Hồi Ức Về Những Cô Gái Điếm Buồn Của Tôi

Chương 5 – Phần 2 (Hết)



Cuối cùng thì tôi, toàn thân ướt đẫm mồ hôi, cũng mở được lối ra giữa các vòng tay và máy chụp ảnh, và vô tình gặp Ximena Ortiz, trông như một nữ chúa một trăm tuổi trên xe lăn. Bản thân sự có mặt của bà đã như một lời tuyên án trọng tội đối với tôi. Bà vận bộ đồ lụa màu trắng ngà, mềm mại như chính làn da của mình, mang vòng ngọc chính hiệu quấn ba vòng quanh cổ, mái tóc màu xà cừ cắt ngắn đúng mốt những năm hai mươi với một đuôi tóc hình cánh én một bên má, và đôi mắt ánh vàng rạng rỡ dưới vầng thâm quầng tự nhiên ở đuôi mắt. Mọi thứ như điều trái ngược với tin đồn là trí não của bà đã trống rỗng vì mất hết trí nhớ. Đứng chết lặng trước bà ta, tôi cố kìm làn hơi lửa đang bốc lên mặt và lặng lẽ cúi chào. Bà ta mỉm cười như một nữ hoàng rồi nắm tay tôi. Tôi chợt nhận ra đây là định mệnh mà mình không thể bỏ qua để có thể gỡ miếng xương bị hóc từ bấy lâu nay. Từ bao năm nay tôi đã mơ tới giây phút này, tôi nói với bà ta. Hình như bà ấy không hiểu. Thật vậy à!, bà ta nói. Thế ông là ai? Tôi không bao giờ biết được lúc đó bà ta thật sự đã quên hay đó là sự trả thù cuối cùng của đời bà.

Niềm tin là mình có thể chết đến với tôi cũng một dịp như thế này mấy hôm trước sinh nhật thứ năm mươi, vào một đêm hội hóa trang khi tôi đang nhảy điệu tan-gô với một người đàn bà ghê gớm mà tôi chưa bao giờ thấy mặt, béo hơn tôi đến bốn mươi cân Anh[10] và cao hơn tôi đến hai tấc, nhưng lại để tôi lôi đi nhẹ nhàng như chiếc lồng chim trước gió. Khi nhảy múa, chúng tôi ôm nhau chặt đến mức tôi cảm thấy cả dòng máu đang chảy trong huyết quản của bà ta. Tôi như bị ru ngủ vì hơi thở nặng nề, mùi hôi nách nồng nặc, cặp vú khổng lồ của bà ta, và lần đầu tiên bị rung động mạnh, tôi như bị ngã bổ chửng vì tiếng hò hét của cái chết. Đó như một lời phán truyền dã man vang ngay bên tai tôi: Bây muốn làm gì thì làm, nhưng trong năm nay hoặc trong một trăm năm nữa bây sẽ chết vĩnh viễn.

[10] Bốn mươi cân Anh: Khoảng hai mươi kí lô.

Bà ta giật mình bỏ tôi ra: Cái gì thế? Không có gì đâu, tôi nói với bà ta nhưng cố kìm giữ trái tim mình:

– Tôi run vì bà.

Từ hôm đó tôi bắt đầu tính toán cuộc đời không phải bằng từng năm mà mười năm một. Mười năm của tuổi năm mươi có giá trị quyết định bởi vì tôi nhận ra là mọi người đều ít tuổi hơn mình. Mười năm của tuổi sáu mươi rất căng thẳng vì tôi nghĩ rằng mình không còn đủ thời gian để mắc sai lầm nữa. Mười năm của tuổi bảy mươi thật đáng sợ vì nhiều lúc đã tưởng đó là những tháng ngày cuối cùng. Tuy nhiên, khi tỉnh dậy thấy mình còn sống trong buổi sáng đầu tiên của những năm chín mươi tuổi trên giường hạnh phúc với Delgadina, tôi vui vẻ thấy rằng cuộc đời không phải như dòng sông ngầu đục của Heraclite[11], mà là một dịp duy nhất được xoay trên que xiên ngang và tiếp tục được nướng tiếp ở mặt khác trong chín mươi năm nữa.

[11] Heraclite ( khoảng 576 – 480 TCN ): Nhà hiền triết của Hy Lạp cổ đại.

