Hồi Ức Của Một Geisha - Đời Kỹ Nữ

Chương 28



Ở Nhật, chúng tôi gọi những năm từ thời đại suy thoái cho đến hết chiến tranh thế giới thứ hai là thời Kuraitani – thời kỳ tối tăm, mọi người sống hụp lặn trong bể khổ. Nhưng chúng tôi ở Gion không khổ như những người khác. Ví dụ, trong lúc hầu hết nước Nhật sống trong thung lũng tối tăm trong những năm thập niên 1930, thì chúng tôi ở Gion được sống dưới ánh mặt trời ấm áp. Tôi nghĩ không cần nói chắc anh cũng biết lý do tại sao. Phụ nữ nào là tình nhân của các ông Thứ trưởng và chỉ huy trưởng hải quân đều nhận hàng hóa rất nhiều, rồi họ chuyển các hàng hoá ấy cho người khác.

Nhờ có Tướng Tottori mà nhà kỹ nữ chúng tôi trở thành một trong những nơi có nguồn hàng phong phú đổ đến. Tình hình càng lúc càng tệ quanh chúng tôi suốt nhiều năm trường, thế nhưng mặc dù chế độ cung cấp khẩu phần đã áp dụng từ lâu, chúng tôi vẫn tiếp tục nhận được thực phẩm phong phú, có trà, vải, thậm chí có những thứ xa xỉ như mỹ phẩm, chocolat. Chúng tôi có thể giữ các thứ ấy cho chúng tôi để xài trong nhà, nhưng Gion không phải là nơi để sống như thế. Mẹ chia bớt cho các nơi khác dùng, dĩ nhiên không phải vì bà ta rộng lượng, nhưng vì chúng tôi như những con nhện cùng sống trên một mạng nhện. Thỉnh thoảng có người đến yêu cầu cái này cái nọ, và khi có thể được, chúng tôi vui vẻ chia sớt cho họ ngay. Ví dụ vào mùa thu năm 1941, quân cảnh bắt gặp một cô hầu mang cái thùng đựng khẩu phần thực phẩm nhiều hơn đến mười lần khẩu phần của nhà kỹ nữ của cô ta được phép nhận. Bà chủ nhà kỹ nữ của cô hầu gởi cô ta đến nhà chúng tôi xin tá túc cho đến khi xong việc thu xếp, để khỏi đưa cô ta về nông thôn. Và dĩ nhiên, nhà kỹ nữ nào ở Gion cũng đều có nhiều phiếu mua thực phẩm, nhà kỹ nữ nào ngon lành hơn, phiếu mua thực phẩm càng nhiều hơn. Cô gái hầu được gởi đến nhà chúng tôi là vì ông Tướng đã ra lệnh cho quân cảnh để yên nhà kỹ nữ của chúng tôi.

Khi cảnh tối tăm tiếp tục bao trùm nước Nhật, tất có lúc sẽ xảy đến điều không hay cho chúng tôi, thậm chí giờ ấn định có ánh sáng cũng tắt. Chuyện ấy xảy ra vào lúc xế trưa một ngày sắp hết tháng 12 năm 1942. Tôi đang ăn sáng – hay ít ra là buổi ăn đầu tiên trong ngày, vì tôi bận rộn lo giúp lau chùi nhà cửa để chuẩn bị đón năm mới. Thì bỗng có tiếng đàn ông gọi ngoài cổng. Tôi tưởng đấy là người giao hàng đến, tôi bưng cả tô cơm đi ra, nhưng chưa ra đến cửa thì người giúp việc chặn tôi lại, cho biết có quân cảnh đến tìm Mẹ.

– Quân cảnh à? – tôi hỏi – nói với anh ta Mẹ đã đi khỏi.

– Rồi, thưa cô, nhưng anh ta muốn nói chuyện với cô.

Khi ra đến tiền sảnh, tôi thấy người quân cảnh đang cởi ủng ra ở trước cửa. Có lẽ hầu hết mọi người đều cảm thấy thoải mái khi thấy súng của quân cảnh nằm yên trong bao da, nhưng xin thú thật, nhà kỹ nữ chúng tôi lúc ấy sống rất khác với những nơi khác. Thường thường chúng tôi đối xử với cảnh sát nhã nhặn hơn khách đến nhà nhiều, vì sự hiện diện của họ làm cho chúng tôi lo sợ. Nhưng thấy anh ta tháo giày ra…tôi hiểu ngay anh ta muốn vào nhà, dù chúng tôi có mời hay không.

