Hẳn mọi người còn nhớ cơn bão khủng khiếp xảy ra vào năm 1865. Trận cuồng phong đã hoành hành không ngớt từ ngày 18 đến ngày 26 tháng ba và sức tàn phá thật là ghê gớm: khắp châu Mỹ, châu Âu, châu Á, bao trùm cả một vùng rộng một ngàn tám trăm hải lý, kéo dài từ hướng đông bắc tới tận xích đạo.
Hậu quả do bão gây ra thật khủng khiếp. Tàu bè bị sóng đập nát, thành phố bị tàn phá, hàng ngàn người bị những trận lốc xoáy cuốn đi hoặc nhận chìm xuống lòng biển. Khi trên đất liền và trên biển đang chịu đựng trận thiên tai này thì một thảm kịch không kém phần khủng khiếp cũng đã xảy ra trên không do bão tố gây nên.
Trong những ngày tháng ba năm 1865, trận cuồng phong đã cuốn phăng một quả khí cầu mà trên đó có năm người khách đang viễn du, nhồi nó lên tận đỉnh cột lốc như một quả bóng, rồi xoáy hút nó theo.
Trên giỏ treo của khí cầu có năm người. Ta có thể loáng thoáng nhận ra họ trong làn sương dày đặc quyện lẫn bụi nước đại dương.
Lúc này các nhà du hành đang ở trong giỏ treo của khí cầu không thể biết được họ đã vượt một chặng đường bao xa và khí cầu của họ bị cuốn đi đâu, họ không có một cột mốc nào để xác định vị trí cả. Mãi đến khi khí cầu vùn vụt lao xuống họ mới hay mình đang bay trên những lớp sóng biển hung dữ, và hiểu ra mình đang gặp nguy hiểm chết người. Nhưng khi họ vứt hết những vật nặng trong giỏ treo của khí cầu như súng đạn, lương thực thì khí cầu lại vọt lên.
Ngày hôm sau, khi bão bắt đầu yên cũng là lúc vỏ khí cầu lại dài ra, co rúm lại và họ xuống liên tục. Rõ ràng là không thể nào giữ cho khí cầu thăng bằng trên cao được nữa, vì nó không còn đủ hơi gas. Thế là cái chết đang sẵn sàng tìm đến họ!
Bên dưới không phải là đất liền, mà là biển cả mênh mông, không có cù lao, không đảo nổi, không một dải đất để neo khí cầu.
Đến hai giờ chiều ngày 24, khí cầu chỉ còn cách mặt đại dương khoảng bốn năm bộ. Đúng lúc ấy một tiếng nói quả cảm vang lên:
– Vứt bỏ hết mọi thứ rồi chứ?
– Chưa! Còn lại vàng, mười ngàn đồng Franc cả thảy! – một giọng nói khác kiên quyết nói.
Ngay tức khắc, chiếc bao tải nặng đựng tiền rơi vụt xuống đại dương.
– Còn vật gì để quẳng đi được không?
– Hết rồi!
– Mọi người hãy bám lấy lưới. Chúng ta sẽ vứt cái giỏ treo xuống biển. Thật vậy, chỉ còn cách cuối cùng và duy nhất ấy là có khả năng làm cho khí cầu nhẹ bớt mà thôi. Những sợi dây buộc nối vào vành đai lưới đã bị cắt đứt, và đến khi chiếc giỏ tách rời ra, khinh khí cầu bốc lên trên mực nước biển hai ngàn bộ.
Năm nhà du hành leo lên vành đai và bây giờ họ trụ trên các mắt lưới, tay bám chặt vào những sợi dây. Phía bên dưới, đại dương đang gầm thét. Đến bốn giờ chiều, khí cầu chỉ còn cách đại dương năm trăm bộ.
Bỗng con chó mà các nhà du hành mang theo sủa vang. Nó cũng đang ở bên dưới khí cầu, cạnh viên kỹ sư chủ nhân của nó.
– Con Top đã trông thấy cái gì rồi! – một người trong số du khách kêu lên.
Và liền ngay đó có tiếng reo vang:
– Đất liền! Đất liền!
