John Đi Tìm Hùng

Chương 10 – Phần 2



Tôi tới Nha Trang khi trời đã bắt đầu tối. Đi qua cây cầu Xóm Bóng và cầu Hà Ra, tôi lại phải quay lại cầu Trần Phú khi chị Mai nói qua điện thoại là tôi phải đi về phía trường Đại học Nha Trang, 8 giờ tối, cuối cùng tôi cũng tới được một ngôi nhà sáu tầng nhìn như một cái khách sạn cỡ nhỏ, ngôi nhà nhìn rất rộng lớn so với cả nhà bình dân bên Mĩ. Phía sân trong có một chiếc ô tô nhìn mới tinh. Tôi đoán gia đình này rất khá giả. Tuy nhiên, trong nhà có chị Mai, người lúc đầu tôi gọi là cô nhưng sau khi biết tuổi thì lại chuyển thành chị, và người em họ của chị đang đi học tại một trường đại học trong thành phố. Ngôi nhà là của bác chị Mai, hiện đang sống tại Mĩ nhưng vẫn thường quay lại Việt Nam.

Ba mươi tư tuổi, chị Mai trẻ và đẹp. Chị có mái tóc dài đen buông duyên dáng ôm lấy khuôn mặt với gò má cao. Chị Mai không quá lộng lẫy, nhưng chị có khuôn mặt đẹp tự nhiên. Nhà chị Mai ở Buôn Ma Thuột. Bác của chị cho ở nhờ vài năm trước vì chị là con út trong nhà và lúc đó lại chưa có gia đình. Bác của chị cũng đã giúp giới thiệu và sắp đặt một cuộc hôn nhân cho chị với một người đàn ông Việt Kiều hơn chị khá nhiều tuổi. Nhưng cuộc hôn nhân không giúp chị sang được tới nước Mĩ. Trên gương mặt và trong đôi mắt chị có thể thấy nỗi buồn sâu sắc được giấu kĩ.

Tôi rũ bỏ chiếc ba lô nặng trịch và ngồi cạnh chiếc bàn trong bếp. Chị Mai kêu người em họ đang đứng nhìn tôi, sai đi mua vài chai nước về. Tôi lập tức vẫy cô gái ngồi xuống và rút ấm nước nhỏ tôi vẫn luôn mang theo bên người.

“Nước suối à? Em uống cái này cũng được”, tôi nói. “Chị sợ em chỉ uống nước trong chai. Người nước ngoài và cả người Việt Kiều sang đây, chị phải đi mua nhiều chai Aquafina. Họ không dám uống nước gì mà không ở trong chai, họ chỉ ăn nhà hàng hoặc tự nấu ở nhà thôi, và họ sợ muỗi lắm,” chị nói và chỉ về phía những ô cửa sổ được lắp thêm tấm chắn muỗi.

Cô gái trẻ dẫn tôi lên phòng được chuẩn bị sẵn cho tôi trên tầng. Căn phòng rộng gần bằng cả căn hộ của Giang ở Hà Nội. Phòng tắm có bồn tắm cũng ở luôn trong phòng. Bữa tối muộn chỉ có cơm và thịt kho, rau xào và một bát canh. Chúng tôi không trò chuyện nhiều lắm, hai người phụ nữ vẫn chưa quen sự có mặt của tôi.

Điện thoại bàn đổ chuông, theo sau là tiếng đập cửa ầm ầm. Tôi ngồi đó, không hiểu chuyện gì xảy ra, trong khi chị Mai và người em họ vẫn tỏ ra như họ không nghe thấy gì. Tiếng đập bên ngoài cửa kính trở nên ầm ĩ hơn, đi kèm tiếng chửi và kêu lớn. “Mẹ kiếp, mở cửa ra.” Tôi nghe thấy tiếng một người phụ nữ và tiếng cằn nhằn của một người đàn ông. Tiếng ồn tiếp tục trong khoảng năm phút nữa. Tôi nhìn quanh, chờ đợi lời giải thích nhưng cả hai người phụ nữ vẫn cúi gằm, mặt không giấu được vẻ lo lắng. Tôi lập tức đoán rằng chị Mai hẳn đang nợ nần gì đây.