Tôi cúi đầu chào, nhưng anh ta nhìn tôi với ánh mắt như muốn nói anh ta sẽ làm việc với tôi. Cuối cùng anh ta tháo bít tất, cất mũ, rồi bước vào tiền sảnh và nói anh ta muốn xem vườn rau của chúng tôi. Anh ta vào nhà mà không thèm xin lỗi xin phải gì hết. Chắc anh ta biết trong giai đoạn này, gần như mọi người ở Kyoto, và có lẽ ở khắp nước Nhật, đều biến vườn trồng hoa thành vườn trồng rau hết, mọi người, trừ những người như chúng tôi. Tướng Tottori đã cung cấp cho chúng tôi đầy đủ thực phẩm cho nên chúng tôi khỏi cần trồng rau, mà tiếp tục trồng hoa và cây cảnh. Vì trời đang mùa đông nên tôi hy vọng người quân cảnh chỉ nhìn vào những nơi đất bị đóng băng để nghĩ rằng rau trồng đã chết, và tôi hy vọng anh ta nghĩ chúng tôi đã trồng bầu bí và khoai lang xen kẽ vào những vồng hoa. Cho nên khi tôi dẫn anh ta ra sân sau, tôi không nói một tiếng. Tôi chỉ đứng nhìn anh ta quỳ xuống đưa tay sờ vào mặt đất. Tôi đoán chắc anh ta xem thử đất có đào xới lên để trồng trọt hay không.
Tôi quá chán nản đến nỗi tự nhiên tôi buột miệng nói:

– Có phải bụi tuyết trên mặt đất làm anh nghĩ đến bọt sóng biển không? Anh ta không đáp và đứng dậy, hỏi chúng tôi trồng rau ở đâu.
– Thưa ông sĩ quan – tôi đáp – tôi xin lỗi, sự thật là chúng tôi không có cơ hội để trồng rau. Mà bây giờ thì đất quá cứng và lạnh…

– Tổ khu phố của cô nói về nhà cô thật đúng! – Anh ta nói và lấy chiếc mũ lưỡi trai xuống.

Anh ta lấy trong túi ra một tờ giấy rồi đọc một danh sách dài về những hành vi sai trái của nhà chúng tôi. Tôi không nhớ hết các hành vi sai trái ấy – nào là tích trữ nhiều vải vóc, không nộp kim loại và các thứ bằng cao su để dùng vào việc chế biến thành dụng cụ phục vụ chiến tranh, nào là dùng thẻ mua khẩu phần không đúng quy định, và đủ các thứ đại loại như thế. Quả đúng chúng tôi vi phạm các thứ ấy, cũng như bất cứ nhà kỹ nữ nào khác ở Gion. Tôi nghĩ tội của chúng tôi là chúng tôi hưởng thụ lợi lộc quá nhiều hơn những nơi khác, và chúng tôi thuộc vào số rất ít đã có cuộc sống phè phỡn hơn những nhà khác.

May cho tôi là khi ấy Mẹ trở về, Mẹ có vẻ không ngạc nhiên khi thấy có quân cảnh đến nhà, và quả vậy, bà đối xử với người quân cảnh hết sức tử tế, tôi chưa bao giờ thấy bà tử tế với ai như thế. Bà mời anh ta vào phòng khách, mời anh ta uống trà đã mốc. Cửa phòng đóng kín, nhưng tôi có thể nghe họ nói chuyện một hồi thật lâu. Đến lúc bà ra ngoài để tìm cái gì đấy, bà kéo tôi sang một bên và nói:

– Tướng Tottori đã bị bắt sáng nay rồi! Cô hãy đem đồ đạc thu giấu ngay đi, kẻo sáng mai không còn đâu.

Nhớ lại thời tôi còn ở tại Yoroido, vào những ngày xuân mát lạnh, tôi thường đi bơi ở hồ, sau đó nằm trên đá để sưởi nắng. Nhưng nếu mặt trời bỗng bị mây che, khí lạnh ập đến, da thịt tôi như bị tấm giấy kẽm đắp lên người. Khi tôi nghe chuyện bất hạnh của ông Tướng, tôi cũng có cảm giác như thế. Tôi cảm thấy như mặt trời biến mất và tôi đứng trần truồng, ướt đẫm nước trong không khí lạnh ngắt như nước đá. Trong tuần lễ sau khi người quân cảnh ghé đến, nhà kỹ nữ chúng tôi bị tịch thu hết đồ đạc như các nhà kỹ nữ khác.
Chúng tôi thường cung cấp cho Mameha nhiều trà gói, tôi nghĩ cô ấy dùng để biếu xén ơn nghĩa. Nhưng nay thì cô ấy có nhiều hàng hơn chúng tôi, và chính cô ấy cho chúng tôi hàng hoá. Vào khoảng cuối tháng, tổ khu phố bắt đầu tịch thu các đồ gốm sứ, tranh cuốn của chúng tôi để bán vào loại chợ gọi là “chợ xám”, chợ này khác với chợ đen thường bán các thứ như chất đốt, thực phẩm, kim loại, v..v… Các thứ này lấy ở phần phân phối theo khẩu phần hay là buôn bán phi pháp. Còn chợ xám nhẹ tội hơn, phần lớn các bà nội trợ bán để lấy tiền chi tiêu thêm. Nhưng trong trường hợp của chúng tôi, người ta đem bán để trừng phạt chúng tôi vì lý do khác, và tiền bán đem cho những người khác. Người tổ trưởng là bà chủ một nhà kỹ nữ bên cạnh, mỗi lần bà đến nhà chúng tôi để lấy đồ đi, bà tỏ ra rất ân hận. Nhưng quân cảnh đã ra lệnh như thế, nên không ai dám bất tuân.

