John Đi Tìm Hùng

Chương 10 – Phần 1



Nếu Việt Nam sẽ thực sự trở thành đất nước của tôi, tôi không thể mãi chỉ là Việt Kiều. Danh xưng đó không đủ làm yên lòng và an ủi trái tim tôi. Trong hai tháng vừa qua, tôi như một miếng mút đã thấm đầy kiến thức và trải nghiệm về con người Việt Nam, với hi vọng gột bỏ được danh xưng đó. Nếu cần tới hai, năm hay thậm chí mười năm, tôi cũng sẽ vẫn làm.

Tôi sẽ học thêm tiếng Việt, học thêm về văn hóa và đồng hóa bản thân một cách triệt để nhất có thể. Cuối cùng mọi người sẽ không thể nhận ra tôi sinh ra ở Mĩ. Vì ở Việt Nam, là Việt Kiều còn tệ hơn là người nước ngoài. Chúng tôi không có tóc vàng hay mắt xanh. “Là người Mĩ sao lại giống Việt Nam thế?” mọi người thỉnh thoảng vẫn hỏi tôi.

Tôi đã rất ghét câu hỏi ngu ngốc, thiếu hiểu biết đó. Vì Mĩ được ví với “nồi hầm nhừ” (melting pot), nơi mà rất ít người khớp với cái mô tả tóc vàng, mắt xanh. Nhưng ở đây, chúng tôi không được tặng cho sự ngưỡng mộ mà những người nước ngoài nhận được, Việt Kiều chúng tôi cũng chẳng được đối đãi như chúng tôi thuộc về nơi đây. Chúng tôi là những kẻ ngoài cuộc trên chính mảnh đất quê hương của tổ tiên chúng tôi, và một vài người luôn nhắc nhở chúng tôi sự thực đó. Mối quan hệ giữa Việt Kiều và người Việt trong nước có một thời khá căng thẳng và vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn. Tôi nhanh chóng hiểu được mối quan hệ ấy phức tạp đến thế nào khi tôi đến Nha Trang.

Cái nóng cháy khô vô cùng khó chịu. Có lẽ phải khoảng 400C và không có lấy một bóng cây nào để tôi chạy trốn khỏi sức nóng như tra tấn của mặt trời. Tôi đã từng nhìn thấy mặt trời tàn phá một người đàn ông như thế nào, nó khiến cậu Thọ của tôi bị ung thư da, mặt và cơ thể của cậu đầy những vết sẹo màu trắng. Làm sao một thứ cần thiết cho sự sống lại có thể trở nên nguy hiểm đến chết người như vậy?

Tôi đã đi bộ cả ngày trời mà chưa gặp được ai trên đường từ sáng tới giờ. Anh Thuật chở tôi qua Đèo Cả. Chỉ là một đoạn đường núi 12 km nhưng với những khúc cua hẹp và gấp nguy hiểm. Một bước chân nhầm chỗ cũng có thể khiến bạn ngã xuống vực thẳm.

Anh Thuật để tôi xuống ở một thị trấn ven biển kéo dài chỉ khoảng 3 km. Đường QL1A chia thị trấn thành hai phần. Bên tay phải của con đường là nhà cửa, chợ búa, cửa hàng và đường ray tàu hỏa. Bên tay trái là đại dương, bờ biển đầy những túp lều tồi tàn, những chiếc thuyền và nhiều rác thải. Tôi không thích khi nhìn thấy người Việt Nam xả rác khắp nơi.

Tôi quay lại ôm anh Thuật. Tôi thực lòng trân trọng người đàn ông với lòng nhân hậu đã đón tiếp tôi và đối xử với tôi như một người em trai. Lúc đầu tôi e ngại anh nhưng giờ đây khi chuẩn bị tiếp tục lên đường, tôi muốn nán lại chút nữa vì những kỉ niệm với anh ở Phú Yên nhắc tôi nhớ tới gia đình mình.

