John Đi Tìm Hùng

Chương 12 – Phần 2



Chú Bảo đưa tôi đi quanh Bảo Lộc, thành phố nhỏ nhắn và xinh xắn nhưng cũng rất thoáng đãng, chú chỉ cho tôi xem các kiến trúc cổ của Pháp. Chúng tôi dừng chân tại một cửa hàng nhỏ, nơi từng là nhà của cô Yến. Chú kể về những ngày xưa yêu dấu trước trận chiến. “Bà tôi, mẹ của cô Yến, từng làm thợ may ở xưởng may gần đó, cô Yến thường hay mang cơm qua cho mẹ,” chú kể.

“Hồi đó xưa lắm rồi, khi đó cuộc sống đơn giản lắm. Hồi đó Phong (tên của chú Eddie) còn nhỏ xíu, chú nhớ bồng nó sau lưng đi khắp nơi. Bọn chú chạy đi chơi cả ngày chẳng lo nghĩ gì hết”, chú kể, giọng bùi ngùi.

Chúng tôi chạy xe ra ngoại ô, về phía nông thôn, chạy qua những cánh đồng trà xanh nổi tiếng của Bảo Lộc. Chú kể tiếp những câu chuyện, hồi tưởng về quãng thời gian tươi đẹp tưởng chừng như mới đi qua chưa lâu. Chú kể cho tôi nghe huyền thoại Đamb’ri, câu chuyện tình buồn của một cặp đôi người dân tộc thiểu số. Theo như chuyện kể, có một đôi trai gái yêu nhau, hai người thuộc về hai bộ tộc có mối thù hằn sâu sắc từ bao đời. Chàng trai là K’đam, rất buồn vì không cưới được người yêu. Chàng trai bỏ ra đi, để lại B’ri đi tìm khắc khoải. Không tìm được người yêu, B’ri đi tới khu rừng gần ngôi làng của cô và khóc tới chết. Thân xác của cô hóa thành ngọn núi và nước mắt tuôn ra từ đó tạo thành dòng thác nước nổi tiếng.

Chúng tôi đi tiếp lên đồi, đi hết một con đường đất cho tới khi chúng tôi tới được một cánh đồng cà phê nhỏ. Chú Bảo đỗ xe và đi xuống. Chú chỉ vào một cái cọc gỗ phía xa, chúng tôi đi bộ chừng 100 mét thì tới.

“Đây là mảnh đất mà vợ chồng chú đã mua. Hi vọng là vài năm nữa khi cô chú nghỉ hưu, cô chú sẽ cho Pepsi và Coca cửa hàng và ngôi nhà, còn cô chú thì chuyển đến đây ở. Cô chú sẽ xây một ngôi nhà nhỏ ở đây, không hoa lệ gì nhưng cũng sẽ khang trang. Cô chú sẽ nuôi gà, vợ chú thì sẽ trồng rau, còn chú thì nuôi chó giống. Kế hoạch tuyệt không cháu?” chú mỉm cười hỏi tôi.

“Nhưng chú không muốn mở rộng kinh doanh à? Cửa hàng đang làm ăn tốt lắm mà chú, muốn mở to hơn chắc cũng dễ.” Tôi hỏi, hơi ngạc nhiên.

“Không. Pepsi thừa sức lo cho cửa hàng nếu nó muốn làm to hơn. Khi cháu tới tuổi của chú và đã sống nhiều năm như này rồi, cháu sẽ trân trọng những điều giản đơn. Vợ chú và chú chỉ muốn một cuộc sống đơn giản như ngày xưa để sống nốt quãng thời gian cuối đời.”

“Sống giản đơn để bạn có thể thực sự sống.” Có một câu tiếng Anh như vậy. Đó là một câu nói đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc. Trong một xã hội vật chất như ở Mĩ, người ta thường quên mất những điều quan trọng. Họ trở nên bị ám ảnh bởi lối sống hoang phí, rơi vào cảnh nợ nần và chi tiêu vượt quá khả năng của họ. Loại xe bạn đang lái, độ lớn của ngôi nhà bận ở, hay nhãn hiệu quần áo bạn mặc trở thành thứ định giá con người bạn.