Tiếng đập cửa lại to hơn nữa khiến tôi tưởng cánh cửa sắp vỡ toang. Cuối cùng chị Mai cũng rời bếp và đi tới phía cánh cửa. “Làm gì mà ồn ào vậy?” Chị nói một cách nghiêm khắc chứ không mắng mỏ. Chị bước trở lại vào nhà, theo sau là một người đàn ông da ngăm đen vạm vỡ như những người Mĩ gốc Ấn mà tôi thường thấy trong phim. Ngay sau ông ta là một người đàn bà nhỏ bé mập mạp bế trên tay một đứa trẻ.

Bờ biển Nha Trang

“Đây là cháu của bác Thuần từ bên Mĩ qua chơi.” Chị giới thiệu tôi với họ. Chị giải thích với tôi rằng người đàn bà kia là chị họ của chị và họ chỉ đang ở thăm vài ngày.

Nhưng vài ngày sau họ vẫn chưa rời đi. Tôi cho rằng họ đang sống trong căn nhà, và bác chị Mai không hề hay biết. Có lẽ chị không muốn cho tôi biết vì sợ câu chuyện sẽ đến tai người bác. “Nhà rộng quá, nên có nhiều người hơn sống ở đây.” Tôi nói với chị, ra ý rằng tôi biết chuyện nhưng sẽ không kể với ai hết. Có lẽ vì vậy nên chị đã có vẻ tin tôi hơn và trở nên cởi mở hơn về cả những chuyện chị khó nói với người ngoài.

Ngày hôm sau tôi đi bộ quanh Nha Trang. Những bãi biển cũng tách biệt giống như ở Đà Nẵng. Bờ biển phía bên này cầu Trần Phú thì phần lớn là người Việt Nam. Có thể dễ dàng nhận thấy vì những chiếc tàu đánh cá chỉ cách bờ vài trăm mét và rác nằm ngổn ngang trên bờ cát. Ở đây không thấy những chi tiết tạo nên bãi biển “đẹp” có thể thu hút khách nước ngoài. Nhưng bờ biển ở đây lại được thực hiện tốt những mục đích người dân địa phương ở đây mong muốn. Phần lớn người Việt Nam khá thực dụng, giá trị được xác định bởi những lợi ích thực tế. Vì thế, một căn phòng vệ sinh không cần được trang trí cầu kì công phu, một đĩa thức ăn không cần được trình bày phức tạp để làm tăng khẩu vị, và bờ biển thì chỉ cần có đủ nước để người dân có thể bơi được.

Qua cầu, ở phía bên kia của thành phố, dọc theo đường Trần Phú, các bãi biển đầy những du khách nước ngoài. Tôi dừng lại trò chuyện với một vài người nước ngoài đang tắm nắng trên bãi cát. Các vị khách đều tán dương vẻ đẹp đáng kinh ngạc của bãi biển ở Nha Trang. Nhưng vì tôi đã có cơ hội được đi qua nhiều con đường ven biển dọc Việt Nam, biển ở Nha Trang không gây được nhiều ấn tượng với tôi. Thực tế là nó còn khiến tôi hơi buồn và cảm thấy trống rỗng. Các bãi biển ở đây rất bình thường và không khí không còn cái chất ViệtNam nữa.

Tôi quyết định đi bộ quay trở lại ngôi nhà để kịp bữa trưa, hi vọng vì thấm mệt mà sẽ quên đi cảm giác trống rỗng trong lòng. Bữa trưa trở nên thân mật hơn vì trong nhà chỉ còn tôi và chị Mai. Chị xin lỗi đã không thể chuẩn bị cơm trưa vì chị bận đi ra ngoài cả buổi sáng. Chúng tôi ngồi ăn bún bò chị đã mua trên đường về.