“Tây ba lô”, hai anh chàng khoảng hơn hai mươi đang ngồi dưới mái hiên một ngôi nhà nhỏ gọi với theo tôi. Đây không phải là lần đầu tiên tôi nghe thấy cụm từ này nhưng không có nghĩa là tôi đã quen với nó, tôi vẫn thấy bực mình và khó chịu khi bị gọi với cái tên đó. Đó là cụm từ dành cho những người ngoại quốc thuộc loại công dân thứ hai từ các nước phương Tây phát triển tới đây để vui chơi, uống rượu say và dạy tiếng Anh. Trong tâm trí tôi, phần lớn người ngoại quốc ở Việt Nam thuộc kiểu người này, lợi dụng người Việt Nam và lòng hiếu khách của họ trong khi chẳng đóng góp gì lại cho đất nước này.

Tôi dừng lại, nhìn thẳng vào họ, rồi tiến lại gần để đối mặt. Tôi biết tôi không cần phải giải thích với những người lạ mà có lẽ tôi sẽ không bao giờ gặp lại trong đời, nhưng tôi lại luôn làm như vậy. Có lẽ đó là một vấn đề cá nhân mà tôi vẫn chưa tìm cách giải quyết, tôi không thể chịu được khi biết rằng người khác nghĩ sai về tôi.

Tôi giải thích rằng tôi là người Mĩ gốc Việt hiện đang sống ở Việt Nam. “Việt Kiều”, người đàn ông trẻ hơn trong số họ nói lớn với nụ cười nhăn nhở. “Tại sao lại đi thế này? Giàu thế sao không mua ô tô mà đi?” anh ta nói một cách chế giễu. Cơn giận gần mất lí trí sôi lên trong máu tôi, tôi muốn tặng cho anh ta một cú đấm, tôi biết tôi có thể dễ dàng hạ gục cả hai người họ. Nhưng tôi kìm chế được. Tôi thả lỏng nắm đấm đã sẵn sàng, thở mạnh ra để cơn giận xẹp xuống, tôi hiểu rằng họ thật tội nghiệp vì chỉ biết có đến vậy.

Tôi quyết định không lãng phí sức lực cố gắng giải thích và tiếp tục đi. Bất thình lình một gã túm ba lô của tôi. “Có gì trong này vậy?” Anh ta chưa kịp dứt lời thì tôi, theo phản xạ, quay người lại và túm lấy cổ áo gã. Tôi gần như đã đấm anh ta một cú, nhưng tôi tiếp tục kiềm chế, gần hết giới hạn của tôi. Tôi lập tức thả anh ta ra và xin lỗi.

Những lời nói thiếu hiểu biết của anh ta không khiến tôi phiền lòng, sự thực khiến tôi buồn nhiều hơn. Sinh ra ở Mĩ là rào cản lớn nhất khi tôi muốn trở thành người Việt Nam. Người ta cho rằng tôi may mắn và giàu có. Nhưng mọi người thường không hiểu rằng cuộc sống ở Mĩ không thực sự hoa lệ như họ vẫn thấy trên ti vi. Ở bất cứ đâu cũng có người giàu, người nghèo và tôi lớn lên trong một tuổi thơ gặp nhiều khó khăn. Nhưng với nhiều người Việt Nam, điều đó không quan trọng. Bởi vì ở đây, điều quan trọng nhất là bạn tới từ đâu. Với họ, tôi tới từ Mĩ – một nơi mà phần lớn mọi người chỉ dám mơ tới. Lựa chọn sống ở Việt Nam của tôi là một trong những điều nực cười nhất đối với họ.

Tôi dám tin rằng, sau hai năm sống tại Việt Nam và hai tháng trời rong ruổi khắp nơi, tôi đã học được nhiều điều hơn rất nhiều người ở đây về chính sách đất nước của họ, về nền văn hóa giàu có và đa dạng ở đây. Rất ít người có cơ hội hay can đảm để đi và thực sự nhìn cũng như trải nghiệm cuộc sống. Tôi đã cứ tự nhủ rằng người ta nghĩ về mình không quan trọng, nhưng hóa ra là nó quan trọng.