Nếu những năm đầu chiến tranh giống một chuyến du hành hấp dẫn ngoài biển, thì người ta có thể nói vào giữa năm 1943, tất cả chúng tôi đều nhận ra sóng biển quá lớn, có thể đánh chìm tàu của chúng tôi. Tất cả chúng tôi đều nghĩ chúng tôi sẽ bị chìm, và quả đã có nhiều người bị chìm. Không phải chỉ cuộc sống hàng ngày càng lúc càng khốn khó mà thôi. Không ai nghĩ thế, mà theo tôi, chúng tôi đều lo sợ hậu quả của chiến tranh. Không ai đến mua vui nữa. Nhiều người còn cho rằng đi vui chơi giải trí là phản quốc. Chuyện nghe có vẻ đùa bỡn nhất là chuyện một đêm tôi nghe đồn là chính quyền quân nhân sắp đóng cửa hết các khu geisha trên khắp nước Nhật, gần đây, chúng tôi mới bắt đầu nhận thấy việc này sắp xảy ra. Rồi khi nghe Roihs nói, tất cả chúng tôi đều phân vân không biết rồi đây cuộc sống của chúng tôi sẽ ra sao.

– Chúng ta đừng phí thì giờ để nghĩ đến những chuyện như thế – cô ta nói – chúng ta chỉ biết chuyện trong quá khứ thôi.

Chẳng ai thấy vui khi nghe cô ta nói thế, nhưng đêm ấy, chúng tôi cười đến chảy nước mắt. Khi họ đóng cửa các khu geisha, thế nào chúng tôi cũng phải làm việc trong các nhà máy. Để anh thấy được cảnh làm việc trong các nhà máy như thế nào, tôi xin kể cho anh nghe chuyện cô bạn Korin của Hatsumono.

Vào mùa đông trước đó, tai hoạ mà bất cứ cô geisha nào ở Gion cũng lo sợ đã xảy đến cho Korin. Người giúp việc trong nhà kỹ nữ của chị ấy nấu nước tắm, chị ta lấy giấy báo để nấu, nhưng không kiểm soát được ngọn lửa. Cả nhà kỹ nữ cháy rụi, và tất cả áo kimono trong nhà cũng cháy hết. Korin phải vào làm việc trong nhà máy ở phía Nam thành phố, lắp kính vào thiết bị dùng thả bom trên máy bay. Thỉnh thoảng chị ta có về thăm Gion, và chúng tôi rất sửng sốt khi thấy chị ấy, chị thay đổi rất nhiều. Không phải chị ấy không được vui sướng thôi đâu, tất cả chúng tôi không ai được hạnh phúc, và đều chuẩn bị để đón nhận cuộc sống ấy. Nhưng chị ấy bị ho khèn khẹt luôn mồm. Còn làn da thì bẩn thỉu như lấm mực – vì than dùng trong nhà máy là loại than kém chất lượng, cho nên thải ra rất nhiều bồ hóng. Korin bị bắt buộc phải làm việc hai ca liên tiếp mà chỉ ăn một tô súp loãng với một ít mì sợi mỗi lần một ngày, hay là ăn cháo gạo với vỏ khoai.

Cho nên anh có thể tưởng tượng ra nỗi kinh hoàng của chúng tôi khi phải làm việc trong nhà máy. Ngày nào mà thức dậy chúng tôi còn thấy Gion mở cửa là chúng tôi còn mừng.

Rồi vào một buổi sáng tháng giêng năm sau, khi tôi đang đứng sắp hàng dưới tuyết trước một cửa hàng gạo, trên tay cầm phiếu khẩu phần, bỗng người chủ quán bên cạnh thò đầu ra ngoài trời lạnh, nói lớn:

– Chuyện xảy ra rồi!

Tất cả chúng tôi đưa mắt nhìn nhau. Tôi lạnh cóng cả người không để ý ông ta nói gì, vì tôi chỉ quàng chiếc khăn dày ngoài chiếc áo đơn sơ quê mùa, vì không ai mặc áo kimono suốt ngày nữa. Cuối cùng, cô geisha đứng trước mặt tôi, phủi tuyết trên lông mày rồi hỏi ông chủ quán nói cái gì.

– Chiến tranh chưa chấm dứt chứ? – cô ta hỏi.

