của Hatsumono, tôi nghĩ ông ta đã hiểu.

– Này chị Hatsumono – Mameha nói, giọng rất bình tĩnh nghe như giọng của người ngoài cuộc – chị làm ơn giúp tôi một việc…cố bình tĩnh lại đi.

Tôi không biết có phải những lời của Mameha đã có tác động như lòng mong muốn của cô ấy không, hay là Hatsumono đã bấn loạn tinh thần. Nhưng Hatsumono đã nhào vào Shojiro, đánh ông ta túi bụi. Tôi nghĩ chắc cô ta điên loạn rồi, không thể nói như thế là tinh thần lệch lạc được, cảnh tượng trong phòng trở nên hỗn độn. Ông giám đốc nhà hát đứng lên khỏi bàn, chạy đến để giữ cô ta lại. Trong lúc lộn xộn, Mameha lẻn ra ngoài và chỉ một lát sau, cô ấy trở lại với bà chủ phòng trà. Khi ấy, ông giám đốc đứng phía sau Hatsumono và để giữ yên cô ta. Cuộc lộn xộn đã xong, nhưng Shojiro cứ hét to vào mặt Hatsumono, tiếng hét thật lớn bay ra khỏi căn phòng, vang qua sông đến tận Gion.

– Đồ quái vật! – ông ta hét lớn – Mày cắn tao!

Tôi không biết có ai trong chúng tôi làm được gì không, nếu không có sự giải quyết bình tĩnh của bà chủ phòng trà. Bà nói nhẹ nhàng với Shojiro, giọng khuyên lơn, trong khi ra dấu cho ông giám đốc nhà hát dẫn Hatsumono đi. Sau này tôi mới hay rằng, ông ta không đưa cô ấy vào phòng trà, mà ông ta dẫn cô ấy xuống lầu, ra cửa trước, và đẩy cô ta ra ngoài đường.

Đêm đó Hatsumono không trở về nhà kỹ nữ. Ngày hôm sau cô ta mới trở về, tóc tai rối bời. Cô ta liền được gọi đến phòng Mẹ ngay và ở đấy một hồi lâu.

Mấy ngày sau, Hatsumono rời khỏi nhà kỹ nữ, mặc độc chiếc áo vải của Mẹ cho cô ta, và mái tóc xoã xuống một khối quanh hai vai, chưa bao giờ tôi thấy tóc cô ta như thế. Cô ta mang theo cái xách đựng đồ đạc của mình và đồ nữ trang, cô ta không chào từ biệt ai cả, chỉ lặng lẽ đi thẳng ra đường. Cô ta không muốn đi, Mẹ phải đẩy cô ta ra đường. Và quả thế, Mameha tin rằng Mẹ có lẽ đã muốn tống khứ Hatsumono đi từ nhiều năm rồi. Dù chuyện này có đúng hay không, tôi chắc Mẹ vui mừng vì bớt được một miệng ăn trong nhà, vì Hatsumono không làm ra tiền như trước nữa, mà thức ăn thì chưa bao giờ khó kiếm như thế.

Nếu Hatsumono không nổi tiếng là ác độc, có thể có vài nhà kỹ nữ khác muốn cho cô đến ở, ngay cả sau khi cô ta gây ra chuyện với Shojiro. Nhưng cô ta như cái ấm trà hư hỏng, có thể có ngày nó làm cho người dùng nó bị phỏng tay. Mọi người ở Gion đều biết như thế về cô ta.

Tôi không biết đích xác số phận của Hatsumono ra sao. Sau chiến tranh mấy năm, tôi nghe cô ta làm gái điếm để sống ở quận Miyagawa. Chắc cô ta không ở đấy lâu, vì vào một hôm tôi nghe chuyện này, có một người đàn ông đang dự tiệc với tôi thề rằng nếu Hatsumono làm điếm, ông ta sẽ tìm cô ta và cho cô ta công việc làm. Ông ta có đi tìm cô ta, nhưng không tìm thấy cô ở đâu hết. Có lẽ trong những năm làm điếm, cô ta đã uống rượu đến mang bệnh mà chết. Dĩ nhiên cô ta không phải là người geisha đầu tiên làm thế.
Giống như kiểu người đàn ông quen dần với cái chân có tật, chúng tôi quen dần với việc có Hatsumono ở trong nhà. Trước ngày cô ta ra đi, chúng tôi khó mà biết trước cô ta gây chuyện phiền phức cho chúng tôi ra sao khi có cô ở nhà. Thậm chí khi cô ta không làm gì hết mà chỉ ngủ trong phòng, các gia nhân cũng lo sợ, không biết khi nào sẽ bị cô ta hành hạ. Họ sống trong cảnh căng thẳng như người đi qua mặt hồ đóng băng, họ không biết băng vỡ ra khi nào. Còn về phần Bí Ngô, tôi nghĩ chắc cô ta được giải thoát khỏi bà chị cả và cảm thấy lạc lõng khi không có người chị ấy.
Tôi đã trở thành tài sản quý giá chủ yếu trong nhà kỹ nữ, nhưng tôi phải mất một thời gian mới bỏ được thói quen kỳ cục đã ăn sâu trong tiềm thức của tôi vì Hatsumono gây nên. Mỗi lần có người đàn ông nhìn tôi một cách kỳ lạ, tôi phân vân tự hỏi không biết ông ta có nghe những chuyện bất hảo do cô ta nói về tôi không, thậm chí sau khi cô ta ra đi đã lâu. Bất cứ khi nào tôi đi lên cầu thang, tôi cứ cụp mắt nhìn xuống vì sợ Hatsumono đứng trên đầu cầu thang đợi có người nào lên để hành hạ. Không biết bao nhiêu lần khi tôi lên đến bậc thang cuối cùng, bỗng tôi ngước mắt nhìn lên với lòng đinh ninh không có Hatsumono, và sẽ không bao giờ có nữa. Tôi biết cô ta đi rồi, thế mà dãy hành lang vắng vẻ như còn lởn vởn hình bóng của cô ta. Ngay bây giờ, tôi đã già rồi, thế mà thỉnh thoảng tôi lấy cái màn gấm che tấm gương trên bàn trang điểm, tôi vẫn còn thoáng sợ sẽ thấy mặt cô ta hiện ra trong gương, cười châm chọc tôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.