“Sáng nay chị phải đi làm à?” tôi hỏi, hi vọng phá vỡ sự im lặng. “Không, chị phải đi làm lại giấy tờ thị thực.” “Chị sắp đi đâu à?” tôi hỏi tiếp, thầm hiểu rằng những người Việt Nam có thân nhân ở Mĩ thường được bảo lãnh sang cùng. “Mĩ. Chồng chị đang ở bên đó.”

Năm năm vừa qua, chị phải đi đi lại lại từ Buôn Ma Thuột tới Nha Trang rồi Sài Gòn để nộp giấy tờ, hi vọng được đoàn tụ với chồng ở bên Mĩ. Lần nào đi nộp người ta cũng nói chị bị thiếu loại giấy tờ gì đó hoặc cần phải làm lại.

“Chị mệt mỏi lắm. Không sống thế này được nữa. Vợ chồng thì phải ở gần nhau. Chị bảo với anh ấy lần này mà không được nữa thì anh nên đi cưới lại người khác đi” chị nói.

“Mọi người ai cũng bảo cưới Việt Kiều thì sẽ được giàu có và sống sung sướng. Người ta bàn tán nhiều lắm. Họ hỏi chị sao không mặc đồ đẹp và mua nhiều đồ xịn. Chồng chị là người Việt Kiều, họ đối xử với chị cũng khác. Anh ấy có chu cấp cho chị nhưng mà chị cũng chỉ là người phụ nữ có cuộc sống như bao người khác thôi. Chồng chị làm việc ở một cái sân bay bên San Francisco, chị biết ảnh phải làm lụng vất vả lắm mà cũng không có nhiều tiền. Còn không có nhà riêng cơ em ạ. Lẽ ra chị phải ở bên cạnh để chăm sóc anh ấy.”

“Chắc là khó khăn lắm phải không chị? Chị giỏi thật. Nhưng mà chị không nên tự trách mình”, tôi an ủi chị, cảm thấy chị đang cảm thấy buồn vì không hoàn thành được trách nhiệm của một người vợ. Câu chuyện của chị khiến tôi suy nghĩ, hình dung ra nếu sau này mình lấy một người vợ Việt Nam và cô ấy sẽ phải trải qua những điều tương tự.

“Anh chị gặp nhau mỗi năm một lần khi anh ấy về đây. Lần nào về thăm cũng chỉ được hai tuần thôi. Chị biết anh ấy không nghỉ làm được lâu. Bình thường trong tuần thì chỉ nói chuyện qua điện thoại một hai hai lần khi anh ấy đi xe buýt từ chỗ làm về nhà. Chị đang sợ anh ấy không còn thương chị nữa, hoặc anh ấy tìm được ai khác rồi. Chị chung thủy lắm, chị không đi chơi, không gặp gỡ bất kì người đàn ông nào khác. Nhưng mà làm sao chị biết anh ấy cũng chung thủy đây?”

Trước khi tôi kịp trả lời thì có tiếng gõ cửa. Chị Mai vội lau nước mắt trước khi ra mở cửa xem ai tới nhà. Và đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng chúng tôi đề cập đến vấn đề đó trong thời gian tôi ở Nha Trang. Tôi cũng không thể nghĩ ra sẽ nói gì để an ủi chị. Bản thân tôi thì đã mất đi niềm tin vào sự thiêng liêng của hôn nhân. Tôi đã nhìn thấy qua nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ, quá nhiều tới mức nó khiến tôi mệt mỏi. Tôi hi vọng câu chuyện của chị Mai sẽ có một cái kết hạnh phúc, nhưng tôi cũng không dám tin chắc hi vọng đó sẽ thành hiện thực.

Chiều muộn, tôi được anh Thuận và anh Tiến mời đi uống cà phê. Hai người họ là bạn thân cùng làm việc trong một ngân hàng. Anh Thuận thấp hơn, mập mạp hơn, người đã liên hệ với tôi qua facebook. Anh Tiến, trái lại, lại cao, thân hình cân đối và rất đẹp trai. Họ đã dõi theo hành trình của tôi từ những ngày đầu tiên, nhưng lần đầu tiên họ biết đến tôi là qua một chương trình truyền hình mà tôi có tham gia dẫn.