Và lối sống ấy cũng đang vươn tới tận ViệtNam, làm lây nhiễm sang rất nhiều cư dân thành phố. Sự ám ảnh với vật chất: điện thoại iPhone, máy tính bảng iPad, xe máy Vespa, tách cà phê giá một trăm ngàn đồng trong những cửa hàng cà phê sang trọng, tất cả đang trở thành thời thượng. Bao lâu nữa thì những nét văn hóa và truyền thống của dân tộc sẽ bị phá hủy hoàn toàn, khi những câu chuyện cổ như huyền thoại Đamb’ri sẽ rơi vào quên lãng? Tôi khao khát mong muốn được giữ lại và bảo vệ Việt Nam của những ngày xưa cũ. Nhưng có lẽ tôi chỉ là một kẻ mơ mộng ngốc nghếch.

Bảo Lộc

Ngày hôm sau, tôi tạm biệt gia đình và lên đường. Chú Bảo đưa tôi tới đèo Bảo Lộc sau khi ăn một bát phở kiểu miền Nam. Nhà hàng được trang trí theo kiểu cổ điển với những bức chân dung treo tường, một vài chậu cây giả và nhạc vàng du dương, rất giống với bất kì quán phở nào ở bên Mĩ. Đó là một ban mai âm u, mây đen trên trời như dọa dẫm sẽ mang đến một ngày tồi tệ.

Chú Bảo và tôi ôm tạm biệt trên đỉnh ngọn núi trước khi chia tay nhau. Không lâu sau thì trời đổ mưa. Trời mưa vừa phải, không quá to, nhưng cũng đủ làm con đường bị trơn. Dù đã có ba ngày nghỉ dưỡng, đôi chân mệt mỏi của tôi vẫn không đi vững được.

Cú ngã đầu tiên khiến tôi dập mông xuống nền đất bùn bẩn. Một lát sau tôi lại trượt chân, lần này tôi bị ngã ra hẳn đường cái, cách chiếc xe máy đang đi tới chỉ vài mét. Cú ngã thứ ba mới thực sự làm tôi đau, làm căng cái đầu gối trái bị thương sẵn của tôi. Tôi không còn đi bộ nổi nữa, gần như phải lê cái chân đi, sợ không dám nhấc nó lên khỏi mặt đất.

Ba mươi phút trôi qua, rồi một người lạ bỗng dừng xe. Đằng sau chiếc áo mưa, giọng anh ta rất khó nghe, nhưng tôi hiểu anh ta ra hiệu cho tôi ngồi lên xe. Đã gặp nhiều người tốt trên đường đi, tôi không còn muốn cảnh giác nữa, quyết định nhảy lên xe. Người lạ mặt tăng tốc lái xe xuống núi, không để cơn mưa đang nặng hạt hơn làm cho sợ hãi. Chúng tôi lái xe một hồi lâu, không nói với nhau một câu nào, tiếng động duy nhất nghe thấy được là tiếng nước mưa rơi.

Xuống tới chân núi, người lái xe lại tăng tốc nhanh hơn. Tôi nhìn qua vai anh ta, thấy đồng hồ chỉ 80km/giờ. Tôi đã định đề nghị anh ta đi chậm lại, nhưng anh này có vẻ đang rất tập trung và muốn nhanh tới đâu đó. Tới một đoạn đường đầy sỏi đá mấp mô và ổ gà, ổ voi thì anh ta mới chịu đi chậm lại.

“Mấy con đường chết tiệt, lúc nào cũng xấu quá”, anh ta nói lớn, không có vẻ có chủ ý gợi chuyện.

“Ừ đúng thế. Cảm ơn vì đã cho tôi đi nhờ. Tôi tên là Trần Hùng John” tôi nói với anh ta.

“Nhìn xem. Nếu mà họ chịu bỏ tiền ra xây đường tốt và không ăn bớt cho vào túi, thì đã không phải sửa đường liên miên như vầy”, anh ta nói tiếp, mặc kệ điều tôi vừa nói.

“Anh tên là Vinh. Em tên là Hùng à? Em là người ở đâu?” rồi anh ta hỏi tôi.

