Hồi Ức Của Một Geisha - Đời Kỹ Nữ

Chương 33



Đêm ấy, khi nằm ngủ, tôi thấy căn phòng quay quanh trước mặt tôi. Tôi cố định thần như người đánh cá cố sức chú ý múc cá trong lưới ra. Mỗi khi ý nghĩ về ông Chủ tịch hiện ra trong óc tôi, tôi cố múc ra đổ hết, đổ mãi cho đến khi hình ông ta không còn lại chút nào trong đầu tôi. Muốn làm cho được thế, tôi phải dùng phương pháp thật khéo léo mơi được. Nhưng mỗi khi hình ảnh ông ta hiện ra, tôi chưa kịp trở tay, nó liền đưa tôi đến chính cái nơi mà tôi muốn xua đuổi hình ảnh ông ta ra đi. Nhiều lần tôi dừng tay, tự nhủ – đừng nghĩ đến ông Chủ tịch, mà bây giờ nghĩ đến Nobu. Và tôi cố tình hình dung ra cảnh tôi gặp gỡ ông Nobu ở đâu đó ở Kyoto. Cái chỗ mà tôi hình dung ra có thể là nơi tôi thường nghĩ đến cảnh gặp gỡ của tôi với ông Chủ tịch, và rồi bỗng nhiên tôi lại miên man nghĩ đến ông Chủ tịch.

Tôi trải qua tình trạng như thế này suốt mấy tuần liền. Thỉnh thoảng tôi không nghĩ đến ông Chủ tịch một lát, thì trong khoảng thời gian đó, tôi cảm thấy lòng tôi trống rỗng một cách ghê gớm. Thậm chí tôi không muốn ăn nữa. Có đêm về khuya, bé Etsuko mang súp đến cho tôi, tôi cũng không thèm ăn. Vài lần tôi cố tập trung tư tưởng vào Nobu, nhưng tôi thấy mình trơ ra như đá, chẳng suy nghĩ được gì. Trong khi làm hoá trang, mặt tôi bất động như chiếc kimono treo trên giá. Bà Dì nói tôi trông như bóng ma. Tôi thường đi dự tiệc lớn, tiệc nhỏ, nhưng tôi chỉ lặng lẽ quỳ một nơi, hai tay để vào lòng.

Tôi nghĩ ông Nobu sắp đưa ra đề nghị làm danna của tôi, cho nên ngày nào tôi cũng chờ đợi tin ấy đến. Nhưng tuần này rồi tuần nọ trôi qua mà tôi không nghe được tin gì hết. Rồi vào một buổi chiều nóng nực vào cuối tháng 6, gần một tháng sau ngày tôi mang viên đá đến trả cho Nobu, vào lúc tôi đang ăn trưa, Mẹ đem vào tờ báo, mở ra cho tôi xem bài có nhan đề “Ngân hàng Mitsubishi đảm bảo tài chánh cho công ty Iwamura”. Tôi nghĩ thế nào tôi cũng biết được tình hình có liên quan đến ông Nobu và ông Thứ trưởng, và dĩ nhiên có liên quan đến ông Chủ tịch, nhưng hầu hết bài báo đều nói về những vấn đề tôi không thể nào nhớ được. Bài báo cho rằng tên của công ty đồ điện Iwamura đã được chính quyền đồng minh chiếm đóng đổi thành … tôi không nhớ – đại loại công ty cao cấp này sang công ty cao cấp khác thôi. Nghĩa là, theo tờ báo giải thích, công ty không còn bị hạn chế về mặt ký hợp đồng, vay tiền ngân hàng, vân vân. Những đoạn tiếp theo của bài báo, viết về lãi suất và tín dụng, rồi cuối cùng nói đến món tiền vay rất lớn mà công ty đã vay của ngân hàng Mitsubishi. Bài báo đọc khó hiểu vì toàn những con số và những điều khoản kinh doanh. Khi đọc xong, tôi ngước mắt nhìn Mẹ, bà quỳ phía bên kia bàn.

– Tình hình công ty Iwamura đã hoàn toàn chuyển hướng rất thuận lợi – bà nói – Tại sao cô không nói cho tôi biết chuyện này?

– Mẹ à, con không hiểu nội dung bài báo ra sao cả.

– Thảo nào mà mấy ngày vừa qua chúng ta nghe người ta nói nhiều về Nobu Toshikazu. Chắc cô biết ông ta đã đưa đề nghị làm danna cho cô rồi. Tôi định trả lời từ chối ông ta. Ai muốn một người có tương lai bấp bênh đề nghị làm danna cho mình kia chứ? Bây giờ tôi mới hiểu lý do tại sao trong mấy tuần qua, cô thẫn thờ như một kẻ mất hồn! Thôi, bây giờ cô hãy thư giãn đi. Cuối cùng chuyện ấy cũng xảy đến. Tất cả chúng tôi đều biết trong nhiều năm qua Nobu rất thích cô.

Tôi cứ nhìn xuống mặt bàn như cô con gái chính chuyên. Nhưng tôi biết mặt tôi lộ vẻ đau đớn, vì bỗng nhiên bà Mẹ nói tiếp:

– Cô không được có thái độ hững hờ như thế khi Nobu muốn cô vào giường với ông ta. Có lẽ sức khoẻ của cô không như trước. Tôi sẽ đưa cô đến bác sĩ khi cô đi Amani trở về.

Amani là một hòn đảo nhỏ không xa Okinawa, tôi chỉ nghe nói đến mà thôi. Tôi không tin bà ta nói đến nơi này. Nhưng quả thật, khi Mẹ nói tiếp, bà ta cho tôi biết phòng trà Ichiriki sáng nay đã nhận cú điện thoại từ công ty Iwamura, báo cho biết họ sẽ mời tôi đi đến đảo Amani vào cuối tuần sau. Tôi được họ mời đi với Mameha và Bí Ngô cùng một geisha khác nữa mà Mẹ không nhớ tên. Chúng tôi sẽ lên đường vào chiều thứ sáu sắp tới.

– Nhưng thưa Mẹ, thật vô lý – tôi nói – đi chơi cuối tuần đến tận Amani à? Nội tàu chạy cũng đã mất cả ngày rồi.

– Không đi theo cách đó. Công ty Iwamura đã thu xếp để các cô đi máy bay.

Bỗng tôi quên phứt những chuyện lo buồn về Nobu, tôi ngồi thẳng người lên thật nhanh, như có ai chích kim vào mình.

– Mẹ! Con không thể đi máy bay được!