– Chính phủ ra lệnh đóng các khu geisha – ông ta đáp – tất cả các cô phải đến đăng ký ở phòng đăng ký vào sáng mai.

Chúng tôi nghe tiếng radio trong nhà phát ra một hồi, rồi cánh cửa đóng sầm lại, và không còn tiếng gì ngoài tiếng tuyết rơi rì rào. Tôi nhìn nỗi thất vọng hiện ra trên mặt của các cô geisha đứng quanh tôi, tôi nghĩ tất cả chúng tôi đều có chung một cảm nghĩ, có người đàn ông nào chúng tôi quen biết đến cứu chúng tôi khỏi cuộc sống trong các nhà máy không?

Mặc dù Tướng Tottori là danna của tôi cho đến năm trước, nhưng dĩ nhiên tôi không phải là người geisha duy nhất quen biết ông ta. Tôi phải đến gặp ông ta trước những người khác. Tôi mặc áo quần không đủ ấm, nhưng tôi cũng bỏ các phiếu mua hàng vào túi quần kiểu nông dân, rồi đi lên phía Tây Bắc thành phố ngay. Người ta đồn ông Tướng đang ở trong quán trọ Sayura, nơi chúng tôi thường gặp hai đêm mỗi tuần trong nhiều năm liền.

Sau khoảng một giờ, tôi đến đấy. Nhưng khi tôi chào bà chủ, bà ta nhìn tôi một hồi lâu rồi mới cúi người chào, xin lỗi tôi vì bà ta đã không biết tôi là ai.

– Thưa bà, tôi là Sayuri đây! Tôi đến để gặp ông Tướng.

– Cô Sayuri à? Trời ơi! Tôi không ngờ trông cô như bác nhà quê nào.

Bà ta dẫn tôi vào trong nhà ngay, nhưng không muốn tôi gặp ông ta liền. Bà ta dẫn tôi lên lầu, thay cho tôi chiếc kimono của bà, rồi thậm chí còn trang điểm cho tôi bằng một ít đồ trang sức mà bà ta giấu kín, để cho ông Tướng khi gặp tôi sẽ nhận ra tôi.

Khi tôi vào phòng, Tướng Tottori đang ngồi nơi bàn nghe kịch nói trongr radio. Chiếc áo vải hở vạt để lộ bộ ngực trơ xương và đám lông bạc thưa thớt. Tôi thấy ông chịu đựng cảnh gian khổ trong năm qua còn nhiều hơn tôi nữa. Nói tóm lại, ông bị kết tội về nhiều tội ác tày trời, nào là tắc trách, thiếu khả năng, lạm dụng quyền hành…Có người cho ông còn may là khỏi ngồi tù. Có một bài báo lên án ông đã gây nên cuộc bại trận của hải quân Hoàng gia ở Nam Thái Bình Dương, bài báo viết rằng ông không giám sát việc vận chuyển hàng tiếp liệu. Tuy nhiên, có người chịu đựng được gian khổ giỏi hơn người khác, và khi nhìn vào ông Tướng tôi thấy cuộc sống gian khổ trong một năm qua đã đè nặng lên người ông, khiến cho ông gầy trơ xương, mặt mày biến dạng. Trước đây, lúc nào ông ta cũng có mùi thức ăn dầm giấm. Còn bây giờ, khi tôi cúi người trên chiếu chào, gần bên ông, ông có mùi chua khác.

– Chào ông Tướng, ông có vẻ mạnh khoẻ – tôi nói, nhưng dĩ nhiên đấy là lời nói láo – tôi rất sung sướng được gặp lại ông.

Ông Tướng tắt radio, trả lời:

– Không phải cô là người đầu tiên đến đây, Sayuri à. Tôi không giúp gì cô được đâu.

– Thế mà tôi chạy đến đây rất nhanh đấy! Tôi không nghĩ nổi có người lại còn nhanh hơn tôi!

– Vì tuần trước, gần như cô geisha nào tôi quen biết cũng đều đến đây gặp tôi, nhưng tôi không còn bạn bè nào uy quyền nữa. Tôi không hiểu tại sao một geisha có hạng như cô lại đến tìm tôi. Chắc có nhiều nhân vật có quyền thế thích cô chứ.

– Được ưa thích và có bạn chân thành sẵn sàng giúp đỡ là hai việc rất khác nhau – tôi đáp.

– Phải, đúng thế. Nhưng cô đến nhờ tôi giúp cái gì?

– Giúp cái gì cũng được, thưa ông Tướng. Độ này dân chúng ở Gion chẳng nói gì ngoài đời sống khốn khổ trong các nhà máy.

– Chỉ có ai may mắn mới được sống khốn khổ. Còn ngoài ra những người khác chắc không sống để thấy chiến tranh chấm dứt.

– Tôi không hiểu.