Quả thật, trước mặt các du khách xuất hiện một bờ biển khá cao cách họ khoảng ba mươi hải lý. Muốn đến đó, khí cầu cần bay ít nhất một giờ, với điều kiện là gió không đổi hướng. Nếu hơi gas bị xì hết trước thời hạn đó thì sao?
Thật là một câu hỏi khủng khiếp! Các du khách bất hạnh đã cố phân biệt rõ mặt đất phía bên dưới. Họ không biết đó là đảo hay đất liền. Nhưng dù trước mặt họ là một hòn đảo hoang, thì cũng cần phải đến được đó bằng bất cứ giá nào.
Nửa giờ trôi qua, họ chỉ còn cách mặt đất không quá một hải lý, nhưng hơi gas trong khí cầu hầu như đã cạn kiệt, chỉ còn chút ít ở phần trên. Các du khách bíu chặt vào lưới và trọng lượng của họ quá tải đối với khí cầu.
Vỏ khí cầu bị gấp khúc, gió thổi trôi trên mặt nước như một cái thuyền buồm, chỉ còn cách bờ hai cabeltov nữa thôi. Nhưng bỗng bốn du khách bật lên tiếng kêu, và quả khí cầu bị mất hết sức nâng lại bất ngờ vọt lên cao khoảng một ngàn tám trăm bộ. Đến đây, nó lại sa vào một vùng không khí loãng và bị gió cuốn đi, không phải vào bờ, mà hầu như song song với bờ. Hai phút sau thì gió đổi hướng và quả cầu bị hất lên bờ cát.
Các du khách giúp nhau chui ra khỏi lớp lưới bao quanh họ. Quả khí cầu, sau khi thoát khỏi tình trạng quá tải, vụt bay lên khi gặp cơn gió đầu tiên, rồi biến mất trong bầu trời bao la. Trên giỏ treo của khí cầu trước đó có năm nhà du hành và một con chó, nhưng khi xuống mặt đất chỉ còn có bốn người.
Người thứ năm chắc đã bị sóng cuốn đi mất. Nhờ vậy mà trọng lượng của khí cầu nhẹ bớt khiến nó vọt lên lần cuối cùng và sau vài phút nó bay được vào bờ. Những người bị tai nạn trên không vừa đặt chân xuống mặt đất, không thấy người thứ năm đâu, đều thốt lên:
– Có lẽ ông ấy tự nguyện rời khỏi khí cầu để cứu chúng ta đấy. Bây giờ thì ông ấy đang ở trên biển và định bơi vào bờ. Phải tìm ông ta!
o O o
Những người bị trận cuồng phong quẳng lên bờ biển xa xăm nào đó không phải là những nhà du hành chuyên nghiệp hay những người yêu thích du ngoạn trên không. Họ bị bắt làm tù binh trong cuộc nội chiến ở Mỹ và tinh thần dũng cảm chân chính đã thôi thúc họ chạy trốn kẻ thù trong những hoàn cảnh hết sức éo le.
Tháng hai năm 1865, trong một cuộc tấn công của tướng Ulyss Grant vào thành phố Richmond, có một số sĩ quan quân đội ông bị sa vào tay địch và bị giam giữ ở đó. Một trong số những tù binh đáng chú ý nhất thuộc ban tham mưu của tướng Grant tên Cyrus Smith.
Cyrus Smith là người gốc Massachussetts, nghề nghiệp kỹ sư, đồng thời là một nhà bác học giỏi bậc nhất. Nhìn bề ngoài người ta có thể cho ông là người Bắc Mỹ chính thống với dáng vóc mảnh khảnh, thậm chí có phần hơi gầy. Mặc dù chưa quá bốn mươi lăm tuổi, nhưng mái tóc cắt ngắn của ông đã ánh lên những sợi tóc bạc.
Gương mặt của ông làm cho người ta sửng sốt về một vẻ đẹp trang nghiêm và khắc khổ, đôi mắt sáng ngời đầy nghị lực, đôi môi nghiêm nghị ít khi mỉm cười. Nói tóm lại, Cyrus Smith là hình ảnh của một nhà bác học mang tâm hồn của một người lính. Ông thuộc số những kỹ sư mà khi bắt đầu con đường công danh của mình đã tự nguyện cầm búa và cuốc chim. Bởi vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên, khi thấy ông không những có đầu óc cực kỳ sáng suốt và sắc sảo mà ngay cả đôi tay ông cũng rất tháo vát, khéo léo.