Nó quan trọng vì dù có bao nhiêu người trở thành bạn của tôi hay ngưỡng mộ tôi đi chăng nữa, thì tôi cũng sẽ chẳng thể nào biết được liệu họ có thật lòng hay không. Họ có thực sự quý mến tôi vì chính con người của tôi? Nếu mọi thứ khác đi, liệu tôi có thể dễ dàng trở thành người dẫn chương trình truyền hình, được giảng dạy ở một trường đại học mặc dù không có kinh nghiệm sư phạm, được bỏ qua những lần vi phạm luật giao thông, hay được mọi người xung quanh chú ý và ngưỡng mộ như vậy? Nếu tôi không phải là người Mĩ và là người Việt Nam, liệu mọi thứ có khác hơn?

Đèo cổ mã

Những câu hỏi cứ luẩn quẩn trong đầu tôi như chiếc bánh xe buýt, quay đều quay đều. Đầu tôi cứ nghĩ mãi như vậy cho tới khi leo lên được tới đèo Cổ Mã. Hơi nóng ngột ngạt khó chịu đến mức đến giờ tôi dù cố gắng vẫn không thể quên được. Tôi quyết định dừng chân và nghỉ ngơi ăn trưa. Tôi cố tìm cho mình một chút không gian riêng tư nhưng chẳng có bóng cây nào, mọi người qua đường đều đưa mắt nhìn tôi. Tôi phì cười mỗi lần thấy cảnh các cha mẹ thoải mái tụt quần con cho chúng tè giữa phố.

Đèo Cổ Mã không nguy hiểm như Đèo Cả nhưng với ánh mặt trời gay gắt như thế này, tôi có cảm giác như mình đang trèo lên đỉnh Everest. Tôi mở túi và lục tìm hộp cơm cháy vợ anh Thuật đã làm cho tôi. “Hồi nhỏ nhà chị nghèo lắm. Nhà chị thường làm cơm cháy vì làm thế gạo dở cũng thành ăn được, và còn giữ được cả tuần. Giờ người ta không phải ăn khổ như vậy nữa, nhưng mà chị nhờ nó mà lớn lên đó” Chị nói với tôi. Cơm cháy cũng là món yêu thích của tôi khi còn nhỏ. Trong khi mọi người đều ghét ăn “cơm bị cháy” thì bà ngoại và tôi vẫn có thể ngồi nhâm nhi chúng với một bát nước mắm.

Bà ngoại chắc sẽ không bao giờ dám thừa nhận, nhưng tôi đoán tôi là đứa cháu được bà yêu nhất. Tôi không chỉ chịu ngồi xem cải lương cùng bà, tôi còn ăn bất kể món gì bà nấu cho tôi nữa. Trong khi các anh em họ của tôi thường thích đồ ăn Mĩ hơn thì tôi lại hâm mộ tài nấu nướng của bà vô cùng. Dù là bát phở hay bún riêu bốc khói thơm nghi ngút, hay chỉ là món bún với mắm tôm, tôi đều ăn một cách thích thú.

Tôi ăn một nửa chỗ cơm cháy rồi đi qua con đèo tới tỉnh Khánh Hòa. Tôi lảo đảo bước đi, nghẹt thở bởi bộ quần áo ướt nhẹp mồ hôi đang bám chặt lấy người tôi. Tôi tới một đoạn đường có nhiều hàng quán và chỗ nghỉ chân cho khách du lịch. Vài người đàn ông đứng dưới cái ô phía trước cửa hàng, nhoài người ra vẫy xe với hi vọng kéo được khách vào. Tôi đã thấy điều này ở Hà Nội rồi, nhưng phần lớn là các cậu thanh niên trẻ làm việc này.

Một người đàn ông đã qua thời trẻ trung đang đứng giữa đường đón khách vọi nhảy qua một bên đường khi chiếc xe tải đang tới không có ý định giảm tốc. Người đàn ông khoảng ba mấy tuổi mặc chiếc quần ka ki, áo cộc tay tiến lại gần tôi, vẫy vẫy với nụ cười xởi lởi khoe hàm răng vàng khấp khểnh. “Anh ơi, anh ơi. Anh ăn cơm chưa? Dừng đây ăn đi.” Anh ta vẫy đôi bàn tay thiếu mất ngón cái.