– Bom sắp rơi đến nơi – ông Tướng nói – Cô sẽ thấy các nhà máy bị lãnh bom nhiều hơn hết. Nếu cô muốn sống cho đến khi chiến tranh chấm dứt, tốt hơn hết là cô tìm người nào có thể đưa cô đến một nơi an toàn. Tôi rất tiếc là không phải người đó. Tôi đã cạn kiệt hết nguồn ảnh hưởng rồi.

Ông Tướng hỏi thăm sức khoẻ của bà Mẹ, bà Dì, rồi giã từ tôi. Sau này tôi mới hiểu câu nói “cạn kiệt nguồn ảnh hưởng”. Bà chủ nhà trọ Sayura có cô con gái, ông Tướng đã thu xếp gởi cô ta đến một thành phố ở phía Bắc nước Nhật.

Trên đường trở về nhà kỹ nữ, tôi nghĩ đã đến lúc phải hành động, nhưng tôi không biết làm gì. Chỉ việc làm sao giữ cho mình khỏi hốt hoảng thôi, tôi cũng không làm được. Tôi đến nhà Mameha đang ở – vì mối liên hệ của cô ấy với ông Nam tước đã chấm dứt nhiều tháng rồi, cô phải dọn sang ở nhà khác nhỏ hơn. Tôi tưởng Mameha sẽ giúp tôi phương cách để giải quyết tình hình, nhưng thật ra, cô ấy cũng đang hốt hoảng như tôi.

– Ông Nam tước không làm gì giúp được tôi – cô ấy nói, mặt tái mét vì lo sợ
– tôi không thể đến nhờ ai khác được, Sayuri, cô nên tìm một người nào đó để nhờ, cô hãy đi tìm nhanh lên.

Khi ấy tôi đã mất liên lạc với ông Nobu hơn bốn năm rồi. Tôi thấy không thể đến tìm ông ta được. Còn phần ông Chủ tịch – phải, tôi có thể kiếm cớ để nói chuyện với ông ta, nhưng hỏi nhờ cậy ông thì chắc không được. Tuy nhiên, mặc dù ông ta đã tỏ ra thân mật với tôi ngoài hành lang đấy, nhưng ông ta không mời tôi đến dự tiệc, thậm chí cả khi ông ta chỉ có những geisha hạng xoàng. Tôi cảm thấy đau đớn vì chuyện này, nhưng tôi có thể làm gì được?
Vả lại, cho dù ông Chủ tịch muốn giúp tôi, thì việc ông ta xích mích với chính quyền quân nhân vừa rồi đã được báo chí đăng tải, chắc bây giờ ông ta cũng đang gặp chuyện rắc rối.

Cho nên tôi đi suốt cả buổi chiều từ phòng trà này sang phòng trà khác dưới trời lạnh như dao cắt, tôi hỏi về một số đàn ông tôi không gặp nhiều tuần hay thậm chí đã nhiều tháng. Không bà chủ phòng trà nào biết họ ở đâu.

Tối đó, phòng trà Ichiriki bận rộn về nhiều buổi tiệc chia tay. Giới geisha tỏ ra lãnh đạm đối với những buổi tiệc như thế này. Có cô geisha trông như mất hồn, có người như tượng Phật – bình thản, dễ thương, nhưng phảng phất nét buồn. Tôi không thể nói được tôi trông như thế nào, nhưng tâm trí tôi như cái bàn tính, tôi bận tính toán cái này cái kia, suy nghĩ để xem tôi phải đến tiếp xúc với người nào, và phải nói năng với họ ra làm sao, đến nỗi tôi không nghe được tiếng một chị giúp việc nói cho tôi biết có người ở phòng bên kia đang muốn gặp tôi. Tôi đoán chắc một tốp đàn ông yêu cầu tôi sang ngồi với họ cho vui, nhưng chị ta dẫn tôi lên lầu, đi dọc theo hành lang tầng hai ra tận phía sau phòng trà. Chị ta mở cửa một căn phòng có trải thảm rơm, trước đây chưa bao giờ tôi vào phòng này. Và nơi chiếc bàn trong phòng, ông Nobu ngồi một mình với ly bia.

Tôi chưa kịp cúi chào và nói tiếng nào, ông ta đã lên tiếng:

– Sayuri, cô đã làm cho tôi thất vọng.

– Trời ơi! Từ bốn năm nay em chưa có vinh dự được hầu ông, thưa ông Nobu, thế mà mới gặp ông, em đã làm cho ông thất vọng. Em đã làm gì sai lầm mà nhanh thế?

– Tôi đã đoán thế nào khi thấy tôi, cô cũng há hốc mồm kinh ngạc.

– Đúng thế. Em quá kinh ngạc đến nỗi không nhúc nhích được.

– Vào trong phòng để cho chị hầu đóng cửa lại, nhưng trước hết, bảo họ mang thêm ly và bia. Có chuyện khiến cho cô và tôi phải uống.