Cyrus Smith còn là biểu tượng của lòng dũng cảm. Ông đã bắt đầu cuộc đời của người lính dưới quyền chỉ huy của tướng Grant trong đội quân tình nguyện của bang Illinois, và ở đâu ông cũng đều chiến đấu một cách dũng cảm. Ông tham dự hầu hết các trận đánh cho đến khi bị thương ở Richmond và bị kẻ thù bắt làm tù binh.
Bị quân đội miền Nam bắt giữ ngày hôm ấy còn có một người nổi tiếng nữa, đó chính là Gédéon Spilett, phóng viên của tờ “New York Herald” được biệt phái vào quân đội để theo dõi diễn biến của chiến tranh.
Gédéon Spilett thuộc loại người không bao giờ chịu khuất phục hoàn cảnh. Ông can đảm dấn thân vào nơi trận mạc với mục đích là khai thác được những tin tức chính xác về các sự kiện nóng bỏng và nhanh chóng chuyển chúng về toà soạn của mình.
Là người có nghị lực, năng động và kiên quyết, Spilett từng đi khắp thế giới và làm tốt vai trò của một phóng viên. Bên cạnh đó, ông còn gánh vác sứ mệnh của một người lính, một hoạ sĩ. Với tính năng động, tháo vát của mình, Gédéon Spilett không sợ vất vả, mệt nhọc, nguy hiểm khi muốn tìm hiểu một điều gì đó. Là một trong những nhà quan sát dũng cảm Spilett có thể viết bài dưới làn đạn, sáng tác dưới gầm đại bác. Đối với ông, bất kỳ sự mạo hiểm nào cũng đều là cuộc phiêu lưu hấp dẫn.
Ông ta có mặt trong tất cả các trận chiến và bao giờ cũng xông lên tuyến đầu, một tay cầm súng lục, một tay cầm sổ ghi chép. Và dưới làn mưa đạn, chiếc bút bi trong tay ông cũng không hề run rẩy. Tin tức hay bài vở của ông đều ngắn gọn, chính xác, rõ ràng, ông luôn biết cách trình bày thật rõ ràng một sự kiện quan trọng. Nhân tiện cũng xin nói thêm: ông ta còn là một cây khôi hài.
Gédéon Spilett vóc người cao, chừng bốn mươi tuổi. Đôi mắt linh lợi, tinh nhanh, bình tĩnh và tự tin. Thân hình ông rắn chắc, và được tôi luyện trong những chuyến du lịch khác nhau. Đã mười năm nay Gédéon Spilett góp phần làm phong phú tờ báo mà anh ta là một trong những ký giả của nó bằng những bài, tin nhanh và những hình vẽ minh hoạ. Ông sử dụng tốt như nhau ngòi bút của nhà báo và cây cọ của một hoạ sĩ.
Cyrus Smith và Gédéon Spilett chỉ biết nhau qua lời kể của người khác. Cả hai được phái đến Richmond. Viên kỹ sư mau chóng được chữa khỏi vết thương và trong thời gian bình phục ông đã làm quen với nhà báo. Họ cảm thấy quý trọng nhau và kết bạn. Chẳng mấy chốc mục đích mà hai người luôn luôn theo đuổi đã kết nối họ lại với nhau. Cả hai người đều chỉ mong muốn một điều là chạy trốn khỏi nơi họ bị cầm tù để trở về với quân đội của tướng Grant và tiếp tục chiến đấu cho sự thống nhất của liên bang.
Đôi bạn quyết định tranh thủ mọi cơ hội thuận lợi để chạy trốn. Mặc dù ở Richmond họ được sống tự do, song thành phố được bảo vệ nghiêm ngặt, nên việc chạy trốn không thể thực hiện được.