“Em nhớ cái chương trình mà em làm với một ông Tây da trắng bán bánh đa kê không? Hài quá. Bọn anh hay xem chương trình của em lắm”, anh Tiến hào hứng nói. Chúng tôi bàn luận về các chương trình mà tôi đã làm, thú thực tôi cảm thấy khá tự hào. Thật vui khi được người khác biết đến vì những việc mà tôi đã làm, ngoài câu chuyện chàng Việt Kiều điên rồ đi bộ xuyên Việt.

Chúng tôi ngồi trò chuyện vui vẻ một hồi lâu. Hai anh đề nghị đưa tôi đi quanh ngắm Nha Trang. Thật lòng, lúc này tôi muốn tránh ở lại trong nhà với chị Mai và không muốn nghĩ đến hoàn cảnh đáng thương của chị.

Sau khi cuốc bộ lên một ngọn núi ven biển với phong cảnh rất đẹp và lại không có bóng khách du lịch, tôi trở về nhà chị Mai và tắm gội trước khi các anh đưa tôi đi ăn tối món nem ỉu cuốn. Đó là một trong những món yêu thích của tôi, cuộn chiếc bánh tráng ỉu dẻo béo ngậy với rau và chấm với thứ nước sốt[1] đậu phộng sột sệt. Mỗi người chúng tôi say sưa chén mười chiếc nem. Sau bữa tối, chúng tôi tới Sailing Club để tham gia bữa tiệc ngoài bãi biển hàng tuần ở đây. Bữa tiệc có nhạc sống và nhiều đồ uống với giá hơn một trăm ngàn đồng được phục vụ cho du khách.

[1] Nước tương, tuy nhiên đây là từ tác giả sử dụng nên chúng tôi không sửa.

Tôi kết bạn với một cặp đôi người Úc đang đi du lịch các nước Đông Nam Á khi họ tới ngồi chung bàn với chúng tôi. Jack là phi công, còn hôn thê của anh là một giáo viên. Cặp đôi đề nghị được mời chúng tôi đồ uống, nhưng anh Thuận và anh Tiến từ chối, vậy là chỉ có ba người chúng tôi ngồi uống với nhau. Chúng tôi uống rất nhiều rượu. Hết li này tới li khác, tôi bắt đầu cảm thấy rượu đang chảy khắp nơi trong người. Ở bàn đối diện, các cô gái ViệtNam trẻ đẹp đang nhìn về phía chúng tôi.

“Cậu nên sang đó nói chuyện với họ đi. Tôi mà chưa đính hôn thì tôi cũng qua rồi”, Jack mỉm cười hất đầu về phía bên kia và nói. Những đôi mắt hăm hở vẫn nhìn về phía chúng tôi. Trước khi Jack và hôn thê của anh ngồi chung bàn chúng tôi, họ chẳng thèm bận tâm nhìn qua bên này. Nhưng vì bây giờ tôi đang nói tiếng Anh một cách chuẩn xác, họ đã biết tôi không phải là người Việt Nam. Một cô gái lấy được ánh nhìn của tôi, một cô gái lộng lẫy trong chiếc váy đỏ bó sát lấy thân hình quyến rũ.

Mọi người đứng dậy để nhảy. Cô gái trong chiếc váy đỏ quyến rũ tiến tới phía tôi mời gọi. Chúng tôi đứng mặt đối mặt. Cô ấy cười khúc khích, đôi mắt nhìn tôi không rời. Có một cơn khát rõ ràng trong đôi mắt đó. Cô ấy đang tìm một người tình, có lẽ là người ngoại quốc là tiêu chuẩn duy nhất. Tôi nghĩ trong đầu, có lẽ tôi có thể được cô ấy dẫn về nhà nếu tôi muốn. Ý nghĩ khiến tôi cảm thấy ghê tởm, tôi lại nhớ tới câu chuyện của chị Mai và ông chồng người Việt Kiều. Tôi quay đi trước khi cô gái kịp thì thầm điều gì đó từ đôi môi mềm quyến rũ của cô. Tôi nhìn về phía anh Thuận và anh Tiến đang có vẻ chán nản và mệt mỏi. Nhanh chóng cảm ơn Jack và hôn thê, chúng tôi trở về nhà.