Tôi lại trở nên mau nước mắt. Bất cứ tình cảm thương yêu nào cũng làm tôi nghẹn ngào trong cổ họng mà không phải lúc nào cũng nén được, và tôi nghĩ đến chuyện từ bỏ niềm vui đơn độc chăm sóc giấc ngủ của Delgadina không chỉ vì biết mình sắp chết mà còn vì nỗi đau, thương cô bé sẽ sống thiếu mình trong những năm còn lại của đời em. Một trong những ngày bất định đó, tôi đãng trí đi đến đường phố cao quý Notorios và kinh ngạc thấy cái nhà trọ rẻ mạt nơi mà lúc chưa đầy mười hai tuổi, tôi bị cưỡng bức học bài học đầu tiên nghệ thuật làm tình nay chỉ còn là một đống gạch vụn. Thời trước nó đã từng là một căn nhà của một hãng tàu biển lộng lẫy bậc nhất thành phố với những hàng cột đá hoa cương trắng có viền các lá đồng giả vàng, quây quanh một khu vườn có vòm thuỷ tinh bảy màu rạng rỡ như trong nhà kính. Ở tầng trệt, có cửa ra vào kiểu gô-tích là trụ sở trong suốt hơn một thế kỉ của Phòng công chứng thời thuộc địa, cũng chính là nơi suốt cả đời đầy mơ ước hão huyền bố tôi đã làm việc, phát tài phát lộc và rồi phá sản. Các gia đình ngụ cư đầu tiên đã dần dần từ bỏ các tầng trên, nhường chỗ cho đội quân những cô gái làm tiền mạt hạng lên xuống suốt đêm cho đến tận sáng với các khách hàng chộp được ở các quán nhậu bên cảng sông gần đó với cái giá một đồng rưỡi peso.

Một lần, khi chưa đầy mười hai tuổi, còn mặc quần đùi và giày học trò trường tiểu học, không nén được tò mò xem các tầng trên có gì trong khi bố đang vật lộn với một trong vô vàn cuộc họp bất tận, tôi đã đi lên trên và thấy một quang cảnh thần tiên. Những người đàn bà đã bán rẻ thân xác của mình cho đến tận sáng bạch, đang đi lại trong nhà từ mười giờ trưa dưới cái nóng hầm hập của vòm thuỷ tinh nên đành phải lõa thể và luôn miệng hét kể lại những cuộc phiêu lưu đêm hôm trước. Tôi vô cùng sợ hãi. Chỉ còn cách trốn ngay theo lối vừa lên, nhưng ngay lập tức một người đàn bà trần như nhộng, thịt chắc nịch sặc mùi xà phòng rẻ tiền ôm choàng lấy tôi từ phía sau lưng, nhấc bổng lên đưa về buồng ngăn bằng bìa giữa tiếng reo hò và hoan hô cuồng nhiệt của những người đàn bà lõa lồ khác đang thuê nhà ở đó. Bà ta đè ngửa tôi xuống chiếc giường dành cho bốn người, cởi quần của tôi với tài khéo léo bậc thầy, rồi nằm lên người tôi, nhưng nỗi sợ hãi chạy lạnh buốt trong người khiến tôi không thể tiếp nhận bà ta trên cương vị người đàn ông. Đêm hôm đó, trên giường ở nhà mình, xấu hổ vì cuộc cưỡng bức buổi sáng, tôi chỉ ngủ được có hơn một tiếng đồng hồ còn thì trằn trọc với niềm khát khao được gặp lại bà ta. Buổi sáng hôm sau, trong khi những kẻ thức khuya còn đang ngủ rốn thì tôi run run trèo lên buồng đánh thức bà ta dậy, vừa khóc to thành tiếng với tình yêu cuồng điên cho đến khi bà ta, không chút thương xót, đưa mình đến cửa vào đời thực. Bà ta tên là Castorina và là nữ hoàng của cái nhà đó.

Cuộc tình trong nhà trọ này giá một đồng đối với những mối tình chớp nhoáng vãng lai, nhưng rất ít người trong chúng tôi biết rằng với giá này cũng có thể kéo dài đến hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Từ đó, Castorina đã dẫn dắt tôi vào cái thế giới chết tiệt nơi bà ta mời các khách hàng nghèo cùng dùng bữa ăn điểm tâm kha khá, cho họ mượn xà phòng, chữa đau răng cho họ, và trong những trường hợp khẩn cấp hơn, còn cho họ một cuộc tình từ thiện.