Tôi nhìn người đàn ông đang hồ hởi mời chào, mỉm cười lại, nhưng từ chối. Anh ta không dai dẳng như những đồng nghiệp trẻ ngoài Hà Nội. Thay vì lôi kéo, anh ta chỉ bước đi cạnh tôi và hỏi han. Tôi kể một chút về câu chuyện của mình cho anh, anh ta có vẻ hứng thú. Tới cái ô của anh, người đàn ông khăng khăng mời tôi ngồi xuống uống cốc nước. Đang trong lúc tìm cách trốn cái nóng và lại nhìn thấy bình nước đá của anh, tôi nhận lời xin ngồi nhờ một chút.

Người đàn ông tên là Sơn, chú là người Hà Nội. Chú bắt đầu than phiền rằng ở tuổi bốn mươi với một gia đình nghèo khó thì khó tìm việc thế nào. “Phải sinh ra trong gia đình có chút tên tuổi hoặc phải quen ai đó thì mới được việc”, chú nói một cách cay đắng. Chúng tôi không trò chuyện được lâu thì một người đàn ông bước ra từ trong nhà hàng. Ông ta mặc một bộ vest tối màu bụi bặm, to quá cỡ người, mặt người đàn ông đỏ lừng vì cồn. Khuôn mặt vô cảm, lạnh lùng như những đêm mùa đông ở Hà Nội.

“Làm gì mà ngồi không thế hả? Khách họ tự đi vào nhà hàng hả?” người đàn ông nói với chú Sơn. Chú Sơn nhìn có vẻ lớn tuổi hơn ông này một chút nhưng vẫn gọi ông ta là “anh”, rõ ràng là vị trí chứ không phải để tỏ lòng tôn trọng. Người đàn ông mặc vest đó chắc chắn là người chủ.

Tôi đã từng thấy cách xưng hô của người Việt Nam rất thú vị. Là một cách rất hữu ích với những ai không giỏi nhớ tên người khác. Rất đơn giản, chỉ việc gọi người cùng tuổi là bạn, trẻ hơn là em, trẻ con là cháu và có cả một nắm những danh xưng có thể dùng được cho người hơn tuổi. Nhưng thỉnh thoảng vẫn phải đoán, và ở một đất nước mà đôi khi tuổi tác còn không được xác định thì làm sao bạn biết được phải gọi người đối diện là gì? Từ khía cạnh tâm lí học, có thể nhận ra hệ thống xưng hô này có lúc không phải là dùng để phản ánh sự tôn trọng hay văn hóa. Thay vào đó, cách xưng hô được quyết định khi người ta cho rằng người kia ở vị trí cao hơn hay thấp hơn bản thân họ.

Nhiều người đã từng gọi tôi là “em” khi họ nghĩ tôi là người Việt Nam, nhưng lại lập tức chuyển gọi tôi là “anh” khi họ biết tôi là người Mĩ. Trong suy nghĩ của họ, người nước ngoài và người Mĩ thì ở vị trí cao hơn. Với những người làm những công việc bị cho là “thấp kém” hơn, họ sẽ luôn gọi khách hàng của họ là “anh chị”, chỉ trừ khi họ rõ ràng là già hơn các vị khách. Điều này càng rõ ràng hơn ở các vùng quê, nơi người ta thường tự động gọi người thành phố là các “anh chị”. Việc này còn phản ánh cả cách nhìn nhận người nông thôn của đa số người trong xã hội.

Nói chung, người ở nông thôn thường nghĩ họ ít học và thấp kém hơn những đồng bào của họ ở thành phố. Chúng ta cho phép định kiến này tiếp diễn bằng câu nói đùa thường gặp “đồ nhà quê” – một câu nói đùa nhưng hàm chứa cả những ý nghĩa sâu xa.

“Cậu là ai?”, người đàn ông mặc bộ vest nhìn về phía tôi và hỏi. Chú Sơn lên tiếng giải thích.

“Tại sao lại du lịch bằng cách này?” người đàn ông tiếp tục hỏi tôi với khuôn mặt vô cảm.

“Cháu muốn tìm hiểu thêm về Việt Nam và người dân. Cháu muốn khiến nơi này thành nhà của cháu. Cháu muốn làm việc ở đây và giúp mọi người.” Tôi thêm vào câu trả lời của mình một nụ cười.