Tôi ngủ muộn sáng hôm sau, không muốn dậy ăn sáng. “Tối qua em về muộn. Em đi uống hả?” chị Mai hỏi khi tôi bước vào bếp, bụng đói cồn cào. “Vâng, vài người bạn đưa em đi chơi.” “Tối qua về em đầy mùi rượu” chị nói, giọng có vẻ thất vọng. Tôi xin lỗi và chạy lên lầu để rửa sạch cái cảm giác tội lỗi.

Một người bạn của tôi, Vy, đã bay tới Nha Trang vào chiều muộn ngày hôm đó nên tôi muốn tới gặp cô bạn ở biển. Chúng tôi đã trở thành những người bạn khá tốt của nhau qua một người bạn chung và tôi biết Vy đã thích tôi. Cô ấy đã học ở Mĩ từ năm cấp ba. Phong cách của cô ấy rất giống một cô bạn người Mĩ gốc Việt, thỉnh thoảng tôi vẫn đùa rằng tôi còn Việt Nam hơn cô ây.

“Anh chị mua cho em đi”, một cậu bé kháu khỉnh cùng một giỏ đầy kẹo tới gần khi chúng tôi đang ngồi trên bãi biển. “Anh không có tiền, nhưng em hỏi chị kia đi. Chị ấy đang cầm tiền.” tôi nói với cậu bé. “A! Chị Việt Kiều mua cho em đi. Chị có nhiều tiền mà”, cậu bé nói với bạn tôi. Tôi khá bất ngờ và bật cười. “Đúng rồi. Chị Việt Kiều mua đi. Mua đi.” Tôi trêu.

Vy cố gắng giải thích cho cậu bé rằng tôi là người Việt Kiều và tôi thì vẫn lắc đầu chối. “Em tin ai?” tôi hỏi. Cậu bé chỉ ngón tay về phía Vy và cười. Cuối cùng thì một cậu bé khoảng mười tuổi cũng chấp nhận tôi là người Việt Nam, tôi đương nhiên là thấy rất vui với trò đùa nhỏ. Vy đành chịu thua cậu bé, trả tiền và lấy hai gói kẹo. Chúng tôi dành cả buổi chiều đi quanh thành phố.

Tối hôm sau anh Tiến mời tôi ăn tối, Vy cũng đi cùng. Tôi hỏi mượn xe máy của chị Mai, hứa sẽ về nhà sớm và không uống nhiều rượu. Anh Tiến đưa chúng tôi ra ngoại ô, tới một nhà hàng thịt rắn vì anh tưởng tôi chưa thử ăn thịt rắn bao giờ.

“Em gần như đã thử ăn hết mọi thứ rồi. Côn trùng, thịt chó, và mặc dù em không thích, nhưng cũng thử cả thịt chuột. Cái gì em cũng thử ăn.” Tôi tự hào nói, mời Vy thử cốc rượu bên trong có tim rắn còn đang đập mà trước đây tôi đã có dịp thử. Rượu pha máu rắn nhiều đủ để chúng tôi uống trong cả bữa tối. Anh Tiến kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời của anh. Anh đã kết hôn và vợ anh hiện đang mang thai đứa con đầu tiên của hai người. Chị hiện giờ đang làm việc ở Mĩ.

“Liệu họ có lên kế hoạch trước không nhỉ?” tôi tự nghĩ. Tôi đã từng nghe chuyện các phụ nữ Trung Quốc cố giấu việc mang bầu của họ lên máy bay sang Mĩ với mục đích sinh con tại đó. Một vài người thậm chí còn sinh con ngay trên máy bay. Nếu đứa trẻ sinh ra ở Mĩ, lập tức chúng sẽ là công dân Mĩ, không quan trọng cha mẹ chúng là ai hay ở đâu, như vậy có nghĩa là chúng sẽ không bị trục xuất ra khỏi nước Mĩ. Có những người nghĩ đủ mọi cách kì cục nhất để có thể trở thành người Mĩ. Tôi tự nghĩ rồi lại mỉm cười, trân trọng những nỗ lực phi phàm của bà ngoại để đưa cả gia đình sang đó.