– Nếu cô ngồi lên máy bay, cứ để cho nó bay, không có gì phải lo sợ hết! – bà ta đáp. Chắc bà nghĩ câu nói của mình khôi hài lắm, cho nên bà cười hinh hích.

Vì nhiên liệu hiếm hoi, nên tôi nghĩ không thể nào đi máy bay được, thành ra tôi yên chí không lo – và tôi yên chí như thế cho đến khi tôi nói chuyện với bà chủ phòng trà Ichiriki vào ngày hôm sau. Thì ra nhiều sĩ quan Mỹ trên đảo Okinawa thường đi máy bay đến Osaka nghỉ cuối tuần mỗi tháng vài lần. Thường thì máy bay trở lại để đón họ về. Công ty Iwamura đã thu xếp để chúng tôi đi trên chuyến máy bay quay về không có người ấy. Ngoài ra, khi chúng tôi đến Amani sẽ được ở tại khu nghỉ mát có suối nước nóng. Điều cuối cùng bà chủ phòng trà nói với tôi là “Tôi mừng là chính cô chứ không phải tôi đi trên máy bay”.

Sáng thứ sáu, chúng tôi đáp xe lửa đi Osaka. Ngoài ông Bekku ra, người đi theo để giúp chúng tôi xách rương hòm đến tận phi trường, đoàn người gồm có Mameha, Bí Ngô và tôi, cùng bà geisha lớn tuổi có tên là Shizue. Shizue ở quận Pontocho chứ không phải ở Gion, bà ta đeo cặp kính dày cộm và có mái tóc màu bạch kim, khiến bà ta trông còn già hơn nữa. Tệ nhất là chiếc cằm chẻ, khiến cho chiếc cằm trông như hai cái vú. Shizue đối với chúng tôi như cỏ dại dưới cây tuyết tùng. Bà ta thường nhìn ra ngoài cửa xe lửa, nhưng thỉnh thoảng mở dây kéo trên cái xách tay màu đỏ và vàng cam để lấy ra cái kẹo, và nhìn chúng tôi như thể bà không hiểu nổi tại sao chúng tôi đã xuất hiện để quấy rầy bà như thế.

Từ ga Osaka, chúng tôi đi trên chiếc xe buýt không lớn hơn chiếc xe hơi bao nhiêu, xe chạy bằng than và rất dơ. Cuối cùng sau khoảng một giờ, chúng tôi bước xuống bên cạnh chiếc máy bay màu bạc có hai chong chóng thật lớn ở hai cánh. Sau đuôi có bánh xe nhỏ khiến tôi cảm thấy không an tâm. Khi chúng tôi vào trong máy bay, lối đi ở giữa xuôi xuống rất nghiêng, tôi cảm thấy như chiếc máy bay bị gãy.

Cánh đàn ông đã ngồi trên máy bay rồi, họ ngồi phía sau đuôi và đang nói chuyện kinh doanh. Ngoài nhóm của ông Chủ tịch, Nobu, ông Thứ trưởng, còn có một ông già, sau này tôi mới biết đó là ông Giám đốc chi nhánh ngân hàng Mitsubishi tại địa phương. Ngồi bên cạnh ông ta là một thanh niên tuổi ngoài 30 có cái cằm như cằm bà Shizue, anh ta cũng đeo kính dày như bà. Té ra bà Shizue một thời là tình nhân của ông Giám đốc Ngân hàng, và anh ta là con của hai người.

Chúng tôi ngồi ở phía trước máy bay, để cho nhóm đàn ông mặc sức nói chuyện. Liền sau đó, tôi nghe tiếng nổ rồi máy bay rung động… và khi tôi nhìn ra cửa sổ, tôi thấy cái chong chóng khổng lồ quay tít. Trong nháy mắt, cánh quạt quay nhanh chỉ cách mặt tôi có gang tấc, phát ra tiếng kêu vù vù. Tôi có cảm giác như nó sẽ chặt đứt thân máy bay và chặt tôi ra làm hai.

Mameha để tôi ngồi nơi cửa sổ, chị ấy nghĩ rằng để tôi nhìn ra cảnh vật bên ngoài khi máy bay lên cao sẽ là cho tâm thần tôi bình tĩnh, nhưng bây giờ thấy chong chóng quay, cô ấy không chịu đổi chỗ cho tôi nữa. Tiếng động cơ to dần và máy bay bắt đầu chạy tới, quay qua quay về. Cuối cùng tiếng ồn to kinh khủng, và lối đi ở giữa nằm ngang bằng phẳng. Một lát sau, chúng tôi nghe tiếng nổ ầm ầm và máy bay cất cánh. Chỉ trong nháy mắt, mặt đất nằm xa phía dưới và có người nào đấy nói chuyến bay dài 700 cây số, và phải bay mất gần bốn giờ. Khi nghe thế, tôi cảm thấy ứa nước mắt, và mọi người bật cười nhìn tôi.

Tôi kéo màn che cửa sổ, cố đọc báo để giữ bình tĩnh. Một lát sau Mameha thiu thiu ngủ bên cạnh tôi, bỗng tôi thấy ông Nobu đứng ở lối đi.

– Sayuri, cô khoẻ chứ? – ông ta nói, giọng nho nhỏ như sợ đánh thức Mameha dậy.

– Em thấy ông Nobu trước đây chưa bao giờ hỏi em như thế – tôi trả lời – Chắc ông ấy đang vui vẻ.

– Chưa bao giờ tương lai có vẻ hứa hẹn như thế này.