Giữa lúc ấy thì người đầy tớ rất mực trung thành của Smith đã khôn khéo luồn lách tìm được đến chỗ ông ta. Đó là một người da đen, con của những người nô lệ và anh ta cũng là nô lệ. Nhưng Cyrus Smith đã trả tự do cho người da đen ấy. Sau khi được tự do, người nô lệ không muốn từ giã ông chủ của mình. Anh quá yêu quý chủ và sẵn sàng chết vì chủ. Người da đen ấy đã ba mươi tuổi, khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, tháo vát, sáng dạ, nhu mì và bình tĩnh, đôi lúc rất ngây thơ, luôn luôn tươi cười. Anh ta ưa được gọi bằng cái tên thân quen từ bé là Nab.
Sau khi hay tin ông chủ bị bắt làm tù binh, Nab đã không do dự rời ngay Massachusetts, tìm đến Richmond và, bằng đủ mọi mưu kế, hai mươi lần liều mạng mới đột nhập vào được thành phố bị bao vây. Không lời nào có thể diễn tả nỗi niềm sung sướng của Cyrus Smith khi ông trông thấy người bạn hầu của mình, và cả niềm hạnh phúc của Nab khi anh liên lạc được với ông chủ yêu quý.
Cuộc bao vây thành phố vẫn kéo dài, những tù binh khao khát chạy trốn khỏi Richmond để trở lại quân đội của tướng Grant. Trong khi đó, những người lính bị bao vây trong thành phố lại rất muốn rời khỏi Richmond để về với quân đội của phái phân lập. Trong số những người lính ấy có Forster. Đó là một người rất mực trung thành với quân đội miền Nam. Nếu những tù binh của quân đội liên bang không thể thoát khỏi thành phố thì những người lính theo phái phân lập cũng khó mà được tự do, bởi vì quân đội miền Bắc đã bao vây chặt thành phố. Thị trưởng Richmond đã từ lâu mất liên lạc với tướng Lee, mà điều cực kỳ quan trọng là làm sao thông báo cho ông ta biết được tình hình trong thành phố và yêu cầu nhanh chóng điều quân đến cứu viện những người bị bao vây. Thế là Jonathan Forster nảy ra ý định ngồi lên thang của một khí cầu để bay ra khỏi Richmond, vượt qua phòng tuyến của quân đội bao vây để tìm đến ban doanh của quân đội phân lập.
Viên thị trưởng cho phép thực hiện ý đồ ấy. Một quả khinh khí cầu đã được chuẩn bị và giao cho Jonathan Forster sử dụng để hoàn thành một cuộc hành trình trên không với năm người cùng đi.
Chuyến bay được ấn định vào ngày 18 tháng ba, vào ban đêm, khi gió tây bắc bắt đầu thổi. Các nhà du hành dự tính sau vài giờ khinh khí cầu sẽ bay đến văn phòng bộ tham mưu của tướng Lee. Nhưng gió tây nam lại chuyển hướng do sự cố thời tiết. Ngày 18 tháng ba, ngay từ sáng đã thấy dấu hiệu một cơn bão. Và chẳng bao lâu trận cuồng phong đã nổi lên, khiến chuyến bay của Forster phải hoãn lại.
Quả khí cầu bơm đầu hơi gas được đặt tại quảng trường chính của Richmond, sẵn sàng bay đi khi bão yên, cả thành phố đều nóng lòng chờ đợi sự lắng dịu ấy, vậy mà thời tiết vẫn không thấy khá hơn.
Đã qua đêm 18 rạng ngày 19, bão lại càng mạnh hơn. Khinh khí cầu không thể nào bay được.
Ngày hôm ấy, có một người lạ đi trên đường phố và gặp kỹ sư Cyrus. Đó là một thuỷ thủ chừng ba mươi lăm hay bốn mươi tuổi, tên là Pencroff. Vóc người cao lớn, rắn chắc và sạm nắng. Đôi mắt linh lợi, gương mặt hiền hậu. Anh ta gốc quê Bắc Mỹ, đã từng chu du khắp các đại dương, chịu đựng đủ mọi cảnh khốn cùng và cực nhọc. Trải qua nhiều cuộc phiêu lưu lạ thường mà một người ở trên cạn khác nằm mơ cũng không gặp.