Chúng tôi kết thúc bữa tối, ai cũng hơi ngà ngà vì hơi rượu. Vy đề xuất chúng tôi đi đến một quán bar và uống thêm, rõ ràng là thói quen của một sinh viên Mĩ. Anh Tiến miễn cưỡng đưa chúng tôi tới một quán bar đặc trưng kiểu Việt Nam với âm nhạc bật ầm ĩ, đồ uống đắt đỏ, và các cô gái ăn mặc thiếu vải. Bên trong quán bar có nhiều nhân viên phục vụ hơn là khách hàng.

Một cô gái mập mạp, mặc một chiếc váy và chiếc áo bé xíu để lộ cả phần bụng tròn trịa lập tức bám lấy tay anh Tiến. Tôi quan sát cẩn thận, hi vọng anh Tiến không đánh mất hình ảnh “một người đàn ông tốt” mà tôi có về anh. Việc lừa dối vợ đã trở thành bình thường và thường xuyên được bàn tán bởi một bộ phận đàn ông Việt Nam. Nó làm giảm giá trị của hôn nhân và tôi vô cùng khinh ghét. Hai người xích lại gần thì thầm to nhỏ, rồi cuối cùng tôi cũng thở phào khi cô gái bỏ đi với bộ dạng thất vọng vì bị từ chối.

Chúng tôi ngồi nói chuyện thêm một lúc nữa cho tới khi mọi người đều cảm thấy sởn da gà về không khí nhếch nhác và tăm tối ở nơi đây. Anh Tiến về trước và nói sẽ gặp tôi một lần nữa trước khi tôi đi. Anh nói có một bất ngờ muốn cho tôi xem. Vy và tôi chạy xe xuống bãi biển mặc dù lẽ ra chúng tôi đã nên về nhà.

Đã quá nửa đêm một chút, chúng tôi ngồi trên bãi cát nhìn ra đại dương ba la trước mắt lúc này chỉ là một màu đen ngòm. Một lát sau chúng tôi nhận ra chiếc túi của Vy đã biến đâu mất. Chúng tôi hoảng hốt nhìn xung quanh nhưng tôi biết, nó đã bị lấy mất. Bên trong có ví, chiếc Ipad, điện thoại Blackberry và một số đồ lặt vặt nữa của cô ấy. Tôi gọi điện thoại vào máy của Vy, chuông đổ một hồi rồi tắt ngúm. Chúng tôi đi quanh bãi biển tìm kiếm vài giờ đồng hồ, hi vọng kẻ nào đó đã lấy hết những đồ có giá trị bên trong và vứt lại chiếc túi. Nhưng giống như là mò kim đáy bể vậy.

“Không tìm thấy đâu. Tốt nhất là đến đồn công an, có thể họ biết đứa nào lấy trộm đó.” Một người bảo vệ già chỉ về phía đồn công an và khuyên chúng tôi. Tôi đã phải trả xe cho chị Mai từ lúc tối. Vậy nên giờ chúng tôi phải đi bộ khá xa.

“Anh thực sự xin lỗi.” Tôi vòng tay ôm lấy Vy, hi vọng có thể an ủi cô gái.

“Không sao, không phải tại anh.” Vy nói, bình tĩnh một cách kì lạ.

Chúng tôi gặp được một người đạp xích lô đang ngủ. “Xin lỗi, chú chỉ cho cháu đường tới đồn công an được không ạ?” Vy cầu khẩn người đàn ông.

“Xa lắm. Đi bộ phải mất hàng giờ”, người đàn ông dụi mắt nói. “Lên xe tôi đưa đi cho.”