Mameha nhúc nhích khi nghe có tiếng người nói chuyện, cho nên Nobu phải đi tiếp tới phòng vệ sinh. Trước khi mở cửa, ông ta nhìn lui về phía chỗ các ông ngồi. Bỗng tôi nhìn ông qua một góc cạnh mà tôi chưa bao giờ từng nhìn, góc cạnh làm cho ông trông có vẻ dữ tợn. Khi ánh mắt ông lướt về phía tôi, tôi thấy ông có vẻ như nghĩ rằng tôi đang lo lắng cho tương lai của tôi và ông cảm thấy yên ổn về phần tương lai của ông. Khi tôi nghĩ đến điều ấy, tôi cảm thấy kỳ lạ biết bao, vì Nobu hiểu tôi rất ít. Dĩ nhiên người geisha chờ mong thông cảm của danna chẳng khác nào con chuột mong sự thông cảm của con rắn. Vả lại làm sao Nobu hiểu được tôi khi mà ông ta chỉ xem tôi là người geisha giữ chuyện đời tư của mình rất kín đáo? Chỉ có ông Chủ tịch là người mà tôi hầu vui như là nàng Sayuri có cái tên Chiyo – nhưng không biết ông ta có hiểu được nỗi lòng của tôi không. Còn ông Nobu, nếu ông ta là người tôi đã gặp vào hôm ấy trên bờ suối Shirakawa, ông ta sẽ làm gì? Dĩ nhiên ông ta sẽ đi qua không đoái hoài gì đến tôi, và nếu ông ta làm thế, thì khoẻ cho tôi biết bao. Tôi sẽ khỏi mất công trằn trọc thâu đêm để mơ tưởng đến ông Chủ tịch. Tôi sẽ không thỉnh thoảng ghé lại các hàng mỹ phẩm để ngửi mùi phấn thơm trong không khí và nhớ đến mùi da thịt của ông ta. Tôi sẽ không cố sức hình dung ra hình ông ta nằm bên cạnh tôi. Nếu anh hỏi tại sao tôi muốn những chuyện như thế này, tôi sẽ trả lời rằng, tại sao quả hồng vàng khi chín lại có hương vị ngọt ngào? Tại sao gỗ khi đốt lên có mùi cây?

Nhưng đôi với tôi, sự đời đâu lại hoàn đấy, tôi vẫn như một cô gái dùng tay bắt chuột. Tại sao tôi không chấm dứt việc nghĩ đến ông Chủ tịch?

Tôi đoán sự buồn phiền chắc đã hiện rõ ràng trên mặt tôi khi cánh cửa phòng vệ sinh mở ra một lát sau đó, và ánh sáng phụt tắt. Tôi không chịu đựng được việc Nobu nhìn tôi trong trạng thái như thế này, nên tôi giả vờ tựa đầu lên cửa sổ máy bay mà ngủ. Sau khi ông ta đi qua rồi, tôi mở mắt ra lại. Tôi thấy khi tựa đầu lên cửa sổ, tôi đã kéo tấm màn mở ra, cho nên tôi nhìn ra ngoài máy bay lần đầu kể từ khi máy bay cất cánh khỏi phi đạo. Trải dài phía dưới là vùng biển xanh rộng bao la, lốm đốm vài nơi có màu lục bích ngọc như đồ trang sức trên tóc của Mameha. Chưa bao giờ tôi nghĩ trên biển lại có những đám màu lục như thế này. Đứng trên bờ núi đá ở Yoroido, tôi thấy biển luôn luôn có màu đá phiến. Còn ở đa6y tôi thấy biển trải rộng ra thành từng đường như những sợi chỉ len chạy từ chân trời. Cảnh tượng không có gì đáng sợ, mà trông rất đẹp. Ngay cả cái chong chóng quay thành vòng tròn như cái dĩa trông rất đẹp, và chiếc máy bay màu bạc cũng có nét đẹp riêng, nó được trang hoàng bằng những biểu tưiợng cho biết đây là phi cơ quân đội Mỹ. Giá cách đây năm năm mà thấy chúng thì kỳ cục biết bao! Chúng tôi đã đánh nhau như kẻ thù không đội trời chung, còn bây giờ tại sao? Chúng tôi đã giã từ quá khứ, tôi biết đây là điều đương nhiên, vì chính tôi cũng đang giã từ quá khứ. Giá mà tôi có cách gì để từ bỏ luôn cả tương lai.

Và rồi một hình ảnh hãi hùng hiện ra trong óc tôi: tôi thấy mình đưa tay cắt sợi dây số phận ràng buộc tôi với Nobu, và nhìn ông ta rơi xuống biển xa xa phía dưới.

Tôi không muốn nói đây chỉ là ý nghĩ hơn là điều mơ mộng viễn vông. Tôi muốn nói bỗng nhiên tôi biết tôi phải làm gì. Dĩ nhiên tôi sẽ không ném ông Nobu xuống biển, nhưng tôi phải làm cho ông ta thông cảm, phải thấy rõ hoàn cảnh như khi căn phòng mở rộng cửa, phải thấy rõ nguyên nhân tại sao tôi cắt đứt vĩnh viễn mối liên hệ giữa tôi và ông ta. Tôi không muốn làm sứt mẻ tình bạn giữa tôi với ông ta, nhưng trong nỗ lực của tôi tiến gần tới ông Chủ tịch, Nobu là trở ngại chính khó vượt qua. Thế nhưng, tôi có thể làm cho ông ta bị chính lửa hận của mình thiêu đốt mình. Chính Nobu đã nói cho biết cách làm ấy mấy phút sau khi ông ta làm rách tay mình tại phòng trà Ichiriki cách đây mấy tuần. Hôm ấy ông ta đã nói nếu tôi là loại đàn bà muốn hiến thân cho ông Thứ trưởng thì ông ta muốn tôi rời ngay khỏi phòng và đừng bao giờ nói chuyện với ông ta nữa.

Khi tôi nghĩ đến chuyện này, tự nhiên tôi cảm thấy lo sợ. Như cơn sốt đột nhiên bùng ra. Tôi cảm thấy mồ hôi nhễ nhại cả người. Tôi mừng vì Mameha ngủ yên bên cạnh tôi. Tôi tin chắc thế nào cô ấy cũng tự hỏi có vấn đề gì xảy ra khi thấy tôi thở hổn hển, lấy tay lau trán. Cái ý ấy đã xảy đến cho tôi, tôi tự hỏi tôi có thể làm việc ấy được không. Tôi không muốn nói đến hành động dụ dỗ ông Thứ trưởng, tôi biết rất rõ tôi có thể làm được điều đó. Việc đó chỉ giống như việc đi đến bác sĩ để chích ống thuốc thôi. Tôi chỉ việc tìm ra đúng lúc, thế là xong. Nhưng tôi có thể làm một việc như thế cho Nobu không? Trả ơn cho ông ta như thế thật khủng khiếp quá. So sánh với những loại đàn ông mà nhiều geisha đã chịu cảnh đau đớn trong nhiều muốn, thì Nobu có lẽ là người danna rất đáng được ưa chuộng. Nhưng tôi có thể chịu đựng nổi một cuộc sống mà tất cả mọi hy vọng đều tiêu tan hết không? Suốt mấy tuần liền, tôi cố thuyết phục mình để chịu đựng một cuộc sống như thế, nhưng liệu có thể sống được không? Tôi nghĩ có lẽ tôi đã thông cảm việc tại sao Hatsumono tàn ác đến thế, và tại sao bà Ngoại lại ti tiện đến thế. Thậm chí Bí Ngô, dù chưa đến 30, nhưng cô ta đã có vẻ thất vọng não nề nhiều năm nay. Điều duy nhất còn giữ cho tôi khỏi chán nản là hy vọng, và bây giờ để duy trì sự hy vọng, liệu tôi có phạm phải một hành động ghê tởm không? Tôi không nói đến chuyện dụ dỗ ông Thứ trưởng, mà tôi nói đến việc phản bội sự tin cậy của Nobu.