Không còn ai nhớ đến Castorina bất tử nữa, vốn đã chết không biết từ lúc nào, nhưng bà ta là một người đàn bà đi lên từ những góc phố khốn cùng ở cảng sông để chiếm giữ ngai vàng thiêng liêng của mẹ thánh lớn nhất, bà ta cũng thường mang miếng vải bịt kiểu cướp biển che một mắt bị mất trong cuộc đánh lộn ở quán nhậu. Tay vệ sĩ cuối cùng của bà ta, một người da đen hạnh phúc sinh ở tỉnh Camaguay, Cuba, được gọi là Jonas, vốn là một trong những nhạc công thổi kèn trompét có tiếng ở thủ đô La Habana cho đến khi bị tai nạn xe lửa mất sạch hàm răng luôn cười rạng rỡ.

Sau chuyến đi thăm cay đắng đó, tôi cảm thấy tim mình đau nhói mà trong suốt ba ngày không một loại thuốc của thầy lang vườn nào làm dịu bớt. Tôi vội đến khám ông bác sĩ, thành viên một dòng tộc nổi tiếng, cháu nội của người thầy thuốc đã khám cho tôi lúc bốn mươi hai tuổi. Tôi giật mình tưởng gặp lại chính ông thầy thuốc trước đây vì viên bác sĩ cũng già khọm như ông nội ở tuổi bảy mươi với cái đầu sớm bị hói và đôi kính cận dày cộp và với vẻ buồn bã thảm hại. Viên bác sĩ khám tỉ mỉ toàn thân tôi chăm chú cứ y như một thợ kim hoàn. Ông nghe ngực, lưng, xem mạch, phản xạ của đầu gối, đáy mắt, màu của mi dưới. Khi ngơi tay, trong khi tôi thay đổi vị trí nằm trên bàn khám thì ông ta đưa ra những câu hỏi nhanh và mơ hồ khiến tôi không kịp nghĩ câu trả lời. Sau một giờ đồng hồ, ông nhìn tôi và cười sung sướng. Tốt thôi, ông ta nói, tôi tin là mình chẳng có việc gì làm với ông cả. Thế nghĩa là sao? Nghĩa là thể trạng quá tốt so với tuổi của ông. Kì lạ thật, tôi nói, ông nội của ông cũng nói câu y như thế này khi tôi bốn mươi hai tuổi, làm như thời gian chưa từng trôi không bằng. Ông gặp ai thì người ta cũng luôn nói như vậy, ông ta nói tiếp, bởi vì bao giờ ông cũng có một tuổi nào đó. Để khiêu khích buộc ông ta nói lời phán quyết đáng sợ, tôi nói: Tuổi vĩnh viễn duy nhất chính là cái chết. Đúng vậy, ông ta nói, nhưng không dễ đến được tuổi ấy với một thể trạng khỏe mạnh như ông bây giờ. Tôi rất lấy làm tiếc là không thể làm hài lòng ông được.

Đó là những kỉ niệm rất cao đẹp, nhưng đêm trước ngày sinh, 29 tháng Tám, tôi cảm thấy sức nặng kinh hồn của một thế kỉ đang lặng lẽ chờ mình khi tôi khó nhọc leo lên cầu thang ở nhà. Lúc đó, một lần nữa tôi lại nhìn thấy mẹ, Florina de Dios, trên giường của tôi cũng chính là giường của bà đã dùng cho đến tận khi chết, mẹ lại cầu nguyện cho tôi y như lần cuối cùng tôi gặp bà, hai giờ trước khi bà mất. Tôi lo lắng hiểu việc này có thể là điềm báo hiệu cuối cùng là mình sẽ không qua khỏi tuổi chín mươi nên vội vàng gọi điện thoại yêu cầu Rosa Cabarcas phải đưa ngay cô bé của tôi đến trong đêm nay. Tôi lại gọi bà ta lần nữa vào lúc tám giờ tối và bà ta vẫn nhắc lại là không thể được. Phải làm bằng được, bằng bất cứ giá nào, tôi sợ hãi hét lên và dập máy điện thoại quên cả chào. Nhưng mười lăm phút sau bà ta gọi điện lại:

– Được rồi, con bé đã ở đây.