“Người Việt Nam phức tạp lắm, chúng tôi còn không hiểu nổi chúng tôi. Làm sao cậu hiểu được chúng tôi?” ông ta hỏi một cách tu từ. Dừng lại một chút, người đàn ông lại tiếp tục.

“Rồi những lời nói dối. Cứ năm người cậu gặp, thì chỉ có một người nói thật thôi. Lúc đó làm sao cậu biết? Không còn người tốt ở đây đâu. Tốt nhất là quay về Mĩ thôi, kiếm tiền rồi chăm lo cho bản thân và gia đình bên đó.”

“Cháu đã quyết định là sẽ sống ở đây rồi. Cháu sẽ không quay về.”

“Việt Nam phức tạp lắm con trai ạ. Cậu vẫn còn trẻ và chắc là cũng sáng dạ thì mới sống sót được từng đó ngày trên đường. Nhưng mà về nhà đi, lo cho bản thân mình ấy. Tại sao phải lo cho người khác? Phải sống ích kỉ. Thế giới này tồi tệ lắm. Muộn rồi, hay là cậu nghỉ lại đây tối nay? Tên chú là Hải, đây là nhà hàng của chú”, người đàn ông nói một hồi trước khi quay trở lại bên trong nhà hàng.

“Chú Hải là người tốt, nhưng mà từng có cuộc sống rất vất vả và có những kỉ niệm buồn”, chú Sơn thì thầm với tôi.

Một người phụ nữ trẻ hơn bước ra và chỉ cho tôi lối vào một cán phòng nhỏ, nơi ở của một vài người làm ở đây. “Em nên đi tắm rồi nghỉ ngơi trước khi ăn tối đi”, chị ấy cười thân thiện và nói với tôi. Tắm rửa và nằm ngả lưng một lát xong xuôi, tôi cùng ăn bữa tối đơn giản nhưng khá đậm đà với nhân viên nhà hàng. Một vài khách du lịch đi lại xung quanh nhưng không nhiều. Chút rượu tự chế được mọi người chia nhau uống.

Lát sau chú Hải tới ngồi cùng tôi. Người chú nồng nặc mùi cồn, vậy mà chú Hải không có vẻ gì là đã say. Chú vẫn giữ vẻ bình tĩnh và không quan tâm. “Gia đình cháu thế nào?” chú hỏi tôi. Tôi hiểu nhầm ý, kể cho chú nghe về cha mẹ và em trai của tôi. “Không, ý chú là cháu có gia đình chưa? Có vợ hay con gì chưa?” chú hỏi rành mạch hơn. Tôi lắc đầu và nói tôi chưa kết hôn.

“Tốt. Đừng có cưới. Đàn bà độc ác lắm. Cứ kiếm tiền và thành đạt đi đã”, chú nói. Thoáng chút buồn hiện lên trên gương mặt người đàn ông, đó là dấu hiệu đầu tiên của cảm xúc trên gương mặt ấy mà tôi được thấy. Trong khi từ ngữ có thể nói dối nhưng ngôn ngữ cơ thể và biểu hiện trên khuôn mặt có thể chỉ rõ những suy nghĩ và tình cảm thật của chúng ta. Tôi cố đi sâu hơn về chủ đề đang nói, hi vọng chú Hải sẽ chia sẻ với tôi những rắc rối trong quá khứ của chú.

“Vợ và con của chú đâu? Ở một mình mà không có họ chắc cũng cô đơn”, tôi hỏi chú. Cơ má chú hơi giật, gương mặt trở nên đỏ bừng, nhìn gần sát tôi có thể thấy con ngươi hai mắt chú mở to. Chú không trả lời ngay, tôi có thể thấy chú đang cố gắng kiềm chế bản thân. Chú dốc một hơi sâu từ chai rượu, không cần rót ra li.

“Quan trọng gì chứ”, chú nói không giận dữ mà với sự lạnh lùng khiến bạn thấy rợn người. Chú dừng lại một chút, tu ừng ực chai rượu như một đứa trẻ đó ăn đang hút sữa từ ngực mẹ.