Tôi giới thiệu một cách ngắn gọn, cả về bản thân lẫn hành trình này. Anh ta gật gù một cách thờ ơ, vẫn tập trung vào việc lái xe. Chúng tôi đi tiếp tới Ma Đa Goui, trời lúc tạnh lúc mưa. Người lái xe không nói gì với tôi ngoài việc nói rằng ngọn núi nhỏ chúng tôi vừa đi qua được gọi là Đèo Chuối vì hồi xưa người ta trông nhiều cây chuối ở đó.

“Em uống cà phê không? Anh mời”, anh nói khi chúng tôi tới Ma Đa Goui. Tôi gật đầu, muốn trốn khỏi trận mưa và hong khô bộ quần áo đã ướt nhẹp.

Anh Vinh là người Bảo Lộc, đã có vợ và là cha của hai cậu nhóc. Anh rút điện thoại để khoe ảnh hai đứa con cho tôi xem. Anh làm việc cho một công ty thực phẩm lớn, thường phải đi các nơi để khảo giá sản phẩm. Mức lương 11.000.000 đồng/ tháng của anh khá cao, nhưng anh không thích khoe khoang. Tôi thấy không thoải mái lắm nhưng việc hỏi han và chia sẻ về mức thu nhập là chuyện bình thường ở Việt Nam.

“Vậy tại sao anh dừng lại? Anh không sợ bị cướp à?”, tôi vừa hỏi vừa tháo đôi giày sũng nước.

“Không. Anh cũng hay đi xa mà. Anh vẫn thường dừng xe hỏi xem người ta có cần đi nhờ không. Làm điều tốt mà, Chúa luôn dạy mình phải làm điều tốt.”

Tôi không cần phải hỏi nhiều, nhận ra anh đang đeo chiếc vòng cổ có hình cây thánh giá quen thuộc. Khi còn nhỏ, tôi cũng có một cái gần như thế. Nhưng bây giờ khi đã lớn, mỗi khi nhắc đến Chúa, lòng tôi lại rộn lên những cảm xúc lẫn lộn. Tôi nhanh chóng chuyển chủ đề, không muốn anh Vinh giảng giải thêm về sức mạnh và tình yêu của Chúa. Suốt thời ấu thơ tôi đã lắng nghe những điều ấy. Chúng tôi ngồi và nói chuyện trước khi anh phải đi làm việc. Tôi ngồi lại lâu hơn, đợi cho mưa tạnh hẳn. Tiếp tục lên đường, tôi không thể không chú ý tới những ngôi nhà thờ to lớn được xây dưng khắp nơi. Cây thánh giá to lớn trên nóc mỗi tòa nhà là biểu tượng của người đàn ông được cho là đã hi sinh cả cuộc đời cho nhân loại.

Tôn giáo là điều rất quan trọng, nhưng không phải vì nó sẽ giúp bạn bước qua cánh cửa của Thiên đàng hay tới được cõi Niết bàn. Suy cho cùng, mọi tôn giáo đều dạy cho con người phải sống tốt và có đạo đức. Tôn giáo không cần thiết phải tuân theo một cách nghiêm ngặt, mà chỉ nên là những chỉ dẫn cho cuộc sống của chúng ta. Nó giúp con người có thêm niềm tim, mang cho chúng ta sự an ủi, cho chúng ta một cái gì đó tốt đẹp để tin vào. Tôi không phải là người mê tín, đối với bất kì tôn giáo nào, nhưng tôi tin rằng có một đấng quyền năng nào đó ở bên trên, có thể được gọi là Chúa, Phật, Allah hay bất cứ cái tên nào khác.

Tôi và tôn giáo vẫn luôn có một mối quan hệ rất thú vị. Tôi được sinh ra trong một gia đình theo Công giáo, được rửa tội trong nhà thờ. Trong phần lớn khoảng thời gian thơ ấu của mình, tôi là một người Công giáo mộ đạo, đi nhà thờ đều đặn vào mỗi Chúa nhật và khi cần thiết. Và trong những thời khắc đen tối nhất, tôi đã từng cầu xin “Chúa” cứu giúp và chỉ dẫn cho tôi.