“Dạ cảm ơn, nhưng chúng cháu không có tiền, cháu bị lấy hết các thứ rồi”, Vy trả lời khi chúng tôi quay bước đi.

“Không, lên xe đi, tôi không lấy tiền đâu. Đi bộ thì sáng mai mới tới nơi.” Ông nói.

Vy và tôi ngồi lên chiếc xích lô nhỏ. Ai cũng kiệt sức, cả ba người không ai nói một lời. Xích lô đi đã 45 phút, con phố vắng tanh và tối thui như dài bất tận. Chúng tôi cảm ơn người đạp xích lô nhiều lần vì lòng tốt của ông trước khi tôi gõ cửa đồn công an.

Tôi biết công an cũng sẽ không giúp được gì, nhưng Vy cần giấy tờ để có thể bay trở về nhà vào ngày hôm sau. Người công an trẻ hỏi cô ấy có phải là người Mĩ gốc Việt không, khiến tôi thấy hơi nực cười mặc dù không khí đang căng thẳng. Đó là một câu hỏi thừa và không liên quan, Vy rõ ràng là nói tiếng Việt rất chuẩn. Vài phút sau cô ấy phải điền một số giấy tờ mà có lẽ sẽ không bao giờ giúp cô ấy có thể tìm lại đồ. Tôi ngả đầu và ngủ gật mất một lúc. Phải đến gần 3 giờ người công an mới xong các thủ tục.

Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy người đạp xích lô vẫn đợi để đưa chúng tôi về. Ông không có trách nhiệm phải làm như vậy và ông biết chúng tôi không có tiền để trả. Mặc dù điều tồi tệ vừa xảy ra nhưng tôi thấy rất vui khi biết rằng vẫn còn người tốt tồn tại trên đời này.

Ngày hôm sau, Vy thông báo về cho gia đình và mẹ cô ấy phải chuyển tiền cho một người bạn ở Nha Trang để Vy có thể đến lấy. Sau khi thanh toán tiền khách sạn và tới nhận xác nhận mất giấy tờ tùy thân tại đồn công an, tôi đề nghị đưa Vy ra sân bay Cam Ranh. Đó là điều ít nhất tôi có thể làm. Sau 30 phút chạy xe rất nhanh trên con đường rất đẹp, chúng tôi đã tới được sân bay. Tôi ngồi với Vy một lúc ở phòng chờ trước khi nói lời tạm biệt.

Vy sẽ sớm quay trở lại Mĩ. Quay trở lại trường đại học và tiếp tục cuộc sống của cô ấy, Nha Trang sẽ trở thành một kỉ niệm rất xa. Cô ấy đã rất bình tĩnh khi mọi chuyện xảy ra, trừ việc ước kẻ lấy cắp đồ đạc của cô ấy sẽ phải chết. Nhưng thủ phạm đáng ghét hơn cả đối với cô ấy lại là xảy ra tại Việt Nam.

“Nếu là ở Mĩ thì không xảy ra chuyện như vậy. Mỗi lần quay trở về đây em thấy mọi thứ khác quá, em không thấy an toàn nữa. Và đi tới đồn công an để trình báo thì đúng là một sự lãng phí thời gian.” Vy tức giận nói.

Tôi tự thấy ngạc nhiên khi mình lên tiếng bảo vệ đất nước này, chỉ cho cô ấy rằng ở đâu cũng có người tốt và người xấu. Điều quan trọng là phải chấp nhận tất cả và có một sự thực là hai thái cực đó luôn song hành cùng nhau. Có lẽ đó chính là điểm cốt yếu tôi cần để giải quyết vấn đề của bản thân. Tôi không thể chỉ là người Mĩ, cũng không thể chỉ là người Việt Nam. Thay vì cố gắng chọn làm John, hay làm Hùng, tôi phải biết cách biến cả hai thành một. Đây là con người của tôi, một người Mĩ gốc Việt và tôi phải học cách chấp nhận nó. Chuyến đi của tôi vẫn chưa kết thúc. Vẫn còn 450 kilômét nữa cần phải đi và còn nhiều khám phá nữa cần thực hiện.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.