“Nhiều năm trước chú phải đi công chuyện với người bạn thân. Lúc đó việc làm ăn lên lắm. Cùng lúc, chú gặp tình yêu của đời chú, một cô gái xinh đẹp. Gặp lần đầu là chú biết chú phải cưới cho được cô ấy. Da cô trắng như mây, tóc dài và mềm như lụa, mặt hiền và đẹp như tiên. Rồi hai người hẹn hò mong đến ngày được cưới nhau. Chú hạnh phúc lắm, nghĩ là thế là mình đã có tất cả.”

Chú Hải dừng đột ngột, đập hai tay xuống mặt bàn thật mạnh. “Đứa nào mang thêm chai rượu chết tiệt ra đây cho tao” chú chửi rủa với hết sức còn lại. Chú Hải đứng dậy, la hét mắng mỏ đám người làm trong khi bước đi xiêu vẹo ra khỏi căn phòng. Cả đêm tôi không nhìn thấy chú. Chú Sơn và vài người khác kể sự tình câu chuyện cho tôi nghe.

Bạn thân của chú Hải và người yêu của chú bí mật hẹn hò nhau và cuối cùng họ đã kết hôn. Tức giận và mệt mỏi, chú Hải từ bỏ công việc kinh doanh và chuyển đến đây sống cách xa khỏi nhà chú, ngày ngày uống rượu một mình. Thực ra chú cũng đã có một gia đình, nhưng không gì có thể làm vơi nỗi đau trong lòng của chú.

Ngày hôm sau tôi thức dậy hơi muộn vì đêm trước có uống chút rượu. Tôi tới tạm biệt chú Sơn và các nhân viên nhà hàng trước khi đi tìm chú Hải. Tôi tìm thấy thân hình tiều tụy đang ngồi ủ rũ phía bên ngoài, vẫn bộ vest bụi bặm ngày hôm qua, hình như cả đêm chú không hề chợp mắt. Tôi thấy thương cho chú và không thể hình dung được nỗi đau chú phải chịu đựng trong nhiều năm qua. Tới bên chú, tôi cố gắng trong tuyệt vọng mong tìm được lời gì đó để nói, hi vọng sẽ an ủi được phần nào nỗi buồn của chú.

“Cám ơn chú đã cho cháu nghỉ nhờ. Chú là một người tốt. Cháu từng học tâm lí nên cháu hiểu được bản chất con người. Chú là một người tốt!” tôi vừa nói vừa đưa cánh tay ra. Tôi muốn nói với chú rằng đừng lo, rồi mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp hơn, nhưng tôi không thể thốt ra lời nói dối đó.

Gương mặt vô hồn của chú Hải vẫn không có một chút biểu cảm. Chú gượng đứng thẳng dậy và bắt tay tôi, “Cuộc đời trắc trở lắm con trai ạ. Nhớ đừng có tin ai ngoài bản thân mình. Cháu là đứa thông minh, cháu sẽ thành công thôi.”

“Cậu bạn đi đâu đó?”, một người đàn ông dừng lại hỏi han tôi dưới ánh mặt trời của buổi giữa chiều. “Tới thành phố Hồ Chí Minh”, tôi cười và tiếp tục bước đi. “Nói chơi hả? Đi bộ à?”. Tôi gật đầu. “Mình vẫn đi bộ, khi nào bắt xe xin đi nhờ được thì đi. Bạn đi đâu đó? Cho mình đi nhờ được không?”

“Xin lỗi bạn, mình đang đi hướng ngược lại. Mình tên là Diên”, cậu ta nói trước khi quay đầu vòng ngược lại. Tôi đi tiếp khoảng một tiếng rưỡi nữa dưới cái nóng oi ả với cái chân đau, rồi Diên lại xuất hiện và dừng tôi thêm lần nữa.

“Bạn vẫn cần đi nhờ chứ?” anh chàng dừng lại hỏi với nụ cười nghịch ngợm. Tôi gật đầu và nhảy lên xe. “Mình muốn mời bạn tới nhà mình để nghỉ ngơi”, cậu bạn nói. Tôi cảm ơn và cậu ta lại tiếp tục. “Nhưng mà nhà mình rất nhỏ và nghèo”, giọng của cậu bạn hạ thấp xuống. Tôi nói với cậu đừng bận tâm nhưng cậu ấy cứ tiếp tục nói mãi điều đó thêm nhiều lần nữa.