“Thưa Chúa, nếu ngài giúp con lần này con hứa sẽ làm một người tốt hơn”, tôi vẫn thường quỳ gối cầu nguyện hàng đêm. Khi em họ Alexa của tôi sinh ra với căn bệnh hiểm nghèo và chỉ sống được một tuần, tôi đã khẩn thiết cầu nguyện Chúa cứu vớt cô bé. Nhưng ông ấy không đáp lại lời cầu nguyện của tôi. Sau tất cả những bi kịch và nỗi đau tôi đã trải qua trong đời, tôi đã tới nói chuyện với vị linh mục ở nhà thờ của tôi.

“Thưa Cha, nếu Chúa là toàn năng và đầy yêu thương, tại sao người để nhiều người vô tội phải chịu đựng và chết đi, tại sao không cứu rỗi?” tôi đặt câu hỏi, nhất định đòi một câu trả lời. Vị cha xứ nói về việc Chúa trời đã cho con người sự sống và một ý chí tự do, chúng ta phải có niềm tin vì ngài có kế hoạch riêng cho mỗi chúng ta. Không cần phải nói nhiều, câu trả lời của vị cha xứ là không thỏa đáng với tôi. Tôi tìm tới các tôn giáo khác, tìm kiếm câu trả lời nhưng không câu trả lời nào làm tôi thỏa mãn. Tôi đã tới các ngôi đền, các nhà thờ Hồi giáo, các giáo đường và rút ra được kết luận là chúng đều giống nhau cả.

Vấn đề không phải ở các học thuyết tôn giáo, mà ở chính cách giải thích và thực hành tôn giáo của con người. Vì chúng ta không thể nhìn thấy Chúa, Phật hay Allah nên chúng ta phải đi theo những người làm cho họ: cha xứ, sư hay các Imam. Nhưng không có con người nào là không có những thiên vị, cảm tính, cám dỗ và sai sót. Vì vậy, tôi không sốc lắm khi thấy những con người vẫn được gọi là thánh thiện đó đi xe ô tô, ngồi uống nước trong quán cà phê Highlands, dùng iPhone, iPad, và thường xuyên hỏi xin tiền “quyên góp”. Nếu tôi có lòng thành và muốn được cầu nguyện, tại sao tôi phải tìm một người nào khác để giúp tôi làm điều đó?

Vì vậy khi ai đó khuyên tôi nên tìm một ngôi chùa hoặc một nhà thờ nếu tôi không tìm được chỗ ở, tôi đã phản đối. Câu chuyện trở nên dễ hiểu hơn khi tôi tới Tân Phú. Lúc đó đã là chiều muộn, trời bắt đầu mưa to chưa từng thấy. Ở vài đoạn trên đường nước lên cao tới đầu gối tôi, tôi đói và mệt. Tôi đã hỏi xin vài người cho ở nhờ nhưng họ đều nói “không”, có lẽ là do trời mưa. Rồi tôi đi tới một cánh cổng của một khu nhà thờ rất lớn.

Bên cạnh nhà thờ chính, xung quanh là rất nhiều những tòa nhà khác bao gồm cả nhà ở và một chỗ nhìn như một bệnh xá nhỏ. Hình như Thánh lễ vừa kết thúc, mọi người đang ra khỏi nhà thờ. Tôi đi tìm vị linh mục, muốn tìm nơi dừng chân trú mưa một cách tuyệt vọng. Tìm mãi không thấy vị linh mục ở đâu, thay vào đó tôi gặp một vị giám đốc, người chịu trách nhiêm chính của nhà thờ.

“Xin lỗi, có linh mục ở đây không? Tôi muốn nói chuyện với ngài.” Tôi hỏi hai người đàn ông đang ngồi.

“Giờ ông ấy đang bận. Tôi quản lí nhà thờ ở đây. Tôi có thể giúp gì được?” một người hỏi.

“Tên tôi là John Trần. Tôi là người Mĩ gốc Việt đang đi du lịch xuyên Việt Nam. Tôi rất cần một nơi để ở qua đêm nay, chỉ một đêm thôi.”

“Xin lỗi, cậu không thể ở đây được.” người đàn ông trả lời.

“Nhưng tôi không có nơi nào để đi nữa và trời thì đang mưa to quá. Cho tôi ngủ đâu cũng được.” Tôi nài nỉ.