Trong suốt chuyến bay, tôi đã vật lộn với các ý nghĩ này. Chưa bao giờ tôi đắn đo suy nghĩ về một kế hoạch như thế này, nhưng lúc ấy, tôi đã nghĩ ra những bước trong kế hoạch như nghĩ ra những nước cờ trên bàn cờ. Tôi sẽ kéo ông Thứ trưởng ra riêng với tôi trong quán trọ – không, không trong quán trọ, mà nơi nào đấy – rồi tôi lừa sao để cho Nobu bắt gặp chúng tôi.. hay có nên chỉ cần cho ta nghe ai đó nói lại là đủ? Chắc anh có thể tưởng tượng ra hình ảnh tôi mệt mỏi bơ phờ sau chuyến đi ấy như thế nào. Khi tôi bước xuống máy bay, chắc trông tôi có vẻ lo sợ ghê lắm. Vì Mameha đã trấn an tôi bằng cách nói vbtg rằng chuyến bay đã hết và tôi được bình an vô sự.

Chúng tôi đến quán trọ khoảng một giờ trước khi trời hoàng hôn. Những người khác ca ngợi căn phòng chúng tôi ở, nhưng tôi chỉ giả vờ khen lấy lệ vì tôi quá dao động. Căn phòng rộng rãi thoáng đãng như căn phòng rộng nhất ở phòng trà Ichiriki, đồ đạc đẹp lộng lẫy theo kiểu Nhật, với chiếu rơm và đồ gỗ láng bóng. Dọc theo một bức tường dài, lắp toàn cửa kính, bên ngoài cửa là hàng cây nhiệt đới rất đẹp. Một con đường rợp bóng dẫn xuống bờ suối.

Khi hành lý đã thu xếp ngăn nắp rồi, tất cả chúng tôi đều chuẩn bị để tắm. Nhà trọ đã cung cấp cho chúng tôi những bức mành chắn xếp lại được, để chúng tôi ngăn ở giữa phòng cho riêng rẽ. Chúng tôi thay áo vải rồi đi theo lối đi có bóng cây rợp mát xuyên qua đám cây rậm rạp đến hồ suối nước nóng đẹp lộng lẫy nằm ở phía bên kia quán trọ. Cửa vào hồ có vách ngăn đàn ông đàn bà riêng, và bờ hồ nghiêng nghiêng riêng rẽ để đi xuống tắm. Nhưng khi đi xuống khu nước sâu của con suối thì đã ra khỏi vách ngăn, nên đàn ông đàn bà đều tắm chung một chỗ. Ông giám đốc ngân hàng đi theo đùa bỡn với Mameha và tôi, ông ta nói ông ta muốn một trong hai chúng tôi cùng qua bên kia bờ suối để tìm sỏi, hay là cành cây, hay cái gì cũng được – ông ta nói ông ta muốn trông thấy chúng tôi trần truồng, dĩ nhiên là ông ta nói đùa. Trong khi đó, người con trai của ông ta mải mê nói chuyện với Bí Ngô, và chúng tôi không còn đợi lâu mới hiểu được lý do. Vì bộ ngực của Bí Ngô rất đồ sộ cứ nổi lều bều trên mặt nước, còn cô ta thì cứ luôn mồm nói tía lia.

Có lẽ anh cho việc chúng tôi tắm chung đàn ông đàn bà với nhau, rồi tối đó cùng ngủ chung một phòng là điều kỳ dị. Nhưng thật ra, giới geisha chúng tôi thường làm như thế với những khách hàng quý – hay ít ra thì cũng như thế vào thời của tôi. Người geisha vẫn giữ tiếng tăm của mình khi không bị ai bắt quả tang là ở riêng một mình với người đàn ông nào không phải là danna của mình là được. Nhưng tắm vô tư chung chạ như thế này với nước đục phủ kín người, lại là vấn đề khác. Còn việc ngủ chung phòng, người Nhật chúng tôi có từ zakone, cá ngủ. Nếu anh hình dung ra cảnh một bầy cá thu vứt nằm chung trong cái giỏ, thì chắc anh hiểu được ý nghĩa của từ này.

Như tôi đã nói, tắm chung như thế này là vô tư. Nhưng nói thế không có nghĩa là bàn tay để yên một chỗ, và tôi cứ nghĩ đến cảnh bàn tay không để yên này khi tôi trầm mình trong nước suối. Nếu Nobu là loại người ưa quấy phá ông ta có thể bơi đến phía tôi, và sau chuyện trò một lát, ông ta có thể thình lình ôm lấy hông tôi, hay là có thể sờ đến bất cứ chỗ nào. Bước tiếp theo là có thể tôi sẽ cười ré lên, Nobu cũng cười, và thế là hết. Nhưng Nobu không phải là loại người ưa chọc ghẹo. Ông ta ngâm mình trong nước một hồi, nói chuyện với ông Chủ tịch, nhưng sau đó, ông ta lên ngồi trên một tảng đá, thòng một chân xuống nước, phủ cái khăn tắm nhỏ qua hông, ông ta không chú ý đến chúng tôi, mà lơ đãng thoa cái tay cụt và nhìn xuống nước. Khi ấy vầng dương đã lặn, trời đã tối nhưng Nobu ngồi dưới vầng ánh sáng của ngọn đèn lồng bằng giấy. Chưa bao giờ tôi thấy ông ta ngồi phô người ra như thế. Phần vai dưới bên mặt có sẹo cũng ghê gớm không thua gì sẹo trên mặt – nhưng phía vai bên kia thì trơn láng đẹp đẽ, như cái trứng. Và chuyện tôi nghĩ cách phản bội ông ta…Thế nào ông ta cũng nghĩ rằng tôi làm thế là vì một lý do duy nhất thôi, và chắc ông ta không bao giờ biết được sự thật.
Tôi không thể nào chịu đựng được ý nghĩ sẽ làm cho Nobu đau đớn hay sẽ phá huỷ lòng thương yêu của ông ta đối với tôi. Tôi không tin tôi sẽ chịu đựng được sự phản bội này.