Tôi đến vào lúc mười giờ hai mươi phút, và lật hết những con bài cuối cùng cho Rosa Cabarcas, đó chính là những quyết định của tôi đối với bé gái sau cái kết cục đáng sợ của chính mình. Bà ta cứ nghĩ là tôi vẫn còn ấn tượng về vụ người đàn ông bị đâm chết nên nói đùa: Nếu ông chết thì dứt khoát không phải là ở đây, ông hãy hình dung như vậy. Nhưng tôi lại nói với bà ta: Bà cứ nói chuyến tàu hỏa ở cảng Colombia sẽ đè lên người tôi đi, nhưng tôi thừa biết đống sắt vụn đáng thương đó lại không đủ khả năng giết hại ai cả.

Chuẩn bị sẵn sàng cho đêm đó, tôi nằm ngửa chờ đợi kết cục đau buồn của những giây phút đầu tiên của tuổi chín mươi mốt. Tôi nghe tiếng chuông nhà thờ vọng lại từ nơi xa, cảm thấy hương thơm ngào ngạt của tâm hồn Delgadina ngủ say bên cạnh, nghe thấy tiếng la hét nơi chân trời xa, tiếng khóc thổn thức của ai đó có lẽ đã chết ngay trong phòng này một thế kỉ trước. Tôi liền tắt đèn và với lòng can đảm cuối cùng, tôi lồng các ngón tay mình với các ngón tay cô bé để dắt tay nhau cùng đi. Tôi đếm mười hai tiếng chuông với mười hai giọt lệ cuối cùng của mình cho đến khi gà bắt đầu gáy sáng, và sau đó là những hồi chuông vinh quang, những tràng pháo hoa ngày lễ hội phấn khởi chào mừng tôi đã khỏe mạnh và an toàn vượt qua tuổi chín mươi.

Những lời nói đầu tiên của tôi dành cho Rosa Cabarcas: Tôi sẽ mua của bà toàn bộ khu nhà, gồm cửa hàng và vườn tược. Bà ta nói với tôi: Chúng ta hãy làm một cuộc thách đố kiểu người già: ai trong hai ta mà sống sót thì sẽ được hưởng toàn bộ tài sản của người kia, và điều này sẽ được kí kết tại phòng công chứng. Không được, bởi vì nếu tôi chết thì mọi tài sản của tôi phải thuộc về cô bé. Thì cũng như vậy thôi, Rosa Cabarcas nói, tôi sẽ chăm sóc cô bé và sau đó tôi sẽ để lại toàn bộ tài sản, của ông và của tôi, cho nó; tôi có ai khác ở trên đời này nữa đâu. Trong khi đó, chúng ta sẽ sửa lại căn phòng của ông cho thật tươm tất, nhà tắm thật tốt, có điều hòa nhiệt độ, có sách của ông, có âm nhạc của ông.

– Bà nghĩ rằng cô bé sẽ nhất trí chứ?

Ái chà, nhà thông thái buồn bã ơi, đúng là ông đã già nhưng không ngu muội – Rosa Cabarcas cười ngặt nghẽo nói – Đứa bé đáng thương đó đang mê muội vì yêu thương ông đấy.

Tôi đi ra phố ngập tràn ánh nắng và lần đầu tiên tôi nhận ra chính mình ở chân trời xa của thế kỉ thứ nhất của cuộc đời. Căn nhà của tôi, im lặng và hoàn toàn gọn gàng nề nếp, bắt đầu hưởng sắc màu của bình minh hạnh phúc. Damiana hát to dưới bếp và con mèo sống lại cạ đuôi vào giày tôi rồi đi theo tôi đến tận bàn viết. Giấy tờ héo mòn, lọ mực, chiếc bút lông ngỗng của tôi đều đã được sắp xếp gọn gàng trở lại, khi ánh nắng mặt trời lấp lánh giữa hàng cây bàng ngoài công viên và chiếc tàu thủy chạy trên sông chở thư tín vốn bị chậm một tuần vì hạn hán, đã kéo còi ồn ã đi vào cảng. Cuối cùng thì đó chính là đời thực, với trái tim tôi mạnh khỏe nhưng đã bị tuyên án sẽ chết vì tình yêu đẹp đẽ trong cơn hấp hối hạnh phúc vào một ngày nào đó ở tuổi ngoài một trăm của tôi.

Tháng 5 năm 2004.

HẾT


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.