Đầu năm 1865, Pencroff từ New Jersey có việc đến Richmond cùng với một chú bé mười lăm tuổi Harbert Brow, con trai người thuyền trưởng quá cố của anh ta. Pencroff yêu chú bé ấy như em ruột. Trước khi thành phố bị bao vây, anh đã không kịp thoát ra khỏi đó. Anh ta thật đau khổ khi thấy mình bị giam hãm ở Richmond. Bây giờ anh chỉ có nguyện vọng là chạy trốn với bất kỳ điều kiện nào. Pencroff nghe nói nhiều về kỹ sư Cyrus Smith. Anh biết rằng con người kiên quyết ấy đang khao khát được tự do. Đến ngày thứ hai của cơn bão, anh đã mạnh bạo đến gặp Smith và hỏi chuyện ông không mà không rào trước đón sau gì hết:
– Thưa ngài Smith, ngài không chán cái thành phố Richmond quỷ quái này sao? Viên kỹ sư nhìn chằm chằm vào người lạ mặt vừa bắt chuyện với ông, còn Pencroff thì khẽ hỏi thêm:
– Thưa ngài Smith, ngài có muốn chạy trốn không?
– Bao giờ? – viên kỹ sư lên tiếng ngay, và có thể nói chắc chắn rằng câu trả lời ấy đã bật ra từ lưỡi ông một cách vô tình.
Tuy nhiên, sau khi nhìn kỹ vào gương mặt cởi mở của người thuỷ thủ, ông biết mình đang gặp một con người trung thực tìm đến mình để tranh thủ sự đồng tình.
– Ông là ai? – ông hỏi nhát gừng.
Pencroff nói tóm tắt về mình.
– Tuyệt diệu! – Smith nói – Thế ông định trốn bằng cách nào?
– Như thế này! Quả khí cầu hiện giờ là một vật vô tích sự. Dường như nó cố ý chờ đợi chúng ta đấy.
Viên kỹ sư hiểu ý anh ngay. Ông ta khoác tay chàng thuỷ thủ, dẫn luôn về nhà mình. Pencroff đã kể lại cho Smith nghe kế hoạch của mình. Mọi việc rất đơn giản. Tất nhiên hành động như vậy là quá liều lĩnh, nhưng biết làm sao được! Bão tố rõ ràng là đang hoành hành, gầm thét, nhưng một kỹ sư giỏi giang và dũng cảm như Cyrus Smith sẽ biết điều khiển thành thạo khí cầu. Còn Pencroff trong đời thuỷ thủ của mình, anh đã gặp bão quá nhiều. Nó không có làm anh sợ hãi. Tuy nhiên, nếu biết điều khiển quả khí cầu thì anh ta đã không do dự cho Harbert cùng bay đi lâu rồi.
Cyrus Smith im lặng nghe. Đôi mắt của ông sáng lên. Điều kiện thuận lợi là quả khí cầu này đây. Không lẽ lại bỏ qua cơ hội này. Kế hoạch rất mạo hiểm, nhưng chính vì vậy nó mới hoàn toàn có thể thực hiện được. Mặc dù có lính bảo vệ, nhưng ban đêm họ sẽ lẻn đến khí cầu, chui vào giỏ treo, sau đó cắt đứt các sợi dây cáp neo! Dĩ nhiên, họ có thể mất mạng như chơi.
– Tôi không đi một mình! – kỹ sư vắn tắt kết bằng những điều suy nghĩ của mình.
– Ngài muốn mang theo bao nhiêu người? – chàng thuỷ thủ hỏi.
– Hai. Anh bạn Spilett của tôi và người đầy tớ tên Nab.
– Vậy là ngài có ba người. – Pencroff nhận xét – còn tôi mang theo Harbert nữa. Cộng tất cả là năm người. Khinh khí cầu được chuẩn bị cho sáu người bay.
– Tuyệt lắm! Chúng tôi sẽ bay! – Cyrus Smith thốt lên.
Ông ta nói “chúng tôi” có nghĩa là hứa hẹn thay cho nhà báo Spilett. Thật vậy, Gédéon Spilett là người gan dạ, khi được biết về kế hoạch chạy trốn anh ta hưởng ứng liền.
– Có thể là trước khi trời tối – Pencroff nói – cả năm người chúng ta cùng la cà quanh quả khinh khí cầu, làm bộ như tò mò đứng xem.