“Xin lỗi. Ở đây không có chỗ cho cậu ở. Cậu nên tìm một nhà nghỉ.” Ông ấy nói một cách lịch sự.

“Nếu được nói chuyện với linh mục, tôi sẽ…”

“Xin lỗi. Không được.”

Bị sốc và giận dữ vì bị nhà thờ từ chối giúp đỡ, tôi đã muốn hét vào mặt người đàn ông. “Ông không phải là người của Chúa”, tôi đã muốn nói vậy, nhưng tôi quyết định kiềm chế. Làm như vậy cũng chẳng ích gì. Tôi không còn lựa chọn nào khác, đành mặc lại chiếc áo mưa và đi ra. Những nhà thờ to lớn khoe vẻ giàu sang này không phải là nhà của Chúa, chúng thuộc về con người, được xây lên bởi bàn tay con người. Thật may cho tôi, tôi tìm được một nơi để ở nhờ là chỗ em họ của cô Thu, người tôi đã được gặp mấy ngày trước. Mẹ và em trai của cô sống ở Tân Phú, họ quyết định cho tôi ở nhờ một đêm.

Như thể số phận trêu đùa, vài ngày sau nỗi thất vọng của tôi trong nhà thờ ở Tân Phú, tôi lại gặp một nhà thờ khác. Và lần này, tôi còn ở trong một tình thế cấp bách hơn lần trước. Có lẽ người ta nói đúng, có lẽ người đàn ông ở trên cao kia đã có sẵn ô kế hoạch cho tất cả chúng ta.

Vài ngày sau khi rời Tân Phú, tôi tiếp tục lên đường, đi bộ dưới cái nắng ngột ngạt. Tôi đi rất chậm chạp. Từ khi tôi rời Bảo Lộc, thời tiết đã thay đổi chóng mặt, ẩm thấp hơn và nóng hơn. Nhưng những cơn mưa nặng hạt vẫn đến rồi đi. Tôi phải xin vào ở nhờ một góa phụ năm mươi hai tuổi dọc đường đi Núi Đất. Người phụ nữ rất cởi mở và thân thiện, có lẽ còn hơi quá thân mật.

“Chị già quá rồi. Em có nghĩ chị còn đẹp không?” người phụ nữ hỏi, kín đáo đặt bàn tay lên đầu gối tôi.

“Chị nhìn không già chút nào. Chị vẫn còn đẹp mà. Em chỉ tưởng chị ba mươi tám tuổi.” Tôi nói dối. Đó là lời thoại mà tôi đã đọc cho vô số phụ nữ lớn tuổi nghe để họ thấy vui.

“Ừ nhưng không có chồng, các con thì ở xa, một mình chị ở nhà thấy cô đơn lắm. Em nói em học tâm lí hả. Em làm sao giúp chị thấy vui hơn được không?” người phụ nữ nói với vẻ lo vô tư lắm.

Thái độ đong đưa của chị, dù tôi không mong đợi, nhưng ngày càng táo bạo hơn. Nếu tôi ở lại thêm một hay hai ngày, tôi dám chắc cô ấy đã cố ép tôi lên giường. Đêm tiếp theo tôi phải ra cắm trại ở một ngôi rừng cao su nhỏ, nơi có những tiếng động nghe rất đáng sợ lúc về đêm.

Giữa buổi chiều khi đang đi bộ, tôi nhận thấy có hai người đàn ông đang đi theo sau một cách đáng ngờ. Họ là hai người đàn ông còn trẻ, dáng người thô kệch, nói chuyện rất to mà tôi đã đi qua từ khi nãy. Tôi ngoái lại nhìn hai lần, và giờ thì khoảng cách giữa chúng tôi đã kéo gần hơn, trong khi tôi vẫn cố gắng đi nhanh hơn để tránh họ.

“Cậu đi đâu đó?”, người đàn ông thấp bé gầy gò gần như ghé sát vào tai tôi để nói, tay đập vào vai tôi.

“Em chỉ đang đi tới nhà bạn thôi”, tôi nói, thấy tim mình đập mạnh hơn khi câu trả lời làm liều của mình bị phản lại.

“Nhà bạn ở đâu? Cậu không phải người ở quanh đây. Cậu đi lạc hả?”, người đàn ông gầy gò hỏi tiếp.