Sáng hôm sau khi ăn sáng xong, tất cả chúng tôi đi bách bộ qua rừng nhiệt đới để đến bờ núi đá ven biển gần đấy, ở đây có con suối từ quán trọ nơi chúng tôi ở chảy đến, đổ vào cái thác nhỏ rất đẹp. Chúng tôi đứng ngắm cảnh đẹp một hồi lâu, thậm chí cho đến khi chúng tôi chuẩn bị ra về, ông Chủ tịch cũng không rời mắt khỏi cảnh thiên nhiên trước mặt. Lúc trở về, tôi đi bên cạnh Nobu, chưa bao giờ tôi thấy ông ta vui vẻ như hôm ấy. Sau đó chúng tôi đi một vòng thăm hòn đảo trên chiếc xe tải nhà binh, chúng tôi ngồi trên những chiếc ghế dài gắn vào phía sau xe. Chúng tôi thấy chuối và dừa, cùng những loại chim đẹp. Từ trên đỉnh núi nhìn xuống, chúng tôi thấy biển như tấm chăn nhàu nhò bằng màu ngọc lam, có những vết màu xanh đậm.

Chiều hôm đó, chúng tôi đi lang thang trên những con đường đất của ngôi làng nhỏ, và sau đó gặp một ngôi nhà cổ xưa trông rất giống một nhà kho, với mái nhà xuôi xuôi lợp tranh. Chúng tôi đi vòng quanh ra phía sau, ở đây Nobu leo lên mấy bậc cấp để mở một cánh cửa nằm ở góc nhà, ánh sáng chiếu vào trên một cái sân khấu bằng gỗ bám đầy bụi. Rõ ràng nơi này trước kia dùng làm kho chứa hàng, nhưng nay đã trở thành nhà hát của thị trấn.
Khi mới bước vào, tôi không nghĩ đến chuyện ấy. Nhưng sau khi cánh cửa đóng sầm lại và chúng tôi đi ra ngoài đường, tôi mới bắt đầu cảm thấy như bị một cơn sốt hành hạ, vì trong óc tôi hiện ra hình ảnh tôi nằm dài trên nền nhà có màu huyết ấy với ông Thứ trưởng trong khi cánh cửa xịch mở để ánh sáng bên ngoài chiếu vào chúng tôi. Chúng tôi sẽ không có chỗ nào để lẩn tránh hết. Nobu không thể nào không trông thấy chúng tôi. Tôi nghĩ đây là nơi thuận tiện nhất. Nhưng tôi không nghĩ đến những chuyện ấy, đúng ra là tôi không nghĩ đến tôi cố sức phấn đấu để khỏi suy nghĩ lung tung. Tôi cảm thấy tư tưởng của tôi như gạo chảy ra khỏi cái bao rách.

Khi chúng tôi leo lên đồi để về lại quán trọ, tôi phải đi chậm sau đoàn người để lấy khăn trong tay áo. Dĩ nhiên đi bộ trên đường, người phát nóng, ánh sáng buổi chiều chíếu thẳng lên mặt chúng tôi. Tôi không phải là người duy nhất toát mồ hôi. Nhưng Nobu đi thụt lùi ra sau để hỏi tôi có khoẻ không.
Khi tôi không trả lời ngay cho ông ta được, tôi hy vọng ông ta sẽ nghĩ rằng vì leo lên đồi qúa căng thẳng nên tôi bị mệt.

– Sayuri, cô cũng không được khoẻ cả ngày cuối tuần. Có lẽ cô nên ở lại Kyoto mới phải.

– Thế thì khi nào em mới được xem hòn đảo xinh đẹp này?

– Theo tôi thì đây là nơi xa nhà cô nhất. Bây giờ chúng ta xa Kyoto bằng xa

Hokkaido rồi đấy.

Những người khác đã đi khuất trong đoạn đường rẽ ở phía trước. Qua vai của Nobu, tôi thấy chái nhà của quán trọ nhô lên giữa đám cây. Tôi muốn trả lời ông ta nhưng bỗng cái ý nghĩ đã làm cho tôi bối rối khi ngồi trên máy bay lại hiện đến xâm chiếm lấy tôi, cái ý nghĩ cho rằng Nobu không hiểu tôi gì hết. Kyoto không phải quê nhà tôi, theo cái nghĩa mà ông Nobu muốn nói đến, không phải là nơi tôi lớn lên, nơi tôi không bao giờ bị lạc. Và bỗng thình lình, trong khi tôi nhìn ông ta dưới ánh mặt trời nóng gắt, tôi quyết định phải thực hiện kế hoạch mà tôi lo sợ. Tôi phải phản bội ông Nobu, mặc dù ông đang đứng nhìn tôi với vẻ thật thà chất phác. Tay tôi run run cất cái khăn đi, và chúng tôi tiếp tục đi lên đồi, không ai nói với nhau một tiếng.

Khi tôi về đến phòng, ông Chủ tịch và Mameha đã ngồi vào bàn bắt đầu trò chơi ra câu đối, họ một phe đấu lại phe của ông giám đốc ngân hàng, với Shizue và người con trai làm giám sát. Cửa kính ở phía tường đàng kia để mở, ông Thứ trưởng tựa một khuỷu tay lên gối, mắt nhìn ra ngoài, vừa tước vỏ một khúc mía ngắn mà ông ta vừa mang theo về. Tôi sợ ông Nobu cứ theo tôi mà nói chuyện, khiến tôi không làm sao mà tránh được, nhưng may thay, ông ta đi thẳng tới bàn để nói chuyện với Mameha. Tôi không biết làm sao dụ cho được ông Thứ trưởng đi theo tôi đến nhà hát, và cũng không biết làm sao để cho ông Nobu tìm ra được chúng tôi. Có lẽ Bí Ngô sẽ đưa ông đi dạo một vòng, nếu tôi nhờ cô ta làm thế, có được không? Tôi nghĩ không thể nhờ Mameha làm công việc đó được, còn Bí Ngô và tôi đã cùng sống với nhau trong những ngày còn nhỏ. Và mặc dù tôi không gọi cô ta là đồ cục cằn thô lỗ như bà Dì thường gọi, nhưng Bí Ngô vẫn có tính khờ khạo, cho nên cô ta không thắc mắc gì khi tôi nhờ cô ta làm việc ấy. Tôi phải hướng dẫn Bí Ngô cho thật rõ ràng để cô ấy dẫn Nobu đến nhà hát, họ không thể nào tình cờ mà đến chỗ ấy cho được.