Tôi làm theo lời ông Nobu rồi đến quỳ ở cuối bàn, cái góc bàn nằm giữa hai chúng tôi. Tôi cảm thấy mắt của ông Nobu nhìn vào mặt tôi như thể ông ta sờ vào tôi. Tôi đỏ mặt như đứng dưới ánh mặt trời nóng bức, vì tôi cảm thấy sung sướng được ông ta chiêm ngưỡng.

– Mặt cô hốc hác chứ không phải như trước – ông ta nói – đừng nói vì cô đói như những người khác. Không bao giờ tôi tin một việc như thế xảy ra cho cô.

– Ông trông cũng gầy hơn trước.

– Tôi có đủ thức ăn. Chỉ có điều không có thì giờ mà ăn thôi.

– Em mừng vì ít ra ông có công việc để bận bịu.

– Từ trước đến giờ tôi mới nghe một điều kỳ cục hết sức như thế này. Khi cô thấy một người đàn ông tránh được đạn để sống còn, có phải cô mừng cho anh ta khi anh ta có việc gì để làm cho hết thì giờ phải không?

– Em hy vọng ông không muốn nói ông “thật sự” lo sợ cho cuộc sống của mình…

– Không có ai ở ngoài đợi để giết tôi hết, nếu cô muốn nói như thế. Nhưng nếu công ty đồ điện Iwamura là lẽ sống của tôi, thì đúng thế, tôi sợ cho nó thật. Bây giờ nói cho tôi biết điều này, ông danna của cô ra sao rồi?

– Em nghĩ ông Tướng cũng sống như chúng ta thôi. Ông hỏi han đến ông ấy thật tốt quá.

– Ồ, tôi hỏi không có ý tốt đâu.

– Rất ít người có hảo ý với ông ta. Nhưng thôi, nói chuyện khác đi ông Nobu, có phải đêm nào ông cũng đến phòng trà Ichiriki này, nhưng vì không muốn gặp em nên dùng căn phòng đặc biệt trên lầu này phải không?

– Đây là căn phòng đặc biệt à? Theo tôi thì đây chỉ là căn phòng không thưởng thức được cảnh đẹp ngoài vườn. Nó hướng ra phía đường, nếu cô mở mấy màn giấy ấy ra.

– Ông Nobu biết căn phòng rõ đấy chứ.

– Không phải đâu, đây là lần đầu tiên tôi dùng nó. Tôi nhăn mặt nhìn ông ta để tỏ ý tôi không tin.
– Cô muốn nghĩ sao thì nghĩ, tuỳ cô, cô Sayuri à, nhưng thú thật chưa bao giờ tôi dùng phòng này. Tôi nghĩ đây là phòng ngủ cho khách ngủ qua đêm, khi bà chủ có khách nào cần ở lại. Bà ấy có lòng tốt để cho tôi dùng phòng này đêm nay khi tôi trình bày cho bà nghe tại sao tôi đến đây.

– Bí mật quá nhỉ? Vậy ông đến đây có mục đích. Em muốn biết lý do có được không?

– Tôi nghe có tiếng chân chị hầu mang bia đang đi đến. Khi chị ấy đi rồi, cô sẽ biết.

Cửa mở, chị hầu để bia lên bàn, bia là món giải khát hiếm hoi, cho nên uống bia như uống nước vàng. Khi chị hầu đi rồi, chúng tôi nâng ly. Nobu nói:

– Tôi đến đây để ăn mừng danna của cô! Nghe ông ta nói, tôi để ly bia xuống.
– Ông Nobu, em nghĩ chúng ta người nào cũng có thể có vài chuyện để ăn mừng. Nhưng còn chuyện ông uống mừng cho danna của em, chắc em không tài nào hiểu cho nổi.

– Tôi phải nói cho cụ thể hơn. Ở đây ta uống mừng vì danna của cô quá điên khùng! Bốn năm trước, tôi đã nói ông ta là đồ vô dụng, và ông ta đã chứng minh cho lời tôi nói là đúng. Cô không thấy thế sao?

– Thực ra thì…ông ta hết là danna của em rồi.

– Thì đúng thế! Và cho dù ông ta còn, thì ông ta cũng không thể làm gì được cho cô, phải không? Tôi biết Gion sắp đóng cửa, mọi người hoảng hốt vì chuyện này. Hôm nay ở văn phòng, tôi nhận được một cú điện thoại của một cô geisha…Tôi không muốn nêu tên cô ta ra…nhưng cô biết cô ta nói gì không, cô ta nhờ tôi tìm cho cô ta một công việc làm ở công ty Iwamura.

– Ông có thể cho em biết ông trả lời cô ta ra sao không?