– Trước lúc trời tối! – Cyrus Smith khẳng định. – Chúng ta sẽ gặp nhau vào lúc mười giờ. Dù bão chưa tan, chúng ta vẫn cứ bay.
Pencroff tạm biệt kỹ sư Smith và trở về phòng mình, ở đó Harbert Brow đang đợi anh. Chú bé dũng cảm đã biết những ý đồ của người thuỷ thủ và bình tĩnh chờ đợi kết quả công việc của anh với viên kỹ sư.
Smith đi bách bộ hàng giờ trên quảng trường hầu như không một bóng người, vừa đi vừa quan sát quả khí cầu. Pencroff cũng làm như thế, hai tay đút túi quần, anh đi đi lại lại, thỉnh thoảng anh lại ngáp, làm như mình quá bộ đến đây vì không biết làm sao để giết thì giờ. Kỳ thực Pencroff cũng nơm nớp lo vỏ khí cầu bị vỡ tung hoặc giả những sợi dây cáp bị dứt và nó sẽ bay vút lên trời.
Trời bắt đầu tối. Màn đêm buống xuống mịt mùng. Làn sương dày đặc bao phủ trên mặt đất như những đám mây. Trời đổ mưa tuyết, giá lạnh.
Lúc chín giờ rưỡi, Cyrus Smith và những người chạy trốn bí mật đến quảng trường. Trời tối như mực, vì gió đã thổi tắt hết mọi ngọn đèn thắp bằng hơi đốt. Cả đến hình dáng của quả khí cầu to tướng cũng không thấy đâu. Ngoài các bao tải được buộc vào lưới bảo hiểm ra, giỏ treo của khí cầu còn được neo bằng một sợi cáp chắc chắn, luồn vào một cọc sắt chôn xuống đất, hai đầu cáp cột vào chiếc giỏ treo.
Năm tù binh đã gặp nhau ở sát bên chiếc giỏ treo của khí cầu ấy. Không ai trông thấy họ cả, trời tối đến nỗi chính họ cũng chẳng nhìn thấy nhau.
Cyrus Smith, Gédéon Spilett, Nab va Harbert, chẳng nói chẳng rằng trèo lên giỏ treo của khí cầu, còn Pencroff thì lần lượt tháo từng bao tải ra theo sự hướng dẫn của viên kỹ sư. Chỉ sau mấy giây đồng hồ, người thuỷ thủ ấy đã nhập chúng vào với những người bạn của mình.
Bây giờ quả khí cầu chỉ bị một sợi dây cáp níu giữ nữa thôi, và Cyrus Smith sắp điều khiển nó bay lên.
Bỗng lúc ấy có một con chó nhảy vào giỏ treo của khí cầu. Đấy là con Top của viên kỹ sư. Nó đã giằng đứt xích và chạy theo chủ. Sợ con chó sẽ làm tăng thêm trọng tải vô ích, Cyrus Smith định đuổi nó xuống.
– Không sao! Ta mang cả chó theo! – Pencroff nói và quẳng bớt hai cái bao trong thúng ra. Sau đó anh ta tháo cáp và quả khí cầu vụt bay lên hướng chênh chếch tránh đụng vào hai cột ống khói.
Trận bão đã hoành hành với mức độ dữ dội nhất. Ban đêm, chẳng thể nào nghĩ đến chuyện hạ xuống đã đành, nhưng ngay cả ban ngày thì cũng không thấy gì hết, vì màn sương bao phủ dày đặc. Mãi sang ngày thứ năm, qua một luồng ánh sáng rọi xuyên những lớp mây đen bên dưới khí cầu, đang bị gió xô đẩy với một tốc độ kinh khủng, những người chạy trốn mới nhìn thấy biển.
Trong số năm người, ngày 20 tháng ba ngồi trên khí cầu để trốn đi thì có bốn người vào ngày 24 tháng ba đã bị bão quẳng lên vùng bờ biển hoang vắng, cách Richmond sáu ngàn dặm, còn một người mất tích. Đó là kỹ sư Smith. Những người sống sót lo tìm cách cứu ông – người đã trở thành thủ lĩnh của họ một cách tự nhiên.