Rồi tôi biết anh Diên không hề nói quá, ngôi nhà bé xíu 3×3 mét nhìn giống như một túp lều hơn là một ngôi nhà. Những bức tường dựng lên một cách nghèo nàn với những tấm nứa và thân tre, mái nhà là một tấm kim loại mỏng. Đó là một trong nhiều túp lều nhỏ nằm dài trên rìa của một thị trấn nhỏ có tên Vạn Giã.

Tôi bước vào căn nhà nhỏ và được vợ cùng cô con gái ba tuổi của anh ra đón. Cô bé trốn sau lưng mẹ trong khi người mẹ trẻ chắc tầm tuổi tôi cũng ngượng ngùng và tò mò không kém. Anh Diên bảo vợ lấy chút gì đó cho tôi uống và đem ra hai chiếc cốc cũ cáu bẩn. Căn nhà nhỏ một cửa sổ không có nhiều đồ nội thất, chỉ có một chiếc bếp ga nhỏ xíu thường thấy ở các quán lẩu. Một tấm rèm màu tím đã bạc màu dùng để phân cách căn nhà, tạo một khoảng không gian riêng tư làm buồng ngủ.

Vợ anh Diên quay trở lại với một chai nước có ga, loại nước uống tôi đã không đụng đến từ lâu. Người mẹ trẻ và đứa con đi vào sau tấm rèm tím, làm lộ ra chỗ treo quần áo và những tấm thảm trải khiến nền xi măng trông có vẻ dễ chịu hơn. Một lát sau thì tin tức về sự có mặt của tôi đã lan đi, nhiều con mắt và đôi tai tò mò xuất hiện. Gần hai mươi người, phần lớn là phụ nữ lớn tuổi và đám trẻ con đứng bên ngoài cửa sổ và đứng chật lối ra vào để đặt câu hỏi hoặc chỉ để lén nhìn vào.

Một tiếng đồng hồ sau tôi lịch sự trả lời các câu hỏi về cuộc đời, về hành trình của tôi, và liệu tôi có muốn được làm mai cho một cô gái Việt Nam hay không. Nụ cười khấp khểnh của anh Diên không nghỉ ngơi suốt cả buổi, khuôn mặt anh lộ rõ vẻ tự hào vì mọi người đều đang đổ dồn sự chú ý vào ngôi nhà của anh. Anh đề nghị tôi nghỉ qua đêm, khiến chị vợ có vẻ bất ngờ và không vui lắm.

Tôi trộm mong một ai đó trong căn nhà rộng hơn sẽ mời tôi sang. Tôi nhìn người phụ nữ muốn giới thiệu tôi cho con gái cô, tôi gửi tới cô một nụ cười thật lớn, hi vọng cô sẽ ngỏ lời mời. Nhưng chẳng ai nói một lời và rồi sau khi lịch sự từ chối và lần, tôi miễn cưỡng nhận lời mời của anh Diên.

Đêm hôm đó tôi đi ngủ với cái bụng đói. Không có đủ thức ăn và cũng không có đủ tiền để đi mua đồ ăn. Một bát cơm ăm với một con cá màu đỏ không to hơn một bàn tay người lớn. Tôi gắp miếng cá gầy còm đầy xương để anh Diên vui lòng nhưng trong lòng thật sự không muốn ăn. Tôi nghĩ tới việc mang ra món cơm cháy còn trong túi, nhưng tôi không muốn anh Diên cảm thấy bị xúc phạm.

Anh Diên tiếp tục khẳng định sự nghèo khó của gia đình nhà mình, như sợ chỉ nhìn thôi thì sẽ không ai nhận ra điều đó. Đôi vợ chồng trẻ cũng như những người hàng xóm, phải vật lộn để kiếm sống. Tôi lắng nghe, nhúc nhích một cách ngượng ngùng, trong lòng cảm thấy ngại vô cùng mỗi khi những người nghèo nói về hoàn cảnh éo le của họ. Làm sao tôi có thể hiểu được hết những khó khăn mà họ phải trải qua chỉ để có thể tồn tại? Sống là đấu tranh nhưng mẹ đã luôn đảm bảo cho chúng tôi có đủ đồ ăn. Nhìn xuống đứa con gái bé xíu của anh Diên, tôi không thể không cảm thấy khốn khổ thay, tôi thấy buồn cho tương lai nghèo khổ của cô bé và tương lai của những thế hệ sau nữa của gia đình này. Nơi đây cũng như rất nhiều vùng đất khác trên khắp đất nước Việt Nam, khi không có nền giáo dục và những cơ hội để cải thiện cuộc sống, họ có thể trông đợi vào điều gì cho tương lai?