– Tôi không có việc gì cho cô ta hết, ngay cả tôi cũng không. Thậm chí cả ông Chủ tịch rồi cũng hết việc, và nếu ông ấy không làm theo đơn đặt hàng của chính phủ thì có thể ông ta phải đi ở tù nữa. Ông ấy đã trả lời họ là chúng tôi không có phương tiện để chế dao găm và bao đựng đạn, nhưng bây giờ họ muốn chúng tôi chế tạo các thiêt bị để ráp máy bay chiến đấu! Đôi lúc tôi tự hỏi không biết những người này nghĩ gì.

– Ông Nobu nên nói nhỏ hơn một chút.

– Ai sẽ nghe tôi, ông Tướng của cô à?

– Nói đến ông Tướng, em xin cho ông biết hôm nay em có đến gặp ông ta, để nhờ ông ta giúp đỡ.

– Cô gặp may là ông ta còn sống để gặp cô.

– Ông ta bệnh à?

– Không phải bệnh, nhưng nếu ông ta can đảm, chắc ông ta tìm chỗ tự tử rồi.

– Ông Nobu, xin ông.

– Ông ta không giúp cô, phải không?

– Không, ông ta nói ông ta hết ảnh hưởng với các nơi rồi.

– Hết thời thì hết ảnh hưởng thôi. Tại sao ông ta không dành một chút ảnh hưởng nào để giúp cô?

– Hơn một năm nay em không gặp ông ta.

– Cô không gặp tôi hơn bốn năm nay, và tôi “đã” dành ảnh hưởng tối đa để giúp cô. Tại sao cô không đến để gặp tôi?

– Em cứ tưởng ông giận em mãi, ông Nobu, nhìn vào ông thì biết! Làm sao em đến tìm ông cho được?

– Sao lại không được? Tôi có thể cứu cô khỏi làm việc trong các nhà máy. Tôi có chỗ ẩn náu rất an toàn. Cứ tin tôi đi, chỗ này rất an toàn, giống như cái tổ cho con chim. Cô là người duy nhất tôi dành cho cô chỗ ấy đấy, Sayuri à. Và tôi chỉ cho cô chỗ ẩn náu ấy chừng nào cô ra trước mặt tôi, cúi người tận sát nền nhà để nói với tôi rằng cô đã phạm sai lầm trong bốn năm qua.
Cô nói tôi giận cô là đúng đấy! Chúng ta có thể chết cả hai trước khi gặp lại nhau. Có thể tôi đã để mất cơ hội của mình. Và không phải vì thế mà cô gạt tôi sang một bên. Cô đã tiêu phí những năm tháng đẹp nhất của đời cô cho một thằng điên, một thằng không trả được nợ cho tổ quốc, cũng như ít nhiều cho cô. Hắn tiếp tục sống như thể hắn không làm gì sai trái.

Anh có thể tưởng tượng được tâm trạng của tôi lúc ấy ra sao, vì Nobu là người nói năng cứng rắn như đá. Không phải chỉ lời nói và ý nghĩa làm cho người ta khó chịu, mà chính cái cách ông ta nói. Thoạt tiên tôi quyết định không khóc, bất chấp ông ta muốn nói gì thì nói, nhưng sau đó tôi nghĩ khóc mới là điều ông Nobu mong muốn nơi tôi. Và khóc thì quá dễ dàng, như thả tờ giấy ra khỏi mấy ngón tay. Mỗi giọt nước mắt chảy xuống má tôi đều có một lý do khác nhau. Tôi có nhiều điều cần phải khóc! Tôi khóc cho Nobu và cho tôi, tôi khóc vì tự hỏi cuộc đời chúng tôi rồi sẽ ra sao. Thậm chí tôi khóc cho Tướng Tottori, và cho Korin, cô ta gầy đét, đen đủi vì làm việc trong nhà máy. Rồi tôi làm theo lời yêu cầu của Nobu. Tôi xích ra xa cái bàn cho rộng chỗ, rồi cúi người sát xuống nền nhà.

– Xin ông tha lỗi cho em vì em quá điên khùng – tôi nói.

– Ồ, đứng lên khỏi chiếu đi. Tôi rất sung sướng nếu cô nói cô sẽ không phạm sai lầm như thế nữa.

– Em sẽ không phạm nữa.

– Thời gian cô sống với ông ấy thật phí phạm! Những điều tôi nói với cô đều xảy ra đúng hết, phải không? Có lẽ bây giờ cô đã biết sống theo số phận rồi.

– Em sẽ sống theo số phận, ông Nobu à. Em không mong gì ở cuộc đời này nữa.

– Tôi rất mừng khi nghe cô nói thế. Mà số phận sẽ dẫn cô đi đâu?

– Dẫn đến người điều hành công ty đồ điện Iwamura – tôi đáp. Dĩ nhiên tôi nghĩ đến ông Chủ tịch.

– Được đấy – Nobu nói – Bây giờ ta cụng ly uống cùng nhau.