Tôi quỳ một hồi lâu, đưa mắt nhìn ra đám lá lấp lánh dưới ánh mặt trời, lòng ước sao được yên ổn nhìn ngắm cảnh đẹp của buổi chiều vùng nhiệt đới. Tôi cứ tự hỏi không biết mình có đủ bình tĩnh để thực hiện kế hoạch này không, nhưng cho dù tôi có lo sợ đến đâu đi nữa, tôi cũng phải thực hiện cho bằng được. Rõ ràng không có chuyện gì xảy ra cho đến khi tôi lôi được riêng ông Thứ trưởng ra, và trước mắt tôi không thể hành động gì được. Vì ông ta vừa gọi cô hầu mang đồ nhắm đến, ngồi khoanh chân bên mâm thức ăn, đũa găp mực ống lia lịa và nốc bia ừng ực. Cá đối với tôi cũng đủ làm cho tôi buồn ói rồi huống chi là mực. Nhưng trong các quán ăn quán nhậu khắp nước Nhật, món mực rất phổ biến. Bố tôi rất thích món này, nhưng tôi thì chịu, bao tử tôi không dung nạp được. Thậm chí nhìn ông Thứ trưởng ăn thôi, tôi cũng không muốn nhìn.

Lát sau tôi nói nhỏ nhẹ với ông Thứ trưởng:

– Thưa ông, em xin phép đi lấy món gì ngon hơn cho ông nhậu nhé?

– Thôi – ông ta đáp – tôi không đói.

Câu trả lời của ông ta khiến cho tôi thắc mắc, vì tại sao ông không đói mà ông ta ăn uống như thế. Khi ấy Mameha và Nobu đi ra phía sau cửa để nói chuyện, còn những người khác, kể cả Bí Ngô, tụ lại quanh bàn cờ trên bàn. Rõ ràng ông Chủ tịch đi bậy một nước cờ, mọi người cười rộ lên. Tôi thấy cơ hội tốt đã đến.

– Thưa ông Thứ trưởng – tôi nói – nếu ông cảm thấy buồn, tại sao chúng ta không đi dạo một vòng cho vui? Em rất muốn đi xem quanh đây, nhưng không có dịp.

Tôi không đợi ông ta đứng dậy mà đi ra khỏi phòng. Tôi vui mừng khi thấy ông ta bước theo tôi đi ra ngoài. Chúng tôi lặng lẽ bước theo dọc hành lang, cho đến khi chúng tôi đến chỗ ngoặc, tôi dừng lại nhìn xem có ai đi theo chúng tôi không. Không có ai hết.

– Thưa ông Thứ trưởng, chúng ta đi xuống làng chơi có được không? Ông ta có vẻ bối rối khi nghe tôi nói như thế.
– Chúng ta còn một giờ nữa mới hết buổi chiều – tôi nói tiếp – và tôi nhớ có chỗ rất hấp dẫn, tôi muốn xem lại cho biết.

Ngẫm nghĩ một lát, ông Thứ trưởng nói:

– Để tôi đi vào phòng vệ sinh trước cái đã.

– Dạ tốt, xin ông cứ đi, và khi nào xong, xin ông đợi em ở đây để chúng ta cùng đi với nhau. Ông đừng đi đâu hết cho đến khi em đến tìm ông.

Ông Thứ trưởng có vẻ thích thú ra mặt, bèn lui lại hành lang để đi đến phòng vệ sinh. Tôi quay lại phòng. Tôi cảm thấy choáng váng – thế là tôi đang thực hiện kế hoạch – khi đặt tay mở cửa, tôi không có cảm giác gì nơi mấy ngón tay.

Bí Ngô không còn ngồi ở bàn nữa, cô ta đang tìm cái gì trong vali của mình. Tôi mở miệng nói nhưng nói không ra lời. Tôi phải đằng hắng cho thông cổ rồi mới nói được.

– Xin lỗi Bí Ngô, mình muốn nhờ bạn một việc…

Cô ta có vẻ muốn ngừng tay, nhưng cô ta vẫn miễn cưỡng để vali lộn xộn đồ đạc như thế và theo tôi ra ngoài hành lang. Tôi dẫn cô ta đi ra xa và nói:

– Bí Ngô, mình muốn bạn giúp mình một việc.

Tôi cứ nghĩ cô ta sẽ nói cô ta rất sung sướng được giúp tôi, nhưng cô ta chỉ đứng im trố mắt nhìn tôi.

– Mình nhờ bạn làm một việc…

– Nhờ à? – cô ta hỏi.

– Ông Thứ trưởng và mình sẽ đi chơi một vòng, mình sẽ đưa ông ta đến chỗ nhà hát cũ, và…

– Tại sao?

– Để mình và ông ấy được ở riêng với nhau.

– Ông Thứ trưởng à? – Bí Ngô kinh ngạc hỏi.

– Lúc khác mình sẽ giải thích cho bạn hiểu, còn bây giờ mình muốn nhờ bạn một việc như thế này. Mình nhờ bạn dẫn ông Nobu đến đấy và…Bí Ngô này, chuyện này rất kỳ khôi đấy. Mình muốn bạn bắt quả tang chuyện ông ấy với mình.

– Cô nói sao? Bắt quả tang ông ấy và cô à?

– Mình muốn bạn tìm cách dẫn ông Nobu đến đấy, mở cánh cửa sau mà hồi nãy chúng ta đã thấy, và…cho ông Nobu thấy ông Thứ trưởng với mình.

Trong khi tôi trình bày cho cô ta nghe kế hoạch, thì cô ta thấy ông Thứ trưởng đang đợi tôi trên hành lang nằm khuất dưới những tàn lá. Đoạn cô ta quay lui nhìn tôi.

– Cô âm mưu làm cái gì thế, Sayuri? – cô ta hỏi.

– Bây giờ mình không có thì giờ để nói rõ cho bạn nghe được. Nhưng chuyện này rất quan trọng, Bí Ngô à. Thật vậy, tương lai của mình nằm trong tay bạn đấy. Bạn nhớ là đừng để cho ai biết ngoài bạn và ông Nobu. Và lạy trời đừng để cho ông Chủ tịch biết, hay bất kỳ ai biết, mình sẽ trả công cho bạn bất kỳ cái gì bạn muốn.

Cô ta nhìn tôi một hồi lâu.

– Đã đến lúc cần Bí Ngô giúp đỡ lại, phải không? – cô ta nói.