“Thấy chưa anh nói anh nghèo lắm mà. Anh biết em vẫn đói bụng mà không có đủ đồ ăn. Anh xin lỗi nha, nhưng mà anh rất vui em ở lại đây. Người nghèo như anh mà có khách đặc biệt như em tới thăm nhà là vinh dự lắm. Cám ơn em nha.”

Sự chận thành trong lời nói của người đàn ông khiến mắt tôi cay cay, tôi cố nén sự xúc động lại. Tôi hết nhìn anh Diên, đến vợ anh rồi đứa con gái. “Cậu bằng tuổi mình mà làm được nhiều điều tuyệt vời quá. Cậu giỏi thiệt đó”, vợ anh Diên bất chợt nói, lần đầu tiên cô gái nói chuyện với tôi. Tôi mỉm cười khi cô con gái tên Diệp, lúc này đã bắt đầu quen với tôi hơn, tiến đến và nhảy lên lòng tôi ngồi. Một mối liên hệ nào đó đã hình thành giữa chúng tôi, gia đình nhỏ này cũng như rất nhiều người tôi đã gặp trên đường, giờ đã mãi mãi trở thành một phần trong cuộc đời của tôi, sẽ sống mãi cùng tôi trong những kí ức. Đột nhiên, những căng thẳng và suy nghĩ ám ảnh tôi lúc trước bỗng biến mất. Tôi nhớ lại lí do mình chọn ở lại Việt Nam.

Sàn nhà cứng ngắc với hàng tá con kiến sẵn sàng cắn lưng khiến tôi khó ngủ, nhưng sáng hôm sau tôi thức dậy trong lòng khá phấn chấn. Khi anh Diên chạy ra ngoài có công chuyện, tôi đi tìm người vợ, lúc này đang rửa mấy miếng thịt vụn chuẩn bị nấu cơm. Tôi lấy tờ năm trăm ngàn đồng bác Vờn cho tôi khi ở Huế và dúi vào tay cô gái. Tôi suýt chút nữa thì đã quên mất là mình có tờ tiền trong người, để dành phòng khi cần dùng như lúc này. Cô gái từ chối một cách yếu ớt, cô biết số tiền này sẽ lo được nhiều thứ cho gia đình nhỏ của mình. Tôi nhất quyết bắt cô ấy không được nói cho anh Diên vì sợ anh sẽ không nhận. Tôi cúi xuống ôm cô bé Diệp, hi vọng cuộc đời cô bé sẽ sớm được đổi khác.

Tôi ở lại Ninh Hòa một đêm nữa với một cặp vợ chồng lớn tuổi. Hai người gặp tôi khi tôi đang ăn cơm cháy và cho rằng đó là điều buồn cười nhất họ từng thấy. “Ăn cái gì mà khổ thế?”, bà cụ hỏi khi tôi xin ngồi nhờ ở cái quán nhỏ bên đường của cụ. Tôi mời đôi vợ chồng già cùng ăn nhưng cụ ông bật cười nắc nẻ. “Ông có nghèo tới mức phải ăn thứ đó đâu.” Cuộc nói chuyện thân mật giữa chúng tôi dẫn tới lời mời nghỉ chân tại nhà hai ông bà. Họ thết đãi tôi những bữa ăn ngon và hai đêm nghỉ dưỡng sức.

Tôi đã luôn háo hức được tới Nha Trang. Nhiều người đã nói đó là một trong những thành phố đẹp nhất ở Việt Nam. Tôi đó được số điện thoại của một gia đình người bạn có thể cho tôi ở nhờ vài ngày. Tôi đã hi vọng có thể có một kì nghỉ nho nhỏ ở đây nhưng sự yên bình đã không tới như mong đợi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.