Tôi gần như chắc chắn rằng đây là hai kẻ xấu. Tôi có linh cảm chuyện chẳng lành sắp xảy ra. Họ đã muốn cướp của tôi. Tôi nhìn thấy mắt của gã đàn ông dán chặt vào ba lô của tôi. Muốn cướp đồ của tôi giữa ban ngày thì quả là khôi hài. Nhưng người đang tuyệt vọng thì dám làm mọi việc. Tôi cần phải đi khỏi đây nhanh chóng.

“Để tụi tôi giúp cho. Nhà tôi ở ngay phía kia thôi, hay là tới đó nghỉ ngơi uống nước rồi chúng tôi đưa cậu đi tìm nhà bạn.”

“Không, cám ơn. Tôi không cần”, tôi nhìn xung quanh tìm một lối thoát an toàn, một quán cà phê hay đâu đó có người. Rồi tôi nhìn thấy hình thánh giá quen thuộc màu trắng được treo trên nóc một nhà thờ cao lên giữa những ngôi nhà.

“Đi nào. Trời nóng chắc cậu khát nước rồi. Ghé qua một chút thôi.” Gã đàn ông khăng khăng, hai người bọn họ tiến đến, mỗi người một bên tôi.

Tôi kiên nhẫn chờ cho tới một khoảng cách an toàn để tôi có thể chạy tới nhà thờ trước mặt, vừa đi vừa cùng họ diễn kịch. Hai người nhìn nhau một cách gian xảo. Tôi bắt đầu nghĩ tới những trường hợp tồi tệ nhất có thể xảy ra khi họ tấn công tôi. Tôi sẽ la lớn và gây náo loạn. Tôi nắm chặt nắm đấm, sẵn sàng vung ra nếu cần thiết. May mắn là tôi không phải dùng tới nó.

Đi tới gần nhà thờ, tôi đột ngột dừng lại để hai gã đi vượt lên, rồi tôi nhanh chóng đi thẳng vào trong cánh cổng. “Này đi đâu thế?” họ gọi theo tôi. “Tôi đi vào nhà thờ”, tôi vừa đi thẳng vào trong, vừa ngoái lại nhìn khuôn mặt thất vọng của hai gã. Có vẻ họ không đi theo tôi nữa, nhưng tôi cũng chẳng đứng lại để chờ xem họ có đi theo hay không mà vội bước vào phía sau cánh cửa nhà thờ.

Tôi tìm thấy vị linh mục của nhà thờ, kể cho ông nghe về câu chuyện của tôi. Lần này, vị linh mục đồng ý cho tôi ở nhờ. Tôi thậm chí còn dự buổi lễ ngày hôm sau. Tôi đã không đi nhà thờ hơn năm năm nay. Tôi quỳ gối bên hàng ghế dài và cầu nguyện. Cảm giác quen thuộc và thoải mái đến kì lạ. Tôi không cầu Chúa một cách cụ thể, tôi cầu nguyện cho bất cứ đấng quyền năng nào có thể nghe thấy tôi. Tôi dành những lời cầu nguyện của mình cho gia đình, bạn bè và cho Việt Nam.

Cầu nguyện không phải là mê tín. Không có chút gì thuộc về tín ngưỡng ở đây, đó chỉ là một khoảng lặng yên bình. Tôi còn cách Sài Gòn khoảng ba ngày đi bộ nữa. Đã bảy mươi bảy ngày kể từ khi tôi rời Hà Nội. Tôi đã đi được một đoạn đường xa. Nghĩ lại những gì đã xảy ra trong mười một tuần vừa rồi, mọi thứ trở nên sáng rõ hơn. Không có phép màu, không có sự can thiệp của đấng tối cao, không có số phận, không có sự giúp đỡ của Chúa trời nào cả, mọi thứ tôi làm được là do sức lực của chính tôi tạo ra. Qua mọi điều đã xảy ra, có một điều chắc chắn không bao giờ thay đổi, đó là niềm tin của tôi dành cho chính bản thân tôi. Và đó là điều mà tự bạn cũng có thể luôn luôn tin tưởng. Chính bạn kiểm soát số phận của mình. Chỉ bạn và bạn mà thôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.