Tôi chỉ hớp một chút, vì tôi quá bối rối và quá buồn nên không thấy khát. Sau đó, ông Nobu nói cho tôi biết về cái tổ mà ông đã để dành cho tôi. Đấy là nhà người bạn thân của ông ta, ông Arashino Isamu, người làm áo kimono. Tôi không biết anh còn nhớ ông ta không, ông ta là khách danh dự ở buổi tiệc tại nhà ông Nam tước nhiều năm về trước, buổi tiệc có cả ông Nobu và bác sĩ Cua tham dự. Nhà của ông Arashino, đồng thời là xưởng thợ của ông ta, nằm trên bờ thượng nguồn sông Kame, cách Gion khoảng năm cây số. Trước kia, ông ta cùng vợ và con gái làm kimono theo kiểu Yasen, kiểu này thật đẹp và nhờ thế ông được nổi tiếng. Nhưng mới đây, tất cả thợ may kimono đều phải may dù cho lính dù – vì họ quen với việc may vá. Ông Nobu nói rằng đây là công việc tôi có thể học hỏi rất nhanh, và gia đình Arashino sẽ rất bằng lòng nhận tôi. Ông Nobu sẽ đích thân đi thu xếp với chính quyền để tôi được đến ấy. Ông viết cho tôi địa chỉ nhà của ông Arashino trên miếng giấy rồi đưa cho tôi.

Tôi cám ơn ông Nobu nhiều lần, mỗi lần tôi cám ơn là ông ta nhìn tôi với vẻ hài lòng. Khi tôi định đề nghị chúng tôi đi dạo một vòng dưới trời tuyết mới rơi, thì bỗng ông ta nhìn đồng hồ rồi uống hết ly bia.

– Sayuri, – ông ta nói với tôi – Không biết khi nào chúng ta gặp lại nhau hay khi chúng ta gặp lại nhau thì thế giới sẽ như thế nào. Cả hai chúng ta đã chứng kiến những việc rất khủng khiếp. Nhưng tôi sẽ nghĩ đến cô mỗi khi tôi muốn nhắc nhở mình nhớ rằng trên đời này luôn luôn có cái Mỹ và cái Thiện.

– Ông Nobu, đáng ra ông phải làm thi sĩ mới phải!

– Chắc cô biết quá rõ nơi người tôi không có gì nên thơ hết.

– Có phải những lời hay ho của ông là dâu hiệu cho biết ông sắp về không? Em muốn chúng ta cùng đi bộ một vòng.

– Trời lạnh quá. Nhưng cô có thể ra đứng ở cửa tiễn tôi ra về, và chúng ta chia tay nhau ở đây.

Tôi theo ông Nobu đi xuống thang lầu đến cửa trước, tôi ngồi xổm xuống để giúp ông ta mang giày. Sau đó tôi mang giày gỗ đế cao “Geta” vì trời tuyết, rồi tiễn ông Nobu ra tận đường. Mây năm trước thế nào cũng có xe hơi đến đón ông ta, nhưng bây giờ chỉ có viên chức cao cấp của chính quyền mới có xe để đi, và hầu hết mọi người đều không tìm ra xăng dễ dàng. Tôi đề nghị tiễn ông ta đi một đoạn, nhưng ông ta nói:

– Bây giờ tôi không muốn có cô đi theo. Tôi đến họp với nhà đại lý ở Kyoto. Tôi đang có rất nhiều việc phải giải quyết.

– Ông Nobu, em thú thật em rất thích những lời chia tay khi ở trong phòng trên lầu.

– Vậy thì lần sau đến đấy nữa.

Tôi cúi chào, nói lời chia tay. Đàn ông đi trên đường đều quay mặt nhìn Nobu, nhưng ông vẫn bước ào ào trong tuyết đến tận góc đường rồi rẽ qua đại lộ Shijo và biến mất. Tôi đứng nhìn, trên tay nắm chặt tờ giấy ông ta viết địa chỉ của ông Arashino. Tôi nhận ra tôi bóp chặt tờ giấy thiếu điều nó muốn nát vụn ra. Tôi không ngờ tôi quá căng thẳng và lo sợ đến thế. Nhưng sau một hồi nhìn tuyết rơi, nhìn vào dấu chân của Nobu in trên tuyết đến tận góc đường, tôi cảm biết nguyên do nào làm cho tôi bối rối lo sợ. Khi nào tôi sẽ gặp lại ông Nobu? Hay khi nào tôi có thể gặp lại ông Chủ tịch? Hay biết có thấy lại Gion hay không? Một lần nữa, tôi cảm thấy mình như hồi còn nhỏ khi bị lôi ra khỏi nhà. Tôi thấy chính những kỷ niệm của những năm tháng kinh hoàng ấy đã làm cho tôi cảm thấy hết sức cô đơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.