Tôi không hiểu câu hỏi của cô ta có ý nghĩa gì, nhưng thay vì nói thêm cho tôi hiểu, cô ta bỏ đi.

Tôi không biết Bí Ngô có chịu giúp tôi hay không, nhưng đến nước này, tôi phải tiếp tục kế hoạch của tôi, và tôi hy vọng cô ta và Nobu sẽ đến. Tôi đến gặp ông Thứ trưởng đứng đợi trên hành lang, và chúng tôi đi xuống đồi.

Khi chúng tôi đến chỗ đường rẽ, khuất quán trọ, tôi bỗng nhớ đến ngày Mameha cắt chân tôi và đem tôi đến bác sĩ Cua. Chiều hôm ấy tôi cảm thấy mình đã dấn thân vào một việc rất nguy hiểm không tài nào hiểu nổi, và bây giờ tôi lại dấn thân vào một việc cũng nguy hiểm không kém. Mặt tôi nóng ran vì ánh mặt trời chiều chiếu vào, như đang ngồi bên cạnh lò lửa, và khi nhìn qua ông Thứ trưởng, tôi thấy mồ hôi chảy nhễ nhại trên cổ ông ta. Nếu chốc nữa mà ông ta áp cái cổ ấy vào tôi…nghĩ đến chuyện ấy, tôi liền lấy cái quạt trong dải thắt lưng ra, quạt lia lịa cho cả hai người cho đến khi tay tôi mỏi nhừ. Vừa quạt, tôi vừa nói chuyện huyên thuyên cho đến khi chúng tôi đến gần nhà hát. Chúng tôi dừng lại trước ngôi nhà có mái tranh. Ông Thứ trưởng có vẻ hoang mang. Ông đằng hắng giọng và ngước mắt nhìn trời.

– Ông vào trong nhà với em một lát nhé, thưa ông? – tôi nói.

Ông ta có vẻ ngơ ngác như không hiểu tôi muốn vào để làm gì, nhưng khi thấy tôi đi vào, ông ta cũng đi theo. Tôi bước lên tầng cấp bằng đá, mở cửa cho ông ta vào. Ông ta đứng lại ngần ngừ một lát mới đi vào trong. Nếu ông ta thường đến Gion vui chơi, thì chắc thế nào ông ta cũng hiểu được ý đồ của tôi – vì người geisha nào quyến rũ đàn ông đến chỗ vắng vẻ tức là cô ta đã đánh liều danh tiếng của mình, và người geisha loại một không bao giờ làm một việc như thế. Nhưng ông Thứ trưởng chỉ đứng trong nhà hát, trong vệt ánh sáng mặt trời chiếu vào như người đứng đợi xe buýt. Hai tay tôi run lập cập, tôi xếp quạt nhét vào trong dải thắt lưng, lòng lo sợ không thực hiện được kế hoạch đến nơi đến chốn. Nội việc đóng cửa lại thôi cũng là công việc quá mức của tôi, rồi chúng tôi đứng trong ánh sáng lờ mờ lọt vào dưới khe các chái nhà. Thế nhưng ông Thứ trưởng vẫn đứng bất động, mặt quay về đống chiếu rơm để trong góc sân khấu.

– Thưa ông – tôi nói.

Giọng tôi vang to trong căn phòng bé nhỏ, tôi liền nói nhỏ lại:

– Thưa ông, nếu ông cho phép, tôi xin kể ông nghe câu chuyện cô geisha tên Kazuyo. Cô ta không còn ở Gion nữa, nhưng tôi biết rất rõ về cô ta. Một nhân vật rất quan trọng – như ông vậy – gặp Kazuyo, vui chơi với cô ta rất thoải mái đến nỗi ông ta trở lại Gion hằng đêm để gặp cô ta. Mấy tháng sau, ông ta muốn được làm danna của Kazuyo, nhưng bà chủ phòng trà xin lỗi, nói rằng việc ấy không thể được. Ông ta rất thất vọng, nhưng rồi một buổi chiều, Kazuyo dẫn ông ta đến một chỗ vắng vẻ chỉ có hai người với nhau thôi. Một chỗ vắng vẻ như nhà hát này. Và có thể giải thích cho ông ấy hiểu rằng mặc dù ông ta không thể làm danna của cô ta được nhưng…

Khi nghe tôi nói thế, mặt ông Thứ trưởng thay đổi như cái thung lũng được ánh sáng mặt trời rọi xuống. Ông ta vụng về tiến lại gần tôi. Tim tôi bắt đầu đập thình thịch. Tôi nhắm mắt quay đi chỗ khác. Khi tôi mở mắt ra lại, tôi thấy ông ta đã đến gần, rồi tôi cảm thấy làn da mịn màng trên mặt ông ta áp vào má tôi. Ông ta kéo nhẹ người tôi vào sát người ông ta rồi ôm tôi siết vào lòng. Ông ta nắm tay tôi, có lẽ muốn kéo tôi nằm xuống trên sàn ván, nhưng tôi chặn ông ta lại và nói:

– Sàn ván sân khấu quá dơ. Ông đến lấy chiếc chiếu trên đống chiếu mang tới đây.

– Chúng ta cùng đến đó – ông Thứ trưởng nói.

Nếu chúng tôi nằm trên đống chiếu trong góc nhà hát thì Nobu mở cửa, ông ta sẽ không thấy chúng tôi.

– Không, đừng nằm ở đấy. Ông hãy đem chiếu đến đây thôi.

Ông Thứ trưởng làm theo ý tôi yêu cầu, rồi đứng yên nhìn tôi. Mãi cho đến khi ấy, tôi vẫn còn lo ngại có chuyện gì xảy ra có thể ngăn tôi lại, nhưng đến lúc ấy, tôi thấy chẳng có gì ngăn cản chúng tôi được nữa. Thời gian như ngừng trôi. Khi tôi tuột chân ra khỏi đôi hài để đứng vào chiếu, tôi thấy chân tôi như chân của ai khác.

Liền khi đó ông Thứ trưởng tháo giày ra bước vào chiếu, quàng tay quanh tôi để mở nút trên dải thắt lưng của tôi ra. Tôi không biết ông ta nghĩ gì, nhưng tôi không muốn cởi áo kimono ra. Tôi đưa tay ra sau lưng chặn ông lại. Sáng nay khi mặc áo, tôi chưa có quyết định dứt khóat, nhưng để chuẩn bị trước, tôi đã mặc cái áo lót màu xám tôi không thích – để phòng có bị vấy bẩn – và mặc ra ngoài chiếc kimono bằng lụa có màu xanh và màu tím, cũng như thắt dải thắt lưng bạc dùng đã lâu ngày rồi. Còn đồ lót, tôi vấn cao chiếc koshimoki – vải quấn quanh mông – lên trên eo, để phòng khi tôi dụ được ông Thứ trưởng, ông ta có thể dễ dàng vào trong tôi. Khi thấy tôi kéo tay ông ta ra, ông đứng ngơ ngác, ngạc nhiên nhìn tôi. Tôi đoán ông ta tưởng tôi ngăn cản, nhưng khi thấy tôi nằm xuống chiếu, ông ta vui sướng trở lại.
Chiếu không phải là chiếu nệm, mà là chiếu rơm đơn sơ, nên tôi cảm thấy sàn ván cứng ngắc dưới lưng. Tôi đưa tay kéo áo kimono và áo lót lên cao sang một bên để cho hai chân phô ra tận đầu gối. Ông Thứ trưởng vẫn còn mặc quần, nhưng ông ta nằm chồm lên người tôi liền, khiến cái nút sau dải thắt lưng cộm lên sau lưng tôi, tôi phải nâng mông lên cho khỏi khó chịu. Đầu tôi phải nghiêng sang một bên vì tôi làm tóc theo kiểu tsubushi shimada, kiểu búi tóc lên một cục phía sau gáy, nghĩa là nếu tôi nằm ngửa đầu đè mạnh lên búi tóc, tóc sẽ hỏng ngay. Cách nằm như thế này thật khó chịu, nhưng sự khó chịu này so với sự bất ổn, lo buồn trong lòng tôi thì chẳng nghĩa lý gì. Bỗng thình lình tôi tự hỏi tôi đã suy nghĩ kỹ càng chưa khi dấn thân vào tình huống khó khăn này. Ông Thứ trưởng chống một tay để nhổm người lên, rồi lấy tay kia kéo vạt áo kimono của tôi lên, mấy ngón tay cọ vào da thịt trên đùi tôi. Như một phản xạ tự nhiên, tôi đưa tay lên vai ông ta như muốn đẩy ông ta đi…nhưng bỗng hình ảnh ông Nobu hiện ra trong óc tôi, tôi nghĩ đến chuyện Nobu sẽ làm danna của tôi và tôi sẽ sống cả một cuộc sống vô vọng, cho nên tôi cất tay đi, để lại trên chiếu. Bàn tay ông Thứ trưởng mò lên cao dần trên đùi tôi, không thể nào không có cảm giác được. Tôi cố quên đi bàn tay của ông bằng cách nhìn ra phía cửa. Có lẽ cửa sẽ mở trước khi ông Thứ trưởng đi xa hơn, nhưng ngay khi ấy, tôi nghe tiếng sợi dây thắt lưng mở ra lích kích, rồi tiếng sợi dây kéo trên quần kéo ra, và một lát sau, ông ta đẩy vào trong tôi. Bất giác tôi cảm thấy mình là cô gái 15 tuổi trở lại, vì tôi xót xa nhớ cái ngày bán thân cho ông bác sĩ Cua. Thậm chí tôi còn nghe tôi khóc thút thít nữa. Ông Thứ trưởng chống trên hai cùi tay, sát mặt vào với mặt tôi. Tôi thấy mặt ông ta qua khoé mắt. Khi nhìn mặt ông ta gần như thế này, với cái quai hàm chìa ra phía mặt tôi, tôi thấy ông ta có vẻ thú vật hơn là người. Và thậm chí điều này còn chưa phải tệ nhất, và khi quai hàm ông ta chìa ra như thế, môi dưới ông ta trông như cái tách đựng đầy nước dãi.
Không biết có phải vì ông ta ăn mực không mà nước dãi của ông có màu xám sền sệt khiến tôi nghĩ đến chất dơ nằm trên cái thới làm cá.

Khi tôi mặc áo sáng nay, tôi đã nhét nhiều giấy lau ở phía sau dải thắt lưng. Tôi không nghĩ đến chuyện phải dùng chúng cho đến bây giờ, tôi muốn lấy chúng ra để lau mặt khi nước dãi của ông ta chảy vào mặt tôi. Thế nhưng, thân hình ông ta quá nặng. Tôi không thể nào đưa tay ra phía sau dải thắt lưng được. Tôi cố thử, và mỗi lần thế, tôi thở hổn hển, và tôi sợ ông Thứ trưởng hiểu lầm tôi đang sung sướng – hay có thể ông ta hiểu thật, và dĩ nhiên ông hoạt động mạnh lên, và lúc này thì nước dãi của ông tuôn ra như sóng trào, tôi nghĩ thế nào chúng cũng chảy xuống mặt tôi như nước suối.
Tôi chỉ còn việc nhắm mắt chờ đợi thôi. Tôi cảm thấy đau đớn như đang nằm dưới lòng một chiếc thuyền nhỏ, bị sóng dồi lên dồi xuống, đầu lắc lư va vào mạn thuyền. Thế rồi bỗng dưng ông Thứ trưởng rên lên một tiếng và nằm yên một hồi lâu, đồng thời tôi cảm thấy nước dãi của ông chảy xuống má tôi.

Tôi lại cố đưa tay ra sau để lấy khăn giấy, nhưng ông Thứ trưởng nằm đè lên người tôi, thở hồng hộc như vừa chạy đua về. Tôi định đẩy ông ta xuống thì bỗng tôi nghe có tiếng sột soạt ở bên ngoài. Tôi cảm thấy quá ghê tởm đến độ không muốn làm gì hết. Nhưng chợt tôi nhớ đến Nobu, tim tôi đập mạnh trở lại. Tôi nghe tiếng sột soạt to hơn, như tiếng chân người đi lên thang cấp bằng đá. Ông Thứ trưởng có vẻ như không quan tâm lắm đến việc sắp xảy ra, ông thờ ơ ngẩng đầu nhìn ra cửa như thể có con chim nào đang cào chân vào cửa. Nhưng bỗng nhiên cánh cửa bật mở ra và ánh sáng ùa vào chiếu rõ chúng tôi. Tôi phải nhìn xiên, nhưng tôi cũng thấy được có hai bóng người. Một người là Bí Ngô, cô ta đã đến nhà hát đúng lúc tôi mong đợi. Nhưng người đàn ông đứng bên cạnh cô ta đang nhìn xuống chúng tôi không phải là Nobu. Tôi không hiểu tại sao cô ta đã làm thế, thay vì dẫn Nobu đến, cô ta lại dẫn ông Chủ tịch.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.